Tóm tắt
Công nghệ thông tin là một trong những ngành mũi nhọn của xã hội hiện đại. Sự
phát triển công nghệ thông tin cùng với sự phát triển của Internet gần đây đã làm thay
đổi toàn diện, mạnh mẽ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, công nghệ thông
tin và Internet đã đi sâu vào đời sống kinh tế - xã hội và đang tỏ rõ vai trò quan trọng
của mình trong một số lĩnh vực, trong đó có giáo dục đại học. Bài viết sau khi trình bày
khái lược về công nghệ thông tin và Internet sẽ đi sâu phân tích một số vai trò cơ bản
của công nghệ thông tin và Internet trong các trường đại học ở Việt Nam.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 337 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò của công nghệ thông tin và internet trong các trường đại học ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
165
VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ INTERNET
TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM
ThS. Nguyễn Thị Hương
Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định
Tóm tắt
Công nghệ thông tin là một trong những ngành mũi nhọn của xã hội hiện đại. Sự
phát triển công nghệ thông tin cùng với sự phát triển của Internet gần đây đã làm thay
đổi toàn diện, mạnh mẽ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, công nghệ thông
tin và Internet đã đi sâu vào đời sống kinh tế - xã hội và đang tỏ rõ vai trò quan trọng
của mình trong một số lĩnh vực, trong đó có giáo dục đại học. Bài viết sau khi trình bày
khái lược về công nghệ thông tin và Internet sẽ đi sâu phân tích một số vai trò cơ bản
của công nghệ thông tin và Internet trong các trường đại học ở Việt Nam.
1. Khái lược về công nghệ thông tin và Internet
Công nghệ thông tin (Information Technology) là thuật ngữ dùng để chỉ các
ngành khoa học và công nghệ liên quan đến thông tin và các quá trình xử lý thông
tin gồm tri thức, sự kiện, số liệu âm thanh, hình ảnh. Vì vậy, công nghệ thông tin là
hệ thống các phương pháp khoa học, công nghệ, phương tiện, công cụ, bao gồm
chủ yếu là các máy tính, mạng truyền thông và hệ thống các kho dữ liệu nhằm tổ
chức, lưu trữ, truyền dẫn và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn thông tin
trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Tuy khái
niệm thông tin rất phổ biến trong đời sống con người nhưng những nội dung khoa
học chung nhất về thông tin và quá trình thông tin mới chỉ được bắt đầu được
nghiên cứu từ giữa thế kỷ XX. Ở Việt Nam, khái niệm công nghệ thông tin được
hiểu và định nghĩa trong Nghị quyết 49/NĐ-CP ký ngày 04/08/1993 về phát triển
công nghệ thông tin của Chính phủ Việt Nam, như sau: “Công nghệ thông tin là tập
hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại - chủ
yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu
quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực
hoạt động của con người và xã hội”.
