Tóm tắt. Ngâm khúc là một trong những thể loại độc đáo, đạt nhiều thành tựu rực rỡ trong
văn học Việt Nam. Cùng với truyện Nôm và các thể loại văn học khác, ngâm khúc biểu
hiện sâu sắc tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam. Bài viết đi sâu tìm hiểu hai phương
thức nghệ thuật cơ bản của khúc ngâm song thất lục bát thế kỉ XIX, qua đó chúng ta có cái
nhìn khái quát hơn về quá trình vận động của thể loại ngâm khúc.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 251 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vài nét về nghệ thuật ngâm khúc nửa cuối thế kỉ XIX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0006
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 33-38
This paper is available online at
VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT NGÂM KHÚC NỬA CUỐI THẾ KỈ XIX
Đào Thị Thu Thủy
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Hải Phòng
Tóm tắt. Ngâm khúc là một trong những thể loại độc đáo, đạt nhiều thành tựu rực rỡ trong
văn học Việt Nam. Cùng với truyện Nôm và các thể loại văn học khác, ngâm khúc biểu
hiện sâu sắc tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam. Bài viết đi sâu tìm hiểu hai phương
thức nghệ thuật cơ bản của khúc ngâm song thất lục bát thế kỉ XIX, qua đó chúng ta có cái
nhìn khái quát hơn về quá trình vận động của thể loại ngâm khúc.
Từ khóa: Ngâm khúc, khúc ngâm song thất lục bát.
1. Mở đầu
Ngâm khúc là một trong những thể loại độc đáo, đạt nhiều thành tựu rực rỡ trong văn học
Việt Nam [2, 4]. Cùng với truyện Nôm và các thể loại văn học khác, ngâm khúc biểu hiện sâu sắc
tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam. Vì vậy, khúc ngâm song thất lục bát trở thành mảnh đất
màu mỡ cho các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, ngâm khúc thế kỉ XVIII đã được nghiên cứu nhiều
[3, 7], còn khúc ngâm song thất lục bát thế kỉ XIX, đặc biệt là những ngâm khúc ra đời vào cuối
thế kỉ XIX hầu như chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm tới. Do đó, bài viết chủ yếu đi sâu tìm
hiểu những thay đổi về hai phương diện nghệ thuật cơ bản của ngâm khúc: kết cấu và nghệ thuật
tự tình trong khúc ngâm song thất lục bát nửa cuối thế kỉ XIX.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Phân loại
Khúc ngâm thế kỉ XIX tăng lên về số lượng so với thế kỉ trước, song chất lượng tác phẩm
không đồng đều, trong đó có những khúc ngâm được đánh giá cao như Thu dạ lữ hoài ngâm, Tự
tình khúc... Có thể chia ngâm khúc giai đoạn này thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, gồm hai khúc
ngâm lớn là Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận, Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ và khúc ngâm
có biến thể Hoài cổ khúc của Miên Bửu. Ba khúc ngâm nói trên làm thành đặc trưng riêng cho
khúc ngâm thế kỉ XIX với ba nhân vật trữ tình đều là nam giới và được chính tác giả hóa thân vào.
Nhân vật trữ tình trong khúc ngâm là những người có tài nhưng vì cùng bị nghi ngờ liên quan đến
các vụ đảo chính lật đổ nhà vua đương thời nên bị bắt giam. Lời than của họ được cất lên trong khi
mất tự do tạo thành những khúc ngâm lâm li, thống thiết với những lời thơ nhã luyện, trau chuốt,
quy phạm.
Ngày nhận bài: 15/8/2014 Ngày nhận đăng: 20/1/2015
Liên hệ: Đào Thị Thu Thủy, e-mail: daothuy1912@gmail.com
33
Đào Thị Thu Thủy
Nhóm thứ hai gồm Bần nữ than (khuyết danh), Quả phụ ngâm (khuyết danh), viết về người
phụ nữ, tiếp tục văn mạch của các khúc ngâm giai đoạn trước. Tác giả nhập vai nhân vật trữ tình
cất lời than cho người quả phụ, người thôn nữ nghèo chịu cảnh lầm lỡ tình duyên. Với các khúc
ngâm này, ngâm khúc bắt đầu phản ánh số phận đau khổ của những người phụ nữ bình dân. Ngôn
ngữ thơ có những đoạn không được trau chuốt như những khúc ngâm xuất hiện trước.
