Tóm tắt. Mục đích của bài báo là tổng hợp và phân loại, xác định các hướng nghiên cứu về
đề tài luận văn thạc sĩ giáo dục Toán học ở Tiểu học trong 15 năm qua (từ khi có hệ đào tạo
này đến nay (11/2014)) tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đồng thời, các tác giả phân
tích và so sánh với các hướng nghiên cứu về giáo dục Toán học của đồng nghiệp quốc tế.
Từ đó các tác giả đề xuất một số hướng nghiên cứu mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 475 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu về đào tạo thạc sĩ giáo dục toán học ở tiểu học tại trường Đại học sư phạm Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0039
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 2, pp. 132-137
This paper is available online at
TÌM HIỂU VỀ ĐÀO TẠO THẠC SĨ GIÁO DỤC TOÁN HỌC Ở TIỂU HỌC
TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠMHÀ NỘI
Vũ Quốc Chung, Vũ Tiến Thành
Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt.Mục đích của bài báo là tổng hợp và phân loại, xác định các hướng nghiên cứu về
đề tài luận văn thạc sĩ giáo dục Toán học ở Tiểu học trong 15 năm qua (từ khi có hệ đào tạo
này đến nay (11/2014)) tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đồng thời, các tác giả phân
tích và so sánh với các hướng nghiên cứu về giáo dục Toán học của đồng nghiệp quốc tế.
Từ đó các tác giả đề xuất một số hướng nghiên cứu mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Từ khóa: Tiến sĩ giáo dục toán học, thạc sĩ giáo dục toán học.
1. Mở đầu
Giáo dục đại học ở nước ta đang có nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém liên quan trực tiếp đến
chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó chất lượng và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu khoa học
cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đối với nền giáo dục quốc dân không ít chuyên gia cho rằng:
Điều đáng quan tâm nhất và cần có giải pháp khắc phục ngay đó là chất lượng giáo dục. Tiêu biểu
là Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu, Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn và Giáo sư Phạm Phụ
là những người đặc biệt quan tâm đến giáo dục đại học mà trước hết là chất lượng giáo dục đại học.
Gần 10 năm trước đây Giáo sư Hoàng Tụy đã nhận xét như sau: “Tuy dư luận xã hội hiện đang lo
lắng nhiều về giáo dục phổ thông, nhưng thực ra khâu yếu nhất và đáng lo ngại hơn cả là giáo dục
đại học, và liên quan với nó, là khoa học và công nghệ” [1]. Những năm gần đây cũng có những
chuyên gia đã nhận xét đồng quan điểm với Giáo sư Hoàng Tụy. Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng cho
rằng: “Tôi cũng nghĩ rằng sách giáo khoa không phải là vấn đề nổi cộm nhất của giáo dục Việt
Nam. Chất lượng giáo dục Đại học có lẽ là vấn đề nghiêm trọng hơn” (2014) [2].
Trong giáo dục đại học, chúng ta đang đào tạo ở 3 trình độ: Cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Ở
mỗi trình độ đều có những vấn đề rất nổi cộm về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đào tạo cử nhân
có chất lượng đã là một việc rất khó, chính vì vậy đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ thực sự là một thách
thức đối với các trường đại học. Trong bài biết này, chúng tôi muốn khảo sát, đánh giá một chuyên
ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ: Thạc sĩ giáo dục Toán học ở tiểu học tại Khoa giáo dục Tiểu học
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ thực tiễn đào tạo trong nước và đối chiếu với các hướng
nghiên cứu về giáo dục toán học của quốc tế, chúng tôi đã đề xuất một số định hướng mới nhằm
nâng cao chất lượng của hệ đào tạo này.
Ngày nhận bài: 12/11/2014. Ngày nhận đăng: 15/03/2015.
Liên hệ: Vũ Quốc Chung, e-mail: vqchung@gmail.com.
