Tóm tắt. Sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp tham gia vào hoạt động nghề nghiệp ở nhà
trường phổ thông. Họ là những giáo viên trẻ - những người vừa mới bước vào nghề giáo.
Đây là bước chuyển đổi phức tạp, có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời của các em với
những thay đổi ở nhiều khía cạnh. Bài viết đi sâu làm rõ khái niệm thích ứng, thích ứng
nghề nghiệp (TƯNN) và TƯNN của sinh viên sư phạm (SVSP) sau tốt nghiệp. Trên cơ sở
những khái niệm công cụ đó, tác giả đã đưa ra hai khía cạnh quan trọng trong việc xác định
các tiêu chí đánh giá sự TƯNN của SVSP sau tốt nghiệp là thích ứng công việc và thích
ứng xã hội với 11 tiêu chí và 60 chỉ báo.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 175 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiêu chí đánh giá thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0046
Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1A, pp. 200-206
This paper is available online at
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP
CỦA SINH VIÊN SƯ PHẠM SAU TỐT NGHIỆP
Nguyễn Thị Kim Dung1, Đỗ Thị Thuận2
1Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
2Trung học Phổ thông Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội
Tóm tắt. Sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp tham gia vào hoạt động nghề nghiệp ở nhà
trường phổ thông. Họ là những giáo viên trẻ - những người vừa mới bước vào nghề giáo.
Đây là bước chuyển đổi phức tạp, có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời của các em với
những thay đổi ở nhiều khía cạnh. Bài viết đi sâu làm rõ khái niệm thích ứng, thích ứng
nghề nghiệp (TƯNN) và TƯNN của sinh viên sư phạm (SVSP) sau tốt nghiệp. Trên cơ sở
những khái niệm công cụ đó, tác giả đã đưa ra hai khía cạnh quan trọng trong việc xác định
các tiêu chí đánh giá sự TƯNN của SVSP sau tốt nghiệp là thích ứng công việc và thích
ứng xã hội với 11 tiêu chí và 60 chỉ báo.
Từ khóa: Giáo viên trẻ, thích ứng, thích ứng nghề giáo, sinh viên sư phạm, tiêu chí.
1. Mở đầu
Thích ứng giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công hay thất bại ở mỗi
người. Nhà tâm lí học Liên Xô D.A. Andreeva đã viết: “Thích ứng là tiền đề cho sự thành công của
mỗi cá nhân trong một lĩnh vực hoạt động nhất định. Nhờ có thích ứng con người lĩnh hội được
những tri thức mới, những kĩ năng, kĩ xảo mới và biến chúng thành vốn sống, vốn kinh nghiệm
cho bản thân và dần dần hoàn thiện nhân cách của chính mình” [3]. Thích ứng nghề giáo còn quan
trọng hơn, đặc biệt đối với sinh viên sư phạm (SVSP) sau tốt nghiệp – những giáo viên trẻ (GVT),
những người vừa mới bước vào nghề, vào thế giới công việc trong môi trường sư phạm với nhiều
chuyển đổi phức tạp, có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời của các em, nhất là một hai năm đầu.
Bởi sự thích ứng nghề giáo sẽ giúp cho việc duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu của chính giáo viên
(GV) với các yêu cầu, điều kiện và hoàn cảnh mà ở đó họ đang giảng dạy. Tương lai của trẻ em
hoàn toàn an toàn và được đảm bảo trong tay của những GV thích ứng tốt. Ngược lại nếu GV
không thích ứng được thì không chỉ chính họ bị tổn hại mà còn làm tổn hại đến những trẻ em dưới
sự giảng dạy của họ cũng như cho cả xã hội [6].
Ngày nhận bài:12/12/2016. Ngày nhận đăng: 17/2/2017.
Liên hệ: Nguyễn Thị Kim Dung, e-mail: kimdung28863@gmail.com.
