Tóm tắt. Trước tiên, bài viết chỉ rõ nguồn gốc hình thành và phát triển của thơ đi
sứ gắn liền với quá trình bang giao đi sứ sang Trung Quốc của ông cha ta trong
suốt lịch sử trung đại từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX. Ở nội dung thứ hai người viết
đã chỉ ra điểm khác biệt của thơ đi sứ thời Trần, Lê, Tây Sơn và thời Nguyễn, cuối
cùng đi đến khái quát đặc điểm chung của thơ đi sứ trung đại qua bốn vấn đề cơ
bản: thơ viết về thiên nhiên; thơ viết về lịch sử; thơ bang giao thù tạc, ứng đối tặng
tiễn; thơ ghi lại tâm tư tình cảm cuả các sứ thần – thi nhân.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 224 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vài nét về sự hình thành, phát triển và đặc điểm của thơ đi sứ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2012, Vol. 57, No. 5, pp. 52-57
VÀI NÉT VỀ SỰ HÌNH THÀNH,
PHÁT TRIỂN VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA THƠ ĐI SỨ
Trần Thị The
Cao học K19 - Đại học Sư phạm Hà Nội
E-mail: huandktd14b29@gmail.com
Tóm tắt. Trước tiên, bài viết chỉ rõ nguồn gốc hình thành và phát triển của thơ đi
sứ gắn liền với quá trình bang giao đi sứ sang Trung Quốc của ông cha ta trong
suốt lịch sử trung đại từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX. Ở nội dung thứ hai người viết
đã chỉ ra điểm khác biệt của thơ đi sứ thời Trần, Lê, Tây Sơn và thời Nguyễn, cuối
cùng đi đến khái quát đặc điểm chung của thơ đi sứ trung đại qua bốn vấn đề cơ
bản: thơ viết về thiên nhiên; thơ viết về lịch sử; thơ bang giao thù tạc, ứng đối tặng
tiễn; thơ ghi lại tâm tư tình cảm cuả các sứ thần – thi nhân.
Từ khóa: thơ đi sứ, nguồn gốc hình thành, phát triển, bang giao thù tạc, ứng đối
tặng tiễn...
1. Mở đầu
Thơ đi sứ là các vần thơ được các sứ thần sáng tác trên đường đi sứ để thể hiện công
việc bang giao giữa Việt Nam với các nước láng giềng hoặc với các nước trên thế giới (chủ
yếu là mối quan hệ Việt Nam và Trung Hoa). Là bộ phận văn học được sáng tác ở nước
ngoài, với đội ngũ sáng tác đông đảo là các sứ thần, số lượng tác phẩm phong phú, nghệ
thuật đặc sắc, thơ đi sứ góp phần hoàn thiện diện mạo của nền thi ca dân tộc. Có thể nói
thơ đi sứ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giữ vững nền hòa bình độc lập cho dân
tộc. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa hiện nay, tìm hiểu thơ đi sứ là việc làm quan trọng,
cấp thiết. Đây cũng chính là mục đích của bài viết này. Tìm hiểu thơ đi sứ chính là trở về
nguồn gốc hình thành và phát triển cũng như đặc điểm của mảng thơ đặc sắc này.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Nguồn gốc hình thành và sự phát triển của thơ đi sứ
Lịch sử bang giao của Việt Nam từ thế kỉ XIX trở về trước chủ yếu là lịch sử bang
giao Việt - Hoa. Hoạt động ngoại giao được ông cha ta quán triệt và tiến hành từ rất sớm.
Đại Việt sử kí toàn thư cũng đã có ghi chép vua Hùng từng cử sứ giả sang thăm nhà Chu
đời Chu Thành Vương năm 1110 trước công nguyên và cống chim trĩ trắng, khi về quên
52
Vài nét về sự hình thành, phát triển và đặc điểm của thơ đi sứ
đường, vua nhà Chu sai sứ giả cấp cho năm cỗ xe có kim chỉ nam để trở về. Tuy nhiên chỉ
đến khi nước ta giành được độc lập, Trung Quốc mới chú trọng đến vấn đề bang giao với
ta với tư cách là một nước độc lập. Quan hệ bang giao đến đây mới có tính chất hai chiều.
