TTO - Do công việc hằng ngày của mình, chúng tôi là những người đầu tiên đọc bản thảo câu chuyện tự kể của Thúy Hằng (Vuợt lên nghiệt ngã, Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 7-1-2007) trước khi những dòng ấy được lên tiếng trước hàng vạn bạn đọc. Đó là một bản thảo “ứa máu”, mà toàn là máu tươi, từ những tế bào ung thư đang hoành hành trong lá phổi của một cô gái trẻ.
Đó là những trang giấy thấm đầy nước mắt suốt bao năm của tuổi học trò, kiên cường chiến đấu mỗi ngày mỗi giờ trước cái chết… Khi ban tổ chức chương trình “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” quyết định đến thăm Thúy Hằng ngay tại nhà bạn ở thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), chúng tôi những tưởng sẽ gặp em bên chiếc giường bệnh, trong nỗi đau thân xác. Bất ngờ thay, xuất hiện trước mắt mọi người là một nụ cười tươi khỏe, trên đôi môi chiến thắng của nghị lực phi thường. Trong lúc trò chuyện, chính người lớn chúng tôi đều khóc, dù có khác nhau đôi chút trong… cách khóc, song chính em lại luôn luôn cười - tiếng cười rất to, và vang xa như để nhắc nhở chúng tôi: Đừng tuyệt vọng! Thúy Hằng là người mà chúng ta “hãy gặp trước khi tuyệt vọng” như cách nói của bạn tôi, một đồng nghiệp ở Tuổi Trẻ.
13 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 2191 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài viết Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống
Phép màu từ chính mình
Phép màu từ chính mình
TTO - Do công việc hằng ngày của mình, chúng tôi là những người đầu tiên đọc bản thảo câu chuyện tự kể của Thúy Hằng (Vuợt lên nghiệt ngã, Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 7-1-2007) trước khi những dòng ấy được lên tiếng trước hàng vạn bạn đọc. Đó là một bản thảo “ứa máu”, mà toàn là máu tươi, từ những tế bào ung thư đang hoành hành trong lá phổi của một cô gái trẻ.
Đó là những trang giấy thấm đầy nước mắt suốt bao năm của tuổi học trò, kiên cường chiến đấu mỗi ngày mỗi giờ trước cái chết… Khi ban tổ chức chương trình “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” quyết định đến thăm Thúy Hằng ngay tại nhà bạn ở thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), chúng tôi những tưởng sẽ gặp em bên chiếc giường bệnh, trong nỗi đau thân xác. Bất ngờ thay, xuất hiện trước mắt mọi người là một nụ cười tươi khỏe, trên đôi môi chiến thắng của nghị lực phi thường. Trong lúc trò chuyện, chính người lớn chúng tôi đều khóc, dù có khác nhau đôi chút trong… cách khóc, song chính em lại luôn luôn cười - tiếng cười rất to, và vang xa như để nhắc nhở chúng tôi: Đừng tuyệt vọng! Thúy Hằng là người mà chúng ta “hãy gặp trước khi tuyệt vọng” như cách nói của bạn tôi, một đồng nghiệp ở Tuổi Trẻ.
Tập sách này có vô số những con người như vậy, hiện ra trong đớn đau tột cùng của da thịt vì khiếm khuyết bệnh tật, tai nạn đến đỉnh điểm khổ đau của tâm hồn vì bị làm nhục, bị phản bội, hoặc thất bại, đổ vỡ, cùng đường… Những người phụ nữ góp lời trong cuộc trò chuyện tập thể này đã làm kinh ngạc hết thảy mọi người. Như có phép màu! Một thứ “phép màu từ chính mình” theo cách nói của chị Ngô Cẩm Hồng một nhân vật trong tập sách này.
Mọi đổi thay đều bắt đầu từ chính mình. Nên sức mạnh của “phép màu” ấy chính ở khả năng gợi sức mạnh bên trong của mỗi người… Thú vị thay, các cuộc họp của ban tổ chức, ban giám khảo, các hoạt động giao lưu, gặp gỡ trong khuôn khổ của chương trình… đều biến thành những cuộc trò chuyện không dứt về sức mạnh thay đổi con người. Những cuộc trò chuyện đó, như nhân lên khả năng thay đổi từ người này sang người khác, tiếp nối không thôi!
