Tóm tắt. Hồ Anh Thái hiện đang là một trong những cây bút có sức lôi cuốn độc
giả mạnh mẽ. Truyện ngắn Hồ Anh Thái hấp dẫn ở chi tiết. Chi tiết vừa tạo “không
khí”, vừa tạo tình huống, vừa bộc lộ nội dung, vừa dẫn dắt mạch truyện. Chi tiết đã
làm nên “sức sống” cho truyện ngắn của Hồ Anh Thái. Tạo ra vai trò “toàn năng”
của chi tiết, Hồ Anh Thái đã tạo nên cấu trúc mới cho thể loại truyện ngắn, cũng là
đóng góp của ông vào việc đổi mới văn học Việt Nam.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 240 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn Hồ Anh Thái, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 6, pp. 85-90
VAI TRÒ CỦA CHI TIẾT TRONG TRUYỆN NGẮN HỒ ANH THÁI
Hỏa Diệu Thúy
Trường Đại học Hồng Đức
E-mail: thuyhoadieu@gmail.com
Tóm tắt. Hồ Anh Thái hiện đang là một trong những cây bút có sức lôi cuốn độc
giả mạnh mẽ. Truyện ngắn Hồ Anh Thái hấp dẫn ở chi tiết. Chi tiết vừa tạo “không
khí”, vừa tạo tình huống, vừa bộc lộ nội dung, vừa dẫn dắt mạch truyện. Chi tiết đã
làm nên “sức sống” cho truyện ngắn của Hồ Anh Thái. Tạo ra vai trò “toàn năng”
của chi tiết, Hồ Anh Thái đã tạo nên cấu trúc mới cho thể loại truyện ngắn, cũng là
đóng góp của ông vào việc đổi mới văn học Việt Nam.
Từ khóa: Hồ Anh Thái, chi tiết, truyện ngắn, vai trò, cấu trúc.
1. Mở đầu
Nhà văn Nguyễn Công Hoan - một bậc thầy về truyện ngắn quan niệm: “Truyện
ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt
chẽ và bằng thái độ với cách đặt câu dùng tiếng có cân nhắc” (Một số kinh nghiệm viết
truyện ngắn). Các cây bút truyện ngắn tên tuổi đều khẳng định: truyện ngắn “sống” bằng
chi tiết.
Đọc truyện ngắn Hồ Anh Thái người ta rất khó hình dung ra cốt truyện, những cốt
truyện “dây cà ra dây muống”, những cốt truyện là những dòng suy nghĩ, tranh biện miên
man, bù lại, những chi tiết lại gây ấn tượng rất mạnh. Người ta có thể quên cốt truyện,
không nhớ hết cốt truyện nhưng lại rất nhớ chi tiết, thích thú và thán phục tác giả ở chi
tiết. Chi tiết quả đã làm nên “sức sống” cho tác phẩm của Hồ Anh Thái.
2. Nội dung nghiên cứu
Chi tiết nghệ thuật, theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi chủ biên) là “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc
và tư tưởng. Có chi tiết nghệ thuật chỉ đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề cho cốt
truyện phát triển thuận lợi và hợp lý, nhưng cũng có chi tiết nghệ thuật thể hiện tập trung
cho cấu tứ của tác giả. Các chi tiết này thường được tác giả nhấn mạnh, tô đậm, lặp lại
bằng nhiều biện pháp khác nhau” [4].
Với truyện ngắn Hồ Anh Thái, chi tiết đã được khai thác và thể hiện đến tuyệt đối
vai trò trong tổ chức và kiến tạo tác phẩm. Giống như các ô hình trong trò chơi Rubích,
tác giả đã chơi trò biến hình bằng các “ô” chi tiết.
85
Hỏa Diệu Thúy
2.1. Chi tiết mở đầu với vai trò tạo “không khí” cho thiên truyện
Một tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng tạo nên một thế giới riêng, một
“không khí” riêng. Thế giới riêng hay không khí riêng của truyện ngắn Hồ Anh Thái
thường được gợi ra ngay từ chi tiết mở đầu. Tuy nhiên, qua khảo sát, trong hàng trăm cách
mở truyện của tác giả, chúng tôi nhận thấy chi tiết mở đầu tạo “không khí” truyện của Hồ
Anh Thái thường hình thành theo một số dạng thức sau: dạng thứ nhất, mở đầu bằng một
chi tiết có vẻ rất vu vơ, chẳng đâu vào đâu, thậm chí chẳng mấy gắn kết với cốt truyện.
