Về việc phân định các giai đoạn lịch sử trong quá trình phát triển của tiếng Việt

Để có điều kiện đi sâu khảo sát những hiện tượng lịch sử cụ thể của tiếng Việt, chúng tôi thấy rằng trước hết cần phải xác định những giai đoạn phát triển chính của nó, từ khởi thuỷ cho đến hiện nay. Theo chúng tôi, đây là một công việc hết sức quan trọng. Bởi vì, muốn theo dõi lịch sử của một ngôn ngữ minh bạch nhất, rõ ràng nhất thì phải hình dung ra những thời điểm phát triển của bản thân nó một cách có cơ sở. Mà điều này, dường như cho đến hiện nay, hầu như trong số các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt vẫn còn những cách nhìn nhận chưa cùng cấp với nhau.

pdf12 trang | Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1979 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Về việc phân định các giai đoạn lịch sử trong quá trình phát triển của tiếng Việt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Về việc phân định các giai đoạn lịch sử trong quá trình phát triển của tiếng Việt Để có điều kiện đi sâu khảo sát những hiện tượng lịch sử cụ thể của tiếng Việt, chúng tôi thấy rằng trước hết cần phải xác định những giai đoạn phát triển chính của nó, từ khởi thuỷ cho đến hiện nay. Theo chúng tôi, đây là một công việc hết sức quan trọng. Bởi vì, muốn theo dõi lịch sử của một ngôn ngữ minh bạch nhất, rõ ràng nhất thì phải hình dung ra những thời điểm phát triển của bản thân nó một cách có cơ sở. Mà điều này, dường như cho đến hiện nay, hầu như trong số các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt vẫn còn những cách nhìn nhận chưa cùng cấp với nhau. Cái khó ở đây là việc xác định khoảng cách thời gian trong quá khứ. Nó có thể là vài trăm năm, cũng có thể là hàng nghìn năm. Đồng thời, thời điểm để đánh dấu khoảng cách ấy cũng có thể là một thời điểm xác định, cũng có thể là một quá trình xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, điều đó có nghĩa là ở đây tính tương đối của thời gian lịch sử sẽ mang tính hiện hữu và đây chính là đặc trưng rõ nhất của nghiên cứu so sánh lịch sử trong ngôn ngữ học. Hiện nay, như chúng ta biết, đa số các nhà nghiên cứu đều chấp nhận giả thiết tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường nhánh Mon-Khmer họ Nam Á, một giả thiết do A.G. Haudricourt chứng minh thuyết phục nhất từ những năm 50 của thế kỉ trước [4, 5] và đã được nhiều người bổ sung, trong đó có chúng tôi. Như vậy, điều đó cũng có nghĩa là đối với chúng ta, tiếng Việt đã trải qua giai đoạn phát triển không được ghi chép lại (từ thế kỉ X trở về trước) và đã được ghi chép lại ít nhiều về sau này. Do vậy, có một vấn đề quan trọng là trong sự khác biệt có thực ấy, phải làm sao thể hiện được một sự phân chia ích lợi cho việc nghiên cứu, không bị nghiêng về bên nay hay coi nhẹ bên kia. Trong thực tế, vẫn còn có những nhà nghiên cứu chưa tránh được nhược điểm đó. Đọc thêm: Cơ sở xác định nguồn gốc tiếng Việt (qua 2 bài báo của A.G. Haudricourt) 1. Cơ sở để phân định các giai đoạn lịch sử tiếng Việt Như đã nói ở trên, do đặc trưng khác nhau của hai thời kì lịch sử tiếng Việt, ở mỗi một thời kì tính chất của tư liệu sử dụng để nghiên cứu cũng sẽ khác nhau. Trong