Tóm tắt. Thơ nữ những năm đầu thế kỉ XXI, bên cạnh những vận động biến đổi
về nội dung là những trăn trở, tìm tòi, cách tân một cách ráo riết về hình thức biểu
hiện. Một trong những phương diện cách tân hình thức ấn tượng là hiện đại hóa về
mặt kết cấu. Bài viết đã chỉ ra đặc điểm và hiệu ứng tác động của một vài kiểu kết
cấu đáng chú ý: kết cấu theo kiểu phân tán, gián đoạn; kết cấu theo kiểu cắt dán,
lắp ghép; kết cấu theo kiểu sắp đặt, tạo hình.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 320 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thơ nữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI - Xu hướng hiện đại hóa về mặt kết cấu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Interdisciplinary Sci., 2014, Vol. 59, No. 1, pp. 123-129
THƠ NỮ Ở VIỆT NAM NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỈ XXI-
XU HƯỚNG HIỆN ĐẠI HÓA VỀ MẶT KẾT CẤU
Đặng Thu Thủy
Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Thơ nữ những năm đầu thế kỉ XXI, bên cạnh những vận động biến đổi
về nội dung là những trăn trở, tìm tòi, cách tân một cách ráo riết về hình thức biểu
hiện. Một trong những phương diện cách tân hình thức ấn tượng là hiện đại hóa về
mặt kết cấu. Bài viết đã chỉ ra đặc điểm và hiệu ứng tác động của một vài kiểu kết
cấu đáng chú ý: kết cấu theo kiểu phân tán, gián đoạn; kết cấu theo kiểu cắt dán,
lắp ghép; kết cấu theo kiểu sắp đặt, tạo hình.
Từ khóa: Thơ nữ Việt Nam, đầu thế kỉ XXI, hiện đại hóa về mặt kết cấu phân tán,
gián đoạn, cắt dán, lắp ghép, sắp đặt, tạo hình.
1. Mở đầu
Trong những năm đầu của thế kỉ XXI, số lượng những cây bút nữ ngày càng trở nên
đông đảo, gồm đủ mọi lứa tuổi, thế hệ, thành phần tạo thành một làn sóng ấn tượng khiến
cho thi đàn trở nên đầy sinh khí. Thơ nữ, bên cạnh những vận động, biến đổi về mặt nội
dung là những trăn trở, tìm tòi, cách tân một cách ráo riết về hình thức biểu hiện. Một
trong những phương diện cách tân hình thức ấn tượng là xu hướng hiện đại hóa về mặt kết
cấu.
Tổ chức bài thơ một cách lớp lang chặt chẽ là kiểu tư duy truyền thống bởi các thể
thơ truyền thống đều mang tính quy phạm rõ nét. Về cơ bản, lôgic hiện thực được nhà thơ
tôn trọng. Các thể thơ đều có sẵn những bản thiết kế, những bộ khung kết cấu. Như một
người thi công, người viết chỉ việc tìm đủ vật liệu hợp lí để hoàn thành công trình kiến
trúc của mình. Do kết cấu tổng thể là bất biến nên người ta đổ công sáng tạo, tô vẽ, chăm
chút ở những tiểu tiết: từ, ngữ, thanh âm. Càng về sau này, những bản thiết kế ấy càng mất
thiêng vì nó hạn chế cá tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Tuy không nhất thiết tuân thủ theo
những quy tắc luật lệ ấy nữa song lối tư duy tuyến tính, đơn nghĩa, đuổi theo thực hiện
một ý đồ có sẵn về cơ bản vẫn được duy trì. Thơ nữ, bên cạnh mảng thơ vẫn được tổ chức
theo lối truyền thống là những phá cách hết sức tự do với sự vận dụng những kĩ thuật hiện
đại của văn học phương Tây: gián cách, cắt dán, lắp ghép, sắp đặt, trình diễn...
Ngày nhận bài: 15/7/2013 Ngày nhận đăng: 31/12/2013
Liên hệ: Đặng Thu Thủy, e-mail: dangthuy118@yahoo.com
123
Đặng Thu Thủy
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Kết cấu theo kiểu phân tán, gián đoạn
Tổ chức kết cấu bài thơ theo kiểu này không phải là phát kiến của thơ nữ. Nó có
nguồn gốc từ lối viết tự động của chủ nghĩa siêu thực ở phương Tây thế kỉ trước. Ở Việt
Nam mấy chục năm về trước, các nhà thơ sáng tác theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa cũng
đã đi theo hướng này.
