1. Đặt vấn đề
Tây du ký là bộ tiểu thuyết thần ma tiêu biểu nhất trong kho tàng tiểu thuyết
thần ma Trung Quốc, được liệt vào danh sách “tứ đại kỳ thư” đời Minh. Vì nội dung
chủ yếu của tác phẩm là “thần ma đấu tranh”, nên cốt truyện của nó tập trung chủ
yếu vào việc thể hiện các cuộc giao tranh giữa những kỳ phùng địch thủ. Mặt khác,
Tây du ký cũng hết sức coi trọng việc thể hiện các cuộc “kỳ ngộ” và trình bày những
sự cố bất ngờ trong quan hệ đời thường giữa các nhân vật. Nghiên cứu, tìm hiểu
các cuộc “kỳ ngộ” có thể góp phần làm sáng tỏ hơn tính phong phú, độc đáo của
tác phẩm trong việc xây dựng cốt truyện, khắc họa tính cách nhân vật.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 242 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu các cuộc “kỳ ngộ” trong Tây Du Ký, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci. Science., 2010, Vol. 55, No. 7, pp. 24-29
TÌM HIỂU CÁC CUỘC “KỲ NGỘ” TRONG TÂY DU KÝ
Võ Hồng Hà
Đại học Hồng Đức
1. Đặt vấn đề
Tây du ký là bộ tiểu thuyết thần ma tiêu biểu nhất trong kho tàng tiểu thuyết
thần ma Trung Quốc, được liệt vào danh sách “tứ đại kỳ thư” đời Minh. Vì nội dung
chủ yếu của tác phẩm là “thần ma đấu tranh”, nên cốt truyện của nó tập trung chủ
yếu vào việc thể hiện các cuộc giao tranh giữa những kỳ phùng địch thủ. Mặt khác,
Tây du ký cũng hết sức coi trọng việc thể hiện các cuộc “kỳ ngộ” và trình bày những
sự cố bất ngờ trong quan hệ đời thường giữa các nhân vật. Nghiên cứu, tìm hiểu
các cuộc “kỳ ngộ” có thể góp phần làm sáng tỏ hơn tính phong phú, độc đáo của
tác phẩm trong việc xây dựng cốt truyện, khắc họa tính cách nhân vật.
2. Sự thể hiện các cuộc “kỳ ngộ” trong Tây du ký
2.1. “Kỳ ngộ” là “gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ” [6]
Cuộc gặp gỡ dù có kỳ lạ mà không có ý nghĩa may mắn, hạnh ngộ đối với
nhân vật thì cũng không thể coi là kỳ ngộ. Kỳ ngộ là một môtip quen thuộc trong
văn học dân gian và văn học viết cổ trung đại Trung Quốc, có ý nghĩa như một tiền
đề quan trọng mở ra những sự kiện, biến cố ly kỳ, hấp dẫn. Có kỳ ngộ giữa người với
người, hoặc gặp gỡ tình cờ trên đường đi kiểu như Lương Sơn Bá gặp Chúc Anh Đài
(truyện dân gian), Du Bá Nha gặp Chung Tử Kỳ ([4]), hoặc gặp gỡ trong mộng kiểu
như Đỗ Lệ Nương gặp Liễu Mộng Mai (kịch Mẫu đơn đình - Thang Hiển Tổ). Có
kỳ ngộ giữa người với thần tiên, kiểu như vua Mục vương nhà Chu gặp Tây Vương
mẫu, Lưu Thần, Nguyễn Triệu đi hái thuốc gặp tiên nữ trong núi (xem thêm: [5]).
Lại có kỳ ngộ giữa người với hồn ma, người với tinh cây cỏ, loài vật, kiểu như Đằng
Mục gặp hồn ma Phương Hoa tại vườn Tụ Cảnh, Kiều Sinh gặp hồn ma Lệ Khanh
ở gần nhà dưới chân núi Trấn Minh [2], hay rất nhiều cuộc gặp gỡ may mắn kỳ lạ
giữa người với hồ ly, với tinh cây cỏ trong Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh [3].
