Tóm tắt. Cảm thức về thời gian trong thơ cổ Trung Hoa phải đến đời Đường mới
trở nên thuần thục. Thời gian và không gian đã trở thành định ngữ đặc trưng làm
nên phong vị Đường thi. Ở mảng thơ khuê phụ, thời gian trở thành phương tiện để
những người phụ nữ cô đơn nơi khuê phòng bộc lộ nỗi thâm tình u oán của mình.
Về thời gian có ba hình thức biểu đạt: Một là thời gian sinh mệnh đời người, cảm
nhận về tuổi xuân, nhan sắc ngắn ngủi đang trôi đi vô nghĩa. Hai là thời gian vũ trụ
tự nhiên chủ yếu hiện diện qua hình ảnh mùa xuân và mùa thu để bộc bạch khát
vọng yêu đương và nỗi sầu li biệt. Ba là thời gian sinh hoạt đời thường gắn với
những sự kiện, hoạt động thực tại.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 235 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thời gian trong thơ khuê phụ đời Đường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 60-65
THỜI GIAN TRONG THƠ KHUÊ PHỤ ĐỜI ĐƯỜNG
Lương Huyền Thanh
Trường Dự bị Đại học dân tộc Sầm Sơn, Thanh Hóa
Tóm tắt. Cảm thức về thời gian trong thơ cổ Trung Hoa phải đến đời Đường mới
trở nên thuần thục. Thời gian và không gian đã trở thành định ngữ đặc trưng làm
nên phong vị Đường thi. Ở mảng thơ khuê phụ, thời gian trở thành phương tiện để
những người phụ nữ cô đơn nơi khuê phòng bộc lộ nỗi thâm tình u oán của mình.
Về thời gian có ba hình thức biểu đạt: Một là thời gian sinh mệnh đời người, cảm
nhận về tuổi xuân, nhan sắc ngắn ngủi đang trôi đi vô nghĩa. Hai là thời gian vũ trụ
tự nhiên chủ yếu hiện diện qua hình ảnh mùa xuân và mùa thu để bộc bạch khát
vọng yêu đương và nỗi sầu li biệt. Ba là thời gian sinh hoạt đời thường gắn với
những sự kiện, hoạt động thực tại.
Từ khóa: Thơ Đường, khuê phụ, thời gian.
1. Mở đầu
Thời gian và không gian là “những phẩm chất định tính quan trọng của hình tượng
nghệ thuật, đảm bảo cho việc tiếp nhận toàn vẹn thực tại nghệ thuật và tổ chức nên kết
cấu của tác phẩm” [6;316]. Mỗi thời kì văn học, mỗi thể loại văn học đều có cách biểu
hiện thời gian và không gian khác nhau bởi cách chiêm nghiệm thời gian và không gian
của con người ở mỗi thời đại cũng khác nhau.
Cảm thức về thời gian trong thơ cổ Trung Hoa phải đến đời Đường mới trở nên
thuần thục và đã trở thành một phương tiện nghệ thuật để truyền tải tứ thơ. “Con người
đời Đường, ở đây là thi nhân đời Đường đặc biệt quan tâm tới thời gian, đặc biệt đau đớn
vì sự vận hành khắc nghiệt của thời gian. Thời gian được mở rộng, kéo dài và cũng có một
độ ngưng tụ đặc biệt” [1;128]. Có thể nói, thời gian và đã trở thành định ngữ đặc trưng,
làm nên phong vị Đường thi.
Mảng thơ khuê phụ cũng không nằm ngoài cảm thức chung về thời gian của Đường
thi nhưng ở đây, sự hiện diện của thời gian còn mang những nét riêng biệt. Không phải
thời gian “thiên thu”, “vạn cổ”, “thiên phú địa tái” để con người chiêm nghiệm, tự thể hiện
mình hay thêm khát vọng tương thông, giao hòa với vũ trụ. Ở đây là thời gian trong cảm
Ngày nhận bài 11/3/2013. Ngày nhận đăng 20/08/2013.
Liên lạc Lương Huyền Thanh, e-mail: thanhlh.dbdhss@moet.edu.vn
60
Không gian trong thơ khuê phụ đời Đường
thức của nhân vật trữ tình đặc biệt: Người khuê phụ, trở thành một phương tiện để những
người phụ nữ cô đơn nơi khuê phòng bộc lộ “thâm tình u oán” của mình.
