Tích hợp và tự sinh trong văn hóa Hồ Chí Minh
Nhân loại không thiếu những anh hùng dân tộc, những đanh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của đất nước họ, sự vận động chung của lịch sử nhân loại. Hồ Chí Minh là hiện thân của nhiều giá trị, đặc sắc về tính dân tộc nhưng vẫn bao hàm những yếu tố phổ quát của nhân loại. Trên thực tế, văn hóa Hồ Chí Minh với tư cách là một khái niệm tổng thể nhằm chỉ những giá trị tốt đẹp toát ra từ toàn bộ cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Hồ Chí Minh đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều người. Văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là văn hóa của sự tích hợp. Cái “không phải văn hóa Châu Âu tỏa ra từ Nguyễn Ái Quốc mà Ôxíp Manđenxtam nhận ra từ năm 1923 đã cho thấy sự tích hợp đó. Dự cảm của nhà thơ Xô Viết này đã mặc nhiên thừa nhận “nền văn hóa tương lai” tỏa ra từ Nguyễn Ái Quốc là một sự tích hợp, trong đó có văn hóa Châu Âu. Đứng về phía Manđenxtam có cả những người Mỹ: “Hồ Chí Minh là một trong số các nhân vật lạ lùng nhất của thời đại chúng ta – pha trộn một chút Găngđi một chút Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Chắc chắn là hơn bất cứ nhân vật nào của thế kỷ này. Người là hiện thân sinh động cho cách mạng của dân tộc Người và của toàn thế giới. Sự tích hợp này có lý do. Đường như hiclm có nhà cách mạng nào mà cuộc đời hoạt động phong phú như Hồ Chí Minh: từ thời thanh niên đã đi khắp các châu lục, làm nhiều nghề khác nhau, biết nhiều thứ tiếng, hoạt động xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, từng nếm cảnh tù đày và nhiều lần suýt nguy hiểm đến tính mạng, hơn hai trăm tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau Hồ Chí Minh rất có ý thức về sự tích hợp đó. Người tìm đường đến Pháp chứ không phải đến một nước Châu Á như không ít nhà cách mạng tiền bối, Người gửi đơn cho Tổng thống Pháp xin học bổng nội trú tại trường thuộc địa, từng học lớp nghiên cứu sinh ở Moscow nhưng đột ngột bỏ dở việc viết luận án, rời nước Nga trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người từng viết: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam có tinh thần thuần túy Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ” (Báo Cứu Quốc, 1946). Có ý thức tích hợp, Hồ Chí Minh cũng là người có khả năng tích hợp. Đấy là khả năng của một trí tuệ siêu việt và một bản lĩnh phi thường biết tìm ra những yếu tố cốt lõi nhất của những dòng tư tưởng thời đại để dung hòa. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nhiều khả năng tích hợp. Khả năng này rất mạnh mẽ ở những quốc gia bé nhỏ về diện tích và dân số Thái độ tự tôn dân tộc của những quốc gia hùng mạnh có thể là rào cản tinh thần cho sự tích hợp ở những bước chuyển lịch sử. Để có thể tồn tại trong quan hệ với các quốc gia hùng mạnh về quân sự và kinh tế những đất nước nhỏ bé phải biết tích hợp.