Vài nét về phê bình thơ từ 1986 đến nay

2.1.1. Đổi mới như một nhu cầu tất yếu Đại hội Đảng lần VI đã mở ra một bước ngoặt mới, đem lại những chuyển biến mới mẻ về nhiều mặt trong đời sống xã hội Việt Nam. Cùng với những biến đổi cơ giới do sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử là những biến chuyển sâu xa trong thế giới nội cảm, trong tư tưởng, lối sống, cách nghĩ của cá nhân; trong tâm thức văn hóa cộng đồng. Sự xoá bỏ bao cấp về tư tưởng, không khí dân chủ rộng rãi, sự mở rộng giao lưu quốc tế về văn hoá, tinh thần coi trọng yếu tố con người đã đánh thức ý thức về cá nhân, cá tính. Điều đó tất yếu dẫn đến nhu cầu biểu đạt mới về thế giới. Trong những năm tháng này, chúng ta đã chứng kiến không ít những phá cách, thậm chí cả những phá phách trong nghệ thuật: từ âm nhạc (cách tân trong ca từ, phối âm, phối khí, sự pha trộn, giao thoa giữa các loại hình âm nhạc: dân gian với pop, rock, jazz, âm nhạc sắp đặt.), hội họa (sự ảnh hưởng của các loại chủ nghĩa: siêu thực, trừu tượng, lập thể, dã thú, biểu hiện - trừu tượng vào đầu và giữa thế kỉ XX; và gần đây là mỹ thuật ngoài giá vẽ, mỹ thuật video, mỹ thuật trình diễn, mỹ thuật thực địa, mỹ thuật đa phương tiện.) đến kiến trúc, sân khấu. Và tất nhiên, cả văn học (trong đó có thơ: thơ "dòng chữ", thơ "dòng nghĩa", thơ "âm bồi", thơ "vụt hiện", thơ "Dơ", thơ "Rác", thơ Tân hình thức, nữ quyền luận, thơ dục tính, sắp đặt, trình diễn, thơ cụ thể, thơ hành động, thơ ngôn ngữ, hình họa, đồ họa. )

pdf9 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 111 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vài nét về phê bình thơ từ 1986 đến nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2011, Vol. 56, No. 2, pp. 53-61 VÀI NÉT VỀ PHÊ BÌNH THƠ TỪ 1986 ĐẾN NAY Đặng Thu Thủy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Mở đầu Tiếp nối bài viết về những khuynh hướng phê bình thơ từ giữa thập kỉ 80 đến nay, ở bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu hơn, đánh giá về những đổi mới và tồn tại của phê bình thơ trong mấy chục năm qua, từ đó khẳng định vai trò của công tác phê bình đối với sáng tác. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Phê bình thơ- những đổi mới 2.1.1. Đổi mới như một nhu cầu tất yếu Đại hội Đảng lần VI đã mở ra một bước ngoặt mới, đem lại những chuyển biến mới mẻ về nhiều mặt trong đời sống xã hội Việt Nam. Cùng với những biến đổi cơ giới do sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử là những biến chuyển sâu xa trong thế giới nội cảm, trong tư tưởng, lối sống, cách nghĩ của cá nhân; trong tâm thức văn hóa cộng đồng. Sự xoá bỏ bao cấp về tư tưởng, không khí dân chủ rộng rãi, sự mở rộng giao lưu quốc tế về văn hoá, tinh thần coi trọng yếu tố con người đã đánh thức ý thức về cá nhân, cá tính. Điều đó tất yếu dẫn đến nhu cầu biểu đạt mới về thế giới. Trong những năm tháng này, chúng ta đã chứng kiến không ít những phá cách, thậm chí cả những phá phách trong nghệ thuật: từ âm nhạc (cách tân trong ca từ, phối âm, phối khí, sự pha trộn, giao thoa giữa các loại hình âm nhạc: dân gian với pop, rock, jazz, âm nhạc sắp đặt...), hội