Văn hóa là gì

Nhiều bạn trẻ cứ nghe thấy từ “văn hóa” là đã thấy một khái niệm nào đó cao xa, hàn lâm và khó hiểu. Nhưng với tôi, tôi nghĩ văn hóa là những gì rất gần gũi, rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Bạn cứ thử một lần đi xa khỏi nơi mình sinh ra và lớn lên, khi ấy, trong đầu bạn nhớ về những hình ảnh nào, dù chỉ là một món ngon, hay một con phố quen – thì đó chính là văn hóa.

pdf34 trang | Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1597 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Văn hóa là gì, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Văn hóa là gì? Nhiều bạn trẻ cứ nghe thấy từ “văn hóa” là đã thấy một khái niệm nào đó cao xa, hàn lâm và khó hiểu. Nhưng với tôi, tôi nghĩ văn hóa là những gì rất gần gũi, rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Bạn cứ thử một lần đi xa khỏi nơi mình sinh ra và lớn lên, khi ấy, trong đầu bạn nhớ về những hình ảnh nào, dù chỉ là một món ngon, hay một con phố quen – thì đó chính là văn hóa. Không hiểu tôi định nghĩa như thế có đúng không, nhưng với cá nhân tôi, những gì sắp kể dưới đây chính là văn hóa: Chày cối Ngày nay, lớp trẻ đa phần chỉ nghe đến từ “chày cối” khi thấy một người nào đó ngang ngạnh, hay cãi cùn, người ta gọi là cãi chày cãi cối. Nhưng ở thế hệ tôi, chày và cối là những vật dụng quen thuộc lắm. Đây là cặp cối – chày của nhà tôi. Không nhớ mẹ đã mua từ bao giờ, nhưng khoảng mười tuổi tôi đã thấy nó xuất hiện trong bếp nhà mình. Tôi sẽ nói về cái cối trước: Nó bằng đá nguyên khối, rất nặng. Mỗi lần vần ra để giã cua hay vừng lạc, tôi luôn phải hì hụi rất lâu mới rê nó ra đúng chỗ cần thiết. Nó thô sơ. Thô sơ đến mức hai tai cối cũng chỉ là hai phần nhô ra, như hai cái mấu, thân cối gần như còn nguyên những vết đục đẽo, miệng cối nhìn thấy rõ cả những đường vân đá, nứt nẻ vằn vện. Chỉ duy nhất lòng cối là được người thợ đá chế tác và đánh giấy ráp khá nhẵn nhụi, tròn đều. Lòng cối Tai cối Vân đá trên thân cối Tôi vẫn nhớ khi giã gạo, vì cối đầm nên âm thanh phát ra cũng rất trầm: thịch thịch thịch. Và vì nó rất nặng nên thi thoảng, mẹ tôi còn dùng nó để lèn vại dưa muối, đúng là ko gì thay thế được. Qua thời gian, lòng cối ngày càng trơn nhẵn, nhưng có vẻ nó chẳng hao hụt đi nhiều. Nó vẫn nặng như thế, những vết đục đẽo vẫn thô ráp như thế. Đúng như một khối đá đích thực. Nhìn ở góc này, chiếc cối đúng là một khối đá đích thực Giờ mẹ tôi đã mua một chiếc cối khác, bằng gang đúc. Nó nhỏ nhắn và thuận tiện hơn khi di chuyển, nhưng gõ thì kêu boong boong và không thể giã mạnh tay được. Nứt ngay. Cái cối đá giờ vẫn ở dưới gầm bếp gas, đậy một miếng nhựa phẳng lên để cất mấy chai nước mắm, nước tương, xì dầu Còn đây là cái chày. Nó có màu nâu cánh gián đặc trưng của chày gỗ. Chắc hẳn, nó được làm từ một khúc cây với hai đầu được vát tù, ở giữa thắt gọn lại như cái eo để làm chỗ cầm. Một đầu chày (cái đầu mà thường được dùng nhiều hơn) có