Tổ chức các bài học Địa lí lớp 10 theo quan điểm của dạy học phân hóa

Tóm tắt. Phân loại học sinh (HS) theo trình độ nhận thức để dạy học Địa lí sẽ tối đa hóa chất lượng, khả năng học tập của các em, giảm sự quá tải về kiến thức đối với học sinh trung bình và thỏa mãn nhu cầu học chuyên sâu của học sinh khá, giỏi. Để tổ chức dạy học phân hóa theo trình độ nhận thức giáo viên Địa lí cần chủ động phân hóa theo nội dung học tập, qui trình dạy học và phân hóa trong đánh giá kết quả học tâp. Học sinh sẽ luôn được học với tinh thần năng động, sáng tạo và nhiệt tình nếu giáo viên luôn chú ý để dạy học phân hóa theo trình độ nhận thức.

pdf8 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 86 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tổ chức các bài học Địa lí lớp 10 theo quan điểm của dạy học phân hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Sci. 2012, Vol. 57, No. 4, pp. 132-139 TỔ CHỨC CÁC BÀI HỌC ĐỊA LÍ LỚP 10 THEO QUAN ĐIỂM CỦA DẠY HỌC PHÂN HÓA Nguyễn Thị Thu Anh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Hà Nội E-mail: thuanhntt@gmail.com Tóm tắt. Phân loại học sinh (HS) theo trình độ nhận thức để dạy học Địa lí sẽ tối đa hóa chất lượng, khả năng học tập của các em, giảm sự quá tải về kiến thức đối với học sinh trung bình và thỏa mãn nhu cầu học chuyên sâu của học sinh khá, giỏi. Để tổ chức dạy học phân hóa theo trình độ nhận thức giáo viên Địa lí cần chủ động phân hóa theo nội dung học tập, qui trình dạy học và phân hóa trong đánh giá kết quả học tâp. Học sinh sẽ luôn được học với tinh thần năng động, sáng tạo và nhiệt tình nếu giáo viên luôn chú ý để dạy học phân hóa theo trình độ nhận thức. Từ khóa: Dạy học Địa lí, dạy học phân hóa, trình độ nhận thức. 1. Mở đầu Dạy học phân hóa là một xu thế và là một chiến lược của dạy học hiện đại. Cơ sở của việc phát triển chiến lược này là HS trong một lớp ở một cấp học nào đó luôn không đồng nhất về nhiều mặt. Sau kì thi tuyển sinh vào lớp 10, mỗi trường THPT có cách sắp xếp HS khác nhau. Có trường tập hợp HS có cùng năng lực về các môn xã hội, các môn khoa học tự nhiên vào những lớp khác nhau để các em nghiên cứu sâu hơn một số môn học (trường chuyên). Có trường lấy điểm thi vào lớp 10 làm tiêu chí để phân chia HS. Đa số các trường xếp HS vào các lớp khác nhau theo khu vực cư trú. Dù là cách phân loại nào thì HS giữa các lớp hay HS trong cùng một lớp cũng có sự phân hóa khá lớn về trình độ, phong cách học tập, khả năng tư duy, động cơ học tập, nhân cách, hoàn cảnh gia đình,... Trong điều kiện như vậy dạy học phân hóa là tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên trong giới hạn bài viết này chúng tôi chỉ chia sẻ về việc tổ chức dạy học phân hóa theo trình độ nhận thức của HS. Trong đó các ví dụ minh họa được rút ra từ việc dạy bài Vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải (Địa lí 10). Ở bậc THPT, nội dung các bài học Địa lí lớp 10 đều có khối lượng tri thức khá lớn. Vì vậy phân hóa HS theo trình độ nhận thức để dạy môn Địa lí sẽ giải quyết được mâu thuẫn của tình trạng quá tải về kiến thức với HS có trình độ trung bình mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu sâu kiến thức của những HS khá giỏi. 132 Tổ chức các bài học Địa lí lớp 10 theo quan điểm của dạy học phân hóa 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái niệm về dạy học phân hóa Theo Tomlinson, dạy học phân hoá là cách dạy mà ở đó GV là người tiên phong trong việc thay đổi chương trình, phương pháp dạy học, nguồn học liệu, hoạt động học của HS và sản phẩm học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của một cá nhân hoặc nhóm HS để tạo cơ hội học tập tốt nhất cho mỗi HS trong lớp. . . Dạy học phân hoá là "sắp xếp" những gì diễn ra trên lớp để HS có nhiều cơ hội lựa chọn cho mình cách chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng