Trong khoa học pháp lý Việt Nam hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về
cơ cấu của quy phạm pháp luật (QPPL) nói chung và QPPL hình sự
(QPPLHS) nói riêng. Theo quan điểm truyền thống được đề cập đến trong
Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật của các cơ sở đào tạo luật
học, thì QPPL có thể có ba bộ phận cấu thành là: giả định, quy định và chế
tài. Ngoài ra, còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này như: QPPL có
hai bộ phận cấu thành là giả định và chỉ dẫn (1); QPPL có hai bộ phận cấu
thành là quy tắc và bảo đảm (2); QPPL có ba bộ phận cấu thành là giả định,
quy định và bảo đảm (3). Vậy, QPPL nói chung và QPPLHS nói riêng có
mấy bộ phận cấu thành?
10 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1451 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cơ cấu của quy phạm pháp luật và quy phạm pháp luật hình sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Cơ cấu của quy phạm pháp luật và quy phạm
pháp luật hình sự
Trong khoa học pháp lý Việt Nam hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về
cơ cấu của quy phạm pháp luật (QPPL) nói chung và QPPL hình sự
(QPPLHS) nói riêng. Theo quan điểm truyền thống được đề cập đến trong
Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật của các cơ sở đào tạo luật
học, thì QPPL có thể có ba bộ phận cấu thành là: giả định, quy định và chế
tài. Ngoài ra, còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này như: QPPL có
hai bộ phận cấu thành là giả định và chỉ dẫn (1); QPPL có hai bộ phận cấu
thành là quy tắc và bảo đảm (2); QPPL có ba bộ phận cấu thành là giả định,
quy định và bảo đảm (3)... Vậy, QPPL nói chung và QPPLHS nói riêng có
mấy bộ phận cấu thành?
Bài viết đưa ra quan điểm của tác giả về cơ cấu của QPPL nói chung và QPPL hình
sự nói riêng.
QPPL là quy tắc xử sự chung nên thông thường nó phải chứa đựng những nội
dung: thứ nhất, dự kiến những điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống
mà chủ thể sẽ gặp phải; đồng thời chỉ ra chủ thể là tổ chức, cá nhân nào sẽ ở vào
điều kiện, hoàn cảnh đó; thứ hai, quy định cách xử sự mà Nhà nước cho phép hoặc
bắt buộc hoặc cấm tổ chức, cá nhân ở vào điều kiện, hoàn cảnh đó thực hiện; thứ
ba, hình thức khen thưởng mà tổ chức, cá nhân có thể được hưởng nếu thực hiện
tốt các quy định của pháp luật hoặc những biện pháp xử phạt mà tổ chức, cá nhân
có thể phải gánh chịu nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ
những cách xử sự mà Nhà nước đưa ra.
QPPL rất phong phú và đa dạng nên có thể được phân loại theo nhiều cách khác
nhau. Căn cứ vào mức độ phổ biến của QPPL nói chung và QPPLHS nói riêng
trong các văn bản QPPL, có thể chia chúng thành hai loại là QPPL thông thường
(phổ biến) và QPPL xung đột (đặc biệt). Cơ cấu của hai loại QPPL này có những
điểm khác biệt nhau.
1. Quy phạm pháp luật thông thường (phổ biến)
Cơ cấu của QPPL thông thường (phổ biến) - chiếm đa số tuyệt đối trong hệ thống
pháp luật Việt Nam - có ba bộ phận là giả định, quy định và biện pháp bảo đảm
thực hiện pháp luật (các hình thức thưởng, phạt).
1.1. Giả định của quy phạm pháp luật
Giả định là bộ phận của QPPL dự kiến trước những điều kiện, hoàn cảnh có thể
xảy ra trong cuộc sống mà chủ thể sẽ gặp phải hoặc dự kiến trước những điều kiện,
hoàn cảnh, để áp dụng các biện pháp tác động của Nhà nước. Bộ phận này còn chỉ
rõ chủ thể là tổ chức, cá nhân nào cần phải xử sự trong điều kiện, hoàn cảnh đó
hoặc tổ chức, cá nhân nào sẽ là đối tượng để áp dụng các hình thức khen thưởng
hoặc các biện pháp xử phạt của Nhà nước. Vì vậy, phần giả định của QPPL nói
chung và QPPLHS nói riêng thường trả lời cho các câu hỏi: ai? tổ chức, cá nhân
nào? khi nào? trong điều kiện hoàn cảnh nào?