Thời điểm đánh dấu sự chuyển giao đó là khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, niên hiệu Thái
Bình 3 (972) để yên dân và tránh sự dòm ngó của kẻ thù phương Bắc, đã sai Nam Việt
Vương Đinh Liễn đi sứ sang nước Tống. Năm sau sứ thần trở về, vua Tống sai sứ phương
Bắc sang phong cho Tiên hoàng làm giao chỉ quận vương, không những thế còn phong
cho Đinh Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư Tĩnh hải quân, Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Từ đây
mối quan hệ bang giao của hai dân tộc thực sự bắt đầu.
Song hành với con đường đi sứ của các sứ thần là con đường thơ cũng được hình
thành và phát triển. Sự ra đời của thơ đi sứ gắn liền với quá trình bang giao đầy gian khó
nhưng cũng hết sức hào hùng của dân tộc, đã mở ra một diện mạo mới cho thơ ca Việt
Nam, đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức thể hiện. Trong lời giới thiệu Thơ
đi sứ, nhóm biên soạn đã nói rõ nguồn gốc và hết sức đề cao thơ sứ trình khi khẳng định:
“Đây là thơ làm trên đường đi sứ, và biên giới của thơ ở đây chính là cái vô tận của bản
thân đời sống. Ở đây có thơ về nhiều đề tài, chủ đề, ở đây chứa đựng nhiều sáng tạo, tâm
huyết. Ngay cả những bài thơ bang giao theo nghĩa chính của từ này cũng là những bài
thơ độc đáo, mang bản sắc của tác giả, của thời đại và dân tộc. Nhưng dù sao thì đây cũng
là vương quốc thơ của những người đi sứ, và chúng ta gắn liền hai hình tượng sứ giả - nhà
thơ. Con đường đi sứ đã thành con đường thơ. Và con đường này chảy qua nền thơ Việt
Nam như một con đường lớn” [1;46].
Theo dõi tiến trình phát triển của thơ ca trung đại mười thế kỉ, chúng ta thấy có
một hiện tượng là bên cạnh những nhan đề Ngôn hoài, Thuật hoài, Tự thuật, Ngôn chí là
những thi phẩm Vãng sứ, Sứ trình, Sứ Thanh, Sứ Hoa, Hoa trình, Hoa thiều, Bắc hành,
Yên hành, Sứ Yên, Hoa Nguyên, Bắc sứ, Sứ triều, Phụng sứ, Sứ Bắc, Tư hương. . . Điều đó
chứng tỏ rằng thơ đi sứ có một khối lượng đồ sộ, bổ sung một lượng tác phẩm lớn cho nền
thi ca trung đại Việt Nam. Thơ đi sứ đã qui tụ được đội ngũ sáng tác hết sức đông đảo, ở
mỗi giai đoạn lịch sử lại có những tác giả, tác phẩm tiêu biểu.
Thực chất quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc được thiết lập từ đời
Đinh Tiên Hoàng nhưng thơ của các sứ thần thời Đinh, tiền Lê, Lí hầu như không còn lưu
giữ được tác phẩm nào.
Mặc dù số lượng tác phẩm còn lại không nhiều nhưng những trang sứ thi đời Trần
là những thi phẩm đẹp, đánh một dấu mốc quan trọng trong tiến trình thơ đi sứ trung đại.
Đó là một giai đoạn thơ hay bậc nhất trong thơ chữ Hán Việt Nam. Về nghệ thuật, thơ đi
sứ triều Trần ảnh hưởng sâu sắc của thi pháp thơ Đường, đó là những tiếng thơ trong trẻo,
tinh tế mang vẻ đẹp của thơ đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa. Về nội dung, đóng góp
của thơ đi sứ giai đoạn này là mang đến một tiếng nói khoáng đạt, hào sảng của một dân
tộc đang khẳng định mình sau chiến thắng, phơi phới niềm tin vào hiện tại và tương lai.