họa (sự ảnh hưởng của các loại chủ nghĩa: siêu thực, trừu tượng, lập thể, dã thú, biểu hiện - trừu tượng vào đầu và giữa thế kỉ XX; và gần đây là mỹ thuật ngoài giá vẽ, mỹ thuật video, mỹ thuật trình diễn, mỹ thuật thực địa, mỹ thuật đa phương tiện...) đến kiến trúc, sân khấu... Và tất nhiên, cả văn học (trong đó có thơ: thơ "dòng chữ", thơ "dòng nghĩa", thơ "âm bồi", thơ "vụt hiện", thơ "Dơ", thơ "Rác", thơ Tân hình thức, nữ quyền luận, thơ dục tính, sắp đặt, trình diễn, thơ cụ thể, thơ hành động, thơ ngôn ngữ, hình họa, đồ họa... ). Nhu cầu đổi mới phê bình thơ không chỉ xuất phát từ những lí do khách quan của lịch sử; do sự vận động, đổi mới của đối tượng phê bình (thơ) và văn hoá đọc mà còn do chính bản thân phê bình với tình trạng trì trệ, đóng băng của nó. Từ 53 Đặng Thu Thủy 1986 đến nay, không ít các cuộc tọa đàm, hội thảo về phê bình văn học đã được tổ chức nhằm tìm hiểu, phân tích thực trạng yếu kém của phê bình và đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phê bình, đổi mới phê bình. Trong bối cảnh này, phê bình thơ không thể cứ dậm chân một chỗ. 2.1.2. Những biểu hiện cơ bản của đổi mới Sự gia tăng tính khoa học, tính học thuật Trước năm 1975, văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng nằm ngoài dòng chảy của các trào lưu văn chương thế giới. Từ năm 1986, nhất là trong khoảng 10 năm gần đây, tình hình văn học lại vô cùng sôi động bởi không khí hội nhập, giao lưu, tiếp nhận và tiếp biến. Sự phát triển của văn học mạng, việc ngày càng nhiều những tác phẩm văn học Việt được dịch ra tiếng nước ngoài, xuất bản ở nước ngoài và ngược lại là một biểu hiện của tinh thần hội nhập trong lĩnh vực văn chương. Nhiều đại diện quan trọng của các dòng văn học hiện đại chủ nghĩa phương Tây: G.Apolinaire, F.Kafka, W. Faulkner, A.Camus... và hậu hiện đại: G.Marquez, J.l.Borges, M.Kundera, Cao Hành Kiện... đã được giới thiệu lại, kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của văn học trong nước. Rất nhiều các lý thuyết phê bình phương Tây đã được tiếp cận và ứng dụng, thay thế lối phê bình cảm tính lâu nay, đem đến một không khí mới cho phê bình thơ ở Việt Nam: thi pháp học, cấu trúc luận, phê bình mới, phân tâm học, tiểu sử học, văn hóa học. Điều này dẫn đến tính chất phong phú, đa dạng của các phương thức phê bình. Các lí thuyết này đặc biệt được vận dụng sinh động trong phê bình thơ. Sự phê bình không lí thuyết hoặc phụ thuộc vào những lí thuyết quá cũ dần vắng bóng. Kiểu phê bình xã hội học dung tục, phê bình chụp mũ, quy kết dần trở nên xa lạ. Tuy không có nhiều nhà phê bình chủ trương theo đuổi, thủy chung với một phương pháp phê bình nào đó (Trần Đình Sử với thi pháp học, Đỗ Lai Thúy với phân tâm học, Inrasara với phương pháp lập biên bản...) nhưng nhiều những cây bút phê bình khác đã thừa nhận (quan trọng hơn cả là những tác phẩm phê bình của họ đã thể hiện rõ) sự ảnh hưởng tổng hợp của các phương pháp phê bình hiện đại trên thế giới. Sự tăng cường tính đối thoại và dân chủ Những thay đổi trong quan niệm về thơ, về công việc làm thơ, về vai trò của nhà thơ và công chúng; hơn hết là những chuyển biến của thực