Tập sách này, như một kho báu quí giá, không phải từ trên trời ban cho, mà được góp từ những thông điệp vàng của người đời. Câu chuyện của mỗi người phụ nữ trong đây là những trang sách góp vào một cuốn sách khổng lồ, làm thành một cuộc trò chuyện bất tận của cuộc sống, vì thành công và hạnh phúc cho mỗi con người.
Hơn 1.800 bài dự thi gửi về từ khắp mọi miền đất nước. Khuôn khổ chật hẹp của một cuộc thi, của tập sách, của trang báo không gói được hết sức lan tỏa của những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống với “phép màu từ chính mình”.
DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
(Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ- trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống”)
Hướng đến vẻ đẹp hoàn thiện
TTO - Trong cuộc sống, ai cũng có những giây phút phải đối mặt với sự thay đổi. Cần có những đổi thay để ta có thể sống thành công hơn, hạnh phúc hơn. Sức mạnh của lòng tự tin có trong mỗi người, không phân biệt bất kỳ ai. Một khi tự tin, ta có thể thay đổi chính số phận của mình.
Với mong muốn tạo một diễn đàn để phụ nữ Việt Nam có một địa chỉ để chia sẻ câu chuyện vươn lên của mình cùng mọi người, qua đó khích lệ lòng tự tin, tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người khác, Pantene đã tài trợ và cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết dành cho phụ nữ mang tên “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống”.
Hưởng ứng cuộc thi ý nghĩa này, hàng ngàn bạn đọc đã gửi câu chuyện có thật của mình, chia sẻ những khoảnh khắc, những động lực giúp họ vượt qua khó khăn và tự tin thay đổi để sống một cuộc đời mới. Câu chuyện của họ - những câu chuyện rất đời thường - đã là nguồn động viên, là bài học và “truyền lửa” cho hàng triệu trái tim bạn đọc. Cuộc thi đã thật sự góp phần khuyến khích và phổ biến phong trào phụ nữ Việt Nam tự tin vào chính mình, và mạnh dạn thể hiện khát vọng, vươn tới thành công và hạnh phúc, khích lệ cộng đồng có thái độ sống tích cực, hướng tới những khát vọng sống cao cả.
Kết thúc cuộc thi, quyển sách “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” được xuất bản với những câu chuyện xúc động, đầy ý nghĩa được chọn lọc từ mấy ngàn bài tham dự cuộc thi. Đây là kết quả to lớn của cuộc thi, mà công đầu thuộc về những bạn đã chia sẻ câu chuyện đời mình.
Gắn liền với sứ mạng làm đẹp cho phụ nữ trên toàn thế giới từ 60 năm qua, Pantene luôn đồng hành cùng phụ nữ trên con đường vươn đến vẻ đẹp hoàn thiện từ mái tóc đến tâm hồn. Đồng tổ chức cuộc thi “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” với báo Tuổi Trẻ lần này, Pantene mong muốn phụ nữ Việt Nam luôn tìm thấy sự tự tin và vươn đến thành công. Thay mặt Pantene, tôi trân trọng cảm ơn các bạn đã nhiệt tình tham gia cuộc thi và đóng góp câu chuyện của mình với cuộc thi, với những trang sách - trang đời chung cho tất cả mọi người.
TRỊNH KIM NGỌC
(Trưởng phòng đối ngoại nhãn hiệu Pantene,Công ty P&G)
Mẹ gieo niềm tin
TTO - Nếu có ai đó hỏi tôi điều gì đã làm thay đổi cuộc sống của tôi? Tôi sẽ trả lời đó là: học vấn. Cách nay mười năm, gia đình tôi lâm vào tình cảnh vô cùng túng đói. Để có thể đủ tiền cho chúng tôi đến trường, bố và mẹ đã làm đủ nghề nhưng đói vẫn đói, đói tới mức xanh cả mặt.
Khi anh trai đậu đại học, bố tôi quyết định rời làng lên Lạng Sơn bán báo. Những chồng báo ngày một nặng thêm vào mỗi kỳ học phí của anh. Hông và bàn tay bố chai sần đi, mỗi lần nhìn thấy những vết sần đó lòng tôi không khỏi xót xa, đau nhói tâm can. Rồi điều đau buồn nhất đã xảy ra: bố tôi chết một cách khó hiểu ngay trên giường nhà trọ. Cho tới giờ bí mật đó vẫn chưa thể lý giải, trở thành nỗi đau sự day dứt nhất của tâm hồn chúng tôi.
