Cây gỗ lớn, cao 25-30 m, đường kính 60-90 cm
hay hơn. Thân thẳng, phân cành cao khi mọc trong
rừng, nhưng nếu mọc ngoài sáng, cây phân cành
sớm, tán toả rất rộng. Vỏ ngoài màu nâu nhạt, thịt
hơi hồng, có nhựa mủ đen với mùi thơm rất đặc biệt.
Lá kép lông chim 1 lần, lẻ; lá chét hình thuôn,
trái xoan, dài 6-12 cm, rộng 3-6 cm, chất lá cứng,
ròn, mặt trên bóng, mặt dưới sẫm hơn, đầu và gốc lá
hơi lệch. Gân bên 8-10 đôi; không có lá kèm. Lá ở
cây con khác với cây trưởng thành, thường là lá đơn
nguyên hay xẻ, sau mới chuyển dần sang dạng lá
kép.
5 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 3008 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu về cây Trám đen, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRÁM ĐEN
Canarium tramdenum Dai & Yakovl., 1985
Tên đồng nghĩa: Pimela nigra Lour. 1790; Canarium nigrum (Lour.) Engler, 1900;
Canarium pimela Leenh., 1959
Tên khác: Bùi, Co mác bây (Tày, Nùng)
Họ: Trám – Burseraceae
Hình thái
Cây gỗ lớn, cao 25-30 m, đường kính 60-90 cm
hay hơn. Thân thẳng, phân cành cao khi mọc trong
rừng, nhưng nếu mọc ngoài sáng, cây phân cành
sớm, tán toả rất rộng. Vỏ ngoài màu nâu nhạt, thịt
hơi hồng, có nhựa mủ đen với mùi thơm rất đặc biệt.
Lá kép lông chim 1 lần, lẻ; lá chét hình thuôn,
trái xoan, dài 6-12 cm, rộng 3-6 cm, chất lá cứng,
ròn, mặt trên bóng, mặt dưới sẫm hơn, đầu và gốc lá
hơi lệch. Gân bên 8-10 đôi; không có lá kèm. Lá ở
cây con khác với cây trưởng thành, thường là lá đơn
nguyên hay xẻ, sau mới chuyển dần sang dạng lá
kép.
Cụm hoa chùm hình viên chuỳ, thường dài hơn
lá, hoàn toàn nhẵn. Hoa tạp tính hay đơn tính, màu
trắng vàng nhạt, cuống có lá bắc dạng vảy, cuống
hoa dài 1,5-2 cm.
Quả hạch hình trứng, dài 3,5-4,5 cm, rộng 2-2,5
cm, khi chín màu đen sẫm, thịt hồng Hạt hoá gỗ rất
cứng, 3 ô, mỗi ô có nhân hạt màu trắng và nhiều
dầu.
Các thông tin khác về thực vật
Trám đen được giám định tên khoa học Pimela nigra Lour. từ năm 1790 (Loureiro); sau đó
được chuyển tên khoa học là Canarium nigrum (Lour.) Engl. (năm 1900) và C. pimela Leench
(năm 1805). Năm 1985, hai nhà thực vật Trần Định Đại và Yakolev đã giám định lại tên hợp
pháp của loài trám đen là C. tramdenum.
Theo nhân dân, trong trồng trọt có nhiều loại trám đen như: trám thoi và trám ổi. Trám thoi
có quả hình thoi rõ, còn trám ổi có chiều dài ngắn hơn so với trám thoi. Cần chú ý các thông tin
này để chọn giống tốt, quả ngon khi trồng trọt.
Phân bố
Việt Nam:
Cây phân bố khá rộng ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam của Việt Nam. Các tỉnh phía Bắc
có nhiều trám đen mọc nhất là: Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn,
Trám đen
Canarium tramdenum Dai & Yakovl.
1. Cành mang quả; 2. Quả; 3. Nụ hoa
Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình. Các
tỉnh phía Nam có trám đen mọc là: Quảng Nam, Đắk
Lắk và Khánh Hoà.
Thế giới:
Trám đen phân bố ở: Trung Quốc (Vân Nam, Hải
Nam, Hồng Kông), Lào, Campuchia, Thái Lan.