Từ thế kỉ XVIII qua thế kỉ XIX, nhân vật trữ tình trong các khúc ngâm chủ yếu là nữ (5/8).
Ta dễ dàng nhận thấy, khúc ngâm chuyển đối tượng phản ánh theo hai hướng: hoặc từ nhân vật do
nhà văn sáng tạo, hư cấu sang nhân vật trữ tình có hình mẫu là tâm sự của chính tác giả trong cảnh
ngộ bi thương mà họ không may phải gánh chịu; hoặc từ nhân vật thuộc tầng lớp quý tộc đến nhân
vật thuộc tầng lớp bình dân. Khúc ngâm thế kỉ XX sẽ tiếp tục xuất hiện theo xu hướng đó. Sự thay
đổi này dẫn theo sự thay đổi ít nhiều về nghệ thuật, nghệ thuật tự tình, ngôn ngữ...
2.2. Kết cấu
Về kết cấu, ta thấy kết cấu các tác phẩm ngâm khúc thế kỉ XIX cơ bản vẫn theo kết cấu
ngâm khúc thế kỉ XVIII. Ví như, thi phẩm Quả phụ ngâm có nhiều đoạn mô phỏng Ai tư vãn. Từ
chủ đề nỗi đau khổ vô hạn của người vợ mất chồng, tác phẩm triển khai theo mạch tình cảm nhớ
thương của người vợ: đau đớn, khóc than (hiện tại), nhớ về những ngày tháng lứa đôi xiết bao hạnh
phúc, trở lại thực tại với vô vàn sầu muộn, nhớ nhung, ao ước gặp chồng, mơ gặp chồng, thể hiện
quyết tâm ở vậy thờ chồng và kết thúc bằng lời than, mong chồng hiểu cho nỗi lòng thuỷ chung
son sắt của mình. Quá trình xây dựng tâm lí người quả phụ tương đối hợp lí.
Quả phụ ngâm sử dụng một số mô típ của Chinh phụ ngâm. Nếu trong Chinh phụ ngâm,
chinh phụ gặp chồng nơi “Bến Lũng Thành Quan” chợt bừng tỉnh giấc “Khi mơ tiếc những khi
tàn/ Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không” thì trong Quả phụ ngâm, quả phụ mơ gặp chồng
“Tâm hồn trong phảng phất chiêm bao”, chợt tỉnh, tiếc giấc mơ “vô giá” thể hiện nỗi nhớ mong
chồng da diết. Hoặc đoạn kể gia cảnh quả phụ và tính nết hiếu thuận, đức hạnh của nàng từ khi
chàng “vắng mặt khuất lời”:
Em săn sóc đảm đang mọi việc,
Cảnh gia đình thu xếp đã xong,
Trên là từ mẫu an lòng,
Trong ngoài họ mạc đều cùng ngợi khen.
Giống với những lời chinh phụ kể cảnh mình ở nhà thay chồng gánh vác công việc gia đình:
Ngọt bùi thiếp đỡ hiếu nam.
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Tuy vậy, điều đáng khen ở Quả phụ ngâm là nhà thơ viết hoàn cảnh, công việc người quả
phụ chân thực. Những việc làm của nàng hoàn toàn hợp với một người phụ nữ bình dân, thu xếp
gia đình, lo toan kinh tế.
Cảnh trông bốn bề trong Quả phụ ngâm học tập Chinh phụ ngâm, Ai tư vãn song vụng về
hơn:
Trông ra bể rộng sông sâu
Ai người lấp thảm quạt sầu cho đây
Trông lên trời làn mây toạ trắng
Ngắm nơi xa đồng vắng mênh mông
Nước mây cây núi trập trùng
Em buồn cảnh cũng như lòng em đây.