và diễn đạt những gì mà các em học được; nghĩa là dạy học phân hoá sẽ cung cấp cho HS những con đường khác nhau để lĩnh hội nội dung dạy học. Thông qua đó, HS đạt hiệu quả học tập cao hơn [1]. Có nhiều định nghĩa khác nhau về dạy học phân hoá nhưng tất cả đều thống nhất rằng dạy học phân hoá là một triết lí dạy học, nó cho phép GV thiết kế các chiến lược dạy học sao cho phù hợp với nhu cầu khác nhau của HS trong lớp học. 2.2. Tổ chức dạy học phân hóa theo trình độ nhận thức Để tổ chức dạy học phân hóa trong một lớp học, người GV Địa lí phải quan tâm đến ít nhất 3 yếu tố quan trọng sau: (1) Nội dung – đầu vào, cái mà HS học; (2) quy trình – cách thức HS chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng; và (3) đánh giá kết quả học tập – đầu ra, cách HS thể hiện những gì các em đã được học. 2.2.1. Phân hoá theo nội dung học tập Trong một lớp học, sẽ có một số HS hầu như chưa biết gì về các nội dung sắp học, cũng có một số HS đã biết sơ qua về một số nội dung của bài học, có những HS đã biết khá rõ và đã có thể trình bày một số nội dung của bài học trước lớp. Khi dạy mỗi bài Địa lí, nội dung của bài học sẽ được phân hoá dựa trên những gì HS đã biết. Trước khi dạy bài mới, để phân loại HS theo nội dung học tập, GV làm phiếu điều tra nhu cầu HS. Ví dụ phiếu điều tra khi dạy bài 36, Vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải (Địa lí 10), như sau: Ghi lại những gì em biết về các vai trò của ngành giao thông vận tải, ảnh hưởng của vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, sông ngòi) và điều kiện kinh tế - xã hội (các ngành kinh tế, dân cư,...) tới phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải. Sau đó viết ra những câu hỏi (những thắc mắc) cho những điều em muốn biết về các vấn đề trên. Những điều em biết Những điều em muốn biết (Thắc mắc) Vai trò của ngành giao thông vận tải. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Ảnh hưởng của vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 133 Nguyễn Thị Thu Anh Căn cứ vào kết quả điều tra, GV tổ chức các hoạt động dạy học có phân hoá nội dung. Những HS hầu như chưa biết nội dung bài học GV sẽ giao cho các em nhiệm vụ ở mức thấp hơn theo thang bậc nhận thức của Bloom. Ví dụ khi dạy về vai trò của ngành giao thông vận tải, GV cho HS xem 4 ảnh có tính chất gợi ý như: tầu chở gỗ tới nhà máy giấy, xe buýt chở khách, ô tô chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, máy bay chiến đấu, tầu chiến,... rồi yêu cầu các em hoàn thành phiếu học tập sau: Nhiệm vụ: Đọc SGK mục I, kết hợp xem ảnh. Hãy đánh dấu vào các câu em cho là đúng thể hiện vai trò quan trọng của ngành giao thông vận tải: 1. Tham gia vào quá trình sản xuất. 2. Thực hiện mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa các vùng, giữa các nước. 3. Tạo ra nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến. 4. Phục vụ nhu cầu đi lại của con người. 5. Tăng cường sức mạnh quốc phòng. 6. Xây dựng cơ sở vật chất cho các ngành kinh tế. Với những HS biết chưa đầy đủ về vai trò của ngành giao thông vận tải GV có thể đưa yêu cầu ở mức độ cao hơn để hoàn thành nhiệm vụ trong các lĩnh vực vận dụng và phân tích. Ví dụ: Nhiệm vụ: Đọc SGK mục I trang 138, kết hợp hiểu biết của bản thân, hãy nêu vai trò của ngành giao thông vận tải và lấy các ví dụ thể hiện các vai trò của ngành giao thông vận tải. Những HS biết khá nhiều kiến thức của bài học sẽ nhận được yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ tổng hợp và đánh giá. Ví dụ: Nhiệm vụ: Đọc SGK mục I trang 138, kết hợp hiểu biết của bản thân, hãy lấy các ví dụ chứng tỏ vai trò của ngành giao thông vận tải đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương em (Hà Nội). Tuy nhiên, không phải tiết học nào cũng phải làm phiếu điều tra nhu cầu của HS vì chỉ cần sau một thời gian dạy