trạng sáng tác thơ đã tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong quan niệm về phê bình thơ (mối quan hệ giữa phê bình và thơ, nhà phê bình và người sáng tác, giữa người đọc và người phê bình...). Có một thời, phê bình đã phải gánh trên vai quá nhiều trọng trách: “làm tuyên giáo triển khai đường lối, nghị quyết, soi đường cho sáng tác, làm cái roi quất cho con ngựa sáng tác lồng lên, làm lính gác cho Đảng, giáo dục quần chúng...” [1]. Nhà phê bình thường đứng dưới góc độ đạo đức, chính trị mà thẩm định, phán xét tác phẩm văn chương. Một tác phẩm thơ ra đời trước tiên nó sẽ được soi ngắm ở phương diện tư tưởng, ở khả năng giáo dục bồi dưỡng tình cảm đạo đức cho người đọc, ở khả 54 Vài nét về phê bình thơ từ 1986 đến nay năng phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị. Nhưng rồi người ta đã nhận ra rằng: cần phải trả lại cho thơ bản chất nghệ thuật đích thực của nó. Vì thế, từ trước năm 1975 đến nay, những yếu tố được quan tâm hàng đầu của phê bình đã có sự chuyển hướng: từ những yếu tố ngoài văn bản (tác giả, bối cảnh lịch sử xã hội tác phẩm ra đời, ý thức hệ của người sáng tác...) sang bản thân tác phẩm, văn bản và cả liên văn bản. Trung tâm phê bình giờ đây là văn bản và ngôn ngữ. Từ năm 1987, Lại Nguyên Ân đã tỏ ra lo lắng về “sự thống trị quá ư tuyệt đối của giọng phê bình quyền uy, của tư duy quyền uy trong phê bình” [2]. Tình trạng bất bình đẳng giữa phê bình và sáng tác, lối áp đặt thô bạo, phán xét tùy tiện của phê bình đối với sáng tác không phải là hiếm có suốt một thời kì. Lê Ngọc Trà đã cảnh báo về hiện tượng “bao cấp” trong phê bình. Giờ đây, quan niệm “phê bình văn học cũng là văn học” (Lê Ngọc Trà), phê bình chẳng qua là trình bày một cách đọc văn bản nghệ thuật ngôn từ trên một tinh thần đối thoại lành mạnh về cơ bản đã được quán triệt. Hơn nữa, phê bình còn phải có khả năng nhận biết, gợi ý, thúc đẩy, khích lệ sáng tác; góp phần định hướng thẩm mĩ, làm thay đổi cách đọc hay gợi ý một cách đọc mới cho độc giả. Phê bình chân chính và thông thái còn có khả năng thay đổi vị thế của một tác giả, một tác phẩm. Đã có không ít các trường hợp chưa được đánh giá đúng mức và công bằng ở giai đoạn trước đến nay đã được các nhà phê bình phát hiện, chiêu tuyết và khẳng định chân giá trị: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Cầm... Sự bình đẳng, tính đối thoại giữa nhà phê bình với tác phẩm, tác giả (chứ không phải phán xét), giữa các quan điểm và thái độ phê bình (đối thoại với cái cũ, đối thoại với những quan điểm phê bình đương thời) là những biểu hiện cơ bản của tính dân chủ trong phê bình đương đại. Cuộc cách mạng kĩ thuật số đã mang lại những biến đổi vô cùng to lớn. Sự ra đời và phát triển của văn học mạng là một tất yếu, cần thiết, phù hợp với tầng lớp công chúng mới - những thế hệ @. Nó cũng có sức lôi cuốn lớn đối với thế hệ cha chú của họ bởi những lợi thế mà các phương thức xuất bản truyền thống không thể có: tốc độ, kinh phí xuất bản, về khả năng “phủ sóng” trên diện rộng, khả năng tự do tuyệt đối của cả tác giả và độc giả. Thời gian gần đây rộ lên phong trào xuất bản tác phẩm dưới hình thức