Thuế thu nhập cá nhân sau 2 năm thực hiện: Một số bấp cập nảy sinh và hướng giải quyết

Nhìn chung, qua 2 năm triển khai thực hiện Luật Thuế TNCN, Cục thuế Hà Nội đã chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng nộp thuế với nhiều hình thức phong phú đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực, dễ hiểu giúp người dân hiểu về ý nghĩa của việc thực hiện nghĩa vụ thuế, phương pháp kê khai, tính thuế, nộp thuế, quyết toán thuế.

doc13 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 1848 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thuế thu nhập cá nhân sau 2 năm thực hiện: Một số bấp cập nảy sinh và hướng giải quyết, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thuế thu nhập cá nhân sau 2 năm thực hiện: một số bấp cập nảy sinh và hướng giải quyết. PGS.TS. LÊ THỊ KIM NHUNG – Phó Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Thương mại Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, chính thức áp dụng từ 01/01/2009, đánh dấu một bước hoàn thiện trong hệ thống thuế của Việt Nam. Mặc dù, Luật Thuế TNCN được chuẩn bị, xây dựng khá kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp xã hội từ hơn 3 năm trước khi ban hành, nhưng khi triển khai Luật vào thực tế cuộc sống, không thể tránh khỏi những bất cập, vướng mắc nảy sinh đòi hỏi phải nghiên cứu, giải quyết… Từ thực tế áp dụng Thuế TNCN trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy điều đó. Những thành công ban đầu… Nhìn chung, qua 2 năm triển khai thực hiện Luật Thuế TNCN, Cục thuế Hà Nội đã chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng nộp thuế với nhiều hình thức phong phú đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực, dễ hiểu giúp người dân hiểu về ý nghĩa của việc thực hiện nghĩa vụ thuế, phương pháp kê khai, tính thuế, nộp thuế, quyết toán thuế. Đồng thời, Cục Thuế đã chỉ đạo các Chi cục phân công cán bộ có năng lực nghiệp vụ giỏi tiến hành làm thủ tục hành chính thuế và hướng dẫn kê khai nộp thuế, thành lập các đường dây nóng, các kênh thông tin cần thiết, thích hợp, nhanh chóng và hiệu quả nhất để có thể tư vấn, hỗ trợ và giải đáp những vướng mắc cho các đối tượng nộp thuế. Ngoài ra, Cục thuế Hà Nội còn là đơn vị dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế với việc triển khai thành công các dự án như “Kê khai thuế qua mạng Internet”, “Hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước và thu thuế qua ngân hàng” và “Hệ thống ki-ốt thông tin thuế”. Những cải cách đó đã đem lại lợi ích cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế, như: thủ tục nộp hồ sơ khai thuế đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả cao và an toàn, không giới hạn về không gian, thời gian trong ngày, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp thuế; đơn giản hoá và cải cách triệt để thủ tục hành chính trong quy trình thu nộp thuế, giảm thời gian nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế; giúp người nộp thuế thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các thông tin liên quan đến thuế; cơ quan thuế xử lý tờ khai nhanh, chính xác, giảm thiểu lao động, thuận lợi cho việc lưu trữ hồ sơ và tra cứu dữ liệu, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu phục vụ số lượng người nộp thuế ngày càng tăng nhanh trong khi nguồn nhân lực chưa được bổ sung tương ứng… Nhờ đó, trên địa bàn Hà Nội, cơ chế tự khai tự nộp thuế theo yêu cầu của Luật Quản lý thuế được quán triệt và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc ở hầu hết các cơ quan chi trả thu nhập và các cá nhân nộp thuế. Việc tổ chức kê khai và khấu trừ thuế TNCN tại nguồn trước khi chi trả thu nhập cho người lao động đã đảm bảo được mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời thuế TNCN cho nhà nước. Mặc dù có chính sách miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2009 và trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái do khủng hoảng, nhưng số thuế TNCN năm 2009 vẫn cao hơn so với những năm trước đó. Hơn nữa, việc thực hiện cơ chế tự khai tự nộp thuế đã làm cho cả người có thu nhập và cơ quan chi trả thu nhập đều phải tự tìm hiểu, nắm rõ nội dung của Luật và các văn bản liên quan để