Internet là một danh từ dùng để chỉ hệ thống các mạng máy tính toàn cầu,
mạng của các mạng, giúp cho người sử dụng ở bất kỳ máy tính nào cũng có thể truy
cập tới thông tin tại các máy tính khác và có thể đối thoại trực tiếp với người sử dụng
trên đó. Có thể nói, Internet đã và đang làm thay đổi rất nhiều hoạt động thường nhật
của người dân cũng như các công tác của các tổ chức lớn, nhỏ. Internet giờ đây là
một phương tiện phổ biến giúp hàng trăm triệu người trên toàn thế giới có thể kết nối
166
với nhau. Về cơ sở vật chất, Internet sử dụng một phần hệ thống mạng thông tin viễn
thông công cộng. Về mặt công nghệ, Internet sử dụng giao thức có tên là TCP/IP là
giao thức điều khiển truyền thông. Để thích ứng, các mạng nội bộ và mạng bên ngoài
cũng sử dụng giao thức này. Lúc mới bắt đầu có 4 dịch vụ Internet gồm: thư điện tử,
truy cập cơ sở dữ liệu, truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa. Đến nay Internet Việt Nam
trở nên đa dạng về hình thức và số lượng. ADSL,VoIP,Wifi, Internet công cộng và
các dịch vụ gia tăng trên mạng khác như: video, forum, chat, game online Internet
có tính hấp dẫn ở mức độ nhất định khiến đầu tư vào lĩnh vực này được nhiều thành
phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư ở những hình thức, phương pháp
khác nhau như: khai thác dịch vụ đầu cuối, dịch vụ ứng dụng trên mạng, dịch vụ truy
nhập Internet tốc độ cao. Người sử dụng Internet có thể đối thoại với người sử dụng
khác trên mạng và đối thoại có âm thanh và hình ảnh thông qua những thiết bị ngoại
vi tân tiến. Dịch vụ được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất trên Internet là World
Wide Web viết tắt là WWW, đây là kỹ thuật truyền tin siêu văn bản và là một
phương thức tham khảo chéo được sử dụng rộng rãi để truyền tin trên mạng. Khi vào
trang Web ta có thể tìm kiếm được thông tin khác nhau và khối lượng thông tin rất
lớn, bao gồm tất cả các thể loại tin từ tin tức kinh tế, xã hội, đến các lĩnh vực y tế, âm
nhạc, thể thao, phim truyện Trong hệ thống giáo dục ở các quốc gia trên thế giới
cũng như ở Việt Nam, công nghệ thông tin đã được chính thức tích hợp vào chương
trình học. Người ta đã nhanh chóng nhận ra rằng nội dung về công nghệ thông tin đã
có ích cho tất cả các môn học khác. Với sự ra đời của Internet, các kết nối băng
thông rộng tới tất cả các cơ sở đào tạo, áp dụng của kiến thức, kỹ năng và hiểu biết
về công nghệ thông tin trong các môn học đã trở thành hiện thực.
2. Một số vai trò cơ bản của công nghệ thông tin và Internet trong các
trường đại học
Thứ nhất: tạo ra một mô hình và phương pháp học tập mới trong các trường
đại học. Một trong những mô hình đào tạo mới áp dụng công nghệ thông tin và
Internet trong các trường đại học hiện nay là E-Learning. Đào tạo trực tuyến E-
Learning bao hàm bất cứ hình thức dạy hay học được thực hiện bởi hệ thống mạng
máy tính, có thể là hệ thống mạng cục bộ (LAN) hay mạng Internet toàn cầu. Học
trực tuyến cung cấp cho học viên sự kết hợp hoàn hảo của ba hình thức học qua
nghe, nhìn và sự chủ động. Trên thực tế, đào tạo qua mạng và đào tạo truyền thống
đều có những vai trò nhất định không xung đột với nhau. Đào tạo qua mạng giúp mở
rộng số lượng học viên được tiếp cận và lựa chọn đa dạng vì lý do linh hoạt về thời
gian và không gian của cả giảng viên lẫn học viên. Ứng dụng công nghệ thông tin và
Internet trong đào tạo là sự lựa chọn mang tính hợp tác, hỗ trợ cho hoạt động đào tạo
phát triển chứ không thay thế hoặc giảm đi tầm quan trọng của đào tạo truyền thống.
167
Nó là công cụ tăng khả năng cung cấp và kích thích những nhu cầu đối với hoạt
động đào tạo. Khi tham gia học trực tuyến, người học sẽ tiết kiệm được chi phí
đào tạo từ việc trả lương cho giảng viên, chi phí thuê phòng học, chi phí ăn, ở, đi
lại cho học viên.
Một mô hình đào tạo trực tuyến thường có 3 thành phần chính là người học, hệ
thống quản lý trực tuyến và nhà sản xuất sản phẩm đào tạo (học liệu). Người học
thông qua hệ thống quản lý để truy cập tới bài học. Nhà sản xuất là các cá nhân, tổ
chức tạo ra các bài học, còn hệ thống quản lý thì quản lý người học và bài học.