34
Vài nét về nghệ thuật ngâm khúc nửa cuối thế kỉ XIX
Bần nữ thán có kết cấu gần với Cung oán ngâm khúc. Người bần nữ có sắc, tài nhưng vì
nghèo mà mất đi hạnh phúc, nàng buồn rầu than, thở, oán hận cuộc đời. Ta có thể chia Bần nữ
thán ra từng đoạn nhỏ với các nội dung kế tiếp: cất tiếng than, tự xét mình, mong được thế này thế
khác, có ngờ đâu duyên phận lỡ làng, trách trời, trách nguỵêt lão, trách chị Hằng, trách người đời,
tức tối, tìm nguyên nhân xét chỉ vì nghèo, nỗi buồn rầu, tự an ủi, hi vọng, xét thấy còn nhiều hi
vọng, và đợi chờ. Tác giả diễn tả tâm trạng buồn tủi, than thân trách phận của người thiếu nữ. Kết
cấu đó phản ánh được tâm trạng con người trên một bình diện sâu rộng, chứ không phải chỉ trong
một khoảnh khắc như một bài thơ trữ tình. Kết cấu đó tương ứng với một số đoạn trong Cung oán
ngâm khúc.
Bần nữ thán Cung oán ngâm khúc
Từ dòng 1- 12: cất tiếng than Từ dòng 1 - 8: cất tiếng than
Từ dòng 13 - 32: kể tài sắc, mong ước Dòng 9 - 44: kể tài sắc, mong ước
Từ dòng 49 - 84: trách và than thở Dòng 45 -116: than về cuộc đời
Từ dòng 109 -164: buồn rầu, tự an ủi Dòng 193 -353: buồn rầu, tự an ủi
Từ dòng 165 - 216: hi vọng, đợi chờ. Dòng 354 -356: hi vọng, đợi chờ.
Kết quả so sánh trên cho thấy tác giả Bần nữ thán đã khéo léo vận dụng mô hình Cung oán
ngâm khúc để phô diễn thế giới tâm trạng đầy phức tạp của người thiếu nữ xinh đẹp, có tài nhưng
lận đận tình duyên vì một nỗi nghèo. Nhà thơ bỏ đi đoạn kể người cung nữ hạnh phúc bên vua,
thay bằng những lời tự an ủi mình. Đoạn nói lên hy vọng, Cung oán ngâm khúc chỉ có bốn dòng
thì Bần nữ thán có tới 51 dòng, phân tích tình hình để nêu hi vọng, cho thấy mong ước của người
thiếu nữ có cơ sở hơn.
Kết cấu Bần nữ thán chưa chặt chẽ, làm diễn biến tác phẩm thiếu tự nhiên. Thanh Lãng phê
bình hình tượng người bần nữ “theo gót nàng ta nhận thấy nàng có nhiều điệu bộ ngượng ngập,
tố cáo nàng là một nhà nho cải trang” [dẫn lại 3;126], vì vậy, diễn biến tác phẩm thiếu tự nhiên.
Nhược điểm này giống như Cung oán ngâm khúc, nhà văn muốn gửi gắm tâm sự qua hình tượng
nhân vật nhưng có lẽ, do quá “sốt sắng” thể hiện mình, đồng thời, tổ chức kết cấu tổng thể cũng
như kết cấu hình tượng nhân vật chưa tốt nên hình tượng nhân vật chưa thật thống nhất. Người bần
nữ có nhiều nét giống nhà nho cải trang (như đã nói phần trên). Đoạn cuối cùng, trong hi vọng,
nhân vật trữ tình có những ý tưởng lạc quan quá, giống cách suy luận của nhà nho:
Năm khi thiếu, có khi thừa,
Ngày thì khi sớm khi trưa khác nào.
Có đâu lại gieo đào trả lí,
Có đâu nên nhắn cá gửi chim.
Miễn cho chí ở cho bền,
Chẳng lo phận khó, chẳng phiền muộn duyên.
Những suy luận dài dòng, sôi nổi ấy hợp với lí luận nhà nho hơn là lời của một cô gái.
Kết cấu tác phẩm tương đối dễ dãi, làm giảm giá trị tác phẩm. Bần nữ thán học mô hình
kết cấu trông bốn bề trong Chinh phụ ngâm. Tác giả miêu tả thành công nỗi sầu muộn nhức nhối,
chồng chất của người thiếu nữ qua cảnh:
Trông non tây đá xiên lỗ chỗ,
Trông bể đông sóng vỗ mênh mông,
Lại càng như nấu như nung,
Như hun, như đốt, càng nồng, càng mê.
35
Đào Thị Thu Thủy
Trông ngàn bắc, so le ngọn cỏ,
Trông bể nam, nhấp nhố thuyền câu,
Lại càng như dệt như thêu,
Như vò như cuộn, càng khêu, càng buồn.