Cuộc đời không êm chèo mát mái, hiện thực đời sống phong phú, phức tạp, biến
hóa khôn lường, ẩn tàng đầy nghịch lí, phi lô gic, nhiều khi không thể nhận thức, phân
tích dựa trên những quy luật bất biến. Đôi khi lí trí cũng mù lòa, kinh nghiệm của lí trí
không giúp con người ta chiếm lĩnh hiện thực trong tính tổng thể, toàn vẹn của nó. Trái
lại, nó có thể chỉ cho ta thấy một hiện thực bị biên tập, cắt gọt sao cho trở nên ngăn nắp,
mạch lạc - một “hiện thực giả”. Mặt khác, sự hoạt động mạnh mẽ của “đời sống thứ hai”,
sự đổi mới trong quan niệm về thơ (thơ không chỉ phản ánh cái thực, cái hữu hình của đời
sống mà còn rất quan tâm đến cái ảo của thế giới tâm linh vô thức) tất yếu dẫn đến cách
tổ chức tác phẩm như thế này. Một số tác giả rất đề cao việc dựa vào những kinh nghiệm
của vô thức, tiềm thức, trực giác trong quá trình sáng tạo, xem đó là nhân tố quan trọng
dẫn đến việc tổ chức kết cấu bài thơ. Nhiều bài tưởng như rất rời rạc, phi lô gic ở bề mặt
những lại nguyên phiến, nhất quán ở bề sâu.
Đọc tập thơ Họ - bột hư ảo của Nguyễn Thúy Hằng, Dương Tường nhận xét: “Tôi
nghiệm thấy những tập sách của Thúy Hằng, đặc biệt là Họ - bột hư ảo, có thể đọc rất tùy
tiện bất kì đoạn nào - nhảy cóc, đảo ngược từ phần cuối trở lên... - không theo trật tự do tác
giả sắp xếp trong mục lục. Cái cấu trúc phản cấu trúc ấy, cái phiêu cuồng của tưởng tượng
được tháo bỏ xích ấy, cái bất kham với mọi quy ước, định luật ấy, cộng hưởng với nhau,
làm nên sự quyến rũ không phải không nhuốm chút tê tái của nghệ thuật Thúy Hằng” [1].
Thơ Nguyễn Thúy Hằng có những bài thơ, đoạn thơ dày đặc các hình ảnh kì lạ, phi
lô gic, chỉ có thể là sản phẩm của trí tượng tượng: “Lạ thay khi nút báo của nồi cơm điện
nhảy tách từ màu đỏ sang màu xanh thì tôi nghe lại tiếng rống nho nhỏ từ bên trong, mở
ra thì thấy một chú bò bé bằng con chuột nhắt đang bơi lội giữa hành, tỏi, dấm và vài con
tôm nhỏ. Chú bò nhỏ bỗng cựa quậy và nhảy phắt ra khỏi nồi, đi lung tung, sục sạo khắp
nơi trong nhà. Cuối cùng, chú bò đến chân tôi, cạ cái mõm vào cổ chân, rồi cứ đứng nhìn
tôi chờ đợi” (Do đó, nó lại đến). Không hiểu những dòng này có phải là thơ? Và nó có
khả năng chinh phục được độc giả hay không? Đó là một trò đố chữ hay ẩn dụ? Một sự
hoang tưởng ẩn ức hay sự nhập nhòa giữa thực tại và tiềm thức? Cần phải làm thế nào để
giải mã đoạn thơ, bản thân những câu chữ ấy không nói và tác giả cũng không hé lộ điều
gì. Những câu, những bài như thế không thiếu gì trên những trang thơ trẻ.
Thơ Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Ly Hoàng Ly, Thanh Xuân, Nguyệt Phạm,
Khương Hà, Phương Lan. . . có không ít những thi ảnh chắp nối, gãy khúc rất khó nắm
bắt, những tư tưởng ẩn khuất nhiều khi chỉ đọc được bằng cảm giác.
