Hiện nay, trong xã hội ta dường như đã hình thành nên một tầng lớp những người
nói một thứ tiếng Việt khá khó hiểu đối với đại bộ phận dân chúng. Đó là một thứ
tiếng Việt mà từ cách phát âm đến cách dùng từ, thậm chí cả các kết cấu ngữ pháp
đều mang dáng dấp của một ngôn ngữ pha trộn, đặc trưng cho thứ tiếng Việt
chuyển tiếp của những người nước ngoài đang học tiếng Việt, hay những Việt kiều
rời Việt Nam từ nhỏ, khi tiếng Việt của họ chưa được định hình vững chắc hoặc do
lâu năm sống ở nước ngoài nên quên một số quy tắc hoặc từ ngữ của tiếng Việt.
Cái thứ tiếng Việt của họ nhiều khi nghe lơ lớ, nửa tây nửa ta nên thường gây khó
khăn cho người dân bình thường.
9 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1399 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiếng tây không làm sang Tiếng Việt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TIẾNG TÂY KHÔNG LÀM SANG TIẾNG VIỆT
Lê Đình Tư
Hiện nay, trong xã hội ta dường như đã hình thành nên một tầng lớp những người
nói một thứ tiếng Việt khá khó hiểu đối với đại bộ phận dân chúng. Đó là một thứ
tiếng Việt mà từ cách phát âm đến cách dùng từ, thậm chí cả các kết cấu ngữ pháp
đều mang dáng dấp của một ngôn ngữ pha trộn, đặc trưng cho thứ tiếng Việt
chuyển tiếp của những người nước ngoài đang học tiếng Việt, hay những Việt kiều
rời Việt Nam từ nhỏ, khi tiếng Việt của họ chưa được định hình vững chắc hoặc do
lâu năm sống ở nước ngoài nên quên một số quy tắc hoặc từ ngữ của tiếng Việt.
Cái thứ tiếng Việt của họ nhiều khi nghe lơ lớ, nửa tây nửa ta nên thường gây khó
khăn cho người dân bình thường.
Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là những người nước ngoài thực sự hoặc là những
Việt kiều thực sự, vì người Việt ta vốn có lòng vị tha, lại rất coi trọng những người
nước ngoài biết nói tiếng Việt, một thứ tiếng mà ngay cả người Việt cũng cho là
khó học. Nhưng đằng này, họ lại là người Việt chính hiệu, không những thế cái thứ
tiếng Việt pha tạp đó lại được sử dụng ở những nơi mà lẽ ra, nó phải được thể hiện
dưới dạng chuẩn mực nhất và trong sáng nhất – đó là trên các phương tiện thông
tin đại chúng.
Thực ra, một cách không chính thức, tất cả chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng
những thứ ngôn ngữ pha tạp mà các nhà khoa học gọi là các thứ tiếng xã hội hay
biệt ngữ. Tiếng xã hội hay biệt ngữ là một thứ ngôn ngữ được tạo ra và sử dụng
trong một phạm vi hẹp, trong khuôn khổ của các nhóm hay tầng lớp xã hội, tức
những người có quan hệ công việc hàng ngày với nhau, ví dụ như trong các nhóm
học sinh, sinh viên, giáo viên, lái xe, bộ đội, hoặc trong giới buôn lậu, tiêm chích,
trộm cắp, v.v Trong các thứ tiếng xã hội đó, chúng ta có thể nhận thấy sự pha
trộn những yếu tố chuẩn với những yếu tố lệch chuẩn. Các yếu tố lệch chuẩn có thể
là những từ ngữ bình thường, vẫn tồn tại trong ngôn ngữ toàn dân, nhưng được sử
dụng với ý nghĩa khác, ví dụ: “phao” (= tài liệu chuẩn bị sẵn được đưa vào phòng
thi để quay cóp); “nộp tiền ngu” (= nộp lệ phí thi lại), “đứt cước” (= hỏng việc hay
thất bại). Đó có thể là những từ ngữ mới, do các nhóm xã hội đó tự tạo ra, ví dụ:
“xê” (= một chỉ vàng), “xao li” (= nói dối, nói láo); “sọi” (= một nghìn đồng). Đó
còn là những từ hay tên gọi được làm biến dạng đi theo những quy ước của các
nhóm xã hội, ví dụ: “Cô Loan” (= Đài Loan), “vitamin E” (đàn bà), “vitamin T” (=
tiền), “Trần Văn Chuồn” (= chuồn, bỏ đi). Nhưng đó cũng có thể là những yếu tố
tiếng nước ngoài được đưa vào lời nói nhằm tạo nên những hiệu quả giao tiếp nào
đó hoặc để che đậy những nội dung bí mật mà chỉ những người “trong cuộc” mới
giải mã được. Một học sinh học tiếng Pháp, trong khi nói chuyện với bạn bè của
mình, có thể sử dụng một thứ tiếng Việt “bồi” kiểu như: “Chốn biu rô” (chốn văn
phòng), hay “Toa với moa kết nghĩa ami” (Mình với cậu kết bạn với nhau) mà
không bị phản đối gì vì trong nhóm bạn bè của mình, đó là thứ ngôn ngữ “của nhà
làm”, ai cũng hiểu được. Tương tự, một học sinh học tiếng Anh có thể dùng xen
những từ như nâu (không), gơn (cô gái), đai (chết), xì tai (phong cách), xêm xêm
(gần như nhau) trong các câu nói của mình khi nói chuyện với bạn cùng học mà
người nghe vẫn chấp nhận vì đấy là cách để bạn bè cùng trang lứa vui đùa với
nhau.