Chẳng hạn mở đầu truyện Hàng xóm ở Seattle là chi tiết về ngôi nhà trọ bồng bềnh giống
như một cái phao của “tôi” - nhân vật người kể chuyện; mở đầu truyện Cánh võng không
người là chi tiết về cảnh “mùa xuân mới qua” và tâm trạng bực dọc cũng của nhân vật
“tôi” – người kể chuyện; chi tiết cảm thán về “Cửa ngõ nước Mỹ nắng chang chang. Nắng
mật ong vàng...” trong truyện ngắn Tờ khai vi sa; hoặc các chi tiết mở đầu các truyện:
Bóng ma trên hành lang, Mây mưa mau tạnh, Món tái dê, Ngủ trên ghế bằng... “Không
khí” của các truyện được mở bằng chi tiết có vẻ ngẫu hứng này vừa giống như một cái
“bẫy”, “đánh lừa” cảm giác người đọc do diễn biến cốt truyện không “logic” với chi tiết
mở đầu về “không khí” nên tạo được sự bất ngờ, thú vị; vừa tạo được tâm thế vô tư, khách
quan. Mạch trần thuật cứ đủng đỉnh, cứ la cà, cứ chuyện nọ xọ chuyện kia theo kiểu “buôn
dưa lê”, nhưng tác giả đã dẫn người đọc vào những ngóc ngách của hiện thực đời sống từ
lúc nào.
Dạng thứ hai, ngược lại với dạng trên, chi tiết mở đầu chứa đựng ngay xung đột
và tư tưởng truyện. Người đọc được “nhập cuộc” một cách rốt róng. Ở dạng này, tiêu đề
truyện nhiều khi được tham gia ngay vào chi tiết mở đầu. Chẳng hạn, ở truyện ngắn Chơi,
chơi – tên truyện gắn liền với chi tiết mở đầu. Một nhóm dân “chơi” – chủ yếu là chơi
ăn nhậu, ngồi quanh nồi bún ốc và phát kiến ra một trò chơi độc đáo: “sao chúng mình
không ra một tờ báo nhỉ”. Cả bọn đồng thanh hưởng ứng và thế là một tờ báo đã được khai
sinh nhờ hương vị của nồi bún ốc. Tình thế truyện đã được tạo ra và người đọc đã có thể
hình dung được số phận cũng như chất lượng của tờ báo ấy. Truyện ngắn Cây hoàng lan
hóa thành cây si mở đầu bằng chi tiết “Mẹ càng gần đến tuổi về hưu thì bao nhiêu duyên
dáng đang lặn vào trong bong hết ra ngoài, thoáng nhìn lại tưởng đàn bà hồi xuân tuổi bốn
mươi (...) Em gái tôi thông ngôn tiếng Anh bảo mẹ charming & attractive, ngày càng hấp
dẫn và quyến rũ”. Chi tiết mở đầu này đã đưa độc giả nhập ngay vào tình huống đã được
tiêu đề gợi mở “cây hoàng lan hóa thành cây si” và mạch truyện là những tình tiết thể
hiện những tình huống “hóa thân” thú vị ấy. Ở truyện ngắn Nham! người đọc cũng được
đưa ngay vào tình thế gây tò mò: câu chuyện liên quan đến bất đồng ngôn ngữ chẳng? về
lỗi sai sót trong dùng từ chăng? chuyện gì? Chi tiết mở đầu cũng là tình huống truyện,
hóa ra, đó là một cuộc “chát chít” trên mạng và họ nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ không
dấu. Cùng một lúc người đọc bị kích thích ít nhất bởi hai sự tò mò: hai kẻ kia chúng đang
“chát” chuyện gì và hiệu ứng của thứ ngôn ngữ không dấu kia là thế nào?
Nhìn chung, “không khí” trong những truyện có chi tiết mở đầu đi thẳng vào tình
huống truyện thường rơi vào các trường hợp sau: sự kiện quá “đặc biệt” (Người đứng một
chân, Chuyện cuộc đời Đức Phật, Đi khỏi thung lũng mới đến nhà...); hoặc chuyện “lạ
86
Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn Hồ Anh Thái
đời”, khó tin (Vẫn tin vào chuyện thần tiên, Chạy quanh công viên mất một tháng...) hoặc
những vấn đề gây “bức xúc” cần phê phán, giễu nhại (Tin thật lòng, Ai là quỷ dữ, Chim
anh chim em, Nham!, Cứu tinh, Cả một dây theo nhau đi). Song, đôi khi chỉ là một cuộc
thử nghiệm cấu trúc (Sắp đặt).
