1. Đặt vấn đề
Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề mới ở Việt Nam mặc dù
có nguồn gốc và lịch sử phát triển hơn một thế kỷ qua trên thế giới. Với bản chất
hướng tới sự trợ giúp con người trong cuộc sống, nhất là những nhóm đối tượng dễ
bị tổn thương bằng các mô hình can thiệp từ cá nhân, đến nhóm và cộng đồng, công
tác xã hội thể hiện được vai trò quan trọng trong đời sống xã hội nhất là trong xã
hội hiện đại, xã hội công nghiệp.
Trẻ em lang thang là một trong số những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương
cần sự trợ giúp của công tác xã hội. Nhóm đối tượng này không được sự che chở,
quan tâm, chăm sóc của gia đình, họ hàng và người thân; chúng phải tự túc cuộc
sống cho chính bản thân mình. Cuộc đời của chúng sẽ đi đến đâu, có những vấn đề
khó khăn gì mà chúng đang phải đối mặt; xã hội cần làm gì để giải quyết những
vấn đề cho trẻ em lang thang? Để có được câu trả lời xác đáng cho những vấn đề
nêu trên, chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế trẻ em lang thang trên
địa bàn Hà Nội năm 2009; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ trẻ em lang thang từ
góc độ của công tác xã hội.
10 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 48 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Công tác xã hội với trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci. Science., 2010, Vol. 55, No. 7, pp. 72-81
CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI TRẺ EM LANG THANG
TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI HIỆN NAY
Nguyễn Thanh Bình
Đại học Sư phạm Hà Nội
1. Đặt vấn đề
Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề mới ở Việt Nam mặc dù
có nguồn gốc và lịch sử phát triển hơn một thế kỷ qua trên thế giới. Với bản chất
hướng tới sự trợ giúp con người trong cuộc sống, nhất là những nhóm đối tượng dễ
bị tổn thương bằng các mô hình can thiệp từ cá nhân, đến nhóm và cộng đồng, công
tác xã hội thể hiện được vai trò quan trọng trong đời sống xã hội nhất là trong xã
hội hiện đại, xã hội công nghiệp.
Trẻ em lang thang là một trong số những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương
cần sự trợ giúp của công tác xã hội. Nhóm đối tượng này không được sự che chở,
quan tâm, chăm sóc của gia đình, họ hàng và người thân; chúng phải tự túc cuộc
sống cho chính bản thân mình. Cuộc đời của chúng sẽ đi đến đâu, có những vấn đề
khó khăn gì mà chúng đang phải đối mặt; xã hội cần làm gì để giải quyết những
vấn đề cho trẻ em lang thang? Để có được câu trả lời xác đáng cho những vấn đề
nêu trên, chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế trẻ em lang thang trên
địa bàn Hà Nội năm 2009; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ trẻ em lang thang từ
góc độ của công tác xã hội.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Cơ cấu xã hội của nhóm trẻ em lang thang trên địa bàn Hà
Nội
2.1.1. Giới tính
Trong tổng số 126 trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội được chúng tôi điều
tra, có 78 trẻ em nam và 48 trẻ em nữ.
2.1.2. Độ tuổi
Đa số trẻ em lang thang được chúng tôi khảo sát có độ tuổi từ 10 đến 16
(64,3%). Độ tuổi này có số lượng đông nhất, bởi lẽ nếu nhỏ hơn 10 tuổi trẻ em khó
72
Công tác xã hội với trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội hiện nay
có thể tồn tại một cách độc lập mà thông thường phải sống phụ thuộc; còn ở độ
tuổi trên 16, họ có thể tự lập và tạo dựng được cuộc sống cho bản thân nên tỷ lệ
những người ở nhóm tuổi này sống lang thang trên địa bàn Hà Nội là thấp hơn so
với nhóm tuổi 10-16. Cụ thể, trong cuộc điều tra của chúng tôi, có 27% trẻ em dưới
10 tuổi sống lang thang trên đường phố và 8,7% có độ tuổi trên 16.
