Các vương quốc ở Ấn Độ trong hệ thống thương mại hàng hải quốc tế thế kỉ XV - XVI

Tóm tắt. Những cuộc phát kiến địa lí thế kỉ XV, XVI của các nước Tây Âu tác động mạnh mẽ đối với các xã hội phương Đông phong kiến, liên quan tới số phận của các quốc gia này, mà Ấn Độ là một trường hợp tiêu biểu. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá những quan điểm, hành động của Ấn Độ đối với hoạt động của các nước phương Tây ở Ấn Độ và Ấn Độ Dương giai đoạn thế kỉ XV - XVI khi mà người Bồ Đào Nha nắm độc quyền thương mại, góp phần làm rõ những cách thức “phản ứng” rất khác nhau của Ấn Độ đối với thế giới phương Tây.

pdf9 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 248 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các vương quốc ở Ấn Độ trong hệ thống thương mại hàng hải quốc tế thế kỉ XV - XVI, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2013, Vol. 58, No. 6B, pp. 87-95 This paper is available online at CÁC VƯƠNG QUỐC Ở ẤN ĐỘ TRONG HỆ THỐNG THƯƠNGMẠI HÀNG HẢI QUỐC TẾ THẾ KỈ XV - XVI Nguyễn Duy Chinh Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Những cuộc phát kiến địa lí thế kỉ XV, XVI của các nước Tây Âu tác động mạnh mẽ đối với các xã hội phương Đông phong kiến, liên quan tới số phận của các quốc gia này, mà Ấn Độ là một trường hợp tiêu biểu. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá những quan điểm, hành động của Ấn Độ đối với hoạt động của các nước phương Tây ở Ấn Độ và Ấn Độ Dương giai đoạn thế kỉ XV - XVI khi mà người Bồ Đào Nha nắm độc quyền thương mại, góp phần làm rõ những cách thức “phản ứng” rất khác nhau của Ấn Độ đối với thế giới phương Tây. Từ khóa: Lịch sử Ấn Độ; thương mại hàng hải; thế kỉ XV - XVI. 1. Mở đầu Cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI, phong trào phát kiến địa lí diễn ra mạnh mẽ ở các nước Tây Âu. Điều đó đã thay đổi lịch sử nhân loại, trong đó vấn đề thương mại hàng hải và chủ nghĩa thực dân đặt các nước phương Đông trước những thử thách của số phận: tham gia hay không tham gia vào hệ thống thương mại hàng hải quốc tế, cũng tức là cách thức ứng phó với mưu đồ của chủ nghĩa thực dân. Tùy vào hoàn cảnh nội tại của mỗi nước và ý đồ chiến lược của các nước thực dân, mỗi quốc gia phương Đông chọn cho mình một con đường riêng trong việc ứng xử với các tác động từ bên ngoài. Trường hợp Ấn Độ mang tính đặc trưng của nó: đây là vùng đất mà người phương Tây khao khát và xem đó như là mục tiêu đầu tiên trên hành trình tìm đường sang phương Đông. Mặt khác, về phương diện chính trị, Ấn Độ không tồn tại như một chỉnh thể thống nhất như Trung Hoa hay Nhật Bản, mà là tập hợp nhiều vương quốc, chính thể riêng biệt. Các nhà nghiên cứu đã phục dựng và phân tích những quan điểm, hành động của phương Tây đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, việc nhìn nhận từ phía Ấn Độ với những đặc điểm nội tại chưa được chú ý thỏa đáng, trong đó giai đoạn người Bồ Đào Nha nắm giữ độc quyền thương mại hàng hải ở Ấn Độ Dương thế kỉ XV - XVI cần được làm rõ hơn. Ngày nhận