Tuy nhiên, đối với những người “ngoại đạo” thì cách nói pha trộn như vậy thường
gây phản cảm vì người ta không hiểu, hoặc cho đó là thứ ngôn ngữ lai căng hay
một thứ tiếng lóng bí mật và đáng ngờ. Vì vậy, một cách tự nhiên, trong ý thức của
xã hội, tiếng Việt sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông thường
phải là thứ tiếng Việt của toàn dân, một thứ tiếng Việt phổ thông, trong sáng để ai
cũng có thể hiểu được. Hơn nữa, trong văn hóa của người Việt Nam, nếu một
người trẻ tuổi sử dụng một câu tiếng Việt “bồi” kiểu “Nâu vấn đề.” (Không có vấn
đề gì) trong khi nói chuyện với người hàng trên như ông bà, bố mẹ thì sẽ bị cho là
vô lễ, thiếu giáo dục.
Ây thế nhưng, trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta, có rất nhiều yếu tố
lệch chuẩn mang tính chất nước ngoài và đặc trưng cho các thứ tiếng xã hội. Việc
sử dụng các yếu tố lệch chuẩn trước hết thể hiện ở cách phát âm các tên gọi nước
ngoài. Một điều rất dễ nhận thấy là nhiều tên gọi nước ngoài vốn đã được định
hình từ bao nhiêu năm nay, đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong
tiếng phổ thông, bỗng nhiên bị một số phát thanh viên “sửa lại” theo cách phát âm
của một thứ tiếng nào đó mà phát thanh viên đó biết. Và thế là những tên gọi này
không còn chuẩn mực nữa, vì người biết tiếng Anh thì phát âm chúng theo kiểu
tiếng Anh, người biết tiếng Pháp thì phát âm theo kiểu của tiếng Pháp: Thủ đô
Luân Đôn của nước Ạnh cứ được phát âm là Lân Đần, thủ đô Mátxcơva của nước
Nga, lúc thì phát âm là Mốtxcâu, lúc lại phát âm là Mốtxcơva; thủ đô Pari của
Pháp nhiều lúc được phát âm thành Peơruýtxơ; nước Ítxraen có người cứ đọc thành
Ítxroaoeo. Ngay như nước Xinhgapo cạnh ta, lúc thì được đọc là Xinhgapua, có lúc
lại đọc thành Xanhgapo. Sự lệch chuẩn không chỉ diễn ra trong ngôn ngữ nói mà
cả trong ngôn ngữ viết. Chỉ xin nêu một ví dụ: Hiện nay, phần lớn người Việt
không biết viết tên nước Xinhgapo thế nào cho đúng. Điều đó có lẽ cũng chẳng có
gì là lạ vì trên báo chí, người ta cũng viết rất lung tung: lúc thì viết là Xingapo, lúc
thì viết là Singapo, lúc khác thì lại là Singapore hoặc Xinhgapo. Điều đáng ngạc
nhiên là những hiện tượng lệch chuẩn như vậy chẳng có ai thấy cần phải sửa đổi
hay phê phán.
