Tóm tắt. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) là một trong những nhà tư tưởng lớn
của Việt Nam thời trung đại. Tư tưởng của ông là sự kết hợp giữa Nho giáo, tư
tưởng - văn hoá bản địa, thực tiễn cuộc đời và thời đại ông sống. Trong đó, vấn đề
giáo dục đạo đức Nho giáo là một nội dung nổi bật trong hệ thống tư tưởng của
Nguyễn Bỉnh Khiêm, được đặt ra từ sự tích luỹ, chiêm nghiệm và vận dụng Nho
giáo vào Việt Nam. Bài viết này sẽ làm rõ những tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm
về vai trò của giáo dục Nho giáo và nội dung giáo dục đạo đức Nho giáo, khẳng
định những cống hiến của ông về phương diện triết học đạo đức, về sự phát triển tư
tưởng Nho giáo ở Việt Nam, từ đó cho thấy những bài học giáo dục đạo đức công
dân trong xã hội ngày nay.
10 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 763 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm về giáo dục đạo đức Nho giáo, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2013, Vol. 58, No. 6B, pp. 111-120
This paper is available online at
TƯ TƯỞNG NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO
Nguyễn Bá Cường
Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) là một trong những nhà tư tưởng lớn
của Việt Nam thời trung đại. Tư tưởng của ông là sự kết hợp giữa Nho giáo, tư
tưởng - văn hoá bản địa, thực tiễn cuộc đời và thời đại ông sống. Trong đó, vấn đề
giáo dục đạo đức Nho giáo là một nội dung nổi bật trong hệ thống tư tưởng của
Nguyễn Bỉnh Khiêm, được đặt ra từ sự tích luỹ, chiêm nghiệm và vận dụng Nho
giáo vào Việt Nam. Bài viết này sẽ làm rõ những tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm
về vai trò của giáo dục Nho giáo và nội dung giáo dục đạo đức Nho giáo, khẳng
định những cống hiến của ông về phương diện triết học đạo đức, về sự phát triển tư
tưởng Nho giáo ở Việt Nam, từ đó cho thấy những bài học giáo dục đạo đức công
dân trong xã hội ngày nay.
Từ khóa:Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo dục, đạo đức Nho giáo, trung hiếu, nhân nghĩa.
1. Mở đầu
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh trưởng trong thời kì đất nước bị chia cắt, chiến tranh giữa
các thế lực phong kiến Bắc triều (Mạc) và Nam triều (Lê - Trịnh) diễn ra không ngớt. Ông
ôm hoài bão thống nhất đất nước trên cơ sở những tư tưởng tích cực của Nho giáo nhưng
các thế lực xã hội không chấp nhận tư tưởng đó khiến ông phải trăn trở với các cách xử
thế: “xuất” hay “xử”, “hành” hay “tàng”. Con người Nguyễn Bỉnh Khiêm là con người
suy tư thế sự, ung dung tự tại với phong thái của một triết nhân “minh triết bảo thân”,
tự mình trở thành tấm gương dạy người, dạy đời. Ông là nhà tư tưởng tiêu biểu, nhà văn
hóa lớn, nhà giáo dục nổi tiếng của dân tộc. Tư tưởng và nhân cách của ông phủ bóng ở
thế kỉ XVI và tiếp tục có ảnh hưởng ở các thế kỉ sau. Bài viết này sẽ làm rõ tư tưởng của
Nguyễn Bỉnh Khiêm về giáo dục Nho giáo và nội dung giáo dục đạo đức Nho giáo với
mong muốn khẳng định những cống hiến của ông về phương diện triết học đạo đức, về sự
phát triển tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam, từ đó cho thấy những bài học giáo dục đạo đức
công dân trong xã hội ngày nay.
Ngày nhận bài 01/07/2013. Ngày nhận đăng 29/09/2013.