Ví dụ 1: khoản 1 Điều 87 của Luật Giáo dục năm 2005 quy định: “Người học các
chương trình giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng, chi phí đào tạo do Nhà
nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với Nhà nước thì sau khi
tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của Nhà nước; trường
hợp không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo”. Quy định này là
một QPPL mà phần giả định của nó gồm các từ sau: “Người học các chương trình
giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng, chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc
do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với Nhà nước thì sau khi tốt nghiệp”, vì
nó dự kiến trước điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống. Đó là có
những người được học đại học hoàn toàn bằng kinh phí đào tạo của Nhà nước và
đã tốt nghiệp. Ngoài ra, phần giả định của quy phạm này còn gồm các từ trường
hợp không chấp hành vì nó dự kiến trước điều kiện để áp dụng biện pháp tác động
của Nhà nước - biện pháp trừng phạt của Nhà nước khi người tốt nghiệp đại học
không chấp hành lệnh điều động của Nhà nước.
Phần giả định của QPPLHS chỉ nêu lên điều kiện, hoàn cảnh để áp dụng các biện
pháp tác động - các hình phạt của Nhà nước và chủ thể nào có thể bị coi là người
phạm tội, tức là đối tượng để áp dụng các hình phạt đó. Đồng thời, phần này cũng
chỉ rõ rằng, chủ thể của tội phạm hay chủ thể là đối tượng để áp dụng các hình phạt
của Nhà nước hiện nay chỉ là cá nhân mà không phải là tổ chức. Ví dụ 2: Khoản 1,
Điều 182 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) quy định về Tội gây ô nhiễm môi
trường như sau: “Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô
nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng
hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến
năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng
đến năm năm”. Phần giả định của QPPLHS này gồm các từ: “người nào thải vào
không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ,
phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm
trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm
trọng khác” vì nó dự kiến trước ai và trong điều kiện, hoàn cảnh nào có thể bị coi
là người phạm Tội gây ô nhiễm môi trường.
Giả định của QPPL có thể là đơn giản - chỉ nêu lên một điều kiện, hoàn cảnh có thể
xảy ra trong thực tế mà khi điều kiện, hoàn cảnh đó xảy ra thì, các tổ chức, cá nhân
đã được đề cập đến sẽ chịu sự tác động của quy phạm (trong Ví dụ 1 thì giả định
của quy phạm là đơn giản). Song, giả định của QPPL cũng có thể là phức tạp - nêu
lên nhiều điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống và chỉ khi xảy ra tất
cả các điều kiện, hoàn cảnh đó, tổ chức, cá nhân được đề cập mới chịu sự tác động
của quy phạm (4) .
Ví dụ 3: Điều 19 của Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình: “Trong trường hợp người
được cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc
mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực
tế để cấp dưỡng cao hơn, thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được
cấp dưỡng”. Giả định của QPPL trong quy định này là giả định phức tạp bởi nó
nêu lên hai điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống: một là, người được
cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng, yêu cầu cấp dưỡng bổ
sung; hai là, người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp
dưỡng cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, loại giả định đơn giản được quy định
tương đối phổ biến, còn loại giả định phức tạp thường ít gặp hơn.
QPPLHS cũng có thể có hai loại giả định như trên, cụ thể: Giả định của quy phạm
trong Ví dụ 2 là giả định đơn giản, còn giả định phức tạp được thể hiện trong Ví dụ
4 sau đây: khoản 1, Điều 192 của BLHS quy định về Tội trồng cây thuốc phiện
hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý như sau: “Người nào trồng cây thuốc
phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được
giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt
hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba
năm”. Giả định của QPPL trong quy định này là giả định phức tạp vì nó nêu lên
bốn điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra với người phạm tội là: trồng cây thuốc
phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy; đã được
giáo dục nhiều lần; đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt hành
chính về hành vi này mà còn vi phạm. Chỉ khi nào có đủ bốn điều kiện này họ mới
bị coi là người phạm Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất
ma túy. Như vậy, căn cứ vào khái niệm về bộ phận giả định của QPPL thì tất cả
các cụm từ người nào trong các quy phạm thuộc Phần các tội phạm của BLHS đều
thuộc bộ phận giả định của QPPLHS. Cụm từ người nào ở đây phải được hiểu là
người đủ điều kiện chủ thể của tội phạm (có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ
tuổi luật định và có thể có thêm đặc điểm đặc biệt khác như: quốc tịch, độ tuổi,
giới tính, chức vụ quyền hạn) và cho đến hiện tại, đây vẫn chỉ là cá nhân mà không
phải là tổ chức.