bài: 16/6/2013. Ngày nhận đăng: 30/9/2013 Liên hệ: Nguyễn Duy Chinh, e-mail: nguyenduychinhhnue@gmail.com. 87 Nguyễn Duy Chinh 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thương mại hàng hải quốc tế giai đoạn thế kỉ XV - XVI và những thách thức đối với các xã hội phương Đông Hệ quả lớn nhất của các cuộc phát kiến địa lí là việc hình thành mạng lưới thương mại hàng hải mới giữa Tây Âu và phương Đông, thay thế cho con đường thương mại từ Địa Trung Hải trước đây là con đường biển nối trực tiếp từ châu Âu, vòng qua châu Phi sang phương Đông. Do vậy, trung tâm thương mại thế giới đã chuyển dịch từ Địa Trung Hải sang Đại Tây Dương. Hệ thống thương mại mới đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy giảm hoạt động của nền thương mại khu vực Địa Trung Hải với vai trò của người Italia, người Ảrập và người Turk, dẫn tới sự nổi lên vai trò của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai quốc gia này với ưu thế về sự ổn định và thống nhất chính trị, lực lượng hải quân hùng mạnh và chiến lược hướng biển sớm, trở thành những nước đầu tiên tiến hành phát kiến địa lí và đạt được thành tựu lớn, đóng vai trò độc quyền thương mại và hải quân suốt thế kỉ XVI: Tây Đại Tây Dương thuộc về Tây Ban Nha, Đông Đại Tây Dương thuộc về người Bồ Đào Nha theo bản hiệp ước Tordesillas năm 1494 [1;496]. Trục thương mại Tây Âu - Ấn Độ Dương - Đông Á do người Bồ Đào Nha độc chiếm gần hai phần ba thế kỉ XVI, và từ cuối thế kỉ XVI trở đi, thương nhân các nước Tây Ban Nha, sau đó là Hà Lan, Anh, Pháp đã cạnh tranh gay gắt với Bồ Đào Nha. Những mặt hàng chủ yếu mà người Tây Âu săn lùng, tìm kiếm từ trục thương mại này là gia vị (nhất là hồ tiêu), tơ lụa, thuốc nhuộm, kim loại quý, đồ sứ, chè. . . Ngược lại, họ mang tới phương Đông những sản phẩm thủ công nghiệp, nhất là vũ khí (thuốc nổ, súng trường). Trục thương mại mới này thực sự đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của Tây Âu về nguồn nguyên liệu, nhất là gia vị và tơ lụa. Có thể nói rằng, Bồ Đào Nha không thiết lập nên hệ thống thương mại hàng hải ở phương Đông. Tuy nhiên vai trò của họ (và một phần thuộc về Tây Ban Nha) đặc biệt quan trọng ở chỗ họ đã kết nối thương mại Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tức là hình thành nên mạng lưới thương mại toàn cầu, bằng việc khám phá và thiết lập hệ thống thương điếm ven biển từ châu Phi tới Ấn Độ, từ Ấn Độ tới Đông Nam Á và kéo dài tới Nhật Bản, trong đó, Ấn Độ trở thành trung tâm của mạng lưới. Những biến động về thương mại hàng hải quốc tế gắn liền với sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân phương Tây, trước hết là người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Điều đó đặt ra những vấn đề lớn đối với phương Đông, đó là thách thức về việc bảo vệ nền độc lập dân tộc, hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo và Tin Lành phương Tây, xung đột văn hóa... Vào thế kỉ XV - XVI, chiến thuyền và thương thuyền của các nước thực dân rong ruổi trên các đại dương, đi kèm với yêu cầu về buôn