Dạng thứ ba, chi tiết mở đầu là một diễn giải, một bình luận, nhận xét, có khi là
ngẫm ngợi, suy tư, triết lý của người kể chuyện hoặc nhân vật “tôi” trong truyện về một
vấn đề nào đó. Chẳng hạn, truyện Người Ấn chi tiết mở đầu là nhận xét của “tôi”, người
kể chuyện về người Ấn; truyện Trại cá sấu chi tiết mở đầu giải thích kèm bình luận về tiêu
đề truyện; chi tiết mở đầu truyện Phòng khách là những diễn giải về “phòng khách của tôi
là trường đại học của tôi”... Cách mở truyện này đã gợi không khí triết lý, tranh luận, đối
thoại ngay từ đầu bởi phần lớn những truyện ấy đều có xu hướng gợi ra những vấn đề cần
đối thoại. Ở những truyện này, chi tiết truyện dường như cũng mang tính tượng trưng, trừu
tượng hơn là cụ thể. Thêm nữa, các chi tiết cũng không nằm trong một đường dây mạch
truyện cụ thể mà tản mát, lắp ghép, võ đoán, đúng với tinh thần của chiêm nghiệm, suy
tư, đối thoại.
Còn có các dạng thức khác, khó mà khuôn hết những cách tác giả tạo không khí
cho thiên truyện thông qua chi tiết mở đầu. Hơn nữa, “không khí” truyện sẽ còn tiếp tục
được nuôi dưỡng trong suốt quá trình phát triển của mạch truyện. Tuy nhiên, thao tác trên
đây nhằm làm sáng tỏ: truyện ngắn Hồ Anh Thái luôn tạo được “không khí” và không khí
ấy thường bắt đầu ngay từ chi tiết mở đầu tác phẩm.
2.2. Chi tiết đóng vai trò của tình huống truyện
“Tình huống” hay “tình thế” vẫn được xem là yếu tố quyết định sự ra đời của một
truyện ngắn. Tình huống/ tình thế được coi là điểm lóe sáng, là “huyệt” của một truyện
ngắn. Vì vậy, không phải là không có lý khi cho rằng, thủ thuật của truyện ngắn chính là
“điểm huyệt”.
Thủ thuật “điểm huyệt” ở truyện ngắn Hồ Anh Thái, nhiều khi không thuộc về tình
huống/ tình thế mà nằm ở chi tiết với hai khả năng, hoặc chi tiết và tình huống nhập làm
một, hoặc tình huống/ tình thế chỉ là cái “vỏ”, cái cớ, chi tiết mới là cốt lõi, là “huyệt
điểm” có khả năng làm rung động “cơ thể truyện”.
Chi tiết “nhập vai”tình huống truyện: Trường hợp chi tiết trở thành tình huống
hoặc tạo nên tình huống khi chi tiết lột tả hoặc chứa đựng tư tưởng chủ đề thiên truyện.
Thông thường chi tiết chỉ đóng vai trò tham gia xây dựng tình huống truyện. Một tình
huống thường phải tạo nên từ nhiều chi tiết. Tuy nhiên ở truyện ngắn Hồ Anh Thái có
thể bắt gặp chi tiết có vai trò như một tình huống hoặc thực hiện chức năng như một tình
huống. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Những cuộc kiếm tìm, chi tiết mở đầu là nhóm thanh
niên rủ nhau đi bơi thuyền, khi đăng ký thuyền họ mới phát hiện ra tình thế: họ có hai đôi,
lẻ một người, - Tại sao đến giờ chúng mình vẫn không chịu tìm cho anh Kim một cô bạn
gái nhỉ? Chẳng khác gì giọt dầu rơi vào tổ kiến lửa, cả bốn cặp mắt cùng lúc đổ dồn vào
tôi, và một cuộc bàn cãi tóa ra...”. Như vậy, chi tiết phát hiện và đi đến quyết định kiếm
tìm “nửa kia” cho nhân vật Kim đã trở thành tình huống, tình thế của thiên truyện, tạo
87
Hỏa Diệu Thúy
nên mạch truyện “những cuộc kiếm tìm”. Ở đây, chi tiết đã trở thành tình huống truyện.
