TÓM TẮT
Nổi bật với khả năng truyền tải thông tin trực quan, Infographic Animation giúp
người đọc nắm bắt ý tưởng một cách nhanh chóng và dễ nhớ. Đây sẽ là một phương tiện
dạy học hiện đại đóng vai trò tích cực trong việc đổi mới dạy học Địa lí ở các trường trung
học phổ thông (THPT). Bài viết giới thiệu quy trình thiết kế một video clip Infographic
Animation cơ bản và cách thức sử dụng chúng hiệu quả trong dạy học Địa lí 11.
9 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 761 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thiết kế và sử dụng Infographic Animation trong dạy học Địa lí 11, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
96
THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC ANIMATION
TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11
Trần Thúy Duyên
(Sinh viên năm 4, Khoa Địa lí)
GVHD: ThS Bùi Vũ Thanh Nhật
TÓM TẮT
Nổi bật với khả năng truyền tải thông tin trực quan, Infographic Animation giúp
người đọc nắm bắt ý tưởng một cách nhanh chóng và dễ nhớ. Đây sẽ là một phương tiện
dạy học hiện đại đóng vai trò tích cực trong việc đổi mới dạy học Địa lí ở các trường trung
học phổ thông (THPT). Bài viết giới thiệu quy trình thiết kế một video clip Infographic
Animation cơ bản và cách thức sử dụng chúng hiệu quả trong dạy học Địa lí 11.
Từ khóa: Địa lí, Infographic Animation, phương tiện trực quan.
1. Đặt vấn đề
Quá trình đổi mới phương pháp dạy và học Địa lí đang diễn ra một cách sâu rộng
và đạt được nhiều thành quả tích cực. Không chỉ phương pháp, việc sử dụng các
phương tiện dạy học tích cực cũng rất được chú trọng. Thông qua sự hướng dẫn của
giáo viên (GV), học sinh (HS) có khả năng chủ động khai thác nguồn tri thức từ các
phương tiện này một cách hiệu quả. Yêu cầu đặt ra là các phương tiện được sử dụng
phải thật sự độc đáo và mới mẻ, có khả năng tạo hứng thú học tập của HS.
Infographic Animation chính là một trong nhiều phương tiện trực quan hiện đại
đáp ứng được những yêu cầu trên và mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua các hình
ảnh đồ họa, hiệu ứng sinh động và sự sắp xếp ý tưởng sáng tạo, những kiến thức Địa lí
được truyền tải đến HS một cách trực quan, sinh động hơn. Nội dung bài học sẽ không
còn khô khan và nhàm chán, bên cạnh đó lại cập nhật thêm những sự kiện Địa lí mới
đang diễn ra trên thế giới (TG), giúp HS dễ dàng ghi nhớ kiến thức và bổ sung thêm
những thông tin bổ ích bên ngoài sách giáo khoa (SGK).
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tổng quan về Infographic Animation
Những năm gần đây, Infographic thật sự trở thành tâm điểm chú ý như một cách
để truyền đạt những ý tưởng, thông tin phức tạp bằng các hình ảnh trực quan, sinh
động. Khi công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh mẽ, Infographic còn được biến
hóa và nâng cấp thành các video clip Infographic Animation, có thể hiểu đơn giản là
những phiên bản Infographic “động”. Ưu điểm của nó là sự hấp dẫn cả về hình ảnh đồ
họa, kết hợp với âm thanh cũng như những hiệu ứng chuyển động đẹp mắt.
Tác giả xin được đề xuất một định nghĩa khái quát về sản phẩm CNTT đặc biệt
này như sau: “Infographic Animation là sự kết hợp hai khái niệm Infographic (đồ họa
Năm học 2016 - 2017
97
thông tin) và Animation (hoạt ảnh). Nó sử dụng kĩ xảo diễn hoạt cho các hình ảnh đồ
họa trực quan hay nhân vật đơn giản, tạo ra ảo giác về sự chuyển động của các đối
tượng này nhằm truyền tải những thông tin đa dạng theo từng chủ đề cụ thể đến người
xem.”
