Tóm tắt. Bản đồ là phương tiện dạy học cơ bản và đặc trưng trong môn học Địa lí. Tuy
nhiên, hiện nay giáo viên và học sinh ở các trường trung học phổ thông còn gặp khó khăn
về sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí. Nghiên cứu này trình bày thực trạng sử dụng bản
đồ trong dạy học Địa lí 11 tại một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Cần Thơ
và tỉnh Hậu Giang. Từ đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử
dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 265 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí lớp 11 trung học phổ thông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0055
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6, pp. 85-90
This paper is available online at
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG BẢN ĐỒ
TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ LỚP 11 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Đào Ngọc Cảnh1, Lê Văn Nhương2
1Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ
2Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt. Bản đồ là phương tiện dạy học cơ bản và đặc trưng trong môn học Địa lí. Tuy
nhiên, hiện nay giáo viên và học sinh ở các trường trung học phổ thông còn gặp khó khăn
về sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí. Nghiên cứu này trình bày thực trạng sử dụng bản
đồ trong dạy học Địa lí 11 tại một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Cần Thơ
và tỉnh Hậu Giang. Từ đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử
dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11.
Từ khóa: Bản đồ, tập bản đồ, sử dụng bản đồ, dạy học Địa lí 11.
1. Mở đầu
Bản đồ là phương tiện dạy học cơ bản và đặc trưng của Địa lí học. Thông qua việc sử dụng
bản đồ, giáo viên sẽ giúp cho học sinh hiểu biết sâu sắc các kiến thức địa lí, đồng thời tạo điều
kiện cho học sinh hính thành và phát triển các kĩ năng địa lí (Mai Xuân San, 1999). Hơn nữa, bản
đồ còn góp phần phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh theo hướng dạy học lấy người học
làm trung tâm [1, 2].
Nhìn chung, việc sử dụng bản đồ trong dạy và học Địa lí đã ngày càng phổ biến, góp phần
nâng cao chất lượng dạy học ở các trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế việc sử
dụng bản đồ trong dạy học Địa lí vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế, đặc biệt là đối với lớp 11 là
phần dạy học về Địa lí kinh tế - xã hội thế giới.
Để tìm hiểu thực trạng sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11 ở trường trung học phổ
thông, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại 10 trường trung học phổ thông thuộc thành phố Cần Thơ
và tỉnh Hậu Giang. Ở thành phố Cần Thơ gồm có các trường trung học phổ thông: Lý Tự Trọng,
Châu Văn Liêm, Nguyễn Việt Hồng, Phan Văn Trị và Trường trung học phổ thông Thực hành sư
phạm - Đại học Cần Thơ; ở tỉnh Hậu Giang gồm có các trường trung học phổ thông: Tân Long,
Nguyễn Minh Quang, Cây Dương, Tầm Vu 2 và Lê Quý Đôn với 20 giáo viên đang tham gia giảng
dạy Địa lí lớp 11 và 60 học sinh lớp 11 của các trường này.
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được chúng tôi sử dụng là điều tra bằng bảng hỏi kết hợp
phỏng vấn sâu để tìm hiểu về thuận lợi, khó khăn trong sử dụng bản đồ để dạy và học Địa lí 11.
Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành dự giờ để tìm hiểu thực tế việc sử dụng bản đồ của giáo viên và
học sinh trong dạy học Địa lí 11.
Ngày nhận bài: 12/03/2015. Ngày nhận đăng: 21/05/2015.
Liên hệ: Đào Ngọc Cảnh, e-mail: dncanh@ctu.edu.vn.
