Đặc điểm của lập luận trong diễn văn chính trị

Tóm tắt. Trong diễn văn chính trị, lập luận có vai trò quan trọng trong việc thể hiện quan điểm của các chính trị gia về một vấn đề chính trị nhằm tác động, định hướng tư tưởng, cảm xúc, thái độ và hành động của người tiếp nhận. Để tạo nên tính thuyết phục của diễn văn chính trị, các chính trị gia đã sử dụng đa dạng các phương pháp lập luận như diễn dịch, quy nạp, so sánh, nhân quả, phản đề. Kết luận trong diễn văn chính trị có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư tưởng chính trị của một giai cấp, Đảng phái thậm chí là tư tưởng của cả một dân tộc hoặc giá trị tinh thần mang tính phổ quát của nhân loại.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 303 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc điểm của lập luận trong diễn văn chính trị, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2014, Vol. 59, No. 10, pp. 102-108 This paper is available online at ĐẶC ĐIỂM CỦA LẬP LUẬN TRONG DIỄN VĂN CHÍNH TRỊ Vũ Ngọc Hoa Phòng Quản lí khoa học và Sau đại học, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội Tóm tắt. Trong diễn văn chính trị, lập luận có vai trò quan trọng trong việc thể hiện quan điểm của các chính trị gia về một vấn đề chính trị nhằm tác động, định hướng tư tưởng, cảm xúc, thái độ và hành động của người tiếp nhận. Để tạo nên tính thuyết phục của diễn văn chính trị, các chính trị gia đã sử dụng đa dạng các phương pháp lập luận như diễn dịch, quy nạp, so sánh, nhân quả, phản đề. Kết luận trong diễn văn chính trị có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư tưởng chính trị của một giai cấp, Đảng phái thậm chí là tư tưởng của cả một dân tộc hoặc giá trị tinh thần mang tính phổ quát của nhân loại. Từ khóa: Diễn văn chính trị, lập luận, cấu trúc phức hợp, quy nạp, diễn dịch... 1. Mở đầu Theo Từ điển Oxford, diễn văn chính trị được định nghĩa là một bài phát biểu về các vấn đề của chính phủ, chứ không phải là công việc của một cá nhân hay tổ chức. Nó thể hiện quan điểm chính trị của người nói [6;147]. Đây là chủ đề đã được các nghiên cứu trên thế giới đề cập đến [6, 7] nhưng vẫn còn là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam và mới dừng lại ở mức độ lí thuyết [1, 2, 4]. Trong bài báo bày, chúng tôi quan niệm diễn văn chính trị (DVCT) là diễn văn thể hiện quan điểm, lập luận của người phát ngôn về một vấn đề chính trị và được thể hiện trước đông đảo người tiếp nhận nhằm tác động, định hướng tư tưởng, cảm xúc, thái độ và hành động của người tiếp nhận. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái quát về diễn văn chính trị Bên cạnh những đặc điểm chung của diễn văn như tính thuyết phục, tính lập luận chặt chẽ, tính bình giá công khai, DVCT còn có tính chính trị. DVCT thể hiện quan điểm của Đảng phái, tổ chức, cá nhân về vấn đề chính trị. Tính chính trị trước hết thể hiện ở vấn đề được bình luận, phân tích như vấn đề thành lập nền chuyên chính vô sản, chủ quyền của giai cấp vô sản trong bài diễn văn của K.Marx trong buổi tiệc chiêu đãi ở London năm 1856 nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập tờ People’s Paper; hay vấn đề nội chiến giữa phe Liên hiệp và phe Tự do ở Mĩ trong bài diễn văn Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln nhân sự kiện nghĩa trang của các binh sĩ phe Liên hiệp bị tử trận được tiến hành xây cất