Liên lạc Nguyễn Bá Cường, e-mail: cuongnb@hnue.edu.vn
111
Nguyễn Bá Cường
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vai trò của giáo dục Nho giáo trong tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm
Đối với những nhà nho chân chính, giáo dục - đào tạo con người là sứ mệnh cao cả
được thực hiện một cách tự thân. Người ta theo học đạo Nho để có sự hiểu biết (không
chỉ là kiến thức Nho học, mà còn mở rộng cả Y, Lí, Số,...). Bởi thế, người xưa quan niệm
nhà nho là người thông hiểu trời đất, muôn vật và con người (Thông thiên, địa, nhân viết
Nho). Học Nho để làm người và thành người. Học Nho để có địa vị xã hội, thăng quan
tiến chức, làm vinh hiển cho bản thân và gia đình. Học Nho để hành đạo giúp đời trị bình,
thực hiện sự nghiệp kinh bang tế thế, đem tài đức của mình cống hiến cho đất nước và
nhân dân,... Những mục đích đó được thể hiện đầy đủ ở nhà nho Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã học Nho, tin theo Nho, hành đạo Nho, giáo dục con người
và xã hội theo đạo Nho. Điều đó chứng tỏ ông đã nhận ra tác dụng, vai trò của giáo dục
Nho giáo nói chung và giáo dục đạo đức Nho giáo nói riêng đối với sự phát triển của mỗi
cá nhân và sự phát triển của toàn xã hội.
2.1.1. Giáo dục đối với sự phát triển cá nhân
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những quan điểm nêu rõ vai trò của giáo dục đối với sự
phát triển của mỗi người, đó là: giáo dục đem lại sự hiểu biết, thúc đẩy ý chí phấn đấu và
tu dưỡng đạo đức cá nhân.
Đề cao vai trò của giáo dục, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, cuộc sống con người
chỉ có ý nghĩa khi đạt đến sự hiểu biết (“hay”, “biết”, “làu”, “thông”,...). Theo ông, nếu
không được giáo dục, con người trở nên mờ mịt, tăm tối: “Nếu học thì hay kẻo mịt mùng”.
Việc học tập, tu dưỡng đạo lí không phải là việc nhất thời mà phải là một quá trình thường
xuyên và liên tục. Ông viết: “Làm người có dại ấy nên khôn”; “Học ngần nào, hay ngần
ấy,/ Xem bao giờ, biết bấy giờ” [3;95]. Nhu cầu hiểu biết của con người về sự vận hành
(“lí”) của trời đất, muôn vật là nhu cầu chính đáng với mục đích cuộc sống để làm người
(“đã làm người cho biết lí”) [5;433]. Và nhờ có sự hiểu biết đó mà con người có thể vận
dụng và ứng xử trong thực tiễn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ yêu cầu học trò noi gương thánh hiền thời xưa mà
còn đề cao vai trò của sự tìm tòi, học hỏi. Trong bài Khuyến sĩ thi (Thơ khuyên học trò),
ông cho rằng: khi học cần phải tìm hiểu, suy xét nghĩa lí thật sâu sắc và tinh tường, không
chỉ căn cứ vào một quy cách, phương pháp nhất định; khi vận dụng phải tùy thời để có
cách hành xử sao cho hợp tình hợp lí. Đặc biệt, ông yêu cầu học trò cần nêu cao ý chí vượt
khó, vượt khổ, không quản ngại gì để học hành theo những hình mẫu ở đời, xứng đáng là
đấng nam nhi [3;130]. Ông còn khuyên học trò cần phát huy tính tự lập, chủ động, chăm
chỉ học tập và suy nghĩ, đồng thời phê phán thói lười biếng, không biết tự lo việc học mà
chỉ ngồi chơi, ngủ ngày, ham mê điều tầm thường mà không biết xấu hổ và làm mất niềm
tin ở người lớn (xem bài Trách sĩ nhân bất học) [3;137].
112
Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm về giáo dục đạo đức Nho giáo
Nguyễn Bỉnh Khiêm nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy ý chí
phấn đấu của mỗi người trong xã hội. Theo quan niệm Nho giáo truyền thống, ông coi
việc học phải nhằm vào mục đích “hành đạo”. Ông cũng đồng ý với lẽ thường ở đời là học
tập sẽ tạo nên cơ hội để người học có được vị trí xã hội (làm quan). Ông vừa khuyên răn
học trò chăm chỉ, cần mẫn ngày đêm học đạo, vừa khuyến khích học trò bằng cách hướng
tới tương lai tốt đẹp của họ (thành danh, được mọi người yêu mến). Điều này được ông
nêu lên trong bài Sĩ nhân họa vận (Học trò họa vần) [3;137 - 138]. Ông gợi mở cơ hội
thành danh cho người học: “Tiền đồ rộng lớn nên ghi nhớ,/ Ai là kẻ có tiếng thơm, được
coi trọng ở đất Việt?” [2;245].
Với ý chí phấn đấu không ngừng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trưởng thành, đạt được
những vị trí xứng đáng trong triều đình và uy danh trong nhân dân. Bản thân ông lúc sinh
thời vẫn luôn tự rèn luyện, tu dưỡng theo gương thánh hiền, theo những chuẩn mực đạo
đức của Nho gia. Thông qua thực tiễn đời sống của ông, chúng ta nhận thấy ông còn đề
cập đến vai trò của giáo dục trong việc tu dưỡng đạo đức cá nhân.
Nguyễn Bỉnh Khiêm coi giáo dục phải thực hiện được vai trò định hướng ý chí và
hành động cho người học, nhất là việc gắn ý chí học hành với lí tưởng cống hiến hết mình
cho đất nước. Ý chí này phải được rèn giũa không ngừng, từ trẻ (chí sơ âu), từ “thuở bình
sinh” cho tới suốt cuộc đời, dù “đầu đã bạc” - “mái tóc thành tơ” và ngay cả trong nghèo
khó, loạn lạc hay trong sự vui chơi nhàn hạ cũng phải luôn nỗ lực không rời bỏ mục tiêu
phấn đấu. Ông viết: “Ba xuân tỏa ấm lầu sách cũ,/ Tấm lòng lo trước thiên hạ đến già chưa
thôi” [2;203];... Điều này cũng lí giải tại sao những nhà nho chân chính vốn nặng trách
nhiệm với đất nước, luôn tự nỗ lực phấn đấu thông qua con đường khoa cử để có điều kiện
và cơ hội cống hiến với trách nhiệm phải biết “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm
vui của thiên hạ” (Tri ngô hậu lạc tại tiên ưu) [2;192].
Nhìn chung, thông qua những hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, Nguyễn Bỉnh
Khiêm đã nêu cao ý thức trách nhiệm cá nhân để hiện thực hóa tư tưởng, góp phần xây
dựng các triều đại và thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa, giáo dục của dân tộc. Sự đóng
góp của ông về lí luận cũng như thực tiễn đều có ý nghĩa khẳng định vai trò của giáo dục
đối với việc nâng cao sự hiểu biết của mỗi người, là điều kiện hết sức cần thiết cho sự tự
tu dưỡng cá nhân, tạo cơ hội cho người học thành đạt để cống hiến với xã hội.
2.1.2. Giáo dục đối với sự phát triển xã hội
Giáo dục không chỉ có vai trò to lớn đối với sự phát triển cá nhân mà còn có vai trò
xây dựng, củng cố nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển
xã hội. Đó là những quan điểm đặc sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trước thực trạng xã hội đương thời ngày càng phức tạp, Nguyễn Bỉnh Khiêm càng
nhận rõ sự mất trật tự, đảo lộn kỉ cương trên dưới dẫn tới sự suy đồi của đạo đức xã hội
(“Cương thường ngày một suy sụp, lỏng lẻo,/ Lễ nghĩa than ôi ngang trái” [2;317]). Theo
ông, chỉ vì lòng lợi kỉ của con người mà làm cho đạo đức, nhân luân bị đảo lộn, băng hoại
113
Nguyễn Bá Cường
[2;334]. Ông nhận rõ tình trạng đó diễn ra trong cả hệ thống xã hội từ trên xuống dưới đến
mức: “vua chẳng ra vua, bề tôi chẳng ra bề tôi”, đội ngũ quan lại tham lam, ham danh,
háo lợi: “Thấy điều lợi thì tranh nhau xâu xé”,... Trong các quan hệ xã hội, người ta quá
coi trọng của cải vật chất mà coi thường những giá trị đạo đức: “Còn bạc còn tiền còn đệ
tử,/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi”; “Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười,/ Có của thì hơn
hết mọi lời”,.. [3;76;77].