Tính chất gián đoạn trong thơ nữ giai đoạn này còn thể hiện ở cấp độ câu thơ, dòng
thơ: giản lược một cách tối đa sự tường trình, diễn giải; gần như triệt tiêu các quan hệ
124
Thơ nữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI - Xu hướng hiện đại hóa về mặt kết cấu
từ, liên từ ngầm mách bảo mối quan hệ của các từ ngữ, hình ảnh, sự vật. Người đọc chỉ
còn cách suy đoán, tự tìm ra sợi dây logic liên kết ngầm ẩn đằng sau bề mặt câu chữ. Sự
giãn nở hay co rút của các dòng thơ hết sức tự do, sự liên kết giữa các đơn vị ngôn từ
có xu hướng phá bỏ những trật tự lô gic thông thường: “Con đường đê mang tên Âu Cơ,
đổ xuống đường Lạc Long Quân ước mơ trăm trứng/ Em Âu Cơ một mình/ Những cây
phượng bật tung ô đỏ/ Màu mùa làm người bừng bừng/ Em một mình Âu Cơ" (Tín hiệu
- Vi Thùy Linh). Vi Thùy Linh đã mang đến cho những con chữ bình thường, rõ nghĩa
sự nhòe mờ, lung linh và những liên tưởng trùng phức. Tên các con đường và tên huyền
thoại, các biên độ không gian, thời gian nhập nhòa, chồng xếp lên nhau. Các danh từ trở
nên đầy hàm ý, giàu sức gợi. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” vẫn là một quy luật
tâm lí muôn đời. Chỉ một tên đường, một màu hoa cũng đủ xoáy sâu thêm nỗi đơn độc
đang vây bủa cõi lòng. Sự đối lập giữa huyền thoại và đời thường, hạnh phúc, giao hoan
và nỗi đơn côi bởi không anh càng làm cho khát khao sum vầy thêm nồng cháy.
Những liên tưởng nhảy vọt, đứt đoạn luôn đi với một thứ ngôn ngữ nhiều tỉnh lược,
dồn nén cao độ. Rất nhiều các kết hợp ngôn ngữ theo kiểu bất quy tắc: trăng non cong nỗi
thượng tuần, hoa gạo đỏ đau nắng đợi, thơ anh lang thang internet, râm ran đỉnh trưa/
vòm ve sầu stress, em khóc câm bạch lạp, lãng mạn giải lao, thất vọng tạm thời, tình yêu
vô sinh/ nỗi buồn thụ tinh ý nghĩ, đầu giường sằng sặc giấc mơ mới, mưa gõ mõ cầu siêu/
hồn phiêu diêu đèn nhang gõ cửa/ buồn tập tễnh/ về ăn giỗ mình, nhảy múa ánh mắt lư
hương, mùa anh, vọng kinh, mùa căng, thực dụng hư vô, rỗng ngực, nằm vạ tháng giêng,
bị động mùa thu, rừng yêu, dự báo phi thời tiết, thời hôm nay, khoái cảm điên rồ và hợp
lí, con đường dậy thì/ hồ đồ cuồng si, em thở anh, tình yêu... khiến cho câu thơ trở nên đa
nghĩa kích thích khả năng đồng sáng tạo của người đọc.
Một số nhà thơ lại tạo nên những gián đoạn ngay trên bề mặt chữ bằng cách xé rời
các từ ngữ, đẩy chúng ra xa nhau, tạo nên những lỗ rỗng trên văn bản thơ: Ly Hoàng Ly,
Nguyễn Thúy Hằng, Lynh Bacardi, Phương Lan, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân...
2.2. Kết cấu theo kiểu cắt dán, lắp ghép
Cắt dán ở đây ta hiểu là những chi tiết của các chỉnh thể khác nhau bị tách rời rồi
được lắp ghép vào nhau tạo thành một chỉnh thể mới. Cách “chế tạo thơ ca” này buộc
người đọc phải đặt bài thơ trong sự liên thông với các văn bản khác. Mục đích của việc
cắt dán, lắp ghép này là nhằm tạo sinh nghĩa, tái sinh những giá trị tưởng chừng bất biến;
hoặc nhằm giễu nhại mẫu gốc, bày tỏ một thái độ thơ.
