Tiếng nói “tự thú”, “tự trào” trong một số hồi kí Việt Nam từ sau 1975 đến nay

Tóm tắt. Tự thú, tự trào là xu hướng phổ biến bộc lộ tiếng nói của cái tôi trưởng thành trong hồi kí Việt Nam từ sau 1975. Ý thức tự phán, tự giễu thể hiện cái nhìn nghiêm khắc của nhà văn đối với bản thân về nhiều phương diện: bản lĩnh nghề nghiệp, nhân cách, lối hành xử. . . Việc nhìn lại mình với tinh thần phê phán quyết liệt vừa thỏa mãn nhu cầu ăn năn, sám hối, giải tỏa ẩn ức, vừa thể hiện sự ý thức cao về giá trị bản thân, cho thấy tầm văn hóa, bản lĩnh của nhà văn.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 205 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiếng nói “tự thú”, “tự trào” trong một số hồi kí Việt Nam từ sau 1975 đến nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 18-23 TIẾNG NÓI “TỰ THÚ”, “TỰ TRÀO” TRONGMỘT SỐ HỒI KÍ VIỆT NAM TỪ SAU 1975 ĐẾN NAY Ngô Thị Ngọc Diệp Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai Tóm tắt. Tự thú, tự trào là xu hướng phổ biến bộc lộ tiếng nói của cái tôi trưởng thành trong hồi kí Việt Nam từ sau 1975. Ý thức tự phán, tự giễu thể hiện cái nhìn nghiêm khắc của nhà văn đối với bản thân về nhiều phương diện: bản lĩnh nghề nghiệp, nhân cách, lối hành xử. . . Việc nhìn lại mình với tinh thần phê phán quyết liệt vừa thỏa mãn nhu cầu ăn năn, sám hối, giải tỏa ẩn ức, vừa thể hiện sự ý thức cao về giá trị bản thân, cho thấy tầm văn hóa, bản lĩnh của nhà văn. Từ khóa: Hồi kí Việt Nam, tự thú, tự trào, tinh thần phê phán. 1. Mở đầu Hồi kí là thể loại được tổ chức theo trục thời gian của “cái tôi” tác giả. Với lực lượng sáng tác hầu hết là những nhà văn lão thành, gạo cội của văn học Việt Nam, hồi kí từ sau 1975 bộc lộ tiếng nói của một cái tôi trưởng thành qua việc trình bày những nhận thức, chiêm nghiệm sâu sắc về lịch sử, xã hội và chính mình. Phơi trải tất cả về bản thân là một cách nhìn lại mình, thỏa mãn nhu cầu tự thú, giải tỏa những mặc cảm, ẩn ức tinh thần của tác giả. Trong thời đại ý thức cá nhân bùng phát mạnh mẽ cùng tinh thần dân chủ và nhu cầu “nói sự thật”, tiếng nói “tự thú”, “tự trào” ngày càng phổ biến trong hồi kí. Đặc biệt, với những người đã đi qua mọi thăng trầm, vinh nhục của cuộc đời, nhu cầu này càng ráo riết. Họ luôn trăn trở suy tư về bản thân, tự vấn lương tâm, muốn nói hết những mặt trái của tính cách, những hành động tội lỗi, khuất lấp. . . Đây không phải là việc làm dễ dàng. Một yêu cầu đặt ra là người viết hồi kí phải trung thực, khách quan, phải có bản lĩnh dám là mình. . . 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tiếng nói “tự thú”, “tự trào” trong hồi kí cất lên từ cái nhìn nghiêm khắc của nhà văn đối với bản thân về nhiều phương diện: bản lĩnh nghề nghiệp, nhân cách, lối hành xử. . . Họ nhận ra nhiều điều về mình mà người khác không thể thấy được. Nhiều người tỉnh táo suy xét lại sự nghiệp của mình để rồi vỡ lẽ rằng bao thành tựu và giá trị văn Ngày nhận bài 28/02/2013. Ngày nhận đăng 20/06/2013. Liên