Theo “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học” thì tính tình thái là “phạm trù ngữ pháp – ngữ nghĩa biểu thị quan hệ của người nói với phát ngôn, và quan hệ của nội dung phát ngôn với hiện thực khách quan. Tính tình thái là một phổ niệm ngôn ngữ, nó thuộc các phạm trù cơ bản của các ngôn ngữ tự nhiên. Nội dung phát ngôn có thể hiểu như hiện thực hoặc không hiện thực, mong muốn hoặc không mong muốn, có thể hoặc không thể, tất yếu hoặc ngẫu nhiên v.v
12 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 3052 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập Phân tích và chỉ ra mức độ tình thái trong bốn loại văn bản: Miêu tả, trữ tình, lập luận và tự sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phân tích và chỉ ra mức độ tình thái trong bốn loại văn bản: miêu tả, trữ tình, lập luận và tự sự.
Một số vấn đề về tính tình thái
Theo “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học” thì tính tình thái là “phạm trù ngữ pháp – ngữ nghĩa biểu thị quan hệ của người nói với phát ngôn, và quan hệ của nội dung phát ngôn với hiện thực khách quan. Tính tình thái là một phổ niệm ngôn ngữ, nó thuộc các phạm trù cơ bản của các ngôn ngữ tự nhiên. Nội dung phát ngôn có thể hiểu như hiện thực hoặc không hiện thực, mong muốn hoặc không mong muốn, có thể hoặc không thể, tất yếu hoặc ngẫu nhiên v.v… Tính tình thái được biểu hiện bằng các phương tiện ngữ pháp, và từ vựng (hình thái “thức” từ tình thái, tiểu từ, ngữ điệu). Tính tình thái có thể chia ra tình tình thái chủ quan và tính tình thái khách quan”. (tr.296 - 297). Tuỳ theo từng loại văn bản khác nhau mà tính tình thái thể hiện trong đó cũng khác nhau.
2.Tính tình thái và mức độ tình thái trong các văn bản
Khái niệm văn bản hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất trong định nghĩa. Bởi văn bản là một đối tượng phức tạp về nhiều mặt: nội dung, hình thức và loại thể. Việc phân loại văn bản cũng còn có nhiều vấn đề chưa được thống nhất giữa các nhà nghiên cứu cũng bởi tính phức tạp ấy của văn bản cũng như bởi các cơ sở phân loại đang dựa vào nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo tác giả Phan Mậu Cảnh thì “ văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, được tạo lập bởi sự liên kết các câu, các đoạn văn…tạo thành một đơn vị hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, và có tính độc lập” .( Lý thuyết và thực hành văn bản tiếng Việt, tr.30 - 31).
Khi tạo lập một văn bản nào đó, người ta nhằm thực hiện một mục đích nhất định. Cách thức thể hiện các mục đích đó rất khác nhau tạo ra các văn bản khác nhau. Dựa vào cách thức thể hiện hành vi (mục đích) xây dựng văn bản, văn bản có các loại: văn bản thiên về tự sự, văn bản thiên về miêu tả, văn bản thiên về trữ tình, văn bản thiên về lập luận. Các văn bản khác nhau có mức độ tình thái khác nhau.
Nếu tình thái trong câu (phát ngôn) thể hiện trong những đơn vị ngữ pháp, từ vựng thì tính tình thái trong văn bản còn thể hiện ở một số cách thức như là nêu đặc điểm nhân vật, cách phân bố các mảnh đoạn, phân bố các sự kiện trong văn bản, cách thể hiện hệ luận, lập luận, đoạn đối thoại, chêm xen v.v… Mức độ tình thái khác nhau giữa các loại văn bản.