Mẹ con tôi hụt hẫng, mất một thời gian khá dài mới có thể thích nghi được cảnh nhà không còn bố. Lần này đến lượt mẹ đi kiếm tiền, mẹ tôi đã làm thuê bất kể là nghề gì từ phụ hồ, nhặt rác, thu ve chai, sục bùn… Và mẹ thậm chí cũng đi làm một người hành khất nữa. Tôi đau đớn muốn gào thét khi biết chuyện nhưng cổ họng cứ ứ nghẹn. Thương mẹ đến buốt ruột, chạy tới ôm chầm lấy mẹ khóc như chưa từng được khóc. Theo yêu cầu của mẹ, tôi đã không cho anh chị của mình biết mẹ của chúng tôi từng là người hành khất. Tôi biết bĩ cực lắm mẹ mới phải làm như vậy, mẹ muốn chúng tôi có cơm ăn chứ không phải là cháo hay cơm trộn khoai. Suốt cuộc đời tôi sẽ chẳng thể nào quên được cảnh mẹ ngồi giã thóc giống thành gạo chỉ vì không có nổi một ngàn đồng đi xay xát, và cả những bữa cơm chỉ toàn rau khoai luộc.
Khó khăn túng đói là thế, mẹ không một lời than vãn, lúc nào cũng nhắc nhở các con học hành tử tế. Tuần nào mẹ cũng gửi thư lên thành phố cho anh chị nói: “Chỉ có học vấn mới thay đổi cuộc sống của mẹ con ta”. Nghĩ thương mẹ, chúng tôi chỉ còn biết dồn hết sức lực vào chuyện học.
Năm tháng qua đi, những khó khăn vơi dần theo thời gian. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ đã đổi khác, ấm êm, sướng vui và hạnh phúc. Ai đó vào nhà tôi chẳng thể tưởng tượng nổi cách nay mười năm chúng tôi đã phải ăn cháo, có khi gần cả tháng trời, để có thể tới trường học chữ. Đôi lúc nhớ lại những gì mình đã trải qua, chính tôi còn không tin nổi vì điều gì mà cả mấy mẹ con đều vượt qua được tất cả khó khăn túng đói đó. Có lẽ vì niềm tin vào câu nói của mẹ gieo vào đầu chúng tôi hàng ngày: “Chỉ có học vấn mới thay đổi cuộc sống của mẹ con ta”. Và bây giờ điều đó đã trở thành sự thật.
Tôi biết món quà mà mẹ hài lòng nhất nhận được từ chúng tôi chính là sự thành đạt của mỗi người. Với tôi, mẹ vẫn là niềm tin, chỗ dựa vững chắc nhất trong cuộc đời này. Và niềm tin mẹ gieo mầm trong mỗi chúng tôi nay đã thành quả.
ĐOÀN XUÂN (quận 2, TP.HCM)
Chiếc xe màu rêu
TTO - Tôi lên 8 thì mẹ tôi qua đời trong một tai nạn giao thông khi đang gánh hàng rong trên đường. Bố mang hai chị em tôi về bà nội, rồi ở với một người đàn bà khác. Lâu lâu ông cũng về thăm con, đưa cho bà ít tiền rồi lại đi. Năm tôi 13 tuổi, bà nội mất. Bố mang em đi nuôi, còn tôi thì gửi cho một bà dì họ để phụ bán quán cà phê.
Tôi lớn dần lên và chỉ được đi học bổ túc ban đêm, còn ban ngày phải phụ dì dượng mọi việc trong nhà. Năm 16 tuổi, tôi đã phổng phao như một cô gái. Trong một lần bà dì có công chuyện phải về quê dài ngày, tôi bị ông dượng dụ dỗ làm chuyện bậy bạ. Chuyện này sau đó còn tiếp diễn một thời gian nữa, vì tôi phải ngủ riêng một mình tại quầy cà phê để trông hàng và sáng dậy sớm đun nước. Ông dượng đe dọa nếu tôi mách với dì sẽ bị đuổi khỏi nhà. Vì dại dột, tôi trở thành người đồng lõa với xấu xa. Rồi cũng đến lúc chuyện vỡ lỡ khi bà dì rình bắt được quả tang. Giận quá không kìm được, dì đã ném quần áo và đuổi tôi ngay lập tức.