2.1.3. Học vấn
Trình độ học vấn của trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội là thấp. Phần
lớn trẻ em lang thang bị mù chữ hoặc có trình độ từ lớp một đến lớp năm. Một số
trẻ em do lưu ban, học kém cũng bỏ nhà gia nhập vào nhóm trẻ em lang thang này.
Vì phải bỏ nhà đi lang thang, không có người nuôi dưỡng, phải bươn chải cuộc sống
nên các em không có điều kiện học hành. Môi trường sống cũng như sự thất học của
trẻ em lang thang là những thiệt thòi lớn đối với sự phát triển nhân cách của các
em. Do thiếu tình thương, thiếu sự giáo dục của cha mẹ, lại không được học hành
nên số trẻ em này rất dễ lệch lạc về nhân cách, hành vi và lối sống. Do vậy, nhóm
trẻ em lang thang đường phố có nguy cơ phạm pháp rất cao. Theo thống kê của
Tổng cục cảnh sát nhân dân, hàng năm thanh thiếu niên phạm tội chiếm từ 70%
đến 75% tổng số vụ phạm tội xảy ra trong toàn quốc, thậm chí trong những năm
gần đây tỷ lệ này lên tới 80 - 84% tổng số các vụ phạm tội.
Qua kết quả điều tra về trình độ học vấn của trẻ em lang thang trên địa bàn
Hà Nội, chúng tôi thu được kết quả như sau:
Bảng 1. Trình độ học vấn của trẻ em lang thang Hà Nội (%)
STT Trình độ học vấn Tỉ lệ
1 Không biết chữ 32,5
2 Hiện đang đi học 7,1
3 Hiện đã bỏ học 60,3
Kết quả điều tra trên cho thấy, tỷ lệ trẻ em lang thang bỏ học chiếm tỷ lệ
cao nhất (60,3%). Điều này hoàn toàn hợp lý bởi lẽ các em phải sống lang thang,
cuộc sống không ổn định, nay đây mai đó nên không có điều kiện tham gia học tập
thường xuyên, vì thế hầu hết các em phải bỏ học giữa chừng. Thêm vào đó, cuộc
sống của các em chưa thật đầy đủ, hàng ngày vẫn phải dành thời gian lao động để
lo cho cuộc sống nên không thể có đủ điều kiện cả về vật chất và thời gian cho việc
học tập. Nhằm khắc phục vấn đề này, hiện nay ở Hà Nội đã xây dựng một số mô
hình thí điểm như tổ chức các lớp dạy chữ cho trẻ em lang thang do các sinh viên
tình nguyện giảng dạy, một số mái ấm tình thương cho phép trẻ em lang thang vào
học. Tuy nhiên, các lớp học này thường hay tổ chức vào buổi tối và không thường
xuyên, liên tục nên trẻ em lang thang không tham gia đầy đủ. Sau một ngày lao
động, làm việc vất vả, buổi tối thường là khoảng thời gian các em nghỉ ngơi để dành
sức lao động cho ngày tiếp theo; nên việc bố trí thời gian đi học thêm vào các buổi
73
Nguyễn Thanh Bình
tối là rất khó khăn. Cũng theo kết quả điều tra từ bảng số liệu 1, trẻ em không biết
chữ chiếm tỷ lệ khá cao, chiếm 32,5% số người được hỏi. Những trường hợp này
thường là những trẻ em bị bỏ rơi, hay tự ý rời bỏ gia đình ngay từ nhỏ nên các em
không có điều kiện được học hành.
2.1.4. Hoàn cảnh gia đình
Thành phần xuất thân của trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội rất đa
dạng. Theo kết quả điều tra, đa số các em có hoàn cảnh rất éo le, bất hạnh, như
cha mẹ bỏ nhau, bố hoặc mẹ chết, có em mồ côi cả cha và mẹ. Nhiều em thuộc gia
đình nghèo; bố, mẹ hoặc cả bố mẹ bị tàn tật, ốm đau. Cũng có những trường hợp
trẻ em lang thang do bản thân bố, mẹ không có nơi nương tựa.