2.1. Tính tình thái trong văn bản tự sự:
2.1.1. Văn bản tự sự
Đây là loại văn bản trình bày (kể lại, thuật lại) sự việc diễn ra trong hiện thực hoặc trong thế giới tưởng tượng. Các loại văn bản tự sự gồm: báo chí, các thể ký, các truyện kể ( truyện kể dân gian, truyện ngắn, tiểu thuyết v.v…), các bản trình bày, biên bản, loại văn tường thuật trong nhà trường…
2.1.2. Tính tình thái trong văn bản tự sự
Văn bản tự sự trình bày nội dung sự việc mang tính khách quan khi nêu các sự kiện (thường tuân thủ các diễn biến theo trình tự không gian, thời gian nhất định), bên cạnh đó, cũng có mặt chủ quan khi đánh giá, bày tỏ thái độ đối với sự việc nêu ra…
Ngúc ngắc
…Chẳng riêng gì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà ngay ở Vinh ta, 5h chiều dạo này ở vòng xuyến nối các đường Minh Khai – Lê Hồng Phong – Kim Đồng - Hồng Bàng cũng bắt đầu tắc đường đấy – chú lái xe cơ quan tôi vừa lái vừa nói chuyện - giờ tan tầm, người từ các cơ quan túa ra, hoạc sinh tan trường, xe ôtô đưa đón…cứ gọi là nườm nượp. Người, xe vẫn lưu thông bình thường thôi, nhưng tắc là tắc ở chỗ dạo này xe mới, tay lái mới nhiều lắm, ra đương đông lại càng…ngúc ngắc tợn. Chúng em nhìn cách xe vận hành là biết ngay ai mới, ai cũ. Mới nên run không dám đi nhanh, gặp sự cố là lúng túng, chết máy ngay giữa đường, gây tắc chứ sao anh…Nhưng ai mà cấm được cái anh ngúc ngắc ấy. Với lại, ai mới cầm vô lăng mà chả trải qua giai đoạn ngúc ngắc ban đầu…(…). Cứ cái đà dân ta mua ôtô giống mua …xe máy như hiện nay, chẳng mấy chốc sẽ xảy ra tắc đường giờ cao điểm không chỉ một điểm.(…)
(Theo Báo Nghệ An, số 8293, tr. 1)
Trong đoạn văn bản trên, tác giả vừa thuật lại một hiện tượng giao thông trên đường phố của thành phố Vinh: giờ tan tầm bắt đầu có hiện tượng tắc đường như ở các thành phố lớn khác, mà tác nhân gây ra hiện tượng đó một phần là do các “ tay lái mới ”, vừa bày tỏ thái độ bình luận, phê phán nhẹ nhàng pha chút hài hước, dí dỏm đối với người và sự việc được nói đến.
2.2. Tính tình thái trong văn bản miêu tả
2.2.1. Văn bản miêu tả
Đây là loại văn bản dùng ngôn ngữ tả lại sự vật, sự việc trong hiện thực làm cho người nghe, người đọc hình dung được rõ ràng, cụ thể.
2.2.2. Tính tình thái trong văn bản miêu tả
Cũng như kể (tự sự), miêu tả cũng phải đảm bảo tính khách quan nghiêm ngặt. Trong miêu tả, có miêu tả bên ngoài (hình thức) và còn phải lột tả được cái bên trong (nội dung, tâm trạng). Văn bản thể hiện miêu tả thường là: tả cảnh, tả tình trong văn bản nghệ thuật. Các đối tượng miêu tả gồm: tả cảnh, tả người, tả sự vật v.v…
Cái cối tân
Cái cối xinh xinh xuất hiện như giấc mộng, ngồi chễm chệ giữa gian nhà trống.
U gọi nó là cái cối tân. Cái vành, cái áo đều làm bằng nan tre. Hai cái tai nó bằng tre già màu nâu. Mỗi tai có một cái lỗ tròn xoe. Lúc nào tai cũng tỉnh táo để nghe ngóng. Cối có hai hàm răng bằng gỗ dẻ. U gọi là dăm. Răng nó nhiều, ken vào nhau. Vậy nên người ta nói “chật như nêm cối”. Nói đến cái cối lại phải nói đến cần. Cái cần dài bằng tre mà rắn như đanh, móc vào tai cối. Từ chỗ tay cầm có cái thừng buộc vào xà nhà. Đẩy đi kéo lại, cối kêu ù ù.
Chọn được ngày lành tháng tốt, u đong một gánh thóc vàng ươm về. Đổ vào lòng cối, u xay thử. Từ xung quanh cối, gạo lẫn trấu chảy xuống vành rào rào như mưa. U vốc thử một nắm, tãi ra, thổi phù phù. Cả vốc gọa chỉ lỏi một vài hạt thóc. U gật đầu nói: “Cối tuy mới, chửa thuần nhưng mà nó xay được như thế này là nhất đấy!” Cứ thế ngày lại ngày qua, đêm đêm tôi xay lúa với u. Đêm đêm tiếng cối ù ù vui cả xóm.
Cái cối xay cũng như những đồ dùng đã sống cùng tôi - cái võng đay, cái chiếu manh, cái mâm gỗ, cái giỏ cua, cái chạn bát, cái giường nứa … - tất cả, tất cả chúng nó đều cất tiếng nói: “Chúng tôi được sống cùng với tuổi thơ anh. Chúng tôi hoàn toàn không muốn nhờ vả anh cái gì. Chúng tôi chỉ muốn theo dõi từng bước anh đi…”.
