Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam

Tóm tắt. Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam là một bộ phận thuộc ý thức xã hội, đề cao lợi ích thiết thực để đáp ứng nhu cầu của con người. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, tư tưởng thực dụng được biểu hiện khác nhau, song nhìn chung đều phản ánh nhu cầu cuộc sống của con người. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường, hiện nay tư tưởng thực dụng của người Việt Nam cũng thể hiện cả mặt tích cực và hạn chế. Tìm ra giá trị để phát huy và hạn chế mặt tiêu cực trong tư tưởng thực dụng của người Việt là góp phần phát triển tư duy lý luận, đồng thời gián tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 178 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 6, pp. 121-126 TƯ TƯỞNG THỰC DỤNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM Bùi Thị Tỉnh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: tinhtu-02@yahoo.com Tóm tắt. Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam là một bộ phận thuộc ý thức xã hội, đề cao lợi ích thiết thực để đáp ứng nhu cầu của con người. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, tư tưởng thực dụng được biểu hiện khác nhau, song nhìn chung đều phản ánh nhu cầu cuộc sống của con người. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường, hiện nay tư tưởng thực dụng của người Việt Nam cũng thể hiện cả mặt tích cực và hạn chế. Tìm ra giá trị để phát huy và hạn chế mặt tiêu cực trong tư tưởng thực dụng của người Việt là góp phần phát triển tư duy lý luận, đồng thời gián tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Từ khóa: Tư tưởng thực dụng, người Việt Nam, ý thức xã hội, chủ nghĩa thực dụng, tư duy lý luận. 1. Mở đầu Theo Từ điển từ và ngữ của Nguyễn Lân, khái niệm thực dụng được hiểu như sau: “Thực” có nghĩa là “đúng đắn” [3;1786] là “thật”, đúng với cái có thật, sự thật, phù hợp với cái vốn có, cái bản chất, cái chính nó, đối lập với cái ảo, cái giả; “Dụng” có nghĩa là “dùng”, “chỉ dùng vào mục đích sinh lợi cụ thể, tức thì” [3;1786], đem cái gì đó để làm việc, hoạt động nhằm đạt được mục đích, có tính hiệu quả và mang lại giá trị lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Với tinh thần ấy, triết lí thực dụng của chúng ta rất gần gũi, có điểm tương đồng với lý thuyết thực dụng do người Mĩ sáng lập vào cuối thế kỷ XIX. Chủ nghĩa thực dụng Mĩ cũng đặt mục tiêu hàng đầu là tính hữu dụng, hiệu quả, là cái có lợi cho cuộc sống của con người. Chủ nghĩa thực dụng được người Mĩ dùng như là lý thuyết chỉ đạo hành động cho con người trong cuộc sống. Còn ở nước ta, do yêu cầu của cuộc sống, tư tưởng thực dụng được hình thành sớm, tự phát và trực tiếp để đáp ứng nhu cầu tức thì, trước mắt của con người. Ở những giai đoạn khác nhau, do sự biến đổi của tồn tại xã hội và chịu ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng bên ngoài, tư tưởng thực dụng cũng có những biến chuyển nhất định, song chưa mang tầm lý luận như chủ nghĩa thực dụng Mĩ. 121 Bùi Thị Tỉnh 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam trong lịch sử (trước năm 1954) Là một nước có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh kéo dài, nên tâm lý thực dụng, đề cao tính thiết thực, hiệu quả, cần cái có thực, hữu dụng đã xuất hiện rất sớm trong lối sống của người Việt Nam. Do cuộc sống khó khăn, họ luôn quan tâm, lựa chọn và chú ý đến: cái được, cái mất, cái lợi, cái hại, cái thiệt, cái hơn. Thực tế cho thấy, để đảm bảo duy trì cuộc sống lâu dài, người Việt luôn suy nghĩ và hành động theo tính thực tiễn, gắn với sự sinh tồn, những tương quan mà nhu cầu cuộc sống đang cần. Tinh thần thực tế, thực dụng đó được thể hiện đậm nét qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Những quan niệm đề cao vật chất, cái có lợi để đảm bảo cuộc sống như: “Có thực mới vực được đạo”, “Khôn