Trong các QPPL được trình bày ở Phần các tội phạm của BLHS, giả định là bộ
phận không thể thiếu vì nếu thiếu nó thì không thể xác định được ai và khi nào có
thể bị coi là tội phạm và có thể bị áp dụng hình phạt.
1.2. Quy định của quy phạm pháp luật
Quy định là bộ phận của QPPL nêu lên cách xử sự hay quy tắc xử sự cho chủ thể
(các tổ chức, cá nhân) ở vào điều kiện, hoàn cảnh đã nêu trong phần giả định của
quy phạm. Đây là bộ phận trực tiếp thể hiện ý chí, mong muốn của Nhà nước, là
mệnh lệnh của Nhà nước đối với các chủ thể, nó chỉ rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý
cho các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội do quy phạm điều chỉnh. Vì vậy, bộ
phận quy định của QPPL thường trả lời cho các câu hỏi: có quyền gì? có nghĩa vụ
gì? được làm gì? không được làm gì? phải làm gì và làm như thế nào?
Từ đó ta thấy, trong QPPL được trình bày ở Ví dụ 1, phần quy định của nó gồm
những từ “phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của Nhà nước”; còn
đối với quy phạm trong Ví dụ 3, bộ phận quy định của nó gồm các từ “thì phải cấp
dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng”.
Quy định của QPPL có thể là dứt khoát - chỉ nêu lên một cách xử sự rõ ràng, dứt
khoát mà chủ thể không có khả năng lựa chọn (phần quy định của các QPPL được
nêu trong Ví dụ 1, Ví dụ 3 đều thuộc loại quy định dứt khoát); song cũng có thể là
tuỳ nghi - nêu lên nhiều cách xử sự và cho phép chủ thể được lựa chọn, thực hiện
một trong các cách đó. Ví dụ 5: Điều 32 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
quy định: “Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài
sản chung”. Đây là một QPPL mà bộ phận quy định của nó gồm các từ “có quyền
nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung” và thuộc loại tùy nghi
vì nó nêu lên hai cách xử sự mà chủ thể có thể lựa chọn một trong hai cách đó. Đối
chiếu với phần lý thuyết nêu trên ta thấy, trong các QPPL được trình bày ở Phần
các tội phạm của BLHS không có phần quy định mà phần quy định của chúng có
thể là bộ phận ẩn, không được trình bày, bởi thông qua việc chỉ ra các hành vi là
điều kiện để áp dụng hình phạt có nghĩa là Nhà nước cấm thực hiện những hành vi
đó. Chẳng hạn, QPPL được nêu trong Ví dụ 2, những hành vi “thải vào không khí,
nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt
quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi
trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” là những
hành vi bị pháp luật cấm thực hiện. Do đó, người nào thực hiện những hành vi này
đương nhiên sẽ bị Nhà nước trừng phạt. Cũng có thể phần quy định của các
QPPLHS lại được trình bày trong các văn bản QPPL khác. Ví dụ 6: Điều 4 của
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Cấm ngược đãi, hành hạ ông, bà,
cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em và các thành viên khác trong gia đình”
và Điều 151 của BLHS quy định: “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà,
cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả
nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị
phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba
năm”. Như vậy, nội dung phần quy định của QPPL được trình bày trong Điều 151
của BLHS lại được trình bày trong Điều 4 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Sở dĩ có trường hợp đặc biệt như trên là vì luật hình sự không có nhiệm vụ điều
chỉnh các quan hệ xã hội như các ngành luật khác mà có nhiệm vụ bảo vệ các quan
hệ xã hội khỏi sự xâm hại của tội phạm. Vì vậy, các QPPL của luật hình sự thường
không nêu lên quy tắc xử sự hay cách xử sự cho các chủ thể như quy phạm của các
ngành luật khác, mà chỉ xác định những hành vi bị coi là tội phạm và quy định
những hình phạt cần áp dụng đối với người phạm tội. Do đó, cơ cấu của các
QPPLHS thường chỉ có hai bộ phận là giả định và biện pháp bảo đảm thực hiện
pháp luật - chủ yếu là biện pháp trừng phạt.