Theo Duy Khán
Bài văn “Cái cối tân” miêu tả về đồ vật cái cối xay gạo dưới con mắt nhìn của trẻ thơ. Là văn bản miêu tả, vì thế đi vào miêu tả từng chi tiết nhỏ, đặc trưng làm hiện rõ trước mắt người đọc hình ảnh cái cối xay gạo đầy sinh động. Đặc biệt, cái cối cũng như những đồ dùng trong nhà khác được nói đến với tình cảm âu yếm đặc biệt, bởi chúng gắn liền với kí ức tuổi thơ tươi đẹp, êm đềm khi “tôi” được sống với u, với thầy. Từ đó, khơi gợi trong lòng người đọc những kỷ niệm tuổi thơ của bản thân, gây xúc cảm sâu sắc.
2.3. Tính tình thái trong văn bản trữ tình
2.3.1. Văn bản trữ tình
Đây là loại văn bản bày tỏ thái độ tình cảm của người viết, phản ánh thế giới nội tâm của tác giả. Thể hiện rõ nhất tính trữ tình là thơ ca, tùy bút, thư từ.
2.3.2. Tính tình thái trong văn bản trữ tình
Văn bản trữ tình thiên về thông tin biểu cảm, tuy vẫn có kể, tả nhưng những yếu tố đó chỉ làm nền để bộc lộ cảm xúc.
Trở về với mẹ ta thôi
Cả đời ra bể vào ngòi Mẹ như cây lá giữa trời gió rung Cả đời buộc bụng thắt lưng Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng Đường đời còn rộng thênh thang Mà tóc mẹ đã bạc sang trắng trời Mẹ đau vẫn giữ tiếng cười Mẹ vui vẫn để một đời nhớ thương Bát cơm và nắng chan sương Đói no con mẹ xẻ nhường cho nhauMẹ ra bới gió chân cầu
Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi.
(…)
Trở về với mẹ ta thôi Giữa bao la một khoảng trời đắng cay Mẹ không còn nữa để gầy Gió không còn nữa để say tóc buồn Người không còn dại để khôn Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm Tôi còn nhớ hay đã quên Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ Nhuộm tôi hồng những câu thơ Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trờiTrở về với mẹ ta thôi Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
Đồng Đức Bốn
Đọc hai đoạn đầu và cuối bà thơ trên, người đọc bỗng dưng tự liên hệ với bản thân mình, đến người mẹ của mình mà càng hiểu thêm, càng thấm thía và đồng cảm cùng chủ thể trữ tình trước tình cảm yêu thương, niềm tiếc nuối, nỗi đau còn mãi âm ỉ về hình tượng người mẹ thân yêu trong tâm thức của nhân vật trữ tình. Những câu thơ trôi qua như những dòng hồi ức năm tháng mà tác giả cố tìm lại, cố níu giữ để được “ nhìn ngắm ” hình ảnh mẹ được rõ ràng hơn. Nhưng cũng qua đó, mẹ càng hiện lên rõ nét thì nỗi đau, niềm thương nhớ lại càng dâng trào khiến cho người con nghẹn ngào, cay đắng trước sự phũ phàng của năm tháng, của cuộc đời đã kéo mẹ rời xa những đứa con. Khi con nhận ra được thì đã quá muộn màng, chỉ còn kịp trở về nhìn mẹ lần cuối để khỏi phải khi chính mình nằm xuống thì lại “ mồ côi dưới mồ ”. Chỉ hai đoạn thơ thôi nhưng cũng đã đưa lại những rung cảm thẩm mĩ thật sâu sắc, những cảm xúc thật đẹp.
2.4. Tính tình thái trong văn bản lập luận:
2.4.1. Khái niệm lập luận
Theo logic học, lập luận (hay suy luận lôgic) là một quá trình nhận thức hiện thực một cách gián tiếp: từ một hay nhiều phán đoán đã có suy ra một phán đoán mới. Suy luận là một quá trình nhận thức của con người, diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống, có thể đánh giá được đúng/ sai. Có hai phương pháp suy luận: suy luận diễn dịch và suy luận quy nạp
Dưới góc độ ngữ dụng học “lập luận là đưa ra những lý lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một kết luận hay chấp nhận một kết luận nào đấy mà người nói muốn đạt tới”. (Đỗ Hữu Châu).