Bơ vơ không người thân thích, tôi lang thang trong đêm và rơi vào nhà chứa ngay sau đó. Bà chủ chứa trở thành “người cưu mang”. Sau đó, tôi biết mình “dính” bầu, bà đưa tôi tới bệnh viện “tẩy rửa” và cột chặt đời tôi bằng công việc bán thân sau đó. Việc tiếp khách hàng ngày và bị bóc lột gần hết số tiền kiếm được bắng thân xác không biết rồi sẽ kéo dài bao lâu nếu như không có một sự kiện xảy ra sau đó vài năm.
Sáng đó, tôi được nghỉ và đi dạo ra chợ xép gần đó để mua vài thứ đồ dùng. Bất thần một cơn đau bụng ập đến. Tôi vật vã nằm ngay vệ đường. Có vài người dừng lại nhưng chỉ có một anh xe ôm có chiếc xe màu rêu bắt tôi ngồi lên xe để anh chở vào bệnh viện. Tôi được mổ ruột thừa ngay sau đó. Và cứ như ông trời sắp đặt, anh xe ôm không bỏ đi ngay mà chờ đợi để làm mọi việc của một “người nhà” khi được biết hoàn cảnh thật của tôi. Tiền viện phí thì bà chủ đưa vào trả đủ, nhưng việc chăm sóc tôi sau đó hoàn toàn nhờ anh - một người đàn ông hoàn toàn xa lạ.
Ngày ra viện, anh lại chở tôi về trên chiếc xe 81 màu rêu của mình. Vì bệnh tật đem lại sự yếu lòng, tôi thổn thức khóc sau lưng anh. Anh an ủi tôi và hứa sẽ tìm cách giúp đỡ. Sau đó, anh còn tới tìm tôi nhiều lần. Mỗi lần thấy cái xe màu rêu tới là tôi mừng rỡ, bởi bao nhiêu năm qua, làm gì có ai thăm viếng tôi. Chỉ những đàn ông đủ loại tới tìm thú vui trên thân xác những cô gái như tôi mà thôi. Cuộc sống với những đe nẹt của bà chủ, cãi cọ qua lại của những cô gái đồng cảnh ngộ, những dữ dằn thô lỗ của mấy tay bảo kê và thi thoảng cả những xô xát của khách làng chơi đã làm tôi dần chai sạn. Tưởng không còn cảm xúc nhưng tôi đã ngỡ ngàng nghe trái tim mình đập những nhịp khác thường khi chiếc xe màu rêu xuất hiện.
Rồi anh đã thực hiện được lời hứa. Không biết bằng cách nào anh đã vay mượn được một món tiền khá lớn đủ để trả tiền viện phí và nhiều khoản khác để bà chủ chịu cho tôi cầm quần áo đi theo anh. Về nhà trọ nơi anh ở, với khung cảnh bình dị của căn phòng thuê, tôi biết đời mình đã sang một trang mới. Anh cũng mồ côi, cũng bươn chải để sống nên anh thông cảm với tôi. Dần dần, anh dạy tôi biết bao điều để sau này tôi thành một người vợ, người mẹ và là người bạn đời của anh. Chúng tôi về với nhau mà không cần có đám cưới rình rang, không cần bất cứ thủ tục nào, nhưng tôi và anh vẫn hạnh phúc. Hàng ngày chiếc xe màu rêu theo anh đi chở khách, anh còn phải cật lực hơn trước để lấy tiền trả nợ. Tôi lân la tìm việc mua rau muống và hoa chuối về bào bỏ mối đắp đổi tiền chợ.
Tôi vô cùng sung sướng bởi một quá khứ ê chề như vậy tưởng mình khó lòng có con, nhưng sau đó ít lâu tôi đã có bầu và sinh được một bé gái xinh xắn. Tháng ngày qua đi trong sự cố gắng của cả hai vợ chồng, tôi đã đủ vốn để thuê một phòng rộng hơn ở một hẻm lớn và mở được một quầy tạp hóa nhỏ. Chiếc xe màu rêu vẫn theo anh trên mọi nẻo đường để dành dụm những đồng tiền khó nhọc nuôi con.