vào ngày 19 tháng 11 năm 1863. Ngày nhận bài 10/3/2014. Ngày nhận đăng 15/010/2014. Liên lạc Vũ Ngọc Hoa, e-mail: vungochoa75@gmail.com 102 Đặc điểm của lập luận trong diễn văn chính trị Tính chính trị còn thể hiện ở quan điểm tư tưởng của người viết diễn văn về vấn đề chính trị đó. Với cùng một vấn đề chính trị nhưng quan điểm (của Đảng phái, tổ chức hoặc của bản thân cá nhân người viết) có thể khác nhau thậm chí đối lập nhau. Chẳng hạn, với cùng vấn đề thành lập nền chuyên chính vô sản nói trên, quan điểm tư sản cho rằng, với khoa học, công nghệ hiện đại, giai cấp công nhân đã được giải phóng, nên không cần thiết phải thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp nhưng K.Marx khẳng định: cuộc cách mạng của giai cấp công nhân là cần thiết nhằm giải phóng giai cấp của chính mình. Trước vấn đề nội chiến giữa phe Liên hiệp và phe Tự do ở Mĩ, có quan điểm cho đó là cuộc chiến phi lí, nồi da nấu thịt, anh em tương tàn và sự hi sinh của các binh sĩ là vô ích nhưng trong bài diễn văn Gettysburg nổi tiếng của mình, Tổng thống Abraham Lincoln lại khẳng định: những người này (các binh sĩ phe Liên hiệp hi sinh trong trận chiến Gettysburg - chú thích của tác giả bài báo) đã không chết trong ô nhục, rằng quốc gia này dưới Thượng đế sẽ có mội sự tái sinh tự do mới, và rằng chính quyền này là của dân, do dân, và vì dân sẽ không bao giờ bị hủy diệt trên quả đất (these dead shall not have died in vain, that this nation under God shall have a new birth freedom, and that government of the people, by the people, for the people shall not perish from the earth). Một biểu hiện khác của tính chính trị là diễn văn chính trị là công cụ đấu tranh bảo vệ lợi ích của Đảng phái, giai cấp, dân tộc. . . Các chính trị gia trong bài phát biểu của mình bằng sự logic của lập luận, sự hấp dẫn của nghệ thuật hùng biện đã thuyết phục, lôi cuốn và định hướng quần chúng theo tư tưởng chính trị của giai cấp, Đảng phái. . . mà chính trị gia là người đại diện. Trần Văn Cơ cho rằng: chức năng chính của giao tiếp chính trị là đấu tranh cho quyền lực [3;31], còn ngôn bản chính trị (trong đó có diễn văn chính trị - chú thích của tác giả bài báo) có 5 chức năng trong đó có chức năng “tạo ra hiện thực ngôn ngữ của trường chính trị và giải thích nó (chức năng giải thích và định hướng)”. Thí dụ, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (Hồ Chí Minh, 1946) “định hướng” hành động cho cả một dân tộc: đứng lên chống thực dân Pháp. Tuyên ngôn độc lập Ấn Độ (J. Nehru, 1949) định hướng nhận thức và hành động cho người dân Ấn: phải lao động và làm việc, làm việc siêng năng để biến những giấc mơ thành hiện thực và để xây dựng biệt thự vương giả của Ấn Độ tự do. 2.2. Đặc điểm của lập luận trong diễn văn chính trị 2.2.1. Lập luận trong diễn văn chính trị có cấu trúc phức hợp Lập luận là bản chất của văn bản nghị luận nói chung và diễn văn nói riêng. Hay nói cách khác, diễn văn có bản chất lập luận. Đỗ Hữu Châu khẳng định: “Nói tới lập luận là thường là nói tới suy luận theo diễn dịch và ta thường nghĩ ngay đến logic, đến lí luận, đến diễn ngôn nghị luận”. (Tác giả nhấn mạnh) [1;165]. Lập luận trong DVCT là một quá trình lập luận chứ không đơn giản là sự nối tiếp thuần túy logic giữa hai câu hoặc các thành phần trong một câu. Đỗ Hữu Châu cho rằng trong diễn ngôn, lập luận thường có tính chất vận động, “Diễn