học, GV đã có thể phân loại HS theo năng lực nhận thức làm cơ sở để dạy học phân hóa theo nội dung học tập. 2.2.2. Phân hoá theo quy trình dạy học Cùng một nội dung bài học, cùng một kĩ năng nhưng GV tổ chức các hoạt động dạy học theo các quy trình khác nhau tùy thuộc vào năng lực học tập của HS để các em có thể làm chủ nội dung của bài học. Đối với những HS khá giỏi để các em không cảm thấy quá nhàm chán trong quá trình học GV nên tạo cơ hội để các em chủ động khám phá kiến thức. Đối với HS trung bình và dưới trung bình thì người dạy có thể hỗ trợ (gợi ý, hướng dẫn) một số điểm cần thiết để các em không thất vọng vì phải đối mặt với vấn đề quá khó so với năng lực. Ví dụ: Khi dạy mục II, bài 36 Địa lí lớp 10, với đối tượng HS khá, giỏi, GV yêu cầu tìm hiểu về các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải theo quy trình như sau: - Bước 1: GV giao phiếu học tập cho HS trước giờ học 1 tuần với nhiệm vụ: Đọc mục II SGK, sưu tranh ảnh, bài viết,... hãy, phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí, các điều 134 Tổ chức các bài học Địa lí lớp 10 theo quan điểm của dạy học phân hóa kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, sông ngòi) và kinh tế - xã hội (sự phát triển và phân bố của các ngành kinh tế, sự phân bố dân cư) tới phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải. - Bước 2: HS hợp tác cùng các bạn thực hiện yêu cầu của phiếu học tập. GV theo dõi, đôn đốc HS, kiểm tra tiến độ thực hiện, giải đáp các thắc mắc cho HS. - Bước 3: HS báo cáo trước lớp nội dung yêu cầu của phiếu học tập, HS các nhóm khác và GV nhận xét, đánh giá. Với đối tượng HS trung bình, nhiệm vụ học tập đã được gợi ý ở một số nội dung để các em làm theo mẫu. Ví dụ GV đưa phiếu học tập có nội dung như sau: Đọc mục II SGK, kết hợp với hiểu biết của bản thân, hãy nêu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội tới sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải. Nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển Ví dụ và phân bố GTVT Vị trí địa lí Những khu vực giáp biển có điềukiện để phát triển vận tải biển. Điều kiện tự nhiên: Địa hình, khí hậu, sông ngòi ... Điều kiện kinh tế - xã hội: Sự phát triển và phân bố của các ngành kinh tế; Phân bố dân cư Trước khi xây dựng khu công nghiệp Dung Quất phải xây dựng các tuyến đường giao thông. Để HS hiểu rõ hơn nhiệm vụ của mình khi hoàn thành phiếu học tập, GV có thể đưa thêm các câu hỏi gợi ý, ví dụ: - Nêu ví dụ chứng tỏ địa hình ảnh hưởng tới việc xây dựng các công trình giao thông. - Mạng lưới sông ngòi ảnh hưởng tới sự phát triển những loại hình vận tải nào? - Ở những khu vực có mật độ dân số cao thường có những loại hình vận tải hành khách nào? Phân hoá quy trình dạy học giúp HS có thể tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất hoặc lựa chọn những thử thách để chinh phục. 2.2.3. Phân hoá theo sản phẩm Khi kết thúc bài học, để đánh giá mức độ làm chủ nội dung bài học của HS, GV có thể dùng các bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan, các phiếu đánh giá có nội dung liên quan đến những vấn đề đã được học trong bài. Dựa vào năng lực học tập để đưa yêu cầu phân hoá về sản phẩm học tập. Với đối tượng HS khá giỏi, GV có thể giao cho các em hoàn thiện các hoạt động (viết báo cáo) để chứng minh việc làm chủ kiến thức. Ví dụ: Viết một bản báo cáo ngắn 135 Nguyễn Thị Thu Anh về ưu điểm và nhược điểm của vận tải xe buýt ở Hà Nội. Với đối tượng HS trung bình, GV có thể đưa những bài tập với mức độ yêu cầu dễ hơn. 2.3. Một số điểm cần lưu ý khi tổ chức dạy học phân hóa môn Địa lí lớp 10 2.3.1. GV cần hiểu rõ trình độ nhận thức và động cơ học tập của HS GV có thể áp dụng nhiều phương pháp để tìm hiểu về trình độ nhận thức và động cơ học tập của HS. Các phương pháp tìm hiểu cần đảm bảo tính tích hợp, đa chiều và đơn giản (bằng