2. Nội dung nghiên cứu
Theo giáo sư Trần Đình Sử, trong thơ Đường đã xuất hiện 5 hình thức thời gian chủ
yếu: Đầu tiên, có từ đời Hán là “Thời gian sinh mệnh cá thể” khi người ta thấy đời người
ngắn ngủi, tuổi xuân mau qua, được cảm nhận qua tóc bạc, hồng nhan, sương mai, hoa
rụng. . . So với dòng thời gian luân hồi vô thủy vô chung, đời người chỉ là một khoảnh
khắc quá ngắn ngủi. Thứ hai là “Thời gian vũ trụ, tự nhiên” như nước chảy, mây trôi, bốn
mùa. . . Đó là thời gian bất biến, vĩnh cửu, thời gian hòa lẫn vào không gian vời vợi, vô hạn,
vô kì. . . Thứ ba là “Thời gian lịch sử” cảm thấy trong sự hưng, vong, thịnh, suy. . . Thứ
tư là “Thời gian tiên cảnh” gắn với cảm xúc hoài cổ tính bằng vĩnh viễn, được cảm nhận
trong những vần thơ “du tiên”, thoát tục. Thứ năm là “Thời gian sinh hoạt đời thường”
được tính bằng sáng, trưa, chiều, tối, ngũ canh. . . với các hoạt động: chia tay, gặp gỡ, làm
lụng... “Có thể nói cảm xúc trong thơ Đường đều biểu hiện trong giới hạn của phạm trù
thời gian đó” [3;8]. Nguyễn Thị Bích Hải trong cuốn Thi pháp thơ Đường lại tóm gọn thời
gian nghệ thuật vào hai hình thức thời gian: thời gian vũ trụ và thời gian đời thường. Đây
là hai kiểu thời gian tương ứng với hai kiểu con người trong thơ Đường: Con người vũ trụ
và con người xã hội.
Đi từ cái mênh mang của nỗi sầu vạn cổ kiểu như Trần Tử Ngang trong Đăng U
Châu đài ca đến nỗi ám ảnh thời gian mang đầy cảm xúc nữ tính: nhỏ bé mà đời thường,
gần gũi, cảm thức về thời gian của người khuê phụ được dồn tụ trong ba hình thức thời
gian tiêu biểu dưới đây.
2.1. Thời gian sinh mệnh đời người
Có thể nói cảm nhận về thời gian sinh mệnh ngắn ngủi ngập tràn trong mảng thơ
khuê phụ đời Đường. Điều này xuất phát từ cảnh ngộ đáng thương của người khuê phụ:
Vợ chồng li biệt lâu dài. Người phụ nữ một mình nơi phòng vắng, chờ chồng đằng đẵng.
Thời gian trôi qua cũng đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi trẻ, nhan sắc tàn phai, tuổi xuân
ngắn ngủi mà lại trôi đi trong vô nghĩa. Cảm nhận về thời gian cũng chính là cảm nhận
về nỗi đau trong li biệt, tương tư. Vì thế, đôi khi cả một quãng thời gian đằng đẵng của
đời người chỉ vụt qua giây lát trong tiếng thở dài tiếc hận: Khuê lý giai nhân niên thập dư
(Người đẹp ở phòng the đã hơn mười năm) (Đảo y thiên – Lý Bạch). Thay lời người khuê
phụ, Lý Bạch trong bài Độc bất kiến đã bắt đầu dòng tâm sự từ cảm nhận về sự đổi thay
trong thoáng chốc của đời người: Bạch mã thùy gia tử, Hoàng Long biên tái nhi (Con nhà
ai [xưa] cưỡi ngựa trắng, [nay] thành lính ải Hoàng Long), đến sự thay đổi của cảnh vật
trước mắt: Xuân huệ hốt thu thảo. . . Hoa lạc thành khô chi (Huệ xuân bỗng thành ra cỏ
thu. . . Hoa rụng trở thành cành khô). Ở đây, nhà thơ đã mượn sự thay đổi của cảnh vật và
việc đời trong cùng một không gian để ví với thời gian đằng đẵng xa nhà của người chồng
đi chinh chiến và thể hiện tinh tế cảm nhận nỗi cô đơn lạnh lẽo của người vợ trong li biệt:
61
Lương Thị Huyền Thanh
Phong thôi hàn thoa hưởng, nguyệt nhập sương khuê bi (Gió giục chiếc thoi lạnh khua
vang, trăng chiếu vào phòng sương buồn bã).
