Tóm tắt. Nguyễn Xuân Khánh là một trong những nhà văn tiêu biểu, có nhiều đóng
góp vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Số lượng tác phẩm của
ông tuy không nhiều nhưng hầu hết đều là những tác phẩm giá trị, được đánh giá
cao bởi các nhà nghiên cứu và bạn đọc. Bài báo tìm hiểu mối quan hệ "liên văn bản"
giữa Mẫu Thượng ngàn – một trong số những tác phẩm làm nên tên tuổi Nguyễn
Xuân Khánh - với các văn bản khác (văn bản văn học và văn bản phi văn học) để
chứng minh Mẫu Thượng ngàn là một sự xếp chồng của rất nhiều văn bản, từ đó, lí
giải dụng ý của tác giả và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
8 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 154 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bước đầu tiếp cận Mẫu thượng ngàn từ lí thuyết liên văn bản, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 24-31
BƯỚC ĐẦU TIẾP CẬNMẪU THƯỢNG NGÀN TỪ LÍ THUYẾT LIÊN VĂN BẢN
Bùi Hải Yến và Phạm Văn Đại
Khoa Ngữ văn, Đại học Hải Phòng
Tóm tắt.Nguyễn Xuân Khánh là một trong những nhà văn tiêu biểu, có nhiều đóng
góp vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Số lượng tác phẩm của
ông tuy không nhiều nhưng hầu hết đều là những tác phẩm giá trị, được đánh giá
cao bởi các nhà nghiên cứu và bạn đọc. Bài báo tìm hiểu mối quan hệ "liên văn bản"
giữa Mẫu Thượng ngàn – một trong số những tác phẩm làm nên tên tuổi Nguyễn
Xuân Khánh - với các văn bản khác (văn bản văn học và văn bản phi văn học) để
chứng minhMẫu Thượng ngàn là một sự xếp chồng của rất nhiều văn bản, từ đó, lí
giải dụng ý của tác giả và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Từ khóa: Mẫu Thượng ngàn, liên văn bản, Nguyễn Xuân Khánh.
1. Mở đầu
Cùng với “diễn ngôn”, “văn bản”. . . “liên văn bản” (intertextuality) là thuật ngữ
được sử dụng nhiều nhất trong nghiên cứu văn học từ nửa sau thế kỉ XX đến nay. Liên văn
bản là một thuật ngữ của văn bản học, chỉ mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau giữa văn
bản đang được xem xét, phân tích với các văn bản khác (có thể là hoặc không là văn bản
văn học) hoặc với môi trường văn hóa, xã hội, lịch sử nói chung [2;38].
Để chỉ ra mối liên hệ liên văn bản đòi hỏi phải xác định hai cách thức quan hệ:
- Thứ nhất, đặt văn bản văn học đang xem xét trong quan hệ với các văn bản khác
(văn bản văn học hoặc văn bản phi văn học).
- Thứ hai, đặt văn bản văn học vào hệ thống riêng biệt trong lĩnh vực văn hóa, lịch
sử và đời sống thực tại. Trong trường hợp này xuất hiện quan hệ giữa văn bản văn học và
văn cảnh theo nghĩa kí hiệu học.
Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh là một sự xếp chồng của rất nhiều văn
bản. Trong giới hạn của mình, bài viết này sẽ xem xét Mẫu Thượng ngàn trong quan hệ
với các văn bản khác, từ đó biện giải dụng ý của tác giả và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Ngày nhận bài 11/7/2013. Ngày nhận đăng 25/08/2013.
Liên lạc Bùi Hải Yến, e-mail: buihaiyen.dhhp@gmail.com
24
Bước đầu tiếp cậnMẫu Thượng ngàn từ lí thuyết liên văn bản
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Ở cấp độ ngôn từ
Khi đối chiếu văn bản này với văn bản khác, ta nhận thấy giữa chúng như có một
sợi dây liên kết vô hình nào đó mà ta không thể kiểm soát nổi. Nó được biểu hiện trước
tiên ở cấp độ văn bản ngôn từ; thông qua các trích dẫn, ám chỉ, giễu nhại, điển cố, môtip,
v.v. Trong Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh ta bắt gặp một mê lộ của những
giao cắt văn bản như vậy.