Trong các cuộc kỳ ngộ, nhân vật vốn không quen biết nhau, bỗng nhiên tình
cờ gặp gỡ mà nảy sinh những biến cố có ý nghĩa bước ngoặt trong đời sống tâm lý
tình cảm, trong chiều hướng hành động, có khi làm thay đổi cả vận mệnh của nhân
vật. Trong Tây du ký có không ít những cuộc kỳ ngộ như thế, và có thể quy về hai
24
Tìm hiểu các cuộc “kỳ ngộ” trong Tây du ký
loại chính: kỳ ngộ giữa các nhân vật trong nội bộ nhóm “Tứ chúng” và kỳ ngộ giữa
các nhân vật trong “Tứ chúng” với các nhân vật khác ngoài nhóm.
2.2. Kỳ ngộ giữa các nhân vật trong nội bộ nhóm “Tứ chúng”
Cuộc gặp gỡ giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không là một cuộc kỳ ngộ đánh
dấu bước ngoặt quan trọng nhất trên con đường thỉnh kinh thiên nan vạn hiểm của
nhóm này. Trước đó, Đường Tăng đã có một cuộc gặp gỡ có thể nói là kỳ ngộ với
Lưu Bá Khâm (hiệu Trấn Sơn Thái Bảo), được Thái Bảo giải thoát khỏi sự vây bủa,
đe dọa của các loài mãnh hổ, rắn dài, trùng độc, quái thú; rồi lại về nhà Thái Bảo
tụng kinh siêu độ cho linh hồn cha Thái Bảo “thoát khỏi hồn quỷ trầm luân”, “đầu
thai vào một nhà trưởng giả”. Lúc chia tay, Tam Tạng muốn “phiền Thái Bảo đưa
thêm một đoạn nữa” nhưng không thể được vì bên kia đã là địa phận nước Thát
Đát, đành phải từ biệt trên núi Lưỡng Giới. Đang lúc “lo sợ, dang tay níu áo, rơi lệ
chia tay, mắt nhìn theo quyến luyến không rời”, “bỗng nghe thấy dưới chân núi có
tiếng gọi như sấm: - Sư phụ ta đến rồi! Sư phụ ta đến rồi!” (hồi 13-14) [1]. Đó chính
là tiếng gọi của “con khỉ trong hộp đá dưới chân núi”.
Cuộc kỳ ngộ được mở đầu bằng tiếng gọi “sư phụ” rối rít và sau đó chủ yếu
là những câu nói liến thoắng của “con khỉ” vừa tạo ra được sự bất ngờ, vừa làm
nổi bật những phẩm tính tốt đẹp vốn có của Tôn: đôi mắt tinh tường, mồm miệng
nhanh nhảu hoạt bát, sự thành tâm mong muốn được giải thoát, tự nguyện làm đồ
đệ của Đường Tăng, và đặc biệt là sức sống mạnh mẽ kỳ diệu. Điều đáng nói là
Đường Tăng thác sinh và gặp Ngộ Không ở hoàn cảnh “thân chịu ép đáng thương”
trong hộp đá đã năm trăm năm, lại nghe lão Tôn sốt sắng rối rít như vậy, tuy “trong
bụng vui mừng” nhưng cũng không khỏi hồ nghi. Vì vậy, khi lên đỉnh núi bóc lá bùa
chữ vàng của Như Lai, trưởng lão đã khấn: “... Nếu (con khỉ) quả có phận đồ đệ,
thì bóc được hàng chữ vàng, giải thoát khỉ thần, cùng đến Linh Sơn. Nếu không có
phận đồ đệ, chỉ là con quái vật hung hãn, lừa dối đệ tử, không thành quả phúc, thì
sẽ không bóc được” (hồi 14) [1]. Những việc thần kỳ xảy ra sau lời khấn nguyện đó:
đạo bùa bay lên không trung, tiếng nói của “thần trông coi Đại Thánh”, hành động
và lời lẽ chân thành tự nhiên của Ngộ Không... đã chứng minh “con khỉ thực có lòng
tốt”, xua tan hết mọi nỗi nghi ngại của Đường Tăng. Cho nên cả Đường Tăng lẫn
Lưu Bá Khâm đều lấy làm “mừng lắm” vì tự nhiên “đến đây ngài lại có một đồ đệ”.
Cuộc kỳ ngộ và quá trình thu nạp đồ đệ thứ nhất ở đây quả là suôn sẻ và chỉ bất
ngờ đối với sư phụ trưởng lão mà thôi.