Bây giờ con tôi đã học lớp 7. Bao năm đã trôi qua, chiếc xe màu rêu không còn nữa, anh đã bán đổi lấy một chiếc tốt hơn. Nhưng trong tôi, nó luôn hiện diện cùng với lòng nhân hậu của anh. Tôi đã được thay đổi cuộc đời từ khi nó và anh cùng xuất hiện.
HỒ THỊ THƠM (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Cảm ơn con gái
TTO - Năm 2000 là năm nhiều biến cố với gia đình tôi. Đầu tiên là gia đình nhỏ của tôi được ra riêng sau hơn 10 năm dành dụm, một ngôi nhà nhỏ trong xóm lao động thôi, nhưng đó là tất cả ước mơ, mồ hôi và công sức của vợ chồng tôi.
Tiếp theo niềm vui lớn đó là nỗi buồn của riêng tôi: thất nghiệp vì cơ quan giải thể. Chồng tôi an ủi, bảo thôi cứ ở nhà chăm sóc chồng con một thời gian rồi từ từ tìm xin việc làm khác. Thế là tôi ở nhà làm bà nội trợ.
Ru rú trong nhà mãi cũng buồn, tôi lân la sang làm quen với mấy chị lối xóm. Láng giềng tôi cũng tốt, mọi người thường nhiệt tình giúp nhau chuyện này chuyện nọ, chỉ có điều chơi với nhau vài hôm tôi phát hiện chị nào cũng mê số đề. Nhưng tôi vẫn giao thiệp vì tin mình sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng, dù sao tôi cũng là người có học, được giáo dục kỹ lưỡng từ nhỏ và chẳng hề ham thích chuyện cờ bạc bao giờ, nói chi đến chuyện đề đóm. Ấy vậy mà lần hồi tôi bị lậm lúc nào không hay. Ban đầu là mọi người người rủ đánh cho vui, mỗi ngày chơi chỉ chừng mấy ngàn đồng. Lúc đầu tôi thường hay trúng, số tiền thắng đề cũng nhỏ thôi nhưng tôi có cảm giác đây là tiền của mình “làm” ra, tiêu xài tiền đó cũng thoải mái hơn tiền của chồng đưa. Rồi dần dần tâm lý tham nổi lên, tôi chơi mỗi lúc một nặng tay hơn, lên đến vài trăm ngàn đồng mỗi ngày với suy nghĩ ngây thơ rằng mình có thể “kiếm” được tiền chợ từ việc chơi đề.
Tôi chơi khi thắng khi thua, nhưng chắc chắn là thua nhiều hơn vì chỉ sau vài tháng, tôi bắt đầu mắc nợ. Càng nợ, tôi càng lao vào đánh lớn hơn để gỡ với ý nghĩ rằng chỉ cần “ông bà thương” trúng chừng vài trận sẽ trả sạch nợ. Lậm vào đề, tôi như một người điên, tối ngủ chỉ mong nằm chiêm bao, sáng ra đi chợ cầm cái thẻ xe cũng nhìn số, bạn bè thỉnh thoảng có ai ngẫu nhiên đến chơi cũng lo hỏi tuổi để bàn đề, cả ngày thậm thà thậm thụt bàn bạc nên đánh số nào, đài nào, chiều chừng 4 giờ đã nôn nóng hồi hộp hết ra lại vào chờ đến giờ xổ số. Bàn thờ ông địa trong nhà không lúc nào ngớt khói nhang thắp xin phù hộ “cho con trúng chiều nay”. Vậy đó, tôi cứ như con bạc khát nước, càng lao vào gỡ gạc càng trắng tay.