Hình ảnh “hoa tàn”, “hoa rụng”. . . cũng thường xuất hiện để ám chỉ bước đi khắc
nghiệt của thời gian, sự hữu hạn của đời người, của tuổi xuân và nhan sắc, như trong bài
Xuân khuê oán của Đỗ Tuân Hạc: Triêu hỉ hoa diễm xuân, mộ bi hoa ủy trần. Bất bi hoa
lạc tảo, bi thiếp tự hoa thân (Buổi sáng mừng vì thấy hoa đẹp, buổi chiều buồn vì thấy hoa
khô rụng. Không buồn vì hoa rụng sớm, mà buồn vì thiếp cũng như hoa). Hay: Tân tuế
phương mai thụ, phồn hoa tứ diện đồng. Xuân phong xuy tiệm lạc, nhất dạ kỉ chi không.
Thiếu phụ kim như thử, Trường Thành hận bất cùng! (Cây phương mai năm mới nở hoa,
hoa nở đầy cành cả bốn hướng. Gió xuân thổi, rụng dần. Qua một đêm mấy cành không
còn hoa. Thiếu phụ hôm nay vẫn như vậy, hận Trường Thành không sao kể xiết) (Mai hoa
lạc – Lưu Phương Bình); Chinh khách vô quy nhật/ Không bi huệ thảo tồi (Người ra đi
không có ngày trở lại/ Chỉ xót thương cỏ huệ úa tàn) (Thu tứ - Lý Bạch).
Có khi thời gian lại trôi qua nặng nề, chậm chạp theo nỗi chờ mong khắc khoải của
người khuê phụ: Trích tận đình lan bất kiến quân, hồng cân thức lệ sinh nhân uân (Hái
hết lan ngoài sân vẫn không thấy chàng, khăn hồng lau lệ mờ cả mắt). Thậm chí thời gian
như ngừng lại, ngưng đọng vĩnh viễn. . . như thể cuộc đời đang lãng quên thiếu phụ và
căn phòng cô đơn của họ: Quân biên vân ủng thanh ti kị, thiếp xứ đài sinh hồng phấn lâu
(Bên chàng mây che con ngựa tơ xanh, bên thiếp rêu mọc mái lầu phấn son) (Đảo y thiên
– Lý Bạch).
Luôn ám ảnh về thời gian sinh mệnh ngắn ngủi của đời người, luôn đau đớn trước sự
vận hành khắc nghiệt của thời gian nhưng những người phụ nữ ấy chưa bao giờ muốn hòa
mình vào thời gian bất biến để trường tồn cùng vũ trụ vĩnh hằng. Họ luôn sống cùng thời
gian hiện tại, dày vò, đau khổ trong bi kịch hiện tại. Họ là kiểu “con người đời thường”
trong phần lớn “con người vũ trụ” của thế giới Đường thi.
2.2. Thời gian vũ trụ, tự nhiên
Con người trong thơ Đường và thơ cổ Trung Hoa nói chung thường tắm mình trong
thời gian vũ trụ, tự nhiên, hòa tan sự hữu hạn của đời người vào sự vĩnh hằng của vũ trụ
như một cách giải thoát khỏi nỗi ám ảnh thời gian.
Cũng mượn những hình ảnh về thời gian vũ trụ tự nhiên để gửi gắm cảm xúc, khát
vọng con người nhưng ở mảng thơ khuê phụ này không có cái cảm xúc cao cả, khát vọng
tự do, tự tại muốn hòa nhập vào thiên nhiên trời đất của những bậc quân tử. Ở đây chỉ có
những cảm xúc rất nữ tính, những khát khao bình dị, nhưng rất gần gũi, đời thường của
những người phụ nữ bé nhỏ, cô đơn nơi khuê phòng.