ngôn độc thoại hay song thoại không phải chỉ có một lập luận mà thường là sự phối hợp của một số lập luận (và phản lập luận), các lập luận đó diễn tiến để dẫn đến kết luận cuối cùng, đích của toàn bộ diễn ngôn. Lập luận thường vận động trong diễn ngôn [1;157]. Nghiên cứu lập luận (LL) trong DVCT, xét về cấu trúc, chúng tôi thấy có hai loại lập luận: Đại lập luận bao trùm toàn bộ diễn văn và lập luận bộ phận (hoặc tiểu lập luận) là những lập luận nhỏ nằm trong đại lập luận. Diễn văn Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại 103 Vũ Ngọc Hoa số 48 Hàng Ngang và đọc trước hàng chục vạn quần chúng tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội là một LL nhân quả phức hợp, tức LL hai thành tố: một thành tố chỉ nguyên nhân và một thành tố chỉ kết quả. Trong đó từ đầu đến câu trước câu cuối của bản Tuyên ngôn là nguyên nhân. Thực ra phần trình bày nguyên nhân - đóng vai trò là luận cứ - lại chính là 3 LL nhỏ: - LL nhỏ thứ nhất theo kiểu quy nạp: Trình bày luân cứ để đi đến kết luận r1: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được (Tức khẳng định bình đẳng tự do là điều hiển nhiên). Kết luận này rút ra từ các luận cứ là các dẫn chứng trong hai bản Tuyên ngôn (Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791). - LL nhỏ thứ nhất theo kiểu diễn dịch với việc đưa kết luận r2 ngay ở đầu LL: Hành động chúng (hành động xâm lược của Pháp đối với Việt Nam – chú thích của tác giả đề tài) trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Kết luận này được chứng minh bằng rất nhiều hành động tàn ác, dã man của thực dân Pháp đối với Việt Nam trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị. - LL nhỏ thứ ba theo kiểu nhân quả với việc khẳng định r3: dân tộc đó (Việt Nam - chú thích của tác giả đề tài) phải được độc lập, dân tộc đó phải được tự do bởi đã gan góc đứng về phe đồng minh đấu tranh chống phát xít, đánh đổ chế độ quân chủ. Ba luận cứ trên chỉ nguyên nhân dẫn đến kết quả R (kết luận chung) là tuyên bố hùng hồn với thế giới: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” Có thể mô hình hóa cấu trúc nhân quả trong Tuyên ngôn độc lập: Cũng với LL nhân quả, chỉ hơn một năm sau ngày viết bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đánh thức lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Diễn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chứa hai LL bổ sung cho nhau chứ không bao hàm nhau. LL thứ nhất trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là LL nhân quả theo kiểu điều kiện tất yếu (chữ dùng của Nguyễn Đức Dân [3;210]): Chúng (thực dân Pháp) muốn cướp nước ta một lần nữa (chỉ nguyên nhân), chúng ta không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ (phần mở rộng), chúng ta phải đứng lên (chỉ kết quả). Phần mở rộng có tác dụng tăng cường cho luận cứ. LL thứ hai là LL quy nạp: Dù phải gian lao kháng chiến (p), nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh (q), thắng lợi nhất định về dân tộc ta! (r). LL trên bao gồm ba thành tố: Luận cứ p hướng tới kết luận - r, luận cứ q hướng tới kết luận r. Như vậy, p nghịch hướng với q. Luận cứ p không có hiệu lực LL mà chỉ q có hiệu lực. Hai LL trên bổ sung cho nhau tạo nên vận động LL (chữ dùng của Đỗ Hữu Châu) hay một chương trình LL (chữ dùng của Nguyễn Đức Dân [3]): từ LL theo điều kiện tất yếu (dân tộc Việt Nam phải đứng lên chống Pháp) đến LL khẳng định (thắng lợi nhất định về dân tộc ta). 