những vết rạn nứt của thớ gỗ. Dễ hiểu thôi, để giã nát từng ấy cua, từng ấy gạo, từng ấy vừng lạc và đủ thứ cần giã trong từng ấy năm, cối đá có thể không mòn nhưng chày bằng gỗ cũng phải nứt thôi. Đầu chày đã có những vết nứt Và bạn có biết, chày và cối còn là một biểu tượng Âm Dương trong văn hóa Việt không? Đó là lý do tại sao, ngay khi nghĩ ra ý tưởng về bài viết này, đối tượng đầu tiên tôi lựa chọn là chày và cối. Quạt nan Cách đây khoảng hai mươi năm, khi điện còn khan hiếm, không một nhà ai thiếu được vật dụng này. Cây quạt nan là một hình ảnh thân quen mà bất cứ đứa nhỏ nào tầm tuổi tôi cũng nhớ, thậm chí nhớ rất lâu. Vì nó đâu chỉ có chức năng làm mát, nó – đôi khi còn được các bà mẹ dùng làm “phương tiện” giáo huấn, in dấu những lằn roi trên mông đứa nào nghịch ngợm. Chiếc quạt nan quen thuộc Quạt nan là một vật dụng đơn giản, đan từ những nan tre ruột, trắng ngà, nhìn rõ cả những sợi xơ chạy dọc thân nan. Một số cái còn được nhuộm thêm phẩm màu xanh, màu đỏ ở phần viền quạt. Có những chiếc quạt dùng lâu, nan tre ngả màu cũ, độ đan nhau của những chiếc nan cũng xộc xệch hơn. Hồi đó, gần như nhà nào cũng viết tên nhà mình lên thân quạt bằng mực tím, mực xanh, như một cách để “đánh dấu” chủ sở hữu. Cây quạt này nhà tôi mới mua gần đây, dù giờ quạt máy và điều hòa đã rất phổ biến. Có một điều lạ là con trai tôi rất thích gió từ chiếc quạt nan, nó bảo: mẹ quạt bằng tay đi cho con đỡ bị ho. Tôi để ý thì đúng thật! Bật điều hòa hay quạt máy, gió thổi ra thường làm trẻ con hay ho, viêm họng. Quạt bằng quạt nan thì hơi mỏi nhưng lại có thể điều tiết được hướng gió, chỉnh được mức độ nên trẻ con không bị ho khi nằm gió quạt nan. Điều này, không biết mấy ai còn để ý? Một góc quạt nan Thêm nữa, tìm hiểu sâu hơn về chiếc quạt, bạn có thể khám phá ra cả một nền thủ công mây tre đan vô cùng tinh xảo, khéo léo của Việt Nam. Đó là lý do tại sao tôi chọn cây quạt nan để đưa vào bài viết này. Con dao Vật dụng thứ ba, lại tiếp tục là một đồ vật vô cùng quen thuộc: Con dao. Con dao nhà tôi Nhìn bức ảnh này, có lẽ các bạn nghĩ đây là một con dao nhọn. Nhưng sự thật, con dao này không hề nhọn. Nó có hình dáng thuôn nhọn như thế là do nhà tôi dùng nó đã ngót nghét hai mươi năm. Thử so với hình ảnh một con dao gần giống như vậy, khi còn mới, thì bạn mới thấy cái phần thép hao khuyết đi ấn tượng đến thế nào. Từ con dao này, cũng đã có biết bao bữa rau, bữa thịt được chế biến. Con dao càng dùng càng quen tay, quen đến từng điểm tỳ, từng vết lõm mà bàn tay người cầm đặt vào. So sánh nó với một con dao mới, có hình dáng tương tự để thấy độ mòn ấn tượng Nhà tôi cũng có những con dao mới, nhưng lạ một điều là cứ dùng dao mới thì cứ ngường ngượng thế nào, thao tác cũng vì thế mà kém khéo léo, nhanh nhẹn. Thế nên, quay đi quay lại, những người đứng bếp ở nhà tôi đều dùng con dao cũ. Nó không mới, không đẹp, nhưng nước thép thật bền, thật bén, có lỡ tay băm làm quằn lưỡi