lạc Ngô Thị Ngọc Diệp, e-mail: nhatdiep71@yahoo.com.vn 18 Tiếng nói "tự thú", "tự trào" trong một số hồi kí Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay chương thuở nào chỉ là những “kết tinh” non kém. Trong Nửa đêm sực tỉnh, Lưu Trọng Lư tự nhận thấy mình kém cỏi: “Tôi viết tập truyện ngắn Người Sơn nhân cụ Phan Khôi cho tôi là người viết truyện giỏi nhất, từ Hoàng Ngọc Phách đến Tự lực văn đoàn không ai hơn tôi. Tôi đâu phải như thế! Tôi biết rõ sự kém cỏi của tôi. Người Sơn nhân là một sự bế tắc dày đặc của tâm hồn tôi. . . ”. Nghĩ về những tác phẩm từng đoạt giải, Ma Văn Kháng cảm thấy xấu hổ vì sự non nớt, yếu kém của nó: “Làm sao mà lại có thể ngợi khen chúng được, hơn nữa lại còn trao giải thưởng! Tất cả chỉ là những bài tập chưa hoàn chỉnh, những truyện ngắn chưa thành được viết bằng một cảm quan và trình độ thẩm mĩ rất ấu trĩ, sơ lược. . . ” (Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương). Phạm Cao Củng hổ thẹn với vai trò nhà văn, nhà báo của mình: “nói thực đúng thì mình chỉ là một anh thợ viết, không hơn, không kém, vì cuộc sống của bản thân và gia đình đã kéo cày trả nợ áo cơm, chứ đâu đã giúp ích gì được cho nền văn hóa dân tộc” (Hồi kí Phạm Cao Củng). . . Có thể thấy, các nhà văn đã rất khiêm nhường và thành thực về mình. Nhận ra cái non kém trong nghề cũng là lúc họ ý thức cao về nghề nghiệp. Tiếng nói “tự thú”, ở góc độ đó, càng đưa họ đến gần độc giả hơn và càng được cảm thông, trân trọng. 2.2. Được soi rọi từ cái nhìn bên trong, những mặt trái của tính cách nhà văn cũng được phơi bày cùng công chúng. Họ xóa bỏ hình ảnh đẹp đẽ đã định hình trong mắt mọi người để tạo dựng một hình ảnh gần hơn, thật hơn về mình. Tô Hoài tự họa gương mặt mình theo quan niệm “con người là con người”, “mỗi người một mánh, một tật” như cách ông khắc họa các nhân vật. Trong Chiều chiều, ông tự nhận mình là “lêu têu”, “gặp chăng hay chớ”, “vị nể”. Do vậy mà “cả đời làm theo, thấy ra, nhận thức, phân tích đều lờ mờ sai đúng, đúng sai mù mịt”. Ông tự giễu mình, một văn sĩ “vừa học vừa nhớ lăng nhăng”, nghe giảng về kinh tế thì “ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm”, cũng làm việc theo lối cao su, dở dang, đẩy đưa, chống chế... Qua những gì tự thể hiện, có thể nhận ra một Tô Hoài khôn ngoan, kín đáo đến láu lỉnh, tinh quái. Những ngày đi lao động thực tế ở nông thôn, bên cạnh một anh nhà văn dung dị, hoà đồng cùng bà con, còn có một kẻ láu lỉnh “mồmmiệng đỡ chân tay”, khi hăng hái nhiệt tình thì cũng thấy sốt ruột vì công việc nhưng khi cái ngại ngần, lười nhác trỗi lên thì tự thoả hiệp với mình, cuốn cái quyết tâm đi đâu mất: “Ông đã chén cơm từ tám hoánh với cả nhà, bây giờ tức bụng chỉ muốn nằm khểnh. . . Tôi là ai thì tôi biết quá chứ” (Chiều chiều). Ở Sáng tối mặt người, Sao Mai trung thực dựng lại chân dung mình bằng nhiều nét nhấn vào mặt tối. Nhà văn tự nhận có đủ mọi “thói hư tật xấu” trên đời: lêu lổng, hám tiền, ăn chơi bốc trời “tiêu tiền không đếm, móc túi thấy cạn mới hãm lại. Nhưng khi phải ăn cháo trừ bữa thì cũng vẫn tươi”. Ông cũng mắc căn bệnh “văn mình vợ người”, “vĩ cuồng” mà còn là bệnh nặng nữa. Ông xỉ vả mình là kẻ mập mờ hai mặt: “Cái thói mập mờ hai mặt vậy, đâu phải dễ dàng thay đổi?”