Đầu tiên phải kể đến các đoạn chầu văn xuất hiện với tần số khá cao trong Mẫu
Thượng ngàn:
Bảng 1. Tần số xuất hiện của các đoạn chầu văn trong Mẫu thượng ngàn
Đoạn hát văn trong Mẫu Thượng ngàn Tên bài hát văn
đầy đủ (nguồn)
“Thỉnh mời công chúa Thiên Thai/ Giáng sinh hạ giới quyền oai
thượng ngàn.” (tr.23)
Hát chầu Mẫu thượng
ngàn
“Da ngà mắt phượng long lanh/ Hà huê tươi tốt, tóc xanh rườm
rà/ Nhụy hồng tuyết điểm màu da.” (tr.24)
Chầu đệ nhị thượng ngàn
“Cô rong chơi mười tám cửa ngàn/ Ba mươi sáu động sơn trang
các tòa.” (tr.47)
Văn cô Chín
“Cô Chín ngự đồng dệt gấm, thêu hoa/ Long ly quy phượng cô
thêu ra đôi rồng chầu. Cô thêu đỏ lặn ác tà/ Thêu non, thêu nước,
cô thêu hoa, thêu người.” (tr.65)
Văn cô Chín
- “Đức Mẫu Thượng ngàn ngự chín tầng mây/ Cô chín mắc võng
ngự rày cây sung.” - “Khi vui, cô Chín ngự chiếc xe rồng/ Khi
buồn phách trúc, đàn thông, cung tì bà/ Dập dìu yến múa, oanh
ca/ Thoắt thôi cô lại ngự về tòa sơn lâm.” (tr.69)
Văn cô Chín
“Cảnh thanh xuân thiều quang soi tỏ/ Chúa thác Bờ tiên nữ giáng
sinh/ Họ Mường, áo trắng, đai xanh/ Lưng đeo xà tích, bên mình
dao quai... Đôi mắt phượng, hoa cài, trâm giắt/ Vầng trán xinh, vẻ
mặt càng tươi/ Môi son như đóa hoa cười/ Thanh tân lịch sự, mắt
người thu ba.” (tr.117)
Văn bà chúa Thác Bờ
“Nón kình vai quẩy lẵng hoa/ Khi vào Ba Dội, lúc ra Ninh Bình/
Bóng hồng đủng đỉnh non xanh/ Trăng in vẻ bạc, long lanh suối
vàng.” (tr.117)
Văn cô Chín Giếng
“Người ơi! Cỏ vái hoa chào/ Cô về bách điểu sớm chiều ca vang/
Người ơi! Bể bạc rừng vàng/ Đem cho trăm họ giàu sang đời đời.”
(tr.263)
Văn cô Bé Suối
“Gương núi Ngọc quanh đồi chim hót/ Trước sân đền trúc mọc
thấp cao/ Sáng trăng thanh ngoạn cảnh vườn đào/ Vầng trăng san
sát có ba sao mọc giữa trời.” (tr.263-264)
Văn Hoàng Bảy Bảo Hà
(quan)
25
Bùi Hải Yến
“Thỉnh mời tứ phủ khâm sai/Thủ đền công chúa đáng tài thần
thông. . . Thỉnh mời bát bộ sơn trang/ Bên thời thập nhị /Tiên
nương chầu vào.” (tr.423)
Cộng đồng Tứ phủ văn
“ĐứcMẫu ngự chín tầng mây/ Cô nay mắc võng ngự rày cây sung/
Cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa/ Thêu loan, thêu phượng cô
thêu ra đôi rồng chầu.” (tr.424)
Văn cô Chín đền Sòng
“Gặp thời Thái Tổ trung hưng/ Theo vua dẹp giặc Liễu Thăng
hàng đầu/ Chầu Mười trấn giữ các châu/ Sơn trang tám tướng nói
chầu ra binh.” (tr.425)
Chầu Mười Đồng Mỏ
“Bóng trăng loa/ Mẫu đơn nhất đóa/ Gió lay mành/ Nhang xạ
thoảng hương đưa.” (tr.532)
Văn ca Thánh Mẫu
“Đức Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An/ Ở huyện Thiên Bản, làm
quan đất Phủ Giày/ Lưỡi gươm thiêng cứu nước phù đời/ Đánh
đông, dẹp Bắc việc ngoài chốn binh nhung.” (tr.533)
Ông Hoàng Mười
