Bàn về giảng dạy vấn đề giao lưu văn hoá Việt Nam - Nhật Bản trong chương trình lịch sử Việt Nam cận đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX

TÓM TẮT Vào thế kỉ XVI, những thương nhân Nhật đã đến Việt Nam lập nên khu vực buôn bán và sự thịnh vượng cho Hội An. Điều này đã thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa và thương mại Việt Nam – Nhật Bản trong nhiều thế kỉ và đến cả ngày nay. Phong trào Đông Du là phong trào đấu tranh chính trị do Phan Bội Châu khởi xướng đầu thế kỉ XX, khuyến khích thanh niên Việt Nam sang du học Nhật Bản với hi vọng mở ra con đường cứu nước mới cho dân tộc. Điều này đã đánh dấu sự trao đổi giáo dục đầy ý nghĩa giữa hai nước. Để dạy tốt phần này trong Lịch sử Cận đại Việt Nam, giảng viên có thể sử dụng các kĩ thuật, nhiều loại hình học tập để trợ giúp sinh viên nắm thông tin và khắc sâu hiểu biết. Sinh viên làm việc theo nhóm thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc trao đổi văn hóa giáo dục giữa hai nước.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 301 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bàn về giảng dạy vấn đề giao lưu văn hoá Việt Nam - Nhật Bản trong chương trình lịch sử Việt Nam cận đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀN VỀ GIẢNG DẠY VẤN ĐỀ GIAO LƯU VĂN HOÁ VIỆT NAM –NHẬT BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM CẬN ĐẠI TỪ THẾ KỶ XVII ĐẾN THẾ KỶ XX NGUYỄN ĐỨC HOÀ(*), NGUYỄN VÕ NGỌC TRÂM(**) TÓM TẮT Vào thế kỉ XVI, những thương nhân Nhật đã đến Việt Nam lập nên khu vực buôn bán và sự thịnh vượng cho Hội An. Điều này đã thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa và thương mại Việt Nam – Nhật Bản trong nhiều thế kỉ và đến cả ngày nay. Phong trào Đông Du là phong trào đấu tranh chính trị do Phan Bội Châu khởi xướng đầu thế kỉ XX, khuyến khích thanh niên Việt Nam sang du học Nhật Bản với hi vọng mở ra con đường cứu nước mới cho dân tộc. Điều này đã đánh dấu sự trao đổi giáo dục đầy ý nghĩa giữa hai nước. Để dạy tốt phần này trong Lịch sử Cận đại Việt Nam, giảng viên có thể sử dụng các kĩ thuật, nhiều loại hình học tập để trợ giúp sinh viên nắm thông tin và khắc sâu hiểu biết. Sinh viên làm việc theo nhóm thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc trao đổi văn hóa giáo dục giữa hai nước. ABSTRACT Japanese traders came to Vietnam during the early 16th century and laid the foundation of a commercial area and prosperty of Hoian (Faifo). This improved the commercial and cultural exchange activities between Vietnam and Japan for some centries and present day. Đong Du (Vietnamese for Eastern study) was a Vietnamese political movement founded by Phan Boi Chau at the start of the 20th century that encouraged young Vietnamese to go to Japan to study, in the hope of opening a new road of saving the nation. This marked significiant educational exchanges between two countries. In order to teach well this section in modern history of Vietnam, teachers can use various learning styles and techniques to help students retain information and strengthen their understanding. Students work in groups to discuss issues relating to cultural and educational exchanges between two countries. Trường Đại học Sài Gòn được thành lập theo Quyết định số 478/QĐ-TTT ngày 25/04/2007 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng(***), Trường có rất nhiều thay đổi, trong đó có công tác đào tạo. Việc giảng dạy bộ môn Lịch sử ở Trường Đại học Sài Gòn chắc chắn phải đổi mới, để phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới theo đào tạo học chế tín chỉ. Bài viết của chúng tôi đề cập đến việc giảng dạy nội dung giao lưu văn hoá, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản cuối thế kỉ XVII đến thế kỉ XX. Trong bài chúng tôi cũng có bàn thêm đến phương pháp giảng dạy lấy người học (sinh viên) làm trung tâm và phương pháp dạy học nêu vấn đề. (*) TS.GVC, Trường Đại học Sài Gòn ( ** ) Trường Đại học Sài Gòn ( *** ) Giới thiệu Đại học Sài Gòn www.sgu.edu.vn 1. VỀ NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY PHẦN “QUAN HỆ GIAO LƯU VĂN HOÁ GIÁO DỤC GIỮA VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN TRONG LỊCH SỬ CẬN ĐẠI” Trong nội dung chương trình lịch sử thế giới cổ trung đại, phần viết về giao lưu văn hoá giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản không nhiều. Đó là điều dễ hiểu, bởi nội dung giảng dạy chỉ nhấn mạnh chủ yếu vào quan hệ chính trị khá đặc biệt giữa Nhật Bản và các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trong chương trình lịch sử Việt Nam cận đại, nếu biết chú ý đúng mức, các giảng viên có thể giảng dạy vấn đề này rất sinh động, tạo sự quan tâm và hứng thú cho sinh viên. Giảng viên có thể nêu câu hỏi xuyên suốt bài giảng, gợi sự chú ý hướng tư duy của sinh viên chẳng hạn “Đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam vào thế kỉ XVII trong quan hệ giao thương kinh tế, văn hoá với Nhật Bản là gì?” “Phong trào Đông du tại sao lại diễn ra vào đầu thế kỉ XX tại Việt Nam, nó có vị trí, vai trò như thế nào trong lịch sử Việt Nam cận đại” ? Giảng viên bằng nhiều phương pháp khác nhau (không cần thuyết trình nhiều, chỉ cần thông qua kênh hình và tài liệu hướng dẫn các em lấy từ internet, thư viện), có thể cung cấp khá nhiều nội dung thông tin liên quan đến mảng lịch sử đầy biến động, nhưng lí thú trong quan hệ hai nước trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục. Việt Nam và Nhật Bản là hai nước đều nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có những điểm tương đồng về mặt lịch sử, địa lí và văn hoá. Từ rất sớm, Việt Nam và Nhật Bản đã có những mối quan hệ kinh tế, thương mại và văn hoá. Đầu thế kỉ XVI đã diễn ra các cuộc tiếp xúc, buôn bán giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhưng người Nhật đến Việt Nam thường xuyên hơn phải kể từ giữa thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XVII. Ở Việt Nam, nơi người Nhật đến đông nhất và đóng vai trò quan trọng trong việc buôn bán là Phố Hiến (ở Đàng Ngoài), Đà Nẵng (Tourane) và Hội An (Faifo) ở Đàng Trong, trong số đó họ có một số người đã định cư ở Việt Nam. Tư liệu thành văn của Việt Nam và Nhật Bản đã khẳng định từ năm 1685 đã có nhiều thương nhân và tàu buôn Nhật Bản đến buôn bán ở Việt Nam, mở đầu là ở Cửa Việt, Quảng Trị (1). Ngoài ra, những ghi chép về mối bang giao Việt Nam - Nhật Bản còn được lưu trữ qua các văn kiện ngoại giao - những bức thư trao đổi giữa chính quyền vua Lê-chúa Trịnh, chúa Nguyễn với Mạc Phủ, với các quan chức, thương nhân Nhật Bản - cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đã được xác lập từ rất sớm (2). Ngày nay ở Hội An vẫn còn có di tích khu phố cổ của người Nhật - một bằng chứng lịch sử sống động cho mối quan hệ lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản. Những văn thư của chúa Nguyễn gửi cho Mạc phủ Tokưgaoa cách đây 400 năm được cẩn thận chép thành An Nam Quốc thư và xếp thành 4 tập có con dấu Châu Ấn Trạng của dòng họ Tokưgaoa cho thấy Việt Nam - Nhật Bản đã sớm có mối bang giao hữu nghị, tốt đẹp. Vào thời điểm đó, Hội An là thương cảng mở rộng cửa giao thương với nhiều nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản. Mối quan hệ ngoại thương thuận lợi đã tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc Việt - Nhật. Bức tranh Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ của thương nhân Jaia Sinrôcu (đã