ngoan hạt gạo, mạnh bạo đồng tiền”, rồi “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hay “Có tiền mua tiên cũng được”... là những câu nói cửa miệng của người Việt. Phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn bộn bề thì việc con người chú trọng đến những lợi ích thiết thân, cơm áo gạo tiền là điều rất chính đáng. Trong điển truyện Việt Nam, hình ảnh “Thằng Bờm” từ chối ao sâu cá mè, bè gỗ lim... để lấy nắm xôi là điều hết sức gần gũi, dễ hiểu. Mặt khác, để duy trì cuộc sống, con người luôn phải lo “Tích cốc phòng cơ, Tích y phòng hàn”, có ý thức chắt chiu, tiết kiệm, “ăn nhặt để dành”... Khi suy tính làm ăn thì thường phải tính toán rất thực tế, thiết thực cho cuộc sống với tinh thần “Ăn cây nào, rào cây ấy”, “có sao ăn vậy”, “ăn sao nói đó” hay “có sao mặc đó”, tức là phải chấp nhận cuộc sống với những gì như nó vốn có. Thậm chí, trong quan hệ, để đáp ứng nhu cầu tương quan, thiết thực đôi bên, họ cũng sẵn sàng bày tỏ tính thực tế, sòng phẳng: “tiền trao cháo múc” hay “hòn đất ném đi, hòn chì trả lại”. Ngay cả trong lĩnh vực tình cảm, họ cũng bày tỏ tính thiết thực giữa đôi bên, tính triệt để hiệu quả: “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ty họ hàng”. Khi yêu ai thì họ đưa lên tận mây xanh, nhưng nếu ghét ai thì “không ưa, dưa cũng hóa dòi”, rồi “bới lông, tìm vết”... Những tinh thần đó thể hiện tính thực tiễn, gắn với hiện thực, thế sinh tồn và đặt trong tương quan với nhu cầu sống của con người. Tâm lý thực tế đó đã trở thành truyền thống, ăn sâu vào nếp nghĩ của người Việt Nam và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói một cách khách quan, tâm lý thực tế, gắn với thực tiễn, hiện thực cuộc sống là rất tích cực khi nó tạo cho con người thói quen thường xuyên quan tâm và giải quyết những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống, tránh xa những suy nghĩ viển vông. Khi trở thành thói quen, nếp nghĩ của mọi người thì nó góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Như vậy, trải qua chế độ phong kiến trong thời gian rất dài, cùng với thời kỳ quá độ, với lối sản xuất nhỏ, tư hữu, lối sống thực dụng đã in đậm trong suy nghĩ, trong tư tưởng con người. Những suy nghĩ thiển cận như “bóc ngắn cắn dài”, “tham bát bỏ mâm”..., tư tưởng cục bộ địa phương, chỉ thấy cái riêng mà không thấy cái chung, chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ mà không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài là những đặc trưng cơ bản của lối sống thực dụng đã tồn tại trong đời sống của một bộ phận người dân. Lối sống thực dụng đó đã chi phối sâu sắc và đáp ứng được phần nào nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của lối sống đó dễ đưa 122 Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam con người đến lối sống vị kỷ, tầm thường, quá đề cao lợi ích vật chất so với tinh thần. 2.2. Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1986 Trước năm 1975, chủ nghĩa thực dụng du nhập vào nước ta cùng với sự xâm lược của đế quốc Mĩ, thông qua sự du nhập văn hoá, lối sống phương Tây bằng nhiều con đường và phương thức khác nhau. Để thực hiện âm mưu vô hiệu hóa tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng của nhân dân ta, Mĩ tăng cường du nhập văn hóa, tư tưởng, lối sống thực dụng. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, trắng trợn, Mĩ đã tuyên truyền cho tầng lớp thanh niên phương châm sống: lấy vật chất làm mục đích phấn đấu và coi đồng tiền là quý hơn tất cả. Chính điều này đã hình thành lối sống vụ lợi, ích kỉ, chạy theo lợi ích tầm thường của một bộ phận thanh niên. Lối sống ấy đã thúc đẩy con người chỉ lao vào kiếm tiền để tiêu xài, hưởng thụ bằng mọi giá, bất chấp đạo đức, pháp luật. Với họ, lợi ích cá nhân được đặt lên trên hết. Đồng tiền trở thành thước đo cho các mối quan hệ xã hội, kể cả quan hệ ruột thịt như cha con, chồng vợ, anh