104 Đặc điểm của lập luận trong diễn văn chính trị Tính phức hợp của lập luận tạo nên vai trò kép của luận cứ và kết luận trong DVCT. Một luận cứ có thể đóng hai vai trò: luận cứ trong một đại LL và kết luận trong một LL bộ phận hoặc luận cứ trong LL bộ phận 2 và kết luận trong LL bộ phận 1. Thí dụ: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng (p1), thực dân Pháp càng lấn tới (q1), vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa! (r1) (p2) Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. (q2) Hỡi đồng bào, Chúng ta phải đứng lên! (r2) Trong phần đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kết luận r1 chúng muốn cướp nước ta lần nữa đồng thời là luận cứ (p2), luận cứ (p2) nghịch hướng với luận cứ (q2) trong LL có kết luận r2: chúng ta phải đứng lên. Tính phức hợp của luận cứ trên thể hiện ở chỗ chúng muốn cướp nước ta lần nữa vừa là kết luận r1 của LL thứ nhất có hai luận cứ p1, q1 nhưng đồng thời lại là luận cứ p2 cùng với luận cứ q2 hướng đến kết luận r2. Điều này thể hiện tính chuỗi hoặc tính liên tiếp của các LL trong một diễn văn. Kết luận trong DVCT cũng có tính đa chức năng như vậy, kết luận của LL thứ nhất có thể trở thành luận cứ cho LL thứ hai hoặc luận cứ cho đại LL theo các kiểu được mô hình hóa sau: Như vậy, trong một LL có thể có nhiều kết luận bộ phận. Thí dụ: Diễn văn bênh vực cho nền chuyên chính vô sản của V.I. Lenin (năm 1919) có 03 kết luận bộ phận, 03 kết luận bộ phận này trở thành luận cứ cho kết luận chung: Kết luận bộ phận 1: Lịch sử cho chúng ta biết không có một giai cấp bị áp bức nào từ trước đến nay lên nắm chính quyền, và không thể nắm chính quyền mà không trải qua một thời kì chuyên chính. Kết luận bộ phận 2. Tự do và bình đẳng thực sự chỉ tồn tại trong trật tự do những người Cộng sản thành lập. Kết luận bộ phận 3. Có sự phân biệt rạch ròi giữa chuyên chính vô sản và chế độ độc tài của các giai cấp khác. Kết luận chung: Vì thế, nền chuyên chính vô sản nhất thiết phải tiến hành không những là sự thay đổi về hình thức và thể chế dân chủ, nói theo nghĩa chung chung, mà phải cụ thể đảm bảo sự mở rộng một sự thay đổi như thể như chưa từng thấy trong lịch sử thế giới bằng việc sử dụng thực sự chủ nghĩa dân chủ của giai cấp cần lao. 2.2.2. Sự đa dạng của các phương pháp lập luận trong diễn văn chính trị DVCT có tính lập luận chặt chẽ bởi vì “muốn thuyết phục người đọc thì cần phải giải thích, thuyết minh một cách có lí lẽ, có căn cứ vững chắc, nghĩa là phải dựa trên cơ sở những luận điểm, luận cứ khoa học” [4;117]. Tính lập luận chặt chẽ trong DVCT thể hiện ở việc sử dụng đa dạng các phương pháp lập luận như diễn dịch, quy nạp, nhân - quả, so sánh, phản đề. 105 Vũ Ngọc Hoa a. Lập luận diễn dịch Bài phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-la năm 2013 đã đi theo mô hình lập luận diễn dịch khi ngay từ đầu diễn văn, ngoài phần cảm ơn Thủ tướng nước chủ nhà Singapore và Ban Tổ chức Đối thoại theo nghi thức ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hướng hơn 400 chính khách, nhà ngoại giao, nhà quân sự, giới học giả đến chủ đề diễn văn: “Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Nói cách khác, chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của Châu Á - Thái Bình Dương. Đó cũng là chủ đề mà tôi muốn chia sẻ với quý