200
Tiêu chí đánh giá thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái niệm thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp
2.1.1. Thích ứng
Các nhà tâm lí học Liên Xô trước đây (L.X. Vưgốtxki, A.N. Leonchiev và D.A.
Andreeva. . . ) cho rằng: thích ứng của con người là khả năng tâm lí giúp con người chủ động,
tích cực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại do sự biến động của hoàn cảnh để làm chủ cuộc sống và
hoạt động của mình. Không thể đồng nhất thích ứng với thích nghi [1].
Theo từ điển Giáo dục (Dictionary of education), “Thích ứng (Adjustment) là quá trình
tìm kiếm và chấp nhận các kiểu hành vi phù hợp với môi trường hoặc với sự thay đổi của môi
trường” [4]. Khái niệm thích ứng thường bao gồm sự điều tiết (làm cho phù hợp – accommodation)
và sự thích nghi (adaptation). Nó rất giống với khái niệm thích nghi hay sử dụng trong sinh học
trong ngữ cảnh tiến hóa. Các nhà sinh học sử dụng khái niệm “thích nghi” theo đúng nghĩa của
các yêu cầu vật lí của môi trường. Còn các nhà tâm lí học sử dụng khái niệm “thích ứng” với các
điều kiện đa dạng của các mối quan hệ xã hội hoặc liên nhân cách trong xã hội.
Theo Gates: “Khái niệm thích ứng có hai nghĩa. Một đó là quá trình liên tục theo đó con
người biến đổi hành vi của mình nhằm tạo ra các mối quan hệ hài hòa hơn giữa mình với môi
trường. . . Thứ hai, đó là trạng thái tức là điều kiện của sự hài hòa/hòa hợp do những người chúng
ta gọi là thích ứng tạo ra” [4]. Như vậy, thích ứng có thể được xem xét từ hai góc độ: thứ nhất đó
là quá trình, thứ hai đó là kết quả. Ý thứ nhất nhấn mạnh đến quá trình theo đó cá nhân điều chỉnh
cho thích hợp với môi trường bên ngoài, còn ý thứ hai nhấn mạnh đến chất lượng, hiệu quả của
thích ứng.
Theo tác giả Phan Quốc Lâm, quá trình thích ứng biến đổi trên hai mặt tâm lí và hành vi.
Ở mặt tâm lí, cá nhân hình thành nên những cấu tạo tâm lí mới; còn ở mặt hành vi, cá nhân lĩnh
hội những phương thức hành vi đáp ứng yêu cầu của điều kiện sống và hoạt động mới. Kết quả
của những biến đổi này là cá nhân không những đáp ứng mà còn có thể “tác động cải biến môi
trường”. Như vậy, thích ứng là một cấu trúc có quan hệ biện chứng bao gồm hai mặt cơ bản: (1)
Hình thành những phương thức hành vi thích hợp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của điều kiện sống và
hoạt động mới như là phương tiện của thích ứng; (2) Hình thành những cấu tạo tâm lí mới tạo nên
tính chủ thể của hành vi, ứng xử thích ứng. Nhờ đó, con người định hướng, điều khiển, điều chỉnh
hành vi, ứng xử đã lĩnh hội, đáp ứng, thậm chí tác động cải biến chính môi trường sống [2].
Từ những quan niệm trên, chúng tôi cho rằng: Thích ứng là quá trình tương tác tích cực giữa
con người với môi trường tự nhiên - xã hội, trong đó con người làm quen, tiếp nhận các yếu tố của
môi trường, điều chỉnh cảm xúc, lĩnh hội kinh nghiệm và phương thức hành vi mới, nỗ lực khắc
phục khó khăn nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của hoạt động để tiến hành có hiệu quả.