Để có tiền tiếp tục chơi, tôi kiếm cách mượn hết anh chị em bên ngoại lẫn bên chồng, rồi đến bạn bè, người quen, riết đến nỗi trong đầu chỉ ráng nhớ xem ai mà mình có thể hỏi mượn tiền. Sự việc rồi cũng vỡ lỡ. Chồng tôi buồn lắm nhưng anh chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở tôi rồi đứng ra thu xếp trả nợ. Giá như lúc ấy tôi biết thức tỉnh dừng lại thì lỗi lầm đã có thể sửa chữa được, đằng này cái cảm giác “thua cuộc” cứ làm tôi ấm ức. Yên được một thời gian, tôi lén lút chơi đề lại. Cũng bài bản ban đầu chơi ít ít, sau càng ngày càng say máu. Tôi mắc nợ thêm một số tiền lớn. Sau năm lần bảy lượt khuyên can tôi không được, chồng tôi chán nản đưa đơn xin ly hôn. Tôi tự biết lỗi do mình nên không trách anh, nhưng điều làm tôi đau đớn nhất là tôi biết sẽ mất đứa con gái lên mười tuổi của mình. Thường ngày nó vốn đã hay gần gũi cha hơn mẹ, từ khi tôi sa vào đề đóm, hàng ngày nó phải chứng kiến cảnh người ta vào đòi nợ, chửi bới nặng nhẹ khiến nó rất xấu hổ. Chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ muốn sống với người mẹ xấu như tôi. Trong đầu tôi day dứt mãi, đôi khi tôi nghĩ đến cái chết. Không nghề nghiệp, không tương lai, không nhà cửa tiền bạc và không cả chồng con, cuộc sống của tôi còn ý nghĩa gì nữa?
Vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra trong lúc tôi tuyệt vọng. Khi được hỏi, con gái tôi trả lời: “Con thương bố, nhưng mẹ bây giờ đang cần con, con muốn ở bên mẹ”. Tôi như người chơi vơi giữa biển khơi đột nhiên vớ được chiếc phao, từ đó hi vọng nhen nhóm trở lại trong lòng tôi.
Bán nhà trả nợ xong, mẹ con tôi quay trở về sống với ông bà ngoại. Tôi xin vào làm ở một công ty may, suốt cả ngày vất vả bên chiếc bàn máy may song tôi vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Không còn những ngày mê muội vì những con số, không còn những ngày bị mọi người khinh khi. Con gái tôi vẫn ngoan ngoãn, đi làm về có con đón nơi cửa với một nụ hôn, bao nhiêu mệt nhọc trong tôi bay biến hết. Cuối tuần, bố nó lại đến thăm hai mẹ con, tôi nấu món gì đó mà ngày trước anh vẫn thích và cả gia đình chúng tôi thật vui vẻ. Tôi không dám hi vọng “gương vỡ lại lành” dù anh vẫn chưa lập gia đình khác, nhưng cuộc sống hiện tại với tôi đã vượt quá mơ ước rồi. Tôi đã vươn lên được nhờ tình yêu của con gái. Cảm ơn con, con gái của mẹ.
MỸ XINH (Đồng Nai)
Ngày mai
TTO - Tôi đang trong tâm trạng một con chim sắp được “tháo củi xổ lồng”. Tuần sau, trước tòa, chúng tôi sẽ thực hiện nốt các thủ tục cuối cùng: xé giấy kết hôn, ký vào thỏa thuận phân chia tài sản, nghĩa vụ nuôi dưỡng, thăm nom hai con.
Chỉ sau một tuần nữa thôi, tôi sẽ không còn phải ám ảnh về cảnh mệt nhoài từ công ty tất bật chạy về nhà, trưa chiều hai buổi chuẩn bị bữa ăn, cuối tuần phải toát mồ hôi với một khối lượng lớn áo quần phải giặt ủi cùng với hàng loạt công việc không tên khác. Không còn phải đối diện với vẻ mặt nặng nề của chồng trong những lần bỏ buổi cơm, về muộn vì bận hội họp, liên hoan, giao thiệp với đối tác.