Khác với Lê Đạt: người thổi hồn cho chữ cũ sống lại một cuộc đời mới, các nhà thơ
trẻ làm thơ theo xu hướng hậu hiện đại, gần đây lại cắt dán với tâm thế giễu nhại vốn cũ.
Họ muốn thoát khỏi “bóng đè” của truyền thống để tìm một lối đi riêng.
Phan Huyền Thư giễu nhại truyền thống, giễu nhại tiền bối, khi kín đáo, lúc đầy
khiêu khích: Cá chép của em/ bơi theo dấu sông anh biền biệt/ vượt vũ môn không hóa
rồng/ hóa lộn chồng/ lộn kiếp (Hai mươi ba tháng chạp). Chị phản ca dao bằng cách nói
ngược: “Em là con ngựa đau, chẳng khiến cả tàu bỏ cỏ” (Ngựa đêm). Sau khi đó được
cắt dán, tái cãó, tách ra khỏi bầy đàn để tung vó hí lên vũ điệu của riêng mình. Trong bài
125
Đặng Thu Thủy
Di mộng, Phan Thị Huyền Thư lại tháo rời các kết hợp từ của các thành ngữ “đồng sàng
dị mộng”, “lọt sàng xuống nia” rồi sắp xếp lại theo cái cách của riêng chị (nói lái, hoài
nghi, chơi chữ) để gợi bao suy ngẫm về tình người, tình đời, tình dân tộc: Đồng bào của
tôi/ đồng bào dị mộng/ Lọt sàng lòng có xuống nia/ Đồng sàng/ (Mộng sẵn sàng/ sợ nia
không sẵn) (Di mộng). Chị phản thơ Phan Thị Vàng Anh: Bàn tay bỏ quên túi áo/ mân mê
cây bút chì/ (không có mẩu bánh mì)/ tìm nghĩa của từ/ chẳng thấy/ Giấy/ thèm nỗi đau
ngòi bút (Một bài thơ). Phan Huyền Thư nhất quyết không che dấu cái nhìn cao ngạo của
mình đối với thế giới xung quanh, không tham gia vào những "ảnh viện" đang "vẽ chân
dung cho chữ"- những chân dung với "váy áo son phấn vô hồn”. Với "bàn tay vẫn bỏ quên
túi áo", chị "đi ra khỏi ảnh viện/ để thơ" với một thế giới thơ riêng của chị. Thủ pháp cắt
dán và tinh thần giễu nhại ấy cũng đậm đặc trong Nằm vạ tháng giêng: "Thuỷ mặc mộng
mị/ anh cứ say đời nhi bất hoặc/ tri thiên mệnh/ Xuân bất tận/ cổ lai hi... Tháng Giêng lá
dong/ bóc dính bánh chưng/ xanh thịt mỡ/ đỏ dưa hành/ bạch vế đối lẳng... Giả say/ rượu
đào bất tận hưởng/ lộc thơ/ bất trùng xuân".
“Thơ Phan Huyền Thư giống như một thứ mosiac-một bức tranh khảm- mà truyền
thống và hiện đại, quá khứ và tương lai bỗng nhiên bị những nhát kéo sắc ngọt của nhà
thơ cắt rời khỏi thế giới vốn có của nó, đính nó vào một thế giới khác, khiến nó mang một
hình hài mới, hiện diện một cách riêng biệt mà hài hoà trong thế giới mới đó” [2].
Thơ nữ trẻ hôm nay cũng mang đậm dấu ấn của nền văn hóa tiêu dùng. Nhiều nhà
thơ trẻ đã cắt dán những thực đơn, mẩu báo, tin quảng cáo, một đoạn thơ tình, bài hát
xuyên tạc. . . rồi chế biến thành “thơ”:
Đặc biệt để làm gỏi cuốn và chả giò Việt Nam. Thành phần: Gạo, tinh bột, sắn,
muối, nước. Size: 22cm, sản xuất tại Việt Nam.(Nguyễn Thúy Hằng)
Mắt giấy, mắt giấy đang nhìn ai trên những cao ốc đô thị
“Các bạn gái chú ý!