. Ranh giới giữa sự tử tế và không tử tế ở ông nhiều khi rất mong manh. Ông mượn lời bạn bè để tự thú, tự giễu: nào là bị Văn Cao “trừng mắt mắng tôi là thằng hay mặc cảm, hay chấp, không biết giúp đỡ bạn”, Tô Hoài “lim dim nhìn tôi, vẻ không ưa mấy”, Đồ Phồn thì: “mắng mỏ chê bai tôi kém cỏi”, “thằng khôn lỏi ma lanh, ngậm miệng để ăn tiền”. . . Lưu Trọng Lư không giấu giếm những cái sa đà hư hỏng của ông cũng như lớp văn, thi sĩ thời ấy. Họ tuyên bố “sẵn sàng đi vào gió bụi”, “tự nguyện vứt mình ra ngoài lề xã hội” nên thường xuyên lui tới “xóm chị em” cùng “nàng tiên nâu”, chìm vào những “giờ trác táng”, những cơn say “để tỏ thái độ bất mãn đối với đời, kiêu ngạo đối với loài hống hách, để xù lông nhím ngay 19 Ngô Thị Ngọc Diệp giữa cuộc đời. . . ” (Nửa đêm sực tỉnh). Phơi bày những góc khuất, những mặt trái của tính cách, các nhà văn rõ ràng chịu sự phán quyết của lí trí, sự ý thức sâu sắc về bản thân, thể hiện sự thức tỉnh qua quá trình suy tư chiêm nghiệm và bản lĩnh dám đối diện những giá trị tự thân. . . Đa tình, lãng mạn là khí chất trời sinh, vừa là “duyên”, vừa là “nợ” của các nhà văn. Văn sĩ đa tình âu cũng là chuyện thường tình, song quan niệm đạo đức chính thống thường xem đó là điều cấm kị. Do vậy, nhiều nhà văn công khai những chuyện tình ái của mình như một sinh thú trong đời, vừa mang mặc cảm “có tội” mong muốn được giải tỏa, cảm thông. Sao Mai bộc lộ “khí chất” đa tình qua nhiều chuyện tình tang với những cô A, cô B, Băng Tâm, em học sinh Oanh, nàng Chanh, cô đào hát hoa khôi Khâm Thiên “thích ủ hoa chanh tứ thời vào áo con”. . . Những mối tình này đôi phen làm ông khốn khổ! Sau này cưới vợ rồi Sao Mai vẫn cứ đèo bòng phòng nhì, phòng mới. Người vợ cả chịu theo ông lúc mười sáu tuổi rưỡi là “vợ đầu đàn, duy nhất có làm đám cưới” (Sáng tối mặt người). Phạm Cao Củng cho những chuyện tình của mình là “trăng hoa trác táng”, “tình ái lăng nhăng”, “ái tình lẩm cẩm”, sau khi kể với độc giả từ chuyện “trai tứ chiếng, gái giang hồ”, chuyện “tình tứ du dương” đến chuyện “nhớ thương vô bờ” (Hồi kí Phạm Cao Củng). . . Phùng Quán không có nhiều chuyện tình nhưng ông bộc bạch tâm hồn đa cảm, lãng mạn, luôn “yếu đuối” trước cái đẹp. Ông thú nhận mình “thích màu môi của các nàng hơn tất cả những câu thơ hay của thế gian”! Chính cái “thói” lãng mạn này mà Phùng Quán bị một chiến hữu “mắng mỏ”: “Những câu thơ cậu làm ra như rứa mà cậu không thèm nhớ. Còn tên mấy đứa con gái õng ẹo ở mấy cái làng quanh mình đóng quân cách đây cả mấy chục năm thì cậu nhớ không sót đứa mô. Cậu còn tả nữa chớ! Con ni có cái mụt ruồi ở cằm. Con nọ có cái răng khểnh. Con tê tóc quắn mỗi lần vén tóc lên chải, để lộ cái gáy trắng như nõn chuối lại thêm xoăn xoăn mấy sợi lông tơ. . . Đầu óc cậu toàn chất chứa những cái đó thì còn chữ mô mà đựng thơ kháng chiến!” (Ba phút sự thật). 