Đọc thơ đi sứ đời Trần chúng ta cứ thấy vang lên tiếng hô “sát thát” của quân đội nhà Trần
53
Trần Thị The
trước ngày xung trận, thấy được hào khí Đông A sục sôi và đặc biệt là niềm tự hào kiêu
hãnh của một dân tộc ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên xâm lược. Nhận xét về thơ đi
sứ giai đoạn này các tác giả - sứ thần đời sau như Lê Qúi Đôn, Phạm Đình Hổ, Phan Huy
Chú khẳng định: “Tinh vi, trong trẻo, có cái sở trường tột bậc của thơ đời Hán đời Đường
bên Trung Hoa” [1;10]. Thơ đi sứ đời Trần đã khơi nguồn cho dòng thơ đi sứ, là cơ sở là
điểm tựa để từ đó các trang sứ trình đời Lê, Tây Sơn, Nguyễn tiếp thu và phát triển ngày
một rực rỡ hơn.
Thơ đi sứ triều Lê đã để lại khối lượng sáng tác đồ sộ cho kho tàng thơ sứ trình của
dân tộc. Nhiều tác giả đã có những tập thơ sứ trình của riêng mình. Không chỉ có thơ chữ
Hán, thời kì này thơ đi sứ còn có cả sáng tác bằng chữ Nôm, thể lục bát. Thơ đi sứ đời
Lê là những trang viết dạt dào cảm xúc của những sứ thần trước vẻ đẹp muôn màu muôn
vẻ của đời sống mà lần đầu tiên đi sứ họ mới được chiêm ngưỡng. Đồng thời đó cũng là
những trang viết lắng đọng những cảm xúc thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của sứ thần
trước Tổ quốc. Trong thế so sánh với thơ ca bang giao thời Lí - Trần, nhóm biên soạn cuốn
Thơ đi sứ đã chỉ ra nét khác biệt về thơ sứ trình của hai triều đại nhưng vẫn khái quát đặc
điểm, vị trí của thơ Hoa trình thời Lê: “Các tác giả thời Lê đông đảo, mỗi người lại đem
đến những tìm tòi riêng, và tổng hợp lại ta cũng có được một thành tựu lớn về thơ mà ngày
nay chúng ta rất trân trọng. Dù không có được cái khí phách Lí – Trần nhưng cái diễm lệ
của thơ đời Lê trong Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh, Đinh Nho Hoàn, Nguyễn
Công Hãng. . . cũng đã để lại cho thơ đi sứ chữ Hán một gia tài lớn” [1;15]. Nhìn chung
thơ đi sứ đời Lê chau chuốt, gọt rũa, trữ tình sâu lắng, lại vừa bay bổng, tao nhã thể hiện
cốt cách tài hoa và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của các tác giả.
Về phương diện đề tài thơ đi sứ thời Tây Sơn không có gì nổi bật so với thơ đi sứ
các giai đoạn khác. Nhưng cái đóng góp quan trọng và đáng quí là thơ đi sứ thời kì này đã
mang đến một tiếng nói mới của lòng yêu nước, một tiếng nói tràn đầy lạc quan phơi phới
và niềm tin tưởng của con người sống trong một dân tộc chiến thắng.
Thời kì nhà Nguyễn là giai đoạn lịch sử mà mối quan hệ Việt Nam – Trung Hoa
được thắt chặt nhất, số lượng các sứ bộ được cử đi trong thời kì này cũng nhiều nhất. Đây
cũng chính là lí do khiến thơ đi sứ dưới thời nhà Nguyễn đa dạng và phong phú nhất.