132
Tìm hiểu về đào tạo thạc sĩ giáo dục toán học ở tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Những nghiên cứu có liên quan và xu hướng mới trong nghiên cứu giáo dục
toán học
Trong baì viết này chúng tôi muốn sử dụng cụm từ “Thạc sĩ Giáo dục Toán học ở Tiểu học”
thay cho cụm từ “Thạc sĩ chuyên ngành giáo dục học (Giáo dục Tiểu học)” để hiểu đúng bản chất
của hoạt động đào tạo này và hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Nói đến hoạt động của một trường đại học tức là nói đến hoạt động đào tạo và nghiên cứu
khoa học. Nếu hoạt động nghiên cứu khoa học không đảm bảo chất lượng và không có hiệu quả thì
không thể nói gì về chất lượng của hoạt động đào tạo. Hoạt động nghiên cứu khoa học là một quy
trình nghiêm ngặt cần phải được thực hiện nghiêm túc theo đúng chuẩn mực thế giới. Tuy nhiên
hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học hiện nay còn ngổn ngang những vấn đề cần
chấn chỉnh và khắc phục. PGS TS Trần Thanh Ái đã viết: “Các nhà khoa học đã gióng lên nhiều
hồi chuông báo động về cách nghiên cứu “không giống ai” của giới khoa học nước ta, nhưng xem
ra chưa có chuyển biến” [3].
Giáo sư Hoàng Tụy đã nhận xét: “Có những công trình khoa học, những luận văn tiến sĩ
của ta ngay cả những ngành học thuật có tính quốc tế như khoa học cơ bản, kinh tế. . . nếu xét theo
tiêu chuẩn thông thường ở các nước thì thậm chí chỉ là tờ giấy lộn” [1].
GS.VS Trần Ngọc Thêm cũng nhận xét: “Nói về khoa học giáo dục hiện nay thì chúng ta
vẫn còn lạc hậu, bất cập” [4].
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận xét chính thức như sau: “Phương pháp nghiên cứu, quy
trình, kĩ thuật nghiên cứu còn khá lạc hậu dẫn đến sai số hệ thống làm cho các kết luận thiếu tính
thuyết phục hoặc tầm khái quát không cao” [5].
Nguyên nhân của những thực trạng trên đây là gì? Bắt nguồn từ đâu? Và cách khắc phục
như thế nào?
Trước hết chúng ta cần nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên trong các trường đại học,
chú trọng vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Chúng ta có thể thực hiện nghiên cứu khoa học theo
các tiêu chí dưới đây [6]:
- Tiêu chí 1: đó là một hoạt động sinh ra kiến thức mới.
- Tiêu chí 2: đó là một quy luật chặt chẽ.
- Tiêu chí 3: phải có công bố kết quả.
- Tiêu chí 4: Phải có nhận xét phê phán về nguồn gốc, phương pháp, cách thức tiến hành của
nghiên cứu.
- Tiêu chí 5: phải có tính hệ thống trong việc thu thập dữ liệu
- Tiêu chí 6: Phải có diễn giải nghiên cứu theo các lí thuyết hiện hành khi xây dựng đề nghiên
cứu cũng như khi diễn giải các dữ liệu nghiên cứu.
Theo Beillerot, J., ba tiêu chí đầu là ba tiêu chí tối thiểu cần phải có của một nghiên cứu
khoa học, và ba tiêu chí sau là các tiêu chí nhằm để tuyển chọn các nghiên cứu “chuẩn”: người ta
có thể chập nhận một nghiên cứu không hội đủ các tiêu chuẩn 4, 5 và 6 nhưng không thể chấp nhận
các nghiên cứu thiếu một trong ba tiêu chí đầu tiên. Theo PGS TS Trần Thanh Ái: “Đây chính là
loại nghiên cứu mà các đại học cần phải huấn luyện cho giảng viên và cả sinh viên, để họ có được
kiến thức chuẩn về nghiên cứu khoa học, tạo thành nền tảng vững chắc cho hoạt động khoa học
sau này của họ” [3].
Trong nghiên cứu về: “Tiếp cận xu hướng mới trong nghiên cứu giáo dục toán: hướng đến
đăng kết quả nghiên cứu ở tạp chí quốc tế” [7], PGS TS Trần Vui đã trình bày các trong nghiên
cứu giáo dục toán ở các giai đoạn:
133
Vũ Quốc Chung, Vũ Tiến Thành
- Nghiên cứu định lượng những năm 70, 80 của thế kỉ XX.
