Trang phục Chăm rất phong phú đa dạng, mà ở đây không
thể giới thiệu một cách đầy đủ. Tuy nhiên, qua một vài trang
phục tiêu biểu của người Chăm đã trình bày trên cho thấy,
trang phục Chăm phong phú về kiểu dáng, hoa văn, màu sắc.
Trang phục Chăm mang những đặc trưng như sau:
11 trang |
Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1665 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc trưng của trang phục Chăm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đặc trưng của trang phục
Chăm
Trang phục Chăm rất phong phú đa dạng, mà ở đây không
thể giới thiệu một cách đầy đủ. Tuy nhiên, qua một vài trang
phục tiêu biểu của người Chăm đã trình bày trên cho thấy,
trang phục Chăm phong phú về kiểu dáng, hoa văn, màu sắc.
Trang phục Chăm mang những đặc trưng như sau:
Trang phục Chăm chủ yếu là dùng chất liệu sẳn có trong
thiên nhiên như bông, tơ tằm... dùng để dệt vải hầu như
không dùng nguyên liệu từ da, lông của súc vật. Những
nguyên liệu vừa sẳn có vừa nhẹ, mỏng mặc thoáng. Phù hợp
với khí hậu nóng ẩm ở miền Trung Việt Nam. Trong cách
may cắt quần áo, thường là may áo xẻ ngực, không có cổ,
váy áo may rộng, không bó sát người. Về loại hình y phục,
các kiểu may, mặc của người Chăm cũng theo lối quấn,
choàng là phổ biến hơn cả. Đó là cái váy mảnh, sà rông, tấm
choàng, tấm trùm... thực chất đó là những mảnh vải có kích
thước khác nhau, khi mặc có chung một cách là choàng, quấn
quanh cơ thể, kể cả áo dài Chăm thực chất cũng là tấm vải
may quay tròn thành hình ống bao quanh cơ thể con người.
Kỷ thuật may mặc này không chỉ riêng có ở người Chăm mà
nó còn phổ biến ở các cư dân ở vùng phía Nam Trường Sơn
Tây Nguyên nước ta và mang cả đặc trưng chung của loại
hình cư dân nông nghiệp làm nghề trồng trọt trong vùng nhiệt
đới gió mùa Châu Á.
Đặc trưng trang phục truyền thống Chăm mà chúng ta dễ
nhận thấy nhất là loại áo bít tà, kéo dài quá đầu gối, khoét cổ
tròn, hình trái tim, được lắp ghép bằng nhiều mảnh vải mang
nhiều màu sắc khác nhau. Do có đặc điểm như vậy nên người
Chăm gọi áo dài truyền thống của họ là “Kuak kuang” (áo
may ghép nhiều mảnh vải), hay “Aw dwa boong” (áo may
ghép hai mảnh vải nhỏ ở eo hông) hoặc gọi là “Aw loah” (áo
3 lỗ mặc chui đầu). Loại áo này của người Chăm vừa có nét
riêng, vừa có nét chung gần gũi với áo dài truyền thống của
cư dân Nam Đảo như Êđê, Churu, Jarai, Raglai và các dân
tộc người Mã Lai... mà các nhà nghiên cứu thường gọi chung
kiểu áo này là áo “Phôncho”.
Đặc trưng của trang phục Chăm là không trang trí hoa văn
trên nền vải áo. Hoa văn trên trang phục Chăm chủ yếu là
được trang trí từng mảnh vải rồi may ghép vào các bộ phận
của trang phục như loại cạp váy, dây thắt lưng. Loại này
dùng để may dính vào cạp váy, vào khăn trùm đầu, khăn mặt,
chỉ có váy phụ nữ Chăm, hoa văn được trang trí cả trên cạp
váy và trên nền vải. Hoa văn trên trang phục Chăm chủ yếu
là hoa văn quả trám, hột đậu ván, hạt lúa nổ, mắt gà, hoa văn
neo thuyền, hoa văn mắc lưới, hoa văn nưgarit, Makala...
Trang phục Chăm có màu sắc phong phú. Trong trang trí
người Chăm không pha trộn bất cứ màu nào khác với nhau
nhưng họ có nghệ thuật phối màu riêng trên nền vải. Vì vậy
màu thổ cẩm, cũng như màu trang phục Chăm, mặc dù sử
dụng màu nguyên nhưng không chói chang như các màu áo
dân tộc Tây Nguyên và một số dân tộc phía bắc nước ta, màu
sắc Chăm vừa hài hoà, vừa sâu lắng.
