Xây dựng hệ thống câu hỏi nhằm phát triển năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học ở giờ tập đọc Lớp 3 “Mẹ vắng nhà ngày bão” của tác giả Đặng Hiển

TÓM TẮT Bài báo đưa ra cách thức thiết kế hệ thống câu hỏi nhằm phát triển khả năng cảm thụ thơ ca cho học sinh tiểu học, được cụ thể hóa bằng thiết kế hệ thống câu hỏi ở một giờ học Tập đọc lớp 3: “Mẹ vắng nhà ngày bão” của tác giả Đặng Hiển. Đây là một giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thờ ơ với tiếng Việt và văn chương, để rồi rỗng văn từ trong nền tảng đang diễn ra hiện nay.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 423 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xây dựng hệ thống câu hỏi nhằm phát triển năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học ở giờ tập đọc Lớp 3 “Mẹ vắng nhà ngày bão” của tác giả Đặng Hiển, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 21 – Thaùng 6/2014 87 XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÂU HỎI NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC Ở GIỜ TẬP ĐỌC LỚP 3 “MẸ VẮNG NHÀ NGÀY BÃO” CỦA TÁC GIẢ ĐẶNG HIỂN HOÀNG THÚY HÀ(*) TÓM TẮT Bài báo đưa ra cách thức thiết kế hệ thống câu hỏi nhằm phát triển khả năng cảm thụ thơ ca cho học sinh tiểu học, được cụ thể hóa bằng thiết kế hệ thống câu hỏi ở một giờ học Tập đọc lớp 3: “Mẹ vắng nhà ngày bão” của tác giả Đặng Hiển. Đây là một giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thờ ơ với tiếng Việt và văn chương, để rồi rỗng văn từ trong nền tảng đang diễn ra hiện nay. Từ khóa: khả năng cảm thụ, thơ ca, văn chương, học sinh tiểu học ABSTRACT The paper presents a system of questions to develop the elementary student capacity of being sensitive to the interesting of literature, specified by the one- period system of questions designed for grade 3 on reading lesson: “Mother away from home on a storm day” by Dang Hien. It is a solution to the negative attitude of elementary students to current Vietnamese literature syllabus in schools Keywords: to be sensitive to, poetry, literary, elementary students. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ (*) Hiện nay, điểm hạn chế nhất của cách dạy tích hợp văn qua tiếng đang diễn ra trong các giờ lên lớp dạy học tập đọc ở tiểu học là đại đa số giáo viên chỉ chú trọng dành phần lớn thời gian cho thao tác luyện đọc. Giáo viên chỉ hướng dẫn đọc khơi khơi cho đúng theo quy trình, sau đó cô trò đọc đi đọc lại nhiều lần; phần tìm hiểu bài diễn ra nhanh chóng bằng cách trả trả lời mấy câu hỏi trong sách giáo khoa, cuối cùng là mục tổng kết giáo viên giáo viên áp đặt giá trị nội dung và nghệ thuật dựa theo hướng dẫn của tài liệu, yêu cầu học sinh nhắc lại và phải ghi nhớ. (*)TS, Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn Cách dạy này dẫn đến hệ quả của một giờ dạy học văn là cả giáo viên và học sinh mới chỉ đạt đến mức độ đọc trôi chảy một bài thơ bài văn (vì một bài thơ vui với một câu chuyện buồn đều đọc với một giọng điệu, một sắc thái như nhau) và học thuộc “vẹt” nó (đọc đi đọc lại nhiều lần rồi thuộc như con vẹt), chứ chưa đạt đến trình độ đọc