Hãy sử dụng Whiper!
Whisper có cánh vào những ngày cuối tháng!
Hai lớp, siêu thấm!
An toàn”
(Mắt giấy – Nguyệt Phạm)
Với cách làm này, họ đã hoàn toàn xóa bỏ đường biên giữa các loại chất liệu, thể
loại. Không có gì là không thể thành thơ. Đời sống có gì, thơ cũng có thể dung hợp tất cả.
Thơ hôm nay cho thấy mình cũng có thể là một phương tiện phục vụ cho đời sống một
cách thực dụng nhất. Tuy nhiên, ngay khát vọng muốn xóa bỏ mọi rào cản đối với thơ của
họ đã thể hiện một sự cực đoan. Ý tưởng này hoàn toàn không có triển vọng bởi nếu chỉ
có thế thì thơ không có lý do gì để tồn tại. Công chúng dễ dàng tìm đến với những hình
thức thể hiện các nội dung thông tục xã hội đó một cách chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn
thơ. Những sản phẩm họ đã tạo ra chủ yếu thể hiện một tâm lý của một lớp, một bộ phần
người, một thái độ xã hội, thẩm mĩ chứ chưa đủ sức tạo nên giá trị nghệ thuật thực sự.
126
Thơ nữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI - Xu hướng hiện đại hóa về mặt kết cấu
2.3. Kết cấu theo kiểu sắp đặt, tạo hình
Sắp đặt, bài trí bài thơ thành một hình hài đặc biệt có chủ đích (tổ chức bài thơ theo
hướng tạo hình, gây ấn tượng thị giác cho độc giả) là một trong những kiểu kết cấu nổi bật
của thơ đương đại trong đó có thơ nữ.
Apollinaire là người tiên phong trong việc mở ra khả năng đồ hình hóa của thơ, biến
thơ thành một loại hình nghệ thuật thị giác. Trên thế giới, thơ thị giác đã từng là cuộc đời
chơi say mê của các nhà thơ: J.M. Junoy, J. Folguera, J.Salavat, A.del Valle, G.De Torre.
Ở Việt Nam, thơ thị giác manh nha từ thời thơ mới. Cùng với sự thay đổi trong quan niệm
về hình thức nghệ thuật của thơ ca, mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, thơ hiện
đại càng thích thú hơn với những sáng tạo kiểu này bởi quan niệm thơ không chỉ là nghệ
thuật của ngôn từ mà còn là nghệ thuật của thị giác, thích giác; thậm chí có thể là một loại
hình nghệ thuật mang tính nguyên hợp, giàu khả năng kết hợp với các nghệ thuật khác. . .
Người ta không chỉ đọc vào câu chữ mà còn xem thơ, xem hình thức bài trí một bài thơ.
Thơ xuất hiện trước mắt người đọc như thế nào là một mối bận tâm không nhỏ của thi
nhân. Người đọc sẽ có những cảm giác thú vị khi đến với thơ Phương Lan, Lynh Bacardi,
Vi Thùy Linh,...
Người xưa nói: “Thi trung hữu họa”. Dựa trên tính tương cận giữa ngôn ngữ và hội
họa, việc đa dạng, linh hoạt hóa cách thức trình bày con chữ đã làm mất đi cảm giác đơn
điệu vốn có của văn bản, tạo điều kiện cho chữ thoát khỏi đời sống tầm thường của kí tự.
Với hướng đi này, các nhà thơ đã hỗ trợ thêm cho ngôn từ nhằm gia tăng tính tạo hình và
cũng là tạo nghĩa của nó. Tất nhiên, nếu quá mức lạm dụng, cắt xén, sắp đặt câu thơ một
cách tùy tiện sẽ thành phản tác dụng, biến thơ thành một trò chơi chữ nghĩa, đánh lừa cảm
giác của người đọc.
Thơ được trình bày trên giấy thì chủ yếu mới dừng ở việc đồ hình hóa hoặc kết hợp
với hội họa: Nằm nghiêng, Rỗng ngực (Phan Huyền Thư), Thời hôm nay, khoái cảm điên
rồ và hợp lí (Nguyễn Thúy Hằng), Lô lô (Ly Hoàng Ly), Vili in love, Phim đôi - Tình tự
chậm (Vi Thùy Linh). . .