Về nghề nghiệp của bố mẹ trẻ em lang thang, chúng tôi thu được kết quả:
35,7% trẻ em lang thang có bố làm nông nghiệp; 54,8% có mẹ làm nông nghiệp.
Do điều kiện, hoàn cảnh gia đình làm nông nghiệp nên cuộc sống gặp nhiều khó
khăn, vì thế trẻ em trong các gia đình này thường phải kiếm tiền để giúp gia đình
trang trải cuộc sống. Một trong những cách mà trẻ em lựa chọn là bán báo, đánh
giầy,...tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội.
Bên cạnh đó, bố mẹ không có nghề nghiệp cũng là lý do dẫn đến trẻ em lang
thang. Cụ thể: 22,3% trẻ em lang thang có bố không có nghề nghiệp; 32,5% trẻ em
lang thang có mẹ không nghề nghiệp. Bố, mẹ không có nghề nghiệp nên các em
không được chăm sóc đầy đủ và phải tự lo cho cuộc sống của mình cũng là hợp với
quy luật. Cũng theo kết quả điều tra, chỉ có 0,8% số trẻ em được hỏi có bố hoặc mẹ
là cán bộ, công nhân viên chức. Con số này phản ánh tương đối chính xác thực tế
hiện nay, bởi vì trong các gia đình công chức, trẻ em thường được quan tâm, chăm
sóc cả về thể chất lẫn tinh thần nên không phải tự kiếm sống và trở thành trẻ em
lang thang. Chỉ có những trường hợp do trẻ em hư hỏng, đua đòi bạn bè nên mới
bỏ nhà ra đi. Nhưng tỉ lệ này rất ít do trẻ em trong các gia đình trên thường nhận
được sự giáo dục của bố, mẹ; thầy cô và nhà trường.
Như vậy, có thể kết luận rằng hoàn cảnh gia đình khó khăn như: bố, mẹ không
có việc làm, hay làm những nghề không có thu nhập cao (nông nghiệp) thì trẻ em
trong gia đình đó thường phải lang thang để kiếm sống.
Một câu hỏi khác mà chúng tôi đặt ra về hoàn cảnh của gia đình trẻ em lang
thang là trong gia đình của các em có bao nhiêu anh chị em? Chúng tôi nhận được
kết quả, trong gia đình các em có từ 3 đến 4 anh chị em chiếm nhiều nhất: 49,2%
số trẻ em được hỏi; tiếp đến là gia đình có từ 4 đến 5 con chiếm 27,8%; các gia đình
có từ 1 đến 2 con chiếm 20,6%. Kết quả này cho thấy trong các gia đình đông con
thì trẻ em thường phải tự kiếm sống, do vậy tỷ lệ trẻ em lang thang trong các gia
đình này là tương đối lớn.
Về câu hỏi: Các em là con thứ mấy trong gia đình, chúng tôi nhận được kết
quả phần nhiều các em là con cả và con thứ trong gia đình, với 33,3% các em được
74
Công tác xã hội với trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội hiện nay
điều tra là con cả; 34,9% là con thứ; chỉ có 1,6% là con út trong gia đình. Theo
truyền thống, các em là con cả và con thứ thường có trách nhiệm với gia đình và
với các em nên nhiều khi họ phải hi sinh bản thân để cùng bố mẹ chăm lo cho các
em; vì vậy tỷ lệ trẻ em là con cả và con thứ rời bỏ gia đình đi kiếm sống nuôi bản
thân và cùng bố mẹ nuôi các em là phù hợp với thực tiễn ở các gia đình Việt Nam
hiện nay.
