Vị thế lịch sử của phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì (1919 - 1926)

Tóm tắt. Phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì giai đoạn 1919 -1926 chính là dấu gạch nối giữa phong trào dân tộc, dân chủ đầu thế kỉ XX với đại diện tiêu biểu là hai cụ Phan và phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam sau năm 1926. Đây là một phong trào đã có bước phát triển mới về nội dung tư tưởng dân chủ và các hình thức đấu tranh so với phong trào dân tộc, dân chủ đầu thế kỉ XX. Đồng thời phong trào này cũng là bước chuẩn bị cho sự hoàn thiện về tư tưởng và tổ chức cách mạng trong phong trào dân tộc dân chủ từ sau năm 1926 để qui tụ vào con đường cách mạng vô sản do Nguyễn Ái Quốc lựa chọn.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 370 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vị thế lịch sử của phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì (1919 - 1926), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0068 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 112-118 This paper is available online at VỊ THẾ LỊCH SỬ CỦA PHONG TRÀO DÂN CHỦ YÊU NƯỚC Ở NAM KÌ (1919 - 1926) Nguyễn Thị Thanh Thủy Khoa Lịch sử, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Tóm tắt. Phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì giai đoạn 1919 -1926 chính là dấu gạch nối giữa phong trào dân tộc, dân chủ đầu thế kỉ XX với đại diện tiêu biểu là hai cụ Phan và phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam sau năm 1926. Đây là một phong trào đã có bước phát triển mới về nội dung tư tưởng dân chủ và các hình thức đấu tranh so với phong trào dân tộc, dân chủ đầu thế kỉ XX. Đồng thời phong trào này cũng là bước chuẩn bị cho sự hoàn thiện về tư tưởng và tổ chức cách mạng trong phong trào dân tộc dân chủ từ sau năm 1926 để qui tụ vào con đường cách mạng vô sản do Nguyễn Ái Quốc lựa chọn. Từ khóa: Phong trào yêu nước dân chủ, dấu gạch nối, bước phát triển, bước chuẩn bị. 1. Mở đầu Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các cuộc vận động dân chủ yêu nước ở Việt Nam tiếp tục phát triển với nhiều hình thức và nội dung mới, trong đó nổi bật là ở địa bàn Nam Kì từ 1919 đến 1926 với nhiều cuộc đấu tranh sôi nổi nổ ra tại các đô thị lớn mà trung tâm là Sài Gòn. Phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì giai đoạn 1919 - 1926 đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến về hoàn cảnh lịch sử, diễn biến nội dung trong một số công trình như: Tác phẩm Nguyễn An Ninh [7] gồm các nghiên cứu, đánh giá về tư tưởng và các hoạt động yêu nước và đấu tranh cho dân chủ của chí sĩ Nguyễn An Ninh do tác giả Nguyễn An Tịnh xuất bản năm 1996. Tác phẩm Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 2, của tác giả Trần Văn Giàu đã nêu một số nét mới về hình thức nội dung của các phong trào yêu nước dân chủ tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỉ XX [2]. Các công trình thông sử cũng đã dành một số trang nhất định để viết về phong trào yêu nước dân chủ Việt Nam từ 1919-1926 như: Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 3) do Đinh Xuân Lâm chủ biên [4], Tiến trình lịch sử Việt Nam do Nguyễn Quang Ngọc chủ biên [5]. Các tác phẩm này chỉ trình bày những nét chính yếu về hoàn cảnh lịch sử và diễn biến của các cuộc vận động yêu nước dân chủ giai đoạn 1919-1926 ở Việt Nam chứ chưa có điều kiện đi sâu phân tích kĩ lưỡng về vị thế lịch sử của một số phong trào yêu nước dân chủ tiêu biểu tại Nam Kì giai đoạn 1919 -1926. Tuy nhiên, đây cũng là những nội dung để bài viết tham khảo, từ đó