“Kiếp giáng sinh vào nhà Lê Thị/ Cải họ Trần vận khí thiên
hương/ Vốn sinh vẻ cốt phi thường/ Giá danh đòi một, hoa vương
khôn bì.” (tr.706)
Văn ca Thánh Mẫu
“Hỡi ai qua bến sông Chanh/ Nhớ người tráng sĩ uy danh tuyệt
vời/ Tiếng loa đồng gọi nước sông Chanh/ Lưỡi gươm cứu nước
tung hoành là ai.” (tr.710)
Quan lớn Tuần Chanh
(Quan Đệ Ngũ)
“Sông Chanh, sông Chanh, ơi sông Chanh/ Nước non còn ghi trận
tung hoành/ Lẫm liệt oai phong gương tráng sĩ/ Ngàn thu còn để
dấu anh linh.” (tr.710)
Quan lớn Tuần Chanh
(Quan Đệ Ngũ)
“Vầng nhật nguyệt đêm ngày soi tỏ/ Cảnh thác Bờ rực rỡ càn
khôn/ Lô xô đá mọc đầu nguồn/ Khen ai khéo tạc bên nguồn chơi
vơi.” (tr711)
Văn bà chúa Thác Bờ
“Dầu ai bệnh hoạn không qua/ Lòng thành kêu tới chúa Bờ cứu
cho/ Chúa Bờ cứu, tai qua nạn khỏi/ Lại cứu người qua khỏi trầm
luân.” (tr.711)
Văn bà chúa Thác Bờ
“Người đâu đẹp lạ đẹp lùng/ Rõ ràng cô Chín đền Sòng giáng
lâm.” (tr.807)
Văn cô Chín đền Sòng
Thứ đến là các trích dẫn về văn bản của các nhân vật lịch sử. Đó là các trích dẫn
thư của nhà chính khách Pháp Jules Ferry, thống đốc Le Myre de Viler, trích dẫn “Tối hậu
thư” mà Pháp gửi cho Tổng đốc Hoàng Diệu, trích thư của Henri Rivière gửi Alexandre
Dumas-con, hay chỉ dụ của vua Tự Đức (tháng 7 năm 1861). . .
Một loại trích dẫn cũng gặp nhiều trong Mẫu Thượng ngàn là việc trích dẫn các
tác phẩm văn học khác. Một vài câu trong Tứ Nãi của thám hoa Lê Đình Diên, Truyện
Kiều của Nguyễn Du, Tương tiến tửu của Lý Bạch, cùng rất nhiều câu ca dao, tục ngữ
được Nguyễn Xuân Khánh thu nhập từ cái “kho chung” của dân tộc đã được ông cấp vào
“miệng” những nhân vật của mình, để chúng thể hiện một cách sinh động phông nền văn
26
Bước đầu tiếp cậnMẫu Thượng ngàn từ lí thuyết liên văn bản
hóa, văn học cùng mối liên hệ với tiền nhân.
2.2. Ở cấp độ nhân vật
Tiếp cận với hệ thống nhân vật trong Mẫu Thượng ngàn chúng ta thấy có sự tương
đồng với nhiều nhân vật ở các tác phẩm văn học khác. Nhất là Chùa Đàn của Nguyễn
Tuân.
Để làm rõ hơn vấn đề này chúng tôi tiến hành so sánh cặp đôi nhân vật ông Kiên -
bà Kiên, Trịnh Huyền - Thắm với bộ ba nhân vật Bá Nhỡ - Cô Tơ - Chánh Thú trong Chùa
Đàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành so sánh một số nhân vật trong Mẫu Thượng
ngàn với những tác phẩm văn học khác, đặc biệt là văn học viết trung đại và với các nhân
vật lịch sử.
2.2.1. Sự tương đồng về nhân vật trongMẫu Thượng ngàn và Chùa Đàn
Trên cơ sở so sánh, phân tích tỉ mỉ, chúng tôi thấy giữa các cặp nhân vật nêu trên
của hai tác phẩm có ba điểm giống nhau cơ bản:
- Một là, người con trai có tài chơi đàn, kết tóc xe duyên với người đàn bà hát hay,
xinh đẹp (ca nương), họ yêu nhau vì tài năng, cảm phục nhau vì đức độ.