- Nghiên cứu định tính đã xuất hiện từ cuối những năm 80 của thế kỉ 20 và được phát triển
đến nay. Các phương pháp nghiên cứu định tính đang được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục
sử dụng, đó là:
+ Phỏng vấn điều trị.
+ Nghiên cứu hoạt động.
+ Dạy thực nghiệm.
+ Nghiên cứu trường hợp riêng.
Tuy nhiên trên thực tế những nghiên cứu về giáo dục toán học đang triển khai hiện nay ở
Việt Nam đối với hai trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đều phối hợp cả hai phương pháp nghiên cứu định
tính và định lượng [8].
Cũng trong nghiên cứu trên đây PGS.TS. Trần Vui đã đề xuất 10 hướng nghiên cứu mới xếp
theo thứ tự đang được quan tâm:
1. Học sinh hình thành các khái niệm toán học nhà trường như thế nào?
2. Phát triển tư duy toán học của học sinh trong giải quyết các bài toán thông qua các phương
pháp dạy học cụ thể.
3. Sử dụng các biểu diễn bội trong dạy học toán.
4. Suy luận định lượng trong giáo dục toán.
5. Suy luận toán học, lập luận toán học, tư duy toán học, khám phá toán học và chứng minh.
6. Mô hình hóa toán học (Toán học hóa).
7. Biểu diễn toán học động trên máy tính.
8. Giáo dục toán cho những đối tượng đặc biệt.
9. Đánh giá năng lực toán và hiểu biết toán của học sinh.
10. Phát triển tay nghề, nâng cao năng lực dạy học của giáo viên toán một cách thường xuyên.
Chúng tôi đã nghiên cứu 105 luận án, luận văn về giáo dục toán học của các nước: Hoa Kì,
Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, CHLB Nga, Úc, Ca-na-đa và có các phát hiện sau:
1. Tổng quan của luận án, luận văn được trình bày rất cụ thể, hệ thống đầy đủ với những
phân tích, nhận xét của nghiên cứu sinh rất chắt lọc, chặt chẽ. Nội dung của phần này được trình
bày rất phong phú, có nhiều so sánh để làm nổi bật được yêu cầu cần nghiên cứu của đề tài luận
án, luận văn. Điều đó thể hiện trình độ nghiên cứu và văn hóa hiểu biết liên quan đến luận án, luận
văn của tác giả.
2. Đề tài nghiên cứu thường là một vấn đề rất cụ thể, xuất phát hoặc gắn bó với thực tiễn
giáo dục toán học ở các trường phổ thông. Thậm chí chỉ là nghiên cứu về vận dụng một phương
pháp dạy học cụ thể vào một bài học.
Với các lựa chọn đề tài như vậy sẽ giúp nghiên cứu sinh chỉ tập trung vào một phạm vi
nghiên cứu hẹp, có thể đi khá sâu. Tính khả thi cao và kiểm nghiệm tính hiệu quả nhanh hơn, đánh
giá được các khía cạnh rất sâu của kết quả nghiên cứu.
Ví dụ: “Cải thiện kĩ năng giải toán qua giảng dạy có sự hỗ trợ của máy tính trong tiết phân
số ở tiểu học” - Rodriguez, Elizabeth [9].
3. Cấu trúc luận án, luận văn có một số điểm rất khác với Việt Nam, cụ thể:
- Luận án, luận văn nào cũng có các câu hỏi nghiên cứu, được thiết kế thành một chương
hoặc một phần riêng. Có câu hỏi tổng quát và các câu hỏi thành phần. Có thể nói, nếu trả lời xong
các câu hỏi nghiên cứu, tức là đã hoàn thành được các nhiệm vụ cơ bản của luận án, luận văn.
134
Tìm hiểu về đào tạo thạc sĩ giáo dục toán học ở tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
- Trong cấu trúc luận án, luận văn về giáo dục toán học của Việt Nam cũng bao gồm nội
dung của một số câu hỏi được phân bố rải rác ở các chương mục khác nhau. Nhưng không diễn đạt
trình bày thành một hệ thống câu hỏi nghiên cứu. Nhìn vào cấu trúc chúng ta không thấy rõ được
các vấn đề đặt ra cần giải quyết thành một hệ thống vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau.