Mỗi video clip Infographic Animation là một sản phẩm đồ họa hoàn chỉnh,
thường có thời lượng khá ngắn, từ 30 giây đến dưới 5 phút. Về cấu trúc, nó bao gồm
các thành phần cơ bản sau:
+ Hình ảnh đồ họa: Đây là công cụ quan trọng nhất để truyền tải thông tin trong
Infographic Animation, bao gồm hình khối, biểu tượng, logo, biểu đồ, bản đồ
+ Từ khóa: Infographic Animation vẫn sử dụng các từ khóa, câu văn ngắn gọn để
nhấn mạnh nội dung cần người xem ghi nhớ, hoặc để giải thích, làm rõ nội dung của
hình ảnh đồ họa.
+ Nhân vật: Nhân vật trong Infographic Animation thường chỉ mang tính chất bổ
trợ. Nhân vật có thể đóng vai trò là người dẫn chuyện, hay nhân vật mang tính hình
tượng, đại diện cho một nhóm người cụ thể hay cho chính bản thân người xem nhằm
nhấn mạnh tính nhân sinh trong nội dung thông điệp cần truyền tải.
Ngoài ra còn có nhạc nền, thuyết minh, phụ đề, live action (cảnh quay thật)
Với các đặc điểm trên, Infographic Animation có thể được ứng dụng để truyền tải
đa dạng các chủ đề theo nhiều cách tiếp cận nội dung khác nhau, bao gồm:
+ Giải thích khái niệm, mô tả đối tượng;
+ Mô tả quá trình hình thành và phát triển, các quy trình sản xuất;
+ Cung cấp các thông tin mới;
+ So sánh giữa hai hay nhiều đối tượng;
+ Thống kê số liệu;
+ Bàn luận, giải thích vấn đề
2.2. Tác dụng của Infographic Animation
Ngày nay, con người trong cuộc sống hiện đại đang phải đối mặt với sự bùng nổ
thông tin. Và để giải quyết tình huống trên, trực quan hóa dữ liệu được xem là phương
pháp hữu hiệu nhất vì nó phù hợp với quá trình tiếp thu thông tin tự nhiên của con
người.
Trong xu hướng đó, Infographic Animation được xem là phương tiện nổi bật
trong giới truyền thông, một phương pháp trực quan hóa thông tin hữu ích. Vì nó kết
hợp hài hòa các biểu tượng trực quan, hình ảnh, số liệu, từ khóa, hiệu ứng chuyển động
và âm thanh, giúp người xem ghi nhớ nhanh chóng và lâu bền hơn.
Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
98
(Lester, P.M., 2006)
Hình 1. Khả năng ghi nhớ con người thông qua các giác quan
Sử dụng Infographic Animation có tác dụng thu hút người xem rất tốt. Người ta
thường chỉ hứng thú đọc khoảng 20% thông tin bằng chữ trên các trang web, trong khi
sử dụng một video clip Infographic Animation chất lượng có thể nâng con số này lên
gấp 4 lần. Sự hấp dẫn đó xuất phát từ việc chú trọng đến màu sắc ở khâu thiết kế, kích
thích được thị giác của người xem.
Các trang thông tin trực tuyến sử dụng Infographic Animation cũng có lượng
tương tác cao hơn đến 12% so với các trang không sử dụng. Đồng thời, việc chia sẻ các
video clip này trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Pinterest... rất dễ dàng
được hưởng ứng. Cụ thể, mọi người yêu thích chia sẻ Infographic Animation hơn gấp
40 lần so với việc chia sẻ văn bản thông thường.
Sự “bội thực” thông tin trong thời đại hiện nay cũng tạo ra nhu cầu đọc nhanh,
lướt qua các thông tin chính. Các video clip Infographic Animation sử dụng một cách
hợp lí các biểu tượng trực quan, giúp người xem nắm bắt ý tưởng nhanh chóng mà vẫn
đầy đủ nội dung cần truyền tải.