diễn cảm và thuộc lòng đúng như mục đích, yêu cầu của phân môn. Đấy chính là một nguyên nhân quan trọng làm cho học sinh tiểu học thờ ơ với tiếng mẹ đẻ và văn chương, để rồi rỗng văn từ trong nền tảng. Để phát triển năng cảm thụ thơ ca cho học sinh tiểu học trong một giờ học Tập đọc cụ thể, bên cạnh cách vào bài, giới thiệu chung đã được nhiều tác giả đề cập, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÂU HỎI NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC 88 theo chúng tôi, hệ thống câu hỏi gợi ý, hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài cần phải chú trọng hàng đầu. Vì vậy ở bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến vấn đề thiết kế hệ thống câu hỏi để phát triển năng cảm thụ thơ ca cho học sinh tiểu học, cụ thể ở giờ dạy học Tập đọc lớp 3: “Mẹ vắng nhà ngày bão” của Đặng Hiển. 2. NỘI DUNG 2.1. Hệ thống câu hỏi gợi ý, hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài trong một giờ tập đọc cụ thể ở tiểu học sẽ không chỉ là những câu hỏi dành cho học tiếng, mà phải có những câu hỏi cho học văn. Những câu hỏi này phải đề cập đến nội dung cơ bản của bài đọc, phải là những câu hỏi “chìa khóa” kích thích học sinh tò mò, hứng thú suy nghĩ về tác phẩm. Nếu các câu hỏi chuẩn bị bài ở nhà được in trong sách giáo khoa sau mỗi bài học chưa đáp ứng được yêu cầu này, giáo viên cần phải “tái thiết kế” cho phù hợp. Hệ thống câu hỏi có thể chia thành những loại như sau: câu hỏi nhắc lại nội dung (chi tiết, từ ngữ, hình ảnh) quan trọng; Câu hỏi gợi liên tưởng, tưởng tượng; Câu hỏi về ý nghĩa hình tượng và tác phẩm (loại câu hỏi này giúp học sinh hiểu được chiều sâu văn bản); Câu hỏi bộc lộ cảm xúc, ý nghĩ của học sinh với nhân vật và tác phẩm; Câu hỏi yêu cầu học sinh xác định kĩ thuật đọc tác phẩm (giọng đọc của bài, của đoạn; nhịp điệu, ngắt giọng). Có cả yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng văn bản (nếu cần). Bài “Mẹ vắng nhà ngày bão” của nhà thơ Đặng Hiển, được đưa vào chương trình tập đọc lớp 3. Yêu cầu về kiến thức và kĩ năng tiếng Việt đối với học sinh lớp 3 là: Đọc có ý thức hơn, lưu loát hơn, thể hiện rõ hơn những phản ứng cảm xúc, tình cảm (tập đọc trong vai nhân vật); tốc độ đọc và đọc thầm tăng so với lớp 2; bước đầu biết đọc lướt để tìm ý chính của văn bản. Hiểu nghĩa từ trong văn cảnh, bước đầu hiểu được giá trị biểu đạt của từ, từ đó bước đầu có ý thức về vẻ đẹp của ngôn từ và nghệ thuật sử dụng từ ngữ của tác giả. Biết rõ hơn những đặc điểm phân biệt các thể loại văn học: thơ, văn xuôi, truyện cổ tích; nhận biết rõ một số biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa,; hiểu một số khái niệm: bố cục, cốt truyện, nhân vật, tác giả, ý nghĩa, Thấy được mối liên hệ giữa các sự việc, tình tiết; nhận ra cốt truyện và tuyến nhân vật trong các bài có cốt truyện; biết so sánh một cách đơn giản đặc điểm tính cách và hoạt động của các nhân vật trong cùng một tác phẩm hay với nhân vật của các tác phẩm khác; hiểu quan hệ của tác giả với các sự kiện, nhân vật, đánh giá đúng điều đọc được. Dựa trên hệ thống câu hỏi của giáo viên, biết tả, biết kể lại bằng một