Tình huống và bài giải tình huống Luật hình sự (tội giết người)

Vì ghen tuông, A có ý định giết B. A rủ B đi chơi, đi đến chỗ vắng, A rút dao đâm B ba nhát. Tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Toà án xác định A phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ Luật Hình Sự(BLHS).

doc10 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 5817 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình huống và bài giải tình huống Luật hình sự (tội giết người), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Vì ghen tuông, A có ý định giết B. A rủ B đi chơi, đi đến chỗ vắng, A rút dao đâm B ba nhát. Tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Toà án xác định A phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ Luật Hình Sự(BLHS). Câu hỏi: 1. Căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 BLHS(K3Đ8BLHS), hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người. 2. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao. 3. Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án. 4. Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giải thích rõ tại sao. 5. Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Toà án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Toà án quyết định đối với A có đúng không? Giải thích rõ tại sao. 6. Giả sứ A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra ở Hà Nội thì có bị xử lý theo pháp luật Việt Nam không? Giải thích rõ tại sao. Giải quyết vấn đề: 1. Căn cứ vào K3Đ8BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người. Tội phạm tuy có chung một số dấu hiệu nhưng những hành vi phạm tội khác nhau thì có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Chính do sự khác nhau này mà vấn đề phân loại tội phạm đã được đặt ra. Việc phân biệt các loại tội phạm có ý nghĩa trước hết đối với việc áp dụng nhiều quy định của BLHS. Ngoài ra, việc phân biệt cũng còn có ý nghĩa đối với cả việc áp dụng một số quy định của ngành luật liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự như luật tố tụng hình sự… Khung hình phạt chính là dấu hiệu để phân biệt các nhóm tội phạm với nhau. Căn cứ vào K3Đ8BLHS năm 1999 thì: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù. Tội phạm nghiên trọng là tội pham mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đ93BLHS năm 1999 quy định: “Tội giết người: 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đếm hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Để thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn; 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ bảy đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”. Đối chiếu tội giết người được quy định tại K1 đến K3 của Đ93BLHS năm 1999 với K3Đ8BLHS năm 1999 có: - K1Đ93BLHS năm 1999 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nên tội phạm quy định tại K1Đ93BLHS năm 1999 thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng. - K2Đ93BLHS năm 1999 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là đến mười lăm năm tù. Nên tội phạm quy định tại K2Đ93BLHS năm 1999 thuộc loại tội rất nghiêm trọng. - K3Đ93BLHS là quy định về hình phạt bổ sung nên không phân loại tội phạm. Chúng ta có thể nhận thấy rõ, các quy định về tội giết người tại Đ93 BLHS năm 1999 không quy định về loại tội phạm ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng mà chỉ quy định về loại tội rất nghiêm trọng, và đặc biệt nghiêm trọng. Bởi tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này cho xã hội là vô cùng lớn nên pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc những người phạm tội, nhằm hạn chế tội phạm xảy ra. 2. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao. Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý, bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành: - Chuẩn bị phạm tội: là giai đoạn trong đó người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó. - Phạm tội chưa đạt: là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. - Tội phạm hoàn thành: là trường hợp hành vi phạm tội đã thoả mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong Cấu thành tội phạm (CTTP) Trong trường hợp này, A không những đã tạo ra điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm là rủ B đi chơi mà còn có hành vi đâm B ba nhát, tức A đã thực hiện tội phạm. Vậy hành vi của A không phải thuộc giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Do B được phát hiện và đi cấp cứu kịp thời, hậu quả chết người chưa xảy ra, mà tội giết người là tội có CTTP vật chất, nên hành vi của A cũng không thuộc giai đoạn tội phạm hoàn thành. Xét các dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt: Dấu hiệu thứ nhất - Người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm: A đã thực hiện hành vi đâm B ba nhát. Dấu hiệu thứ hai - Người phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng, nghĩa là hành vi của họ chưa thoả mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của CTTP: A đã đâm B nhưng nạn nhân không chết. Dấu hiệu thứ ba - Người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành: A muốn giết B, tưởng B đã chết nên mới bỏ đi, B được phát hiện và cứu sống kịp thời là ngoài ý muốn của A. Vậy, hành vi phạm tội của A thoả mãn cả ba dấu hiệu trên, do đó có thể kết luận hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt. Khoa học pháp lý còn chia phạm tội chưa đạt thành hai loại: phạm tội chưa đạt đã hoàn thành và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó không xảy ra. Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp người phạm tội vì nguyên nhân khách quan, chưa thực hiện hết hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả không xảy ra. Trong trường hợp này, A đâm B ba nhát và tưởng B đã chết nên mới bỏ đi, nhưng B được cứu chữa kịp thời nên còn sống. A đã hành động như ý muốn và tin hậu quả sẽ xảy ra là cái chết của B, việc B còn sống là do nguyên nhân khách quan, nằm ngoài ý muốn của A. Bởi vậy, hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Việc xác định chính xác giai đoạn phạm tội có ý nghĩa rất lớn trong trường hợp quyết định hình phạt. Qua đó, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được làm rõ hơn và dựa vào đó để có hình phạt phù hợp hơn. 3.Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án. Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Hay, đối tượng tác động của tội phạm là đối tượng bị hành vi phạm tội tác động đến để xâm hại khách thể bảo vệ của luật hình sự. Gây sự thiệt hại cho khách thể dù ở hình thức cụ thể nào cũng luôn luôn diễn ra trên cơ sở hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động. Khách thể của tội phạm giết người được luật hình sự bảo vệ trong vụ án này chính là quyền bất khả xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của B. Vì thế, đối tượng tác động của tội giết người chỉ có thể là con người, cụ thể trong vụ án này, đối tượng tác động của tội phạm chính là B. Công cụ, phương tiện phạm tội là những đối tượng được người phạm tội sử dụng để tác động đến đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể. Trong vụ án này, A dùng dao đâm B, vậy con dao A sử dụng chính là công cụ phạm tội, gây thiệt hại cho khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ của B. 4. Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giải thích rõ tại sao. Điều 19 BLHS quy định: “ Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự với tội định phạm, nhưng không phải là không có sự việc phạm tội. Hành vi thực tế của người phạm tội cấu thành tội nào thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm về tội ấy, nếu hành vi của họ không cấu thành tội nào trong BLHS thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự và trong trường hợp này “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” được coi là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Nếu trong vụ án, A mới đâm B một nhát rồi thấy B bị thương máu ra nhiều, A sợ quá tự ý bỏ đi mà không đâm B đến chết, thì A phạm tội thuộc trường hợp “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” nói trên. Có nghĩa là, A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm là tội giết người. Tuy nhiên, để kết luận A có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không cần xét các yếu tố cấu thành tội phạm trong dấu hiệu hành vi của A. Về khách thể của tội phạm, như trên đã nêu, hành vi của A xâm hại trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ của B. Về chủ thể của tội phạm: là A, có năng lực trách nhiệm hình sự, có khẳ năng nhận thức được hành vi của mình và khả năng chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi đâm B của A, hậu quả là thương tích của B với tỉ lệ thương tật là 21%, công cụ phạm tội là con dao A dùng để đâm B…Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi cố ý của A, mục đích muốn giết B của A và động cơ phạm tội là do ghen tuông với B. Hành vi của A cấu thành tội phạm “Cố ý gây thương tích” được quy định tại K1Đ104BLHS: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”. Vậy trong trường hợp này, A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm là tội giết người, nhưng do hành vi của A cấu thành tội phạm Cố ý gây thương tích nên A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này theo K1Đ104BLHS. 5. Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Toà án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Toà án quyết định đối với A có đúng không? Giải thích rõ tại sao. K2Đ93BLHS quy định: “Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ bảy đến mười lăm năm”. Tuy nhiên trong trường hợp này, hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành(đã trình bày ở yêu cầu thứ 2 của đề bài) . Mà theo K3Đ52BLHS thì: “ Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”. Đối chiếu với K2Đ93BLHS, mức phạt tù cao nhất là mười lăm năm nên hình phạt mà Toà án quyết định đối với A không được quá ba phần tư của mức mười lăm năm, tức không được quá 11 năm 3 tháng (135 tháng tù). Vậy, trong trường hợp này, Toà án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù (156 tháng tù) thì hình phạt Toà án quyết định đối với A là không đúng, vì nó vượt quá mức ba phần tư hình phạt mà khoản 2 điều 93 BLHS quy định. 6. Giả sứ A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra ở Hà Nội thì có bị xử lý theo pháp luật Việt Nam không? Giải thích rõ tại sao. Điều 5 Bộ luật hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “ Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: 1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”. Như vậy, theo nguyên tắc lãnh thổ nói trên, đạo luật hình sự Việt Nam có hiệu lực tuyệt đối với mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam dù người thực hiện tội phạm là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay là người không quốc tịch. Nguyên tắc lãnh thổ chỉ có biệt lệ đối với người nước ngoài được hưởng quyền đặc miễn tư pháp theo luật quốc tế. Thông thường, những người được hưởng quyền đặc miễn tư pháp là những người đứng đầu nhà nước, các thành viên của chính phủ, những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao, các thành viên của đoàn ngoại giao như đại sứ, tham tán đại sứ, bí thư, tuỳ viên…Theo tục lệ quốc tế thì vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của những người kể trên cũng được hưởng quyền đặc miễn tư pháp. A đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. A không thuộc các đối tượng được hưởng quyền đặc miễn tư pháp nói trên. Vậy hành vi phạm tội của A xảy ra ở Hà Nội hoàn toàn bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Cụ thể, A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kết luận: Tội giết người là tội phạm có tính nguy hiểm rất lớn cho xã hội. Người phạm tội cần phải bị trừng trị thật nghiêm khắc để răn đe, giáo dục, góp phần bảo đảm duy trì trật tự an toàn xã hội. Để đấu tranh phòng chống có hiệu quả tội phạm này trong thực tiễn, việc làm rõ những vấn đề còn tranh cãi để thống nhất về mặt lý luận và nhận thức làm cơ sở cho việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất, chính xác, và đúng người đúng tội có ý nghĩa pháp lý rất lớn./ (Chữ viết tắt: BLHS: Bộ luật hình sự; K: Khoản; Đ: Điều; CTTP: Cấu thành tội phạm) Danh mục tài liệu tham khảo 1- Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, NXB Công an Nhân dân. 2- Bình luận khoa học Luật hình sự phần các tội phạm (tập I), NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 3- Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 phần chung, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 4- Số chuyên đề Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 1999) Hà Nội tháng 3 năm 2000. (Bộ tư pháp: Tạp chí dân chủ và pháp luật). 5- Bình luận và tìm hiểu phần chung Bộ luật hình sự năm 1999, NXB chính trị quốc gia. 6- Bình luận khoa học Bộ luật hình sự ( phần các tội phạm), NXB chính trị quốc gia. 7- Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nguyễn Ngọc Hoà, NXB Công an Nhân dân 8- Trách nhiện hình sự và hình phạt, Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an Nhân dân 9- Định tội danh và quyết định hình phạt, Dương Tuyết Miên, NXB Lao động – Xã hội 10- Bài tập Luật hình sự và Tố tụng hình sự, Đỗ Đức Hồng Hà, NXB Tư pháp 11- Bộ luật hình sự 2005
Tài liệu liên quan