Trang phục Chăm, chủ yếu là áo mặc thường ngày cũng như
trong lễ hội họ thường mặc áo với gam màu nóng như màu
đỏ, xanh, vàng... Còn trang phục của các chức sắc tôn giáo,
thầy cúng, các cụ già thường là mặc áo trắng. Màu trắng còn
tham gia vào trong tang lễ, kể cả trang phục người bị tang và
đồ liệm cho người chết đều có mặc màu trắng. Nếu so sánh
với màu khác tỉ lệ sử dụng trang phục màu trắng của người
Chăm trong tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ hội hè, đám tang...
có yếu tố trội hơn. Điều đó cho thấy người Chăm là dân tộc
thuộc ngữ hệ Malayo-polinesien có nguồn gốc từ biển cả
“màu trắng” nền trắng lại liên quan đến biển, trong chừng
mực con người sống ở đấy phải đối phó, trong lao động hằng
ngày, với nắng gắt trên cát, và khi cần thiết phải lẫn vào nền
sáng của cát và sóng biển.
Màu sắc của trang phục Chăm, ngoài mục đích trang trí để
diễn đạt cái đẹp của thiên nhiên, con người, thì màu sắc trên
trang phục của người Chăm còn thể hiện tính phồn thực. Sự
phồn thực ấy chính là hai mảng màu đối lập, trái ngược nhau
giữa màu lạnh và màu nóng.
Trang phục Chăm không chỉ có nhu cầu để cho đẹp mà nó
gắn liền với tín ngưỡng, những điều kiêng cữ và cấm kỵ.
Ngoài việc cúng tổ vị tổ sư nghề dệt vải người Chăm còn có
một số kiêng kỵ trong nghề dệt vải may mặc. Khi dệt “taley
ssang”(dây buột liệm người chết), thì kiêng kỵ người đàn bà
có kinh hoặc đang trong tuổi sinh đẻ không được dệt mà chỉ
có thiếu nữ và phụ nữ lớn tuổi qua thời kỳ kinh nguyệt mới
được dệt. Họ quan niệm chỉ có phụ nữ như vậy thì mới được
tinh khiết, không ô uế, đem lại sự bình yên thanh thản cho
người chết được siêu thoát nơi chốn thiên đường. Khi dệt các
hoa văn phục vụ các chức sắc, tôn giáo như dalah bingun trun
(hoa văn rồng cách điệu), talay ka in mankăm (dây lưng có
dệt hoa văn nổi hai mặt) thì cũng kiêng cữ như trên. Riêng áo
của các chức sắc kiêng kỵ không cho người thường chạm tay
vào hoặc may cắt, chỉ có các chức sắc, tu sĩ và chính vợ ông
ấy tự may cắt. Người Chăm có phong tục là thường may sẳn
các loại quần áo chuẩn bị cho người chết để sẳn trong nhà.
Loại trang phục này có nhiều kiêng cữ, không phải ngày nào
cũng lấy ra được mà chỉ được lấy ra khỏi nhà vào ngày thứ
bảy, hoặc trong gia đình có dịp cúng lễ. Nếu lấy ra tuỳ tiện
không đúng ngày lành tháng tốt đó là dấu hiệu báo điềm xấu,
trong gia đình sẽ có người chết hoặc của cải trong nhà sẽ ra
đi.
Ngoài y phục, phải kể đến trang sức Chăm. Hầu hết các di
chỉ nằm trên địa bàn cư trú người Chăm như văn hoá Sa
Huỳnh đều tìm thấy nhiều đồ trang sức mà phổ biến là
khuyên tai, xâu chuỗi, còng tay và nhẫn... Ngày nay một số
đồ trang sức ấy đã biến mất, một số còn lại không khác xa
mấy nhưng đơn giản hơn. Người Chăm ngày nay vẫn còn
thích đeo khuyên tai có đính tua vải màu đỏ, cổ đeo xâu
chuỗi, còng tay và ngón tay đeo nhẫn, đặc biệt là chiếc nhẫn
Mưta đã trở thành biểu tượng mang đặc trưng riêng của cộng
đồng, phản ánh linh hồn và bản sắc của dân tộc Chăm. Như
vậy, trang sức người Chăm hiện nay tuy đơn giản nhưng
cùng với y phục, đến lượt mình trang sức góp phần đáng kể
trong việc hình thành trang phục Chăm phong phú đa dạng.