văn bản ngắn về nội dung bài học, về kết quả quan sát tranh, quan sát hiện thực, về những điều đã học, đã nghe, đã cảm, bước đầu bộc lộ khả năng sáng tạo. Với bài tập đọc này, trong sách giáo khoa chỉ có bốn câu hỏi hướng dẫn học ở nhà như sau: 1. Ngày bão vắng mẹ, ba bố con vất vả như thế nào? 2. Tìm những câu thơ cho thấy cả nhà luôn nghĩ tới nhau? 3. Tìm những hình ảnh nói lên niềm vui của cả nhà khi mẹ về? 4. Học thuộc lòng bài thơ. Nếu như giáo viên không mở rộng thêm hệ thống câu hỏi, được triển khai từ bốn câu hỏi trên, thì chắc chắn không thể gợi dẫn được cho học sinh đi vào đọc hiểu, cảm thụ thấm thía hết giá trị nghệ thuật, ý HOÀNG THÚY HÀ 89 nghĩa sâu sắc của toàn bài thơ để từ đó các em có thể truyền được cảm xúc mà mình đã cảm thụ được ra bằng giọng đọc và các em có thể thuộc lòng ngay được bài thơ tại giờ học, ngay sau khi học xong bài thơ. 2.2. Thiết kế hệ thống câu hỏi Hệ thống câu hỏi thứ nhất: Thời điểm mẹ vắng nhà có gì đặc biệt? Em đã bao giờ chứng kiến cảnh bão tố chưa? Khi nói đến bão tố có nghĩa là cuộc sống như thế nào? Cảm nhận của em về bão tố như thế nào? Bão tố đã ảnh hưởng đến cuộc sống ra sao? Vai trò của mẹ trong gia đình như thế nào? Khi trong gia đình có chuyện, thì người quán xuyến mọi việc là ai? Những câu hỏi này nhằm định hướng để giúp học sinh tự hiểu và cảm nhận được các giá trị và ý nghĩa sau: Nhà thơ Đặng Hiển đã chọn một tình huống khá đặc biệt: mẹ vắng nhà ngày bão. Mẹ vắng nhà đã là một thiếu thốn lại đúng ngày bão thì sự thiếu hụt này càng tăng lên gấp bội. Trong gia đình Việt Nam, người mẹ có một vị trí rất quan trọng. Người phụ nữ Việt Nam mang trong mình những đức tính quý báu từ lâu đời, đó là: trung hậu, đảm đang, thuỷ chung, yêu thương chồng con hết mực, chăm lo cuộc sống hàng ngày chu đáo... Hệ thống câu hỏi 2: Tìm những câu thơ cho thấy cả nhà luôn nghĩ tới nhau? Em hiểu và cảm nhận được gì về tình cảnh và tâm trạng của ba bố con khi mẹ đi vắng ngày bão? Nỗi lo lắng của ba bố con dành cho mẹ, mẹ dành cho ba bố con được nhà thơ diễn tả ra sao? Ngày bão vắng mẹ, ba bố con vất vả như thế nào? Những hình ảnh, lời thơ nào làm cho em xúc động? Hãy nêu cảm nhận, cảm xúc của em những lời thơ hình ảnh thơ đó. Theo em, các khổ thơ sau cần phải đọc với giọng điệu như thế nào? Nhịp điệu, ngắt giọng ra sao? Mấy ngày mẹ về quê Là mấy ngày bão nổi Con đường mẹ đi về Cơn mưa dài chặn lối Hai chiếc giường ướt một Ba bố con nằm chung Vẫn thấy trống phía trong Nằm ấm mà thao thức Nghĩ giờ này ở quê Mẹ cũng không ngủ được Thương bố con vụng về Củi mùn thì lại ướt Những câu hỏi này nhằm định hướng để giúp học sinh tự hiểu và cảm nhận được các giá trị và ý nghĩa sau: Bài thơ dung dị với lối kể chuyện tự sự thật cảm động khi hiện lên hình ảnh: "Hai chiếc giường ướt một - Ba bố con nằm chung". Bây giờ, cuộc sống đã khá hơn nhưng cách đây vài chục năm trước ở thời điểm nhà thơ viết bài thơ này thì đời sống còn khá chật vật nhất là những khu tập thể công nhân viên chức. Ba bố con nằm chung rất ấm mà vẫn thấy thiếu một khoảng trống: "Vẫn thấy trống phía trong - Nằm ấm mà thao thức". Tình yêu thương là