TÓM TẮT
Trải qua trên 2.500 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo đã có những đóng góp rất lớn
cho văn hóa nhân loại. Triết học xã hội Phật giáo thấm đượm tính nhân bản, nhằm đưa
con người trở về với cuộc sống tự chủ của chính mình, giải phóng con người ra khỏi sự
điều khiển của tư tưởng thần quyền siêu hình, đề cao vấn đề đạo đức trên nền tảng trí tuệ.
Con đường giải thoát của Phật giáo là sự tu luyện toàn diện từ đời sống đạo đức theo giới
luật và phát huy năng lực của thế giới nội tâm. Con người phải thực hiện bằng cuộc đời
nhân đức của chính mình chứ không phải là nhờ sự ban ơn của đấng thần linh, đấng tối
cao nào.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 252 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò của nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống con người thời hiện đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 3(28) - Thaùng 5/2015
108
VAI TRÒ CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO
TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI THỜI HIỆN ĐẠI
ĐẶNG THỊ ĐÔNG(*)
TÓM TẮT
Trải qua trên 2.500 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo đã có những đóng góp rất lớn
cho văn hóa nhân loại. Triết học xã hội Phật giáo thấm đượm tính nhân bản, nhằm đưa
con người trở về với cuộc sống tự chủ của chính mình, giải phóng con người ra khỏi sự
điều khiển của tư tưởng thần quyền siêu hình, đề cao vấn đề đạo đức trên nền tảng trí tuệ.
Con đường giải thoát của Phật giáo là sự tu luyện toàn diện từ đời sống đạo đức theo giới
luật và phát huy năng lực của thế giới nội tâm. Con người phải thực hiện bằng cuộc đời
nhân đức của chính mình chứ không phải là nhờ sự ban ơn của đấng thần linh, đấng tối
cao nào.
Từ khóa: tính nhân bản, tư duy hướng nội, giải phóng con người ra khỏi thần linh,
bình đẳng, đạo đức, trí tuệ, thiện pháp, ba nghiệp (thân, miệng, ý) thanh tịnh
ABSTRACT
Over 2,500 years of extistence and development, Buddhism has made great
contribution to global cultures. Imbued with the spirit of humanity, the philosophy of
Buddhism brings human beings from the thought of metaphysical theocracy back to the life
of self control, upholds the human morality and values of knowledge. The path of Buddhist
enlightenment is a perfect cultivation from ethic life on precepts and promote inner-feeling
world. People are to do with their own kindness activities, not to base on the blessings
from the dieties.
Keywords: humanity, internal thoughts, libebrating people from the deities, equality,
ethics, intelligence, good dharma, incarnation, three tranquil karmas (body, mouth, thought)
1. ĐẶT VẤN ĐỀ(*)
Trải qua trên 2.500 năm tồn tại và phát
triển, Phật giáo đã có những đóng góp rất
lớn cho văn hóa nhân loại. Triết học xã hội
Phật giáo thấm đượm tính nhân bản, nhằm
đưa con người trở về với cuộc sống tự chủ
của chính mình, giải phóng con người ra
khỏi sự điều khiển của tư tưởng thần quyền
siêu hình, đề cao vấn đề đạo đức trên nền
tảng trí tuệ. Con đường giải thoát của Phật
giáo là sự tu luyện toàn diện từ đời sống
đạo đức theo giới luật và phát huy năng lực
(*)ThS, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM
của thế giới nội tâm. Con người phải thực
hiện bằng cuộc đời nhân đức của chính
mình chứ không phải là nhờ sự ban ơn của
đấng thần linh, đấng tối cao nào.
Kinh, Luật, Luận đã ghi lại những
những lời dạy của Đức Phật được xem là rất
thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày, và nếu
đối chiếu với con người thời hiện đại thì
những triết lý đạo Phật vẫn không lạc hậu.
Giáo dục là môt loại hình sản xuất đặc
biệt trong các loại hình sản xuất xã hội, sản
phẩm con người luôn là vấn đề được quan
tâm hàng đầu. Triết học chính trị xã hội
Phật giáo không chỉ hướng đến xây dựng
109
một hình thái xã hội nhân bản tiến bộ mà
nhất là quan tâm đến sự chấm dứt luôn hồi
sanh tử, giải thoát đau khổ. Đó là cảnh giới
siêu việt của những bậc đã thực hành
chứng ngộ mà Đức Phật tại thế chỉ nhận
mình là người chỉ đường, đi hay không là
việc của mỗi cá nhân.