Là dạng thức văn hoá vật chất, trang phục Chăm không chỉ là
đáp ứng nhu cầu che thân, mặc đẹp và biểu hiện cảm xúc
thẩm mỹ, mà trang phục Chăm còn chứa đựng nhiều yếu tố
văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội. Thông qua trang phục
của người Chăm, có thể phân biệt tầng lớp xã hội, đẳng cấp
của các chức sắc tôn giáo, phân biệt người giàu sang, kẻ
nghèo hèn, đàn ông và đàn bà. Chẳng hạn, chức sắc tu sĩ mới
được mặc váy, trùm khăn bằng loại hoa văn hình rồng và
buộc dây lưng có dệt hoa văn hai mặt, còn tu sĩ bình thường
chỉ mặc váy, khăn không dệt hoa văn. Đàn ông quí tộc thì
mặc khăn, dây lưng, khăn trùm đầu có dệt hoa văn hình quả
trám, chân chó, đeo nhẫn vàng... Còn đàn ông bình dân chỉ
mặc váy bình thường, vắt khăn chéo không trang trí hoa văn,
đeo nhẫn bằng đồng. Phụ nữ quí tộc mặc váy dệt hoa văn
hình rồng cách điệu, váy của họ có dệt những sợi chỉ tơ và
thêu những sợi chỉ bằng vàng. Còn phụ nữ bình thường thì
mặc váy có hoa văn dây leo, đeo đồ trang sức bằng đồng...
Các loại hoa văn và cách thức thể hiện hoa văn trên trang
phục của người Chăm đều theo qui tắc nhất định, thể hiện
đựợc thẩm mỹ, phong tục tập quán, giới tính, tín ngưỡng, tôn
giáo trong xã hội Chăm.
Không chỉ dừng lại ở đó, trang phục Chăm còn hàm chứa
trong đó một số nội dung, giá trị phong phú. Nội dung ấy, ghi
nhiều dấu ấn văn hoá trên nhiều bình diện khác nhau. Đó là
dấu ấn của người Chăm-chủ nhân của nền văn hoá sinh sống
ở dãy đất miền Trung có khí hậu nóng, ẩm, với địa hình môi
sinh giữa núi, đồng bằng, biển cả. Qua trang phục, từ cách
may mặc, cho đến hoa văn là một bộ phận cấu thành, mang
tín hiệu đặc trưng của trang phục cho thấy, người Chăm sinh
sống bằng nghề trồng lúa nước được biểu hiện bằng những
hoa văn trên trang phục như hoa văn quả trám, hoa văn hạt
lúa, hoa văn hình dích dắt, răng cưa tượng trưng cho núi, cho
sông nước và nghề đi biển như trang phục màu trắng có hoa
văn mỏ neo, hoa văn mắc lưới. Họ là cư dân nông nghiệp với
tín ngưỡng đa thần, thờ thần mặt trời (hoa văn 8 cánh trên
trang phục, chiếc nhẫn Mưta là hình mặt trời), thần núi, thần
sông. Hoa văn trên trang phục còn in dấu ấn chủ nhân của
nền văn hoá này theo tôn giáo Bàlamôn thờ những con vật
linh như các loại chim thần Garuđa, Makala có nguồn gốc Ấn
Độ. Chủ nhân của nền văn hoá này không những đã sớm
bước vào một xã hội phân chia giai cấp (qua các trang phục
của các tầng lớp bình dân, quí tộc, vua chúa) mà đã sớm hình
thành một đất nước.
Nói chung trang phục Chăm phong phú về kiểu dáng và đa
dạng về sắc thái biểu hiện. Nó không chỉ đáp ứng được nhu
cầu thiết yếu của con người (ăn, mặc,ở...), thể hiện được
thẩm mỹ, phong tục tập quán, giới tính, giai cấp, tín ngưỡng,
tôn giáo trong xã hội Chăm mà nó còn in dấu ấn văn hoá,
phản ánh đầy đủ về sắc thái, diện mạo một nền văn hoá
Chăm. Trang phục Chăm chính là kho tàng tư liệu phong
phú, kho tàng ấy không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất đơn
thuần mà nó còn mang một giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ
thuật... của người Chăm-một dân tộc đã có một thời phát
triển rực rỡ ở khu vực Đông Nam Á.