TrongMẫu Thượng ngàn, cụ trưởng Kiên - một nghệ nhân chầu văn nức danh khắp
vùng Sơn Nam thượng, hạ lấy vợ (bà trưởng Kiên) cũng là một nữ nghệ nhân, cả hai ông
bà đều có tài đàn hát. Chàng Trịnh Huyền thổi kèn hay lại đàn giỏi đã lấy cô Thắm (con
gái trưởng Kiên), cô thôn nữ có giọng hát khiến bao kẻ si mê. Trong Chùa Đàn, Chánh
Thú cũng là một người có tài chơi đàn đáy, đệm đàn rất khéo, rất chỉnh. Ông lấy Cô Tơ là
một đào nương có giọng hát ca trù nổi danh khắp chốn, “Tay phách không một tiếng nào
là nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều. . . Dưới mười ngón tay hoa múa
dẻo quánh, tre trúc bật nảy lên vì thoả thích. Đàn và hát dắt nhau mà lướt bổng.” [3;60].
- Hai là, sự tương đồng về hành động của các nhân vật ở hai tác phẩm: cái chết của
một người khiến người còn lại bỏ đàn (chôn đàn hoặc cất đàn), thề bỏ nghiệp hát, sống
chết vẫn thủy chung.
Trong Mẫu Thượng ngàn, khi bà trưởng Kiên chết, ông Kiên chỉ đàn lại lần cuối
cùng để tưởng nhớ vong linh bà, rồi ông “kính cẩn cầm chiếc đàn lạy ba lạy rồi dựng nó
lên bàn thờ vợ” [1;25]. Sự ra đi quá đột ngột của cô Thắm làm Trịnh Huyền vô cùng đau
đớn, xót thương, anh đã “chôn theo cây đàn với vợ và thề rằng từ nay sẽ không bao giờ đàn
hát nữa” [1;28]. Trong Chùa Đàn, từ khi ông Chánh Thú mất, cô Tơ cũng không còn nghĩ
chi tới việc cầm lá phách và hát nữa, cô đem cây đàn đáy dựng gần ban thờ của chồng.
- Ba là, sự tương đồng về thủ pháp xây dựng không gian nhuốm màu sắc “liêu trai”,
ma quái, mộng mị.
Trong Mẫu Thượng ngàn, không gian đậm mầu sắc “liêu trai” thể hiện rõ nhất qua
đoạn miêu tả giọng hát của ông Trưởng Kiên, “Cứ nhớ mãi, khi ông cất lên giọng hát, thì
cả tòa điện thờ chợt như có thần hiện, tất cả chợt như lung linh tỏa sáng... Khói hương đã
27
Bùi Hải Yến
mờ ảo hình như càng mờ ảo thêm. Gần cũng chả nhìn rõ mặt nhau chỉ thấy mờ mờ nhân
ảnh” [1;25]. Khi miêu tả tiếng kèn đầy ai oán, cảm thương của nhân vật Trịnh Huyền, độc
giả cũng chìm đắm trong một không gian ma mị như thế: “Tiếng kèn đầy ma lực quyến rũ
ấy quả thật đã làm đám tang trở thành một cuộc lên đồng. Ở đây cả làng đã bị cuốn hút, tất
cả mọi người đều đã biến thành con đồng” [1;552]. Trong Chùa Đàn, Nguyễn Tuân cũng
miêu tả cây đàn của ông Chánh Thú với một giọng văn vừa mang màu sắc kỳ bí, vừa gợi
sự lạnh lẽo, đáng sợ: “Nguyên cây đàn đó hình như có phù chú yểm bùa biếc gì ấy. Tang
đàn làm bằng nắp ván thôi cỗ quan tài một người con gái đồng trinh. . . cứ vào những đêm
tối giời, thành đổ mồ hôi cứ vã ra như tắm và thùng đàn phát lên những tiếng thở dài và
vật mình vật mẩy với bức vách, cứ lủng củng suốt đêm” [1;47]. Thủ pháp này cũng được
Nguyễn Tuân sử dụng khi miêu tả tâm trạng cô Tơ tại buổi hát cuối cùng, “Chưa bao giờ
Cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực,
chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào
tận bên trong lòng người thẩm âm” [1;59].