bán là các hành động quân sự và truyền giáo, lập các thương điếm cũng như trụ sở chính quyền thực dân. 88 Các vương quốc ở Ấn Độ trong hệ thống thương mại hàng hải quốc tế thế kỉ XV - XVI Hình 1. Hệ thống thương điếm Bồ Đào Nha ở Châu Á và Ấn Độ (Nguồn: [4]) Trước những thách thức to lớn đó, tùy vào hoàn cảnh lịch sử nhất định, các nước phương Đông lựa chọn những con đường riêng để bảo vệ nền độc lập của mình. Thông thường, con đường đơn giản nhưng cũng đầy rủi ro là “đóng cửa”, hạn chế việc truyền bá 89 Nguyễn Duy Chinh Thiên Chúa giáo. Trong bối cảnh đó, ở Ấn Độ xuất hiện những thay đổi quan trọng về chính trị - xã hội và văn hóa, có ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ với hệ thống thương mại quốc tế vừa mới được thiết lập ở Ấn Độ Dương, gắn với việc tự bảo vệ mình trước mối nguy cơ từ chủ nghĩa thực dân phương Tây. Cho đến thế kỉ XVI, tiểu lục địa Ấn Độ chưa bao giờ thống nhất thực sự mà chỉ có những thời kì hợp nhất ngắn ngủi hoặc mang tính bộ phận. Vương triều Delhi ở phía Bắc và tiếp sau đó là vương triều Moghol trong thế kỉ XVI mới chỉ giành được quyền kiểm soát miền Bắc. Trong khi đó, miền Trung và Nam Ấn Độ hình thành nhiều vương quốc, tiểu quốc và có những nét đặc trưng riêng biệt về kinh tế - xã hội, không chịu sự chi phối từ trung tâm quyền lực lớn nhất tiểu lục địa ở miền Bắc. Ở miền Nam Ấn Độ, hình thành nên hai nhà nước tương đối lớn trong các thế kỉ XIV - XVI, đó là Bahmani (sau đó tách ra thành 5 nhà nước Hồi giáo) và đặc biệt là vương quốc Hinđu giáo Vijayanagara, kết quả của sự triệt thoái các lực lượng Hồi giáo Delhi vào cuối thế kỉ XIV. Khẳng định vai trò của các vương quốc Hinđu giáo giai đoạn này, H. Hulke và D. Rothermund cho rằng: “Những nhà nước Hinđu giáo hùng mạnh cùng thời với vương triều Hồi giáo Delhi là vương quốc Gajapatis (Chúa tể của Đàn voi) ở Orissa và đế quốc Vijayanagara (Thành phố Chiến thắng) ở miền Nam (...). Sự tồn tại của hai nhà nước Hinđu giáo đó dẫn tới sự bảo tồn không thể phản bác của thể chế và phong tục Hinđu giáo ở phần lớn miền Đông và Nam Ấn Độ, đối lập với khu vực phía Bắc và Tây, nơi đã nằm dưới ảnh hưởng của Hồi giáo từ thế kỉ XIII.” [3;183]. Mặt khác, ngoài các vương quốc lớn như trên, ở những vùng duyên hải còn hình thành nhiều vùng lãnh thổ nhỏ tương đối độc lập những chính quyền quân chủ trong nội địa khó có thể kiểm soát được. 2.2. Chính sách và hành động của các vương quốc ở Ấn Độ đối với thương mại hàng hải quốc tế thế kỉ XV - XVI Là những thiết chế chính trị độc lập và không ràng buộc với nhau theo hệ thống cấu trúc quyền lực thống nhất nào, các nhà nước Ấn Độ gần như đối diện với các thế lực thương mại hàng hải và quân sự phương Tây một cách riêng rẽ. Điều này cũng đã giúp ích khá nhiều cho hoạt động buôn bán của người Bồ Đào Nha và sau đó là Tây Ban Nha ở Ấn Độ nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương nói chung. Trước hết, những vương triều cai trị miền Bắc vốn được xem là trung tâm quyền lực lớn nhất trên tiểu lục địa có thái độ khá bàng quan