Sự suôn sẻ, dễ dàng ấy không thể lặp lại đối với trường hợp Ngộ Năng, Ngộ
Tĩnh. Vì tuy cả lão Trư và lão Sa đều đã được Quan Âm Bồ Tát khuyến thiện, đang
ngày đêm chờ đợi “người lấy kinh”, nhưng khi gặp “người lấy kinh”, cả hai đều không
đủ thần thông để có thể nhận ra như Ngộ Không.
Trư Cương Liệp (Ngộ Năng) gặp Ngộ Không trong tình huống oái oăm: Trư
là chàng rể của chủ nhà, Tôn là hoà thượng “nhân tiện ngủ nhờ mà bắt yêu quái
25
Võ Hồng Hà
chơi”. Qua lời Cao Thái công – bố vợ yêu quái, một số đặc điểm cơ bản của Trư đã
được bộc lộ: hình dáng giống lợn, làm khoẻ ăn nhiều, biết gọi gió kêu mưa, đi mây
về mù, biết biến hoá... Để dễ tiếp cận yêu quái, Tôn dùng phép biến giả làm Thuý
Lan, ỡm ờ với Trư nhằm khai thác thông tin. Lão Trư lại bộc lộ tính ngốc, kể ra
tông tốc cả họ tên, nơi ở, và cả sở trường, sở đoản của mình với “vợ”. Nghe “vợ” nói
“bố mẹ định mời pháp sư đến bắt chàng”, lão Trư còn chủ quan, đến khi nghe danh
hiệu Tề Thiên Đại Thánh, mới vội vã nói lời từ giã và tính bài chuồn. “Vợ” hiện
nguyên hình là Tôn Ngộ Không. Hai bên đuổi đánh nhau đến tận sáng bạch, Trư
mới trốn vào động. Tôn biết thêm nguồn gốc thiên thần của Trư, còn Trư thì phải
đến lần kịch chiến và đấu khẩu thứ hai mới vỡ lẽ Bật mã ôn đại náo thiên cung hồi
nào nay đã là đồ đệ của pháp sư Tam Tạng. . . Nghe nói đến “người lấy kinh”, Trư
“vứt đinh ba, dạ một tiếng thật to”, và xin Ngộ Không đưa đến gặp mặt, giao tranh
đang kịch liệt bỗng bất ngờ kết thúc.
Cuộc kỳ ngộ này trước khi đi đến kết cục mỹ mãn, phải qua giao tranh dữ
dội, nhưng không hề làm kinh động đến Đường Tăng. Ngộ Không tuy có phải vất
vả nhưng diễn biến sự việc cơ bản là thuận lợi. Tác giả đã rất tinh tế khi tạo ra
tình huống đặc biệt để cuộc gặp gỡ trở thành một cuộc đối đầu: Tôn và Trư tuy đã
từng biết nhau từ hồi đại náo thiên cung, nhưng sau năm trăm năm, thân phận cả
hai đều có sự thay đổi lớn. May là Tôn thì thông minh, lanh lợi, mà Trư thì ngốc
nghếch, lắm lời, nên dù có quanh co, nhưng rồi thân phận mỗi nhân vật cũng sớm
bộc lộ; vì thế lão Trư mới nhanh chóng tự nguyện quy hàng.
Với cuộc kỳ ngộ ở sông Lưu Sa, tình hình có khác. Ngay từ đầu yêu quái đã
“nhanh như một cơn lốc, chồm lên bờ vồ Đường Tăng” (hồi 22-23) [1], Ngộ Không
phải vội vàng ôm chặt lấy sư phụ chạy thoát, còn Bát Giới thì đặt gánh hành lý, rút
đinh ba đuổi đánh. Vì Ngộ Không lao vào đánh hôi mà yêu quái sợ quá lặn xuống
sông. Hai lần Bát Giới xuống nước, tìm đến sào huyệt yêu quái đánh nhau, nhử
nó lên bờ cho Ngộ Không đánh đều không được, lần thì do Ngộ Không nóng vội,
lần thì vì yêu quái quá cảnh giác. Trong lúc giao tranh, tuy có đôi co và yêu quái
đã nói ra nguồn gốc bản thân nhưng lão Trư lại không đả động gì đến lai lịch của
mình cũng như chuyện “đi lấy kinh”. “Sự bất quá tam”, Tôn đành phải nghe lời Trư
sang Nam Hải cầu Bồ Tát. Huệ Ngạn được Bồ Tát sai mang quả hồ lô thần kỳ đến
sông Lưu Sa gọi Ngộ Tĩnh. Cuộc kỳ ngộ được kết thúc bằng việc Ngộ Tĩnh nghe lời
Huệ Ngạn, dẹp nỗi sợ hãi đến quỳ trước mặt Đường Tăng xin tha tội, nguyện quy
y, đánh dấu mốc lần đầu tiên hội đủ các nhân vật trong đoàn thỉnh kinh.