em... Có thể nói, chủ nghĩa thực dụng Mĩ vào nước ta đã bị biến tướng, mặt trái của nó đã nhanh chóng thâm nhập, làm tha hoá đạo đức và lối sống của một bộ phận nhân dân đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Từ năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính sự giao lưu, thông thương giữa hai miền đã làm cho tư tưởng và lối sống thực dụng lan rộng, ảnh hưởng đến một bộ phận nhân dân miền Bắc. Mặt khác, những năm 80, việc Đảng ta duy trì cơ chế kinh tế hành chính, tập trung quan liêu bao cấp quá lâu trong bối cảnh mới nên những nhược điểm của nó đã bộc lộ, nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Tình trạng này làm cho một số tầng lớp nhân dân hoang mang, thiếu niềm tin vào cuộc sống, và như vậy, tư tưởng thực dụng lại có “đất” để tiếp tục phát triển. 2.3. Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam hiện nay Từ năm 1986 cho đến nay, nước ta thực hiện sự chuyển đổi mô hình kinh tế, từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính kinh tế thị trường cùng với sự ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng phương Tây đã góp phần khắc sâu hơn tư tưởng thực dụng trong suy nghĩ, trong hành động của con người Việt Nam ở cả hai mặt, tích cực và tiêu cực. 2.3.1. Về mặt tích cực Với chủ trương đề cao hành động, lợi ích, tính hiệu quả, chủ nghĩa thực dụng đã kích thích con người tạo ra lợi ích vật chất. Để đạt đến lợi ích đó, con người phải chú ý phát triển khoa học kỹ thuật, phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, pháp luật,... đặc biệt là tri thức khoa học, huy động tối đa tiềm năng con người vào công cuộc kiếm tìm lợi ích. Như một tất yếu, chủ nghĩa thực dụng đề cao ý chí con người để có được niềm tin, hy vọng và theo đuổi mục đích mà con người đã đặt ra. Nhằm theo đuổi mục đích là hiệu quả, cạnh tranh vì cái có lợi, chủ nghĩa thực dụng đòi hỏi con người phải cực kỳ sáng tạo. Đó là một phẩm chất vô cùng quan trọng trong thời đại mới. Sự sáng tạo ngày nay đòi hỏi 123 Bùi Thị Tỉnh phải mang tính chất trí tuệ, khoa học chứ không còn là sáng tạo theo kinh nghiệm, truyền thống; sáng tạo tri thức đa dạng phong phú trên mọi lĩnh vực mà con người cần đến, do đó sáng tạo còn mang tính triệt để, đi đến tận cùng để đạt mục đích; sáng tạo còn mang tính liên tục, nhanh nhạy để tạo ra những đột biến có tính chất đòn bẩy, bước ngoặt góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Có thể nói, nhờ tinh thần thực tiễn, hiệu quả của chủ nghĩa thực dụng mà sự sáng tạo của con người Việt Nam ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Cũng với ý nghĩa đó, một cách gián tiếp, chủ nghĩa thực dụng còn khuyến khích cái cá nhân, cái bản ngã của con người mà trước đây dường như đã bị lãng quên. Con người thực dụng phải có tính tự chủ, có niềm tin, tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình. Để tìm kiếm lợi ích, con người phải chịu trách nhiệm cá nhân, phát huy tối đa khả năng của mình để chứng tỏ rằng mình là nhân tố trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nhờ đặc điểm này mà nền kinh tế nước ta đã đạt nhiều thành tựu, rất nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều sản phẩm kinh tế thương mại của Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường thế giới. Chủ thể của những doanh nghiệp đó là những con người vô cùng năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt mọi cơ hội để làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, cho xã hội. Trong kinh doanh, làm ăn, các chủ thể luôn tính đến những vấn đề thực tế, lợi ích thiết thực cho cuộc sống, làm cho đồng vốn bỏ ra được sinh sôi nảy nở. Sự viển vông, thiếu thực tế trong làm ăn, sáng tạo giờ đây là điều hết sức xa lạ với từng cá nhân, từng chủ thể kinh tế. Bởi vậy, tâm lý thực tế, thực dụng đã trở thành thói quen giúp con người giải quyết