Nếu như việc phát âm lệch chuẩn gây nên cảm giác về sự lai căng của ngôn ngữ thì
việc sử dụng những từ ngữ nước ngoài được đưa vào một cách không chính thức
lại tạo ra cảm giác về sự khó hiểu của ngôn ngữ. Chẳng hạn, khi nghe câu: ”Họ có
nhiều phaxilitix hơn chúng ta.” thì có thể đoán trước được là đại đa số khán/thính
giả của đài truyền hình Việt Nam không hiểu từ phaxilitix (t. Anh: facilities =
những tiện nghi) nghĩa là gì, bởi vì đó là từ được vay mượn không chính thức vào
tiếng Việt và chỉ có những người biết tiếng Anh mới hiểu được ý nghĩa của nó. Thế
mà không có ai giải thích cho người nghe về ý nghĩa của từ này, cứ như thể tất cả
các khán/thính giả Việt Nam đều thông thạo tiếng Anh vậy. Bởi thế, đối với một
khán giả bình thường, đó là một thứ ngôn ngữ hoàn toàn giống như tiếng lóng của
một nhóm xã hội nhất định mà khi nghe, người ta vẫn thường liên tưởng tới mục
đích che đậy những nội dung bí mật nào đấy, nên thường gây nên ác cảm ở những
người nghe không nằm trong nhóm xã hội đó. Hiện tượng vay mượn không chính
thức nhưng lại sử dụng tràn lan các từ ngữ nước ngoài trong các lĩnh vực như âm
nhạc, thể thao, giải trí trên các phương tiện thông tin đại chúng ở ta đang tạo ra
những thứ tiếng xã hội khá lộn xộn và cũng đang gây nên những phản cảm như
vậy. Người ta nói đến các emxi (người dẫn chương trình), cátxê (tiền mặt), sô (biểu
diễn), laivờ sâu (biểu diễn trực tiếp), nhạc claxich (nhạc cổ điển), nhạc congtruy
(nhạc đồng quê) nhạc đăngxơ (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ), huligân (côn
đồ) một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu, cũng
biết. Thực ra, chúng ta có thể đồ rằng ngay cả những người đang sử dụng những từ
này của tiếng Anh cũng chưa chắc đã hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Như từ emxi
chẳng hạn. Đó là một từ viết tắt trong tiếng Anh (MC = Master of Ceremonies), có
nghĩa là người dẫn chương trình có nhiệm vụ giới thiệu các tiết mục biểu diễn (tất
nhiên ở đây ta chỉ nói đến ý nghĩa đã được lựa chọn để vay mượn vào tiếng Việt),
nhưng có phát thanh viên ở ta đã giới thiệu với khán giả truyền hình một emxi về
thú chơi cây cảnh mà lẽ ra phải giới thiệu là phóng viên. Đó không phải là trường
hợp nhầm lẫn cá biệt mà là hiện tượng có tính phổ quát về sự mơ hồ trong việc tiếp
thu và sử dụng các từ ngữ nước ngoài, khiến cho xã hội ta hiện nay bị loạn các
emxi tự phong: Chúng ta có cả các loại emxi cây cảnh, emxi trò chơi, emxi cầu
truyền hình, emxi ăn hỏi, emxi đám cưới, emxi khai trương, emxi khai giảng, emxi
khánh thành mà không cần phải có tay nghề ở mức nghệ nhân (master) như ở
các nước.
Vấn đề đáng phê phán là: Mục đích của việc vay mượn các từ ngữ nước ngoài vào
trong tiếng Việt hiện nay rất không rõ ràng. Người ta đang vay mượn những từ ngữ
đã có các yếu tố tương đương trong tiếng Việt. Vì vậy, không thể giải thích được lí
do tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta phải nói nhạc claxich
thay cho nhạc cổ điển, hay nhạc congtruy thay cho nhạc đồng quê. Chính sự mù
mờ về mục đích vay mượn từ ngữ ngoại lai đang tạo ra những cách nói dư thừa
trong tiếng Việt như: các fan hâm mộ, các sô diễn, tiền cátxê, emxi dẫn chương
trình, một buổi diễn laivờ sâu, hoặc cách nói tối nghĩa như: “Thày X chạy mỗi
ngày ba sô.”. Đặc biệt, một từ như từ “teen” được vay mượn vào tiếng ta bất chấp
cả sự khác biệt về hệ thống cấu tạo từ của hai thứ tiếng, khiến cho việc sử dụng nó
trở nên khá rối rắm. Cái từ teen chỉ phù hợp với tiếng Anh là thứ tiếng có cách cấu