Những chi tiết, như: chi tiết “đến muộn” trong truyện ngắn cùng tên, chi tiết câu hát lỗi
nhịp trong truyện ngắn Câu hát năm xưa, chi tiết đứng một chân - tư thế của thần Siva
trong truyện Người đứng một chân... đều có khả năng “nhập vai” trở thành tình huống
truyện. Ở truyện Nham! còn có một điều đặc biệt khác: Truyện duy nhất chỉ có một chi
tiết và chi tiết ấy đồng thời là tình huống truyện, chi tiết về cuộc đối thoại mà ngôn ngữ
mạng gọi là “chát” qua mạng. Truyện Sắp đặt cũng có cấu trúc lạ ấy, chi tiết về một sự
sắp đặt cũng đã trở thành tình huống truyện của Sắp đặt.
Truyện mà chi tiết “nhập vai” tình huống, trở thành tình huống thường có mạch
truyện chảy nhanh do tình huống được tập trung vào một chi tiết nên truyện ít nhánh
mạch, đây cũng là cách để Hồ Anh Thái thử nghiệm những hình thức cấu trúc độc đáo.
Tình huống chỉ là “vỏ”, chi tiết mới là “lõi”, mới đích thực là “huyệt điểm”:
Ngược lại với kiểu tình huống trên là kiểu tình huống xuất phát từ một ý tưởng, một vấn
đề hoặc một thực trạng nào đó của cuộc sống. Dường như đây cũng là kiểu truyện ngắn
rất đặc trưng của Hồ Anh Thái. Tác giả muốn “xông” vào thực tiễn, cái thực tiễn thời “mở
cửa” với muôn vàn những giá trị cần xây dựng lại, tổ chức, sắp xếp lại. Có những vấn đề
gây tranh cãi và không dễ phân định đúng sai, những thực trạng đậm chất bi – hài... Hiện
thực đó là mảnh đất màu của truyện ngắn song cũng là “lửa” để thử thách bản lĩnh ngòi
bút. Truyện có tình huống xuất phát từ ý tưởng giống như một cái túi, một chiếc hộp, một
cái lọ để “nhốt” chi tiết. Tình huống truyện khi ấy chỉ là cái “vỏ”, mọi bí mật nằm ở bên
trong, thuộc về những chi tiết. Điều đáng nói là, giống như cái túi, chiếc hộp của ảo thuật
gia, cái lọ của thầy phù thủy có thể chứa rất nhiều, rất nhiều vật. Tình huống “ý tưởng”
cũng có khả năng “chứa” hoặc hiển thị nhiều chi tiết. Sức chứa ấy hoàn toàn phụ thuộc
vào sự cao tay của nhà ảo thuật - thầy phù thủy - nhà văn, người sẽ tổ chức, sắp xếp, cấu
trúc tình huống truyện. Hồ Anh Thái tỏ ra là một kẻ ưa la cà, cũng là một ảo thuật gia
táo bạo. Anh ta “nhốt” chung và lôi từ trong cái túi “tình huống” của mình ra đủ thứ, từ
nghiêm túc đến hài hước, từ lãng mạn đến tự nhiên, từ cao sang đến tầm thường, thô tục
v.v... Thử khảo sát một vài truyện: Truyện Sân bay là truyện có tình huống ý tưởng. Tình
huống ở sân bay với những lo lắng không biết mình có bị phá ngang hay không, có đi trót
lọt được hay không chỉ là cái cớ để nhân vật người kể chuyện, cũng là nhân vật “tôi” nói
những chuyện “trên trời dưới đất” xung quanh việc xuất cảnh và cả những việc chẳng liên
quan gì đến xuất cảnh. Độc giả “được”/“bị” chứng kiến thông qua những chi tiết cụ thể,
sống động những “cảnh”, những “màn”, những “chiêu” mà người ta dùng để “chơi” nhau,
hại nhau trong cái giới được coi là “trí thức”, công chức thời hiện đại. Như vậy, ý tưởng về
tình huống ở sân bay chỉ là cái “vỏ”, để tác giả “nhét” vào đó cái “lõi”, cái “ruột” là những
chi tiết của đời sống thời hiện tại. Truyện Phòng khách cũng xuất phát từ ý tưởng - tình
huống: dùng “phòng khách”, thông qua “phòng khách”, một phòng khách rất sang trọng
– nơi tụ họp của những “bậc” sang trọng trong xã hội để phơi ra chân tướng, bản chất thật
của một đám những kẻ khoác áo trí thức, doanh nhân, chính khách, nhà khoa học, song
thực chất chỉ là những kẻ cơ hội, cầu cạnh, hám danh, hám lợi, thậm chí cốt cách rất tầm
thường, bẩn thỉu. Những chi tiết dở khóc dở cười, nửa đùa nửa thật đã “lột trần” sự thật về
một “đẳng cấp” lâu nay vẫn được phong và tự phong là tầng lớp “tinh hoa” của xã hội.