Đặc điểm sinh học
Cây phân bố khá rộng ở các tỉnh phía Bắc và phía
Nam. Thường gặp trong các rừng nhiệt đới thường
xanh, ở độ cao từ khoảng 50 đến 800 m; tập trung
nhiều ở độ cao 100-400 m trên mặt biển. Cây thường
gặp nhiều ở sườn hoặc chân núi đất, rất ít khi gặp trên
đỉnh núi; thường cùng mọc với lim, trám trắng, chẹo tía,
gội nếp, gội trắng.... Các ưu hợp lim + trám trắng + trám
đen khá phổ biến trong các kiểu rừng kín thường xanh
ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ trước kia, nhưng
hiện nay thường chỉ còn lại dấu vết ở các vùng núi và
trung du của nước ta. Cây ưa đất sét hoặc sét pha, sâu
ẩm và thoát nước, độ pH 4,5-5,5; nhưng cũng gặp trám
đen phát triển tốt trên đất cát có nhiều phù sa ven sông.
Là loài cây ưa sáng khi trưởng thành, nhưng hơi ưa
bóng nhẹ khi còn non. Từ 1 tuổi trở lên cây có thể mọc
nơi ánh sáng hoàn toàn, vì vậy ít gặp cây con tái sinh ở
dưới tán rừng có độ phủ trên 0,6. Ở chiều cao khoảng
1m, nếu không được mở sáng mạnh cây trám con có thể bị chết. Trám đen tái sinh mạnh ở nơi
có độ tàn che 0,2-0,3, nơi bìa rừng, nơi rừng bị khai thác mạnh hoặc rừng cây tiên phong định
vị.
Sau khi trồng 8-10 năm cây ra hoa, kết quả. Thời gian ra quả kéo dài hàng trăm năm. Tuổi
thọ của cây trám đen có thể trên trăm năm.
Do lá có mùi thơm, vị hơi chua nên các cây trám đen con mới trồng dễ bị các loài thú đến
ăn lá và ngọn non. Ở giai đoạn 1-3 tuổi trám đen cũng dễ bị sâu đục ngọn làm chết cây.
Cây ra hoa vào tháng 3-5; quả chín vào tháng 10-11.
Công dụng
Quả trám đen đã được dùng làm thực phẩm rất lâu đời ở Việt Nam. Quả trám “ỏm” là món
ăn quen thuộc trong các bữa cơm của các gia đình ở miền Bắc trước kia. Từ quả trám có thể
chế biến thành nhiều món ăn ngon như: trám kho cá, trám nhồi thịt... Quả trám còn được dùng
để làm ô mai mặn, ngọt được nhiều người ưa thích. Nhân hạt trám chứa nhiều dầu béo, có vị
bùi; có thể ăn sống, ép dầu hoặc làm nhân bánh.
Quả trám còn được dùng làm thuốc vì có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, thanh lọc, giải
độc rượu. Lá có vị hơi đắng, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chỉ
thống. Vì vậy quả trám dùng giải độc rượu, cá nóc hoặc chữa hóc xương cá. Dùng quả trám
Phân bố trám đen ở Việt Nam
tươi giã nát, vắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Nếu dùng ngoài, dịch nước của quả chữa da
nứt nẻ do khô lạnh, lở ngứa, nhất là lở miệng không há mồm ra được, chữa sâu răng bằng
cách dùng quả và hạt trám đốt, tán nhỏ và bôi vào chân răng. Rễ cây trám dùng chữa phong
thấp, đau lưng, gối tê liệt cử động. Lá trị cảm mạo, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, phù
thũng, ghẻ lở. Ở Trung Quốc (tỉnh Vân Nam) dùng rễ trám trị đau dạ dày, bỏng lửa; lá dùng trị
xuất huyết tử cung, ban độc; quả trị nội thương xuất huyết, ho; vỏ rễ dùng trị nội thương thổ
huyết.
Nhựa trám đen có thể dùng thắp sáng hoặc dùng trong công nghệ véc ni sơn. Nhưng nhựa
trám đen thường ít và chóng khô đặc hơn trám trắng, nên ít khi khai thác nhựa từ cây trám đen.
Gỗ trám đen nhẹ, mềm, màu xám trắng, giác lõi không phân biệt, có thể dùng làm nhà,
đóng đồ, làm gỗ dán lạng, bút chì, diêm, bột giấy.
Trám là cây đa mục đích được chọn làm cây trồng trong các vườn rừng, trại rừng và các
khu rừng phòng hộ đầu nguồn.
Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
Nhân giống:
Hạt thu nhặt vào tháng 10-11, sau khi quả chín có màu đen sẫm. Ngâm quả vào nước đun
sôi trong nồi hoặc thùng có nắp đậy. Sau 2-3 giờ vớt quả ra; dùng dao sắc cắt 1 vòng dọc quả
để tách phần vỏ và hạt. Phơi khô hạt ở chỗ râm mát, rồi cho hạt vào chum, vại hoặc vun thành
đống nhỏ, để trong nhà, nơi khô mát.
Chồn, sóc và nhiều loài thú nhỏ rất thích ăn nhân hạt trám, nên cần thu nhặt quả kịp thời,
khi chín. Vỏ hạt rất cứng và dày nên dễ bảo quản.
Trước khi gieo, ngâm hạt vào nước lã hoặc nước sôi trong 2-3 giờ vớt ra, đem ủ hoặc gieo
vào đất cát ẩm cho đến khi nảy mầm, đem cấy vào bầu. Vỏ bầu làm bằng nhựa polyethylen,
đục thủng đáy và 4-6 lỗ quanh thành bầu. Kích thước bầu 8x15-20 cm. Ruột bầu là đất tầng
mặt dưới rừng có trộn thêm 10% phân chuồng đã ủ hoai.
Phải tưới đủ ẩm và phá váng nhất là lúc cây mầm chưa mọc lên khỏi mặt đất. Sau khi cấy
phải làm giàn che nắng 50% trong 2-3 tháng đầu, sau dỡ giàn che dần.
Tiêu chuẩn cây con đem trồng là 4-5 tháng tuổi, cao 30-40 cm. Thời vụ gieo tốt nhất là
tháng 1 đến tháng 3 Dương lịch.
Trồng rừng:
Chọn đất sâu, dày, ấm, mát dưới rừng thứ sinh, nghèo kiệt để trồng trám đen là phù hợp.
Có thể trồng bằng phương pháp gieo hạt thẳng hoặc cây con có bầu. Trước hết cần phải
xử lý thực bì bằng cách chặt bỏ toàn bộ thảm cây rừng cũ, tận thu gỗ củi, đốt hoặc xếp cành
nhánh theo băng ngang dốc. Mật độ trồng: 1.000 cây/ha, cự ly hố 5 x 2 m, kích cỡ hố 30 x 30 x
30 cm; nếu trồng bằng cây con có bầu và kích cỡ 30 x 30 x 10 cm nếu gieo hạt thẳng.
Thời vụ trồng bằng cây con có bầu tốt nhất là từ tháng 4-7; thời vụ gieo hạt thẳng cần sớm
hơn; có thể bắt đầu từ tháng 2-3.
Chăm sóc:
Chăm sóc 3-6 năm liền như sau:
Năm thứ nhất: 2-3 lần, vào thời gian sau khi trồng 2 tháng, giữa và cuối mùa mưa. Chủ yếu
là gỡ dây leo, phát bỏ cây cỏ xâm lấn và vun, xới gốc.
Năm thứ hai và ba: Mỗi năm 2 lần vào giữa và cuối mùa mưa, phát cây bụi và cỏ xâm lấn
đồng thời vun xới gốc.
Năm thứ tư và năm: Chủ yếu phát cây cỏ xâm lấn, cây tạp chèn ép.
Năm thứ sáu: Chặt bỏ toàn cây tạp, xấu và lấn át, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây
trám con; tỉa bớt những cây trám đen sinh trưởng kém, để lại mật độ 500-600 cây/ha.
Khai thác, chế biến và bảo quản
Sau tám năm cây bắt đầu cho quả; có thể tận thu lấy quả khoảng 15-20 năm; đến tuổi 30-
35 có thể chặt lấy gỗ. Nếu không lấy gỗ mà để trám đen làm cây ăn quả, có thể kéo dài hàng
trăm năm. Ở xã Hoàng Vân, Hiệp Hoà, Bắc Giang có nhiều cây trám trên trăm tuổi, vẫn cho 2-3
tạ quả/1năm. Cây 50 tuổi, đường kính 60 cm, cao 15 m nhà cụ Ngô Cảnh Phồn liên tục cho thu
hoạch 2 tạ quả/năm.