1.3. Biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật
Biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật là bộ phận của QPPL nêu lên các biện pháp
tác động mà Nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với các chủ thể được nêu trong phần
giả định của quy phạm khi họ có thành tích trong học tập, công tác, lao động, phục
vụ, trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ hoặc trong việc thực hiện pháp luật (các
hình thức khen thưởng); hoặc khi họ vi phạm pháp luật, không thực hiện hoặc thực
hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ pháp lý được nêu trong phần quy
định của QPPL (các biện pháp xử phạt).
Khen thưởng và xử phạt đều là các biện pháp nhằm bảo đảm cho pháp luật được
thực hiện nghiêm chỉnh và tự giác. Bởi vì, Nhà nước quy định các hình thức khen
thưởng nhằm động viên, khuyến khích các chủ thể tự giác, nhiệt tình thực hiện
đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan tới hoạt động của mình, phấn
đấu đạt được thành tích cao trong hoạt động để có thể được khen thưởng. Bên cạnh
đó, Nhà nước còn quy định các biện pháp xử phạt nhằm trừng phạt các chủ thể vi
phạm pháp luật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các
nghĩa vụ pháp lý của mình để thông qua đó giáo dục, răn đe, phòng ngừa sự vi
phạm pháp luật xảy ra trong thực tế, góp phần làm cho pháp luật được thực hiện
nghiêm minh.
Trong Ví dụ 1, bộ phận biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật bao gồm các từ “thì
phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo”. Đây là biện pháp trừng phạt được quy
định nhằm làm cho những sinh viên đã tốt nghiệp đại học vì sợ phải bồi thường
học bổng, chi phí đào tạo mà chấp hành nghiêm chỉnh sự điều động làm việc của
Nhà nước.
Các biện pháp tác động mà Nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với các chủ thể có thể
là cố định, tức là chỉ nêu lên một biện pháp tác động, ví dụ “thì phải bồi hoàn học
bổng, chi phí đào tạo”; song cũng có thể là không cố định - nêu lên nhiều biện
pháp tác động rồi cho phép chủ thể có thẩm quyền áp dụng có thể lựa chọn và áp
dụng một trong các biện pháp ấy. Ví dụ 7: Khoản 1, Điều 37 của Pháp lệnh Cán
bộ, công chức năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2003) quy định: “Cán bộ,
công chức có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì được xét khen
thưởng theo các hình thức sau: a. Giấy khen; b. Bằng khen; c. Danh hiệu vinh dự
nhà nước; d. Huy chương; đ. Huân chương”.
Quy định này là một QPPL, bộ phận biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật của nó
gồm các từ "thì được xét khen thưởng theo các hình thức sau: a. Giấy khen; b.
Bằng khen; c. Danh hiệu vinh dự nhà nước; d. Huy chương; đ. Huân chương".
Các biện pháp tác động mà Nhà nước dự kiến ở đây là không cố định, bởi nó bao
gồm nhiều biện pháp tác động và tùy vào thành tích của cán bộ, công chức đạt
được mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lựa chọn để áp dụng một trong các
hình thức khen thưởng ấy.
Trong Ví dụ 2, bộ phận biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật bao gồm các từ “thì
bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam
giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Các biện pháp tác động
được nêu trong quy phạm này là không cố định vì nó bao gồm nhiều biện pháp tác
động. Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền có thể lựa chọn để áp dụng một trong các hình phạt đó đối với người
phạm tội.