2.3. Nhìn lại mình với tư duy phê phán quyết liệt, các nhà văn tự thú về lối sống, cách hành xử nhiều sai lầm, ấu trĩ của mình. . . Từ việc chỉ ra những yếu kém, ngộ nhận trong việc vận dụng những học thuyết Khổng Tử và Mác - Lênin ở nước ta: “Đa số những kẻ cầm quyền đã biến những học thuyết chính trị này thành những chủ trương của họ, gây nên những tai hại không sao lường được. . . ”, Vũ Ngọc Khánh tự nhận cái sai nghiêm trọng của mình: “chính tôi cũng nhiều lần có những cách giải thích rất vô học với bà con dân chúng, với các em học sinh theo kiểu ấy - vô học mà cứ tưởng là rất Mác-xít, rất đúng lập trường” (Cửa riêng không khép). Lối sống được cho là khôn ngoan, khuôn phép một thời được Tô Hoài, Nguyễn Khải nhìn lại với nhiều băn khoăn, day dứt. Trong không khí nặng nề, u ám của đời sống văn học lúc bấy giờ, Tô Hoài chọn cách sống kín đáo, chịu khó, chừng mực, làm việc theo nguyên tắc, hăng hái phê bình, kiểm điểm. . . Điều này góp phần tạo nên “uy tín” và “quyền uy” của ông trong Hội nhà văn: “kết nạp Đảng và đã làm kỉ luật và kỉ luật đưa ra khỏi Đảng cả chục đảng viên”, góp phần vào những vui buồn, bi ai một thời xét lại: “dao kéo chỉnh huấn của tôi cũng đã hăng hái mổ xẻ nhiều người lắm” (Cát bụi chân ai). Khi là anh đội ông cũng rất ngang nhiên: “Ăn vụng, kể cả ăn vụng người, và làm che mắt thế gian, anh đội tôi nào biết có ai trên đầu” (Chiều chiều). . . Không dưng mà Như Phong cho ông là “thằng ngoại ô láu cá, văn chương thì đẽo gọt”, 20 Tiếng nói "tự thú", "tự trào" trong một số hồi kí Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay Nguyên Hồng sau khi đọc bài Nhìn lại một số sai lầm trong bài báo và trong công tác đã hét lên: “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không!”, Nguyễn Tuân cũng chán cái kiểu cách ấy: “Chó biết thằng này thế nào là thật! Tao ghét cái cười mủm mỉm hiền lành, không hiền lành của mày”. . . Dẫn lời bạn bè, ông tự chế giễu mình, thừa nhận chất thị dân láu cá: “cái ấy thì có thể” và tự lí giải: “Tôi sinh ra ở nơi thành phố với làng mạc lẫn lộn, thế lực chánh lí không khạc ra lửa như trời đất làng Đại Hoàng của Nam Cao, mà ở quê tôi, túi bạc đâm toạc tờ giấy, có tiền là có cả, bấy lâu tôi lăn lóc trong khoé đời ấy, có thể vì thế mà tôi sai chăng?” (Cát bụi chân ai). Có thể thấy, Tô Hoài đã đặt ra cho mình những giới hạn, chừng mực trong mối quan hệ với thời thế. Có những lúc chưa vượt qua được chính mình, có những công việc buộc phải làm, phải chấp nhận trong một giai đoạn lịch sử, nhưng trên hết ông là một người bản lĩnh, từng trải, đã thấu suốt về cái “tôi” của mình, dũng cảm đi tìm sự giải đáp về mình trong sự tự thú đáng trân trọng. Nguyễn Khải qua Thượng đế thì cười cũng trình bày nổi bật một tính cách khôn ngoan, tỉnh táo. Ông biến thành nhân vật hắn để tách mình ra một vị trí quan trọng nhất mà