Ngoài những điều vừa trình bày, nhân vật Trịnh Huyền (Mẫu Thượng ngàn) và Bá
Nhỡ (Chùa Đàn) có thêm sự tương đồng kì lạ về biến cố cuộc đời. Cả Trịnh Huyền lẫn Bá
Nhỡ đều vướng phải tai ương, hình ngục, bị truy nã ráo riết và đều phải thay tên đổi họ.
Hai Phác theo Đề Nghĩa chống thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nghĩa quân tan
rã, Hai Phác phải phiêu bạt đến nơi khác, làm đủ mọi nghề, đổi tên là Trịnh Huyền, rồi
được ông Trưởng Kiên quý mến gả con gái, cho ở rể và truyền nghề đàn. Còn Bá Nhỡ vì
dính líu vào một vụ giết người, được vợ chồng Lãnh Út che chở, giúp đỡ, làm giả giấy tờ,
lí lịch cho về ở với gia đình mình. Chịu ơn cứu mạng, Bá Nhỡ luôn hết mực trung thành.
Thương chủ đau buồn vì vợ qua đời, Bá Nhỡ đã đi học lại nghề đàn, để rồi trở thành tay
đàn đáy cự phách. Nếu ai đã từng đọc Chùa Đàn, chắc chắn khi nhắc tới Trịnh Huyền, tất
sẽ nhớ lại Bá Nhỡ.
2.2.2. Sự tương đồng giữa nhân vật trongMẫu Thượng ngàn với nhân vật trong văn
học viết trung đại Việt Nam và nhân vật lịch sử
- Trước hết, các nhân vật nữ trong Mẫu Thượng ngàn như đa số các nhân vật nữ
trong văn học trung đại đều là những người phụ nữ đẹp, có tài nhưng phải chịu nỗi đắng
cay, tủi nhục (hồng nhan bạc phận).
Đọc tác phẩm Mẫu Thượng ngàn ta thấy hiện lên hình ảnh của tuyến nhân vật nữ
xinh đẹp, duyên dáng, có tài đàn ca và tấm lòng thương người nhưng trớ trêu thay, số phận
lại không mỉm cười với họ, bắt họ phải nếm trải hết đến đắng cay này đến đắng cay khác
và trầm luân trong bể khổ. Bà Kiên - một ca nương nổi danh, tiếng hát “làm mê hồn cả
bốn phương thiên hạ” nhưng khi chết lại ra đi trong thầm lặng, không tiếng kèn đưa tiễn.
Cô Thắm dù đã có con vẫn mặn mà, thêm nữa lại hát rất hay, “Khi giọng cô cất lên, đèn
nến như lung linh thêm, khăn chầu áo ngự của cô đồng cũng như được dát thêm ánh vàng,
ánh bạc.” [1;27], nhưng khi sinh đứa con thứ hai, do đẻ khó mà cả hai mẹ con cùng chết.
Bà Tổ Cô cũng là một người có dung nhan nức tiếng gần xa, với khuôn mặt trái xoan, mi
28
Bước đầu tiếp cậnMẫu Thượng ngàn từ lí thuyết liên văn bản
thanh mục tú, thắt đáy lưng ong. . . nhưng lấy tới hai đời chồng thì cả hai lần chồng chết.
Cô đồng Mùi, trinh nữ Nhụ. . . đều là những phụ nữ đẹp nhưng truân chuyên như thế.
Các nhân vật nữ trongMẫu Thượng ngàn chịu nhiều ảnh hưởng từ các sáng tác theo
thuyết “tài tử - giai nhân”, “hồng nhan bạc phận”, “tạo vật đố tài” trong văn học viết Trung
đại Việt Nam.
Chủ đề số phận người phụ nữ chiếm vị trí trung tâm trong các sáng tác của Nguyễn
Dữ, Nguyễn Du, đặc biệt trong thơ Hồ Xuân Hương. Cảm hứng nhân đạo trong sáng tác
của các tác giả này thể hiện ở sự trân trọng, khẳng định vẻ đẹp, phẩm chất, tính cách của
người phụ nữ. Nhiều nhân vật nữ của Truyền kì mạn lục là tấm gương thủy chung, tiết liệt
(Vũ Thị Thiết - Người con gái Nam Xương, Nhị Khanh - Truyện người nghĩa phụ Khoái
Châu. . . ) nhưng cũng là hiện thân của bi kịch: bi kịch gia đình, bi kịch của lòng chung
thủy, bi kịch của tình yêu tan vỡ. Nàng Kiều trong thi phẩm của Nguyễn Du vừa là một
trang tuyệt thế giai nhân, lại giỏi cả “cầm, kỳ, thi, họa” nhưng do bị kẻ xấu hãm hại phải
bán mình chuộc cha, rồi chịu nhiều tủi nhục nơi lầu xanh gác đỏ.Mẫu Thượng ngàn vì thế
mà gần gũi hơn với đạo lý, truyền thống dân tộc.