2.4.2. Văn bản lập luận
Tính lập luận được thể hiện trong nhiều văn bản. Văn bản báo chí: miêu tả, nêu sự kiện để nhằm người đọc rút ra một nhận xét nào đó; văn bản khoa học: dùng chứng cứ để chứng minh một luận cứ nào đó; văn bản chính luận: đưa ra các chứng cứ để đi đến một kết luận, một thuyết phục nào đó.
2.4.3. Tính tình thái trong văn bản lập luận
Đây là loại văn bản thể hiện ý đồ, mục đích của người viết thông qua các lý lẽ, dẫn chứng nhằm thuyết phục người nghe, người đọc đến một kết luận nào đó. Văn bản lập luận có tính luận lý, tính lôgic, tính tác động rất rõ. Các loại văn bản thể hiện rõ nhất quan hệ lập luận là: văn bản chính luận, văn bản khoa học (có thể kể thêm văn bản hành chính). Lập luận có thể thể hiện xuyên suốt văn bản (loại văn bản chính luận, như Tuyên ngôn độc lập chẳng hạn), cũng có thể thể hiện trong một số đơn vị văn bản (như trong các đoạn văn có cấu trúc diễn dịch hay quy nạp).
Văn bản chính luận là văn bản nhằm thực hiện các chức năng thông báo, thuyết phục và tác động. Vì vậy, nội dung được đề cập đến trong văn bản chính luận là những vấn đề cốt lõi, nổi bật nhất của đời sống chính trị xã hội: các luận cứ, luận chứng đưa ra phải chính xác, lôgic, có sức thuyết phục. “Hịch tướng sĩ” (Trần Hưng Đạo) là áng văn thể hiện rõ đặc điểm này:
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm. Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Ði thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào!”.
Văn bản lập luận là loại văn bản thể hiện ý đồ, mục đích của người viết thông qua các lí lẽ, dẫn chứng nhằm thuyết phục người nghe, người đọc đến một kết luận nào đó. Cho nên đây cũng là loại văn bản có sự tính tình thái khá rõ ràng, chủ yếu là biểu lộ tình cảm, thái độ ( có sức thuyết phục cao ) của người viết nhằm hướng đến một mục đích nào đó của chủ thể. Ngoài ra, tính trang trọng của văn bản chính luận quy định của phạm vi và mục đích giao tiếp. Vì vậy, các luận cứ, luận chứng phải chính xác, không chấp nhận kiểu ngụy biện, cách nói bông đùa, thông tục của khẩu ngữ hoặc quá bóng bẩy văn chương của nghệ thuật, mà phải dễ hiểu, đại chúng, ai cũng có thể hiểu được. Để gây được hiệu quả thuyết phục, văn bản trên sử dụng các phương tiện hình tượng – biểu cảm của ngôn ngữ, như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh. Các luận điểm, luận chứng được đưa ra chặt chẽ, có tính thuyết phục cao.
Nhận xét:
Qua việc phân tích và làm rõ tính tình thái trong bốn loại văn bản: tự sự, miêu tả, trữ tình, lập luận, chúng ta nhận thấy:
Các loại văn bản là khác nhau thì có tính tình thái khác nhau. Loại văn bản có tính tình thái rõ nét nhất là văn bản trữ tình, bởi nó chứa đựng thông tin biểu cảm là chủ yếu. Văn bản trữ tình dù có kể, tả, có thông tin sự kiện, nhận thức, quan niệm nhưng trên hết tất cả vẫn là thái độ, tình cảm của nhân vật trữ tình. Qua việc phân tích các ví dụ tiêu biểu ta thấy được từng loại văn bản có tính tình thái và mức độ tình thái khác nhau, các văn bản nhỏ hơn cũng có mức độ tình thái khác nhau. Văn bản báo chí có tình thái trung hòa, khách quan. Văn bản khoa học, hành chính tính tình thái thể hiện không rõ.
Như vậy, các loại văn bản khác nhau có sự khác nhau về mức độ tình thái. Tính tình thái là phạm trù của văn bản, cùng những đặc điểm khác (tính hoàn chỉnh, tính liên kết v.v…) làm nên đặc trưng nổi bật của văn bản. Tính tình thái là đặc trưng của sử dụng ngôn ngữ nhằm thể hiện sự đánh giá của con người về hiện thực được nói đến, từ đó định hướng cho người đọc về cách hiểu văn bản đối với từng laọi và từng văn bản cụ thể.