vị và các bạn tại diễn đàn hôm nay”. Bài phát biểu dẫn đề lần lượt đi đến những thông điệp: Thông điệp về xây dựng lòng tin chiến lược là điều kiện tiên quyết của hòa bình, phát triển, thịnh vượng của Châu Á - Thái Bình Dương, thông điệp về những thách thức đối với Châu Á - Thái Bình Dương, thông điệp về kì vọng vào vai trò của nước lớn đối với tương lai của khu vực và thế giới, thông điệp về sự cần thiết phải đoàn kết nội khối Asean, thông điệp về sự thiếu lòng tin trong thực thi cơ chế hợp tác của khu vực, thông điệp về chính sách quốc phòng vì hòa bình và tự vệ, không liên minh quân sự với nước nào của Việt Nam. . . Trong đó, một thông điệp mà rất nhiều hãng/phương tiện truyền thông lớn trên thế giới như NHK của Nhật, BBC của Anh, AFP của Pháp, Channel News Asia, Strait Times của Singapore . . . đều quan tâm là lời kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cụm từ lòng tin chiến lược được lặp lại tới 17 lần trong diễn văn. Chính vì vậy, bài phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-la năm 2013 còn được gọi là diễn văn về xây dựng lòng tin chiến lược. Tư tưởng chủ đạo này trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thông điệp khác trong diễn văn. b. Lập luận quy nạp Bằng phương pháp lập luận quy nạp, K.Marx thuyết phục các vị khách trong buổi tiệc chiêu đãi ở London năm 1856 nhân kỉ niệm ngày thành lập tờ People’s Paper. Để đi đến kết luận ở cuối diễn văn được thể hiện bằng hình thức kết hợp giữa so sánh và ẩn dụ khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân (Lịch sử là thẩm phán, ủy viên công tố là giai cấp vô sản), K.Marx sử dụng 4 luận cứ - đồng thời là 4 tiểu kết luận (r1, r2, r3): r1: Mâu thuẫn giai cấp rất sâu sắc trong lòng xã hội tư bản. r2: Cách mạng khoa học, kĩ thuật của thế kỉ XIX hoàn toàn không giải phóng được giai cấp công nhân. r3: Giai cấp công nhân mà đi đầu là giai cấp công nhân Anh đã đấu tranh để giải phóng chính mình. c. Lập luận nhân - quả Nhân quả là kiểu LL phổ biến trong diễn văn và xuất hiện ở cả hai dạng: đại LL và LL bộ phận. Tuy nhiên, LL nhân quả có tính bao trùm toàn bộ diễn văn là một đặc điểm nổi bật. Bài diễn văn đọc trong Hội nghị quốc tế cộng sản năm 1919 của V.I. Lenin là một minh chứng hiển nhiên về sức mạnh của LL nhân quả. Các nguyên nhân được sắp đặt theo thế kiềng ba chân: (Luận cứ 1) chuyên chính vô sản là quy luật của lịch sử bởi “Lịch sử cho chúng ta biết không có một giai cấp bị áp bức nào từ trước đến nay lên nắm chính quyền, và không thể nắm chính quyền mà không trải qua một thời kì chuyên chính”, (Luận cứ 2) cải cách tư sản là điều giả dối, (Luận cứ 3) chuyên chính vô sản khác với độc tài tư bản bởi “chế độ độc tài của địa chủ và giai cấp tư sản là sự đàn áp bằng vũ lực đối với sự đối kháng của đa số của dân số, nghĩa là, giai cấp cần lao. Mặt khác, nền chuyên chính vô sản là sự trấn áp bằng vũ lực sự đối kháng của những kẻ bóc lột, nghĩa 106 Đặc điểm của lập luận trong diễn văn chính trị là, của một thiểu số không đáng kể trong dân số - bao gồm địa chủ và nhà tư bản” trở thành những luận cứ vững chắc cho kết luận ở cuối bài diễn văn: nền chuyên chính vô sản nhất thiết phải tiến hành. d. Lập luận phản đề LL phản đề không xuất hiện trong diễn văn với tư cách là đại LL mà chỉ là những LL bộ phận. Tuy nhiên, tính tương phản của loại LL này có giá trị rất lớn trong việc thể