với sự nổi lên của quyền lực phương Tây tại Ấn Độ Dương. Thật khó để tìm thấy những sự kiện hay phản ứng chính thức của vương triều Delhi và Moghol đối với người Bồ Đào Nha trong suốt một thế kỉ họ kiểm soát thương mại và 90 Các vương quốc ở Ấn Độ trong hệ thống thương mại hàng hải quốc tế thế kỉ XV - XVI hải quân Ấn Độ Dương, chí ít là các quan hệ ngoại giao và buôn bán chính thức. Cả hai vương triều này đều ít quan tâm tới hoạt động thương mại mà chủ yếu chú ý tới các vấn đề kinh tế nông nghiệp, thuế khóa và vùng nội địa. Xu hướng biển của hai vương triều này trước thế kỉ XVII gần như không có. Vương triều Delhi ngày càng bị thu hẹp ảnh hưởng của nó trong phạm vi xung quanh kinh đô, lâm vào khủng hoảng trầm trọng và sụp đổ hoàn toàn năm 1526. Chính vì vậy, những phản ứng của họ với việc người Bồ Đào Nha, những người từ phương Tây đến bằng đường biển là rất ít ỏi. Trong lúc đó, khi mà Babur xây dựng vương triều Moghol, một trong những cường quốc đất liền lớn nhất châu Á, thì quyền lực hàng hải của người Bồ Đào Nha đã chi phối cả Ấn Độ Dương rồi. “Vương triều Moghol bị kẹt lại trong đất liền và không bao giờ nghĩ tới việc tạo dựng nên một hạm đội để khuếch trương sức mạnh to lớn của họ. Thậm chí tàu thuyền của Moghol chở khách hành hương (Hồi giáo) ngang qua biển Arab còn phụ thuộc vào sự bảo vệ của người Bồ Đào Nha” [3;214]. Tình thế này của vương triều Moghol rất khác biệt với Ai Cập, một nước vốn có nhiều lợi ích ở Ấn Độ Dương và người Thổ (Turk), kẻ thống trị mới của thế giới Hồi giáo Arab. Ai Cập và Ottoman đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ những lợi ích của họ trên vịnh Arab và đã trở thành những thế lực mạnh tại đây trước khi người Bồ Đào Nha đặt chân đến. Điều này cũng khác với chính đế quốc Moghol vào thế kỉ XVII, khi mà “sự tăng trưởng kinh tế ở đế quốc Moghol Ấn Độ được kích thích bằng tầm quan trọng tăng lên của một mối liên hệ mở rộng mới ra bên ngoài: mối liên hệ giữa đế quốc Moghol và châu Âu sơ kì hiện đại” [5;70]. Nguyên nhân của việc vương triều Moghol không tham gia vào việc chống lại ảnh hưởng của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ Dương như Mamluk Ai Cập và Turk Ottoman ngoài việc họ phát triển thế lực muộn màng còn có một lí do quan trọng khác. Đó là việc vương triều Moghol “không phụ thuộc vào quyền kiểm soát thương mại mà là vào nhiều thứ thuế từ đất đai” [3;215]. Các vị Sultan Moghol chú trọng việc kiểm soát nội địa, nơi mà không chỉ có các lãnh địa Hồi giáo mà còn có vùng ảnh hưởng của tầng lớp quý tộc bản xứ, cũng như một cộng đồng dân cư đông đúc vốn vẫn giữ nhiều truyền thống Hinđu giáo trong một lãnh thổ rộng mênh mông và màu mỡ. Theo những thống kê dân số thời đó, có khoảng 110 triệu người sống trên lãnh thổ Moghol, trong tổng số 140 - 150 triệu dân của tiểu lục địa Ấn Độ [4;23]. Mối quan tâm chủ yếu của vương triều Moghol với thương mại quốc tế là việc đảm bảo cho họ nhu cầu nhập khẩu kim loại quý, vàng và bạc, để đúc tiền. Đó là do Ấn Độ có rất ít mỏ vàng và hầu như không có