2.1.2. Thích ứng nghề nghiệp
E.A.Ermoleava (1969) đưa ra khái niệm “Thích ứng nghề nghiệp là một quá trình thích nghi
của người mới lao động với đặc điểm và điều kiện lao động trong tập thể nhất định”. Năm 1979,
A.E.Golomostôc nghiên cứu về lựa chọn nghề nghiệp và giáo dục nhân cách cho học sinh, ông
cũng đề cập đến vấn đề thích ứng nghề nghiệp. Tác giả xem thích ứng là một quá trình nhận thức,
hành động và đặc biệt nhấn mạnh đến mặt tình cảm của con người trong quá trình thích ứng nghề
nghiệp; ở đây, tác giả đi sâu vào tính chất giáo dục và mặt tình cảm của thích ứng nghề nghiệp, vì
tác giả xem “thích ứng nghề nghiệp” như là một thuộc tính nhân cách của con người [1].
201
Nguyễn Thị Kim Dung và Đỗ Thị Thuận
Với những phân tích ở trên, chúng tôi quan niệm: Thích ứng nghề nghiệp là quá trình con
người nhận thức và hành động một cách chủ động, tích cực nhằm làm quen, tiếp nhận các yếu
tố, đặc điểm và điều kiện lao động của môi trường nghề nghiệp, điều chỉnh cảm xúc, lĩnh hội
kinh nghiệm và phương thức hành vi mới, nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm giải quyết thành công
những vấn đề nảy sinh trong quá trình hoạt động nghề nghiệp”.
2.1.3. Thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp
Năm 1979, A.V. Mudric và A.I. Serbacop đã nghiên cứu “Sự thích ứng nghề nghiệp của
người thầy giáo”, đưa ra khái niệm “Thích ứng nghề nghiệp của giáo viên là quá trình thích nghi
làm quen với những điều kiện thực tế của hoạt động sư phạm ở nhà giáo dục trẻ, ở người sinh viên
tốt nghiệp trường sư phạm khi bước vào công tác ở trường phổ thông” [2]. Tác giả Lê Thị Minh
Loan (2009) cho rằng: Thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp là quá trình sinh viên
sau tốt nghiệp tích cực, chủ động thâm nhập vào hoạt động nghề nghiệp, học hỏi và lĩnh hội những
kĩ năng, phẩm chất nhân cách cần có của nghề [1].
Từ những quan niệm trên, chúng tôi cho rằng: Thích ứng nghề nghiệp của SVSP sau tốt
nghiệp là quá trình sinh viên nhận thức và hành động một cách chủ động, tích cực nhằm LÀM
QUEN, TIẾP NHẬN các yếu tố, đặc điểm và điều kiện lao động thực tế của hoạt động sư phạm
trong nhà trường phổ thông, điều chỉnh cảm xúc, lĩnh hội những kĩ năng và phẩm chất nhân cách
cần có của nhà giáo, nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm giải quyết thành công những vấn đề nảy
sinh trong hoạt động nghề giáo. Kết quả của quá trình này là các cá nhân làm quen, nhập cuộc, đạt
được sự cân bằng, và tự nguyện gắn bó lâu dài với nghề giáo.
2.2. Các tiêu chí đánh giá thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm sau tốt
nghiệp
2.2.1. Tiêu chí đánh giá thích ứng nghề nghiệp
ABE Arkoff (1968) trong tác phẩm Adjustment and mental health (Thích ứng và sức khỏe
tinh thần) công bố công trình nghiên cứu của mình về sự thích ứng tâm lí, bao gồm cả thích ứng
với hoạt động học tập của học sinh và sinh viên. Theo ABE Arkoff sự thích ứng nói chung bao
gồm các tiêu chí: Hạnh phúc; Sự hài lòng; Lòng tự trọng; Sự phát triển cá nhân; Sự trưởng thành
cá nhân; Sự hội nhập cá nhân; Khả năng tiếp xúc với môi trường và Sự độc lập với môi trường [5].