Càng bất ngờ thêm, khi tâm tư của nhân vật bà Ba Váy trong Mẫu Thượng ngàn
cũng chính là nỗi lòng của Hồ Xuân Hương cách đó vài thế kỉ: “Đấy, cái cảnh lấy chồng
chung là như vậy đó. Thật buồn phiền, thật thảm hại. Ba người đàn bà tranh nhau ân sủng
của một người đàn ông” [1;528]. Là người phụ nữ tài hoa, có cá tính mạnh mẽ nhưng đời
tư bà Chúa thơ Nôm lại gặp nhiều bất hạnh: lấy chồng muộn mà cả hai lần đều làm lẽ, đều
ngắn ngủi và không hạnh phúc.
Các nhân vật nữ của Nguyễn Xuân Khánh có một mối liên kết chằng chịt với nhiều
văn bản khác nhau, thậm chí là kí ức tuổi thơ của chính tác giả.
- Tiếp đến, những nhân vật nam trong Mẫu Thượng ngàn mang rất nhiều nét tài
hoa, khí phách của các bậc trượng phu trong lịch sử dân tộc.
Mẫu Thượng ngàn đâu chỉ tạo ấn tượng mạnh bởi tuyến nhân vật nữ, nó còn để lại
cho độc giả bao nỗi tiếc thương cùng sự khâm phục trước các “đấng”, “bậc” trượng phu
tài hoa, khí phách. Các nhân vật nam trong tiểu thuyếtMẫu Thượng ngàn mang dáng dấp
quen thuộc của các vị anh hùng dân tộc.
Bảng 2. Nhân vật nam trong Mẫu thượng ngàn và mối liên hệ với các nhân vật lịch sử
Nhân vật nam trong trong Mẫu Thượng ngàn Nhân vật lịch sử
có sự tương đồng
“Ở vùng Cổ Đình có người học trò tên Nghĩa cũng dấy binh phá
đồn phủ, nên cũng được dân tôn xưng là ông Đề Nghĩa.” (tr.12)
Đề Thám, Đốc Ngữ. . .
“Tổng đốc Hoàng Diệu đau buồn vì không giữ được thành đã treo
cổ lên cây tuẫn tiết.” (tr.89)
Tổng đốc Hoàng Diệu
29
Bùi Hải Yến
- “Ông Vũ Huy Tân về Nam Định nói với Phùng Khiêm: Quân
Phú Lãng Sa chỉ mượn cớ ta cấm đạo để gây chiến. Thực ra, ý đồ
sâu xa của chúng là chiếm toàn bộ đất nước ta. Vì vậy phải Bình
Tây Sát Tả.” (tr.269)
Trương Công Định
- “Vũ Huy Tân gửi thư cho Cử Khiêm: Bác hãy làm trọn nghĩa vụ
trung với nước của người nho sĩ. Bất đắc dĩ nhưng chúng ta đành
phải gác bút nghiên cầm đao kiếm. Chúng ta cần mộ quân cứu
nước.” (tr.287)
Cao Bá Quát
- “Ta xin nói thật, ta trọng quốc hơn trọng quân.” (tr.492) Phan Đình Phùng
- “Cử Khiêm nói với học trò: Người học trò phải giữ cho tấm lòng
son. Lòng son với vua với triều đình. Lòng son với dân với nước.