thế, người này nghĩ về người kia có một linh giác nào đó giao cảm nối họ với nhau: "Nghĩ giờ này ở quê - Mẹ cũng không ngủ được"."Cơn mưa dài" ở đầu bài không những dài về khoảng cách không gian mà cả thời gian tâm trạng nữa. Ta hình dung ra hình ảnh người mẹ bồn chồn lòng như lửa đốt: "Thương bố con vụng về - Củi mùn thì lại ướt". Bây giờ chúng ta nấu bằng bếp ga, bếp điện; ngày đó cuộc sống thiếu thốn phải nấu bằng củi gỗ, mùn cưa - thứ nhiên liệu thô sơ này ướt đẫm thì khó mà nhen đỏ được. Tác giả chọn chi tiết thật đắt, thật sống động nói về XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÂU HỎI NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC 90 cái ăn, cái ngủ thiết thực của con người làm bối cảnh để nổi bật lên tình thương yêu gắn bó với nhau, nương tựa vào nhau vượt lên những khó khăn vật chất. Đọc diễn cảm: giọng điệu trầm lắng, lo âu, suy tư và thuộc lòng đoạn thơ trên. Hệ thống câu hỏi 3: Những việc làm của ba bố con khi mẹ vắng nhà ngày bão theo em có ý nghĩa như thế nào? Những việc làm của chị, của em của bố có làm em liên tưởng gì đến mối quan hệ, ảnh hưởng của người mẹ khi mẹ ở nhà không? Việc làm của người bố khi mẹ vắng nhà tạo nên ấn tượng và cảm xúc như thế nào? Theo em, các khổ thơ giữa cần phải đọc với giọng điệu như thế nào? Nhịp điệu, ngắt giọng ra sao? Nhưng chị vẫn hái lá Cho thỏ mẹ, thỏ con Em thì chăn đàn ngan Sáng lại chiều no bữa Bố đội nón đi chợ Mua cá về nấu chua Những câu hỏi này nhằm định hướng để giúp học sinh tự hiểu và cảm nhận được các giá trị và ý nghĩa sau: Bài thơ là một loạt ứng xử về các mối quan hệ giữa: Bố và con, con và mẹ, vợ và chồng giữa con người và thế giới và vật nuôi thật ấm cúng. Vắng mẹ, nhưng mẹ vẫn phảng phất đâu đây trong mỗi việc làm của con, của bố Nhà thơ Đặng Hiển tiếp tục cái mạch kể thật thà về chuyện chị hái lá cho thỏ, em chăm đàn ngan và: "Bố đội nón đi chợ - Mua cá về nấu chua". Bố đội nón hay bố đang tập làm mẹ, học theo mẹ biết nấu cả canh chua cho con - Một món ngon ẩm thực rất quen thuộc ở nông thôn. Hình ảnh "Bố đội nón" thật ngồ ngộ thương thương mà thẫm đẫm tình người. Đọc diễn cảm với giọng điệu khẩn trương, dứt khoát, rắn rỏi và thuộc lòng đoạn thơ trên. Hệ thống câu hỏi 4: Em cảm nhận kết thúc của bài thơ như thế nào? Theo con các hình ảnh: cơn bão qua, “Bầu trời xanh trở lại, Mẹ về như nắng mới, Sáng ấm cả gian nhà” chuyển tải những ý nghĩa gì? Hình ảnh thơ:"Mẹ về như nắng mới - Sáng ấm cả gian nhà" gợi cho các con những cảm xúc gì? Theo em, các khổ thơ cuối cần phải đọc với giọng điệu như thế nào? Nhịp điệu, ngắt giọng ra sao? Thế rồi cơn bão qua Bầu trời xanh trở lại Mẹ về như nắng mới! Sáng ấm cả gian nhà Những câu hỏi này nhằm định hướng để giúp học sinh tự hiểu và cảm nhận được các giá trị và ý nghĩa sau: Khổ cuối bài thơ chuyển mạch, ảo hoá lung linh bừng sáng khi: "Thế rồi cơn bão qua - Bầu trời xanh trở lại". Đây là quy luật của tự nhiên, nhưng "Mẹ về như nắng mới - Sáng ấm cả gian nhà" là sự đột biến của cảm xúc con người đẩy lên thành cảm giác. Nắng có thể là ánh mặt trời nhưng cao hơn là hơi ấm thương yêu toả ra từ lòng mẹ. Đọc