Để thu hái quả, nhân dân thường chặt cả cây trong rừng làm số lượng cây trám đen ngày
một suy giảm. Cần phải trèo cây hay dùng thang thu hái quả và chỉ chặt các cành nhỏ để duy trì
cây trám cho quả lâu dài. Ở một số vùng, nhân dân có kinh nghiệm dùng dây thép ken cây trám
(thắt chặt dây quanh thân trám) hoặc đục lỗ nhỏ rồi cho muối vào thân cây trám để quả rụng
đồng loạt. Cách khai thác này tuy không làm chết cây, nhưng ảnh hưởng đến sức sống và khả
năng ra quả hàng năm của cây trám. Cần chú ý tổng kết các kinh nghiệm khai thác này để sử
dụng cây được lâu bền. Quả trám nhặt về có thể mang ra chợ bán ngay hoặc ỏm để ăn. Muốn
ỏm trám đen có 2 cách: cách thứ nhất cho quả trám vào nồi nước, đun đến nhiệt độ 40-50
0
C thì
bắc ra để nguội, lấy quả ra là có thể ăn được (chú ý đối với trám trắng khi “ỏm quả” cần nhiệt
độ cao hơn, khi thấy có bọt sủi lăn tăn ở đáy nồi, nhiệt độ 60-70
0
C mới bắc nồi ra). Có thể bóc
lấy cùi ăn ngay hoặc dùng cùi kho thịt, cá ăn dần. Nhân dân vùng Hiệp Hoà, Bắc Giang có kinh
nghiệm, sau khi ỏm, tách đôi quả trám, nhét đầy bột gia vị, xếp vào lọ kín, có thể để hàng năm
vẫn giữ được vị ngon.
Trám đen có mầu sẫm và cùi bở nên rất ít được dùng làm ô mai như trám trắng.
Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
Trám đen là cây cho quả ăn rất quen thuộc ở Việt Nam; đồng thời cũng là cây đa tác dụng.
Hiện nay giá thu mua trám đen cao hơn trám trắng, giá khoảng 10.000-12.000 đ/kg quả tươi,
đặc biệt được thu mua nhiều vào dịp Tết Trung Thu để lấy nhân hạt làm bánh, nên có gia đình
trồng trám đen lấy quả. mỗi năm thu hàng chục triệu đồng.
Nhưng do diện tích rừng giảm nên số lượng cây trám đen cũng ngày một ít dần. Thêm nữa
khi khai thác người dân không có ý thức bảo vệ, thường chặt cả cây để lấy quả nên nguồn cây
trám đen ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên. Cần có biện pháp tích cực để bảo vệ và phát triển
loài LSNG có giá trị kinh tế này. Có thể dùng trám để chế biến các món ăn dân tộc trong các
nhà hàng.
Hiện nay chỉ còn những khu vực rừng trám đen tập trung ở 5 xã thuộc huyện Hiệp Hoà,
tỉnh Bắc Giang, trong đó nhiều nhất ở xã Hoàng Vân. Ở đây còn tồn tại hàng trăm cây trám cổ
thụ có đường kính 1-2 người ôm. Cần sớm bảo vệ các cây trám đen đó để làm rừng giống sau
này. Muốn tăng năng suất và sản lượng, cần chọn các giống trám đen sai quả và chất lượng
cao, đồng thời cũng cần lai ghép để tạo ra các dòng cây trám đen cao sản, sớm ra quả để phục
vụ công tác trồng rừng trong các hộ gia đình hoặc ở qui mô lớn hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tiến Bân (Chủ biên), 2003. Burseraceae Kunth, 1824 - Họ Trám. Danh lục các loài thực vật Việt Nam.
Tập II: 956. Nxb Nông Nghiệp, Hà Nội; 2. Võ Văn Chi, 1997. Từ điển cây thuốc Việt Nam: 1247-1248. Nxb Y học. 3.
Hoàng Hoè, 1994. Kỹ thuật trồng một số loài cây rừng: 68-71. Vụ Khoa Học Công Nghệ, Bộ Lâm Nghiệp. Nxb Nông
Nghiệp - Hà Nội; 4. Phạm Hoàng Hộ, 2.000. Cây cỏ Việt Nam. Tập II: 362. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh; 5. Vụ
Khoa học và chất lượng sản phẩm, 2.000. Tên cây rừng Việt Nam: 280. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn. Nxb
Nông Nghiệp - Hà Nội.