mỏ bạc. Trong khi đó, “hải lực châu Âu đã không làm gián đoạn dòng chảy này [dòng chảy kim loại quý]; trái lại, họ đã khơi rộng nó ra” [3; 215]. Do vậy, vương triều Moghol hầu như không can thiệp đến hoạt động của người Bồ Đào Nha trong phần lớn thế kỉ XVI, ngoại trừ một vài sự kiện đơn lẻ chẳng hạn năm 91 Nguyễn Duy Chinh 1574, Akbar đã chinh phục Gujarat và sáp nhập vào lãnh thổ đế quốc Moghol, đuổi người Bồ Đào Nha khỏi thương điếm của họ ở Hugli khi Gujarat kêu gọi sự giúp đỡ của Bồ Đào Nha. Akbar đã không tiến xa hơn để chống lại người Bồ Đào Nha, mặc dù bản thân ông trong bức thư gửi cho vua Ba Tư Abbas nói rằng họ “Nên tạo thành một cộng đồng chung chống lại bọn vô đạo [không theo tín ngưỡng Hồi giáo] Bồ Đào Nha” [3; 218]. Trên thực tế, trong mạng lưới thương mại của người Bồ Đào Nha ở Ấn Độ Dương, vương triều Delhi và Moghol rất ít tham gia, và đó thực sự là một may mắn đối với người Bồ Đào Nha. Bởi lẽ sức mạnh của vương triều Moghol có thể đe dọa các thương điếm trên đất liền của Bồ Đào Nha. Khác với trung tâm quyền lực lớn nhất trên tiểu lục địa ở miền Bắc Ấn Độ, các vương quốc, tiểu quốc miền Nam Ấn đã tham gia tương đối sâu sắc vào hệ thống thương mại hàng hải quốc tế. Trong hoạt động thương mại, Vijayanagara có những nét khác biệt với miền Bắc. Mặc dù có xảy ra tranh chấp, nhưng nhìn chung nhà nước Vijayanagara và các tiểu quốc nhỏ ven biển có quan hệ buôn bán khá sôi động với các thương nhân nước ngoài, như người Arab, người Turk và sau này là người Bồ Đào Nha. Hình 2. Vijayanagara và các hồi quốc Deccan thế kỉ XIV-XVI (Nguồn: [2;44,93]) 92 Các vương quốc ở Ấn Độ trong hệ thống thương mại hàng hải quốc tế thế kỉ XV - XVI “Vào thế kỉ XVI, các Raya (Vua của Vijayanagara) tìm kiếm sự ổn định và quan hệ hòa bình với những kẻ mới tới ghê gớm ở bờ biển của họ, tức người Bồ Đào Nha, từ khí cụ chiến tranh như kì vọng của họ, các hàng hóa nhập khẩu xa lạ cho sự tiêu thụ đáng ao ước của họ. Không có gì ngạc nhiên khi biết rằng dù xung đột giữa người Bồ Đào Nha và các thương nhân cả hai bờ biển diễn ra suốt thời kì Vijayanagara tồn tại, nhưng buôn bán đã rất có giá trị với người Bồ Đào Nha đến mức (họ) cho rằng thất bại của các Raya năm 1565 là một thảm họa. Họ sợ rằng các Sultan Deccan chiến thắng có thể từ chối cho họ một vị trí tương lai trên bờ biển bởi vì họ từng buôn bán lâu dài với Vijayanagara” [6;75]. Vijayanagara có nhu cầu rất lớn về ngựa chiến và vũ khí, bởi vương triều cai trị ở đây luôn luôn có mâu thuẫn, xung đột với những nhà nước Hồi giáo trên cao nguyên Deccan, ban đầu là Bahmani, sau đó là 5 nhà nước Hồi giáo tách ra từ vương quốc này. Mặt khác, trong mối quan hệ với các nhà nước nhỏ khác ở miền Bắc Deccan cũng như ở khu vực duyên hải, nhà nước Vijayanagara cũng luôn cần thể hiện sức mạnh của mình bằng sự hùng mạnh về quân sự. Trong hệ thống thương mại nội địa, những con đường nối liền bờ biển miền Đông và miền Tây của Vijayanagara cũng cần những lực lượng quân sự lớn với trang bị đầy đủ để bảo vệ cho các thương nhân chống