Không chỉ phong phú vì số lượng những thi phẩm, thơ đi sứ thời này còn có nhiều đổi mới
về thể loại và cảm hứng. Bên cạnh những bài thơ Đường luật truyền thống, cô đọng, súc
tích giàu chất trữ tình thì đã xuất hiện những bài thơ làm theo thể ca, hành hoặc trường
thiên có dung lượng khá dài giàu khả năng tự sự. Sự xuất nhiều thể ca, hành, trường thiên
đã làm cho khả năng phản ánh của những trang thơ đi sứ thời kì này phong phú hơn các
thời kì trước. Bên cạnh cảm hứng lạc quan, tự hào kiêu hãnh là cảm hứng buồn, thương
trước những bi kịch của kiếp người trong cõi nhân sinh. Cảm quan hiện thực trước con
người và đời sống thể hiện sự chuyển động tích cực của khuynh hướng sáng tác trong văn
học trung đại, văn học ngày càng xa những công thức ước lệ để hòa nhập bắt rễ từ cuộc
sống thực tại vốn nhiều thăng trầm biến đổi. Cảm quan này đã làm nên diện mạo và đặc
54
Vài nét về sự hình thành, phát triển và đặc điểm của thơ đi sứ
trưng của thơ đi sứ thời Nguyễn.
2.2. Đặc điểm của thơ đi sứ
Thơ đi sứ qua mười thế kỉ từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX nhìn chung có thể khái
quát thành bốn nội dung cơ bản sau: viết về sự đối đáp thù tiếp bang giao giữa các sứ thần
thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tình hòa hiếu giữa con người và đất nước Trung Hoa; thơ viết
về cảnh vật trên đường đi sứ; thơ viết về lịch sử; những vần thơ bộc lộ tâm tư tình cảm của
con người xa nước xa quê. Đây là những nội dung nổi bật làm nên nét riêng và giá trị của
thơ đi sứ. Tuy nhiên các nội dung này không có một ranh giới rõ ràng, nhiều khi các nội
dung này xuyên thấm hòa quyện vào nhau trong cùng một bài thơ của các sứ thần.
Thơ thù tạc bang giao, ứng đối là bộ phận không thể thiếu trong thơ ca đi sứ. Nhắc
đến thơ đi sứ là người ta nghĩ ngay đến bộ phận sáng tác này. Nó vừa là những vần thơ
ngợi ca Tổ quốc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước thiết tha, lòng tự hào dân tộc cao
độ, thể hiện rõ ý thức cá nhân đồng thời cũng là những vần thơ hướng tới mục đích kết
nối thân tình giữa những người bạn, giữa các dân tộc. Cần phải thấy rằng trong 1000 năm
phong kiến tự chủ, các vương triều phong kiến Trung Quốc có cái nhìn kì thị khinh miệt
chúng ta, coi nước ta là “man di mọi rợ”, coi sứ thần của ta là “di sứ”. Vì vậy mỗi lần đi
sứ là một cơ hội để ông cha ta khẳng định nền độc lập, bề sâu văn hóa và truyền thống
lịch sử lâu đời của dân tộc ta. Với những trang thơ thù tạc ứng đối, ông cha ta trong mỗi
dịp đi sứ đã chứng minh hùng hồn rằng Việt Nam có một nền văn hóa riêng. Cũng giống
như các dân tộc khác trong khu vực Đồng Văn, trong quá trình giao lưu với Trung Quốc,
văn hóa Việt Nam có sự tiếp biến, tuy nhiên trên tinh thần “hòa đồng chứ không hòa tan”.
Đây là những bài thơ lạc quan, lời lẽ cầu kì trau chuốt tình ý khoáng đạt nhất. Người đọc
bắt gặp những tâm hồn phóng khoáng tự do cởi mở, tứ thơ hào sảng phơi phới niềm tin,
niềm tự hào khi giới thiệu về đất nước của mỗi thi nhân. Phần thơ này đóng góp nhiều thi
phẩm hay sánh ngang với những tuyệt bút trong thơ đời Đường ở Trung Quốc khiến các
sĩ phu phương Bắc phải ngưỡng mộ, cảm phục. Đánh giá về thơ bang giao thù tạc của các
sứ thần Việt Nam, Vu Tại Chiếu, Đại học Trịnh Châu Trung Quốc viết: “Các sứ thần Việt
Nam vừa là nhà ngoại giao vừa là một nhà thơ. Trong hoạt động ngoại giao họ đóng vai
trò quan trọng trong việc xử lí quan hệ hai nước, góp phần tăng cường mối tình hữu nghị
và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt – Trung. Mặt khác họ làm thơ chữ
Hán, xướng họa với các văn nhân Trung Quốc, thúc đẩy sự giao lưu nghệ thuật thơ chữ
Hán nói riêng và văn hóa, văn học nói chung giữa hai nước Việt – Trung, mang lại sức
sống dồi dào cho thơ chữ Hán phát triển không ngừng” [6;16].