các con đường tự nhiên nhất). Có thể dùng các phiếu trắc nghiệm để điều tra trình độ nhận thức của HS đối với môn Địa lí lớp 10. Ví dụ: Một số câu hỏi trong phiếu điều tra HS lớp 10 của GV Địa lí: Câu 1: Em có đồng ý với các ý kiến dưới đây? TT Ý kiến Đồng ý Không đồng ý 1 Ở trường, địa lí là một trong những môn học yêuthích của em 2 Em học môn Địa lí để thi tốt nghiệp 3 Em thích đọc sách và sưu tầm những mẩuchuyện về Địa lí 4 Học địa lí giúp em có thể giải thích được nhữnghiện tượng tự nhiên diễn ra xung quanh mình 5 Học địa lí giúp em hiểu được những vấn đề kinhtế - xã hội trong nước và quốc tế Câu 2: Hãy cho biết mức độ em thực hiện những công việc sau đây như thế nào? TT Công việc Thường Thỉnh Hiếm Chưa xuyên thoảng khi bao giờ 1 Thường xuyên xem các chương trìnhtruyền hình có nội dung về địa lí 2 Mượn hoặc mua sách có nội dung vềđịa lí 3 Xem những trang web có chủ đề vềđịa lí 4 Viết bài về chủ đề địa lí 5 Gặp thầy/cô để được giải đáp nhữngthắc mắc về kiến thức địa lí Câu 3: Kết quả học tập môn Địa lí của em. 136 Tổ chức các bài học Địa lí lớp 10 theo quan điểm của dạy học phân hóa TT Lớp Tốt (từ Khá (từ 7.0 Trung bình (từ 5.0 Yếu 8.0 trở lên) đến nhỏ hơn 8.0) đến nhỏ hơn 7.0) (dưới 5.0) 1 Lớp 8 2 Lớp 9 3 Dự kiến kì Ilớp 10 ...................... Cũng có thể tìm hiểu trình độ nhận thức và động cơ học tập của HS bằng cách phỏng vấn trực tiếp hay phỏng vấn các GV đã từng dạy những năm trước hoặc thông qua học bạ, bảng điểm, thành tích học tập năm trước (kỳ trước) của HS, quan sát hoạt động của HS. . . Mục đích cuối cùng của việc tìm hiểu là GV có thể dễ dàng trả lời được các câu hỏi: 1. Đặc điểm chung nhất của lớp HS này là gì? 2. Mặt bằng kiến thức và hiểu biết hiện tại của HS về môn Địa lí đến đâu? 3. Sự chênh lệch về kiến thức và kỹ năng địa lí giữa các nhóm HS được thể hiện như thế nào? 4. HS trong lớp đã có những thành tích gì trong học tập Địa lí 5. Điều gì khiến HS đạt được những thành công đó? 6. Sự phân hóa HS trong lớp được thể hiện rõ nhất ở khía cạnh nào?... Khi đã nắm rõ khả năng nhận thức của HS, động cơ học tập môn học, khả năng hợp tác nhóm của HS,... GV có thể chủ động đưa ra những biện pháp hỗ trợ tốt hơn cho HS trong quá trình học tập môn Địa lí lớp 10. 2.3.2. Cụ thể hóa mục tiêu bài học phù hợp với từng đối tượng HS Xây dựng mục tiêu bài học được coi là khâu trọng tâm để định hướng trong dạy học phân hóa và là căn cứ để kiểm tra đánh giá kết quả tiến bộ của HS. Sử dụng 6 thang bậc tư duy nhận thức của B.J.Bloom để phân cấp mức mục tiêu: + Mục tiêu bậc 1: Tái hiện (trình bày, liệt kê, mô tả. . . ) + Mục tiêu bậc 2: Tái tạo (so sánh, chứng minh, lập luận. . . ) + Mục tiêu bậc 3: Sáng tạo (đưa ra nhận xét, ý kiến, dự báo, phản biện. . . ) Căn cứ vào mục tiêu của bài học GV tìm các hình thức tổ chức dạy học, phương pháp, phương tiện dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với khả năng nhận thức của HS. 137 Nguyễn Thị Thu Anh Ví dụ mục tiêu của bài Vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải (Địa lí 10), là: 1. Trình bày được vai trò của ngành giao thông vận tải. 2. Nêu được 2 đặc điểm của ngành giao thông vận tải. 3. Kể tên được các nhân tố về tự nhiên và các nhân tố kinh tế - xã hội tác động tới sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải. 4. Phân tích được ảnh hưởng của nhóm nhân tố tự nhiên và KT – XH đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải. 5. Đánh giá được ý nghĩa của điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội tới phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải. 6. Viết một đoạn văn ngắn về tác động của các nhân tố tự nhiên tới phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải ở địa phương em. Tùy theo trình độ nhận thức của HS mà yêu cầu mục tiêu cần đạt khác nhau. Với đối tượng HS khá giỏi, các mục tiêu của