Hình ảnh thời gian tự nhiên xuất hiện nhiều nhất trong mảng thơ này là mùa vụ, mà
chủ yếu là “mùa xuân” và “mùa thu”. Đây cũng là hai mùa xuất hiện nhiều nhất trong thơ
ca cổ Trung Quốc: Xuân hận, thu bi. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long – Vật sắc có viết:
“Xuân thu đại tự, âm dương thảm thư, vật sắc chi động, tâm khả diêu yên”. Đó có thể là
cái vòng âm dương thịnh suy đắp đổi trong vũ trụ tuần hoàn vô tận. Mùa xuân tiết trời ấm
62
Không gian trong thơ khuê phụ đời Đường
áp, tươi đẹp khiến vạn vật sinh sôi nảy lộc, là sự liên tưởng đến tuổi trẻ, tình yêu, nhan
sắc. Mượn hình ảnh mùa xuân, các thi nhân đời Đường đã lột tả tinh tế những xúc cảm,
tâm trạng của người vợ trẻ xa chồng. Bài Xuân tứ của Lý Bạch là một ví dụ: “Đương quân
hoài quy nhật, thị thiếp đoạn trường thì” (Khi chàng tưởng nhớ ngày về, cũng là khi thiếp
tái tê trong lòng). Không miêu tả nhiều chỉ cần đặt cái cảm xúc “hoài” (mong) của chàng
và “đoạn trường thì” (đứt ruột) của thiếp trong bối cảnh thời gian: Mùa xuân với dâu Tần
xum xuê, cỏ Yên xanh biếc ta có thể hiểu đó là nỗi khao khát yêu thương nhớ nhung đến
cháy bỏng của đôi vợ cồng trẻ trong li biệt, tương tự. Cả ngọn gió mùa xuân cũng là chiếc
chìa khóa mở vào dòng tâm tư thầm kín của người khuê phụ: “Xuân phong bất tương thức,
hà sự nhập la vi” (Gió xuân không quen biết, cớ sao lại vào màn?). Nỗi niềm của người vợ
trẻ nơi buồng khuê là nỗi niềm thầm kín không dễ bộc lộ. Nhưng với hình ảnh “gió xuân”
lọt vào màn, nỗi niềm thầm kín ấy đã bị lật tung, bối rối. Khát khao hạnh phúc ái ân của
người vợ trẻ trong li biệt, chỉ có ngọn gió xuân – ngọn gió của tình yêu mới thấu cảm tận
cùng nỗi niềm đến “đứt ruột” này của người khuê phụ. Hoặc nỗi oán hận của thiếu phụ
trong bài Khuê oán của Vương Xương Linh cũng bắt đầu từ tín hiệu của mùa xuân: “Hốt
kiến mạch đầu dương liễu sắc, hối giao phu tế mịch phong hầu”. (Chợt thấy màu dương
liễu bên đường, hối hận trót xui chồng đi kiếm tước hầu). Từ sắc dương liễu của mùa xuân
mà liên tưởng đến tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc. Không đặt trong khoảng không – thời
gian: mùa xuân – sắc dương liễu, Vương Xương Linh khó bật lên khoảnh khắc “đốn ngộ”
điển hình ở người khuê phụ trẻ trung này.
Nếu mùa xuân đánh thức khát vọng yêu đương, những tâm tư thầm kín của người
khuê phụ trẻ trung thì mùa thu lại tương đồng với nỗi sầu tràn ngập trong lòng họ. Hình
ảnh mùa thu lá rụng, tàn phai, chia lìa dễ làm người tư phụ liên tưởng đến tuổi trẻ, nhan
sắc của mình cũng đang tàn phai trong vô nghĩa: “Yên chi hoàng diệp lạc, thiếp vọng tự
đăng đài. . . Chinh khách vô quy nhật, không bi huệ thảo tồi” (Xứ Yên Chi lá vàng rơi, em
lên đài cao trông ngóng. . . Người đi xa không có ngày trở lại, chỉ xót thương cỏ huệ úa
tàn) (Thu tứ - Lý Bạch).
Thu đến mang theo sương khói bàng bạc, lạnh lẽo, thê lương cũng trở thành bối
cảnh biểu đạt rất “đắt” tâm trạng cô đơn, lạnh lẽo của người tư phụ chốn khuê phòng:
“Phong thôi hàn thoa hưởng, nguyệt nhập sương khuê bi” (Gió giục chiếc thoi lạnh khua
vang, trăng dọi vào phòng sương buồn bã) (Độc bất kiến – Lý Bạch); “Bích song tà nhật
ái thâm huy sầu thính hàn tương lệ thấp y” (Bên ngoài song cửa có treo màn xanh biếc
nắng chiều dang tắt dần. Nghe tiếng ve sầu mùa lạnh kêu mà buồn tới lệ rơi ướt áo) (Thu
khuê tư nhị thủ - kì nhất – Trương Trọng Tố).