2. VAI TRÒ CỦA NHÂN SINH QUAN
PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG
CON NGƯỜI THỜI HIỆN ĐẠI
2.1. Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
và thời đại của Ngài
Thời kỳ văn minh sông Hằng nổi tiếng
với công cụ bằng đồng và đô thị xuất hiện
sớm trong giai đoạn đầu của xã hội chiếm
hữu nô lệ đã khiến nông nghiệp, thủ công
nghiệp, thương nghiệp manh nha ở Ấn Độ
thời cổ đại. Hệ thống giáo lý của Veda xuất
hiện vào giai đoạn khoảng 2000 năm tr.CN
đến TK VIII tr.CN gần như bị sụp đổ trước
các quan điểm nhân bản của Phật giáo.
Veda phản ánh ước vọng cuộc sống con
người và thiên nhiên yên ổn nhưng lại chứa
đựng tín ngưỡng ma thuật, đa thần giáo.
Trong khi Phật giáo nêu cao triết thuyết
khổ, vô thường, vô ngã, duyên sanh, tinh
thần từ bi, hỷ xả, bình đẳng, giải thoát, niết
bàn,v.v... làm cho nhân loại phải nhìn lại
lối tư duy cũ-lối tư duy hướng ngoại, tìm
cầu hạnh phúc bên ngoài bản thân.
Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân từ
dòng họ Thích Ca ở nước Ca Tỳ La Vệ,
phía Bắc Trung Ấn là người sáng lập ra
đạo Phật. Vua cha là Tịnh Phạn, mẫu hậu
là Ma-da. Phật Thích Ca hạ sanh vào ngày
mồng 8 tháng 4 năm 624 trước Tây lịch khi
Ma-da đã 45 tuổi. Đây là những cứ liệu về
lịch sử Đức Phật rõ ràng và đã được các
nhà khoa học xác chứng.
Đức Phật ra đời trong hoàn cảnh xã hội
Ấn Độ cổ đại vô cùng rối ren, chế độ phân
biệt giai cấp rất gay gắt, tư tưởng thần
quyền thống lãnh tất cả đời sống của con
người. Tôn giáo thời bấy giờ có đến cả
trăm thứ đạo nhưng đều không giải quyết
được các vấn đề con người vướng mắc.
Tư tưởng: “không có giai cấp trong
dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”,
tư tưởng về bình đẳng, giải thoát, tư tưởng
từ bi hỷ xả,... đã làm một cuộc cách mạng
lớn lao trong nhận thức của xã hội cổ Ấn
Độ thời bấy giờ. Phật còn cho nữ giới xuất
gia và xác chứng sự chứng đắc của nữ giới
như nam giới đã xóa đi quan niệm trọng
nam khinh nữ mà cho đến tận những thế kỷ
sau này khi con người trải qua nhiều hình
thái xã hội cũng đã ủng hộ.
Đức Phật đã tìm ra con đường giải
thoát khổ đau, đem lại nhiều lợi ích thiết
thực, những tiến bộ tích cực cho nhân loại
mà ngày nay tính đúng đắn của những lời
dạy vẫn luôn là phù hợp với con người mọi
thời đại.
2.2. Nhân sinh quan trong triết học
chính trị xã hội Phật giáo
2.2.1. Vấn đề con người
Phật giáo quan niệm cõi Ta-bà mà con
người đang sống đây gồm có sáu cõi (cao
nhất là trời, đến người, A-tu-la, súc sanh,
ngạ quỷ và địa ngục). Đây là vòng sanh tử
luân hồi lên xuống tùy theo nhân quả con
người tạo nghiệp với thân khẩu ý mà chiêu
cảm những cảnh giới tương ứng với tâm
thức của mỗi loài. Và con người cũng chỉ
là một loại chúng sanh trong vô số những
loại chúng sanh trong các kiếp luân hồi.
Theo đạo Phật, nguồn gốc khổ đau của con
người là do vô minh, xuất phát từ sự hiểu
biết không chân chính do tự mình tạo ra,
không phải từ một đấng siêu nhân, quyền
năng nào.
Phật giáo lấy con người làm trung tâm
của giáo dục.Bản chất của giáo dục Phật
giáo là biện pháp nhằm đưa lại cho con
110
người niềm tin, trí tuệ để nhận chân chính
mình, hạn chế cái nhân bất thiện, giữ gìn
và phát triển nhân thiện vốn có tự nơi con
người trong đời sống hiện tại để có quả tốt
ở tương lai.
Muốn đi đến đích cuốc cùng của sự
giác ngộ, an vui thì yếu tố chánh kiến và
tinh thần thong dong, tự tại, tinh tấn, sáng
suốt, không vướng mắc, hành trì nghiêm
mật, thanh tịnh thân khẩu ý theo thiện
pháp không thể thiếu đối với người tu
Phật và nếu người thế gian thực hành
được chút ít phần trong những nhận
thức đó cũng sẽ mang lại nhiều lợi lạc
cho xã hội trên tất cả mọi phương diện.