bài học sẽ không chỉ đòi hỏi HS nhớ (mục tiêu 1,2,3) mà còn đòi hỏi HS hiểu và vận dụng vì vậy mục tiêu cần đạt trong giờ học phải có mục tiêu 4, 5. Ở các lớp chuyên Địa, lớp chọn,... GV có thể đưa mục tiêu ở mức độ cao hơn, ví dụ mục tiêu 6. Thông qua việc lựa chọn mục tiêu, GV đã làm cho bài học phù hợp với nhu cầu và khả năng của tất cả HS, đảm bảo sự phân hóa đạt được hiệu quả cao. 2.3.3. Thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp với trình độ của HS Trong những lớp học có sự phân hóa rõ nét về năng lực nhận thức, các hoạt động dạy học sẽ được thiết kế hướng về năng lực của các HS khá trong lớp, sau đó GV đưa thêm những gợi ý cho HS trung bình và tạo ra các hoạt động bổ sung dành cho các HS có trình độ giỏi. Như vậy bài học và hoạt động dạy học sẽ phù hợp với tất cả HS. Ví dụ: Khi dạy về các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải, GV có thể đưa thêm các câu hỏi gợi ý cho những HS trung bình (đã trình bày ở mục 2.2) và chuẩn bị những câu hỏi thêm dành cho HS giỏi trong lớp như sau: - Dựa vào bản đồ Tự nhiên Việt Nam và bản đồ Giao thông Việt Nam, hãy chứng minh ảnh hưởng của địa hình tới hướng của các tuyến đường giao thông? - Trong các ngành kinh tế nước ta, ngành nào ảnh hưởng mạnh nhất tới sự phát triển và phân bố giao thông vận tải. Cho ví dụ minh họa. 2.3.4. Kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập Mục tiêu của dạy học phân hóa là đáp ứng nhu cầu học tập của mỗi HS. Vì vậy, đánh giá trong suốt quá trình học tập giúp GV điều chỉnh tiến trình dạy học hay các nhiệm vụ học tập. 138 Tổ chức các bài học Địa lí lớp 10 theo quan điểm của dạy học phân hóa Trong quá trình dạy học địa lí, GV nên khuyến khích HS khá, giỏi đặt các câu hỏi thêm cho bạn học và đánh giá kết quả làm việc của bạn học. GV có thể đưa ra các mẫu đánh giá để HS có thể tự kiểm tra, đánh giá bản thân hoặc đánh giá các bạn trong lớp. 3. Kết luận Tiến hành dạy học phân hóa theo trình độ nhận thức ở nhiều bài Địa lí lớp 10, chúng tôi nhận thấy các em HS luôn học tập với một tinh thần chủ động, hứng thú và sáng tạo. Ngoài phân hóa theo trình độ nhận thức, GV Địa lí có thể xây dựng lịch trình dạy học tương ứng với phong cách học tập và hứng thú học tập của HS. GV phải luôn biết chắc chắn những HS nào học tốt nhất bằng cách nghe, nhìn hoặc vận động,... để thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp. Dạy học phân hóa đã phát huy tối đa tư chất và năng lực của HS, giảm bớt tình trạng quá tải đối với HS từ đó nâng cao hiệu quả dạy học môn Địa lí lớp 10. Tiến hành dạy học phân hóa môn Địa lí ở lớp 10 sẽ là tiền đề để tổ chức dạy học phân hóa trong các lớp 11 và 12. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Thị Thu Hương, 2010. Một số quan niệm về dạy học phân hoá.Tạp chí Giáo dục, số 244, kì 2-8. [2] Phạm Thị Sen – Nguyễn Thị Thu Anh, 2009. Đổi mới thiết kế bài giảng Địa lí 10. Nxb Giáo dục. [3] Nguyễn Thị Thu Anh, Võ Thị Thu Hà, Bùi Thị Hải Yến, 2010. Tài liệu tập huấn giáo viên trường THPT Chuyên - Thiết kế hồ sơ dạy học môn Địa lí. Hà Nội. ABSTRACT Differentiated teaching according to the level of students’s awareness contributes to improving the effect of learning geography – grade 10 Classifying students according to awareness level for teaching geography will max- imize their qualities and learning abilities, reduce the overload of knowledge for average students, and satisfy the needs of intensive study for good and excellent students. To or- ganize teaching with classification according to students’ levels of awareness, geography teachers should actively classify students basing on learning contents, teaching procedures and the evaluation of learning results . Students will always learn in active, creative, and enthusiastic spirit if teachers pay attention to classifying them in learning. 139