Với cách nhìn hiện thực về xã hội đương thời như thế, thấy được mọi sự đảo lộn của
kỉ cương, của giá trị nhân văn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn chủ trương khôi phục lại một nền
giáo hoá thuần hậu, kỉ cương phép nước được đảm bảo, mọi người đều hướng về đầu mối
của đạo làm người - đó là “Thiện”. Ông cũng đề cao các tác phẩm kinh điển của Nho gia,
coi đó là bảo bối của đạo đức xã hội: “Kho ngọc mời khuyên nhà họp mặt,/ Quyển vàng
giảng giải đạo làm người” [3;110]. Ông nêu rõ tác dụng của giáo dục chính là ở việc thực
hiện mục đích cao nhất là “cứu đời độ thế” và hướng con người trở về với tính thiện bởi
“thiện là dòng dõi của giáo hóa” [2;335]. Ông chủ trương thúc đẩy con người nâng cao sự
hiểu biết về thế giới xung quanh (tự nhiên) để có cách hành xử trong đời sống sao cho có
chừng mực (không thái quá cũng không bất cập), biết điểm dừng, biết giới hạn [3;78-79].
Ông nêu lên kết quả của một nền “giáo hóa cực đẹp” nếu thực hiện theo đạo Nho: Con
người luôn tuân theo khuôn phép của tự nhiên (trời), hiểu được những nguyên tắc để trị
nước, đồng thời noi theo được sự tốt đẹp ghi trong kinh điển: cha đối với con thì giữ đạo
nghĩa, mẹ đối với con thì giữ đạo từ, con đối với cha mẹ thì có lòng hiếu kính, anh đối
với em thì có lòng hữu ái, em đối với anh thì có lòng kính mến; vua và tôi có “nghĩa” với
nhau; chồng và vợ biết thuận hòa, bạn bè thì giữ vững điều tín [2;316]. . . Ông khẳng định
nếu thực hiện được đạo người theo những nội dung như vậy sẽ tạo nên thành quả tốt đẹp
trong xã hội không chỉ về mặt phong tục, văn hóa mà còn cả về chính trị, đạo đức xã hội
(“Phong tục thuần hậu, mọi nhà đều có thể được rạng rỡ,/ Chính sự tu chỉnh, tất là dấy
lên cảnh tốt lành/.../ Thế đạo một khi đã hưng thịnh,/ Nhân tâm tự khắc thấm nhuần lạ
thường”) [2;311].
Như vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khẳng định vai trò của giáo dục Nho giáo trong
việc đào tạo nên những con người phục vụ cho xã hội (làm quan), hướng con người tuân
theo những chuẩn mực đạo đức Nho giáo để vì sự ổn định và phát triển của xã hội.
2.2. Nội dung giáo dục đạo đức Nho giáo trong tư tưởng Nguyễn Bỉnh
Khiêm
Nội dung giáo dục của Nho giáo chủ yếu tập trung ở phương diện đạo đức, chính
trị mà ít quan tâm đến giáo dục những tri thức về sản xuất vật chất, khoa học tự nhiên,...