(Lester, P.M., 2006)
Hình 2. Thời gian xử lý thông tin của não người
Năm học 2016 - 2017
99
Infographic Animation tổng hợp thông tin theo từng chủ đề riêng biệt, nhờ đó
người xem dễ dàng hệ thống được kiến thức. Hơn nữa, mỗi kịch bản đều chú ý đến tính
logic, sắp xếp bố cục nội dung và hình ảnh sao cho bật lên các mối liên hệ nhân quả, so
sánh tương quan, liên hệ thực tiễn Điều này hỗ trợ tích cực cho việc hình thành và
bồi dưỡng tư duy logic của con người, nhất là các em HS đang trong quá trình hoàn
thiện nhận thức.
2.3. Sử dụng Infographic Animation trong dạy học Địa lí
Infographic Animation giúp hoàn thiện các khái niệm, biểu tượng Địa lí
Trong khi giới hạn về không gian và nội dung của khoa học địa lí quá rộng lớn,
chúng ta lại không thể đưa HS đi khắp nơi để trải nghiệm thực tế, hiểu rõ được mọi vấn
đề. Do đó, Infographic Animation thực sự là phương tiện giúp hoàn thiện kiến thức đặc
thù bộ môn cho HS rất tốt. Các khái niệm, biểu tượng Địa lí nếu được minh họa bằng
các hình ảnh, biểu tượng trong Infographic Animation thì HS dễ dàng hình dung được,
từ đó, khắc sâu trong trí nhớ các em.
Infographic Animation cung cấp một nguồn tri thức mới lạ
Infographic Animation có khả năng hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho việc dạy học Địa
lí. Các video clip Infographic Animation cung cấp cho HS một lượng tri thức khoa học
nhất định. Nhiệm vụ của HS là quan sát và chọn lọc thông tin, nội dung quan trọng để
nhớ, để chuyển thể thành “vốn riêng” của mình. Đó cũng là một hình thức HS chủ động
tìm kiếm tri thức. Nó cũng có thể kết hợp với nhiều hoạt động học tập, các bài tập nhận
thức do GV thiết kế. Với cách sử dụng tích cực này, khả năng tái hiện thông tin trong
trí nhớ HS còn tăng lên rất đáng kể. Vì theo tác giả P. M. Lester trong tác phẩm “Lí
thuyết giao tiếp bằng hình ảnh”, qua những nghiên cứu của mình, ông đưa ra kết luận
rằng, khi con người kết hợp đồng thời khả năng nghe, nhìn và thực hành thực tế thì
hiệu suất trí nhớ đạt hơn 90%.
Kích thích hứng thú học tập ở HS
Địa lí là bộ môn mở ra cho các em một bức tranh về thế giới rộng lớn, về những
vùng đất, con người từ khắp nơi trên TG, đặc biệt là Địa lí 11. Nếu những giờ học Địa
lí chỉ bó hẹp trong phạm vi lớp học, thầy nói, trò ghi chép, khai thác thông tin SGK thì
những ưu điểm và sự hấp dẫn đặc thù của bộ môn sẽ dễ dàng bị triệt tiêu. Thay vì đọc
chữ, có vẻ như khô khan, trừu tượng thì các em được theo dõi các video clip
Infographic Animation hấp dẫn, sinh động hơn. Qua đó học sinh chú ý nhiều hơn đến
bài học, đến nội dung học tập, giảm bớt đi căng thẳng, buồn chán mà vẫn đạt được mục
tiêu học tập đề ra. Cũng chính từ sự hứng thú học tập này, HS sẽ tích cực tham gia các
hoạt động học tập, chủ động tìm kiếm tri thức cho mình.
Tăng cường hoạt động nhận thức tích cực, độc lập của HS
Quá trình dạy học một bài học Địa lí sử dụng Infographic Animation là quá trình
hình thành hệ thống kiến thức Địa lí và bồi dưỡng kĩ năng khai thác phương tiện. Đó là
Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
100
quy trình dạy học tích cực, quy trình nhận thức chủ động của HS. Đặc điểm cơ bản của
quy trình nhận thức này là:
- Người học, chủ thể của hoạt động nhận thức, tự mình tìm ra kiến thức bằng hoạt
động khai thác các video clip Infographic Animation.
- Người học tự thể hiện mình và hợp tác với bạn học thực hiện nhiệm vụ học tập.