E.A. Ermôlaeva trong nghiên cứu “Đặc điểm thích ứng xã hội và nghề nghiệp của sinh
viên tốt nghiệp trường sư phạm” đã đưa ra các tiêu chí chủ quan và khách quan để đánh giá sự
TƯNN [2]: Bốn tiêu chí khách quan là: chất lượng lao động, trình độ tay nghề, sự tuân thủ kỉ luật
lao động và uy tín cá nhân với tập thể; Ba tiêu chí chủ quan là: mức độ hài lòng về công việc,
điều kiện làm việc và mối quan hệ với người khác trong công việc để đánh giá sự thích ứng nghề
nghiệp.
Mangal, S.K (1979) đã phân tích các yếu tố chung của thích ứng đối với GV và tìm thấy 5
khía cạnh của thích ứng nghề nghiệp: Môi trường học thuật và môi trường chung; Các mối quan
hệ nghề nghiệp; Khía cạnh xã hội – tâm lí – vật lí; Tài chính; Cuộc sống cá nhân và hài lòng với
công việc.
Tác giả Lê Thị Minh Loan (2009) cho rằng TUNN là một dạng thích ứng bao gồm 4 thành
tố cơ bản có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất với nhau. Việc kém thích ứng với bất kỳ thành tố
nào trong cấu trúc sẽ ảnh hưởng tới mức độ TUNN nói chung của sinh viên sau tốt nghiệp [1]:
- Thích ứng với điều kiện lao động: thể hiện ở việc thích ứng với cơ sở vật chất phục vụ
202
Tiêu chí đánh giá thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp
nghề nghiệp, thích ứng với các quy định, thích ứng với cường độ công việc, thích ứng với chế độ
lương bổng;
- Thích ứng với yêu cầu về năng lực nghề nghiệp thể hiện ở việc làm quen với công việc
chuyên môn, có kĩ năng nghề nghiệp và thực hiện công việc có chất lượng, tham gia các khóa đào
tạo và tự đào tạo tại nơi làm việc, lập kế hoạch thực hiện công việc, thực hiện công việc và tự kiểm
tra, đánh giá kết quả thực hiện công việc;
- Thích ứng với các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện ở việc thích
ứng với các nguyên tắc về tính trung thực, tinh thần trách nhiêm, sự say mê, tâm huyết với nghề;
- Thích ứng với việc đánh giá hiệu quả làm việc của tổ chức thể hiện ở việc thích ứng với
các tiêu chí đánh giá, với việc xác định mục tiêu thực hiện công việc, với quá trình đánh giá, sự hài
lòng với các kết quả đánh giá.
Ở lĩnh vực giáo dục, tác giả Suraj Sharma (2016) cho rằng người GV thích ứng tốt thể hiện
ở những đặc trưng sau [6]:
- Nhận thấy những điểm mạnh và yếu của bản thân: GV cần biết những điểm mạnh nào làm
tăng khả năng làm việc và những điểm yếu nào làm giảm khả năng làm việc;
- Tôn trọng chính mình và người khác: Người GV thích ứng tốt sẽ tôn trọng chính mình và
người khác sau đó họ sẽ có thể có mối quan hệ cộng tác với HS và đồng nghiệp ở lớp, trường và
ngoài trường. . . ;
- Linh hoạt trong hành vi: GV thích ứng tốt sẽ không cứng nhắc trong thái độ hay cách sống
của mình. Anh ta có thể dễ dàng thích ứng tùy theo hoàn cảnh;
- Nhận thức hiện thực thế giới: GV thích ứng tốt luôn có cái nhìn hiện thực và không phải
đưa nó vào để đấu tranh với sự tưởng tượng. GV thích ứng tốt luôn luôn lập kế hoạch, suy nghĩ và
hành động căn cứ vào hiện thực;
- Cảm giác thỏa mái với xung quanh: GV thích ứng tốt cảm thấy hài lòng với những gì xung
quanh anh ta.