thực thi, qua đó nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành luật pháp thêm một bước. Những bất cập và vấn đề đặt ra trong quản lý thuế TNCN Về công tác cấp mã số thuế cá nhân Để triển khai Luật Thuế TNCN, bước đầu tiên là việc cấp mã số thuế cá nhân. Mã số này sẽ gắn với mỗi cá nhân suốt đời và là cơ sở để quản lý đối tượng nộp thuế TNCN. Do số lượng đối tượng nộp thuế TNCN quá lớn, nên để đảm bảo tiến độ cấp mã số thuế cá nhân phục vụ kịp thời công tác thu thuế, thời gian đầu Cục thuế chỉ yêu cầu các đơn vị chi trả thu nhập thực hiện đăng ký cấp mã số thuế cho những cá nhân có mức thu nhập đạt ngưỡng phải nộp thuế. Sau giai đoạn một, yêu cầu các đơn vị chi trả thu nhập kê khai bổ sung đối với những trường hợp chưa kê khai, đồng thời triển khai cấp mã số thuế cho các đối tượng thuộc diện chịu thuế, song chưa có mã số thuế. Theo Cục thuế Hà Nội, tính đến 30/06/2010, số mã số thuế cá nhân cấp cho đối tượng có thu nhập từ tiền lương, tiền công tăng gấp hơn 200 lần so với năm 2008 và đạt tỷ lệ 31,64% dân số từ 15 tuổi trở lên. Đây là nỗ lực rất lớn của Cục Thuế Hà Nội và là tiền đề rất quan trọng cho công tác quản lý kê khai nộp thuế TNCN và quyết toán thuế đạt hiệu quả, đáp ứng mục tiêu của cơ chế tự khai tự nộp thuế. Bảng 1: Tình hình cấp mã số thuế cá nhân trên địa bàn Hà Nội Đơn vị tính: Mã số Năm Cá nhân có TN từ tiền lương tiền công Cá nhân có TN từ kinh doanh Số cấp mới Số lũy kế đến cuối năm Số cấp mới Số lũy kế đến cuối năm 2008 5.543 43.959 22.605 113.741 2009 1.087.918 1.131.877 6.602 120.343 6T/2010 295.664 1.427.541 24.102 144.445 (Nguồn: Cục thuế Hà Nội) Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ người nộp thuế, yêu cầu đặt ra là phải cấp mã số thuế cá nhân cho mọi công dân. Việc người nộp thuế chưa có mã số thuế sẽ gây thiệt hại cho chính người nộp thuế vì phải nộp thuế TNCN với tỷ lệ trích cao hơn. Đặc biệt, việc các cá nhân phụ thuộc không có mã số thuế dẫn đến khe hở và khó kiểm soát chính xác vấn đề giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, từ đó, gây thất thu thuế TNCN. Việc kê khai giảm trừ gia cảnh chủ yếu là dựa vào ý thức của đối tượng nộp thuế. Điều này đã tạo ra khe hở trong việc kê khai số người phụ thuộc. Ví dụ, cùng 1 ông bố hay bà mẹ, nhưng sẽ được tính trùng thành 2 bởi cả 2 người con ở 2 địa phương khác nhau đều cùng kê khai và chính quyền địa phương sở tại đều xác nhận. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều địa phương khi nhận được một số đơn đề nghị xác nhận đối tượng cư trú có trách nhiệm nuôi dưỡng người phụ thuộc ở địa phương khác (ông, bà, cháu… ở quê), họ không thể nào xác định được mối quan hệ của người phụ thuộc đang sống ở tỉnh khác và người dân đang cư trú trên địa bàn, càng không thể nào biết được có đúng là người dân đang cư trú trên địa bàn có trách nhiệm nuôi dưỡng người đang sống ở tỉnh khác hay không, dẫn tới tình trạng nơi thì chứng nhận hết một cách quá dễ dàng, nơi thì từ chối chứng nhận gây khó khăn cho người dân. Và cũng theo phản ánh của người dân thì một trong những khó khăn mà họ gặp phải là xin hồ sơ để xác định đối tượng phụ thuộc không có thu nhập. Về công tác kê khai nộp thuế, quyết toán thuế TNCN Thông qua việc cấp mã số thuế cá nhân, cơ sở dữ liệu người nộp thuế được xây dựng là tiền đề quan trọng của việc quản lý kê khai nộp thuế và quyết toán thuế TNCN. Đối với thu nhập từ tiền công tiền lương, thực hiện kê khai và nộp thuế thông qua cơ quan chi trả thu nhập, theo đó, mức thuế TNCN được khấu trừ tại nguồn theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần đối với các khoản chi trả cho cá nhân thuộc sự quản lý của cơ quan chi trả thu nhập cho những cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên và khấu trừ 10% thu nhập đối với các khoản chi trả cho cá nhân không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động dưới 03 tháng nếu số tiền mỗi lần chi trả từ 500.000 đồng trở lên. Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm thu và chuyển số thuế thu được vào Kho bạc Nhà nước. Hiện nay Cục thuế Hà Nội đã ứng dụng phần mềm hỗ trợ kê khai theo mã vạch 2 chiều, kê khai qua mạng Internet, chương trình này đã được triển khai đến tất cả các Chi cục Thuế cho phép tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Biểu đồ 1: Kết quả thu Thuế thu nhập cao và thuế TNCN của Cục thuế Hà Nội (Nguồn: Cục thuế Hà Nội – Đơn vị tính Tỷ đồng) Năm 2009, năm đầu tiên thực hiện Luật thuế TNCN, lại rơi vào bối cảnh nền kinh tế suy thoái, thu nhập giảm sút, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, vì thế mà trong quá trình triển khai Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 160/2009/TT-BTC ngày 12/8/2009 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành… về việc miễn thuế TNCN; theo đó, tất cả mọi cá nhân đều được miễn thuế TNCN tính trên phần thu nhập của 6 tháng đầu năm 2009, không phân biệt thời điểm chi trả thu nhập. Tuy vậy, số thuế TNCN từ tiền lương tiền công thu được của 6 tháng cuối năm 2009 vẫn đạt mức 2.704 tỷ đồng, cao gấp 2,06 lần cùng kỳ năm 2008. Điều này cho thấy, việc mở rộng diện đánh thuế và thực hiện tốt công tác quản lý kê khai nộp thuế đã tác động tích cực đến số thuế TNCN thu được trong ỳ. Để tổ chức triển khai thực hiện việc quyết toán thuế TNCN năm 2009 theo thông tư số 160/2009/TT-BTC ngày 12/8/2009, Tổng cục Thuế đã có công văn số 451/TCT-TNCN ngày 08/02/2010 hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trong qúa trình triển khai thực hiện, đã phát sinh nhiều vướng mắc, tiến độ thực hiện quyết toán thuế TNCN chậm. Vì vậy, ngày 21/5/2010, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn 1700 /TCT-TNCN hướng dẫn bổ sung quyết toán thuế TNCN năm 2009, đồng thời gia hạn thời gian quyết toán thuế đến 31/07/2010. Theo quy định, việc quyết toán thuế TNCN tại cơ quan chi trả thu nhập được áp dụng đối với cá nhân trong năm chỉ có thu nhập duy nhất tại một nơi. Trong trường hợp này, cá nhân phải lập giấy ủy quyền quyết toán thuế TNCN theo mẫu quy định, trên cơ sở đó, cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp quyết toán thuế và nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị trả thu nhập. Đối với cá nhân trong năm có thu nhập từ 2 nơi trở lên, cá nhân đăng ký nộp thuế tại cơ quan thuế và các trường hợp khác thì phải thực hiện quyết toán thuế tại cơ quan thuế, nơi cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh hoặc tại cơ quan thuế cá nhân đăng ký quản lý. Đến nay, số lượng các cơ quan chi trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2009 là 222.824 đơn vị; số lượng cá nhân tự quyết toán thuế TNCN năm 2009 tại cơ quan thuế là 48.195 người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số đông người nộp thuế, kể cả những người có từ 2 nguồn thu nhập trở lên, đều ngại tự mình quyết toán thuế hoặc không rõ thủ tục tiến hành, nên ủy quyền cho đơn vị chi trả thu nhập thực hiện hộ. Từ đó, có thể làm thất thu ngân sách nhà nước hoặc gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của chính người nộp thuế. Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế Từ sau khi Luật quản lý thuế có hiệu lực thi hành, công tác thanh tra kiểm tra thuế của Cục thuế Hà Nội có nhiều đổi mới. Thanh tra kiểm tra dựa trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin dữ liệu liên quan đến người nộp thuế để đánh giá mức độ tuân thủ, phân loại rủi ro và lập danh sách người nộp thuế phải kiểm tra hồ sơ khai thuế. Mặc dù Cục thuế Hà Nội đã tăng cường công tác thanh tra kiểm tra chống thất thu thuế, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở của cơ quan thuế và nhiều trường hợp kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế. Tuy nhiên, do năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Luật thuế TNCN, có nhiều nội dung mới trong phương pháp quản lý thuế, do tính phức tạp của thuế TNCN, số lượng người nộp thuế quá lớn, nên việc tổ chức thực hiện thanh tra kiểm tra về thuế TNCN chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên… Ngoài ra, thực tế tiến hành thu thuế TNCN trên địa bàn Hà Nội và cả nước thời gian qua còn cho thấy những bất cập khác, như: - Chưa kiểm soát được mọi nguồn thu nhập của từng cá nhân. Nguồn hình thành TNCN quá đa dạng và phức tạp. Đối với những khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công thì cơ quan thuế có thể kiểm soát qua đơn vị trực tiếp chi