Vũ Trọng Phụng với quan niệm về “Sự dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết”

Tóm tắt. Với Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết - một thể loại vốn dựa trên hư cấu nghệ thuật - lại có khả năng dung nạp tính thời sự, mỗi cuốn tiểu thuyết là “một thiên phóng sự". Từ quan niệm dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng - ông vua phóng sự Bắc kỳ - đã sáng tạo nên những cuốn tiểu thuyết giá trị, tái hiện chân thực, sống động bức tranh hiện thực đời sống Việt Nam những năm 30 của thế kỷ trước, đóng góp lớn cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 236 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vũ Trọng Phụng với quan niệm về “Sự dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2012, Vol. 57, No. 5, pp. 47-51 VŨ TRỌNG PHỤNG VỚI QUAN NIỆM VỀ “SỰ DUNG NẠP CHẤT PHÓNG SỰ TRONG TIỂU THUYẾT” Trần Khánh Phong Trường THPT Hai Bà Trưng - Tp. Huế E-mail: phonghbt@gmail.com Tóm tắt. Với Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết - một thể loại vốn dựa trên hư cấu nghệ thuật - lại có khả năng dung nạp tính thời sự, mỗi cuốn tiểu thuyết là “một thiên phóng sự". Từ quan niệm dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng - ông vua phóng sự Bắc kỳ - đã sáng tạo nên những cuốn tiểu thuyết giá trị, tái hiện chân thực, sống động bức tranh hiện thực đời sống Việt Nam những năm 30 của thế kỷ trước, đóng góp lớn cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Từ khóa: Chất phóng sự, tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng, dung nạp, hiện thực, ông vua phóng sự. 1. Mở đầu Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) được đánh giá là hiện tượng văn học phức tạp. Sự nghiệp của ông đã để lại nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu, phê bình. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc đánh giá Vũ Trọng Phụng gần như đạt được sự thống nhất. Các nhà nghiên cứu đi sâu vào khai thác sự nghiệp văn chương, sáng tác ở thể loại tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng ở nhiều góc độ khác nhau, và đều cho rằng: Vũ Trọng Phụng là một nhà văn hiện thực xuất sắc, cây bút ấy xứng đáng được xếp bên cạnh những nhà văn hiện thực lớn như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng. . . Tác giả Tôn Thất Dụng đã có một khám phá lý thú về sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng: “Trong các tiểu thuyết và phóng sự của Vũ Trọng Phụng người ta nhận ra sự xâm nhập lẫn nhau của hai yếu tố có từ phẩm chất của hai thể loại” [4]. Như vậy, khi sáng tạo tác phẩm văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng, Vũ Trọng Phụng đã có ý thức về sự dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Từ cuộc đời đến quan niệm văn chương Theo nhiều nhà nghiên cứu, bạn bè, Vũ Trọng Phụng sống và tiếp xúc hàng ngày với những cái nhố nhăng thành thị của xã hội thực dân nửa phong Việt Nam, mà chủ yếu ở Hà Nội. Sống trong môi trường đó, cái nhìn về cuộc đời của nhà văn không tránh khỏi phiến diện và một chiều, nhưng hoàn toàn chính xác: “Riêng tôi, xã hội này, tôi chỉ thấy 47 Trần Khánh Phong là khốn nạn: quan tham lại nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt, cái xa hoa chơi bời của bọn giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền lầm than, bị bóc lột” [7]. Mặt trái của xã hội Việt Nam đương thời - sự xuống cấp về nhân phẩm, đạo đức con người khi văn minh phương Tây du nhập vào - trở thành sự thực được phản ánh trong tác phẩm của ông là điều dễ hiểu. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, Vũ Trọng Phụng đã nhận được nhiều lời bình phẩm trái ngược nhau: ý kiến khen thì trân trọng những nhận thức mà Vũ Trọng Phụng đem lại cho người đọc; ý kiến chê thì cho rằng văn chương Vũ Trọng Phụng rặt những điều dâm ô. Trước những ý kiến đó, Vũ Trọng Phụng vẫn kiên trì với quan niệm: “Tôi quan niệm văn chương là một phương tiện tranh đấu của những người cầm bút muốn loại khỏi xã hội con người những bất công, nhen lên trong lòng người nỗi xót thương đối với những kẻ bị chà đạp lên nhân phẩm, kẻ yếu, kẻ bị đày đọa vào cảnh ngu tối, bị bóc lột, mỗi ngày kiếm ra đủ ăn bữa tối để nhịn sáng hôm sau” [6]. Trả lời ông Thái Phỉ, Vũ Trọng Phụng cũng khẳng định: “Công phẫn? Thì chúng tôi chỉ mong có thế! Nhưng cái công phẫn ấy - chỗ hoàn toàn của nghệ thuật vậy - là cái mà công chúng để đối phó với cái nhơ bẩn, với những vai phạm những điều nhơ bẩn tả trong chuyện, và cái công phẫn ấy là chính đáng lắm. . . ” [8]. Với cái nhìn đó, Vũ Trọng Phụng đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn chương với đời sống, nhất là đời sống người dân nghèo. Và ông xác định rõ trách nhiệm của người cầm bút cũng như nhiệm vụ vô cùng to lớn của văn chương: phê phán những cái xấu xa của tầng lớp trên trong xã hội, phản ánh những cái bất công, những đau đớn trong cuộc sống của người dân nghèo để làm cho mọi người biết căm phẫn cái xấu xa trong cuộc đời, từ đó góp phần cải tạo xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời. Môi trường sống và cách nhìn nhận như vậy khiến văn chương nói chung, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng nói riêng, hướng đến việc phản ánh một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời: sự xuống cấp về nhân phẩm của tầng lớp giàu có trong xã hội thành thị, cuộc sống bị áp bức, lầm than của tầng lớp dân nghèo. 2.2. Quan niệm của Vũ Trọng Phụng về “người viết tiểu thuyết” Trước hiện thực cuộc đời, Vũ Trọng Phụng không chỉ là một người viết phóng sự. Ông vua phóng sự Bắc kỳ đã phanh phui vạch trần đến tận gốc rễ cái xã hội mà ông gọi là “chó đểu”, ông còn có ý thức dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết - một thể loại vốn được sáng tạo dựa trên sự hư cấu, trí tưởng tượng và ký nghệ thuật - điều này khiến tác phẩm của ông đem lại những giá trị mới mẻ cho văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945. Từ ý thức ấy, Vũ Trọng Phụng đưa ra vấn đề tác giả văn học, người viết tiểu thuyết. Ông cho rằng: “Người viết tiểu thuyết “trình bày” các sự việc thu nhận được - có thể từ phóng sự - cho các sự việc tác động vào nhau đến thành một “nút” để rồi đến phần cuối tác phẩm “cởi” cái nút ấy ra sao cho tiểu thuyết như là một chỉnh thể, kết quả của một công trình sáng tạo” [6]. Người viết tiểu thuyết, theo Vũ Trọng Phụng vừa đóng vai trò của một nhà báo: thu nhận các sự kiện mới mẻ, nóng hổi trong đời sống; vừa đóng vai trò của một nhà văn: sáng tạo chỉnh thể tác phẩm dựa trên chất liệu hiện thực đời sống. Trước khi là nhà văn, người viết tiểu thuyết phải có phẩm chất của một nhà báo, tức là có cái 48 Vũ Trọng Phụng với quan niệm về “sự dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết” nhìn sắc bén để phát hiện ra những sự việc mang tính vấn đề, tính thời sự trong cuộc sống - và đó là điều kiện đầu tiên, rất quan trọng của một nhà văn, người viết tiểu thuyết. Sáng tạo văn chương là một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc của người cầm bút. Quá trình đó đòi hỏi nhiều phẩm chất, trong đó nỗi đau đời là yếu tố không thể thiếu bởi đó là trách nhiệm của nhà văn, người viết tiểu thuyết với cuộc đời. Thực hiện tâm nguyện của một nhà tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng tự nhận thấy: “Tôi đã mang lấy nghiệp văn chương và càng trưởng thành tôi càng cảm thấy trong xã hội nhiều nỗi đau dằn vặt con người trong thể xác và trong tâm hồn” [6]. Văn chương được Vũ Trọng Phụng coi là cái nghiệp của mình, đó là sự gắn bó máu thịt của nhà văn với sáng tạo nghệ thuật. Điều này chúng ta dễ nhận thấy ở những nhà văn lớn. Nỗi nhức nhối, với ông là điều thôi thúc khi viết tiểu thuyết: “Tôi sẽ cố gắng nhìn vào nỗi đau của xã hội, may ra tìm được những thuốc khiến những cái ung đó có thể hàn miệng, lên da” [6]. Đánh giá điều đó, Vũ Bằng khẳng định: “Mỗi khi viết một bài văn hay một tiểu thuyết, Phụng sẵn sàng chịu trách nhiệm về những ý kiến mình đã nêu ra, không trốn tránh” [3]. Đó chính là phẩm chất, là khát vọng của một nhà báo, khám phá, phát hiện, phanh phui những sự thực ở đời, để từ đó có chất liệu thực tế cho nhà tiểu thuyết phát huy vai trò sáng tạo trong văn chương. Khi viết, Vũ Trọng Phụng tâm niệm rằng: “Và khi dùng một chữ bẩn thỉu, tôi chẳng thấy khoái trá như khi các ông tìm được một kiểu áo phụ nữ mới mẻ. Những lúc ấy, tôi chỉ thấy thương hại cái nhân loại ô uế bẩn thỉu nó bắt tôi phải viết như thế” [7]. Dù sự thật được đề cập đến trong tiểu thuyết của ông có là những điều bỉ ổi, xấu xa nhưng nó là sự thật được khám phá bằng nhiệt tình của một nhà báo, chứa đựng nỗi lòng và tâm nguyện lớn lao, tốt đẹp của người viết tiểu thuyết tâm huyết trước cuộc đời: tìm ra những phương thuốc chữa trị, xóa bỏ những nỗi đau của xã hội hiện tại. Với trách nhiệm của người cầm bút - một nhà báo, một người viết tiểu thuyết - với mong muốn cái xấu xa không còn tồn tại trong xã hội, nhà văn Vũ Trọng Phụng xứng đáng là người thư ký trung thành của thời đại (chữ dùng của Văn Tâm). 2.3. Quan niệm của Vũ Trọng Phụng: “tiểu thuyết là sự thực ở đời” Trong lịch sử văn học nhân loại, tiểu thuyết là một thể loại ra đời từ rất sớm. Vì vậy, việc đưa ra định nghĩa về thể loại này được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. M.Bakhtin đưa ra định nghĩa: “Tiểu thuyết - Đó là những tiếng nói xã hội khác nhau, đôi khi là những ngôn ngữ xã hội khác nhau và những tiếng nói cá nhân khác nhau được tổ chức lại một cách nghệ thuật” [2]. Tác giả Nguyễn Xuân Nam cho rằng: “Tiểu thuyết là một loại hình tự sự, có ít nhiều hư cấu, thông qua nhân vật, sự việc và hoàn cảnh, và thường dùng thể văn xuôi để phản ánh bức tranh xã hội” [9]. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân quan niệm: “Tiểu thuyết trình bày đời sống cá nhân và đời sống xã hội” [1]. Như thế, các nhà nghiên cứu đều gắn tiểu thuyết với đời sống, số phận con người - với tư cách là một thực thể sống động - trong đời sống. Với cách hiểu đó, sự thực đời sống đóng vai trò là chất liệu cho tiểu thuyết. Như vậy, bản thân tiểu thuyết đã có khả năng dung nạp đặc điểm phóng sự. Đi sâu vào khảo sát quá trình vận động của tiểu thuyết, M.Bakhtin đưa ra luận điểm rất quan trọng: khả năng dung nạp đặc điểm nghệ thuật từ các thể loại khác của tiểu thuyết. Tác giả Nguyễn Xuân Nam cũng có cách nhìn nhận như vậy về tiểu thuyết: “Tiểu thuyết có khả 49 Trần Khánh Phong năng dung nạp và hòa lẫn nhiều đặc điểm, nhiều biện pháp nghệ thuật của các loại hình nghệ thuật khác” [9]. Như vậy, khả năng dung nạp đặc điểm nghệ thuật của phóng sự (và các thể loại khác) khiến tiểu thuyết mang những đặc điểm thẩm mỹ rất riêng, đặc thù. Tiểu thuyết là thể loại chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng. Ý thức dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết xuất hiện khi ông khẳng định nhiệm vụ của tiểu thuyết là phản ánh sự thực ở đời: “Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời” [7]. Đây là tuyên ngôn có tính chất bút chiến với nhóm Tự lực văn đoàn, có thể coi là tuyên ngôn của Văn học hiện thực 1930 - 1945. Với tư cách là một thể loại văn học, theo Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết là sự thực ở đời, tiểu thuyết phải chứa đựng sự thực ở đời, những điều nhà văn chứng kiến, những điều mà nhà tiểu thuyết được tai nghe, mắt thấy - đó là một phẩm chất nghệ thuật của phóng sự. Hay, với tư cách là một thể loại văn học, tiểu thuyết có khả năng dung nạp tính thời sự mới mẻ của sự kiện được đề cập đến như phóng sự. Từ đó, ông cho rằng: “Mỗi cuốn tiểu thuyết, theo tôi quan niệm, là một bản mô tả hay một thiên phóng sự thuật lại những sự việc mà những nhân vật này nọ gây ra hay phải chịu đựng và bao hàm một ý (mà tôi cho là một đề)” [6]. Trong cách hiểu đó, tiểu thuyết rất gần với phóng sự, thậm chí là một thiên phóng sự. Điều này sẽ khiến ranh giới của phóng sự và tiểu thuyết trở nên không rõ ràng, cũng như bó hẹp phạm vi của thể loại tiểu thuyết. Với cách nhìn nhận ấy của Vũ Trọng Phụng, thì tiểu thuyết chứa đựng những đặc điểm nghệ thuật của phóng sự. Mang quan niệm này, Vũ Trọng Phụng lựa chọn và bênh vực lối văn tả chân trong tiểu thuyết: “Nhà văn sĩ tả chân có quyền và có bổn phận tả những điều ấy, mặc lòng nó là những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn, khi tả một cuộc dâm loạn bẩn thỉu ô uế thì là đến chỗ hoàn toàn nghệ thuật rồi” [8]. “Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa dâm đãng của bọn người nhiều tiền, kêu ca những sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bình hơn nữa, đừng có những chuyện ô uế, dâm đãng, mà bảo là nhỏ nhen, thì há dễ Zola, Hugo, Malraux, Dostoievxky, Maxim Gorki, lại cũng là nhỏ nhen” [7]. Những bài bút chiến của ông khẳng định sự lựa chọn bút pháp hiện thực trong tiểu thuyết, coi đó là quyền và nghĩa vụ, coi đó là phương pháp để đạt được mục đích nghệ thuật: vạch trần những cái xấu xa đang tồn tại trong xã hội. Đó là cơ sở để đánh giá cao vị trí của nhà văn cũng như tác phẩm văn học do họ sáng tạo ra. Từ quan niệm về chất phóng sự trong tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện thế mạnh của một cây bút phóng sự ở sự nhanh nhạy nắm bắt những vấn đề nhức nhối để đưa vào tiểu thuyết những ghi chép rất tỉ mỉ, cụ thể những gì đang diễn ra trong đời sống. Điều này khiến tiểu thuyết của ông thể hiện khả năng bắt kịp sự vận động của cuộc sống: khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, phong trào cách mạng, sự nghèo đói khốn cùng của nhân dân lao động, phong trào bình dân, “chủ nghĩa quốc gia”, “Viện dân biểu”, “Đại hội đồng kinh tế”, những bất công của xã hội, cuộc sống xa hoa cùng quá trình