Với Lô lô, Ly Hoàng Ly đã gây những ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho độc giả. Phát
huy sở trường của một họa sĩ tạo hình, thi sĩ trẻ đã đem đến cho thơ sự cộng hưởng thú
vị cùng hội họa. Cách chị trình bày các con chữ, phối hợp các sắc màu, đan xen các tác
phẩm Installation and Performance art khiến cho tập thơ không chỉ có vẻ bề ngoài khác
lạ mà còn khơi gợi cho người đọc những suy tưởng thú vị. Ly Hoàng Ly đóng dấu ấn cá
nhân - một cá nhân độc đáo, không lặp lại lên mỗi trang thơ (từ trang đầu tiên đến trang
cuối cùng) bằng chính dấu vân tay của mình. Để tạo tâm thế cho độc giả trước khi đến
với những ảo giác của nhân vật trữ tình, tác giả liền quay ngược 360 độ nhan đề bài thơ
Ảo giác. Toàn bộ bài Khúc đêm lại được chị trình bày trên một dải màu đen kéo dài suốt
các trang thơ như ngầm biểu trưng cho không gian đêm tối đang bủa vây khắp chốn. Khi
viết Nhà nghiêng, chị lại xô đẩy cho tất thảy các con chữ đều nghiêng ngả. Những dòng
thơ của Ly Hoàng Ly thường biến ảo rất bất ngờ: khi ngắn, khi dài, khi trương nở đến cực
đại (61 âm tiết), khi thu hẹp đến cực tiểu (1 âm tiết), khi ngay ngắn, lúc ngửa nghiêng,
khi đậm, lúc nhạt, khi liên tục, lúc ngắt quãng... Đó đều là những hình thức mang tính nội
127
Đặng Thu Thủy
dung.
Tính chất trình diễn thể hiện rõ qua những bài thơ: Ăn xin hạnh phúc, Hành xác
và thử nghiệm, Performance ham-bơ-gơ, Performance Foto, Performance trứng, Phòng
trắng, Người đàn bà trong căn nhà cổ... của chị.
Bài thơ Người Đàn Bà và Căn Nhà Cổ dựng cảnh một căn nhà cổ lạnh lẽo, hoen
rỉ, ẩm mốc, đầy gián. Một người đàn bà mặc áo trắng ngồi bắt chéo chân, hút cạn đêm.
Sau đó bà ta rã xác, nhà cổ ngập tiếng khóc, người đàn bà đã hoài thai một bé gái. Đứa bé
mặc áo trắng đi ra ngoài trong đêm mưa. Đêm vụt tắt và những hạt nắng như mưa rơi rơi,
rưả sạch bụi bặm. Căn nhà cổ là hiện thân cuả một thế giới rêu mốc lạnh ngắt, u uất, cáu
đen, rỉ sét. Trong thế giới ấy, cái đẹp (người đàn bà mặc áo trắng) vẫn tồn tại trong tư thế
ung dung và thách thức. Cái đẹp hoài thai cái đẹp, làm hồi sinh ngôi nhà cổ, đem đến ánh
sáng, rưả sạch bụi bặm cuả sự hoang vắng và đổ nát.
Mỗi bài thơ như một màn kịch do nhân vật trữ tình trình diễn trong sự tương tác
với độc giả. Đó là những con người dị biệt với những hành động khác thường, khó có thể
giải thích bằng lí trí: một người đàn ông tự bịt mắt mình bằng băng dính, tự bịt tai mình
bằng hai chiếc ly giấy, trong tư thế ngồi xổm kì quặc; một người phụ nữ tự trói mình, tự
mỉm cười thỏa mãn vì bị trói gô, rồi cười sặc sụa chảy nước mắt, rồi mếu, rồi khóc, rồi
gào lên ấm ức, rú lên tuyệt vọng...; người đàn ông khác thản nhiên bỏ những chiếc đinh
vào giữa hai lát bánh ham bơ gơ, người tự nhốt mình trong bọc đen, bọc trắng để hành
xác và thử nghiệm... Tất cả những hành động ngoại hiện ấy là sự hữu hình hóa những tâm
thức, ẩn ức ở bên trong. Ý thức và vô thức, cái thực và cái ảo, cái phi lí và cái có lí... tất cả
đều đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Ngày nay, khi con người đã đạt đến một
trình độ phát triển đáng kinh ngạc thì nó vẫn luôn tự mâu thuẫn. Trong khi luôn tìm mọi
cách để nâng cao chất lượng cuộc sống, nó cũng lại luôn tự hủy diệt (khủng bố, tàn sát,
chiến tranh, hủy hoại môi sinh, sản xuất hàng loạt những sản phẩm tiêu dùng độc hại...)