diễn cảm giọng mừng rỡ, vui tươi, ngập tràn hạnh phúc và thuộc lòng đoạn thơ cuối. Hệ thống câu hỏi tổng kết: Theo em bài thơ cái hay cái đẹp của bài thơ là ở chỗ nào? Em hiểu được những gì, cảm nhận được những gì sau khi học xong bài thơ? Bài thơ đã có những tác động như thế nào đối với chúng ta? Mẹ đối với chúng ta quan trọng như thế nào? Để có một gia đình đầm ấm hạnh phúc thì các thành viên trong gia đình phải ra sao? Hãy đọc diễn cảm và thuộc lòng toàn HOÀNG THÚY HÀ 91 bài thơ. Những câu hỏi này nhằm định hướng để giúp học sinh tự hiểu và cảm nhận được các giá trị và ý nghĩa sau: Viết về mẹ là một đề tài quen thuộc dễ có sự trùng lặp về cấu tứ. Nhà thơ Đặng Hiển đã dùng lối "đòn bẩy" để nâng hình ảnh người mẹ lên qua bóng dáng, việc làm, tình cảm của những người thân làm nên một tứ thơ độc đáo. Đây là một thành công của tác giả góp vào trang thơ viết về mẹ như thêm một nốt trầm sâu thẳm, một gam màu sáng ấm, một bức tranh quê gần gũi yêu thương và cảm động. Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình đầm ấm, mọi người luôn nghĩ đến nhau, hết lòng thương yêu nhau. Hiểu và cảm sâu sắc vai trò của mẹ, của một gia đình đầm ấm hạnh phúc, ý thức được việc mình phải sống như thế nào cho tốt Học sinh tự đọc diễn cảm và có thể thuộc lòng bài thơ ngay tại lớp. 3. KẾT LUẬN Trên đây chúng tôi đã đưa ra cách thức thiết kế hệ thống câu hỏi nhằm phát triển năng cảm thụ thơ ca cho học sinh tiểu học, được cụ thể hóa bằng thiết kế hệ thống câu hỏi ở một giờ học Tập đọc lớp 3: “Mẹ vắng nhà ngày bão” của tác giả Đặng Hiển. Cần lưu ý là để có được hệ thống câu hỏi hợp lý, người giáo viên phải định hướng bằng chính những trải nghiệm, những băn khoăn của bản thân mình để tìm ra cách cảm thụ tốt bài thơ và dựa trên mức độ, năng lực hiểu biết của các em học sinh để có những câu hỏi gợi dẫn thật chi tiết, thật cụ thể để giúp các em tự cảm thụ, tự khám phá đúng hướng và sáng tạo chứ không bắt ép các em phải cảm phải hiểu theo cá nhân của người giáo viên hay theo tài liệu tham khảo. Các hệ thống câu hỏi này đã được chúng tôi xen cài trong phần hướng dẫn đọc, và luyện đọc diễn cảm chứ không tách riêng và để ra sau, thực hiện ở phần tìm hiểu bài như quy trình hiện nay giáo viên ở tiểu học vẫn đang thực hiện. Chúng tôi tin tưởng rằng với cách thức này sẽ giúp cả thầy lẫn trò hiểu và cảm được những cái hay cái đẹp giá trị ý nghĩa của thơ văn; có được sự rung động thực sự để có thể thành công trong việc đọc diễn cảm và học thuộc lòng! TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Phương Nga (2009), Bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Việt ở tiểu học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 2. Nhiều tác giả (2002, 2003, 2004, 2005, 2006), Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, 2, 3, 4, 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội 3. Trần Mạnh Hưởng (2001), Luyện tập về cảm thụ văn học ở tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.. 4. Vũ Nho (1999), Nghệ thuật đọc diễn cảm, Nxb Thanh niên, Hà Nội. * Nhận bài ngày: 29/5/2014. Biên tập xong: 5/6/2014. Duyệt bài: 12/6/2014.