85
Đào Ngọc Cảnh, Lê Văn Nhương
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Nguồn bản đồ được sử dụng trong dạy học Địa lí 11
Trên thực tế hiện nay, đối với môn Địa lí ở trường trung học phổ thông nói chung và lớp 11
nói riêng, bản đồ được trang bị khá phong phú. Các nguồn bản đồ phục vụ dạy học Địa lí lớp 11
bao gồm: Bản đồ giáo khoa treo tường; Tập bản đồ Thế giới và các châu lục; Tập bản đồ - Bài tập
và bài thực hành Địa lí 11; Bản đồ trong sách giáo khoa (SGK),... Ngoài ra, giáo viên và học sinh
có thể khai thác các nguồn bản đồ từ đĩa CD Encarta (sản xuất từ năm 1999 đến 2009) và một số
bản đồ điện tử khác trên các trang web.
Qua khảo sát các giáo viên ở 10 trường trung học phổ thông trên địa bàn TP. Cần Thơ và
tỉnh Hậu Giang, chúng tôi nhận thấy, nguồn bản đồ được giáo viên sử dụng trong dạy học Địa lí
11 trung học phổ thông khá đa dạng. Tuy nhiên, hai nguồn bản đồ chính được giáo viên sử dụng là
bản đồ trong SGK (85%) và bản đồ giáo khoa treo tường (85%). Một nguồn khác cũng được giáo
viên sử dụng khá nhiều là Tập bản đồ Thế giới và các châu lục (55%). Các nguồn bản đồ khác còn
ít được sử dụng.
Điều đặc biệt cần lưu ý là Tập bản đồ - Bài tập và thực hành Địa lí 11 rất ít được giáo viên
sử dụng trong dạy học (10%). Tỉ lệ này còn thấp hơn nguồn bản đồ từ đĩa CD Encarta (15%).
Hình 1. Tỉ lệ nguồn bản đồ được giáo viên sử dụng trong dạy học Địa lí 11 (n=20)
(Nguồn: Khảo sát trực tiếp của nhóm nghiên cứu)
Hình 2. Tỉ lệ nguồn bản đồ được học sinh sử dụng trong học tập Địa lí 11 (n=60)
(Nguồn: Khảo sát trực tiếp của nhóm nghiên cứu)
86
Thực trạng sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí lớp 11 trung học phổ thông
Tương ứng, tỉ lệ nguồn bản đồ được học sinh sử dụng cũng tập trung chủ yếu vào hai nguồn
là bản đồ trong SGK (95%) và bản đồ giáo khoa treo tường (77%). Tập bản đồ Thế giới và các
châu lục được học sinh sử dụng nhiều hơn so với giáo viên, nhưng cũng ở mức trung bình (50%).
Tập bản đồ - Bài tập và thực hành Địa lí 11 tuy ít được học sinh sử dụng (35%), nhưng vẫn cao
hơn khá nhiều so với mức sử dụng của giáo viên.
Đối chiếu kết quả về tỉ lệ nguồn bản đồ được sử dụng giữa giáo viên và học sinh qua hai
biểu đồ trên ta thấy có sự tương thích về mức độ sử dụng giữa giáo viên và học sinh; tuy có sự
chênh lệch, nhưng không nhiều.
Kết quả điều tra bằng bảng hỏi đối với giáo viên cho thấy: Phần lớn giáo viên cho rằng do
thời gian dạy học một bài Địa lí thường khá ngắn (45 phút) nên chỉ có thể sử dụng bản đồ trong
SGK và bản đồ treo tường. Vì vậy, giáo viên ít sử dụng các tập bản đồ trong dạy học Địa lí 11.
Bên cạnh đó, phần lớn giáo viên cho rằng: “Tập bản đồ - Bài tập và bài thực hành Địa lí 11 được
biên soạn chưa gắn liền với nội dung trong SGK và chưa đủ các bản đồ để đáp ứng nhu cầu dạy
các quốc gia trong chương trình Địa lí 11 nên giáo viên ít sử dụng”.
Một nguyên nhân được nhiều giáo viên nêu ra là: Thường thì học sinh không trang bị tài
liệu này nên giáo viên không thể yêu cầu học sinh làm bài tập được. Một giáo viên đã chia sẻ: “Tập
bản đồ - Bài tập và bài thực hành Địa lí 11 có nhiều bài tập hay, nhưng khi dạy không thể đủ thời
gian để sử dụng và nếu muốn sử dụng thì học sinh cũng ít được trang bị nên rất khó sử dụng”.