Bên cạnh hoàn cảnh gia đình của các em là nghèo đói khiến trẻ em phải rời
bỏ gia đình để lang thang ở các thành phố lớn, thì do chính sách mở cửa của nhà
nước, kinh tế thị trường phát triển, một bộ phận dân cư giàu lên nhanh chóng song
mặt trái của nó là sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ, khoảng cách giàu nghèo ngày
càng xa. Trong khi đó, nhu cầu đòi hỏi của lớp trẻ đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh
khó khăn ngày càng cao mà khả năng của gia đình và xã hội chưa đáp ứng kịp. Tình
trạng thất nghiệp, thiếu việc làm khá phổ biến...đã gây ra những bức bách cho cuộc
sống gia đình; trẻ em phải bỏ học, lao động sớm, bỏ nhà ra đi lang thang kiếm sống
và kiếm tiền nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình. Mặt khác, do cơ chế chính sách
đầu tư phát triển nông thôn và các vùng trọng điểm đói nghèo vẫn chưa đồng bộ,
chưa tạo được nền tảng vững chắc cho kinh tế hộ gia đình nông thôn phát triển, trẻ
em ở nông thôn còn bị thiệt thòi về mọi mặt dẫn đến việc họ phải rời bỏ gia đình
để kiếm sống cho bản thân mình.
2.2. Cuộc sống của trẻ em lang thang đường phố trên địa bàn
Hà Nội
2.2.1. Điều kiện sinh hoạt thường nhật
Theo báo cáo gần đây nhất của UNICEF, ước tính có khoảng 100 triệu trẻ
em trên thế giới phải sống lang thang hoặc thường xuyên bị bóc lột ngoài ý muốn
của chúng. Trong số này ước tính có 70% tập trung ở châu Phi, châu Mỹ la tinh,
châu Á. Riêng châu Á ước tính khoảng 25-30 triệu trẻ em bị xô đẩy vào những hoàn
cảnh mà việc lạm dụng tình dục và thể chất là hiện tượng diễn ra hàng ngày.
Theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, hiện nay cả nước
có 19.000 trẻ em lang thang. Phần lớn các em bỏ nhà ra đi kiếm sống, lang thang
ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,
Huế,... Các em có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố, nhất là những nơi đông
người như nhà ga, bến tàu, các khu vui chơi công cộng,... Các em cũng làm đủ nghề
từ rửa bát, đánh giầy, bán báo, ăn xin thậm chí những việc làm bất chính như móc
túi, lừa gạt hoặc trẻ em gái bán dâm,...
Về cơ bản, trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội có thể phân ra thành ba
nhóm:
- Nhóm 1: Trẻ em không có chỗ ở cố định, không có gia đình hay người bảo
hộ. Chúng bị buộc hoặc tự ý rời bỏ gia đình. Chúng ngủ ngoài đường hoặc đôi khi ở
75
Nguyễn Thanh Bình
các lán, trại từ thiện và kiếm sống bằng mọi cách như đánh giầy, ăn xin, trộm cắp,
nhặt rác, bán vé số, thuốc lá hoặc sách báo.
- Nhóm 2: Trẻ em sống ngoài đường cùng với gia đình hoặc người bảo hộ, ăn
xin hoặc nhặt rác với cha mẹ hoặc anh, chị em.
- Nhóm 3: Trẻ em có gia đình nhưng ban ngày lang thang ngoài phố, đêm về
nhà. Nhóm trẻ em này thường dính líu vào các băng, nhóm, tổ chức tội phạm.
Trẻ em ở nhóm một phần lớn bị bóc lột về thể xác, và trong một số trường hợp
bị lạm dụng tình dục. Chúng sống thiếu sự bảo vệ, chăm sóc của gia đình, bạn bè
và nói chung cuộc sống dễ có nguy cơ “bên bờ vực thẳm” nên cần được bảo vệ. Trẻ
em thuộc nhóm này thường tự mình quyết định tất cả những gì mà chúng muốn.