88
Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn Hồ Anh Thái
Như vậy, rõ ràng là, các tình huống ở Sân bay hay Phòng khách đều không gợi lên
cái gì cả, không hé lộ điều gì cả, không khí truyện chỉ được mở ra khi các chi tiết xuất
hiện. Điều lạ là, các chi tiết gây ấn tượng nhất, làm cho truyện trở nên sinh động nhất lại
không thuộc về “sân bay” hay “phòng khách” mà là thế giới phía sau không gian đó, thế
giới của nhân cách con người.
Những truyện nhưDiễn, Cánh võng không người, Thi nhân, Mảnh vỡ đàn ông, Bóng
ma trong hành lang... nằm trong xu hướng truyện “tình huống ý tưởng” này.
2.3. Chi tiết có cấu trúc “kép”và khả năng dẫn dắt mạch truyện
Chi tiết có cấu trúc “kép” được coi là kiểu chi tiết đặc thù trong truyện ngắn Hồ
Anh Thái. Tác giả dường như cũng là một tính cách tò mò và năng động, thích phân tích,
khám phá và giàu có vốn sống nên trước mỗi sự việc, hiện tượng, tất cả các giác quan đều
được đánh thức để hướng tới đối tượng. Đó là lý do khiến các chi tiết trong sáng tác của
cây bút này thường là kết quả hội tụ của nhiều giác quan, nhiều trạng thái cảm xúc, điều
này đã tạo nên kiểu chi tiết có cấu trúc “kép” hoặc cấu trúc “chùm”. Có thể hình dung,
chi tiết trong tác phẩm của Hồ Anh Thái giống tính năng của một quả cầu nên có sức hội
tụ và sức phản chiếu rất phong phú. Tác giả thường sử dụng một số thủ thuật tiêu biểu sau
để tạo ra kiểu chi tiết có cấu trúc “kép”: dùng phép liên tưởng, so sánh tạt ngang; dùng
bình luận, nhận xét, trữ tình ngoại đề, dùng tiếng lai kèm với giải thích, xen đối thoại v.v...
Dĩ nhiên, không hoàn toàn có sự rạch ròi trong việc vận dụng các thủ thuật mà luôn có sự
phối hợp linh hoạt khiến chi tiết hiện ra rất sống động.
Cấu trúc kép của chi tiết khiến mạch truyện chảy trong sự lan tỏa, với những thông
tin đa dạng, tiềm ẩn, có sức khơi gợi, dự báo. Chẳng hạn, trong truyện Những cuộc kiếm
tìm, tác giả đưa ra một chi tiết về nhân vật cô “tiểu thư” A Li: “Cô gái giật mình một cái
rất kịch trước khi quay lại, rồi mở tròn cặp mắt to, tỏ ý mừng rỡ một cách thái quá: - Úi
giời, thế á? Li đang mải nhìn đôi vành khuyên trên cây muỗm. Hai con chim xinh lắm,
trông yêu ơi là yêu nhớ. Hạnh nhìn này, cái đơ-rét mặc trong nhà này có vừa không? Ba Li
mới mua khi về qua Thái Lan đấy...”. Trong chi tiết này có hàng loạt “chi tiết – tình thế”:
chi tiết về cái giật mình “rất kịch” của cô gái; chi tiết về cặp mắt to “mở tròn” ngạc nhiên
“thái quá” của cô ta. Lời thoại của cô gái còn chứa một loạt dấu hiệu của “chi tiết”: đôi
vành khuyên trên cây muỗm, cây muỗm, cái đơ-rét, ba của ALi, Thái Lan... Tuy nhiên,
khó mà gọi chi tiết trên đây là “tình tiết” bởi tình tiết có tính chất của “trường đoạn”, của
“lớp”, “cảnh” (Từ điển thuật ngữ). Chi tiết trên diễn tả một sự việc xảy ra trong tích tắc
thực tế, nó được kéo dài bằng các thủ thuật phản ánh của tác giả và kể cả trong sự kéo dài
này nó vẫn là một chi tiết với đúng nghĩa là “tiểu tiết của tác phẩm”, song “sức chứa về
cảm xúc và tư tưởng” của chi tiết này lại rất lớn. Chi tiết vừa tái hiện sống động chân dung
tính cách của một “tiểu thư” “học đòi bắt chước tiểu thư”, đúng hơn là một tính cách trí
trá, ưa hình thức, vừa hé lộ về một môi trường gia đình “trưởng giả học làm sang”, giàu
có “mới phất” nhờ một sự may rủi nào đấy. Chi tiết này còn được liên kết với một loạt chi
tiết tiếp theo nhằm “lột trần” một kiểu người và một kiểu gia đình “tư sản đời mới” trong
xã hội Việt Nam thời mở cửa.