- Nhà giáo – chuyên gia trong giờ học Địa lí – là người thiết kế, tổ chức và hướng
dẫn quá trình khai thác phương tiện, tìm ra kiến thức.
- Người học tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh dưới sự hướng dẫn của GV.
Dưới sự hướng dẫn của GV, HS chủ động chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng, phát
triển năng lực, tư duy Địa lí.
Infographic Animation làm phong phú thêm các sản phẩm trong dự án học tập
Hiện nay, tại một số trường THPT, nhiều GV đã tổ chức các dự án dạy học tích
cực, mỗi dự án yêu cầu HS tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng. Thiết nghĩ, nếu GV có thể
hướng dẫn các em HS thực hiện một video clip Infographic Animation đơn giản để thể
hiện sự đầu tư nghiêm túc của mình. HS sẽ rất tích cực tìm tòi, học hỏi và làm việc say
mê. GV thông qua đây có thể hình thành một năng lực quan trọng, phù hợp với xu
hướng đổi mới giáo dục nước ta hiện nay – năng lực CNTT và truyền thông (ICT).
2.4. Quy trình thiết kế Infographic Animation cơ bản
Thiết kế nên một video clip Infographic Animation là quá trình đòi hỏi đầu tư
nhiều thời gian, công sức và đặc biệt là khả năng sử dụng một số phần mềm đồ họa cơ
bản. Quy trình thiết kế thể hiện trong sơ đồ sau:
Hình 3. Quy trình thiết kế một Infographic Animation
Năm học 2016 - 2017
101
2.5. Các video clip Infographic Animation được sử dụng trong đề tài
Đề tài đã xây dựng được 6 video clip Infographic Animation hoàn chỉnh và có thể
sử dụng trong dạy học Địa lí 11. Trong đó có 3 video clip do tác giả tự lên ý tưởng, viết
kịch bản và thiết kế hoàn thiện.
7 tỉ và bài toán dân số thế giới
- Thời lượng: 2 phút 27 giây.
- Nội dung chính: Xoay quanh vấn đề bùng nổ dân số TG.
- Video clip này có thể được sử dụng để giảng dạy mục I.1. Bùng nổ dân số
trong bài 3: Một số vấn đề toàn cầu.
Trung Quốc – Những vấn đề về dân cư và xã hội
- Thời lượng: 2 phút 34 giây.
- Nội dung chính: Đặc điểm dân cư và xã hội Trung Quốc, bàn luận về việc thực
hiện chính sách một con.
- Video clip này có thể sử dụng cho việc giảng dạy mục III. Dân cư và xã hội
trong bài 10: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – tiết 1: Tự nhiên, dân cư và xã hội.
Những điều bạn chưa biết về ASEAN
- Thời lượng: 3 phút 13 giây.
- Nội dung chính: Giới thiệu về ASEAN và một số thành tựu cơ bản.
- Video clip này có thể sử dụng cho việc giảng dạy mục II. Thành tựu của
ASEAN trong bài 11: Khu vực Đông Nam Á – tiết 3: Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Đồng thời, tác giả cũng sử dụng hình ảnh từ một số video clip có sẵn trên
Internet, biên tập lại hoàn chỉnh để phù hợp với nội dung bài học, cũng như thay đổi
ngôn ngữ của video clip nước ngoài.
APEC: Quá trình hình thành và phát triển thịnh vượng
- Thời lượng: 2 phút 17 giây.
- Nội dung chính: Giới thiệu về APEC và những thành tựu lớn.
- Video clip này có thể sử dụng cho việc giảng dạy mục II. Xu hướng khu vực
hóa kinh tế trong bài 2: Xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế.
Trái Đất đã thay đổi như thế nào?
- Thời lượng: 3 phút 18 giây.
- Nội dung chính: Nguyên nhân, biểu hiện và hệ quả của biến đổi khí hậu toàn
cầu.
- Video clip này có thể sử dụng cho việc giảng dạy mục II.1. Biến đổi khí hậu
toàn cầu và suy giảm tầng ôzôn trong trong bài 3: Một số vấn đề toàn cầu.
Nguồn nước quý giá
- Thời lượng: 2 phút 30 giây.