Mùa thu lạnh lẽo cũng khiến người thiếu phụ cô đơn càng nhớ thương chồng, lo
lắng cho chồng nơi biên ải xa xôi, buốt giá: “Thùy gia tư phụ thu đảo bạch. Nguyệt khổ,
phong thê châm chử bi” (Nhà ai người vợ nhớ chồng mùa thu đập lụa. Trăng não nề, gió
lạnh lùng, tiếng chày sầu thảm) (Văn dạ châm – Bạch Cư Dị)
Như vậy hình ảnh của thời gian vũ trụ, tự nhiên đã giúp thi nhân tạo ra những ý
cảnh nghệ thuật đặc sắc.
63
Lương Thị Huyền Thanh
2.3. Thời gian đời thường
Thời gian đời thường đặc trưng bởi tính thực tại và sự kiện, gắn với sinh hoạt của
con người, không phải là cảm niệm về thời gian. Ở đây, thời gian trần thuật trùng với thời
gian sự kiện, cụ thể chứ không phiếm định. Vì thời gian đời thường được đo bằng buổi,
ngày, thời khắc, sáng, trưa, chiều, tối, nửa đêm. . . Với các sự kiện: chia tay, làm lụng, nghỉ
ngơi, bắt lính, thu thuế, nhớ nhung. . . “Minh triêu dịch sứ phát. Nhất dạ nhứ chinh bào”
(Trọn đêm may chinh y gửi chàng. Sáng mai người chạy trạm ra đi) (Tử Dạ đông ca – Lý
Bạch). Người ta kể về những việc đang diễn ra (tự sự): “Kim nhật quân hồi thân đợi một.
Khứ thời yên mã biệt nhân kị” (Hôm nay quân về một mình chàng chết. Yên ngựa ngày
trước người khác cưỡi) (Lân phụ khốc chinh phu – Trương Tịch). “Triêu diệc hữu sở tư,
mộ diệc hữu sở tư. Đăng lâu vọng quân xứ”. . . (Bình minh cũng nhớ nhung, hoàng hôn
cũng nhớ nhung. Lên lầu nhìn về nơi chàng đóng quân. . . ) (Hữu sở tư - Lưu Vân)
Một điểm mới của thời gian nghệ thuật thơ Đường là thời gian đồng hiện, làm tăng
hiệu quả tự sự: “Yếm phan dương liễu lâm thanh các. Phất vân đôi bạn chiến sơ hàm”
(Nơi quê nhà) em vin cành liễu chán rồi bỏ lên gác xanh. (Trong lúc đó) nơi chiến địa anh
nghe giặc đang lăm le giao chiến) (Thu tư tặng viễn – nhị thủ – Vương Nhai). Hoặc trong
bài Cổ khách từ của Lưu Giá: Khi người chồng là thương nhân bị bọn cướp đường giết
(lúc sáng sớm) thì cũng là lúc ở nhà người vợ trẻ còn đang vô tư ngắm hoa, chải tóc. Hai
cảnh trái ngược nhau được dựng cùng một lúc giúp người đọc thấy rõ tình cảnh éo le của
người vợ trẻ: “Dương Châu hữu đại trạch. Bạch cốt vô địa quy. Thiếu phụ đương thử nhật.
Đối kính lộng hoa chi” (Dương Châu có nhà buôn lớn. Xương trắng không có đất mà về.
Người vợ trẻ ngày hôm đó, (ở nhà) đang soi gương đùa với hoa.