Thơ viết về thiên nhiên cũng là một đề tài chính của thơ đi sứ. Trong thơ ca trung
đại, thiên nhiên xuất hiện nhiều bởi người xưa quan niệm rằng thiên nhiên là chuẩn mực
của cái đẹp, mọi vẻ đẹp trong cuộc sống đều ví với thiên nhiên, thiên nhiên có những
phẩm chất cao quí gắn với việc di dưỡng tinh thần cuả người quân tử. Đây cũng là những
vần thơ đẹp đồng thời thể hiện nét riêng mới mẻ, thế giới riêng của thơ đi sứ. Có thể khẳng
55
Trần Thị The
định rằng viết về thiên nhiên phong cảnh đất nước Trung Hoa với sơ lượng lớn chỉ có thơ
Đường thơ Tống của Trung Hoa và thơ đi sứ của các sứ thần Việt Nam. Qua những trang
thơ này người đọc gặp lại nhiều khung cảnh đã trở thành bất hủ trong thơ Đường thơ Tống
đó là cành mai trên núi Dũ Lĩnh, đàn nhạn vượt dãy Lĩnh Nam, ánh trăng trên sông Hán,
lầu Hoàng Hạc... Điều đó chứng tỏ sự đồng cảm của thi nhân hai nước, sự gắn bó sâu nặng
của người đi sứ với nền văn hóa Bắc quốc và khát vọng muôn đời của người nghệ sĩ là
muốn lưu giữ cảnh đẹp trở thành bất tử.
Thơ vịnh sử làmột phần quan trọng trong thơ đi sứ. Trên chặng đường từ Việt Nam
tới Yên Kinh - Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ bang giao giữa hai dân tộc, các sứ thần
không chỉ được chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên đẹp mà còn đi qua những địa
danh gắn liền với bao câu chuyện, nhân vật lịch sử. Vì thế nội dung thơ vịnh sử chiếm một
số lượng lớn trong kho tàng thơ ca đi sứ. Thơ vịnh sử trong thế giới thơ đi sứ có những đặc
điểm chung của thơ vịnh sử Văn học Trung đại, nhưng có nét khác biệt bởi nó xuất phát từ
nhân vật lịch sử và sự kiện nước người – Trung Hoa. Thơ vịnh sử chi phối bởi hai nguồn
cảm xúc: cảm xúc từ hiện tại (những di tích cảnh vật trước mắt) và cảm xúc từ những cái
đã qua (những câu chuyện, những nhân vật có độ gián cách về thời gian so với người viết).
Từ sự xúc động trước cảnh cũ người xưa các tác giả thể hiện tấm lòng hoài cổ thương kim,
sự cảm thông với những số phận lịch sử, đồng thời gửi vào đó bao suy nghĩ trăn trở về đời
sống thực tại trong cõi nhân sinh. . . Chính vì những lẽ đó thơ vịnh sử thể hiện nhiều nét
riêng cho thơ đi sứ.
Thơ ghi lại tâm tư tình cảm của tác giả là những trang viết đầy cảm động vì chiều
sâu và tính chân thực của nó. Trên hành trình đi sứ đầy vinh quang nhưng cũng nhiều thử
thách hiểm nguy đây là những vần thơ để tác giả trò chuyện, bộc bạch với riêng mình.