soi xét. Trong xã hội nhiều biến động phức tạp, hắn chọn cho mình lối sống an toàn để đạt mục đích riêng. Đây có lẽ là cái hơn người của hắn. Hắn biết lui, biết tới, biết bỏ cái nhỏ, lo cái lớn. Hắn làm được cái việc vui lòng cấp trên, được lòng mọi người mà cái được lớn hơn cả là xuôi chèo mát mái cho sự nghiệp của hắn. Và thế là hắn đã đạt được mục đích. Quan chức mang lại cho người ta danh lợi và quyền lực, hắn cũng khao khát làm quan và khi thời cơ đến hắn nhanh chóng nắm lấy. Hắn cũng là người biết toan tính, biết hướng đến thế mạnh của mình, trong lúc mọi người đua chen, hắn chỉ mải lo viết, viết nhiều, viết nhanh. Và kết quả là hắn đã sớm có một khối lượng tác phẩm khá dày dặn, đó mới là thành công của hắn, tạo danh lợi cho hắn. . . Cái khôn ngoan, tỉnh táo, dần biến hắn thành một người sống nhạt, sống nhát, thậm chí có phần nhạt nhẽo, rỗng không. Hắn thờ ơ, vô trách nhiệm với vợ con, lười và nhát cả trong công tác xã hội, né tránh, giữ mình trước bao biến động của thời cuộc. . . Có thể nói, với nhân vật hắn, Nguyễn Khải có cái nhìn về mình khá nghiêm khắc. Ông viết về bản thân như một “kẻ khác” để tự do mổ xẻ đến cùng mặt trái con người mình. Trước kia ông biết “khuôn mình theo dòng”, uốn ngòi bút đi một tí để được tồn tại với nghề, được yên ổn với đời. Hơn nữa, lòng biết ơn cách mạng - “Nguyễn Khải là người được cách mạng vớt lên từ cống rãnh, tắm gội cho sạch sẽ, lại cấp cho một cái nghề sang trọng, vừa có danh, vừa có lợi” [1] - khiến ông không thể có cách ứng xử khác. Giờ đây, chiêm nghiệm và đúc kết một đời giúp ông nhận ra cái giả dối hèn nhát của mình. Trong ông luôn có hai con người tranh chấp nhau không bao giờ ngã ngũ: “Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia” (Dương Tường). Việc nhìn lại, tự thú về mình cho thấy Nguyễn Khải đã đứng vững ở vị trí một con người đối mặt với các giá trị tự thân. Làm được điều này ông không những không hạ thấp mình mà còn tìm được sự cảm thông, trân trọng nơi người đọc. 2.4. Cảm hứng tự thú, tự trào tạo nên chất giọng giễu nhại, trào lộng trong thể hồi kí. Trải qua bao thăng trầm, buồn vui, người viết hồi kí thường nhìn lại mình với cái nhìn bình tĩnh, khách quan, tự tách mình ra, đứng ở vị thế cao hơn để phán xét, tự cười, tự giễu. Họ không ngại bộc bạch về mình trong nhiều “trạng thái” đáng cười. Vương Hồng Sển 21 Ngô Thị Ngọc Diệp trong Hơn nửa đời hư tự “lôi” ra nhiều cái hư của mình: “HƯ từ lúc nhỏ xa cha xa mẹ không người kềm thúc, tiền sẵn trong tay mặc sức tung hoành. . . HƯ, vì hai lần tự mình làm đổ vỡ gia đình, hai lần ra tòa li dị, chẳng qua vì tội mê đồ cổ thiệt hơn mê con đàn bà thiếu thành thật, HƯ, vì cho đến bây giờ, vẫn chưa bỏ tật ích kỉ: có bao nhiêu tiền kè kè bên túi, trong thì ép vợ ép con ăn kham mặt mót, ngoài thì tiêu pha đàn đúm. . . HƯ, vì ngày chay lạt, rằm và mồng một, những ngày ấy lại là ngày bồng bột nhứt, rậm rật nôn nao thèm muốn chuyện tà. . . ”. Ông thấy đời mình chỉ còn một chữ “hư” to