Ở Việt Nam hiện nay, các trang Web cung cấp dịch vụ E-Learning đang ngày
càng phát triển, đây là một hướng đi tất yếu phù hợp với xu hướng đào tạo trên thế
giới. Công nghệ đã làm thay đổi thói quen dạy và học, mang lại những bước tiến cho
toàn cảnh giáo dục của mỗi quốc gia. Việc ứng dụng Internet và công nghệ thông tin
vào trường đại học không xuất phát từ nhu cầu phải có công nghệ thông tin mà là từ
mong muốn thay đổi cách làm việc hiện tại.
Thứ hai: hỗ trợ công cụ cho các hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức
chuyên môn trong giáo dục và đào tạo. Khi sử dụng công nghệ thông tin và Internet
là phương tiện nền tảng cho các hoạt động đào tạo, các trường đại học có điều kiện
kiểm soát các hoạt động nghiệp vụ tốt hơn ở cả hai phương diện là quản lý nghiệp vụ
đối với công tác tổ chức điều hành (quản lý bên trong) và quản lý nghiệp vụ đối với
giao tiếp, giám sát thông tin công cộng (quản lý bên ngoài).
Đối với khả năng quản lý bên trong, người quản lý thông qua công cụ trợ giúp,
là chương trình nghiệp vụ đã được quy trình hóa, chương trình phần mềm điều hành
tác nghiệp và hệ thống mạng liên lạc thực hiện, việc chỉ đạo, theo dõi tiến độ, chất
lượng chuyên môn không còn phụ thuộc vào hoạt động chủ quan của mỗi vị trí lao
động trong bộ máy tổ chức. Ứng dụng công nghệ thông tin và Internet chỉ rõ từng
nhiệm vụ phải làm gì, với yêu cầu như thế nào, trong bao lâu, trách nhiệm theo từng
mức độ và những mối liên quan cụ thể. Khả năng điều hành trên toàn hệ thống bộ
máy tổ chức không những chính xác, đồng bộ, kịp thời mà còn đáp ứng nhanh nhạy
những thay đổi trong quá trình xử lý tình huống đột xuất, bí mật chuyên môn. Một
yếu tố khác của các ứng dụng công nghệ là tính lưu trữ và thống kê. Đây là nhân tố
cơ sở trong việc ra quyết định, công tác xây dựng kế hoạch hành động, xác lập chiến
lược và hiệu chỉnh chu trình nghiệp vụ. Các thông tin lưu trữ và truyền thông qua
mạng Internet là nguồn số liệu quan trọng để phân tích, đánh giá các hoạt động trong
quá khứ.
Yếu tố chính khiến công nghệ thông tin và Internet trở nên quan trọng đối với
công tác điều hành là khả năng phục vụ trên quy mô lớn, khả năng giao tiếp linh hoạt, đa
168
dạng. Việc mọi cá nhân và tổ chức đều tham gia kết nối mạng, mọi hoạt động nghiệp vụ
đều được lưu nhật ký tạo nên những bằng chứng cụ thể cho các hoạt động giám sát
nghiệp vụ chuyên môn và tác nghiệp điều hành của các cấp quản lý. Tính tức thời giảm
độ trễ cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực trong việc giám sát thực thi trong công tác điều hành
với mọi không gian, thời gian đặt ra.
Với ưu thế là sử dụng công nghệ cao, xử lý thông minh và được quy trình hóa,
công nghệ thông tin và Internet đem lại khả năng an toàn, bảo mật so với các phương
pháp bảo mật giấy tờ. Cụ thể là khả năng phân cấp thông tin quản lý, điều hành, khả
năng mã hóa an ninh, khả năng bảo quản trong điều kiện lâu dài. Đó cũng là những
điều kiện quan trọng giúp cho công tác tổ chức quản lý chính xác và tin cậy hơn.