photocoppy của các tác giả trẻ miền Nam. Tự do trong xuất bản đã xoá bỏ mọi rào cản trên con đường tác phẩm đến với độc giả. Nhà thơ cũng như nhà phê bình không phải chịu bất cứ một áp lực nào: lợi nhuận, độc giả, các cơ quan kiểm duyệt. Họ tự chịu trách nhiệm về hành vi sáng tạo của mình. Thơ hôm nay đang sinh tồn trong một thế giới đa cực, phi trung tâm. Tính chất mở rộng, phong phú, không thuần nhất của nó đã dẫn đến sự phức tạp, đa chiều trong quá trình tiếp nhận. Sự rộng mở của một thế giới đa chiều kích, khi mà hiện thực không chỉ là tổng số của những gì đã biết mà còn là ẩn số của những gì chưa biết hết đã dẫn đến những chuyển biến quan trọng trong cách nhìn nhận, đánh giá về mọi vấn đề của những người cầm bút. Chưa bao giờ sự đối lập giữa 55 Đặng Thu Thủy các hệ giá trị lại gay gắt như hiện nay. Điều đó tất yếu dẫn đến tính phức tạp, đa chiều trong phê bình. Không khí dân chủ cho phép nhà phê bình thể hiện cái tôi của mình. Mọi người đều bình đẳng, đều có quyền tranh luận. Không có độc quyền chân lí. Có thể chấp nhận nhiều chính kiến, nhiều xu hướng, giọng nói, nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau cùng tồn tại. Nhà phê bình chỉ là người định hướng, gợi mở cho người đọc nhờ vào kinh nghiệm mang tính học thuật của mình chứ không phải người áp đặt, phán xét cuối cùng. Quyền lựa chọn được dành cho độc giả. Trước hết là sự bình đẳng, tôn trọng, tính đối thoại giữa nhà phê bình với tác phẩm, tác giả. Tiêu biểu hơn cả là trường hợp của Inrasara với công trình Song thoại với cái mới. Với chủ trương phê bình lập biên bản, đề cao tính khách quan, công tâm, tinh thần làm việc khoa học, không bị dẫn dắt bởi thiên kiến, cảm tính; không đứng cao hơn tác giả, tác phẩm, không phán xét, rao giảng; Inrasara đã tiến hành song thoại với cái mới của thơ đương đại trong những năm gần đây. Khi đối thoại trực tiếp (Khai mở bế tắc sáng tạo), khi đối thoại giả tưởng (Góp nhặt sỏi đá, hay đối thoại về sai lầm lặp đi lặp lại về việc nhìn nhận thơ hôm nay), lúc nhận diện từng khuôn mặt (Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động), hay từng bộ phận tác giả (Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn, Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố nữ),... từ đó đưa ra những nhận định khái quát. Từ những song thoại của mình, Inrasara có tham vọng kêu gọi, kích thích những song thoại khác tương thoại với nó, từ đó tạo ra cơ may đẩy nền văn học dấn tới. Cơ may đó có thể chưa hiện hình rõ nét song có một điều chắc chắn rằng, ở một mức độ nào đó, nhà phê bình cũng đã rung lên hồi chuông đánh thức một bộ phận sáng tác mê ngủ trong căn nhà mĩ học cũ kĩ, khích lệ họ dấn bước phiêu lưu đến những miền đất mới; cảnh tỉnh độc giả: ngoài những lối mòn quen thuộc còn có những con đường mới mở để đến với thơ ca. Thứ đến là sự bình đẳng, tính đối thoại giữa các quan điểm và thái độ phê bình. Nó thể hiện qua những cuộc tranh luận về các hiện tượng thơ (Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Mở miệng, Ngựa trời...) với nhiều ý kiến nghịch chiều. Điển hình là các cuộc tranh luận kéo dài về thơ của Nguyễn Quang Thiều, Vi