- Nội dung chính: Tổng quan về nguồn nước trên Trái Đất và các biện pháp tiết
kiệm nước.
- Video clip này có thể sử dụng cho việc giảng dạy mục II.2. Ô nhiễm nguồn
nước ngọt, biển và đại dương trong trong bài 3: Một số vấn đề toàn cầu.
Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
102
0%
10%
20%
30%
40%
50%
60%
0 - 2/10 3 - 5/10. 6 - 8 /10. 9 - 10/10.
Lớp ĐC 13% 24% 53% 10%
Lớp TN 0% 13% 51% 36%
2.6. Thực nghiệm sư phạm
Mục đích thực nghiệm là xác định tính khả thi và hiệu quả của việc sử dụng
Infographic Animation trong dạy học Địa lí 11. Tác giả đã tiến hành với 2 lớp đối
chứng (ĐC) và thực nghiệm (TN) ở khối 11 ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Thành
phố Hồ Chí Minh. Cả 2 lớp được học cùng một đơn vị kiến thức là bài 10, tiết 1: Tự
nhiên, dân cư và xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi lớp lại được học theo một phương
pháp khác nhau ở mục III. Dân cư và xã hội. Lớp ĐC được GV giảng dạy đơn thuần
dùng lời, sử dụng các phương tiện truyền thống là bản đồ, biểu đồ. Ở lớp TN, GV cho
HS xem video clip Infographic Animation trước, sau đó tiến hành tổ chức hoạt động
học tập. Cuối mỗi tiết học, GV cho HS làm phiếu khảo sát phản hồi và ở cuối mỗi
phiếu là 10 câu hỏi trắc nghiệm khách quan về đặc điểm dân cư, xã hội Trung Quốc.
Kết quả thực nghiệm sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quan về hiệu quả khi sử dụng
phương tiện trực quan hiện đại này vào dạy học, so sánh với phương pháp truyền
thống.
Về khả năng ghi nhớ nội dung bài học
Tiến hành chấm kết quả 10 câu trắc nghiệm khách quan về nội dung kiến thức đã
học của HS.Sau đó tổng hợp và thể hiện trên biểu đồ so sánh mức độ ghi nhớ của HS ở
lớp ĐC và lớp TN. Quan sát biểu đồ ta dễ dàng nhận thấy, phần lớn HS ở cả 2 lớp có
mức độ ghi nhớ khá tốt khi trả lời đúng 6-8/10 câu hỏi. Tuy nhiên, ở mức dưới trung
bình (dưới 5/10 câu) và mức giỏi từ 9 câu trở lên lại có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó,
HS ở lớp TN, sau khi được xem video clip Infographic Animation và tham gia hoạt
động học tập, hiệu quả ghi nhớ của các em tốt hơn hẳn so với lớp ĐC, với 36% HS đạt
mức giỏi và không có HS đạt mức kém (dưới 2 câu).
Biểu đồ 1. Mức độ ghi nhớ nội dung bài học của lớp ĐC và lớp TN
Năm học 2016 - 2017
103
Về mức độ hứng thú, tập trung và tích cực hoạt động của HS
Đề tài cũng thu nhận ý kiến phản hồi của HS qua phiếu khảo sát cuối buổi học và
tổng hợp thành bảng sau đây:
Bảng 1. Kết quả khảo sát học sinh lớp ĐC và lớp TN
Tiêu chí 1 2 3 4
1. Mức độ hứng thú
+ Lớp ĐC
+ Lớp TN
2. Mức độ tập trung chú ý
của HS với nội dung bài học
+ Lớp ĐC
+ Lớp TN
3. Mức độ tích cực tham gia
xây dựng bài học
+ Lớp ĐC
+ Lớp TN
7%
33%
11%
56%
2%
13%
15%
62%
47%
42%
20%
64%
69%
5%
29%
2%
56%
21%
9%
0%
13%
0%
22%
2%
Tác giả kí hiệu mức độ 1, 2, 3, 4 trên bảng như sau:
+ 1 là các mức cao nhất như: Rất hứng thú, rất tập trung, rất tích cực tham gia.
+ 2 là các mức khá cao như: Hứng thú, tập trung, tích cực tham gia.