2.2.2. Các tiêu chí đánh giá thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp
Từ các quan niệm trên, chúng tôi xác định hai khía cạnh nội dung quan trọng (miền đo) với
11 tiêu chí được cụ thể hóa thành 60 chỉ báo đánh giá thích ứng nghề nghiệp của SVSP sau tốt
nghiệp:
203
Nguyễn Thị Kim Dung và Đỗ Thị Thuận
Bảng 1. Các chỉ báo đánh giá sự TƯNN của SVSP sau tốt nghiệp
Các tiêu chí Các chỉ báo
1.Thích ứng công việc
1.1 Các điều kiện
lao động
[1] CSVC phục vụ giảng dạy
[2] Các quy định của ngành, nhà trường
[3] Chế độ lương bổng, khen thưởng
1.2. Khối lượng
công việc
[4] Các công việc hành chính giấy tờ và báo cáo
[5] Những nhiệm vụ không liên quan đến giảng dạy
[6] Chấm và nhận xét, đánh giá bài làm của HS
[7] Những nhiệm vụ ngoài chương trình giảng dạy
1.3. Hoạt động dạy
học
[8] Nội dung chương trình giảng dạy bộ môn
[9] Lập kế hoạch bài học
[10] Thực hiện kế hoạch bài học/tổ chức dạy học trên lớp
1.4. Hoạt động
giáo dục
[11] Nội dung chương trình hoạt động giáo dục
[12] Lập kế hoạch công tác chủ nhiệm lớp
[13] Lập kế hoạch hoạt động giáo dục/HĐ trải nghiệm sáng tạo
[14] Thực hiện kế hoạch công tác chủ nhiệm lớp
[15] Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo
1.5. Quản lí lớp
học
[16] Quản lí những lớp học với các vấn đề về kỉ luật
[17] Giải quyết những hành vi có vấn đề của HS
[18] Sử dụng những chiến thuật quản lí lớp học hiệu quả
[19] Thực hiện vai trò lãnh đạo và quản lí lớp
2.Thích ứng xã hội
2.1.Vị thế nghề
nghiệp và cá nhân
[20] Các quyền của người lao động
[21] Xúc cảm cá nhân
[22] Áp lực nghề nghiệp
[23] Thực hiện vai trò nhà giáo dục chuyên nghiệp
[24] Lí tưởng nghề nghiệp
[25] Kết nối những gì được đào tạo với thực tế ở trường phổ thông
[26] Thái độ đối với vị thế xã hội của mình
[27] Tự tin sẽ là GV tốt
[28] Được tôn trọng ở ngoài XH với tư cách là một GV
[29] Thích ứng với văn hóa của nhà trường
[30] Sự phù hợp và cam kết gắn bó với nghề giáo
2.2. Mối quan hệ
với HS
[31] Giúp đỡ những HS có vấn đề về hành vi
[32] Hướng dẫn HS và cho các em lời khuyên
[33] Nhận ra sự khác biệt cá nhân ở HS
[34] Giải quyết những vấn đề về phát triển thể chất, nhận thức và xã hội
cho HS
[35] Hỗ trợ về mặt xúc cảm cho HS
[36] Thiết lập các mối quan hệ tích cực với HS
[37] Thái độ với cách HS cư xử với mình
204
Tiêu chí đánh giá thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp
2.3. Mối quan hệ
với đồng nghiệp
[38] Đối xử của mình với đồng nghiệp
[39] Đối xử của đồng nghiệp với mình
[40] Sự ủng hộ và hỗ trợ của đồng nghiệp với mình
[41] Hợp tác với đồng nghiệp
[42] Sự tôn trọng của đồng nghiệp với nỗ lực của GVT
[43] Xây dựng mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp
2.4. Mối quan hệ
với BGH
[44] Mức độ đáp ứng những mong đợi của BGH
[45] Sự phản hồi của BGH
[46] Sự lắng nghe của BGH
[47] BGH tạo môi trường khuyến khích GVT
[48] Khối lượng công việc nhà trường giao
[49] Thái độ và mức độ giải quyết những khó khăn cho GVT
[50] Sự sẵn sàng hỏi, trao đổi với BGH
[51] Sự hài lòng với đánh giá của BGH
2.5. Mối quan hệ
với GVHD
[52] Mức độ đáp ứng những mong đợi về sự hỗ trợ NN từ GVHD
[53] Sự phản hồi của GVHD
[54] Thái độ lắng nghe của GVHD