Ý nghĩa của từ tu tập trong Phật
pháp là sửa đổi những hành vi sai trái
của con người thành hành vi đúng đắn,
là thay đổi sự nhận thức sai lầm thành
nhận thức đúng, chặt đứt tất cả những
khổ đau phiền não. Chỉ khi nào chứng đắc
vô vi tịch diệt, gạt sạch phiền não con người
ấy mới có thể chuyển Phàm thành thánh và
đạt được chân lý tối cao, không còn những
nhận thức sai lầm như phàm phu. Pháp môn
tuy nhiều nhưng không ngoài mục đích là
đưa con người trở về quán chiếu nội tâm,
thăng tiến tâm linh, xả bỏ và nhận ra được
sự sanh diệt của các pháp hữu vi để đạt
được chân đế.
Triết học chính trị xã hội Phật giáo chủ
trương tự do tuyệt đối của con người chỉ có
được trong tâm thức khi được giải thoát. Vì
vậy, con người cần phải nhìn vào nội tâm
của chính mình. Triết Phật là lấy đối
tượng con người và xã hội làm trung
tâm cho sự nghiên cứu nhằm giúp con
người thoát khỏi các vướng mắc, tham
lam, hận thù; tích cực chuyển hóa thân,
miệng, ý hướng thiện, giải quyết vấn đề
khổ đau, phát triển tiềm năng tâm linh
hướng đến giải thoát sanh tử.
2.2.2. Vấn đề xã hội
Phật giáo giải quyết những vấn đề xã
hội dựa trên sự bình đẳng, dân chủ, không
bàn luận chính trị, là tôn giáo khoan
dung, ủng hộ các vấn đề phúc lợi xã hội,
tích cực nhập thế, giải quyết các vấn đề
thực tiễn nhằm cải thiện đời sống nhân
sinh ngày một tốt đẹp hơn.
Triết học chính trị xã hội Phật giáo chú
trọng đến tính duyên khởi. Phật giáo quan
niệm vạn vật trong vũ trụ đều có tứ tướng
sinh, trụ, dị, diệt; con người thì sống trong
vòng sinh, lão, bệnh, tử. Tất cả vạn vật đều
hàm chứa những vận động, biến hóa, phát
triển, gần như tư duy biện chứng; tin tưởng
vào vấn đề nhân quả; giải thích mối quan
hệ thể xác và tinh thần tại sao lại có các sự
sai khác, lúc thuận, lúc nghịch; đồng thời
nêu cao tinh thần Trung đạo, không rơi vào
hai trạng thái cực đoan khổ hạnh hay ép
xác. Bên cạnh đó, Phật giáo cũng rất
quan tâm tới vấn đề bình đẳng giữa
người với người; bình đẳng về khả năng
giác ngộ giữa Đức Phật và chúng sinh;
bình đẳng giữa chúng sinh với các loài
vô tình như đất, đá, nước, đồ vật,... Tinh
thần từ bi hỷ xả, ban vui cứu khổ luôn
được đề cao nhưng nó không hoàn toàn
giống với nhân ái, bác ái, không hạn chế
bởi đẳng cấp như người thế gian vẫn quan
niệm. Đích đến cuối cùng của triết Phật
là giải thoát ra khỏi nỗi khổ niềm đau và
sự trói buộc của lưu chuyển sinh tử.
Nếu bất kỳ ai cũng thực hành không
sát sanh, không giết người, không đánh
nhau; không trộm cắp; chung thủy một
vợ một chồng; không nói dối; không
uống rượu say; không dùng các chất gây
nghiện và tiến lên làm các thiện pháp
khác nữa thì đều đem lại hạnh phúc, đạo
đức, trí tuệ cho bản thân mình và xã hội.
Triết học chính trị xã hội Phật giáo chủ
111
trương những mục tiêu chính như: trình
bày phương pháp và đường lối giải thoát,
quan tâm đến sự hoàn thiện nhân cách đạo
đức con người và chú trọng dung hòa bổn
phận, trách nhiệm đạo đức giữa các quan
hệ: vợ - chồng, cha mẹ - con cái, thầy giáo-
học trò, chủ-tớ, tình bạn, tín đồ - Tăng sĩ,
v.v Đó là một trong những đóng góp tích
cực của Phật giáo cho xã hội để có một
cuộc sống hiện tại an vui cho mình và mọi
người xung quanh. Được như vậy thì cõi
Tây phương cực lạc của cõi Phật A Di Đà
cũng chính là đang hiện tiền trước mắt,
pháp thân Phật thường còn khi tánh giác
của mỗi cá nhân được phát huy trong
chánh niệm.