trả thu nhập; nhưng đối với các khoản thu nhập của các hộ kinh doanh cá thể, các cá nhân hành nghề độc lập, đặc biệt là đối với đối tượng ca sỹ, nghệ sỹ,… thì cơ quan thuế khó có thể kiểm soát được một cách chính xác. - Mức giảm trừ cá nhân và giảm trừ cho người phụ thuộc theo Luật hiện hành là chưa hợp lý, chưa tính đến sự mất giá của đồng tiền. Theo thời giá hiện nay, việc quy định mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/người/tháng đối với cá nhân người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc là chưa đảm bảo cho đời sống tối thiểu của người lao động, nhất là ở đô thị. Một điểm chưa hợp lý nữa là mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không tính đến khu vực, có nghĩa là ở nông thôn, thành thị, đồng bằng hay miền núi đều áp dụng như nhau, nhưng thực tế cho thấy mức chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày của một cá nhân ở thành thị là lớn hơn rất nhiều so với ở nông thôn và miền núi. Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ những bất cập trong quy định của luật thuế, cũng như từ những yếu tố khác, như: - Nền kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế ưa chuộng tiền mặt, phần lớn các khoản thu nhập cá nhân đều được chi trả bằng tiền mặt, do đó, khó có thể tạo ra cơ chế kiểm soát thu nhập cá nhân một cách chính xác và hiệu quả. - Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thuế với các cấp chính quyền địa phương, với các tổ chức, cơ quan liên quan trong việc hợp tác triển khai Luật thuế TNCN, dẫn đến những khó khăn trong việc xác định và quản lý gia cảnh người nộp thuế, quản lý hoạt động của các cá nhân kinh doanh tự do, hành nghề độc lập,… - Hiện tượng tiêu cực và bất công trong việc nộp thuế TNCN vẫn chưa được xử lý triệt để, làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả thực tế và công bằng của Luật thuế, gây một số bức xúc trong quần chúng nhân dân. - Trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành Luật của một bộ phận lớn dân cư còn hạn chế, tâm lý trốn thuế còn lan truyền, trong khi lực lượng cán bộ thuế còn mỏng, không thể thực hiện thanh tra kiểm tra thuế TNCN trên diện rộng để phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý. Những định hướng tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế TNCN Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, trong tương lai, nguồn thu nhập chịu thuế sẽ ngày càng phức tạp, số người nộp thuế TNCN sẽ không ngừng gia tăng. Thực tế đó đặt ra đòi hỏi phải hoàn thiện công tác quản lý thu thuế TNCN nhằm đảm bảo cho hệ thống quản lý thu thuế TNCN trở thành một hệ thống quản lý thuế hiện đại và khoa học, khắc phục được những vướng mắc, tồn tại được phát hiện trong thực tiễn triển khai thi hành luật. Thứ nhất, đẩy mạnh và thực hiện triệt để hơn nữa cơ chế khấu trừ thuế TNCN tại nguồn trước khi chi trả thu nhập cho cá nhân. Phải có hướng dẫn cụ thể đối với đơn vị thực hiện khấu trừ thuế. Để xác định mức khấu trừ tại nguồn có thể áp dụng nguyên tắc tạm nộp trong năm thì tính theo thuế suất toàn phần, cuối năm quyết toán theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần. Tỷ lệ khấu trừ tại nguồn đề nghị nâng cao hơn để đảm bảo số thuế tạm nộp lớn hơn số thuế phải nộp thì đối tượng nộp thuế mới tích cực kê khai quyết toán thuế cuối năm. Đối với thu nhập từ tiền lương tiền công mang tính chất ổn định thì tính theo thuế suất lũy tiến từng phần của biểu thuế. Cần xác định rõ ràng trách nhiệm phải khấu trừ tiền thuế cho đơn vị chi trả thu nhập, có tỷ lệ thù lao thích hợp hơn, có sự biểu dương, khen thưởng… đối với những đơn vị thực hiện tốt trách nhiệm của mình và xử lý kịp thời, nghiêm minh các đơn vị không thực hiện đúng trách nhiệm. Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đăng ký và cấp mã số thuế cá nhân, tiến tới mỗi công dân đều có một mã số để theo dõi quản lý, không phân biệt có thu nhập chịu thuế hay không có thu nhập chịu thuế. Thứ ba,để cơ chế tự khai, tự nộp thuế TNCN phát huy hiệu quả, cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức hệ thống thông tin dịch vụ kế toán, kê khai và tính thuế. Đồng thời cần có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, từng bước từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, chia theo từng nhóm để quản lý; nên có cơ chế khuyến khích các đối tượng nộp thuế tự nguyện áp dụng phương pháp tự khai tự nộp thuế, chẳng hạn như cho phép được hưởng các khoản khấu trừ đặc biệt hoặc các chế độ ưu đãi khác. Thứ tư,cùng với việc hoàn thiện cơ chế tự khai tự nộp thuế, thì công tác thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật thuế TNCN cần được đẩy mạnh, đòi hỏi cơ quan thuế phải tập trung lực lượng lớn vào việc tuyên truyền và thanh tra kiểm tra việc chấp hành luật thuế. Cơ quan thuế phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như cơ quan công an, cơ quan ngoại vụ, cơ quan quản lý lao động,… để nắm bắt kịp thời thông tin về đối tượng nộp thuế, nguồn phát sinh thu nhập, có biện pháp phân loại đối tượng nộp thuế thành các nhóm khác nhau để thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả. Thứ năm, kiện toàn tổ chức bộ máy thuế, chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành thuế song song với việc tăng cường cơ sở vật chất cho ngành thuế theo hướng hiện đại hóa công tác quản lý thuïë. Thứ sáu,tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến Luật thuế TNCN nhằm nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao cần phải: đa dạng hóa hình thức và phương pháp tuyên truyền về thuế TNCN; định kỳ tổ chức điều tra trắc nghiệm đối với người nộp thuế để đánh giá mức độ hiểu biết về pháp luật thuế TNCN, nắm bắt được ý kiến nguyện vọng của dân, qua đó, thiết kế nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng nộp thuế; xây dựng cơ chế tiếp thu ý kiến, thông tin phản hồi từ người nộp thuế một cách phù hợp; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thuế TNCN và kỹ thuật tuyên truyền cho các tuyên truyền viên để họ có thể làm tròn nhiệm vụ của một tuyên truyền viên tốt. Thứ bảy, phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hướng tới việc quản lý thu nhập của cá nhân qua hệ thống ngân hàng, có như vậy mới có thể kiểm soát được thu nhập cá nhân, đạt được mục tiêu thu đúng, thu đủ thuế TNCN cho ngân sách nhà nước. Thứ tám, để nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế TNCN cần phải tăng cường phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng của các ngành, các lĩnh vực có liên quan, trong đó, phải đề cao vai trò và thẩm quyền của cơ quan thuế trong việc giám sát thu nhập, thanh tra kiểm tra thuế, xử lý vi phạm và cưỡng chế thuế. Với đặc trưng của thuế TNCN, trước hết, phải nói đến sự phối hợp giữa cơ quan thuế với BHXH, với ngân hàng và Kho bạc Nhà nước. Thứ chín, Nhà nước cần tổ chức thực hiện lấy ý kiến của toàn dân để đánh giá mức độ phù hợp của chính sách thuế TNCN trong đời sống xã hội, trên cơ sở đó có những bổ sung sửa đổi Luật một cách kịp thời nhằm hoàn thiện một số nội dung của Luật thuế TNCN. Nên chăng, Luật nên quy định lại mức thuế suất cao nhất của biểu thuế lũy tiến từng phần là 25% bằng với mức điều tiết của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi mức thu nhập chịu thuế này thường là của các cá nhân kinh doanh. Như vậy, sẽ đảm bảo bình đẳng hơn giữa hai sắc thuế trực thu này. Mặt khác, Luật nên quy định điều khoản cho phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo mức độ trượt giá và tăng trưởng kinh tế theo từng giai đoạn và giao quyền cho Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ này khi cần thiết. Tài liệu tham khảo: 1. 1. Bộ Tài chính (2009), Hướng dẫn kê khai, nộp và quyết toán thuế TNCN, NXB Tài Chính. 2. Bộ Tài chính, Thông tư số 84/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP. 3. Chính phủ, Nghị định số 100/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân 4. Chính phủ, Nghị định số 85/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế. 5. Cục thuế Hà Nội, Báo cáo tình hình thực hiện chính sách thuế các năm 2007, 2008, 2009 và 6t/2010. 6. Tổng cục thuế, Công văn số 1700/TCT-TNCN ngày 21/5/2010, Về việc hướng dẫn bổ sung quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2009. 7. Tổng cục thuế, Công văn số 451/TCT-TNCN ngày 08/2/2010, Về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2009. 8. Trang web :
Tài liệu liên quan