[55] Mức độ đáp ứng các mong đợi của GVHD
[56] Quan hệ tích cực với GVHD
[57] Sự hài lòng với đánh giá của BGH
2.6. Mối quan hệ
với CMHS
[58] Đối xử của mình với CMHS
[59] Đối xử của CMHS với mình
[60] Xây dựng mối quan hệ cộng tác với CMHS
3. Kết luận
Sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp tham gia vào hoạt động nghề nghiệp là nhà trường phổ
thông với tư cách là những nhà giáo, những GVT. Mức độ thích ứng nhanh hay chậm, thích ứng
tốt hay có khó khăn tùy thuộc vào sự chuẩn bị của từng em và vào sự hỗ trợ, động viên, bồi dưỡng
của mỗi nhà trường. Tuy nhiên, mỗi GVT cần tự đánh giá mức độ thích ứng của mình ở các khía
cạnh khác nhau như thích ứng với khối lượng công việc, thích ứng với hoạt động dạy học – giáo
dục, với quản lí lớp học, với các mối quan hệ trong nhà trường để từ đó có được những điều chỉnh,
những biện pháp cụ thể giúp nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc mới.
Lời cảm ơn. Bài báo này là kết quả nghiên cứu của đề tài: “Đánh giá tốt nghiệp và thích
ứng nghề nghiệp đối với sinh viên sư phạm trình độ đại học”, MS B2015-17-71.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Thị Minh Loan, 2009.Mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đề
tài khoa học cấp Bộ - MS: QG.08-19.
[2] Nguyễn Thị Út Sáu, 2013. Sự thích ứng với hoạt động dạy - học theo học chế tín chỉ của
giảng viên và sinh viên Đại học sư phạm. Đề tài khoa học cấp Bộ - 2011- 2012.
205
Nguyễn Thị Kim Dung và Đỗ Thị Thuận
[3] Vũ Duy Chinh, 2016. Sử dụng thang đo hành vi thích ứng ABS-S 2 đánh giá thực trạng thích
ứng với hoạt động tự lập của HS khuyết tật trí tuệ tiểu học. Tạp chí Giáo dục, Số 385, kì 1,
th.7, Tr 22-24.
[4] Lubna Toheed, 2014. ADJUSTMENT (Home/Family and School),
[5] N.A. Nadeem1 and Gawher Ahmed Bhat, 2015. A Study of Adjustment Level among
Secondary School Teachers in Kashmir Journal of Education and Practice, Vol.5, No.10.
Pp.144-148.
[6] Suraj Sharma, 2016. Comparison of Adjustment of School Teachers of Below 35 Years of
Age with the Teachers of 35 Years of Age or Above, Online International Interdisciplinary
Research Journal, Volume-VI, Issue-I, Jan-Feb 2016 Issue, Pp.211-217.
ABSTRACT
Criteria to evaluate professional adaptation of student teachers after graduation
Nguyen Thi Kim Dung1, Do Thi Thuan2
1Institute for Educational Research, Hanoi National University of Education
2Hop Thanh’ Upper Secondary School, My Duc, Hanoi
After graduating, student teachers are engaged in professional activities in schools. They
are young teachers, who just enter the professional world. This is a complicated transition, with
landmark in their lives and with changes in many aspects. The key concepts like Adaptation,
Professional Adaptation and Professional Adaptation of student teachers after graduation are
deeply analyzed. Based on these concepts, two important dimensions were suggested for
determining criteria to evaluate professional adaptation of student teachers after graduation -
adaptation to work and social adaptation with 11 criteria and 60 related indicators.
Keywords: Young teachers, adaptation, professional teacher adaptation, student teachers
after graduation, criteria.
206