Tôi thật sự không còn chịu đựng nỗi với tính độc đoán, ích kỷ của anh. Với thu nhập hiện tại của gia đình đâu có khó khăn gì để thuê người giúp việc, nhưng anh lại cương quyết “Không thích có người ngoài xen vào cuộc sống, sinh hoạt trong gia đình”. Trong khi thực tế mỗi thành viên trong gia đình đều bận rộn, hai con đứa đã vào đại học, đứa năm cuối cấp ba, chẳng mấy khi chúng ăn uống đúng giờ cùng cha mẹ, anh thì ngày đêm vùi đầu vào các đề án, nghiên cứu quên cả thời gian. Công việc chỉ mang lại thu nhập đủ cho anh uống cà phê, giao thiệp với bạn bè. Cuộc sống kinh tế gia đình hầu như một mình tôi đảm đương, thế mà tôi chẳng được anh tôn trọng, quan tâm chăm sóc mà trái lại luôn phải chịu sự trách móc, đay nghiến, luôn bị tra tấn bởi những mâu thuẫn, bất hòa nghịch lý. Đi làm là nữ giám đốc kinh doanh, quay về nhà tôi lại phải hóa thân thành một “Oshin” không hơn không kém. Lắm lúc tôi mệt mỏi chán chường, nhưng nghĩ tới hai con, tôi đành cam chịu ngày lại qua ngày, nay đã đến lúc tôi phải có khoảng trời riêng của mình…
Chuông điện thoại nhà tôi reo vang, cơ quan báo tin dữ, chồng Thúy - kế toán của công ty tôi - vừa qua đời trong bệnh viện sau một tai nạn giao thông. Thúy vừa là đồng nghiệp, cũng là bạn cùng thời đại học của tôi. Thúy vốn hiền lành, an phận, chồng Thúy cách nay một năm đã bị buộc thôi việc vì hàng loạt vụ bê bối ở công ty. Từ dạo đó anh ta trở nên cay cú, tính khí thất thường, luôn chè chén bê tha, không ít lần còn cư xử thô bạo với vợ con. Đã có lần tôi bất bình hỏi Thúy: “Sao bạn lại yếu đuối như thế? Tại sao không tự giải thoát cho mình?”. Thúy cười, nụ cười đôn hậu ẩn chứa nhiều u ẩn: “Anh ấy vì lỡ vận, thất chí nên mới thế chứ bản chất ảnh không xấu. Nếu vứt bỏ ảnh trong lúc khó khăn nghiệt ngã như vậy thì còn đâu là tình nghĩa! Mình vẫn tin ngày mai mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, anh ấy sẽ thay đổi, sẽ làm lại cuộc đời. Và dẫu hoàn cảnh vẫn thế thì mình cũng không gì hối hận, vì mình đã sống và yêu trọn vẹn. Yêu một con người là phải yêu cả cái tốt và cả những cái xấu của người ấy, bạn ạ!”.
Khác hẳn với dự đoán của tôi, Thúy không rơi một giọt nước mắt, chỉ lặng lẽ lo chu toàn mọi việc cho chồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Có lẽ Thúy đã khóc quá nhiều đến cạn khô nước mắt. Tôi cố an ủi bạn: “Thúy đừng quá đau buồn mà tổn hại sức khỏe, cuộc đời hãy còn dài, biết đâu mai này cuộc đời Thúy sẽ mở ra một trang mới, tươi đẹp hơn”. “Ngày mai của mình ra sao thì mình vẫn phải sống, chỉ đau là cuộc sống sẽ đơn độc và trống trải hơn vì anh ấy đã bỏ mình mà đi rồi! - Thúy nắm lấy tay tôi nói: “Bạn hãy cân nhắc thật chín chắn, đừng quá cầu toàn bạn ạ! Hãy biết trân trọng những gì mình đang có, đừng để khi vuột mất những điều quí giá mới nuối tiếc muộn màng!”.
Nước mắt tôi ướt đẫm tự lúc nào, tâm tư hoang mang rời rã, tôi chợt nhận ra đằng sau vẻ yếu đuối an phận ấy, Thúy là người giàu lòng vị tha, đầy nghị lực, điềm tĩnh và chín chắn hơn tôi nhiều. Tôi chợt khao khát không khí ấm cúng của gia đình dù đó là lúc vui hay buồn. Sau bao tất tật bon chen, quay cuồng chốn thương trường, điều tôi mong mỏi là một bờ vai ấm áp để tôi tựa đầu chia sẻ buồn vui. Tôi chợt thèm được sống bình thường như bao người phụ nữ bình thường bên cạnh chồng con… Nghĩ đến ngày mai định mệnh, tôi chợt thảng thốt bàng hoàng, đầu óc quay cuồn