được gia tộc ông cẩn trọng giữ gìn suốt từ thế kỉ XVII cho đến nay) cho thấy vào thời gian này việc buôn bán giữa nước ta và Nhật Bản trở nên phổ biến qua các cửa khẩu Hội An và Phố Hiến. Ở Nagasaki, người ta thấy những ngôi nhà có kiến trúc khá giống với những ngôi nhà ở Hội An, chứng tỏ khi đến đây làm ăn, buôn bán và sinh sống lâu dài, thương nhân Nhật Bản đã xây dựng nhà cửa có kiến trúc tương tự như những ngôi nhà ở quê hương của họ. Dãy phố đường Trần Phú (Hội An) hiện nay chính là dãy phố được vẽ trong bức tranh trên. Sự giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản là một sự kiện có thực, xảy ra cách đây mấy thế kỷ mà Chùa Cầu là một chứng tích. Chùa Cầu (Hội An) được xây dựng với lối kiến trúc như những cây cầu ở Nhật Bản thời bấy giờ. Những người con xa xứ Phù Tang cũng phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, khi đi trên chiếc cầu kiểu nước mình giữa nơi xa xôi. Một minh chứng nữa cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam-Nhật Bản chính là bia đá Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật được đặt trong động Hoa Nghiên ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Qua 400 năm, thời gian đã làm bia đá mòn đi, song những dòng chữ khắc trên bia cho người ta biết một số người Nhật đã kết hôn với phụ nữ Việt Nam. Sinh kí tử quy - thể hiện quan điểm sống gửi thác về của người phương Đông. Thế nhưng, trong những năm tàn cuộc buôn bán, những khu phố của người Nhật bị phá huỷ ở Phnôm Pênh, Manila, người Nhật bị tàn sát ở Ayuthai, nhưng những ngôi mộ của họ trên đất Việt vẫn ấm tình nhang khói, không khác gì bài vị đồng bào họ ở Nagasaki. Điều đó cho thấy con người Việt Nam vẫn giữ tình cảm nhân ái, thủy chung dành cho bạn bè các nước khác, đặc biệt là người Nhật một thời đã sống ở đây và đã có đóng góp nhất định cho sự phồn thịnh của cảng thị Hội An. Người ta đã tìm thấy những mảnh gốm sứ Việt Nam ở Nagasaki, minh chứng của việc giao lưu sản vật, văn hoá vào thời gian hai quốc gia có điều kiện giao thoa, buôn bán, tiếp cận nhau. Bảo tàng trưng bày hiện vật gốm sứ Việt Nam khai quật được ở thành phố Fukuoka từ thế kỉ XIV, XV chứng tỏ Việt Nam và Nhật Bản có có mối giao lưu từ trước khi thương nhân đến Hội An lập nghiệp. Vào khoảng thế kỉ XVI-XVII, ở Việt Nam là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến xảy ra liên miên. Do để có tiền trang trải cho chiến tranh, chúa Trịnh, chúa Nguyễn buộc phải giao thương với các thương nhân ngoài nước, mặc dù ngoại thương vốn được xem là trái với đạo lí Khổng - Mạnh và trước đây bị xem thường. Chính vì thế, việc xem trọng ngoại thương là một đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam vào thế kỉ XVII. Mối quan hệ tốt đẹp giữa các chúa Nguyễn với các thương nhân Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho công việc làm ăn, buôn bán của họ, cũng như mối quan hệ thân tình giữa hai dân tộc. Chúa Nguyễn đã tặng bức tranh Thác Kiến Quan Âm cho Jaia, nó được giữ như một báu vật tại chùa Jômiô Jômiôji. Di bút của dòng họ Tôkưgawa cho biết rằng trong bộ sưu tập của dòng họ này có hai báu vật: Thứ nhất là chén uống trà An Nam Hậu bằng sứ tráng men xanh và thứ hai là chân cắm đèn cũng bằng sứ tráng men xanh. Qua những sản phẩm đến từ đất này, hai dân tộc Việt - Nhật đã có cơ hội giao thoa, tiếp xúc tương hỗ trong sinh hoạt và quan niệm sống với nhau. Vào thế kỉ XVII, chỉ Samurai và những thương nhân giàu có mới có tiền uống trà và họ rất quý chén trà Việt Nam - như theo lời nghệ nhân Nakarata thuộc hậu duệ đời thứ 13 của lò gốm Nakajatô của thành phố Karatsu. Gốm ở đảo Okinawa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi kiểu chén Việt Nam, nhưng đế chén ngắn hơn