khi đó, đối với việc nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ, tư liệu được sử dụng lại luôn luôn có giá trị quyết định thao tác làm việc cũng như những nội dung được đưa ra khảo sát. Cách làm do chúng tôi đề nghị, đương nhiên, cũng không thể nằm ngoài thông lệ ấy. Vấn đề là, dựa vào những nguồn tư liệu có được như thế, người ta sẽ áp dụng những dấu hiệu nào để qua đó phân chia giai đoạn lịch sử tiếng Việt một cách nhất quán. Rõ ràng, nếu như chỉ nhấn mạnh tư liệu là cơ sở cho việc phân chia các giai đoạn lịch sử phát triển tiếng Việt một cách chung chung là hoàn toàn chưa đủ. Ở đây, theo chúng tôi, cơ sở ngữ âm và sự lí giải tính lịch sử của nó mới giữ vai trò chính, còn những cơ sở khác giữ vai trò thứ yếu hơn trong việc phân định quá trình lịch sử. Những cách làm được chúng tôi lần lượt mô tả dưới đây sẽ cho chúng ta nhận thấy điều đó. 1.1. Cách phân định thông qua phục nguyên tiền ngôn ngữ Phục nguyên hay tái lập tiền ngôn ngữ có nhiệm vụ xây dựng một dạng thức giả định và gán dạng thức đó cho lịch sử ngôn ngữ. Như vậy, tiền ngôn ngữ là một cơ cấu ngôn ngữ được tái lập lại ở một thời điểm hoặc một khoảng thời gian lịch sử nhất định. Cách gọi tiền ngôn ngữ (proto type) chính là thời điểm mà từ đó nó chia tách thành những nhóm hay những cá thể ngôn ngữ khác nhau. Làm như thế, người nghiên cứu lịch sử nhằm mục đích từ ngôn ngữ được phục nguyên ấy xây dựng những quy luật phát triển trong các cá thể ngôn ngữ khác nhau của một nhóm, một nhánh hay một họ. Khi mà xác định được những quy luật phát triển như vậy, người ta có cơ sở thuyết phục đánh dấu các giai đoạn phát triển của lịch sử của từng cá thể ngôn ngữ cũng như việc xác định nguồn gốc của chúng. Trong trường hợp nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đi theo cách phân định này. Chẳng hạn, đó là phần nào cách phân định của Maspero (1912) khi ông sử dụng và so sánh tư liệu tiếng Việt với một số ngôn ngữ Mon- Khmer; đặc biệt quan trọng đó là cách phân định của A.G. Haudricourt khi ông xây dựng mô hình lí thuyết hình thành thanh điệu tiếng Việt (1954); đó là cách phân định của M. Ferlus trong những tái lập proto Việt-Mường của ông (1981 và những năm sau đó); đó là cách phân định của N.K. Sokolovskaja trong luận án của bà về tiếng tiền Việt-Mường (1976); đó cũng là cách phân định của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong "Giáo trình..." của ông (1995, 2000) và một số người khác nữa. Cách phân định này, về nguyên tắc, cho phép chúng ta dựa vào biến đổi ngữ âm để có thể nói tới mốc lịch sử tiếng Việt cách nay hơn vài nghìn năm. Tuy nhiên, do sự minh định tư liệu được đem ra so sánh chưa thật chặt chẽ ở những nguồn khác nhau nên mặc dù có "cùng một tư liệu", các mốc lịch sử do các tác giả khác nhau xác định lại chưa thập khớp nhau. Vì thế, những người xử lí kết quả phân định này vẫn chưa thấy tính mạch lạc của các giai đoạn phát triển trong lịch sử của tiếng Việt. Để thấy rõ tình trạng nói trên, chúng tôi xin nêu lên trường hợp giải thích quá trình cũng như các mốc thời gian của hiện tượng gọi là xát hoá trong lịch sử tiếng Việt. Đó là trường hợp chuyển đổi của những âm đầu xát mà hiện nay trong