Bần nữ thán còn giống Chinh phụ ngâm ở việc triển khai nội dung. Chẳng hạn ở nội dung
giải sầu, ta thấy có nét đồng điệu:
Bần nữ thán Chinh phụ ngâm khúc
Rắp toan hỏi nguyệt than hoa, Mượn hoa mượn rượu giải buồn
Nguyệt trong mây tối hoa đà ủ bông. Sầu làm rượu nhạt, muộn dồn hoa ôi
Giải phiền sắp so cung mượn chén, Gõ sênh ngọc mấy hồi không tiếng,
Đàn chùng dây, rượu bén mùi men, Ôm đàn tranh mấy phím rời tay.
Lựa vần nghĩ cuộc giải phiền,
Cờ tiên nước bí, thơ tiên túng vần.
Nếu người chinh phụ mượn hoa, rượu, đàn để quên đi muộn phiền nhưng không thể xoá
nhoà nỗi buồn, dù trong khoảnh khắc, thì người bần nữ cũng vậy. Nàng còn mượn đến cả cờ, thơ
để mong khuây khoả nhưng cũng như chinh phụ, nàng không sao quên nổi muộn phiền. Nhưng
hành động chơi cờ lại “tố cáo” nàng là đàn ông cải trang. Một người con gái đau khổ không thể
nghĩ đến chơi cờ. Học tập người đi trước, có thay đổi, nhưng người đi sau vận dụng vụng về hơn.
Và cách diễn đạt cũng kém hơn.
Kết cấu trùng điệp từ Chinh phụ ngâm đến Bần nữ thán vẫn tiếp tục phát huy tác dụng. Ví
như đoạn từ dòng 119 - 123 với 125 - 129; 129- 136; 137- 144; 145- 152... tất cả nhằm phô diễn
những sắc thái buồn sầu vô hạn của nhân vật trữ tình.
2.3. Nghệ thuật trữ tình
Nghệ thuật xây dựng nhân vật trữ tình cũng như giai đoạn trước. Trong hai khúc ngâm giai
đoạn này, tác giả vẫn sử dụng thiên nhiên như một phương thức miêu tả tâm trạng. Thiên nhiên
đồng cảm với con người, thể hiện tâm tình con người. Buồn thương tràn ngập cõi lòng, quả phụ
thấy thiên nhiên như cũng khóc thương mình:
Trước thềm khóm liễu hàng mai,
Sương sa như khóc thương người lẻ loi.
(Khuyết danh, Quả phụ ngâm)
Hay đêm khuya giật mình, tỉnh giấc, tiếng gió khiến nàng càng thấm thía nỗi quạnh hiu,
ngậm ngùi, xót xa.
Ngoài hiên hiu hắt gió vàng,
Gió khua như động can tràng đau thương.
(Khuyết danh, Quả phụ ngâm)
Có khi thiên nhiên được sử dụng như một hình ảnh tượng trưng để trách số phận:
Bắc thang lên cung mây mà hỏi,
Biết bao giờ phượng tới cành ngô?
(Khuyết danh, Bần nữ thán)
Hoặc thiên nhiên được dùng như một phương tiện để nhân vật trữ tình tự an ủi mình:
36
Vài nét về nghệ thuật ngâm khúc nửa cuối thế kỉ XIX
Mai nở trước mai cười hạnh muộn,
Hạnh nở sau hạnh ngán mai suy.
Hạnh mai cười lẫn nhau chi,
Đến kỳ kết quả đến kỳ khai hoa.
(Khuyết danh, Bần nữ thán)
Mượn hình ảnh thiên nhiên, mai và hạnh cùng nở vào mùa xuân nhưng mai nở trước hạnh,
cô gái vững tin mình sẽ lấy được chồng như ý, chẳng qua muộn hơn bạn bè một chút mà thôi!
Như vậy, có thể nói, khúc ngâm giai đoạn này dùng thiên nhiên như một biện pháp nghệ
thuật tốt để miêu tả sinh động các sắc thái tâm trạng nhân vật trữ tình.
Hành động, cử chỉ vẫn được coi như phương thức nghệ thuật đắc dụng để miêu tả thế giới
nội tâm nhân vật trữ tình. Tình yêu chung thuỷ của người quả phụ hiện lên qua hàng loạt hành
động “Khối tình ta giữ với nhau cho bền”, “Cam bề thủ tiết để thờ phu quân”, “Em khóc chàng lệ
đã nhường khô/ Ngụ lòng lập một ban thờ/ Đốt hương kể nỗi niềm xưa với chàng” (Khuyết danh.