Đó là điều cốt tử của nhà nho trong thời buổi này.” (tr.285)
Tướng quân Trần Bình
Trọng
- “Cử Khiêm đã dùng đồng chinh đó rạch bụng mình ra. Mặt tái
đi nhưng Cử Khiêm vẫn ngồi nghiêm chỉnh. Và qua vết rạch, ruột
trắng hếu từ trong bụng phòi ra,. . . Cử Khiêm còn kịp đưa đống
ruột của mình ra cái mâm và nói: Ngươi muốn xem tấm lòng son
của ta phải không ? Nó đây này. Nó đầy trên mâm đồng rồi đấy. . . ”
(tr.289-290)
Nữ tướng Tây Sơn Bùi
Thị Xuân
“Huy đã viết bằng bút chì...: Tôi cứ ân hận tại sao không viết cho
Hoa biết tấm lòng của mình với Hoa khi chưa bị bắt. . . Hoa ơi!
Em nên nhớ rằng em là người rất tốt đẹp. Những bất công rồi sẽ
hết. Em sẽ là người chủ xứng đáng trên đất nước ta. . . Em là con
Người. Hãy đạp tan gông xiềng và bất công ở thế gian này mà
ngẩng cao đầu. . . ” (tr.752-753)
Tôn Đức Thắng
Khi đặt bút viết Nguyễn Xuân Khánh hẳn đắn đo rất kĩ càng, việc ông sử dụng lại
các trích dẫn không những không nhàm chán; ngược lại, có giá trị đối thoại cao, nó không
chỉ thể hiện vốn kiến thức văn hóa uyên thâm, rộng lớn của tác giả; đem đến cho độc giả
một cái nhìn tổng quan mà nó còn góp phần tạo nên tính liên văn bản ở cấp độ văn bản
ngôn từ.
Việc sử dụng trích dẫn từ các văn bản có thật đã được ghi lại trong lịch sử góp phần
làm tăng thêm độ chân thực, “tin cậy” cho tác phẩm, khẳng định vị trí chắc chắn củaMẫu
Thượng ngàn trong “hàng ngũ” của tiểu thuyết lịch sử. Nhưng trên hết, Nguyễn Xuân
Khánh đã tạo nên một sự pha trộn của văn hóa - tôn giáo - chính trị - xã hội trong cuốn
tiểu thuyết đồ sộ của mình. Những anh hùng dân tộc Trần Bình Trọng, Bùi Thị Xuân,
Trương Công Định, Phan Đình Phùng,. . . qua ngòi bút biến ảo tài tình của Nguyễn Xuân
Khánh đã làm một cuộc “chuyển vị” từ lịch sử vào văn bản nghệ thuật như thế!
Từ một nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh, độc giả thấy ẩn tàng đằng sau là hệ thống
các quan hệ, sự đan xen với nhiều hình tượng khác cả trong lịch sử và văn học - đó là tính
liên văn bản hay sự đối thoại ở cấp độ hình tượng nhân vật giữa các văn bản, chứ không
phải lối “đạo văn” thô thiển.
30
Bước đầu tiếp cậnMẫu Thượng ngàn từ lí thuyết liên văn bản
3. Kết luận
Như vậy, hình tượng nhân vật của Mẫu Thượng ngàn một mặt được xây dựng qua
quá trình tinh lọc, lựa chọn các hình tượng đã xuất hiện trước đó ít lâu trong văn học; mặt
khác, cũng ít nhiều phảng phất phong vị của những nhân vật truyền kì và lịch sử. Thực tế,
một văn bản có thể gợi mở vô số cách đọc, cách hiểu khác nhau. Với tư cách là một cấu
trúc mở, văn bản liên tục được tái tạo và tái diễn giải bởi những độc giả khác nhau qua
những cơ tầng văn hóa đa chiều và vô hạn của họ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Xuân Khánh. 2006. Mẫu Thượng ngàn. Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
[2] Phạm Gia Lâm, 2007. Môtip Kito giáo trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Magarita”
của M. Bulgakov (thử nghiệm tiếp cận Liên văn bản). Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số
2, Hà Nội.
[3] Nguyễn Tuân, 2001. Chùa Đàn. Nxb Văn học, Hà Nội.
ABSTRACT
Initial approach ofMother of Forest from the view of the theory of intertextuality
Nguyen Xuan Khanh, an outstanding writer, is an innovator among writers of con-
temporary Vietnam novels. While he has written few works, most of them are valuable
and appreciated by researchers and readers. This article studies the intertextual relation-
ship betweenMother of Forest of Nguyen Xuan Khanh with other texts (literary texts and
non-literary texts) to demonstrate that Mother of Forest is a mix drawn from many texts,
which explains the intent of the author and reveals the artistic value of the work.
31