Ngay cả giữa nội dung giáo dục đạo đức và chính trị, Nho giáo cũng “đặt giáo dục đạo
đức để thuyết phục và cảm hóa lên trên chính trị và hình phạt” [1;458]. Nho giáo coi trọng
nội dung trung, hiếu, nhân, nghĩa,... trước hết là để giáo dục tầng lớp thống trị, vì chỉ khi
họ thực hiện được các điều ấy thì mới duy trì được sự thống trị. Tư tưởng chính trị - đạo
114
Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm về giáo dục đạo đức Nho giáo
đức của Nho giáo được nhà nước phong kiến dùng để giáo dục cho cả xã hội đương thời
là vì lẽ đó.
Cũng như các nhà nho khác trong lịch sử Việt Nam, được giáo dục theo Nho giáo,
Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ trương con người phải sống theo những nguyên tắc của Nho gia,
phải thực hiện “cương thường” [4;361] Ông nhận thấy thực tiễn xã hội đương thời đang
cần tạo dựng những nhân cách đạo đức để có thể phục hưng được triều đại và đất nước.
Bản thân ông cũng luôn xác định để lập thân và để giúp vua cứu nước, chăm dân thì cần
thiết phải có một đạo làm người. Ông luôn cố gắng thực hiện những nguyên tắc của đạo
làm người, đồng thời mong muốn mọi người học tập để xây dựng một xã hội thanh bình,
thịnh trị. Mặt khác, xét về bản chất thì tư tưởng về đạo làm người của ông vẫn dựa trên lập
trường của giai cấp phong kiến cầm quyền bởi “trong mọi thời đại, tư tưởng của giai cấp
thống trị là tư tưởng thống trị” (C.Mác - Ph.Ăngghen). Vì thế nội dung tư tưởng giáo dục
của Nguyễn Bỉnh Khiêm xoay quanh những chuẩn mực đạo đức Nho giáo, trong đó, tổng
quát là đạo cương thường hay luân thường.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng đạo lớn ở đời là đạo “cương thường” (ông còn gọi là
“đạo thường thường”, hoặc “luân thường”). Tùy theo từng đối tượng, trong từng quan hệ
xác định mà ông nêu lên những chuẩn mực nhất định cần phải thực hiện và kêu gọi: “Làm
người hay chữ đạo thường thường”. Để giữ được “luân thường”, ông giáo dục người đời
nên ở lành, lấy tình yêu thương nhau làm trọng (“Yêu nhau chăng đã một luân thường”).
Theo ông, trong xã hội có thể người ta khác nhau về trình độ hay tính cách (khôn, dại,
ương ương,...) nhưng điều mà đòi hỏi ai cũng nhất định phải tuân theo, đó là đạo làm người
của Nho gia (đạo thường) [3;78-90]. Nội dung giáo dục đạo đức Nho giáo của Nguyễn
Bỉnh Khiêm tập trung chủ yếu ở các phẩm chất trung hiếu, nhân nghĩa.
2.2.1. Giáo dục trung hiếu
Cũng như một số nhà nho ở Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm không theo quan niệm
“trung thần bất sự nhị quân” của Nho giáo phong kiến mà thực hiện “trung” với vua, với
triều đại biết vì nước, vì dân. Bởi thế, ông chú trọng giáo dục “trung” gắn liền với tinh
thần yêu nước. Ông xuất phát từ hiện thực xã hội đương thời để đưa ra yêu cầu đối với bề
tôi phải coi trung nghĩa làm đầu. Đạo làm tôi là phải hết lòng thờ vua và hết lòng vì nước,
vì dân mà hiến “mưu cao chước lạ”, đem lời trung chính mà can gián vua. Làm được như
thế thì không những nghĩa vụ của bề tôi đã được làm tròn mà còn phúc lây đến cả trăm
họ. Phạm vi thực thi đạo làm tôi không chỉ trên phương diện quan hệ với vua mà còn ở cả
trong quan hệ với quốc gia, dân tộc. Theo đó, đạo làm tôi phải thủy chung với tấm lòng
trung quân và ái quốc (“Niềm xưa trung ái, thề chẳng phụ”). Dù trong hoàn cảnh nào, bề
tôi cũng phải có bản lĩnh, ngay thẳng, trung thành với vua; siêng năng, chăm chỉ trong
công việc vì dân vì nước, đồng thời phải khiêm tốn, biết chịu thiệt (“Dẫu có tài hơn chớ
cậy tài”) [3;48].