Thuỳ Linh, Nhóm Mở miệng và nhóm Ngựa trời... Từ đây, có thể nhận thấy: tùy vào từng tiêu chí đánh giá và cảm quan thẩm mĩ mà các nhà phê bình có những thái độ khác nhau đối với một hiện tượng thơ. Có người lấy tiêu chí của thơ ca truyền thống, có người lại xuất phát từ những nhu cầu của con người hiện đại trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, có người đứng từ góc độ chính trị, đạo đức, tư tưởng, có người lại xuất phát từ đặc trưng thẩm mĩ của thể loại để đánh giá thơ đương đại. Người tung hô một cách hào phóng, người thì khắc nghiệt đến tàn nhẫn, cũng có không ít người điềm đạm, chừng mực. Sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn trong các ý kiến đánh giá có nguồn gốc ở sự phân tán của các tiêu chuẩn thẩm định, do những quan niệm thơ khác nhau, những kênh thẩm mĩ khác nhau, tính nhiều chiều của giá trị thơ ca, thực trạng xô bồ, khó phân định của nền 56 Vài nét về phê bình thơ từ 1986 đến nay thơ đương đại. Tinh thần ủng hộ, cổ vũ cách tân Có thể nói, chưa bao giờ, cách tân lại trở thành một ý thức tự giác, một nhu cầu khẩn thiết; một cao trào phổ biến, rộng rãi như giai đoạn này. Không tĩnh tại, không thuần nhất, thơ luôn chuyển động, phân nhánh phân luồng, có khi cũng không hoàn toàn rành rẽ. Nhìn chung, thơ ca tự nó đã phân chia làm hai luồng; chính mạch và ngoại biên. Một bộ phận lớn tiếp tục trung thành với truyền thống, trong đó một số vẫn kiên trì nhẫn nại nơi thành trì cũ, bền vững, cố kết, không mở ra một cái gì khác lạ; một số có ý thức cách tân thơ trên nền truyền thống. Cái mới được tạo ra trên cơ sở cái cũ, bổ sung, kiện toàn, hoàn tất cho cái trước đó đầy đặn, toàn diện hơn. Cái mới này bắt nguồn từ niềm tha thiết với các giá trị truyền thống và khao khát muốn khắc phục những bất cập của cái cũ. Các cách tân này không có đột biến lớn nhưng cũng mang lại những giá trị nhất định. Có thể kể ra trường hợp của Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Bùi Vợi, Trúc Thông, Bằng Việt, Nguyễn Thụy Kha, Phạm Công Trứ, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đỗ Bạch Mai, Đoàn Thị Lam Luyến, Dư Thị Hoàn, Đồng Đức Bốn. . . Bên cạnh cái “mơi mới” là cái mới dị biệt, năng động... Đó là những cú lội ngược dòng táo bạo đến táo tợn, thách thức, gây hấn với truyền thống, thậm chí phủ định toàn bộ nền thơ truyền thống (Nhóm Mở miệng). Những pha phá rào như thế thường gây shock đối với độc giả. Nó xuất phát từ thái độ dị ứng với cái cũ, muốn cắt đuôi cái cũ. Đổi mới theo hướng này chủ yếu tập trung ở lớp trẻ. Sự táo bạo, dũng cảm của những người đi trước, xu hướng hội nhập toàn cầu, môi trường tự do dân chủ, giao lưu quốc tế, khao khát được khẳng định cá tính đã là động lực để nhiều nhà thơ trẻ bắt đầu tạo ra một làn sóng mới trong thơ Việt Nam đương đại. Những nhà thơ, tập thơ có cách biểu hiện khác lạ, hoặc mạnh bạo, trần trụi, hoặc khai thác những khu vực mới của tâm trạng... dù có bị một số người chê bai, bài bác thậm chí "đánh tới tấp" vì bị cho là lai căng, thơ dịch, hũ nút, bí hiểm, dâm ô, tục tĩu... thì vẫn có một số nhà phê bình đồng cảm, khẳng định, khuyến khích, nâng đỡ để họ vững tin vào con đường mình đã chọn. Sự chuyển hoá thơ phải qua những đoạn tuyệt (không phải vứt bỏ truyền thống). Trong một số năm gần đây, thơ đang tự phá vỡ để tìm kiếm những trật tự mới. Có lẽ xu hướng hiện nay là ngày càng tạo ra những hình thức mới cho thơ. Đổi mới dễ nhận thấy nhất có lẽ là đổi mới về chất liệu, kĩ thuật làm thơ. Mặc dù từ thử nghiệm đến giá trị là cả một khoảng cách song điều quan trọng là những thử nghiệm ấy đã được đón nhận. Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Inrasara, Hoàng Hưng, Dương Tường, Nguyễn Thụy Kha, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Dư Thị Hoàn... là những người rất có thiện chí với những cách tân thơ. Phê bình thơ đương đại cũng đã dành sự quan tâm đích đáng đến những nhà cách tân thi ca một thời (do những lí do khách quan và chủ quan) chưa được đánh giá đúng mức: Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Bùi Giáng... Các nhà phê bình đã đi 57 Đặng Thu Thủy sâu phân tích thế giới nghệ thuật thơ, những thủ pháp, kĩ thuật thơ, thế giới hình tượng... của họ; khẳng định giá trị cách tân và ảnh hưởng của họ đối với sáng tác của thế hệ đi sau. Lớp sáng tác trẻ cũng đặc biệt được quan tâm. Những tên tuổi phê bình vừa kể ở trên cũng là những người có công phát hiện các bút thơ trẻ cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI như: Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Nhóm Ngựa trời, nhóm Mở miệng, Nguyễn Thế Hoàng Linh... Độc đáo, khác lạ, cực đoan, gây sốc, gây hấn..., phần lớn trong số họ chịu búa rìu của dư luận, đương nhiên, những nhà phê bình ủng hộ, cổ vũ họ cũng chẳng mấy khi được bình yên. Trong số họ, có người yếu sức, hụt hơi; có người tiếp tục vững bước trên đường thơ bằng bản lĩnh, tri thức, nội lực của mình, tự khẳng định mình trước những nghi ngờ... Điều đó chủ yếu phụ thuộc vào bản thân mỗi nhà thơ chứ không phải nhà phê bình. Điều quan trọng và cũng là lớn nhất mà nhà phê bình làm được là nhắc nhở, rung chuông cảnh báo đối với người đọc: cần phải thay đổi quan niệm đọc thơ. Nhà phê bình là người mở ra cho người đọc một lối đi. Đổi mới là quy luật bản chất, là nhu cầu mang tính tất yếu của sáng tạo. Đổi mới là phá vỡ những công thức, những lề lối cũ. Sự đổi mới có thể diễn ra trên nhiều cấp độ, nhiều bình diện, với nhiều mức độ khác nhau. Cái mới có thể đồng nghĩa với giá trị, có thể không; nhưng điều quan trọng là nó khơi gợi một ý tưởng, một hướng đi; nó chuẩn bị cho sự ra đời của những cái mới khác (có thể có giá trị hơn). Bởi thế, tinh thần ủng hộ, thái độ thiện chí với những cách tân là hết sức có ý nghĩa đối với sự phát triển của thơ đương đại. 2.2. Phê bình thơ - những tồn tại 2.2.1. Tính chất nghiệp dư Tính chất nghiệp dư của phê bình đương đại thể hiện ở nhiều yếu tố: đội ngũ phê bình, phương pháp làm việc, tinh thần, thái độ ứng xử với “nghề nghiệp” và với đồng nghiệp... Ở ta, phê bình chưa thực sự trở thành một nghề (được đào tạo một cách bài bản, sống chết, chung thủy với nghề, có ý thức tự giác, thường trực cao về chuyên môn, trách nhiệm đối với nghề nghiệp). Ai cũng có thể làm phê bình, bất kể nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa hay một người nào đó yêu thơ. Phần đông, ta mới chỉ có những nhà phê bình tài tử chứ chưa có những nhà phê bình chuyên nghiệp. Công việc phê bình đối với họ chủ yếu là một hứng thú, thích thì làm, không thích thì thôi. Có nhiều điều kiện khách quan và chủ quan khó cho phép họ toàn tâm toàn ý với phê bình. Họ đọc một cách lỗ mỗ, thiếu tính hệ thống nên cũng thiếu tầm nhìn khái quát, thiếu những định hướng dài hơi cho việc sáng tác. Phê bình thơ nói riêng và phê bình văn học nói chung ở ta chủ yếu thiên về phê bình tác giả, tác phẩm mà chưa có phê bình khuynh hướng một cách tổng 58 Vài nét về phê bình thơ từ 1986 đến nay thể. “Phê bình khoa học bao giờ cũng là bạn của sáng tác và thưởng thức. Phê bình ngộ nhận lại là kẻ phá bĩnh trong dạ tiệc hội ngộ giữa nhà văn và bạn đọc” (Nguyễn Trọng Tạo). Nâng cao tính chuyên nghiệp của phê bình, yêu cầu coi trọng phê bình như một khoa học, một nghệ thuật là điều cấp thiết. Những người trong nghề đã nhận ra rằng: việc thiếu tri thức chuyên sâu đã khiến cho trình độ phê bình chưa cao, các văn bản phê bình nhìn chung còn thiếu một độ sâu học thuật cần thiết. Nhiều cây bút không được trang bị những tri thức cơ bản, thiết yếu về phê bình nên sự dễ dãi, ngẫu hứng, cảm tính, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính hệ thống là khó tránh khỏi. Lối phê bình ấn tượng, cảm tính, thiếu tính khoa học, thiếu thuyết phục vẫn còn tồn tại khá phổ biến (nhất là trong những bài phê bình mang tính truyền thông). Những bài viết khen ngợi hay phê phán về thơ của một số cây bút trẻ thời gian vừa qua (Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly...) của các tác giả: Hoàng Xuân Tuyền, Chu Thị Thơm, Ngọc Oanh, Hưng Yên, Nguyễn Thanh Sơn... là những ví dụ. Phê bình theo lối cắt dời các từ ngữ trong bài thơ ra khỏi văn cảnh, làm mất tính chỉnh thể của nó, hiểu nó chỉ theo nghĩa đen trần trụi rồi quy chụp, “kết án” nhà thơ; theo lối nhân danh những thước đo chính trị, đạo đức, truyền thống là cách làm không mấy xa lạ với một số cây bút (trường hợp của Trần Mạnh Hảo khi đọc thơ Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Quang Thiều; Hoàng Xuân Tuyền, Chu Thị Thơm khi đọc thơ Vi Thùy Linh...) Thơ Việt Nam từ 1986 đến nay đã có một sinh khí mới, ngày một khác lạ và sôi động hơn so với thơ giai đoạn trước (có thể sự khác lạ đó đồng nghĩa với giá trị, có thể không). Làm được điều đó, một phần lớn là do các cây bút trẻ. Nhưng hầu hết trong số họ, ngay từ khi mới xuất hiện đã không nhận được cái nhìn thiện cảm của các nhà phê bình. Thơ trẻ đã làm được một việc không dễ là khuấy đảo lên những cái ao thơ bằng phẳng, những tâm hồn bằng phẳng. Nó gây hấn với người ta, nó rung lên những hồi chuông giục giã, hối thúc người ta phải thay đổi. Thơ cần phải lột xác để đem lại sức sống mới cho mình. Nhưng chính vì tinh thần phản kháng, ý thức đối thoại với truyền thống, thậm chí phản lại truyền thống để cách tân đó mà thơ trẻ mang lại những bất lợi cho mình. Sáng tác trẻ đã mở ra cơ hội cho phê bình có thể bàn luận đa chiều và sâu sắc về nhiều vấn đề của thơ đương đại: vấn đề truyền thống và cách tân, tinh