lại bọn cướp. Vì thế trong suốt quá trình tồn tại của mình, nhà nước Vijayanagara luôn cần cả vũ khí và ngựa chiến. Trước đó, Vijayanagara nhập hai mặt hàng quan trọng đó từ bán đảo Arab và vùng vịnh Bengal, chủ yếu qua các cảng thị ở vùng ven biển phía Tây (Goa, Chaul, Diu). Khi áp đặt độc quyền thương mại của họ trên Ấn Độ Dương, người Bồ Đào Nha không chỉ nắm độc quyền hải quân và buôn bán gia vị mà còn độc chiếm cả việc buôn bán ngựa, từng là hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho thương nhân Ảrập và Ấn Độ. Nguồn lợi từ buôn bán ngựa của người Bồ Đào Nha không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn có ý nghĩa về chính trị. Vijayanagara (và sau đó là cả các tiểu quốc tách ra từ Bahmani) phải cung cấp những tô giới lớn cho người Bồ Đào Nha để đổi lấy việc Bồ Đào Nha từ chối bán ngựa cho kẻ thù của họ. Do vậy người Bồ Đào Nha có khả năng lấy được những vùng tô giới lớn từ những nguồn cung cấp này, và kích động họ chống nhau để phục vụ cho lợi ích riêng của mình [4;51]. Mặt khác, việc hình thành những cảng thị dọc duyên hải do các vị tiểu vương nhỏ nắm giữ cũng khiến cho hoạt động buôn bán phát triển. Các tiểu vương này rất chú trọng tới hoạt động thương mại hàng hải, bởi đó là nguồn thu nhập chính của họ, không giống với các nhà nước miền Bắc hay các nhà nước trong nội địa vốn dựa nhiều vào nguồn thu từ ruộng đất. Một trường hợp điển hình thứ ba còn minh họa rõ nét hơn những phản ứng của nhiều nhóm và lợi ích khác nhau trong một vùng Ấn Độ với hệ thống của người Bồ Đào Nha. Khu vực được xem xét ở đây là Gujarat. Chúng ta đã thấy rằng những thương nhân Gujarat đã phá vỡ nỗ lực thiết lập độc quyền buôn bán gia vị của người Bồ Đào Nha, đặc biệt ở Diu trước năm 1535, ở vịnh Bengal những năm 40, 50 và ở Acheh cuối thế kỉ XVI. Trước khi mất vào năm 1522, Malik Ayaz, viên tổng đốc Gujarat, vốn là một nô lệ 93 Nguyễn Duy Chinh của lãnh chúa nơi đây, là đối thủ chính của người Bồ Đào Nha. Ông đã chiến đấu chống lại quyền hành của người Bồ Đào Nha bởi vì sự thỏa hiệp với họ sẽ là sự thiệt hại to lớn với ông và triều đình của ông. Dưới sự điều hành của Malik Ayaz, vào năm 1500 Diu trở thành một trong những cảng lớn của Ấn Độ. Một nửa nguồn thu nhập của chính quyền Malik đến từ cảng này. Sự giàu có và vị trí chiến lược của Diu có thể cho phép Malik này nhận được nhiều quyền lực độc lập từ vị chúa của ông ta, Sultan Gujarat. Phản ứng lúc đầu của ông với người Bồ Đào Nha có vẻ giống như nhiều lãnh chúa độc lập hoặc nửa độc lập ở các cảng thị khác: cảm thấy vui mừng vì người Bồ Đào Nha tới và buôn bán trong cảng của ông giống như tất cả những thương nhân nước ngoài khác ở đó. Một nhà biên niên sử Bồ Đào Nha cho rằng, ông ta đã luôn có thái độ như vậy trong những năm đầu tiên và nhấn mạnh rằng người Bồ Đào Nha gửi tới Diu “2 tàu chở đồng và gia vị, do vậy ông có thể buôn bán với họ” [6;52]. Tuy nhiên, chủ tâm của Bồ Đào Nha buộc Malik Ayaz phải chọn lựa giữa chống đối hoặc phục tùng. Không có đề nghị về việc buôn bán trong hòa