những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống, giảm đi những thất bại, mất mát và nghèo đói. Mặc dù vậy, nếu cực đoan hóa, thì như là một tất yếu, chủ nghĩa thực dụng sẽ bộc lộ mặt trái, tiêu cực là điều không tránh khỏi. 2.3.2. Về mặt tiêu cực Với động lực là lợi ích cá nhân, cũng như cơ chế thị trường, chủ nghĩa thực dụng có nguy cơ thúc đẩy con người chạy theo đồng tiền, lợi ích vật chất một cách vô điều kiện, làm nảy sinh lối sống vị kỉ, cá nhân chủ nghĩa, đưa đến sự mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, giữa lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Người ta có thể làm mọi cách để đạt được lợi ích cá nhân mà không cần tính đến việc nó có phù hợp, hài hòa với lợi ích xã hội hay không. Có thể nói, với sự tác động của cơ chế thị trường, tư tưởng thực dụng được đẩy lên cực đoan, hiện tượng sùng bái đồng tiền và vật chất trở nên phổ biến trong hầu hết các quan hệ xã hội. Đồng tiền giờ đây không chỉ là phương tiện phục vụ cuộc sống, phục vụ con người mà nó còn có nguy cơ biến con người thành kẻ lệ thuộc và làm nô lệ cho nó. Con người làm ra đồng tiền rồi lại trao cho nó cái sức mạnh có thể làm băng hoại mọi giá trị đạo đức và chất chứa tội ác. Coi việc kiếm tiền là mục đích cao nhất, nhiều người đã không loại trừ bất cứ thủ đoạn nào và bất chấp sự chi phối của các chuẩn mực đạo đức, dư luận xã hội và lương tâm. Hàng ngày, hàng giờ, báo chí đã đưa rất nhiều những thông tin, những vụ án kinh hoàng, những “cuộc chiến” đẫm máu vì tiền gây chấn động tâm lý cả xã hội. Tư tưởng, lối sống thực dụng tầm thường còn thể hiện rất rõ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần, một số quan chức đã thực hiện mua 124 Tư tưởng thực dụng của người Việt Nam bán, trao đổi chức quyền như một món hàng hóa. Tình trạng tham ô, tham nhũng được cảnh báo ở mức quốc nạn, song, dường như nó vẫn gia tăng dưới nhiều hình thức tinh vi và diễn biến ngày càng phức tạp. Lợi dụng chức vụ, một số cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền đã đục khoét, chia chác tài sản của nhân dân trong việc phê duyệt dự án, cấp kinh phí đầu tư... Tận dụng triệt để mọi cơ hội, kiếm tiền phi pháp một cách dễ dàng, nhiều cán bộ có lối sống buông thả, sa đọa. Ngoài ra, trong cơ chế thị trường, để có lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn, tình trạng làm hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường không chỉ gây tâm lý hoang mang, bất an cho người tiêu dùng mà còn là những hậu quả thật tai hại, thậm chí nguy hiểm cho cả tính mạng của con người. Không chỉ ở tầng lớp lãnh đạo hay giới kinh doanh, mà ngay cả trong lĩnh vực giáo dục, tư tưởng thực dụng đó cũng có cơ hội nảy nở, phát triển. Hiện tượng chạy điểm, chạy bằng cấp diễn ra ở nhiều cấp học, ngành học, từ thành thị đến nông thôn. Môi trường giáo dục đang bị thương mại hóa ở nhiều khía cạnh. Một bộ phận thầy cô giáo đã “vì lợi” cho riêng mình mà quên đi nhiệm vụ, trách nhiệm và lương tâm trong sáng của nhà giáo. Quan hệ thầy trò mất đi sự thiêng liêng, cao quí như nó vốn từng có. Đối với ngành y, thật đau lòng khi đạo đức nghề nghiệp cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Khẩu hiệu “cứư người như cứu hỏa” giờ đây hình như không còn giá trị lay động lương tâm người thầy thuốc, mà thay vào đó là hấp lực của đồng tiền. Thực tế cho thấy, có những bác sĩ chỉ vì một món lợi nhỏ mà đã làm ngơ với sự sống quí giá của một con người... Trên đây là bức tranh khái quát về tư tưởng thực dụng trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Những hiện tượng tiêu cực nói trên là biểu hiện của sự xem nhẹ, phá bỏ đi truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, làm băng hoại giá trị văn hóa, tinh thần, làm cho con người đi theo những giá trị vật chất tầm thường, trước mắt. Điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước ta đang đặt ra. Có thể nói, xuyên