Trên thực tế 80% giáo viên sử dụng nguồn bản đồ điện tử là số hóa từ bản đồ trong SGK
bằng cách scan vào máy tính. Các giáo viên này cho biết: “Bản đồ scan từ SGK thuận lợi để học
sinh học tập với SGK và dễ theo dõi khi giáo viên đúc kết bài học trên màn hình”.
Giáo viên ít sử dụng nguồn bản đồ từ CD Encarta (15%) vì cho rằng: “Các bản đồ lấy từ
CD Encarta thường không phù hợp với chương trình SGK và ngôn ngữ thể hiện bằng tiếng Anh
nên chỉ sử dụng nguồn này trong trường hợp nếu SGK hoặc bản đồ treo tường không có”. Ví dụ,
khi dạy bài 7: Liên Minh châu Âu (EU), giáo viên đã sử dụng bản đồ khu vực Schengen, khu vực
đồng Euro (SGK không có) để giúp học sinh hiểu thêm các vấn đề này.
Ý kiến của 90% giáo viên được phỏng vấn cho rằng: “Học sinh ít sử dụng bản đồ từ Encarta
(chỉ có 2%) là hợp lí vì giáo viên ít sử dụng, Hơn nữa, hầu hết học sinh vốn không quan tâm đến
môn Địa lí, mà Encarta là bản đồ điện tử thì không tiện lợi cho các em sử dụng”.
2.2. Thực trạng sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11
Thông qua việc sử dụng bản đồ, giáo viên đã ứng dụng được nhiều phương pháp dạy học
theo hướng dạy học tích cực như: Dạy học nêu vấn đề, dạy học khám phá, dạy học hợp tác, v.v.. . .
Chúng tôi tạm chia ra 3 mức độ sử dụng phương pháp kết hợp giữa giảng dạy lí thuyết với
sử dụng bản đồ và các đồ dùng dạy học (ĐDDH) khác như sau:
- Mức 1: Giáo viên kết hợp dạy lí thuyết với trình bày bản đồ.
- Mức 2: Giáo viên kết hợp dạy lí thuyết với trình bày bản đồ và ĐDDH khác.
- Mức 3: Giáo viên kết hợp dạy lí thuyết với bản đồ và yêu cầu học sinh khai thác bản đồ.
Kết quả khảo sát cho ý kiến đánh giá của giáo viên và học sinh về 3 mức độ trên thể hiện
trong Bảng 1.
Qua khảo sát, 90% giáo viên tự cho rằng mình đã thực hiện mức 3, tức là kết hợp dạy lí
thuyết với bản đồ và yêu cầu học sinh khai thác bản đồ. Tuy nhiên, học sinh lại cho rằng phần lớn
giáo viên (80%) thực hiện mức 1. Đối với mức 3, học sinh cho rằng giáo viên thực hiện đạt 62%
(thấp hơn mức mà giáo viên tự đánh giá).
Kết quả này cho thấy có thể suy đoán theo hai khả năng: (1) tuy giáo viên có yêu cầu học
sinh khai thác kiến thức từ bản đồ trong SGK, nhưng chưa thường xuyên; (2) còn có quan niệm
87
Đào Ngọc Cảnh, Lê Văn Nhương
khác nhau giữa giáo viên và học sinh về yêu cầu khai thác bản đồ.