thì mài vào trôn bát vài đường là lại sắc như mới. Điều này không dễ thấy ở một con dao thời bây giờ, nhất là những con dao inox. Và, cũng giống như những vật dụng nêu trên, nếu tìm hiểu về nguồn gốc của con dao, bạn có thể thấy cả một kho tri thức về nghề rèn nông cụ rất thú vị của Việt Nam. Cái bát ăn cơm Khi viết phần này, tôi muốn viết cụ thể về chiếc bát ăn cơm của sứ Hải Dương. Nhưng rất đáng tiếc là loại bát mà tôi định viết giờ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu, nên riêng với đồ vật này, tôi không để ảnh chụp. Cách đây khoảng chục năm thì bát sứ Hải Dương là một mặt hàng “hot” của các bà nội trợ. Còn hiện tại, nó đã trở thành một chiếc bát của quá khứ, gần như không thể tìm thấy trên thị trường. Chiếc bát đơn giản với màu men trắng chủ đạo, viền bằng những đường thẳng song song màu đỏ quanh miệng bát, không cầu kỳ, không tô vẽ. Thế nhưng nó lại là một ấn tượng tuổi thơ đặc biệt đối với tôi, nhất là khi chuyển từ chiếc bát sứ có màu xỉn sang bát sứ Hải Dương men trắng. Bát sứ cũ có màu men xanh, đáy bát vẫn còn nguyên cả vành tròn gờn gợn của chiếc đáy phía dưới, và lấm tấm những hạt cát do công nghệ nung còn chưa phát triển. Khi chuyển sang một chiếc bát sứ Hải Dương trắng trẻo, dày dặn, ngày đó, tôi chỉ thấy sung sướng vì mình không phải ăn trong một cái bát mà theo tôi là có màu “bân bẩn”. Nhưng phải đến tận bây giờ, khi bát sứ Hải Dương ngày đó cũng trở nên lỗi mốt, tôi mới thấy quý những chiếc bát “bân bẩn” ngày xưa. Chỉ tiếc là tôi không giữ được chiếc bát nào như thế, tiếc nhất là cái bát chiết yêu mà bà nội tôi bán cháo sườn ngày xưa Chúng chưa thể gọi là đồ cổ, nhưng với tôi, chúng chứa đựng cả một tuổi thơ đẹp đẽ. Và đương nhiên, nghề gốm sứ của Việt Nam mình, chỉ qua vài chiếc bát thì chẳng thể nào nói hết. Nhưng đó chẳng phải là một nghề cần phải gìn giữ và phát triển hay sao??? Cái chiếu Chiếu cói Có lẽ, ngay cả ở thời hiện tại, ở Việt Nam, người ta vẫn trọng chiếu cói hơn các loại chiếu nilon, chiếu trúc Đơn giản là vì nằm chiếu cói vừa thoáng vừa mát, lại dễ vệ sinh sạch sẽ. Những loại chiếu mới bây giờ, cái đẹp thì không mát, cái mát thì không dễ vệ sinh. Tính cho cùng, đời người ta cũng chỉ loanh quanh ăn, mặc, ngủ. Cái chiếu cói vì thế cũng đóng một vai trò khá quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam. Qua bao năm, bao biến đổi, chiếu cói vẫn giữ nguyên được giá trị của mình, và vẫn là những sản phẩm được người dân Việt Nam yêu mến, tin dùng. Nếu chỉ đơn giản là một thứ lót giường nằm, liệu chiếu cói có được vị trí như vậy không? Ai đã từng khổ sở, thậm chí sinh bệnh vì chiếc chiếu nilon bí bích, hay chật vật khuân một chiếc chiếu trúc đi vệ sinh, chắc sẽ hiểu tại sao chiếu cói lại là vật dụng được nhiều người lựa chọn như thế. Một góc chiếc chiếu cói của nhà Các cụ nhà ta ấy mà, cứ nói là lạc hậu, nhưng những gì các cụ hay dùng đều là những vật dụng gần gũi thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe, ít tổn hại đến môi trường. Nghề dệt chiếu cói, dù không mai một vì chiếu cói vẫn được trọng dụng, nhưng có lẽ cũng cần phải quảng bá và gìn giữ, kẻo đến đời con cháu chúng ta, chẳng còn chiếc chiếu cói để nằm. Xét cho cùng, nghề dệt thủ công của Việt Nam cũng đang cần những bước đi ổn định và lâu dài hơn nữa. Cái muôi Nhà có bốn, năm cái muôi, nhưng cái muôi nhôm này cũng lại là vật dụng được gia đình tôi dùng nhiều nhất, tính cho đến năm 2013 này. Cái muôi để ngửa Trong tư thế úp Cái muôi nhìn nghiêng – có thể thấy vết lõm ở đáy muôi Nó không đẹp như những cái muôi mới, thậm chí còn bị bẹp ở đáy vì có lần bố tôi đã dùng nó để đập đá khay. Nhưng nhìn chiếc muôi, có thể thấy người thợ làm ra nó có vẻ rất khéo. Họ đã dùng một khối nhôm, tạo thành một chiếc muôi liền tay, uốn cong ở phần cán cầm. Chất nhôm tốt, dày dặn, trắng sáng, rất khó bị oxy hóa. Mấy chiếc muôi nhôm mới mua về, để một tuần không dùng đã xỉn màu vì không khí, còn chiếc này, có để lâu lôi ra, nước nhôm vẫn trắng sáng, nhẵn nhụi và sạch sẽ. Hay mấy cái muôi inox thì lại đỏm dáng, khá đẹp với tay cầm bọc nhựa hoặc gỗ để tránh nóng, thế nhưng không hiểu làm sao mà cứ dùng một thời gian thì tay cầm bong tróc, lại vứt xó. Có một điểm nữa mà tôi thấy chiếc muôi nhôm rất khác với những chiếc muôi inox hiện giờ, đó là phần “múc”. Ở muôi nhôm, phần “múc” thường đường làm như hình giọt nước với phần dưới hơi loe rộng, còn ở muôi inox, người ta để phần “múc” tròn xoe. Chẳng hiểu có phải vì đặc điểm này hay vì chiếc cán cầm bọc nhựa quá nặng, mà chiếc muôi inox thường hay bị tự lật ngửa ra khi để trong bát canh. Chiếc muôi nhôm thì không. Chi tiết này có thể khiến các bạn trẻ thấy vô nghĩa, nhưng với những người thuộc thế hệ chúng tôi, nếu không biết úp muôi xuống khi chan canh trong mâm cơm gia đình, bạn có thể bị đánh giá là người phụ nữ không tinh ý, đuểnh đoảng. Đôi lời kết Sẽ có người khi đọc bài này, thấy tôi toàn nói về những đồ vật “vớ vẩn” của nhà tôi, thì cho rằng tôi đang có một mục đích nào đó rất cá nhân. Cũng xin nói ngay rằng, những đồ vật này không phải là những đặc trưng của tất cả các vùng miền của Việt Nam, lại càng không có ý khuyên mọi người phải dùng những thứ đồ đó. Ở thời hiện đại, các bạn có thể dùng điều hòa, quạt từ thay cho quạt nan, có thể nằm đệm, nằm sàn gỗ thay cho chiếu cói, có thể ăn bằng đĩa thay vì bằng bátTức là, bạn hãy cứ hòa nhập và thay đổi hành vi để thích ứng với nơi mình sống. Nhưng, khi viết bài này, mục đích lớn nhất mà tôi muốn gửi đến các bạn chỉ là: Đừng nghĩ văn hóa là một điều gì cao xa, hàn lâm và khó hiểu. Với quan điểm của tôi, những đồ vật giản dị này chính là một phần của văn hóa – một phần thôi nhé! Và tôi dám chắc, đặc biệt với những kiều bào đang ở xa quê, khi nhìn những đồ vật này, nếu ai biết và đọc được tên chúng ngay lập tức, thì điều đó đã thể hiện bạn là một người Việt Nam, và yêu văn hóa Việt Nam rồi.