tướng! “Hơn nửa đời hư” là cách nói lộng ngữ mang tính tự trào, tự mỉa của một nhà văn hóa, một lão trí thức học cao hiểu rộng, có vốn sống vô cùng phong phú, 90 tuổi đời vẫn thấy mình chưa làm nên sự nghiệp! Thượng đế thì cười mở ra tình huống trớ trêu, bi hài của nhân vật hắn, để hắn soi lại cuộc đời mình với cái nhìn tự trào sinh động. Nguyễn Khải tự giễu cái sống nhạt, sống nhát của mình qua những cuộc nói chuyện với con trai nhưng thực ra là độc thoại, đối chứng với chính mình: “Hắn nói: Với bạn bè tao rất có lỗi. . . Con hắn lại cười: Họ chưa đánh bố đã chạy thì làm sao bố có lỗi được?” Ông cũng tự cười mình là kẻ ăn may, hữu danh vô thực khi được bầu làm đại biểu quốc hội qua những lời giễu cợt mai mỉa: “một anh chân trắng lại được bầu làm đại biểu quốc hội, có nhầm không đấy? Hắn là một cái tên trong vài cái tên trong một danh sách bầu để người ta gạch đi ấy mà, chứ nước non gì! Mà hóa ra hắn lại trúng với số phiếu rất cao!”. Hắn giễu cái vai trò bù nhìn ấy với cách ví von thú vị, sinh động, rất đúng bản chất nhân vật. Một kẻ chỉ hợp với ao hồ cống rãnh lại được nhấc lên ghế Nghị trường! Do vậy, mỗi khi họp hắn thường ngủ gật hay rũ ra như “một con cá ươn”: “Ở các cuộc họp hắn chỉ ngáp thôi, vây vẩy bạc phếch, đứng xa cũng ngửi thấy mùi tanh, còn thả hắn vào nước ao, nước rạch, cống rãnh được tuốt, hắn lại càng vùng vẫy nhào lộn, vây vẩy sáng lòe, môi mép toe toét. Tung bọt giỡn sóng, là cá sắp hóa rồng chứ đâu phải là con cá ươn như khi ngồi họp”. Nguyễn Khải còn bôi nhọ gương mặt mình như những mặt nạ, mặt hề đầy ẩn ý: “mặt mũi lem luốc vì từ chỗ quyền lực chui ra làm sao còn giữ được gương mặt sạch”, “người khác bôi lem mặt mình, tự mình cũng vẽ bậy vẽ bạ lên mặt mình”. Lôi mặt mình ra để cười, thể hiện ý thức tự thú, tự trào quyết liệt vừa ẩn sâu nỗi chua xót, thấm thía. . . Có thể nói, Thượng đế thì cười là một chuỗi cười dài nhưng là giọng cười sâu lắng, thâm trầm, đôi khi đẩy đến độ chua chát, cay đắng, chứ không còn là tiếng cười vui tươi, sảng khoái nữa. Khi nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, Nguyễn Khải cho rằng: “đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc” (Đi tìm cái tôi đã mất). Cũng là giễu một đời văn, song trong giọng nói có vị chua chát, hờn dỗi: “Hờn dỗi với đời, hờn dỗi với cái phận của mình. Nghĩ đến sự nghiệp cả một đời có thể sẽ trở thành số không, trở thành hư vô, cay đắng lắm chứ!” [1]. Nguyễn Khải đã đạt đến độ sâu sắc, thâm trầm trong nhìn nhận, ứng xử với cuộc đời. Phạm Xuân Nguyên nhận định về giọng hài trong hai tác phẩm Thượng đế thì cười và Chuyện kể năm 2000: “Hắn của Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải kể chuyện bằng một giọng điệu có pha chất hài, giễu và tự giễu. . . hai tác giả tách mình ra thành hắn để soi ngắm, nhìn nhận, và luận bàn. Những cay đắng, đọa đày, chìm nổi, vinh nhục, giờ đã thành quá khứ, thành kí ức được đem ra lật giở lại dưới luồng ánh sáng của lẽ đời, lẽ người, của những