Tuy nhiên, ở mảng thơ này, thời gian sinh hoạt đời thường được miêu tả chủ yếu là
đêm khuya với các hoạt động, sự kiện điển hình của người khuê phụ: dệt vải, may áo, vá
áo, đập áo. . . hoặc trằn trọc thao thức không ngủ được vì nhớ thương chồng. Sau một ngày
vất vả với các công việc gia đình, đêm khuya những khuê phụ thường tranh thủ giặt áo,
may áo, vá áo gửi cho người chồng nơi xa. Không miêu tả, kể lể nhiều nhưng qua thời gian
sự kiện: Đêm khuya lạnh giặt áo, may áo. . . đã ngầm biểu đạt được nhiều ý: Sự vất vả
cực nhọc về mặt thể xác của người phụ nữ xa chồng, tình thương nhớ vô bờ bến với người
chồng nơi viễn xứ. Lưu Nguyên Thục trong bài Thiếp bạc mệnh có câu: “Nam lâu nguyệt
hạ đảo hàn y, dạ thâm văn nhạn trăng dục tuyệt” (Dưới trăng, ở lầu phía Nam giặt áo đêm
khuya, nghe tiếng nhạn kêu ruột đau như cắt). Người khuê phụ trong bài thơ Khuê oán
của Trương Hoành cũng không màng đến cái vất vả của mình dồn hết tình cảm vào mọi
đường kim mũi chỉ: Kim dạ tài phùng huỳnh dĩ phi (Đêm nay (thiếp) cắt vải may áo rét
cho chàng, đom đóm bay từng bầy). Bạch Cư Dị trong Hàn khuê oán cũng miêu tả: “Hàn
nguyệt trầm trầm, động phòng tĩnh. Chân châu liêm ngoại ngô đồng ảnh. Thu sương dục
há thư tiên tư. Đăng để tài phùng tiễn đao lãnh” (Mặt trăng lạnh lặn từ từ, phòng the yên
tĩnh. Bên ngoài rèm ngọc là hình ảnh cây ngô đồng. (Ngoài trời) sương thu muốn xuống,
tay (thiếu phụ) đã cảm biết trước. Vì dao kéo đang dùng trong việc may vá dưới ánh đèn
cảm thấy rất lạnh).
64
Không gian trong thơ khuê phụ đời Đường
“Nửa đêm”, “đêm khuya” cũng là thời gian của nỗi suy tư, của những khổ sầu dày
vò người tư phụ nơi phòng trống: “Trường đoạn quan san bất giải thuyết. Y y tàn nguyệt
há liêm câu” (Nỗi nhớ chàng nơi quan ải không thể nói với ai được. Đêm nào cũng trằn
trọc cho tới lúc trăng lặn ngang móc câu treo rèm” (Thanh lâu oán – Vương Xương Linh).
Hay “Vạn lý hành nhân chí. Thâm khuê dạ vị miên. Sang mi đăng hạ tảo. Bất đãi kính đài
tiền” (Tin người ngàn dặm trở về, thiếp thao thức đợi phòng khuê thở dài. Đèn khuya tô
vội mày ngài. Nôn nao chẳng kịp kính đài điểm trang) (Ngọc đài thể, bài 12 - Quyền Đức
Du).
3. Kết luận
Như vậy, cùng với không gian (vấn đề mà chúng tôi sẽ bàn tới trong một nghiên
cứu khác) thời gian đã làm nên những đặc trưng của mảng thơ Khuê phụ đời Đường, là
phương thức cảm nhận nhân sinh một cách đầy nữ tính và nhân văn. Thời gian và không
gian cũng là phương tiện để thi nhân khám phá thế giới nội tâm sâu kín của những người
phụ nữ cô đơn trong khuê phòng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Bích Hải, 1995. Thi pháp thơ Đường. Nxb Thuận Hóa, Huế.
[2] Lê Nguyễn Lưu, 2007. Đường thi tuyển dịch (2 tập). Nxb Thuận Hóa, Huế.
[3] Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, 1997. Về thi pháp thơ Đường. Nxb Đà Nẵng.
[4] Lưu Khiết Trứ, 2005. Luận về đề tài trong thơ Đường. Nxb Dân Tộc, Bắc Kinh.
[5] Trần Đình Sử, 1998. Giáo trình dẫn luận thi pháp học. Nxb Giáo dục, Hà Nội
[6] Lại Nguyên Ân, 2003. Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
ABSTRACT
Time in poetry about women in private rooms during the Tang dynasty
The sense of timing in ancient Chinese poetry, until the Tang dynasty, was mature
and a means to transmit the meaning. In the array of the women in private rooms in the
Tang dynasty, time was used as a means for lonely women to show the deep feelings in
their hearts and souls. Time was considered in three aspects: First, it is a the lifetime, with
a sense of the youth and beauty – but short and passing into meaningless. Second, it is
a natural cosmic time which is conveyed in the images of spring and autumn to confide
the desire of love and the sorrow of separation. Third, there is the time of daily life that is
associated with events and real activities.
65