- Các phương pháp nghiên cứu được đặc biệt quan tâm thường là đặt trong một chương
riêng. Không chỉ nêu tên các phương pháp nghiên cứu như trong đa số các luận án, luận văn của
Việt Nam. Điều đáng nói ở đây tác giả luận án phải chỉ rõ phương pháp nghiên cứu sử dụng ở đâu?
Sử dụng như thế nào? Và đưa ra được kết quả nào? Các ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp
nghiên cứu cũng được đề cập để dự kiến được một cách khách quan, chặt chẽ về mức độ đạt được
của kết quả nghiên cứu.
4. Đặc biệt trong một số luận án có phần thiết kế nghiên cứu, phần này mô tả được đầy đủ
các cấu phần và mối quan hệ giữa chúng cũng như lộ trình triển khai các nghiên cứu.
5. Trong 95 luận văn, luận án về giáo dục toán học được nêu trong Thư viện Editlib [9] có
tới 61 (bằng 64%) luận văn, luận án về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục toán học.
Con số này phản ánh sự phát triển của một xu hướng mới trong nghiên cứu giáo dục toán học.
6. Nhìn chung cấu trúc của các luận văn, luận án không nhất thiết phải hoàn toàn giống
nhau. Tuy nhiên, hệ thống các câu hỏi nghiên cứu là cấu phần có trong tất cả các luận án chúng tôi
nghiên cứu. Riêng đại học Harvard (Hoa Kì) có sổ tay hướng dẫn về mẫu của luận án tiến sĩ đối
với ngành Nghệ thuật và khoa học [10].
2.2. Phân tích, đánh giá hoạt động đào tạo thạc sĩ giáo dục toán học ở Tiểu học
tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ các tiếp cận trên đây và đề xuất
Quá trình đào tạo thạc sĩ giáo dục Toán học ở khoa Giáo dục Tiểu học - Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội có thể được chia thành ba giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Trước năm 2000 Khoa chuẩn bị các điều kiện để triển khai đào tạo Thạc sĩ
Giáo dục Toán học. Một số cán bộ của Khoa đã tham gia đào tạo thạc sĩ Giáo dục Toán học tại
khoa Toán của Trường đối với các đề tài về dạy học Toán ở tiểu học.
- Giai đoạn 2: Từ năm 2001 đến năm 2005 khoa trực tiếp triển khai đào tạo thạc sĩ giáo dục
Toán học các khóa 1, khóa 2, khóa 3 (tương ứng với các khóa 11, 12, 13 của Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội). Trong thời gian này, khoa vừa triển khai đào tạo vừa tiếp tục điều chỉnh, bổ sung
để hoàn thiện chương trình và quy trình tổ chức đào tạo phù hợp với những đặc trưng của giáo dục
tiểu học. Có thể nói năm 2005 đã đánh dấu một bước phát triển mới của khoa Giáo dục Tiểu học
trong hoạt động đào tạo thạc sĩ giáo dục Toán học ở Tiểu học.
- Giai đoạn 3: Từ năm 2006 đến nay, hoạt động đào tạo thạc sĩ giáo dục Toán học ở tiểu học
đã có những đổi mới thực sự, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và gắn bó với sự nghiệp đổi
mới giáo dục đào tạo.
Số lượng các luận văn thạc sĩ giáo dục Toán học của khoa Giáo dục Tiểu học đã bảo vệ
thành công từ khóa 1 (năm 2011 đến 11/2014) là 86.
Có thể tóm tắt các hướng nghiên cứu của các luận văn Thạc sĩ Toán học ở khoa Giáo dục
Tiểu học như sau:
1. Vận dụng các quan điểm, các thuyết và các phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa
hoạt động học tập của sinh viên và học sinh trong dạy học Toán ở tiểu học (23,5%).