Từ quan niệm giang sơn, đất nước là của chung, Nguyễn Bỉnh Khiêm chú trọng giáo
115
Nguyễn Bá Cường
dục tinh thần yêu nước. Với bản thân, ông tự trách mình: “Đầu đã bạc mà chưa báo đền nợ
nước” [2;215]. Với mỗi người, ông nêu cao trách nhiệm gánh vác việc nước, cho dù nghèo
đói, khó khăn cũng không được phép làm những điều dơ bẩn, nhục nhã, thậm chí ngay cả
khi không còn con đường nào khác cũng không làm những điều hèn hạ, luồn cúi để được
danh vọng. Ông viết: “Nước non nào phải của ai đâu,/ Nhiều ít công tư mặc dầu./ Khó
chẳng dơ, đường không chẳng lụy” [3;40]. Cũng như Nguyễn Trãi (1380 - 1442), Nguyễn
Bỉnh Khiêm nêu cao lí tưởng phấn đấu trở thành “người trung nghĩa” để được người đời
trân trọng, được “trời soi tỏ”, đồng thời cảnh báo người đời nếu là “kẻ gian hùng” thì muôn
thuở cũng không có đất chôn (Vạn cổ gian hùng vô địa táng,/ Nhất sinh trung nghĩa hữu
thiên lâm) [2;205]. Ngoài ra, làm bề tôi trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải giữ trọn đạo
“trung cần”. Trung là ngay thẳng, trung thành với vua, với nước; cần là chăm chỉ, siêng
năng trong công việc vì dân vì nước. Ông viết: “Chăng hết trung cần hai chữ ấy,/ Mặc nhờ
đất rộng, cậy trời cao” [3;84]. Thực hiện “trung cần” phải thể hiện ngay trong việc bày ra
kế sách để ổn định đất nước, ở việc xông pha giết giặc để báo đền ơn nước (Diệt tặc do
hoài báo quốc trung) [2;237,258].
Với 95 năm tuổi đời, gần 50 năm hành đạo (xét từ khi tham gia hoạt động chính trị
và sau đó tiếp tục hoạt động giáo dục), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực hiện đạo trung theo
quan điểm của mình: Trưởng thành khi triều đại nhà Lê đang trên đà suy vong nhưng ông
không tham gia chính trường. Năm ông 37 tuổi, nhà Mạc lật đổ ngôi vua Lê, ông cũng
không tỏ thái độ vì nhà Lê mà coi khinh vua Mạc. Sau khi xem xét triều chính nhà Mạc
trong 8 năm, ông mới quyết định tự nguyện tham gia triều chính ở chính cái triều đình bị
coi là “ngụy” lúc đó. Ông “đã chọn nhà Mạc để phụng sự và đã toàn tâm, toàn ý phụng sự
nhà Mạc”, “coi việc đánh giặc để giúp các vua Mạc và cứu dân là đại nghĩa” [6;19-22].
Ngay cả khi nhà Mạc phải đương đầu với sự trỗi dậy của nhà Lê (Trung Hưng), dù già yếu
song ông vẫn tỏ rõ trách nhiệm “định kì hạn khôi phục giang sơn cũ”. Do không màng
danh lợi nên sau khi hoàn thành công việc, ông lại tìm về quán Trung Tân sống thanh
bạch. Chính tấm lòng lo nước thương dân đó đã hình thành nên ở ông tư tưởng tiến bộ về
vai trò của người dân, về đạo làm người nhân nghĩa, trung hiếu.
Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, đạo hiếu - biểu hiện của quan hệ giữa cha và con được
coi là “cái tình thân tột độ”. Vì thế, ông xác định trách nhiệm và về phẩm chất đạo đức
của cha - con là: “Cha phải từ, con phải hiếu” [2;317]. Để nói lên công ơn sinh thành của
cha mẹ và qua đó nhắc nhở cháu con phải có hiếu với cha mẹ, ông thường dùng ca dao,
tục ngữ như câu “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, “Được làm người, nhờ đức cha”,...
Một mặt ông yêu cầu “con hằng thảo, kính thờ cha” nhưng mặt khác lại cho rằng cha mẹ
phải có trách nhiệm “trồng cây đức để con ăn”, phải “tích đức cho con” [3;110]. Qua bài
Tử sự phụ mẫu (“Con thờ cha mẹ”), ông nêu rõ đạo làm con phải thực hiện “trọn đạo”
với cha mẹ, cụ thể là: cung kính, tận tâm phụng dưỡng cha mẹ, sớm tối siêng năng chăm
sóc, tận tình thăm hỏi, dù cho cha mẹ có giận hờn vẫn “càng kính thuận”, khi được sai
khiến công việc chớ nên phàn nàn về sự vất vả của bản thân [3;125]. Có thể ở đây, ông đã
116
Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm về giáo dục đạo đức Nho giáo
tiếp thu tư tưởng của Khổng Tử khi đặt nặng trách nhiệm của người con đối với cha mẹ,
buộc họ phải thuận theo trong mọi trường hợp (xem Luận ngữ, “Lí nhân” - 18). Dấu ấn
đạo đức Nho gia phong kiến vẫn còn đậm nét thể hiện trong bài Khuyến hôn sự công cô
(Khuyên nàng dâu thờ cha mẹ chồng) khi ông yêu cầu người con dâu phải nhất nhất chấp
hành mọi việc làm, thói quen của nhà chồng, mọi tính yêu ghét của nhà chồng, trong mọi
trường hợp đều phải “càng gìn lễ phép”, không được suy nghĩ khác ngay cả khi bị giận
hờn, mắng, thương, lúc nào cũng phải nơm nớp đón ý (ưa thích) của mọi người trong gia
đình để lựa theo cho vừa lòng [3;128]. Ngoài ra, trong nhiều tác phẩm khác, ông cũng nói
lên sự quan tâm của người con đối với cha mẹ. Tuy nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường
gắn trách nhiệm gia đình (hiếu) với trách nhiệm xã hội (trung) nên hay nói đến “nghĩa
quân thân”, “niềm trung hiếu”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm lập thân với chí hướng nối nghiệp Nho gia và vì thế, quan niệm
và cách thức xử thế của ông về “hiếu” và “trung” vẫn trở nên quen thuộc. Ông nhận thức
được rằng chỉ có thể chọn một trong hai con đường: hành đạo hoặc ẩn dật, chứ không thể
“cầu đạo được hai”. Và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quyết hành đạo thì cũng có nghĩa là ông
hết lòng thực hiện đạo trung hiếu. Ông chủ trương trong từng mối quan hệ xã hội đều phải
làm đúng theo chuẩn mực đạo đức của Nho gia, trong đó: “Làm tôi phải trung, làm con
phải hiếu”. Đây cũng là cách thực hiện đạo cương thường: “Tôi hết ngay chầu chực chúa,/
Con hằng thảo kính thờ cha” [3;123 - 124]. Quan điểm của ông tỏ ra có tính chất một
chiều áp đặt tình cảm và nghĩa vụ của kẻ dưới (con, bề tôi) với người trên (cha, vua/chúa).
Ông nêu quan điểm quen thuộc của Nho giáo về quy định trong việc thực hiện trung hiếu
là “trung với vua, hiếu với cha” nhưng điểm khác biệt là ở sự lập luận rằng, thực hiện điều
đó nghĩa là đã đi vào con đường đúng đắn rồi. Ông viết: “Đi trên mặt phẳng, noi theo
đường chính, không lầm lẫn rẽ sang lối khác.