Nghiên cứu diễn biến của các cuộc kỳ ngộ vừa nói trên, trên cấp độ khái quát,
có thể nhận ra tác động của cái lực liên kết nội tại (dự ứng lực) giữa các nhân vật
trong “Tứ chúng” theo nguyên lý ngũ hành sinh khắc. Ngộ Không (thuộc kim) chủ
động lên tiếng đúng lúc Đường Tăng (thuộc thuỷ) cần người bảo vệ (kim sinh thủy);
lại thu phục Bát Giới (thuộc mộc) một cách dễ dàng (kim khắc mộc); Bát Giới phải
xuống nước đánh nhau với Sa Tăng (thuộc thổ) là hợp lẽ (mộc khắc thổ), nhưng ba
26
Tìm hiểu các cuộc “kỳ ngộ” trong Tây du ký
lần kịch chiến vẫn không thắng được vì tính “thổ” của Sa Tăng không cố định mà
là “cát trôi” (Lưu Sa). Bên cạnh nguyên lý ngũ hành sinh khắc, có sự bổ sung cái lý
tự nhiên đầy sức thuyết phục của thực tế đời sống. Ngộ Không thừa nhận sở đoản
của mình là “việc dưới nước lão Tôn không thạo lắm” (hồi 22) [7;295], xét cho cùng
có căn cứ ở đặc tính của “kim” là nặng, xuống nước tất phải chìm... Tất nhiên, luật
chế hoá của ngũ hành không phải chỉ biểu lộ ra ở những cuộc kỳ ngộ này, mà còn
được thể hiện sinh động hơn ở rất nhiều sự kiện, biến cố quan trọng khác của tác
phẩm.
2.3. Kỳ ngộ giữa các nhân vật trong “Tứ chúng” với các nhân
vật khác ngoài nhóm
Trong quan hệ hướng ngoại giữa “Tứ chúng” với các nhân vật khác ngoài
nhóm, có nhiều cuộc kỳ ngộ thực sự có ý nghĩa tạo tiền đề và điều kiện để các nhân
vật trong nhóm thi thố tài nghệ, thực hành công đức. Đó là những cuộc kỳ ngộ kiểu
như kỳ ngộ ở nước Xa Trì (hồi 44), kỳ ngộ ở Trần gia trang (hồi 47), kỳ ngộ ở nước
Diệt Pháp (hồi 85), hay kỳ ngộ ở thành Ngọc Hoa (hồi 88)...
Kỳ ngộ ở nước Xa Trì là cuộc kỳ ngộ giữa Ngộ Không và các nhà sư đang bị
bọn đạo sĩ cai quản, hành hạ. Điểm khác lạ của cuộc kỳ ngộ này là trước khi gặp
mặt, các nhà sư đã được Thái Bạch Kim Tinh ứng mộng báo trước “về hình dạng
của Tôn Hành Giả” (kỳ ngộ được sắp đặt trước). Nhưng vì Tôn biến hóa, giả làm
đạo sĩ để tìm hiểu chân tướng sự việc, nên họ không thể nhận ra. Do đó, qua tường
thuật của các nhà sư về các giấc mộng, việc “truyền tụng danh tiếng trước” cho lão
Tôn càng có ý nghĩa khách quan, chân thực. Tài năng, đức hạnh, bản lĩnh của Tôn
càng được đề cao, niềm tin của các nhà sư về “thiên thần giáng thế, thần thông
quảng đại” Tôn Đại Thánh – vị cứu tinh được báo trước – đã xuất hiện ngay trước
mắt họ càng trở nên sâu sắc hơn.
Cuộc kỳ ngộ ở Trần gia trang diễn ra trong tình huống thầy trò Đường Tăng
“đêm vướng sông Thông Thiên” không thể đi tiếp, phải tìm nhà dân xin ngủ nhờ.