2.2.3. Vấn đề đạo đức
Đạo đức Phật giáo được khẳng định
như là nền tảng của thiền định và trí tuệ,
đưa con người đến cuộc sống an lạc và
hạnh phúc ngay hiện đời dựa trên bình
đẳng, dân chủ và nhân quyền được nhìn từ
nội tại của mỗi cá nhân.
Phật giáo quan tâm nhiều đến các vấn
đề đaọ đức của con người thông qua các
hành vi thân khẩu ý. Mặc dù có tham gia
trong các chương trình của phúc lợi xã hội
như bố thí, xây dựng cầu đường, trồng
rừng, chăm người già, chăm người đau
bệnh, trường học, các cơ sở y tế...nhưng
Phật giáo không đặt nặng các vấn đề
phương tiện gieo duyên mà cao hơn nữa
Đức Phật chỉ dạy phương pháp và cách
chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý theo
thiện pháp giúp mỗi cá nhân tự hoàn thiện
mình. Sống đạo đức, có giới hạnh để mang
lại lợi ích cho tự thân và xã hội trong hiện
tại và cả tương lai luôn là nếp sống của
những người con Phật. Phật dạy về giới
luật không những để tiến bước trên đường
giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui,
hòa bình cho gia đình, xã hội. Giới chính là
hàng rào ngăn cấm những việc xấu của
thân, khẩu, ý.
Phật giáo chủ trương “đến, nghe, hiểu rồi
mới tin”, không ép ai phải tin rồi mới hiểu,
niềm tin đó là tin vào Tam Bảo (Phật, Pháp,
Tăng tu tập chơn chánh). Đó là niềm tin sáng
suốt dựa trên sự thực nghiệm tâm linh tự lợi,
lợi tha dựa vào những phương pháp Phật chỉ
dạy như giáo lý Tứ diệu đến, Thập nhị dân
duyên, Giới-định-tuệ,... bởi mục đích rốt ráo
và cao nhất của Phật giáo đó là giải thoát con
người ra khỏi những tham lam, hận thù, ngu
si, chấp dính và đau khổ.
3. KẾT LUẬN
Triết học được bắt nguồn từ Hy Lạp,
La Mã, Ấn Độ và Trung Quốc. Triết học
của Phật giáo có cách tiếp cận không hoàn
toàn giống với phương Tây mà kế thừa tư
duy triết học từ Ấn Độ cổ, đại diện cho
triết học phương Đông với mục đích giải
thoát khổ đau bằng phương pháp nội quán,
trở vào bên trong.
Thực sự, trong suốt cuộc đời chứng ngộ
và hoằng pháp, Đức Phật không hề chủ
trương làm chính trị nhưng những lời dạy
của Ngài mang nhiều thông điệp liên quan
đến những vấn đề mà chính trị xã hội đề cập
và giải quyết được nhiều những vướng mắc,
mâu thuẫn cho con người, con người hiện
đại thời nay cũng rất khó mà từ chối được
ảnh hưởng tích cực của Phật giáo trong khi
cuộc sống vật chất và hưởng thụ dù nhiều
nhưng không làm cho người ta hết khổ. Tư
tưởng của Phật giáo khẳng định chỉ cần phá
bỏ ý nghĩ chấp ngã, chấp pháp thì cuộc sống
con người sẽ an lạc và hạnh phúc. Lời dạy
cuối cùng của Đức Phật là: “hãy tự mình
thắp đuốc lên, hãy tự mình nương tựa nơi
mình, nương tựa chính pháp, đừng nương
tựa vào một nơi nào khác”.
112
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Doãn Chính (2002), Lịch sử triết học Ấn Độ - Kinh văn của các trường phái triết học
Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Kimura Taiken (1969), Đại thừa Phật giáo tư tưởng Luận, H.T.Thích Quảng Độ
(dịch Việt), Tu thư Đại học Vạn Hạnh.
3. Nguyễn Thiên Thuận (2007), Nhân cách Văn hoá của Đức Phật, Nxb Văn hoá Sài Gòn.
4. Nhiều tác giả (1995), Đạo đức học Phật giáo, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
5. Thích Tâm Thiện (2000), Vấn đề cơ bản của triết học Phật giáo, Ban Văn hóa Trung
ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
6. Thích Thiện Siêu (2000), Vô ngã là Niết bàn, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
7. Thích Nhất Hạnh (2005), Đường xưa mây trắng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
* Ngày nhận bài: 03/02/2015. Biên tập xong: 24/4/2015. Duyệt đăng: 04/5/2015.