tạo những số từ từ 13 đến 19 bằng cách thêm yếu tố teen vào phía sau. Vì cái bộ
phận teen chung cho các số từ đó nên người Anh có thể sử dụng từ teenage để chỉ
độ tuổi thanh thiếu niên từ mười ba đến mười chín tuổi hoặc teenager để chỉ những
người nằm trong độ tuổi đó. Đây cũng là độ tuổi trong đó có một số tuổi trùng với
tuổi dậy thì nên teenager đôi khi còn hàm chứa ý nghĩa “tuổi nổi loạn”. Tiếng Việt
ta không có cách cấu tạo từ như vậy, nhưng chúng ta có nhiều cách để nói về
những độ tuổi khác nhau, phù hợp với hệ thống tiếng Việt, ví dụ: tuổi thanh thiếu
niên, tuổi mới lớn, tuổi ô mai, tuổi dậy thì, tuổi chanh cốm, tuổi xanh, tuổi học trò,
tuổi trăng tròn, tuổi mười bảy, tuổi đôi mươi, tuổi vị thành niên. Nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn còn có tuổi đá buồn. Tiếng ta không nghèo nàn đến mức phải mượn từ
teen của tiếng Anh, mà thực ra chẳng hợp gì với các cách nói về độ tuổi cả: Nó
không phải là tuổi học trò, cũng không phải là tuổi dậy thì hay tuổi vị thành niên
Đơn giản đây chỉ là độ tuổi mà trong tiếng Anh các số đếm chỉ tuổi có chứa bộ
phận teen, ví dụ: thirteen, fourteen, fifteen Số đếm tương đương của chúng ta là
mười ba, mười bốn, mười lăm nên tất nhiên chúng ta cũng có thể nói tuổi mười
hay tuổi mươi được. Nhưng nếu nói như vậy thì tuổi mười sẽ bao gồm cả tuổi lên
mười, tuổi mười một và mười hai, vì cách cấu tạo các số đếm của tiếng ta là như
vậy. Rõ ràng là ở đây, người Việt không thấy có lí do gì để nói về độ tuổi theo cách
này, chứ tuyệt nhiên không phải là do tiếng Việt chúng ta quá kém cỏi hay không
sang trọng. Sự vay mượn thiếu nguyên tắc này đã làm cho tiếng Việt có thêm một
từ mà từ cách viết đến cách sử dụng đều không phù hợp với hệ thống ngôn ngữ và
văn hóa của người Việt Nam, và đồng thời cũng đang tạo ra những cách hiểu
không thống nhất. Có nhiều người, khi nói tới tuổi teen cứ nghĩ đó là tuổi học trò.
Thật oan uổng cho những cô cậu học trò ở độ tuổi từ sáu đến mười hai tuổi cũng bị
vơ vào số đó. Lại có người hiểu đó là tuổi vị thành niên nên viết: “Nhà nghỉ trên
đường Hoàng Quốc Việt là điểm hẹn lí tưởng của lứa tuổi teen ngây thơ”. Không
lẽ ở ta các cô cậu mười ba, mười bốn tuổi đã ồ ạt rủ nhau đến các nhà nghỉ, hoặc
không lẽ những thanh niên mười tám, mười chín tuổi (tuổi thành niên) ở ta vẫn còn
nằm ở lứa tuổi ngây thơ? Do sự mù mờ này mà chính tác giả đó ở chỗ khác lại viết:
“Đặc điểm chung của những cặp này là đều rất trẻ, thậm chí dưới 20 tuổi.” (???).
như vậy tuổi teen lại được hiểu là tuổi trên hai mươi. Không những thế, từ teen lúc
thì được dùng làm tính từ, ví dụ: tuổi teen, lúc khác lại được dùng làm danh từ
khiến cho người nghe/người đọc không biết đâu mà lần, ví dụ: “Teen bây giờ khác
quá.”, “những thắc mắc của các teen về chuyện học hành, thi cử, yêu đương”.
Bản thân cái việc đưa nguyên xi dạng chữ viết tiếng Anh vào tiếng Việt như vậy
cũng là một điều cần phải lên án mạnh mẽ vì nó vi phạm trắng trợn hệ thống chữ
viết của tiếng Việt.
Như vậy có thể thấy, nhiều trường hợp vay mượn các yếu tố tiếng nước ngoài vào
tiếng Việt không có lí do chính đáng: Chúng không có tác dụng bổ sung những từ
ngữ đang thiếu cho tiếng Việt, không làm cho tiếng Việt trở nên chính xác hơn hay
phong phú hơn, cũng không làm cho nó sang trọng hơn. Một điều chắc chắn rằng,
sự vay mượn lộn xộn và cẩu thả các yếu tố nước ngoài đang tạo ra những biệt ngữ
xã hội. Chỉ có điều những biệt ngữ xã hội đó lại đang hoạt động trong chức năng
của ngôn ngữ toàn dân. Đó thật sự là một “lỗi hệ thống” trong tiếng Việt hiện nay
của chúng ta.