Tuy Đường Tăng đã thận trọng vào trước, nói rõ tướng mạo khác thường của đám
đồ đệ, nhưng vì khi được sư phụ gọi, bọn họ “bất kể hay dở ùa cả vào như một trận
gió”, nên cả già trẻ trong nhà lẫn các nhà sư đều tưởng là yêu quái.
Các đồ đệ Đường Tăng không chỉ một lần khiến cho mọi người sợ hãi, vì tất
cả đều có tướng mạo kỳ quái dữ dằn. Nhưng khác với mọi lần, sự hoảng sợ ở đây đã
được đẩy lên đến cực điểm. Vì có một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thầy trò đến vào
đúng đêm gia đình cụ Trần “cúng chay dự cho người chết”, chuẩn bị đem hai cháu
Trần Quan Bảo và Nhất Xứng Kim vào miếu để hiến tế cho “Linh Cảm đại vương”.
Cho nên họ mới nhầm lẫn, tưởng đồ đệ Đường Tăng là yêu quái đến bắt người. Khi
Ngộ Không chủ động hiến kế để mình và Bát Giới biến hóa thay bé trai và bé gái
đi làm đồ hiến tế - “dứt khoát làm một việc phúc đức, cứu tính mạng hai đứa trẻ”
(hồi 47) [1], họ mới biết rằng đã may mắn được “thần tiên La Hán” đến cứu giúp.
27
Võ Hồng Hà
Cuộc kỳ ngộ được trình bày không chỉ trong tình huống nhầm lẫn có kịch tính cao
độ, mà cả trong diễn biến tình cảm trái ngược từ sợ hãi cực độ đến mừng vui khôn
xiết của mọi người trong gia đình cụ Trần. Đầu mối câu chuyện càng được giấu kín,
sự hiểu lầm và sợ hãi càng kéo dài thì niềm vui càng được nhân lên gấp bội.
Cuộc kỳ ngộ ở thành Ngọc Hoa cũng cùng một chiều hướng diễn biến tương
tự như thế. Khi ba đồ đệ Đường Tăng có tướng mạo “quỷ lợn”, “tinh khỉ”, “táo quân”
theo lời mời của lão vương xuất hiện, đám quan viên thì hoảng sợ, lão vương thì
“mặt mũi tái nhợt”, ba tiểu vương tử thì nghĩ ngay đám hoà thượng là “yêu quái
trong núi mò tới, giả trang hình người”. . . (hồi 88) [1].
Điều đáng chú ý là, bút pháp lãng mạn lý tưởng hoá được sử dụng ở cuộc kỳ
ngộ này chẳng những không hề làm tổn thương mà còn góp phần làm phong phú
thêm tính chân thực của các chi tiết được lựa chọn để khắc hoạ nhân vật. Không
phải ngẫu nhiên mà tác giả để cho Bát Giới ban đầu thì im lặng nhưng sau đó lại
là người đầu tiên tỏ rõ oai phong; còn Ngộ Không thì trước sau đều ôn tồn, mềm
mỏng, có vẻ như khác hẳn với mọi lần. Cách ứng xử này vừa phù hợp với kiểu quan
hệ thần thánh – người phàm, vừa thể hiện cái nhìn thông cảm, thể tất đối với sự
hăng hái bồng bột của tuổi trẻ. Nhờ đó, bản lĩnh “bê non không sợ cọp” của các tiểu
vương tử “tuổi nhỏ chí lớn” càng bộc lộ ra vẻ đáng yêu đáng mến; còn các vị “thần
sư” thì cũng tự nhiên được dịp phô bày bản lĩnh tuyệt vời của mình.
Cuộc kỳ ngộ ở nước Diệt Pháp có thể nói là cuộc gặp gỡ kỳ lạ nhất trong các
cuộc kỳ ngộ thuộc loại này. Nó có điểm khác với các cuộc kỳ ngộ đã nói trên là tuy
bất ngờ đối với mọi người, nhưng tất cả đều nằm trong toan tính, dự liệu của Ngộ
Không, kể cả cái kết cục “họ phải bái chúng ta làm thầy” (hồi 85) [1]. Cái hay của
cuộc kỳ ngộ này là ở chỗ: qua cách xử trí tình huống linh hoạt, lạ lùng, hài hước của
Tôn Ngộ Không, tác giả đã tô đậm tài năng, bản lĩnh, sự cơ trí, mẫn nhuệ và tinh
thần lạc quan của nhân vật này, tạo nên một chuỗi biến cố ly kỳ, hấp dẫn. Cuộc
gặp gỡ giữa các nhà sư “bảo bối” với vua tôi triều đình nước Diệt Pháp – khi tất cả
đã bị Ngộ Không dùng phép cạo trọc đầu là cuộc gặp gỡ có một không hai, vừa có
tính hài hước, vừa mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.