2. Phát triển kĩ năng dạy học và kĩ năng học tập của học sinh và sinh viên: (14%). trong đó
sinh viên (7%), học sinh (7%).
3. Phát triển chương trình giáo dục nhà trường: (13%).
4. Phát triển năng lực tư duy cho học sinh: (11%).
5. Phát triển kĩ năng đánh giá trong dạy học Toán: (7%).
135
Vũ Quốc Chung, Vũ Tiến Thành
6. Ứng dụng công nghệ thông tin: (7%).
7. Kĩ năng tự học: (6%).
8. Bồi dưỡng học sinh giỏi Toán ở Tiểu học: (3,5%).
9. Cơ sở Toán học của quá trình dạy học Toán ở Tiểu học: (3,5%).
10. Vận dụng Toán học vào thực tiễn: (3,5%).
11. Sử dụng ngôn ngữ Toán học có hiệu quả: (3%).
12. Trò chơi học tập môn Toán: (2%).
13. Phát triển kĩ năng tính toán cho học sinh: (1%).
14. Sử dụng và khai thác thiết bị dạy học Toán: (1%).
15. Hoạt động ngoại khóa Toán học: (1%).
Phân tích từ thực tiễn đào tạo thạc sĩ giáo dục Toán học ở tiểu học của khoa Giáo dục Tiểu
học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chúng tôi có một số nhận xét:
1. Các hướng đề tài nghiên cứu đã bao quát được khá toàn diện các lĩnh vực giáo dục toán học;
bám sát và phụ vụ có hiệu quả cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.
2. Các đề tài đã tập trung vào nghiên cứu đổi mới vận dụng các phương pháp dạy học theo
hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh nhằm phát triển được năng lực Toán học cho học
sinh tiểu học.
3. Các đề tài nghiên cứu đã chú ý hoạt động phát triển chương trình dạy học môn Toán và nhấn
mạnh kĩ năng học tập môn Toán, năng lực tư duy Toán học của học sinh tiểu học.
4. Đổi mới đánh giá và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục Toán học cũng được quan
tâm thích đáng.
5. Các luận văn chỉ có cấu trúc truyền thống gồm 3 phần. Tuy nhiên, gần đây một số luận án
tiến sĩ giáo dục Toán học đã xuất hiện các cấu trúc mới, gồm nhiều chương hơn, trong đó
các phương pháp nghiên cứu được viết thành một chương riêng [8].
6. Ở giai đoạn 1 và 2 các nghiên cứu chỉ tập trung vào 3 hướng nghiên cứu là: 1, 2 và 4.
7. Tuy nhiên, nhìn vào 15 hướng nghiên cứu của các đề tài luận văn chúng ta thấy rất đáng tiếc
là: Bốn hướng nghiên cứu 12, 13, 14, 15 là những nghiên cứu rất phù hợp với đặc trưng của
giáo dục toán học ở Tiểu học và cũng là yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay nhưng triển khai
nghiên cứu rất ít.
Từ những nhận xét trên đây, chúng tôi xin đề xuất:
- Đề tài nghiên cứu của luận án, luận văn về giáo dục toán học nhất thiết phải xuất phát tự
yêu cầu của thực tiễn của các nhà trường. Nên hướng tới các nghiên cứu về một vấn đề rất cụ thể
theo một hướng hẹp để có thể đi sâu khai thác các ứng dụng sau nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu
phải có địa chỉ sử dụng được xác nhận.
- Trong cấu trúc của luận án, luận văn cần bổ sung và trình bày hệ thống câu hỏi nghiên cứu
cũng như các phương pháp nghiên cứu thành một chương, mục riêng với đầy đủ nội dung phản
ánh được các đặc trưng của luận án, luận văn.
- Đẩy mạnh các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục toán học ở các
nhà trường (hiện tại mới đạt khoảng 7% tổng số các luận văn về giáo dục toán học ở tiểu học).
- Cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới hoạt động đào tạo thạc sĩ giáo dục Toán học ở tiểu học
theo hướng:
+ Tăng cường các đề tài nghiên cứu về giáo dục Toán học ở tiểu học phù hợp với những
đặc điểm nhận thức của học sinh tiểu học như: Các trò chơi học tập về Toán học; Tổ chức các hoạt
động ngoại khóa (liên quan đến thực tiễn) về Toán học; Phát triển kĩ năng tính toán (tính nhẩm,
tính nhanh. . . ); Phát triển hứng thú học tập Toán cho học sinh.
136
Tìm hiểu về đào tạo thạc sĩ giáo dục toán học ở tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
+ Chú trọng phát triển các đề tài luận văn gắn bó với thực tiễn và giải quyết các bài toán
trong thực tiễn giáo dục. Đồng thời cần bổ sung các đề tài luận văn nghiên cứu cơ bản của giáo
dục toán học làm căn cứ cho sự phát triển lâu dài và bền vững về giáo dục Toán học của nước nhà.
+ Số lượng và đặc biệt là chất lượng các đề tài nghiên cứu cần được rà soát và đánh giá theo
hướng chuẩn quốc tế, để từ đó xác định được một quy trình đào tạo thạc sĩ giáo dục toán học có
tính chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng.
+ Cần chuẩn bị lực lượng cán bộ khoa học tham gia hệ đào tạo này theo hướng chiến lược
và hội nhập mạnh mẽ với đồng nghiệp quốc tế.
3. Kết luận
Nghiên cứu khoa học vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ cơ bản của mỗi trường đại học. Hoạt
động nghiên cứu khoa học vừa là yêu cầu bắt buộc vừa là công cụ để các nhà khoa học, đặc biệt
là các giảng viên trẻ trong các trường đại học phát triển năng lực nghề nghiệp của mình một cách
bền vững. Hoạt động nghiên cứu khoa học là điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đại học đặc
biệt là đào tạo ở các trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Như vậy nghiên cứu khoa học theo các chuẩn mực
quốc tế và phù hợp với thực tiễn giáo dục của Việt Nam sẽ đảm bảo giáo dục Việt Nam từng bước
nâng cao chất lượng và hội nhập với thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hoàng Tụy, 2007. Năm mới, chuyện cũ: Cần một tầm nhìn chiến lược nếu muốn vực giáo dục
và khoa học đi lên. Tạp chí Tia sáng ngày 02/02/2007.
[2] Ngô Bảo Châu, 2014. Đề xuất có Uỷ ban giáo dục quốc gia độc lập.
[3] Trần Thanh Ái, 2014. Giảng viên trẻ cần làm gì để nâng cao năng lực chuyên môn. Tạp chí
Dạy và học ngày nay, số 6/2014, tr. 07.
[4] Trần Ngọc Thêm, 2011. Khoa học xã hội tụt hậu vì đào tạo kém. Báo Giáo dục thành phố
Hồ Chí Minh, tại địa chỉ ngày 20/02/2012.
[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2011. Báo cáo đề dẫn. Trong kỉ yếu hội thảo quốc gia về khoa học
giáo dục Việt Nam lần thứ nhất tại Hải Phòng, từ ngày 23-24/02/2011.
[6] Beillerot J., 1991. La «recherche»,essai d’analyse. Recherche et Formation, số 9, tr. 17-31.
[7] Trần Vui, 2013. Số đặc biệt công bố các công trình hội thảo “nghiên cứu giáo dục toán học
thời kì hội nhập. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr. 8-17.
[8] Vũ Quốc Chung, 2014. Tìm hiểu về đào tạo Tiến sĩ giáo dục Toán học ở Việt Nam. Tạp chí
Giáo dục, số 345, kì 1, tr. 20-21.
[9] https://www.editlib.org.
[10]
ABSTRACT
Masters Degree training in mathematics at the Hanoi University of Education
for primary school teachers
The purpose of this article is to identify, categorize and summarize dissertations done over
the past 15 years by students studying for a Masters Degree in Primary School Math Education at
the Hanoi University of Education. In addition, the author compares and analyzes areas of math
research undertaken by foreign colleagues. Based on this information, the author proposes new
areas of research that would be appropriate for the current conditions in Vietnam and would meet
proposed need for educational innovation.
Keywords: Masters Degree in mathematical education.
137