Bảng 1. Mức độ sử dụng phương pháp kết hợp dạy lí thuyết và sử dụng bản đồ
STT Phương pháp kết hợp Ý kiến giáo viên Ý kiến học sinh
1 Mức 1 75% 80%
2 Mức 2 60% 68%
3 Mức 3 90% 62%
(Nguồn: Khảo sát trực tiếp của nhóm nghiên cứu)
Qua dự giờ, chúng tôi thấy phần lớn giáo viên có đặt câu hỏi cho học sinh khai thác kiến
thức từ bản đồ trong SGK, có tạo cơ hội cho học sinh làm việc nhóm trong nhiệm vụ này. Tuy
nhiên, giáo viên còn ít tạo cơ hội cho học sinh thao tác trên bản đồ treo tường hoặc có giao nhiệm
vụ cho học sinh khai thác kiến thức từ bản đồ trong SGK nhưng ít cho học sinh trình bày kết quả
khai thác đó trước lớp. Sau dự giờ, giáo viên cho biết: “Rất ngại yêu cầu học sinh xác định các đối
tượng hay trình bày vấn đề trên bản đồ treo tường. Như vậy dễ bị “cháy giáo án”, nên đành phải
chấp nhận!”.
Ngoài ra, 90% giáo viên được khảo sát cho biết chưa sử dụng Tập bản đồ Thế giới và các
châu lục trong kiểm tra và thi vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Hai nguyên nhân thường được giáo
viên đề cập đến là: (1) Tập bản đồ này không đủ các bản đồ phục vụ dạy học chương trình Địa lí
11; (2) Học sinh không được trang bị tập bản đồ này nên giáo viên khó nêu ra các câu hỏi về sử
dụng tập bản đồ này trong kiểm tra và thi.
2.3. Thuận lợi và khó khăn khi sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11
Kết quả khảo sát cho thấy giáo viên và học sinh đánh giá rằng có nhiều thuận lợi trong việc
sử dụng bản đồ để dạy và học Địa lí 11 như: Nguồn bản đồ từ SGK khá phong phú, màu sắc rõ và
đẹp; bộ bản đồ giáo khoa treo tường khá phù hợp với nội dung chương trình Địa lí 11. Một thuận
lợi nữa mà giáo viên nêu ra là: “Đã được trang bị phương pháp sử dụng bản đồ để dạy học Địa lí
trong quá trình đào tạo tại các trường đại học sư phạm. Đồng thời, còn được cập nhật, bổ sung và
nâng cao kĩ năng ứng dụng các phương pháp này trong các đợt tập huấn thay SGK từ năm 2007
đến 2010”.
Ngoài ra, mỗi trường trung học phổ thông đều có trang bị máy tính, máy chiếu và hệ thống
kết nối mạng Internet nên rất thuận lợi cho giáo viên truy tìm các nguồn bản đồ khác nhau khi cần
và có thể sử dụng bản đồ thông qua việc thiết kế và sử dụng giáo án điện tử.
Tuy nhiên, các ý kiến khảo sát cho rằng: Giáo viên và học sinh vẫn còn gặp một số khó
khăn nhất định khi sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11. Dưới đây là một số khó khăn chủ yếu:
- Có 100% giáo viên được phỏng vấn cho rằng: “Thời gian 45 phút cho một tiết dạy với
lượng kiến thức quá nhiều thì giáo viên rất khó để vừa dạy hết nội dung vừa tổ chức cho học sinh
khai thác bản đồ và trình bày trên bản đồ”. Giáo viên rất ngại cắt giảm một nội dung (dù rất ít)
hoặc chuyển một phần nội dung bài học từ tiết này qua tiết khác vì sợ áp lực từ thanh tra, từ tổ
chuyên môn. Giáo viên cho rằng nếu như vậy sẽ bị xếp loại tiết dạy không đạt. Với quan niệm như
vậy, giáo viên thường “tuân thủ” SGK một cách cứng nhắc, không linh hoạt chủ động trong vận
dụng các phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nhất
là không tạo điều kiện cho học sinh thao tác, khai thác trên bản đồ.
- Có khoảng 50% giáo viên được khảo sát cho biết nguồn bản đồ giáo khoa treo tường thực
tế tại các trường của họ chưa đủ để sử dụng cho các bài dạy Địa lí 11. Ngoài ra, có giáo viên cho
biết: “Một số bản đồ treo tường phục vụ dạy học Địa lí 11 thật sự cũng chưa phù hợp với nội dung
các bài học trong SGK”. Qua phiếu điều tra, có 40% giáo viên và 37% học sinh cho rằng bản đồ
88
Thực trạng sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí lớp 11 trung học phổ thông
treo tường có kích thước nhỏ nên học sinh ở cuối lớp rất khó quan sát.