nghiên cứu về vị thế lịch sử của phong trào yêu nước dân chủ Nam Kì. Ngày nhận bài: 15/4/2015 Ngày nhận đăng: 10/5/2016 Liên hệ: Nguyễn Thị Thanh Thủy e-mail: thuyhistory@gmail.com 112 Vị thế lịch sử của phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì (1919 - 1926) Để khẳng định vị thế lịch sử của phong trào yêu nước dân chủ Nam Kì (1919-1926), cần kiến giải rõ những nội dung và những hình thức mới của phong trào này so với cuộc vận động dân tộc, dân chủ đầu thế kỉ XX cũng như bài học kinh nghiệm mà phong trào để lại cho các cuộc vận động cách mạng ở giai đoạn kế tiếp. Đây cũng chính là nội dung mà bài viết này muốn quan tâm giải quyết. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Những nội dung và hình thức mới của phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì giai đoạn 1919 – 1926 trong đối sánh với các cuộc vận động dân chủ đầu thế kỉ XX Phong trào yêu nước dân chủ ở Nam Kì (1919 -1926) gồm những cuộc vận động dân chủ tiêu biểu ở Nam Kì mà nội dung mới chính là cuộc đấu tranh giành các quyền tự do dân chủ cho nhân dân làm nền tảng để tiến tới vận động cho quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. Có thể kể tên những cuộc vận động như: Hoạt động của Đảng Lập Hiến gây tiếng vang trong dư luận xã hội là các yêu sách đòi quyền tự do dân chủ cho người dân dựa trên khuôn khổ của chế độ thuộc địa do Bùi Quang Chiêu đề nghị. Hoạt động của Nguyễn An Ninh đã trên các lĩnh vực là diễn thuyết và làm báo “La cloche fêlée” (Tiếng chuông rè) tuyên truyền những nội dung dân chủ mới theo tư tưởng của cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp thế kỉ XVIII – Tự do - Bình đẳng - Bác ái, lập ra “Đảng Thanh niên Cao vọng” chuẩn bị làm cách mạng giải phóng dân tộc đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh thanh niên và đồng bào Nam Bộ. Hoạt động của Đảng Thanh Niên do Trần Huy Liệu lãnh đạo trong cuộc đấu tranh nâng cao quyền tự do dân chủ, đòi thả Phan Bội Châu và cuộc để tang Phan Châu Trinh đã thổi bùng tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc điểm nổi bật mới của phong trào yêu nước dân chủ Nam Kì là các thanh niên trí thức Tây học đã trở thành lực lượng khởi xướng và lãnh đạo chủ yếu trong những năm 1919 -1926. Với những gì đã làm được trong giai đoạn này, phong trào xứng đáng là gạch nối giữa phong trào dân tộc dân chủ đầu thế kỉ XX và phong trào cách mạng yêu nước sau năm 1926 với sự xuất hiện của các tổ chức cách mạng mà chiếm ưu thế là Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Để làm sáng tỏ vị thế lịch sử của phong trào yêu nước dân chủ ở Nam Kì giai đoạn 1919 -1926, cần đặt phong trào này trong đối sánh với phong trào dân tộc dân chủ đầu thế kỉ XX để thấy rõ bước phát triển mới của nó cả về hình thức và nội dung. Trước hết, xuyên suốt tất cả các giai đoạn của phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, một điều cần khẳng định là hằng số yêu nước luôn tồn tại, là sợi dây kết nối điểm chung của tất cả các phong trào với mục tiêu giành độc lập dù có những hình thức và nội dung khác nhau. Phong trào dân tộc, dân chủ giai đoạn đầu thế kỉ XX do các Nho sĩ duy tân lãnh đạo đã đi tiên phong trong việc lĩnh hội những tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài để tuyên truyền và thức tỉnh toàn dân tộc. Các nhà Nho duy tân đã vận động và cổ vũ cho một nội dung tư tưởng mới là sự đổi mới tư duy, đổi mới hệ giá trị để chuyển hướng nền văn hoá Việt Nam từ quỹ đạo truyền thống sang quỹ đạo hiện đại ở các giai đoạn tiếp theo. Với sự đề xướng chủ trương "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", đề