Để bảo vệ bản thân, chúng thường kết bạn từ 3 đến 7 người trong một nhóm, trong
đó có một trẻ lớn nhất làm nhóm trưởng. Vì sống lang thang nên số trẻ này rất dễ
bị lạm dụng và sa vào tội phạm.
Trẻ em ở nhóm 2 và nhóm 3, tuy phần nào được nương tựa vào gia đình hoặc
người bảo hộ nhưng cuộc sống của các em vẫn luôn trong điều kiện tồi tàn, đói, rét
thường xuyên xảy ra. Do lang thang kiếm sống hàng ngày trên đường phố nên các
em cũng rất dễ bị lôi kéo vào các tệ xã hội.
Với câu hỏi chỗ ở của các em ở đâu? Chúng tôi thu được kết quả như sau:
Bảng 2. Chỗ ở hiện nay của trẻ em lang thang
trên địa bàn Hà Nội (%)
STT Chỗ ở hiện nay Tỉ lệ
1 Mái ấm, nhà tình thương 31
2 Nhà ở nhờ không mất tiền 11,9
3 Nhà trọ 19,8
4 Bến xe, nhà ga, nơi công cộng 12,7
5 Chợ 4,8
6 Tại gia đình đang làm thuê 19,8
Qua bảng số liệu trên ta thấy, có 31% trẻ em được sống ở các mái ấm, nhà
tình thương. Những em được sống trong các mái ấm này nhìn chung có cuộc sống
ổn định. Các em có cơm ăn hàng ngày, quần áo để mặc và không sợ đói rét. Các
em được sự quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc của những người bảo trợ, có điều kiện
được học hành và thường ít có khả năng tham gia vào các tệ nạn xã hội. Một trong
số những mô hình điển hình ở Hà Nội là mái ấm tình thương ở phố Trần Quốc Toản.
Có 19,8% các em ở trong các gia đình làm thuê. Những trường hợp này có chỗ ở
tương đối ổn định, thông thường cùng ở với nhà chủ, hoặc nơi kinh doanh của nhà
chủ. 19,8% trẻ em khác phải ở trọ, và chúng thường phải có tính tự lập cao, phải có
ý thức nếu không rất dễ mắc phải các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, trẻ em lang thang
trên địa bàn Hà Nội còn phải sống ở những nơi tạm bợ khác như chợ, bến xe, nhà
76
Công tác xã hội với trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội hiện nay
ga,... Những nơi ở như thế này rất nguy hiểm đối với đứa trẻ, do vậy trẻ em cần
được bảo vệ, và phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể
sống được trong môi trường phức tạp như vậy.
2.2.2. Công việc của trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội
Trong cuộc điều tra xã hội học đối với trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội,
chúng tôi đưa ra câu hỏi về công việc mà các em đang làm để nuôi sống bản thân,
chúng tôi nhận được các câu trả lời sau:
Bảng 3. Công việc của trẻ em lang thang đang làm
trên địa bàn Hà Nội (%)
STT Công việc Tỉ lệ
1 Đánh giầy 26,2
2 Bán báo 10,3
3 Ăn xin 20,6
4 Nhặt rác 9,5
5 Bán hàng rong 11,1
6 Giúp việc gia đình 15,1
7 Khác 7,1
Có thể nhận thấy rằng những công việc mà trẻ em lang thang đang làm chỉ
cần sự chăm chỉ, khéo léo là có thể làm được. Các công việc này không cần nhiều
vốn, nhiều kiến thức. Chính vì thế, đại đa số các em đều thích nghi ngay được với
các công việc. Điều này thuận lợi cho trẻ em lang thang trong quá trình tìm kiếm
thu nhập cho chính họ. Có 26,2% trẻ em làm công việc đánh giày; bán báo là 10,3%;
bán hàng rong là 11,1%. Nếu như những đứa trẻ không có điều kiện và khả năng để
làm các công việc đó thì trẻ em có thể làm các công việc khác, như nhặt rác (9,5%).