- Có 75% giáo viên và 30% học sinh cho rằng: “Tập bản đồ Thế giới và các châu lục chưa
đáp ứng được yêu cầu học tập Địa lí 11 vì chưa tương thích với chương trình SGK”.
- Có một số ít giáo viên và học sinh (20% giáo viên và 32% học sinh) cho rằng: “Tập bản
đồ - Bài tập và bài thực hành Địa lí 11 chưa đáp ứng yêu cầu học tập”.
- Có 90% giáo viên được khảo sát cho rằng: “Học sinh không quan tâm và coi nhẹ môn Địa
lí, học sinh cũng không tự trang bị các tập bản đồ”. Vì vậy, rất khó cho giáo viên khi dạy học có sử
dụng các tập bản đồ, nhất là áp dụng các phương pháp dạy học Địa lí theo xu hướng dạy học tích
cực.
- Đặc biệt, có 20% giáo viên và 32% học sinh cho rằng một số học sinh không biết cách sử
dụng bản đồ trong học tập. Cụ thể, giáo viên cho biết: “Thực tế có một số học sinh rất yếu, các em
bị hổng kiến thức nền về kĩ năng bản đồ từ cấp 2 nên không biết cách sử dụng bản đồ”.
2.4. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11
Qua kết quả khảo sát, kết hợp với những trải nghiệm của bản thân, chúng tôi xin đưa ra một
số ý kiến đề nghị nhằm sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11 đạt hiệu quả cao hơn:
- Cần rà soát nội dung và bổ sung cập nhật các nguồn bản đồ sử dụng cho dạy học Địa lí
lớp 11 theo hướng gắn liền với nội dung SGK. Đề nghị các chuyên gia Sư phạm Địa lí phối hợp
với Nhà xuất bản Giáo dục và Trung tâm bản đồ tổ chức biên tập Tập bản đồ Địa lí kinh tế - xã hội
thế giới để phục vụ dạy học Địa lí lớp 11 tương tự như quyển Atlat địa lí Việt Nam đang phục vụ
rất hiệu quả trong dạy và học Địa lí 12 (95% GV và 87% học sinh đề nghị như vậy). Đồng thời,
giáo viên còn đề nghị nếu có tập bản đồ này thì họ mong muốn có được file điện tử kèm theo để
thuận lợi hơn cho họ khi sử dụng trong dạy học.
- Giáo viên cần được trao quyền chủ động hơn để xử lí nội dung bài học. Giáo viên có thể
được phép cắt bớt những phần nội dung kiến thức không quan trọng trong bài học, hoặc chuyển
một phần nội dung từ bài học này sang bài học tiếp theo miễn sao vẫn đảm bảo đủ chuẩn về kiến
thức và kĩ năng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Có như vậy, giáo viên và học sinh mới có
đủ thời gian để sử dụng bản đồ hiệu quả trong dạy và học. Chủ trương này phải được thống nhất từ
chuyên viên đến đội ngũ thanh tra của Sở và các thành viên trong tổ chuyên môn thì mới tạo điều
kiện thuận lợi cho giáo viên khi thực hiện.
- Để hỗ trợ thêm cho việc sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11 ngày càng hiệu quả, trong
đề kiểm tra hoặc đề thi, giáo viên nên có những câu hỏi kèm theo bản đồ để học sinh không học
thuộc lòng mà biết khai thác kiến thức từ bản đồ. Đây là một việc làm không khó nhưng giáo viên
chúng ta vẫn còn e ngại rằng không có sự đồng thuận từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo. từ các nhà
quản lí giáo dục các cấp, nhất là đội ngũ thanh tra và chuyên viên Địa lí ở các Sở Giáo dục và Đào
tạo. Vì vậy, các nhà quản lí giáo dục cần phải thấy rõ thực trạng này để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận
lợi để giáo viên và học sinh chủ động hơn trong việc sử dụng hiệu quả bản đồ và tập bản đồ trong
dạy học Địa lí.