giá trị nhân bản. Đau khổ, bực tức, xót xa, tiếc nuối, cái cười có thể khóc, và cái khóc có thể cười” [2]. Nhà văn Sao Mai cũng “tự thú” một cách hài hước về sự viết văn cảm tính, hồn 22 Tiếng nói "tự thú", "tự trào" trong một số hồi kí Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay nhiên đến liều lĩnh của mình qua giọng kể dí dỏm: “Ấy thế mà tôi vào nghề này lại như anh điếc không sợ súng. Hay là say nên không sợ chữ?. . . Riêng tôi, nhiều lúc đã viết một cách dễ dãi như thở, như đan len. . . Vớ được chữ là hạ bút, cứ hùng hục như trâu không điên mà cũng húc bờ”. Ông giễu cái thói hám tiền của mình qua suy nghĩ của Tô Hoài: “chưa chi đã tiền, người đâu lại có thứ người thế!” (Sáng tối mặt người). Trong Cửa riêng không khép, Vũ Ngọc Khánh cũng tự cười cái xu hướng “nữ khuynh” của mình. Khi được “các bà các chị hay đến hỏi han ngọt ngào, các nữ sinh luôn quấn quýt, đối xử một cách khá đặc biệt” thì ông cũng “ngấm ngầm tự đắc”. Bởi ông “thích ngắm người đẹp, cũng rất thích gần gũi với các bà các cô. . . ”. Ông tự thú: “mình cũng chẳng là ông Phật ông Thánh gì đâu, mà vẫn có một con lợn nằm ngủ trong lòng, khi bị khêu gợi thì nó sẵn sàng thức dậy”, mặc dù theo Hoàng Ngọc Hiến đó là con lợn “có văn hóa”!. . . Việc ví von, tô vẽ gương mặt mình, nhấn nhá vào những cái hư, cái xấu, những cái khuất lấp không ngờ của nhân cách càng làm nổi rõ chân dung các văn nghệ sĩ ở góc độ người thường với bao thói tật phiền phức, nhếch nhác. Chất giọng tự giễu, trào lộng khiến hình ảnh họ trở nên sinh động, chân thật, có cá tính hơn. 3. Kết luận Với cái nhìn từ bên trong cùng sự phân thân, xem mình là “kẻ khác” để tự phán xét, các nhà văn đã bộc lộ nhận thức sâu sắc về bản thân, phơi bày những mặt trái của tính cách, những lầm lỗi, ngộ nhận. . . Họ tự nói về mình với ý thức phê phán, tự giễu, thỏa mãn nhu cầu ăn năn, sám hối, giải tỏa đời sống tinh thần nhiều ẩn ức, mặc cảm, bức xúc. . . Tiếng nói “tự thú”, “tự trào” là kết quả của quá trình suy ngẫm nhờ trải nghiệm bản thân, sự thức tỉnh, đốn ngộ nhiều điều về cuộc sống, cho thấy tầm văn hóa, bản lĩnh của nhà văn. Nhìn lại chính mình, thành thật với chính mình là xu hướng ngày càng phổ biến, rất đáng hoan nghênh, trân trọng của hồi kí Việt Nam sau 1975. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Đăng Mạnh, 2008. Trao đổi về "Đi tìm cái tôi đã mất" của Nguyễn Khải. Nguồn: [2] Phạm Xuân Nguyên, 2010. Bùi Ngọc Tấn, nhà văn và hắn. Nguồn: ABSTRACT The voice of self-confession and self-ridicule in some memoirs of Vietnam after 1975 to present Self-confession and self-ridicule are common trends that reveal the voice of a ma- ture ego in Vietnamese memoirs after 1975. Self-criticism and self-ridicule were used by the writer as he examines his career, personality and behavior. Looking at himself criti- cally, the writer is satisfied to live with his feeling of great regret, his repentance and a release of hidden inhibition and he also shows a high s