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là có đến 20,6% trẻ em lang thang đi ăn xin. Điều
này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân đô thị, gây ra một cách nhìn
tiêu cực đối với khách du lịch khi đặt chân đến thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Đồng thời, với những đứa trẻ ăn xin nó tạo ra thói quen ỉ lại, thụ động, chờ đợi từ
bên ngoài,... Yếu tố này sẽ không thúc đẩy được đứa trẻ trong tương lai.
2.2.3. Thu nhập của trẻ em lang thang đường phố Hà Nội
Do công việc mà trẻ em lang thang làm thường là những công việc giản đơn,
thủ công nên thu nhập của các em rất bấp bênh và không cao. 49,2% trẻ em cho
biết thu nhập bình quân một tháng khoảng từ 300.000 đến 500.000 đồng; với mức
thu nhập dưới 300.000 đồng chiếm 11,1%. Rõ ràng với thu nhập như vậy, trẻ em
thường chỉ đủ trang trải cuộc sống ở thành phố. Có những em biết tiết kiệm, chi
tiêu khéo léo thì hàng tháng cũng dư ra được một khoản tiền phụ giúp cho gia đình
ở quê hương.
77
Nguyễn Thanh Bình
2.2.4. Chi tiêu của trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội
Trẻ em lang thang phải tự lập cuộc sống của bản thân, với mức thu nhập
không cao mà lại phải sống trong một môi trường đắt đỏ, nên các em rất đắn đo
trong các khoản chi tiêu của mình. Đại đa số các em chỉ chi tiêu những khoản cần
thiết cho sự tồn tại của bản thân: ăn, uống, ở... rất ít khi sắm sửa quần áo, giầy
dép mới,... Có 73,8% các em dành 200.000 đồng/ tháng để chi tiêu cho ăn uống;
có 24,5% trẻ em lang thang dành từ 200.000 đến 400.000 đồng/ tháng chi tiêu cho
ăn uống hàng ngày. Với mức chi tiêu tiết kiệm như vậy, các em đã dành được một
khoản tiết kiệm nhất định gửi về cho gia đình. Một điều hết sức đặc biệt là 100%
các em được hỏi cho biết hàng tháng các em đều có tiền tiết kiệm hoặc gửi tiền về
cho gia đình.
Có thể kết luận rằng, trẻ em lang thang ở Hà Nội đều phải bươn chải cuộc
sống, bên cạnh đó các em còn rất ý thức trong việc tiết kiệm tiền để có thể giúp
cho gia đình ở quê có cuộc sống đỡ vất vả hơn.
2.3. Một số giải pháp hạn chế trẻ em lang thang trên địa bàn
Hà Nội hiện nay từ góc độ công tác xã hội
Vai trò của công tác xã hội là tìm kiếm các nguồn lực để trợ giúp trẻ em lang
thang vượt qua được hoàn cảnh khó khăn hiện tại, tiến tới ổn định cuộc sống trong
tương lai. Để làm được điều đó, cần sự phối kết hợp của nhiều yếu tố từ xã hội,
cũng như từ gia đình trẻ em lang thang. Cụ thể, có các biện pháp sau đây:
2.3.1. Các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội
Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện là một biện pháp chiến lược của thành
phố Hà Nội và các tỉnh có trẻ em lang thang ra thành phố Hà Nội sinh sống để khắc
phục tận gốc nguyên nhân phát sinh vấn đề trẻ em lang thang và từng bước giảm
dần số lượng trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố Hà Nội hiện nay.
Các biện pháp phòng ngừa trẻ em lang thang đường phố bao gồm:
- Thành phố Hà Nội và các tỉnh có trẻ em lang thang nên có các biện pháp
lâu dài phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế hộ gia đình nhằm nâng cao đời sống
vật chất, giúp người dân an tâm trụ lại trên quê hương họ từ đó hạn chế việc di
chuyển của người dân vào thành phố Hà Nội để kiếm sống.
- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình của Đảng và Nhà nước về việc làm,
xóa đói giảm nghèo. Các chương trình này cần ưu tiên, hỗ trợ cho các gia đình có
trẻ em lang thang.
- Cùng với các tỉnh thành trợ giúp các gia đình trẻ em lang thang về kiến thức
kinh doanh để sử dụng đồng vốn có hiệu quả và hướng dẫn kỹ thuật cần thiết giúp
trẻ em có cơ hội học nghề và phát triển các nghề truyền thống.
- Thực hiện tốt chương trình giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề, chẳng hạn
78
Công tác xã hội với trẻ em lang thang trên địa bàn Hà Nội hiện nay
như ban hành các chính sách và chỉ đạo miễn giảm các khoản đóng góp của nhà
trường đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo. Đa dạng hóa các loại
hình giáo dục và dạy nghề để trẻ em lang thang có điều kiện được học văn hóa và
học nghề.
- Đẩy mạnh hơn nữa chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, y tế cộng
đồng: có biện pháp tuyên truyền giáo dục, miễn phí cho việc áp dụng các biện pháp
kế hoạch hóa gia đình đối với người nghèo để giảm tỷ lệ sinh đẻ, nơi phát sinh nhiều
trẻ em lang thang.
- Các ban ngành chức năng có kế hoạch thường xuyên đẩy mạnh giám sát
theo dõi các loại hình chăm sóc, giáo dục trẻ, củng cố nâng cao chất lượng các cơ sở
đã có nhằm giải quyết các yêu cầu cấp bách với đối tượng trẻ em lang thang đường
phố.
- Tăng cường mở rộng văn phòng tư vấn, giảm hoặc miễn phí cho trẻ em tại
các quận huyện để có điều kiện hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời những bức xúc cho trẻ.
- Huy động triệt để các nguồn lực xã hội, các tổ chức chính trị xã hội, các nhà
hảo tâm,....ưu tiên hỗ trợ các dự án phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế gia
đình, phát triển các dịch vụ xã hội và các dịch vụ gia đình, đẩy mạnh sản xuất để
có thể giúp các gia đình quá khó khăn, tạo điều kiện cho các em được đi học, không
phải lao động quá nặng nhọc, không phải vào đời sớm.
2.3.2. Trách nhiệm của xã hội trong việc tái hòa nhập trẻ em lang thang
- Các ban ngành chức năng, các đoàn thể xã hội từng bước phối hợp chặt chẽ
với các địa phương có đông trẻ em lang thang để có kế hoạch giải quyết các vấn đề
cấp bách trước mắt của trẻ em và tìm hiểu nguồn gốc ra đi của trẻ em để có các
biện pháp giúp trẻ hồi gia.
- Nâng cao trách nhiệm của tỉnh, thành phố, của cộng đồng xã hội để giúp
giải quyết những khó khăn từ gốc gia đình nơi trẻ ra đi, giúp những gia đình này
ổn định dần cuộc sống và có những điều kiện thuận lợi để đón trẻ trở về với cuộc
sống gia đình và cộng đồng.
- Với trẻ mồ côi, bị bỏ rơi không còn nhân thân, tùy theo hoàn cảnh, ý muốn
của trẻ để giúp trẻ có tổ ấm gia đình (tìm người đỡ đầu hoặc cha mẹ nuôi cho trẻ),
một số khác gửi vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
- Đối với trẻ ăn xin cần có biện pháp cụ thể, thích hợp với từng nhóm đối
tượng. Nếu trẻ có gia đình, vận động gia đình bảo lãnh, cam kết không để trẻ tiếp
tục ăn xin và nhận con về. Những trẻ không còn thân nhân thì có thể đưa vào cơ sở
bảo trợ xã hội hoặc các cơ sở nuôi trẻ mồ côi để dạy học và hướng nghiệp