- Về phía học sinh, các em cũng cần được trang bị tập bản đồ, được rèn luyện ý thức và thói
quen sử dụng bản đồ và tập bản đồ trong học tập Địa lí. Có như vậy, học sinh mới hình thành và
phát triển được năng lực sử dụng bản đồ hiệu quả.
3. Kết luận
Việc sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí 11 ở các địa bàn khảo sát đã cho thấy tình trạng
chung vẫn là theo quan niệm “lấy người dạy làm trung tâm”. Trong bài học Địa lí thì giáo viên vẫn
là người trình bày và thao tác chủ yếu, vì thế chưa thật sự phát huy được tính tích cực của học sinh,
89
Đào Ngọc Cảnh, Lê Văn Nhương
chưa rèn luyện được kĩ năng sử dụng bản đồ, đặc biệt là kĩ năng thao tác trên bản đồ treo tường
của các em. Nhìn chung, học sinh còn rất thụ động tiếp thu bài giảng, thậm chí có trường hợp còn
duy trì cách dạy theo kiểu cho học sinh ghi nhớ kiến thức mà chưa được tạo điều kiện cho các em
chủ động, tích cực khai thác kiến thức từ bản đồ.
Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả sử dụng bản đồ trong dạy học Địa lí nói chung và Địa lí 11
nói riêng thì cần có một sự cải cách đồng bộ từ nhận thức đến hành động; từ nguồn bản đồ có chất
lượng và phù hợp với nội dung chương trình SGK đến cách sử dụng bản đồ kết hợp với phương
pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học; từ bài học trên lớp đến
bài tập về nhà và đề thi, đề kiểm tra, v.v. . .
Chúng tôi hi vọng rằng, với sự nỗ lực của giáo viên và học sinh, sự hỗ trợ của các cấp quản
lí, sự tăng cường các phương tiện dạy học nói chung và bản đồ địa lí nói riêng thì chất lượng dạy
học Địa lí ngày càng được nâng cao, góp phần nâng cao năng lực người học, góp phần vào công
cuộc cải cách giáo dục của nước ta hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Dược, Nguyễn Trọng Phúc, 2010. Lí luận dạy học Địa lí. Tái bản lần thứ tư. Nxb Đại
học Sư phạm, Hà Nội.
[2] Đặng Văn Đức, Nguyễn Thu Hằng, 2003. Phương pháp dạy học Địa lí theo hướng tích cực.
Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[3] Nguyễn Việt Hùng, Thành Ngọc Linh, Nguyễn Quý Thao, 2007. Tập bản đồ - Bài tập và bài
thực hành Địa lí 11. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Mai Xuân San, 1999. Rèn luyện kĩ năng Địa lí. Tái bản lần thứ 2. Nxb Giáo dục, Hà Tây.
[5] Nguyễn Quý Thao (chủ biên), 2001. Tập bản đồ Thế giới và các châu lục.
[6] Lê Thông và ctv, 2005. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình và SGK lớp 11 thí
điểm. Viện nghiên cứu sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[7] Lê Thông (chủ biên), 2008. Hướng dẫn học và khai thác Atlat địa lí Việt Nam. Nxb Đại học
quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
[8] Lê Thông (chủ biên), 2009. Sách giáo khoa Địa lí 11. Tái bản lần thứ hai. Nxb Giáo dục,
Thành phố Hồ Chí Minh.
ABSTRACT
Using maps when teaching Grade 11 geography
Maps are a basic and specific medium that are used in teaching and learning Geography.
However, nowadays teachers find it difficult to use maps when teaching high school geography.
This paper presents the practice of using maps in the teaching of high school geography in some
high schools in the city of Can Tho and the province of Hau Giang. We also propose ways to
improve the effectiveness of using maps when teaching Grade 11 geography.
Keywords: Maps, atlas of Geography, using maps, teaching Grade 11 Geography.
90