Xét một cách logic ta thấy, thường những quy phạm quy định nghĩa vụ cho các chủ
thể mới cần có biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật. Điều đó là đương nhiên vì
khi Nhà nước quy định quyền cho các chủ thể, họ hoàn toàn có thể lựa chọn thực
hiện hay không thực hiện quyền của mình; còn khi Nhà nước quy định nghĩa vụ
cho các chủ thể thì bắt buộc họ phải thực hiện; nếu thực hiện tốt, Nhà nước sẽ khen
thưởng, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, Nhà nước
sẽ xử phạt. QPPLHS là loại quy phạm nhằm bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ pháp
lý của các chủ thể.
Khi ban hành pháp luật, Nhà nước luôn mong muốn cho các quy định của mình
được thực hiện nghiêm chỉnh. Do vậy, ở phần cuối của nhiều đạo luật, các quy
định về việc thưởng, phạt của Nhà nước thường được đặt liền nhau. Ví dụ 8: Điều
74 của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân
có thành tích trong việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ thì được khen thưởng
theo quy định của pháp luật”. Và Khoản 1, Điều 75 của Luật này quy định: “Người
nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi
phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Mặc dù Nhà nước ta vừa có Luật Thi đua khen thưởng để quy định các hình thức
khen thưởng, vừa có BLHS và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quy định
các biện pháp trừng phạt hay chế tài; ngoài ra, các hình thức khen thưởng và các
biện pháp trừng phạt còn được quy định rải rác trong nhiều văn bản QPPL khác;
song nhìn chung, trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật được quy
định trong hệ thống pháp luật thì số các biện pháp trừng phạt thường được quy
định nhiều hơn. Thêm vào đó, xét về mặt tâm lý, trong điều kiện ý thức pháp luật
của nhân dân ta còn thấp như hiện nay, mọi người thực hiện nghiêm chỉnh pháp
luật chủ yếu là do sợ bị phạt chứ không phải là mong được thưởng (thực trạng ở
nước ta trong thời gian quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao
thông bằng xe máy mới có hiệu lực pháp luật đã chứng minh cho điều này). Vì thế,
không phải ngẫu nhiên mà quan điểm truyền thống lại cho rằng, bộ phận thứ ba
của QPPL là chế tài. Song, quan niệm như vậy là chưa đầy đủ, vì bên cạnh chế tài
thì các hình thức khen thưởng được quy định ngày càng nhiều hơn và có vai trò
ngày càng quan trọng hơn.
Riêng đối với các quy phạm trong Phần các tội phạm của BLHS, do tính chất và
nhiệm vụ của mình mà chúng không bao giờ nêu lên các hình thức khen thưởng mà
chỉ nêu chế tài. Đây là loại chế tài nghiêm khắc nhất - chế tài hình sự hay hình
phạt. Tuy nhiên, trong Phần này cũng có những QPPL quy định việc không trừng
phạt hay miễn trách nhiệm hình sự cho chủ thể trong một số trường hợp nhất định,
mặc dù rất ít. Ví dụ 9: khoản 6, Điều 289 của BLHS quy định Tội đưa hối lộ như
sau: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì
được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người
đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác,
thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ
của đã dùng để đưa hối lộ”; hoặc khoản 3, Điều 314 của BLHS hiện hành quy
định: “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc
hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn
hình phạt”.
Từ sự phân tích và những ví dụ trên, có thể thấy, bộ phận biện pháp bảo đảm thực
hiện pháp luật của QPPL không chỉ nêu lên các hình thức khen thưởng đối với các
chủ thể có thành tích, các biện pháp xử phạt đối với các chủ thể vi phạm pháp luật,
mà đôi khi còn nêu lên các biện pháp miễn xử phạt đối với các chủ thể nhất định.
Bởi vì đó cũng là một loại biện pháp tác động mà Nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối
với các chủ thể vi phạm pháp luật trong trường hợp họ chủ động ngăn chặn hoặc
giảm bớt những hậu quả xấu xảy ra cho xã hội. Việc nêu lên các biện pháp tác
động này có tác dụng khuyến khích các chủ thể thực hiện những hành vi có lợi cho
bản thân và cho xã hội, giảm bớt hoặc ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm cho xã
hội để có thể được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước. Nói chung, loại biện
pháp tác động này thường ít được quy định hơn so với các hình thức khen thưởng
và các biện p