tiếng Việt được ghi bằng những chữ quốc ngữ v, d, gi và g/gh chẳng hạn. M. Ferlus (1981...), bằng việc sử dụng tư liệu của các ngôn ngữ Việt-Mường (như tiếng Thà Vựng, tiếng Sách...), bằng việc sử dụng tư liệu trong nhánh Mon-Khmer (như tiếng Khmú, tiếng Khmer...) và cả bằng việc sử dụng tư liệu của tiếng Hán thông qua sự thể hiện nó trong tiếng Hán Việt, ông đã tái lập lại nguồn gốc của dãy âm xát nói trên ở giai đoạn proto Việt-Mường là một loạt âm tắc [p, t, c, k ; b, d, j, g] ở vị trí giữa mà ông gọi là âm tắc giữa. Sau đó, trên tư liệu tiếng Mường (cũng là một cá thể của nhóm Việt-Mường), ông phân định rằng quá trình xát hoá này xảy ra ở cả âm đầu vô thanh lẫn âm đầu hữu thanh và kết thúc ở thời kì tương ứng với thời kì Việt-Mường chung. Thế nhưng, chẳng hạn, theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (1995...), nếu tính đến tư liệu Hán Việt thì còn có thể kéo dài quá trình này đến giai đoạn sau, tức ở giai đoạn tiếng Việt trung cổ. Ở đây, rõ ràng còn một vấn đề có thể phải tiếp tục thảo luận nếu chỉ thuần tuý liên quan đến tư liệu được đem ra so sánh, mà ở đây cụ thể là nguồn tư liệu Hán Việt. Nhưng nếu nhìn thuần tuý từ khía cạnh ngữ âm, tình hình có thể sẽ đơn giản hơn nhiều. Như vậy, cách phân định lịch sử ngôn ngữ thông qua phục nguyên tiền ngôn ngữ cho phép người ta vừa khảo sát lịch sử khi ngôn ngữ chưa có chữ viết (hay chưa được ghi chép lại bằng văn tự), lại vừa có thể khảo sát những giai đoạn lịch sử về sau khi ngôn ngữ đã được ghi chép lại. Tuy nhiên, sự phục nguyên thường mang tính ưu thế ở thời kì ngôn ngữ chưa có chữ viết hơn và đương nhiên tư liệu chính mà thao tác này sử dụng là tư liệu nghiên cứu điền dã ở những ngôn ngữ có họ hàng với ngôn ngữ đang được khảo sát lịch sử . Điều này, đến lượt mình lại phụ thuộc vào tính phong phú và mức độ chính xác của tư liệu điền dã mà chúng ta có được. Chính ở chỗ này mới thực sự là một khó khăn của người nghiên cứu. Thêm vào đó, những thời điểm lịch sử được phân định theo thao tác nói trên thường nghiêng về tính tương đối nhiều hơn chứ không cụ thể như những thao tác sẽ nói sau đây. 1.2. Cách phân định dựa vào những tài liệu lịch sử cụ thể Khác với cách phân định thông qua thao tác phục nguyên, cách phân định này là dựa trên những nguồn tư liệu lịch sử có thực. Cách làm như vậy có nghĩa là nhà nghiên cứu dựa vào tư liệu lịch sử đã được ghi chép lại theo nghĩa "nói có sách, mách có chứng" để đánh dấu các giai đoạn phát triển trong lịch sử ngôn ngữ. Cách làm này, rõ ràng với những chứng cớ xác thực, thường có thời điểm phân định vừa rất chi tiết, vừa rất cụ thể. Tuy nhiên, nó lại có một sự hạn chế là chỉ có thể phân định lịch sử ngôn ngữ ở thời kì được "sách vở" ghi chép lại. Trong thực tế, không phải lịch sử ngôn ngữ nào cũng được ghi chép lại hoặc việc ghi chép có được trong suốt quá trình phát triển của bản thân ngôn ngữ. Đó là một hạn chế không thể khắc phục được của cách phân định này. Đối với trường hợp lịch sử tiếng Việt, người thực hiện cách phân định các giai đoạn phát triển của nó theo phương thức như thế rõ nhất là H. Maspero. Trong cuốn "Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Annam. Những phụ âm