Những vui buồn, nhớ mong, tự hào. . . thậm chí cả những lúc ốm đau nơi đất khách được
phơi trải một cách xúc động và chân thực trong mảng thơ này. Tuy nhiên nổi bật nhất ở
đây là tấm lòng thương nhớ khôn nguôi về đất nước. Rõ ràng đất nước Trung Hoa diễm
lệ, được sống trong nhung lụa được dự những bữa tiệc tùng linh đình theo nghi thức ngoại
giao. . . vẫn không thể khỏa lấp đi nỗi nhớ quê, không ngăn được niềm mong ước cháy
lòng được trở về quê hương bản quán. Đây chính là nội dung xuyên suốt thơ ca đi sứ mười
thế kỉ. Góp phần quan trọng vào việc phê phán ý kiến cho rằng thơ đi sứ là thơ ngoại giao
bang giao thù tạc mà không chứa đựng trái tim người nghệ sĩ trong đó. Những tâm sự
riêng của mỗi sứ thần khiến cho thơ đi sứ chân thực và sâu sắc đa dạng phong phú hơn.
3. Kết luận
Như vậy thơ đi sứ không phải là một thể loại riêng với những giá trị độc lập của văn
học trung đại. Thơ đi sứ là một bộ phận của sáng tác trung đại vì thế nó chịu ảnh hưởng
của thời đại, ảnh hưởng của quan niệm thẩm mỹ, quan niệm phản ánh và bị giới hạn của
thời đại. Nhưng với một đội ngũ sáng tác đông đảo là các sứ thần, với số lượng bài thơ và
tập thơ phong phú, do tính thống nhất về đề tài, chủ đề, tư tưởng, do quá trình hình thành
56
Vài nét về sự hình thành, phát triển và đặc điểm của thơ đi sứ
và phát triển gắn liền với quá trình bang giao đi sứ nên thơ sứ trình thường được xem là
một dòng riêng có sự đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện diện mạo thơ ca trung
đại Việt Nam. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa như hiện nay các thế lực thù địch luôn tìm
cách chống phá đất nước ta. Hơn bao giờ hết bên cạnh một chính sách đối nội tiến bộ để
yên lòng dân, cần phải quán triệt chính sách đối ngoại vừa mềm mỏng khôn khéo để thiết
lập quan hệ hòa hảo vừa cương quyết cứng rắn để dập tắt âm mưu xâm lược đất nước ta
của các thế lực thù địch. Tìm hiểu về thơ đi sứ là một việc làm quan trọng để chúng ta
hiểu hơn về bản lĩnh, khí phách, sự dũng cảm mưu lược và khôn khéo của ông cha ta trong
cuộc đấu tranh ngoại giao dựng nước và giữ nước. Từ đó rút ra bài học bổ ích trên mặt
trận đàm phán để bảo vệ được hòa bình độc lập chủ quyền lãnh thổ, khẳng định được bản
lĩnh khí phách dân tộc đồng thời duy trì mối quan hệ bang giao lâu đời giữa hai dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Phương Bình, Phạm Thiều, 1993. Thơ đi sứ. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[2] Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), 1981. Văn học Việt Nam trên chặng đường chống phong
kiến Trung Quốc xâm lược. Viện Văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[3] Trần Văn Giáp, 1971. Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1. Nxb Khoa học Xã hội,
Hà Nội.
[4] Nguyễn Thế Long, 2001. Chuyện đi sứ tiếp sứ thời xưa. Nxb Văn hóa thông tin Hà
Nội.
[5] Đỗ Thu Thủy, 2010. Thơ sứ trình Việt Nam từ thời Lê Cảnh Hưng đến hết thời Gia
Long (1740 – 1820). http: //vienvanhoc.org.vn
[6] Wu Zai Zhao (Vu Tại Chiếu), 2006. Thơ bang giao chữ Hán Việt Nam trong sự giao
lưu văn hóa Việt Nam và Trung Quốc trên lịch sử trung đại. Hội thảo quốc tế (Văn học
Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế), Viện Văn học.
ABSTRACT
The general formation, development and characteristics of Envoy poetry
The first article presents only the origin of formation and development of Envoy
poetry that is associated with diplomatic missions to China, the poetry lasting from the
tenth through nineteenth century. On Monday the content writers pointed out differences
in the poetry of Envoy Tran, Le, Tay Son and Nguyen Dynasty, eventually generalizing
the common characteristics of the poetry in four basic aspects: poems written about nat-
ural history; poetry about diplomatic enemies, poems giving practical advice, and poems
recording the feelings of the poet.
57