suốt trong lịch sử tư tưởng của người Việt Nam là tinh thần thực dụng, tính thiết thực, hiệu quả. Song ở mỗi giai đoạn khác nhau, tinh thần ấy có những biểu hiện phong phú và xét đến cùng, nó được hình thành một cách trực tiếp, tự phát nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết thân hàng ngày của con người như vấn đề cơm áo, gạo tiền, vấn đề cái ăn, cái mặc...Từ khi đế quốc Mĩ xâm lược, tư tưởng thực dụng của một bộ phận người Việt Nam bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực nhằm phục vụ cho mục đích xâm lược của đế quốc Mĩ. Từ sau đổi mới cho đến nay, cơ chế kinh tế thị trường với mục đích theo đuổi là lợi nhuận đã góp phần chi phối lối sống thực dụng của người Việt Nam ở cả hai mặt tích cực và hạn chế. Mặt tích cực là động lực thúc đẩy, mặt tiêu cực là lực cản sự phát triển của xã hội. Để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chúng ta cần phải khai thác mặt tích cực đồng thời hạn chế mặt tiêu cực, tư tưởng thực dụng tầm thường nhằm đưa đất nước ta phát triển toàn diện, bền vững. 3. Kết luận Tư tưởng thực dụng đã từng tồn tại và có sự thay đổi trong đời sống xã hội ở nước ta với những hình thức và mức độ biểu hiện khác nhau. Mặc dù có sự xâm nhập, ảnh hưởng 125 Bùi Thị Tỉnh của chủ nghĩa thực dụng Mĩ nhưng tư tưởng thực dụng ở Việt Nam không phải tồn tại dưới dạng học thuyết, lý thuyết trừu tượng mà nó tồn tại rất cụ thể, gắn với điều kiện sinh sống của con người Việt Nam. Trong thực tế, không ai tự nhận mình là người theo chủ nghĩa thực dụng nhưng ở mỗi ai đó đều có tinh thần thực dụng rất đặc thù kiểu Việt Nam. Vấn đề nhận diện những điểm tích cực của chủ nghĩa thực dụng để phát huy và hạn chế mặt tiêu cực là một việc cần phải được làm rõ. Để phát huy mặt giá trị, tích cực đồng thời hạn chế mặt trái, mặt tiêu cực của lối sống thực dụng, thiết nghĩ Nhà nước và các cơ quan quản lý vĩ mô cần phải kịp thời xem xét và có biện pháp đủ mạnh để định hướng dư luận xã hội, ngăn chặn những tác động tiêu cực như hiện tượng bất chấp chuẩn mực đạo đức, luân lý, giá trị nhân văn truyền thống, chà đạp lên nhân phẩm, danh dự và lợi ích chính đáng của người khác vì lợi ích của bản thân. Phát huy mặt tích cực của chủ nghĩa thực dụng để mỗi cá nhân đều có quyền tự do lựa chọn con đường, cách thức hành động tạo ra hiệu quả nhanh nhất, đem lại giá trị hữu ích cho mình và cho cả xã hội trong khuôn khổ thể chế chính trị quốc gia và tính nhân văn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bùi Đăng Duy, Nguyễn tiến Dũng, 2005. Lịch sử triết học phương Tây hiện đại. Nxb Tổng hợp, Tp Hồ Chí Minh. [2] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [3] Lưu Phóng Đồng, 1994. Triết học phương Tây hiện đại, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [4] Nguyễn Lân, 2000. Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Nxb Tp Hồ Chí Minh. [5] 1993. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, tập 23. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. ABSTRACT Pragmatic thinking in Vietnamese culture Pragmatic thinking in Vietnamese culture is an aspect of social consciousness. By making use of pragmatism, rather than superstitious beliefs and inexplicable tradition, people can better meet their physical needs. While pragmatic thought is manifested in different ways, the extent of its existence and practice reflects the attitude of the population regarding their personal needs. There has been a rather recent introduction of market mechanisms in Vietnam and the concurrent forms of pragmatism that have accompanied these market changes have both positive and negative manifestations. Determining the extent to which pragmatic thinking is practiced among the Vietnamese, and placing a value on this pragmatism, will promote theoretical thinking and indirectly contribute to the development of the nation. 126