xuất những mô hình chính thể dân chủ mới kiểu phương Tây, không những là quan điểm có tính vạch thời đại trong giai đoạn lịch sử lúc đó mà còn là vấn đề có ý nghĩa 113 Nguyễn Thị Thanh Thủy phổ quát trong mọi thời đại và do đó, xứng đáng để thế hệ sau tiếp tục học hỏi và làm theo. Nội dung chính mà các Nho sĩ duy tân đề xướng trong cuộc vận động dân chủ mới là thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường trong dân, bỏ lối dạy học tầm trương trích cú chạy theo khoa cử cũ, bài trừ hủ tục, tăng cường trí tuệ mới cho nhân dân để phát triển kinh tế, phát triển xã hội để đời sống nhân dân được ấm no. Phan Chu Trinh đưa ra quan điểm “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” không có nghĩa là thỏa hiệp với Pháp vô điều kiện mà học tập cái hay của đối phương để từng bước tiến tới văn minh. Bên cạnh đó là phương châm “Tự lực khai hóa” để tiến tới văn minh, khi có văn minh mà biểu hiện là mô hình chính trị dân chủ thì đương nhiên đích tới sẽ là nền độc lập của dân tộc. Các trường Tân học ở Quảng Nam và sau đó là Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội chính là sự hiện thực hoá của tư duy vạch thời đại đó của ông. Tuy phong trào dân tộc, dân chủ đầu thế kỉ XX do các Nho sĩ duy tân lãnh đạo (mà tiêu biểu là hai cụ Phan) đã kết hợp được hai mục tiêu dân tộc và dân chủ nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Do quá trình thực dân hoá của người Pháp ở Việt Nam còn trong giai đoạn đầu nên những nhân tố mới về kinh tế và xã hội còn ở trạng thái phôi thai. Vì vậy, các cuộc vận động dân chủ này chưa có cơ sở xã hội vững chắc với những nhân tố tư bản hoá là tiền đề. Do đó, sự tác động của tư tưởng dân chủ phương Tây đối với dân chúng còn chưa sâu rộng. Tác động của tư tưởng dân chủ phương Tây chỉ mang tính ảnh hưởng bên ngoài đối với các tầng lớp xã hội dưới chất xúc tác của tinh thần yêu nước muốn học hỏi theo cái mới để vươn lên mà chưa có một nhận thức sâu sắc từ bên trong của đa số dân chúng. Hơn nữa, tư tưởng này khi được truyền bá sang Việt Nam lại bị khúc xạ qua lăng kính của các tác giả Tân thư Trung Quốc. Những Nho sĩ Việt Nam tiếp nhận tư tưởng dân chủ phương Tây cũng bị hạn chế một lần nữa bởi thành phần xã hội và ý thức hệ giai cấp. Vì vậy các phong trào dân chủ đầu thế kỉ XX ở Việt Nam do các Nho sĩ cấp tiến đề xướng và lãnh đạo hầu như thiếu hẳn một tổ chức chặt chẽ và thống nhất lãnh đạo với một hệ thống từ trên xuống dưới lan toả khắp các địa phương. Các nhà Nho vẫn sử dụng phương pháp tuyên truyền cũ là xả thân và nêu gương và kêu gọi để cuốn hút người dân đi theo con đường mới mà chưa có biện pháp tuyên truyền,vận động và kết liên quần chúng thành tổ chức để đấu tranh. Do đó phong trào có thể rất sôi nổi và dâng cao nhưng đã không chống đỡ được sự đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp. Vì vậy xảy ra tình trạng là có lãnh tụ dân chủ nhưng không có tổ chức và phong trào dân chủ. Các hình thức tuyên truyền quảng bá còn sơ khai và hạn chế (văn thơ kêu gọi dân chúng, gửi thư cho giới cầm quyền. . . ) một phần do sự tiếp thu tư tưởng dân chủ còn hạn chế của chính các Nho sĩ duy tân, một phần do ách cai trị thực dân đã ngăn cản quá trình diễn biến của phong trào và do tình trạng lạc hậu của đa số dân chúng cả về dân trí và dân khí. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, điều kiện kinh tế và xã hội ở Việt Nam chịu tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của người Pháp đã biến chuyển đáng kể, phong trào dân tộc, dân chủ Việt Nam đã phát triển lên một bước mới mà trung tâm của phong trào là ở Nam Kì. Xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã phân hóa khá sâu sắc với sự ra đời của các giai cấp và tầng lớp mới mà trước hết là giai cấp tư sản và tầng lớp trí thức Tây học. Tầng lớp trí thức Tây học đã là nguồn chính cung cấp lực lượng lãnh đạo cho hầu hết các tổ chức chính trị, các cuộc vận động và các phong trào chính trị, xã hội và văn hoá ở Việt Nam thời kì cận - hiện đại. Họ là những người đi đầu trong cả hai trận tuyến dân tộc và dân chủ, đóng vai trò là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào vận động dân tộc dân chủ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong giai đoạn 1919 -1926, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu. . . là những đại diện tiêu biểu cho diện mạo của phong trào dân chủ yêu nước ở khu vực Nam Kì đã phát triển lên một bước với những nội dung và hình thức mới. Như đã nói ở trên, chủ nghĩa yêu nước là một hằng số không thay đổi, luôn hiện diện mạnh 114 Vị thế lịch sử của phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì (1919 - 1926) mẽ trong phong trào dân chủ yêu nước Nam Kì mà Sài Gòn nổi lên như một trung tâm. Một yếu tố mới vượt trội là tầng lớp trí thức Tây học với vai trò lãnh đạo phong trào đã tiếp thu trực tiếp các học thuyết tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây do không gặp rào cản về ngôn ngữ nên có điều kiện tuyên truyền rộng rãi những tư tưởng mới, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng con người, giải phóng xã hội, xây dựng nền dân chủ theo mô hình phương Tây với những lí giải khá sâu sắc (tiêu biểu là Nguyễn An Ninh). Khẳng định lại tư tưởng “Khai dân trí”của hai cụ Phan thời đầu thế kỉ XX, Nguyễn An Ninh đã nâng cao quan điểm này với việc khẳng định: mỗi con người và mỗi dân tộc đều cần có học thức, văn hóa mới có thể có được tư tưởng dân chủ và nền dân chủ để làm nền tảng cho sự nghiệp giải phóng giống nòi, văn hóa là tâm hồn của một dân tộc do đó có vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Vậy khai trí theo phương Tây được tiếp cận ở mức độ nào? Điểm mới mấu chốt mà Nguyễn An Ninh đưa ra là người Việt Nam muốn tiến bộ phải chuyển hướng sang châu Âu và nước Pháp để học hỏi, tiếp thu văn hóa Pháp - nền văn hóa với tư tưởng Khai sáng thế kỉ XVIII với khẩu hiệu: Tự do – Bình đẳng - Bác ái chứ không phải nền văn hóa thực dân mà chủ nghĩa thực dân Pháp đem truyền bá ở Việt Nam. Kế thừa truyền thống yêu nước đã từng hun đúc và thể hiện trong sự xả thân của hai cụ Phan, Nguyễn An Ninh cũng nhận thức là học là để cứu nước chứ không phải theo con đường sĩ hoạn để vinh thân phì gia. Quan điểm “có học thức và lí tưởng mới có tư tưởng dân chủ” của Nguyễn An Ninh thể hiện tầm nhìn mới và một tư duy biện chứng coi học thức và lí tưởng phụng sự dân tộc là hai điều kiện tiên quyết để có tư tưởng dân chủ, không thể thiếu điều kiện nào, có học thức mà không có lí tưởng phụng sự dân tộc chỉ trở thành một thứ sĩ hoạn mà thôi. Trái lại, nếu có lí tưởng phụng sự dân tộc mà không có học thức thì dễ phạm sai lầm cực đoan, có thể làm tổn hại cho dân tộc. Quan điểm gốc cho nền dân chủ là: tự do là nền tảng căn bản của dân chủ và quyền cơ bản nhất của con người là quyền tự do, phải có tự do mới có dân chủ. Vì vậy đòi các quyền tự do cá nhân, nhân quyền và dân quyền là những nội dung cụ thể mới của phong trào dân chủ yêu nước Nam Kì giai đoạn 1919 - 1926... Những nội dung này đã được lực lượng lãnh đạo mới là các trí thức Tây học, một lực lượng trẻ, xuất thân từ nền Tân học sử dụng một công cụ mới sắc bén mang tính chất “quyền lực thứ tư” là hệ thống báo chí công khai để tuyền truyền rộng rãi trong dân chúng. So với các cuộc vận động dân chủ đầu thế kỉ XX đây là một phương pháp mới. Tiêu biểu là tiếng nói dân chủ được đăng tải trên tờ “La cloche fêlée” của Nguyễn An Ninh đòi nhà cầm quyền thực dân phải sửa đổi chính sách cai trị, trao lại các quyền tự do cá nhân cho người dân như tự do học hành, tự do đi lại trong nước (việc đi lại giữa ba kì của Việt Nam cũng bị nhà cầm quyền phân biệt), tự do xuất ngoại, tự do ngôn luận, tự do báo chí, đảm bảo quyền bầu cử và ứng cử của người dân Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, bản yêu sách đòi tự do dân chủ của Bùi Quang Chiêu cũng được đăng tải trên nhiều tờ báo ở Nam Kì gồm những nội dung chính như: trao cho người Việt Nam những quyền tự do cơ bản của người dân mà luật pháp ban hành bên Pháp cho phép như: "Tự do tư tưởng, tự do viết báo bằng tiếng mẹ đẻ, tự do học hành, tự do đi lại, tự do hội họp và lập hội" [5;258], “mở rộng thành phần của Hội đồng quản hạt cho người Việt tham gia, bình đẳng Pháp - Nam về lương và chức, nới rộng tiêu chuẩn cho người Việt Nam được nhập quốc tịch Pháp, phản đối Pháp dùng chính sách rượu và thuốc phiện đầu độc nhân dân Việt Nam” [2;520]. Tuy sau đó phong trào dân chủ mà Đảng Lập Hiến tiến hành đã bộc lộ những hạn chế như chỉ đòi những quyền dân chủ trong khuôn khổ chế độ thuộc địa và vì vậy không thể thỏa mãn được nhu cầu của quần chúng và đã bị phong trào của quần chúng vượt qua nhưng với việc ra báo như một hình thức đấu tranh mới đã có tác dụng tương tác cùng các cuộc vận động khác của Nguyễn An Ninh, của Đảng Thanh Niên... làm cho phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì trở nên sôi nổi và lan rộng. Chính điều này góp phần thức tỉnh tư tưởng tự do dân chủ trong quảng đại quần chúng ở mức độ cao hơn nhiều so với thời kì đầu thế kỉ XX. Từ hệ luận tư tưởng coi người dân là yếu tố trung tâm của đất nước thời đầu thế kỉ XX “dân 115 Nguyễn Thị Thanh Thủy là dân nước, nước là nước dân”, lực lượng trí thức Tây học - lãnh đạo phong trào dân chủ yêu nước sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, biết dựa hẳn vào sức mạnh của quần chúng để đấu tranh, gây áp lực với nhà cầm quyền thực dân Pháp. Trong giai đoạn này, nổi bật lên phong trào đòi thả Phan Bội Châu, phong trào để tang Phan Châu Trinh, đòi trả tự do cho Nguyễn An Ninh mà trung tâm của các phong trào này vẫn là ở Nam Kì với sự lãnh đạo của các tổ chức như Thanh Niên, Lập Hiến và các trí thức tiêu biểu như Nguyễn An Ninh, Bùi Quang Chiêu, Trần Huy Liệu, tuyên truyền của các tờ báo như Đông Pháp thời báo, La cloche fêlée... Nhờ việc dựa hẳn vào sức mạnh quần chúng mà các phong trào này đã thu được kết quả. Phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu là phong trào công khai đầu tiên, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân sát cánh cùng thực hiện một mục tiêu dân chủ và yêu nước đã giành được thắng lợi. Tiếp theo, phong trào để tang Phan Châu Trinh ngoài việc được nhóm Thanh Niên và tờ "Đông Pháp thờì báo" do Trần Huy Liệu làm chủ bút phát động và tổ chức với vai trò chủ đạo còn có sự tham gia của các tổ chức chính trị khác như Đảng Lập Hiến và các nhóm sinh viên, phụ nữ và nhân dân nhiều tầng lớp. Một lễ tang long trọng tại Sài Gòn với 14 vạn người tham gia đã trở thành cuộc biểu dương lòng ái quốc và thể hiện sự thống nhất cao vì tinh thần dân chủ khi tôn vinh con người khai mở cho dân chủ ở Việt Nam. Đồng thời, tinh thần biểu dương tự do dân chủ cũng thể hiện rất rõ rệt thông qua việc Trần Huy Liệu và Đảng Thanh