đầu" ông nói rằng mình căn cứ vào ba chỗ dựa là sự hình thành tiếng Hán Việt, cuốn An Nam dịch ngữ và cuốn từ điển 1651 (tức là cuốn từ điển Việt-Bồ -La của A. de Rhodes) [12] để xác định các giai đoạn phát triển của ngôn ngữ đang được quan tâm. Nguyên văn ông viết là như sau" Về phương diện này, để trình bày cho rõ ràng tôi thấy nên chia lịch sử tiếng Việt, căn cứ vào những tài liệu vừa trình bày ở trên [T.T.D nhấn mạnh], thành năm thời kì" [6; 9–10]. Do đó tiếng Việt đối với ông gồm có những giai đoạn: 1. Tiếng tiền Annam (protoannamite): trước khi hình thành Hán Việt. 2. Tiếng Annam cổ xưa (annamite archaique): sự hoàn thiện vấn đề Hán Việt (từ thế kỉ X trở đi) 3. Tiếng Annam cổ (annamite ancien): từ vựng Hán Việt của Hoa di dịch ngữ (thế kỉ XV). Đây là thời điểm ghi lại cách đọc tiếng Hán Việt, tiếng Hán Việt trong tiếng Việt ở một mức độ tương đối chính xác 4. Tiếng Annam trung cổ (annamite moyen): cuốn từ điển Việt-Bồ-La của cha cố A. de Rhodes (1651 – thế kỉ XVII) 5. Tiếng Annam hiện đại (annamite moderne): thế kỉ XIX trở về sau. Sau đó ông còn ghi rõ rằng khái niệm protoannamite (tiền Annam) mà ông sử dụng là cái ngôn ngữ chung để từ đó về sau tách ra thành tiếng Việt (annamite) và tiếng Mường [6; 10]. Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách phân chia của ông dường như hoàn toàn dựa vào mốc thời gian cụ thể, tức là căn cứ vào thời gian xuất hiện tư liệu được ông sử dụng để so sánh và kết quả phân định rất chi tiết. Trong công trình của H. Maspero, ông rất nhất quán trong cách xử lí tư liệu như đã nói ở trên khi xem xét lịch sử của từng phụ âm đầu trong tiếng Việt. Chẳng hạn, ông coi những hiện tượng xử lí âm Hán Việt là những xử lí ngữ âm thuộc thế kỉ thứ X hay ở thời gian sau đó, còn khi những hiện tượng nào được so sánh với các ngôn ngữ Mon-Khmer hoặc Thái, ông coi đó là hiện tượng ngữ âm thuộc tiền Việt, tức là trước thế kỉ thứ X. Nhờ cách làm này mà chúng ta thấy rõ sự phân định lịch sử tiếng Việt theo cách của H. Maspero có cái lợi ở thời kì sau nhưng lại không thật rõ ràng ở thời kì trước thế kỉ thứ X. So với cách phân định lịch sử theo lối phục nguyên tiền ngôn ngữ, cách làm mà chúng ta đang nói đến cho thấy một kết quả có vẻ cụ thể và xác định . Nhưng cách làm này chỉ có thể giúp ích khi lịch sử ngôn ngữ đã có chữ viết hay đã được ghi chép lại. Còn khi ngôn ngữ không có một trong hai điều kiện ấy, cách làm này sẽ không thực hiện được. Chứng cớ là, khi xem xét lịch sử tiếng Việt, H. Maspero đã phải đưa ra cái hộp " trước thế kỉ X" để đựng một thời kì khá dài, dài tới mức khi phân kì theo lối phục nguyên người ta phải chia thành những giai đoạn khác nhau. Chính vì một trong những lẽ đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách phân định giai đoạn theo lối phục nguyên có ưu thế hơn rất nhiều. 