89
Hỏa Diệu Thúy
Trong truyện ngắn Phòng khách, người đọc lại bắt gặp một kiểu chi tiết rất lạ, chi
tiết dường không có bắt đầu và cũng khó biết kết thúc. Nói đúng hơn, đó là một chi tiết
khổng lồ, bản thân chi tiết tạo ra một mạch truyện. Phòng khách có nhiều chi tiết như vậy.
Chẳng hạn, chi tiết “ông sử” mỗi lần uống xong lại bỏ cái ly vào túi quần tạo ra mạch
truyện về bộ ly sáu chiếc còn một; chi tiết về cô người Mỹ với lời giới thiệu “em người Mỹ
nhưng em tên là Hồng” được láy lại nhiều lần mở ra mạch truyện về cô người Mỹ thích
lấy chồng Việt, thích lối sống sinh hoạt của người Việt v.v... Chi tiết trong chi tiết, tình
tiết trong tình tiết, tình huống trong tình huống, cấu trúc kép được coi là cấu trúc đặc thù
trong kết cấu cốt truyện của Hồ Anh Thái và nó được vận dụng như một nguyên tắc để tổ
chức và dẫn dắt truyện. Đây chính là nguyên nhân cơ bản tạo nên kiểu cốt truyện lỏng lẻo,
“dây cà ra dây muống”, rất khó nắm bắt của truyện ngắn Hồ Anh Thái. Tuy nhiên, đây là
sự lỏng lẻo có nguyên tắc và sự rườm rà có hệ thống, cũng có thể xem đây là sự phá cách
trong cấu trúc tổ chức cốt truyện của cây bút này.
3. Kết luận
Tạo ra vai trò “toàn năng” của chi tiết, Hồ Anh Thái đã tạo nên diện mạo mới cho
cấu trúc thể loại của truyện ngắn. Cái lạ trong những chi tiết của truyện ngắn Hồ Anh Thái
không chỉ ở nội dung hiện thực phản ánh mà còn ở cách tổ chức chi tiết. Đây là kết quả
của tài quan sát, khả năng nắm bắt, chọn lọc, cùng với vốn sống, vốn tri thức của một nhà
văn hóa. Song, có lẽ, trên hết vẫn là tình yêu văn chương và khát vọng sáng tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Huy Bắc, 2003. Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[2] Nxb Đà Nẵng.Trịnh Bá Đĩnh, 2011. Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học. Nxb Hội Nhà
văn.
[3] Nxb Hội Nhà văn. J.Francois Lyotard, 2008. Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên
dịch). Nxb Tri thức.
[4] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), 2000. Từ điển thuật ngữ văn
học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[5] Hồ Anh Thái, 1998. Tiếng thở dài qua rừng kim tước. Nxb Văn học.
[6] Hồ Anh Thái, 2004. Bốn lối vào nhà cười.
[7] Hồ Anh Thái, 2005. Sắp đặt và diễn.
[8] Hồ Anh Thái, 2005. Tự sự 265 ngày. Nxb Hội Nhà văn.
[9] Hồ Anh Thái, 2006.Mảnh vỡ của đàn ông. Nxb Đà Nẵng.
ABSTRACT
Details in the short stories of Ho Anh Thai
Ho Anh Thai is a charismatic writer and his short stories are peppered with details.
Such details create the situation and are used to develop the storyline and they give life to
the short stories of Ho Anh Thai. With his presentation of ‘omnipotent’ information, Ho
Anh Thai has created a new structure for the short story and contributed to the innovative
literature genre in Vietnam.
90