+ 3 là mức Bình thường.
+ 4 là các mức thấp nhất như: Không hứng thú, không tập trung, không tham gia.
Qua phản hồi của HS, ta nhận thấy việc sử dụng Infographic Animation để minh
họa bài học có khả năng gây hứng thú và thu hút sự chú ý của HS khá tốt và nếu chúng
ta kết hợp khéo léo quá trình quan sát Infographic Animation cùng với tổ chức hoạt
động khai thác phương tiện học tập, thì phản hồi của HS cải thiện rất đáng kể, nhất là
trong mức độ tích cực tham gia, chủ động tìm kiếm tri thức.
3. Kết luận
3.1. Đóng góp của đề tài
Đề tài bước đầu đã xây dựng được cơ sở lí thuyết về khái niệm và đặc điểm của
Infographic Animation, khẳng định ưu điểm vượt bậc của nó trong việc truyền tải
thông tin. Đồng thời, làm rõ vai trò của phương tiện trực quan hiện đại này trong quá
trình dạy học Địa lí 11.
Kết quả thiết thực nhất của đề tài chính là thiết kế và biên soạn được 6 video clip
Infographic Animation hoàn chỉnh, có thể sử dụng hiệu quả trong dạy học Địa lí 11.
Hơn nữa, đề tài cũng đã tiến hành thực nghiệm để so sánh mức độ hứng thú, tập
trung, mức độ tích cực và khả năng ghi nhớ kiến thức của HS sau khi được học với 2
cách thức khác nhau: giảng giải truyền thống và sử dụng phương tiện kết hợp với hoạt
động học tập.
Kỉ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
104
3.2. Một số lưu ý khi sử dụng Infographic Animation trong dạy học Địa lí 11
GV nên cân nhắc kĩ trong việc lựa chọn các video clip Infographic Animation có
nội dung và hình thức phù hợp với từng bài học cụ thể. Và cũng không nên sử dụng
quá nhiều video clip trong một tiết học vì dễ gây ra sự quá tải với khả năng tiếp thu
thông tin của HS.
GV nên thiết kế nhiều hoạt động học tập khác nhau để khai thác nội dung của các
video clip Infographic Animation. Đặc biệt chú ý đến năng lực của HS để lựa chọn
hoạt động học tập phù hợp.
3.3. Hướng phát triển của đề tài
Thiết kế và sử dụng Infographic Animation trong dạy học là một vấn đề mới
nhưng có nhiều hiệu quả thiết thực. Việc ứng dụng sản phẩm công nghệ thông tin hiện
đại này nên được nhân rộng ra nhiều bộ môn khác phù hợp như Lịch Sử, Văn học, Sinh
học. Riêng đối với môn Địa lí, không chỉ chương trình Địa lí 11 mà nội dung Địa lí lớp
10,12 nếu được giảng dạy bằng Infographic Animation cũng sẽ rất hấp dẫn và thú vị.
Nếu được đầu tư nghiêm túc, thiết kế và xây dựng thành một hệ thống các video
clip Infographic Animation dành cho tất cả các bài học Địa lí THPT thì sẽ tạo điều kiện
cho nhiều GV có thể sử dụng phương tiện này hơn nữa. Đồng thời đó cũng sẽ là một
nguồn thông tin đáng tin cậy cho các bạn HS mong muốn tìm hiểu thêm nhiều kiến
thức mới, bổ ích, hỗ trợ cho quá trình tự học và ôn tập của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Hải (2014), Một số vấn đề về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
dạy học, Sáng kiến kinh nghiệm Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.
2. Nguyễn Thế Nhất (2015), “Thiết kế và thử nghiệm một số phim hoạt hình phục vụ dạy
học Địa lí 10 theo hướng phát huy tính hứng thú học tập của học sinh”, Kỷ yếu Hội
nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Địa lí lần thứ X, TP Hồ Chí Minh: Trường
Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Trọng Phúc (1998), Phương pháp sử dụng các phương tiện dạy học Địa lí ở
trường phổ thông, Hà Nội: Nxb Giáo dục.
4. Lester, P.M. (2006), Syntactic Theory of Visual Communication, Fullerton: California
State University.