chẳng khác nào người đàn ông bỏ đinh vào bánh của chính mình. Hình ảnh người phụ nữ
tự trói, tự cùm kẹp thân xác và tâm hồn mình trong thơ chị cũng vô cùng ám ảnh. Trước
khi chúng ta mất tự do bởi kẻ khác thì chính chúng ta lại đánh mất tự do của chính mình
vì không có đủ bản lĩnh để vượt lên những lề thói, những định kiến đã sâu rễ bền gốc.
Ở Việt Nam những năm gần đây, thơ đang có xu hướng kết giao cùng nghệ thuật
sắp đặt, nghệ thuật trình diễn (kết hợp với nhiều phương tiện biểu hiện khác như: ánh
sáng, âm thanh, nghệ thuật video, vũ đạo, sân khấu. . . ). Các nhà thơ trẻ, trong đó có các
nhà thơ nữ: Dạ Thảo Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Phan Quế Mai,
Lữ Thị Mai, Trương Quế Chi, Ly Hoàng Ly, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân....
rất hào hứng với những hình thức mới mẻ này. Họ đã say sưa trình diễn thơ trên các sân
chơi của thơ và đã gây được những ấn tượng thú vị với độc giả. Với cách làm này, thơ đã
thoát khỏi không gian chật hẹp và hữu hạn quen thuộc (trên giấy) để ngân vang trong một
không gian khác. Sẽ là vội vàng và chủ quan khi khẳng định sự thành công hay thất bại,
có triển vọng hay bế tắc của loại hình thơ này vì nó mới chỉ bắt đầu (ở Việt Nam). Mặc dù
vẫn còn một số bất cập nhưng nhìn chung, thơ thị giác đã mở ra một hướng đi, mang đến
cho người đọc những mĩ cảm mới.
128
Thơ nữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI - Xu hướng hiện đại hóa về mặt kết cấu
3. Kết luận
Hiện đại hóa về kết cấu chỉ là một trong những phương diện đổi mới của thơ nữ
những năm đầu thế kỉ XXI. Bộ phận thơ này đó thu hút sự chú ý của độc giả bởi sự phong
phú, táo bạo, mới lạ của nó. Nhìn chung, những cách tân của thơ nữ đó gây ra không ít
những dư luận trái chiều. Tùy vào từng tiêu chí đánh giá và cảm quan thẩm mĩ mà có
những thái độ khác nhau. Sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn trong các ý kiến đánh giá
có nguồn gốc ở sự phân tán của các tiêu chuẩn thẩm định, do những quan niệm thơ khác
nhau, những kênh thẩm mĩ khác nhau, tính nhiều chiều của giá trị thơ ca, thực trạng xô
bồ, rối rắm, khó phân định của nền thơ đương đại. Có lẽ chưa có đủ cơ sở thuyết phục để
cho rằng đây là một cuộc “cách mạng”, hay một phiên “đổi gác” thơ. Nhưng không thể
phủ nhận rằng thơ nữ, nhất là thơ nữ trẻ đó và đang góp phần vào sự chuyển mình của thơ
Việt Nam đương đại cũng như góp phần làm thay đổi văn hóa đọc của độc giả, khích lệ
độc giả chủ động đồng sáng tạo với nhà thơ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Thơ Nguyễn Thúy Hằng quyến rũ Dương Tường. vnexprees.vn
[2] Phan Huyền Thư nằm nghiêng. Nguyễn Thanh Sơn, ttvnol.com
ABSTRACT
Female Vietnam writers’ poetry in the early years
of the X