1.3. Cách phân định lịch sử ngôn ngữ dựa vào tình thế ngôn ngữ Tình thế ngôn ngữ có thể hiểu là hiện trạng của ngôn ngữ phản ánh mối tương tác hay tương quan giữa các ngôn ngữ, giữa các kiểu văn tự, giữa vai trò xã hội khác nhau của chúng trong cùng một môi trường xã hội ngôn ngữ. Do đó có thể nói đây là bình diện xã hội ngôn ngữ trong lịch sử, gắn với lịch sử cụ thể của dân tộc chủ thể sử dụng ngôn ngữ ấy. Một thời kì khá dài, trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, người ta thường "quên đi" khía cạnh này. Chính vì thế, hầu như việc nghiên cứu lịch sử một cá thể ngôn ngữ cụ thể chưa gắn với sự phát triển ngôn ngữ với bối cảnh lịch sử dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Đối với trường hợp tiếng Việt, người nhận thấy sự thiếu khuyết này là giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và ông đã áp dụng nó vào phân định giai đoạn lịch sử tiếng Việt. Trong một tài liệu công bố năm 1998, dựa vào tình trạng tương tác hay cách sử dụng ngôn ngữ của xã hội Việt Nam trong lịch sử, ông đã đề nghị phân chia lịch sử 12 thế kỉ của tiếng Việt một cách khá chi tiết. Nhờ đó, chúng ta nhận thấy khá rõ bức tranh lịch sử ngôn ngữ liên quan với lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy sự áp dụng như thế cũng chỉ có khả năng thực hiện khi ngôn ngữ hoặc chủ thể của nó đã được ghi chép lại bằng văn tự. Bảng phân kì mà giáo sư đưa ra là như sau: A, Giai đoạn proto Việt (tiền Việt) - Có 2 ngôn ngữ: tiếng Hán (khẩu ngữ của lãnh đạo) và tiếng Việt. - Có 1 kiểu văn tự: chữ Hán Vào khoảng các thế kỉ VIII, IX B, Giai đoạn tiếng Việt tiền cổ (cổ xưa) - Có 2 ngôn ngữ: tiếng Việt (khẩu ngữ của lãnh đạo) và văn ngôn Hán - Có 1 kiểu văn tự: chữ Hán Vào khoảng các thế kỉ X, XI, XII C, Giai đoạn tiếng Việt cổ - Có 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và văn ngôn Hán - Có 2 văn tự: chữ Hán và chữ Nôm Vào khoảng các thế kỉ XIII, XIV, XV, XVI D, Giai đoạn tiếng Việt trung đại - Có 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và văn ngôn Hán - Có 3 văn tự: chữ Hán và chữ Vào khoảng các thế kỉ XVII, XVIII và nửa đầu thế Nôm và chữ quốc ngữ kỉ XIX E, Giai đoạn tiếng Việt cận đại - Có 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Việt và văn ngôn Hán - Có 4 văn tự: Pháp, Hán, Nôm và chữ quốc ngữ Vào thời gian Pháp thuộc G, Giai đoạn tiếng Việt hiện nay - Có 1 ngôn ngữ: tiếng Việt - Có 1 văn tự: chữ quốc ngữ Từ năm 1945 trở đi Có thể nói, cách phân chia theo tình thế ngôn ngữ đã chỉ rõ đặc điểm xã hội trong thời kì phát triển của tiếng Việt. Nó cho thấy sự chuyển đổi chức năng xã hội của tiếng Việt với tư cách là tiếng mẹ đẻ của dân tộc Việt Nam và nhờ đó cho thấy sự liên quan mật thiết giữa chữ viết và tiếng nói dân tộc trong mối quan hệ nhiều chiều ở cùng một thời kì lịch sử. Trong những cách phân định giai đoạn lịch sử như đã mô tả ở trên, mỗi cách có những đóng góp riêng của mình. Chẳng hạn, cách thứ ba phản ánh rõ nét sự tương tác giữa lịch sử ngôn ngữ và lịch sử dân tộc, cách thứ hai có ưu thế hơn về điểm thời gian phân định. Nhưng cách thứ nhất rõ ràng mới cho phép người nghiên cứu xem xét cả giai đoạn mà hai cách phân định trước khó có thể vươn tới được lẫn những giai đoạn sau này một cách nhất quán. Thế nhưng, đối với chúng tôi, đương nhiên là việc kết hợp đồng thời cả ba cách phân định đã được áp dụng là để tận dụng thế mạnh và tránh được những hạn chế của mỗi cách. Với cách làm đó, chúng tôi xin đề nghị xem xét lịch sử tiếng Việt và những giai đoạn phát triển của nó theo tiến trình dưới đây.