Niên đã tổ chức được một cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của khoảng 6 vạn người đón rước trọng thể Bùi Quang Chiêu trở về nước sau khi sang Pháp vận động đòi dân chủ với nhà cầm quyền Pháp vào ngày 24/3/1926 tuy sau đó đã phản đối quan điểm nửa vời của Bùi Quang Chiêu. Các cuộc vận động dân chủ và yêu nước ở Nam Kì đã diễn sôi nổi kết liên mọi tầng lớp nhân dân, xứng đáng là đầu tàu trong cả nước. Các trí thức Tây học giai đoạn này khi lăn xả vào phong trào mà động lực to lớn là quần chúng nhân dân đã nhận thức được phải lập ra các tổ chức để kết liên quần chúng. Tuy việc nhận thức về vấn đề tổ chức còn chưa hoàn thiện nhưng so với phong trào dân tộc dân chủ đầu thế kỉ XX, nó đã là một bước tiến. Với sự phát triển của phong trào, các tổ chức yêu nước ở Nam Kì đã ra đời: Đảng Thanh Niên (1926), Hội kín Nguyễn An Ninh (1924)... Hai tổ chức này đã gây được ảnh hưởng với quần chúng nhân dân, thu hút được một số lượng khá đông quần chúng tham gia. Nguyễn An Ninh, để thành lập tổ chức Hội kín (hay còn có tên là Đảng Cao vọng Thanh Niên) đã từng lăn lộn gây dựng cơ sở bằng việc đi xe đạp, mặc quần áo vải bố, đội nón, mang theo đãy cơm, bầu nước... để xuống các xã tuyên truyền cách mạng trong quần chúng yêu nước. Tuy nhiên, do việc tổ chức còn non yếu, thiếu bài bản (không chú ý đến những vấn đề cốt lõi như chủ nghĩa của đảng, phương châm đường lối, chương trình điều lệ, hệ thống tổ chức) nên chỉ một thời gian không lâu, Đảng Thanh Niên đã tự tan rã (1927). Còn Hội kín Nguyễn An Ninh, do người lãnh đạo và tổ chức là Nguyễn An Ninh hoạt động công khai nên đã bị thực dân Pháp bắt vì vậy hội viên đã phải phân tán và chuyển sang các tổ chức yêu nước khác... điển hình là tham gia vào Tân Việt Cách mạng Đảng [7;39]. 2.2. Bài học kinh nghiệm lịch sử của phong trào dân chủ yêu nước Nam Kì (1919 – 1926) để lại cho các phong trào dân chủ cách mạng kế tiếp Vị thế gạch nối của phong trào dân chủ yêu nước Nam Kì với phong trào dân tộc dân chủ Việt Nam từ sau năm 1926 đã được khẳng định rõ rệt qua việc để lại những dấu ấn, bài học kinh nghiệm về việc hoàn thiện những tư tưởng cách mạng và xây dựng những tổ chức cộng sản hoàn thiện sau này. Về tư tưởng cách mạng, có lẽ Nguyễn An Ninh là người chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng 116 Vị thế lịch sử của phong trào dân chủ yêu nước ở Nam Kì (1919 - 1926) của cuộc Đại Cách mạng Pháp và của Mahatma Gandi (Ấn Độ). Nguyễn An Ninh đã nhân danh tinh thần dân chủ của cuộc cách mạng Pháp 1789 để đấu tranh chống lại chế độ thuộc địa của người Pháp thực dân, coi quần chúng nhân dân là động lực chính của cách mạng mà trí thức là lực lượng tiên phong. Nguyễn An Ninh cũng đưa ra quan điểm tiến hành ở Việt Nam một cuộc cách mạng theo “mẫu mực của Ấn Độ” và muốn làm một cuộc cách mạng, trước hết cần phải có “một đội ngũ trí thức cách mạng gồm đủ các ngành nghề trong xã hội để đủ sức lãnh đạo cách mạng và giữ vững thành quả cách mạng” [7;31]. Với Nguyễn An Ninh, khi người Việt Nam bị suy yếu cả về vật chất và tinh thần do 70 năm đô hộ của người Pháp thì học thuyết của Gandi là phù hợp bởi: “Bất bạo động đem tất cả sức mạnh tinh thần chống trả ý muốn của kẻ chuyên quyền. Như vậy chỉ một người cũng thách thức được một đế quốc làm nó suy vong” [7;167]. Dù vậy, Nguyễn An Ninh vẫn nhận thức: “Ở đâu mà có sự lựa chọn giữa sự hèn nhát và bạo động, tôi khuyên nên bạo động” [7;167]. Trong điều kiện lịch sử những năm 20 của thế kỉ XX, tư tưởng cách mạng dân chủ chịu ảnh hưởng Đại cách mạng Pháp của Nguyễn An Ninh thất bại, chính là sự chuẩn bị