Quả phụ ngâm)... Tác giả miêu tả cử chỉ, hành động của nàng gần với đời thực. Chẳng hạn như:
Trải những buổi sương đông nắng hạ,
Lấy hoa tươi nước lã kính dâng.
Gọi là trọn đạo luân thường,
Dù là lễ bạc mà tâm chí thành.
(Khuyết danh, Quả phụ ngâm)
Hay như hoặc người bần nữ giới thiệu tài nữ công của mình:
Việc canh cửi tay đưa chân dận,
Đường dệt thêu bướm lượn sóng đôi.
(Khuyết danh, Bần nữ thán)
Như vậy, có thể nói, khúc ngâm nửa sau thế kỉ XIX về cơ bản là mô phỏng các khúc ngâm
thế kỉ XVIII, cả về kết cấu và nghệ thuật tự tình. Song ở mỗi thi phẩm, nhà thơ lại có những sáng
tạo riêng. Sáng tạo này về cơ bản không đóng góp nhiều cho thể loại ngâm khúc, tuy nhiên nó lại
có công trong việc giúp khúc ngâm phản ánh sát với cuộc sống hơn, ngôn ngữ gần với ngôn ngữ
đời sống hơn.
3. Kết luận
Cùng với những đổi thay khác về hình tượng nhân vật trữ tình, ngôn ngữ... khúc ngâm cuối
thế kỉ XIX đó có những biểu hiện "rập khuôn" của thể loại, cho thấy sự "khủng hoảng" bước đầu
của thể loại này. Những sáng tạo mới chưa lấp đầy chỗ trống cho lối mòn biểu hiện của thể loại.
Số tác phẩm không nhiều cùng với hướng sáng tác "rập khuôn" đó bắt đầu báo hiệu sự "suy yếu"
của thể loại văn học độc đáo của dân tộc. Mặc dù vậy, những khúc ngâm cuối thế kỉ XIX đó làm
phong phú thêm thể loại ngâm khúc, đồng thời “dự báo” thể loại này không còn chiếm vị thế quan
trọng trên văn đàn, nó có thể bị thay thế bởi những thể loại văn học khác, phù hợp với hoàn cảnh
lịch sử mới của dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 2002. Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
[2] Dương Quảng Hàm, 1968. Việt Nam văn học sử yếu. Trung tâm học liệu Sài Gòn.
37
Đào Thị Thu Thủy
[3] Đặng Thanh Lê, Hoàng Hữu Yên, Phạm Luận, 1999. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII.
Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Đặng Thai Mai, 1992. Giảng văn Chinh phụ ngâm. Nxb Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm
Hà Nội, Khoa Ngữ Văn, Hà Nội.
[5] Nhiều tác giả, 2002. Lí luận văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[6] Nhiều tác giả, 1983. Từ điển văn học, Tập 1. Nxb Khoa học Xã hội.
[7] Trần Đình Sử, 1999. Mấy vấn đề thi pháp Văn học Trung đại Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
ABSTRACT
The art of "Double Seven-Six-Eight” poems of the 19th century
Ngam Khuc is one unique genre of poetry, which has gained great achievements in
Vietnamese literature. Along with Nom poetry and other literatary genres, Ngam Khuc has
expressed deep thoughts and feelings of Vietnamese people. This article provides insights into
the art of "Double Seven-Six-Eight” poems of the 19th century. This also provides us with a better
overview of the development of this poetry type.
Ngâm khúc là một trong những thể loại độc đáo, đạt nhiều thành tựu rực rỡ trong văn học
Việt Nam. Cùng với truyện Nôm và các thể loại văn học khác, ngâm khúc biểu hiện sâu sắc tư
tưởng và tình cảm của người Việt Nam. Bài viết đi sâu tìm hiểu hai phương thức nghệ thuật cơ bản
của khúc ngâm song thất lục bát thế kỉ XIX, qua đó chúng ta có cái nhìn khái quát hơn về quá trình
vận động của thể loại ngâm khúc.
Keyword: Ngam Khuc, "Double Seven-Six-Eight” poems.
38