một chút dùng ăn cơm. Chén uống trà gọi là An Nam Trà có kiểu dáng mạnh mẽ, dứt khoát. Do chiến tranh tàn phá, những hiện vật bằng gốm được lưu giữ ở Việt Nam không nhiều, vì thế những sản phẩm của Việt Nam do người Nhật lưu giữ là rất quý giá, nó cho thấy sự giao lưu và ảnh hưởng mạnh mẽ của gốm sứ Việt Nam đến sự phát triển của cường quốc gốm sứ Nhật Bản như thế nào. Bên cạnh những sản phẩm đến từ đất Việt, mối giao hảo giữa Việt Nam và Nhật Bản còn được tô điểm bởi cuộc hôn nhân giữa con gái của chúa Nguyễn và một thương nhân người Nhật. Vào thế kỉ XVII, một thương nhân người Nhật là Araki Sôtarô cưới được một cô công chúa Việt Nam sống ở Hội An tên là Ngọc Hoa. Chàng rước nàng về Nagasaki. Đây là một điềm lành trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, bởi công chúa là tượng trưng cho tuổi thanh xuân, cho tinh hoa của dân tộc Việt, do sức mạnh của trái tim và do tình thân hữu giữa hai dân tộc, đã bỏ xứ tòng phu. Nhân sự kiện này, một đám rước lớn đã được tổ chức ở Nagasaki để đón công chúa Ngọc Hoa. Lễ rước này ngày nay đã trở thành một nghi lễ văn hoá truyền thống thứ nhất và quan trọng nhất ở Nagasaki. Ngày nay, cứ 7 năm một lần người Nhật lại tổ chức một đám rước lớn ở thành phố Nagasaki để kỉ niệm sự kiện trọng đại này. Ở Nhật, câu chuyện này thật sự trở thành huyền thoại và được tái tạo qua các truyện tranh dành cho trẻ em 5, 6 tuổi. Còn ở Việt Nam, mối tình thơ mộng xa xưa cũng được chuyển thành kịch hát truyền thống và được dàn dựng công phu, thực sự gây xúc động cho người xem. Araki Sôtarô là một nhân vật có thật, tại văn khố bảo tàng Nhật còn lưu giữ giấy phép xuất cảng do chính quyền Tôkưgawa cấp cho ông. Ngày 22 tháng 4 năm Hoàng Định thứ 20, tức là năm 1619, chúa Nguyễn đã viết thư cho Sôtarô, người được chúa Nguyễn ban quốc tính là Nguyễn Sôtarô, tức Nguyễn Đại Lương. Công chúa Ngọc Hoa mang tên Nhật là Anhiu, theo chồng về Nhật năm 1619. Năm 1636 khi chồng mất, bà quy y ở chùa Đại An và còn sống cho đến năm 1645. Hiện nay, gia phả dòng họ Sôtarô vẫn còn giữ ghi chép câu chuyện về cuộc hải trình của Satôra và cuộc hôn nhân này. Theo lời ông Araki Sadao (hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Araki Satarô) cho biết rằng ông tổ của dòng họ này đã từng kết hôn với một công chúa Việt Nam (3). Những sự kiện trên chứng tỏ Việt Nam và Nhật bản đã có mối giao lưu văn hoá từ rất lâu, nó vẫn tiếp tục phát triển dù trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Quan hệ giao lưu kinh tế và văn hoá giữa hai nước bị gián đoạn một thời gian do chính sách “đóng cửa” của Mạc Phủ Tokugawa từ năm 1637 đến giữa thế kỉ XIX. Đến thời Minh Trị Thiên Hoàng việc bang giao hai nước mới được nối lại, và phong trào Đông du - sang Nhật cầu học của nhiều thanh niên yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX là mốc son đáng nhớ trong sự giao lưu văn hoá, giáo dục Việt Nam – Nhật Bản cận đại. Phong trào Đông Du, với sự giúp đỡ ở mức độ nhất định của Chính phủ Nhật và một số chính khách đương thời đã đào tạo được nhiều thanh niên yêu nước, có nhiệt huyết được tiếp cận và học hỏi những tư tưởng dân chủ, tiến bộ. Phong trào Đông Du những năm đầu thế kỉ 20 đã đặt một cột mốc lịch sử quan trọng cho mối quan hệ, cho tình hữu nghị Việt- Nhật rất đáng trân trọng trong lịch sử cận đại hai nước trong một khu vực văn hoá chung (4). Phong trào Đông Du là hoạt động yêu nước đầu tiên chống chủ nghĩa thực dân được dựa trên nền tảng duy tân, đổi mới, đề cao việc giao lưu học tập tiến bộ. Giáo sư Đinh Xuân Lâm cho rằng phong trào Đông Du xuất dương cầu học là hành động có tính chất đột phá, mở cửa hướng ra ngoài để học hỏi, tiếp nhận những cái mới cho phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam (5). Đây có lẽ là bước mở đầu cho phong trào thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học để tiếp thu những kiến thức khoa học kĩ thuật sau này chăng? Giảng dạy phần lịch sử này giảng viên nên hết sức chú trọng vào việc cho sinh viên hoạt động thảo luận theo tổ nhóm. Bởi lẽ, trong hoạt động dạy học lấy sinh viên làm trung tâm, người ta coi trọng việc tổ chức cho sinh viên hoạt động độc lập hoặc theo tổ, nhóm để trao đổi, thảo luận (6). Giảng viên nên cho sinh viên thảo luận về 2 vấn đề nêu ra ở đầu bài. Giáo án đựơc thiết kế theo kiểu phân nhánh. Những dự kiến của giảng viên phải tập trung chủ yếu vào các hoạt động đó, cùng với những khả năng diễn biến các hoạt động của sinh viên và cách tổ chức các hoạt động đó, để khi lên lớp có thể giảng viên linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến của tiết học. Giảng viên gợi ra cho sinh viên nắm bắt vấn đề: sang thế kỷ 20, quan hệ giao lưu Việt Nhật được tiếp nối trở lại nhưng đối lập về chính trị. Đó là thời kỳ nước Nhật đã trở thành cường quốc tư bản chủ nghĩa và Việt Nam là một nước nửa phong kiến nửa thực dân. Tuy nhiên quan hệ giữa nhân dân hai nước vẫn tiếp tục phát triển vì trong lịch sử đã có mối quan hệ tốt đẹp từ lâu. Thông qua các hoạt động đó, sinh viên vừa tự lực nắm các tri thức, kĩ năng mới, đồng thời lại được rèn luyện về phương pháp tự học, khả năng khái quát và diễn đạt vấn đề. Giảng viên đóng vai trò tổ chức, quan tâm vận dụng vốn hiểu biết và kiến thức của từng cá nhân và tập thể sinh viên để xây dựng bài học. Giờ học được thực hiện phân hoá theo trình độ và năng lực của sinh viên, chắc chắn vấn đề giao lưu văn hoá giáo dục Việt Nam –Nhật Bản qua 3 thế kỉ sẽ gợi cho sinh viên biết bao điều lí thú. 2. KẾT LUẬN Trong lịch sử, Việt Nam và Nhật Bản vốn có mối quan hệ giao lưu truyền thống về kinh tế, văn hoá. Nghiên cứu mối quan hệ giao lưu, hợp tác về văn hoá, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản là một điều cần thiết, đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều giới khoa học Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế. Vào thế kỉ XVI, những thương nhân Nhật đã đến Việt Nam lập nên khu vực buôn bán và sự thịnh vượng cho Hội An. Điều này đã thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hoá và thương mại Việt Nam – Nhật Bản trong nhiều thế kỉ và đến cả ngày nay. Phong trào Đông Du là phong trào đấu tranh chính trị do Phan Bội Châu khởi xướng đầu thế kỉ XX, khuyến khích thanh niên Việt Nam sang du học Nhật Bản với hi vọng mở ra con đường cứu nước mới cho dân tộc. Điều này đã đánh dấu sự trao đổi giáo dục đầy ý nghĩa giữa hai nước. Để dạy tốt phần này trong Lịch sử Cận đại Việt Nam, giảng viên có thể sử dụng các kĩ thuật, nhiều loại hình học tập để trợ giúp sinh viên nắm thông tin và khắc sâu hiểu biết. Sinh viên làm việc theo nhóm thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc trao đổi văn hoá giáo dục giữa hai nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chương trình Du lịch và Đời sống, HTV 4, tháng 7-2007. 2. Lê Thị Đào (1998), Quan hệ Việt Nam –Nhật Bản 1975-1995, Luận văn thạc sĩ Lịch sử, Thành phố HCM, tr16 . 3. Trần Bá Hoành (2003), “Dạy học lấy người học làm trung tâm”, Tạp chí Khoa học Giáo Dục số 96, tr.5. 4. Đinh Xuân Lâm (2005), “Phong trào Đông du (1905-1909) ý nghĩa và vị trí trong lịch sử dân tộc”, (Phong trào Đông du và Phan Bội Châu, trang 14). Nhà xuất bản Nghệ An và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây. 5. Phan Ngọc Liên (1995), Lịch sử Nhật Bản, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 205. 6. Thời báo kinh tế Việt Nam, số 20 (từ 14 đến 20 tháng 10 năm 1993), tr. 53.