Thứ ba: Công nghệ thông tin và Internet đem lại lợi ích kinh tế cho các
trường đại học. Đó là khối lượng các khoản dự toán trong mục lục ngân sách chi
thường xuyên của đơn vị được giảm thiểu. Cụ thể là các khoản chi phí cho người lao
động giảm đáng kể do tiết kiệm được nhân sự ở các khâu lao động gián tiếp và tăng
chất lượng phục vụ cho khối giảng viên, giảm chi phí hành chính do tăng cường khả
năng trao đổi thông tin, lưu trữ và xử lý thông tin chuyên môn nghiệp vụ, tuyên
truyền phổ biến, giảm chi phí đầu tư khi trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin
và Internet được khai thác phù hợp ở các cấp độ quản lý khác nhau, giảm mặt bằng
và đầu tư hạ tầng cho cơ sở đào tạo khi triển khai đào tạo từ xa.
Đối với quá trình giáo dục, đào tạo, hiệu quả kinh tế khi ứng dụng công nghệ
thông tin và Internet đã và đang được chứng minh bằng việc phổ biến về khai thác
thư viện điện tử, triển khai nghiệp vụ hoạt động tuyển sinh, cung cấp ngân hàng dữ
liệu về thông tin khoa học, công trình nghiên cứu, tổ chức quảng bá cộng đồng và
quan hệ hợp tác Các giá trị quy đổi về tài chính cho nhà trường và cho xã hội còn
thể hiện rõ rệt khi tính đến các tác động khác như giảm thời gian thông tin trao đổi,
hạn chế huy động nguồn lực phương tiện và hạ tầng giao thông, cải thiện vấn đề môi
trường và sức khỏe cộng đồng, tăng cường khả năng đồng bộ hóa và chuẩn hóa
thông tin quản lý.
3. Kết luận
Chúng ta đang sống trong một thời đại mới, thời đại phát triển rực rỡ của công
nghệ thông tin và Internet. Công nghệ thông tin và Internet đã ở một bước phát triển
cao đó là số hóa tất cả các dữ liệu thông tin, luân chuyển mạnh mẽ và kết nối tất cả
chúng ta lại với nhau. Mọi loại thông tin, số liệu âm thanh, hình ảnh có thể được đưa
về dạng kỹ thuật số để bất kỳ máy tính nào cũng có thể lưu trữ, xử lý và chuyển tiếp
cho nhiều người. Những công cụ và sự kết nối của thời đại kỹ thuật số cho phép
chúng ta dễ dàng thu thập, chia sẻ thông tin và hành động trên cơ sở những thông tin
169
này theo phương thức hoàn toàn mới. Không có lĩnh vực nào, không có nơi nào
không có mặt của công nghệ thông tin và Internet. Trong các cơ sở giáo dục đại học,
công nghệ thông tin và Internet có vai trò trò to lớn, nó tạo ra một mô hình và
phương pháp học tập mới trong các trường đại học (E-Learning), nó góp phần hỗ trợ
công cụ cho các hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức chuyên môn trong giáo dục
và đào tạo. Đồng thời, nó đem lại lợi ích kinh tế cho các trường đại học. Tuy nhiên,
việc ứng dụng và phát huy vai trò của công nghệ thông tin và Internet sao cho đạt
hiệu quả phải phụ thuộc vào nhận thức và năng lực của từng cơ sở giáo dục đại học.
Đây cũng là bài toán khó, cần giải quyết để các trường đại học có thể phát triển và
hội nhập trong bối cảnh thế giới đang thay đổi như vũ bão dưới tác động của công
nghệ thông tin và Internet hiện nay.
170
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Kỷ yếu Hội thảo khoa học công nghệ “Ứng
dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy”.
2. Chính phủ (1993), Nghị quyết số 49/CP về phát triển công nghệ thông tin ở
nước ta trong những năm 90.
3. Chính phủ (2005), Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về việc đổi mới cơ bản,
toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.
4. Sayling Wen (2003), Công nghệ thông tin và nền giáo dục trong tương lai,
Nxb Bưu điện.