tích lũy tư bản với lắm thủ đoạn và nhiều mưu mô của giai cấp tư sản. . . trong Giông tố (1936); xung đột gay gắt giữa nhân dân lao động với bọn thống trị độc ác và tham lam, cảnh đói rét và quá trình bần cùng hóa của người dân quê, phong trào đấu tranh và biểu tình của nhân dân lao động. . . trong Vỡ đê (1936); xã hội thượng lưu thị thành với đầy rẫy những giả dối và bịp bợm, thủ đoạn mị dân của thực dân Pháp “khai hóa văn minh”, “Âu hóa”, “thể thao”, 50 Vũ Trọng Phụng với quan niệm về “sự dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết” “phong trào bình dân”. . . trong Số đỏ (1936); [5]. . . Đây là một trong những phẩm chất quan trọng của thể phóng sự và đó là điều mà các nhà văn Tự lực văn đoàn có ý xa lánh. 3. Kết luận Ai cũng biết văn chương là tấm gương phản chiếu hiện thực khách quan của đời sống. Nhưng với Vũ Trọng Phụng phải khẳng định rằng ông có ý thức rõ ràng và sâu sắc về việc dung nạp chất phóng sự trong tiểu thuyết. Điều đó được thể hiện từ quan niệm đến thực tế sáng tạo nghệ thuật trong sự nghiệp văn chương của ông. Chùm tiểu thuyết Giông tố (1936), Số đỏ (1936), Vỡ đê (1936) là minh chứng hùng hồn giúp ta nhận thức rằng: ở Vũ Trọng Phụng - người viết phóng sự với cái nhìn hiện thực sắc sảo chính là tiền đề vững chắc để người viết tiểu thuyết hoàn thành tâm nguyện của mình: phanh phui, tố cáo cái xấu xa giả dối, giúp mọi người nhận chân dược cái tàn nhẫn và thối nát của xã hội, góp phần định hình một xã hội mới đẹp hơn, tốt hơn. Vũ Trọng Phụng đã kiên định đi theo chân lý của mình. Và ông đã trở thành một đại diện xuất sắc của trào lưu hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lại Nguyên Ân, 1998. Đọc lại người trước, đọc lại người xưa. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. [2] M.Bakhtin, 2003. Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn và dịch). Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. [3] Vũ Bằng, 1973. Vũ Trọng Phụng - Nhà văn dơ dáy hay trong sạch?. Văn học, số 172, tạp chí Nghiên cứu Khoa học nhân văn, phê bình, sáng tác nghệ thuật, Sài Gòn, ngày 5/8/1973. [4] Tôn Thất Dụng (chủ biên), 2001. Sự tương tác giữa các thể loại trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 (Đề tài khoa học cấp Bộ). Huế. [5] Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá (Giới thiệu, sưu tầm, biên soạn), 2003. Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (3 tập). Nxb Văn học, Hà Nội. [6] Vương Trí Nhàn (sưu tầm và biên soạn), 2000. Những lời bàn về tiểu thuyết trong VHVN từ đầu thế kỷ XX đến 1945. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. [7] Vũ Trọng Phụng, 1937. Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay là không dâm?. Báo Tương lai, số 9, ngày 25/3/1937. [8] Vũ Trọng Phụng, 1936. Thư ngỏ cho ông Thái Phỉ, chủ báo Tin Văn về bài “Văn chương dâm uế”. Hà Nội báo, số 38, ngày 23/9/1936. [9] Nhiều tác giả, 1994. Từ điển văn học. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. ABSTRACT Vu Trong Phung’s view of tolerance for reportage in novels In Vu Trong Phung’s opinion, novels that are based on imaginary events can be pregnant with current events. Each novel is “a piece of reportage”. Vu Trong Phung - the king of reportage in northern Vietnam - created valuable novels that gave a good and lively picture of life in Viet Nam in the 1930s. He made a great contribution to Vietnamese modern prose. 51