3. Kết luận
Kỳ ngộ xét cho cùng bắt đầu từ việc cố ý miêu tả các cuộc gặp gỡ một cách
ly kỳ. Có thể nói, trong văn học cổ Trung Quốc, ngoài lý do hư cấu sáng tạo thuần
tuý, các cuộc kỳ ngộ còn bị chi phối bởi quan niệm về “duyên” (hữu duyên thiên
lý năng tương ngộ), người có duyên với nhau thì dù xa xôi nghìn dặm, thậm chí
cách trở âm dương cũng có thể gặp nhau. Trong Tây du ký có nhiều cuộc kỳ ngộ,
thoạt nhìn có vẻ ngẫu nhiên nhưng hầu như đều mang tính tất yếu, cũng có thể do
“duyên”, nhưng còn do sự sắp đặt của thần Phật, hay của chính Tôn Ngộ Không.
Đây là điểm khác biệt lớn giữa kỳ ngộ trong Tây du ký với kỳ ngộ trong các tác
phẩm khác. Các cuộc kỳ ngộ được sắp đặt trước như vậy thường gắn liền với những
28
Tìm hiểu các cuộc “kỳ ngộ” trong Tây du ký
sự cố bất ngờ trong các quan hệ đời thường. Kỳ ngộ trong Tây du ký vừa có ý nghĩa
ly kỳ hóa các sự kiện, biến cố, vừa làm sâu sắc, nổi bật đặc điểm tính cách các nhân
vật, đặc biệt là tính cách “hảo hán” của Tôn Ngộ Không, góp phần quan trọng làm
nên phẩm chất thẩm mỹ độc đáo của tác phẩm này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ngô Thừa Ân, 1988. Tây du ký. Như Sơn – Mai Xuân Hải – Phương Oanh
dịch, Lương Duy Thứ giới thiệu, (Mười tập), Nxb Văn học, Hà Nội.
[2] Cù Hựu, Nguyễn Dữ, 1999. Tiễn đăng tân thoại (Phạm Tú Châu dịch).
Truyền kỳ mạn lục (Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Trần Thị Băng Thanh giới thiệu
và chỉnh lý). Nxb Văn học, Hà Nội.
[3] Bồ Tùng Linh, 1998. Liêu trai chí dị. Đại Lãn dịch, Nxb Đồng Nai, Đồng
Nai.
[4] Phùng Mộng Long (biên soạn), Nghiêm Đôn Dị (hiệu chú), 1998. Cảnh thế
thông ngôn. Lê Đức Tính dịch, Nxb Mũi Cà Mau, Cà Mau.
[5] Lỗ Tấn, 1996. Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc. Lương Duy Tâm
dịch, Nxb Văn hóa. Tp Hồ Chí Minh.
[6] Viện Ngôn ngữ học, 1994. Từ điển tiếng Việt. Nxb Khoa học xã hội – Trung
tâm Từ điển học, Hà Nội.
[7] Ngô Thừa Ân, 1972. Tây du ký (Thượng, Trung, Hạ). Nhân dân văn học
xuất bản xã, Bắc Kinh.
ABSTRACT
Understanding the "lucky enough to meet strange..."
in the Western Travel Notes
With this understanding, " lucky enough to meet strange... " is a familiar
motive of folk literature and written literature of the Middle Ages of ancient Chi-
nese, the article goes deeper into the expression of the " lucky enough to meet
strange... " representing the Western Travel Notes – ‘lucky enough to meet strange’...
of treatment between the characters within the group of "Four characters " and the
‘lucky enough to meet strange’... between the characters within "Four characters "
with other characters outside the group. Western Travel Notes is publicly realized
by many, at first glance it may seem random but almost inevitable of nature and
can do "duyen", but also by the arrangement of the Buddhist gods, or of the Sun
Wukong. Treatment period in Journey to the West has meant thrilling happenings
of the events, just as deeply with outstanding traits of character, especially the
way "heroic character’s” of the Sun Wukong, gave important contributions to create
unique aesthetic qualities to this work.
29