hiện tư tưởng của các chính trị gia. Trong diễn văn bênh vực nền chuyên chính vô sản (năm 1919), ngoài LL nhân quả chiếm thế thượng phong, nhằm tăng tính thuyết phục, Lenin còn phối hợp sử dụng kiểu LL phản đề với việc đưa ra quan điểm của giai cấp tư sản chỉ trích nền chuyên chính, bảo vệ nền dân chủ. Lenin phản biện lại nền dân chủ tư sản, minh chứng về sự giả dối của nó bằng dẫn chứng: Nhà tư bản gọi tự do là tự do cho người giàu, tự do hối lộ báo chí, sử dụng của cải, sản xuất và ủng hộ cái gọi là dư luận. e. Lập luận so sánh Cũng giống như LL phản đề, LL so sánh không xuất hiện trong DVCT với tư cách là đại LL mà chỉ là LL bộ phận. Phương pháp LL so sánh tương phản trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đã được Trần Văn Sáng [17] phân tích: “đối chiếu mặt trái ngược để làm nổi bật điều mình muốn hướng tới là phương pháp LL so sánh tương phản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng khi đối chiếu nội dung đoạn trích “Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789” cho kết luận hết sức thuyết phục: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Cơ sở LL của kết luận trên được xây dựng bằng lí lẽ: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. 2.2.3. Giá trị đặc biệt của kết luận trong diễn văn chính trị Kết luận trong LL ở DVCT có giá trị đặc biệt: thể hiện tư tưởng chính trị một giai cấp, một Đảng phái thậm chí là tư tưởng của cả một dân tộc hoặc những giá trị tinh thần mang tính phổ quát của nhân loại. Nó tác động đến nhiều tầng lớp, nhiều giai cấp, nhiều dân tộc, nhiều khu vực hay thậm chí cả nhân loại. Nó “đặt ra mục tiêu dẫn dắt, lôi kéo hoặc thuyết phục thêm được quần chúng hướng theo những điều mà mình đề ra và từ bỏ những xác tín cũ của họ” [2;167-168]. Có lẽ cương vị của người phát ngôn - chính trị gia, với tư cách đại diện cho một tầng lớp, một đảng phái, thậm chí cho cả một bộ phận nhân loại - đã đem lại ý nghĩa quan trọng của kết luận trong DVCT. Gần 70 năm đã qua, trái tim người Việt Nam vẫn còn in đậm kí ức về một ngày trọng đại của dân tộc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới về quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Kết luận của toàn bộ lập luận trong bản diễn văn trước quốc dân đồng bào trong ngày 02 tháng 9 năm 1945 ấy đã đánh dấu sự khai sinh của một dân tộc, đã vẽ nên hình hài của một đất nước trên bản đồ thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Chính ý nghĩa quan trọng của của kết luận DVCT đối với cộng đồng, dân tộc, quốc gia, đảng phái đã quy định tính tường minh của kết luận (kết luận chung - chú thích của tác giả đề tài). 107 Vũ Ngọc Hoa Nếu trong LL ở các diễn ngôn nói chung, kết luận có thể tường minh hoặc hàm ẩn thì ở LL trong DVCT, kết luận luôn được thể hiện một cách tường minh. 3. Kết luận Lập luận trong DVCT có cấu trúc phức hợp, có đại lập luận bao trùm toàn bộ diễn văn và lập luận bộ phận (hoặc tiểu lập luận) - những lập luận nhỏ nằm trong đại lập luận. Nhằm tạo nên tính chặt chẽ, logic của lập luận, các chính trị gia sử dụng đa dạng các phương pháp lập luận: Diễn dịch, quy nạp, so sánh, nhân - quả, phản đề. Kết luận trong DVCT có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư tưởng chính trị của một giai cấp, Đảng phái thậm chí là tư tưởng của cả một dân tộc hoặc giá trị tinh thần mang tính phổ quát của nhân loại. TÀI LIỆU T