bình giữa hai bên. Cuộc kháng chiến diễn ra theo hai cách thức: quân sự và ngoại giao. Năm 1508 Malik Ayaz đã giúp đỡ Amir Huasain, chỉ huy hạm đội Ai Cập đánh bại và giết chết con trai của tổng trấn Bồ Đào Nha là D. Lourenco d’Almeida tại Chaul. Nhưng ông ta sợ sự trả thù, do vậy “một mặt, ông viết những bức thư chia buồn cho tổng trấn Bồ Đào Nha, mặt khác ông củng cố thành phố, kì vọng sự trả ơn từ Amir Husain, kẻ phải mang ơn ông” [6;52]. Cuối cùng, cuộc kháng chiến của Gujarat kết thúc thất bại vào những năm 1530, song nó cũng đã khiến cho Gujarat duy trì được một thời gian khá dài việc buôn bán với Trung Đông nằm ngoài tầm kiểm soát của Bồ Đào Nha. Điều đó cho thấy, ngay cả trong giai đoạn đỉnh cao này, người Bồ Đào Nha cũng gặp phải những thất bại nhất định, ít nhất là khi so sánh với mục tiêu muốn kiểm soát toàn bộ nền thương mại tại Ấn Độ Dương, bởi ngay trên miền duyên hải Ấn Độ họ cũng gặp nhiều trở ngại. Như vậy có thể thấy, các vương quốc, tiểu quốc ở Ấn Độ đã không đi theo một con đường chung, cách ứng xử chung đối với thương mại hàng hải quốc tế đi kèm với nó là chủ nghĩa thực dân. Nguyên nhân chung của sự khác nhau trong ứng xử của các vương quốc ở Ấn Độ đối với hệ thống thương mại quốc tế là do một đặc thù rất rõ nét trong lịch sử Ấn Độ: sự phân tán về mặt chính trị. Giai đoạn thế kỉ XIV - XVI chứng kiến những mối tương tác giữa các thế lực khác nhau cai trị Ấn Độ, đó là các thế lực Hồi giáo ngoại xâm và Hinđu giáo truyền thống. Mỗi nhà nước có vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, lợi ích kinh tế - chính trị riêng. Người Bồ Đào Nha nắm độc quyền thương mại hàng hải và hạm đội ở khu vực Ấn Độ Dương cũng có chính sách khác nhau đối với từng vùng ở Ấn Độ và bản thân họ với tiềm lực hạn chế không có khả năng áp đặt ý chí của mình lên toàn bộ tiểu lục địa. 94 Các vương quốc ở Ấn Độ trong hệ thống thương mại hàng hải quốc tế thế kỉ XV - XVI 3. Kết luận Trước những tác động to lớn từ thương mại hàng hải quốc tế và sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân sau phát kiến điạ lí, Ấn Độ đã có những quan điểm, hành động của riêng mình nhằm ứng phó với những thách thức chung mà các xã hội phương Đông phong kiến đều gặp phải. Do bối cảnh kinh tế - chính trị có nhiều biến chuyển, với việc hình thành các trung tâm quyền lực nhà nước khác nhau trên tiểu lục địa, “sự phản ứng” của Ấn Độ với những thách thức đó có thể phân chia làm 3 nhóm: Không tham gia vào hệ thống (Vương triều Delhi và Moghol); Tham gia vào với hệ thống chủ yếu vì mục đích chính trị (Vijayanagara và các Hồi quốc Deccan) hoặc chống lại cuộc xâm lược, chống đối hệ thống (tiêu biểu là trường hợp Gujarat). TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Samuel Edward Dawson, 1899. The Lines of demarcation of Pope Alexander VI and the Treaty of Tordesillas A.D. 1493 and 1494. J. Hope & Sons, Ottawa; The Copp-Clark Co., Toronto. [2] Rechard M. Eaton, 2005. The new Cambridge history of India: (I.8) A social history of the Deccan, 1330 - 1761: eig