Tóm tắt. Đạm Phương Nữ Sử là một hiện tượng hiếm có trong đời sống
xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ hai mươi. Bên cạnh những đóng góp quan
trọng trong lĩnh vực giáo dục và mở rộng trí tuệ của phụ nữ, bà còn đóng
góp cho Việt Nam văn học của thời kỳ quá độ hai cuốn tiểu thuyết khá
ấn tượng. Khái niệm về tiểu thuyết và khả năng thực hiện chức năng của
thể loại này, được trình bày theo cách của mình đã góp phần hình thành ý
tưởng về một thể loại mới và vai trò của nó trong xã hội đương đại. Đó là
hai trong những vấn đề cơ bản của tiểu thuyết Việt Nam trong giai đoạn
đầu, đặt nền móng cho tiểu thuyết hiện đại.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 262 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đạm Phương Nữ Sử và cốt cách của một tiểu thuyết gia giai đoạn giao thời, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 29-35
ĐẠM PHƯƠNG NỮ SỬ VÀ CỐT CÁCH
CỦA MỘT TIỂU THUYẾT GIA GIAI ĐOẠN GIAO THỜI
Lê Tú Anh
Trường Đại học Hồng Đức
E-mail: letuanh27@yahoo.com.vn
Tóm tắt. Đạm Phương Nữ Sử là một hiện tượng hiếm có trong đời sống
xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ hai mươi. Bên cạnh những đóng góp quan
trọng trong lĩnh vực giáo dục và mở rộng trí tuệ của phụ nữ, bà còn đóng
góp cho Việt Nam văn học của thời kỳ quá độ hai cuốn tiểu thuyết khá
ấn tượng. Khái niệm về tiểu thuyết và khả năng thực hiện chức năng của
thể loại này, được trình bày theo cách của mình đã góp phần hình thành ý
tưởng về một thể loại mới và vai trò của nó trong xã hội đương đại. Đó là
hai trong những vấn đề cơ bản của tiểu thuyết Việt Nam trong giai đoạn
đầu, đặt nền móng cho tiểu thuyết hiện đại.
1. Mở đầu
Đạm Phương Nữ Sử (1881-1947) được đánh giá là nữ trí thức tiến bộ hàng
đầu của Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Tuy xuất thân dòng dõi quí tộc
phong kiến, nhưng bà sớm thức tỉnh tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý thức
canh tân, đổi mới. Cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi của bà đã để lại một sự
nghiệp trước tác đủ cho người đời sau phải ngưỡng mộ. Nổi bật nhất trong những
đóng góp của Đạm Phương là lĩnh vực giáo dục và vai trò mở mang dân trí cho
nữ giới. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực sáng tác văn học, Đạm Phương cũng để lại
những dấu ấn quan trọng. Không biết có phải do sức tác động của tiểu thuyết đến
đời sống xã hội hay do tài năng phong phú và tầm nhìn đi trước thời đại mà Đạm
Phương đã tìm đến với tiểu thuyết - thể loại gắn liền với nền văn học hiện đại. Chỉ
với hai tác phẩm (Kim Tú Cầu, Hồng phấn tương tri) và thuộc loại không thật dày
dặn, nhưng Đạm Phương đã thể hiện đầy đủ cốt cách của một tiểu thuyết gia trong
chặng khởi đầu của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Cho tới nay, đã có nhiều công
trình nghiên cứu chỉ ra những đóng góp của Đạm Phương trong nhiều lĩnh vực của
đời sống xã hội cả đương thời và hôm nay. Tuy nhiên, với tư cách là một người viết
tiểu thuyết, giá trị sáng tác của bà cần được xác định rõ hơn trên cơ sở qui chiếu
vào những thành tựu chung của tiểu thuyết giai đoạn giao thời. Ở công trình này,
chúng tôi muốn hướng tới mục tiêu đó.
29
Lê Tú Anh
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tìm tòi một hình hài của thể loại
Trong thời trung đại, nước ta chưa có tiểu thuyết, hiểu theo cách của chúng
ta ngày nay. Nói đúng hơn, thuật ngữ tiểu thuyết được dùng trong thời trung đại
không giống với quan niệm về tiểu thuyết hiện đại. Do vậy, khi nền văn học Việt
Nam bước vào quĩ đạo hiện đại hóa, tiểu thuyết manh nha rồi hình thành, các nhà
văn mới đi tìm một định nghĩa, một cách hiểu về thể loại. Giống như nhiều tiểu
thuyết gia giai đoạn này, bắt đầu viết Kim Tú Cầu, Đạm Phương đã băn khoăn
một câu hỏi “Tiểu thuyết là gì?”. Trong lời “Tựa” cho tác phẩm, bà đã viết: “Tiểu
thuyết Nhàn-tình ngẫu-lục, toàn tập mười chuyện, hoặc chuyện thuộc về cựu thời,
hoặc thuộc về kim thời, hoặc tự soạn, hoặc biên dịch; tuỳ dài vắn khác nhau, song
cái quan niệm cũa tác-giả đều là hửu sở nhân mà ghi chép lại, chớ không phải bổng
nhưng bịa đặt ra, hay là ưa vui văn chương mà làm ra” [8;2]. Như vậy, trong quan
niệm của Đạm Phương, tiểu thuyết có thể viết về chuyện đã qua hay trong thì hiện
tại, nhưng phải là chuyện có trong đời thật, thuộc về con người (hữu sở nhân) mà
người viết “chép lại”, chứ không phải do bịa đặt mà nên. Cũng trong lời tựa, bà
còn trình bày thêm quan niệm của mình về “nguồn gốc” của tiểu thuyết: “Xưa nay
người ta thường nói: “tiểu-thuyết là để cảm-xúc lòng người”; nhưng về phần tôi, thì
tôi nói rằng: vì có cảm xúc mới làm ra tiểu-thuyết; bao nhiêu những điều mắt thấy
tai nghe, dầu vui hay buồn, thương hay ghét, khen hay chê, có quan hệ đến nhơn
tình phong tục, há chẳng nên miêu tả những bức truyền thần, để làm chổ ký ức cho
mình, và cũng là để giúp phần suy nghiệm cho người đời...” [8;2]. Nghĩa là, với Đạm
Phương, việc viết một cuốn tiểu thuyết cũng giống như họa sĩ vẽ một bức truyền
thần, nhà văn không chỉ xuất phát từ những điều “mắt thấy tai nghe”; mà còn phải
bắt đầu bằng những rung động nghệ sĩ trước cuộc đời. Cho nên, tiểu thuyết vừa là
nơi ký thác, lưu giữ cảm xúc của người viết; vừa có khả năng lay thức người đọc.
Quan niệm của Đạm Phương rất gần gũi với quan niệm của nhiều người viết
tiểu thuyết cùng thời. Ngay từ cuộc thi tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên, bổn quán
Nông cổ mín đàm - nơi tổ chức, đã đặt ra yêu cầu: "Không đặng dùng việc dị đoan,
hễ chết mà còn muốn sống lại thì nhờ thuốc hay, thày giỏi, chớ nói đến quỷ thần;
còn muốn phạt thì đau bịnh mà chết hoặc lôi đả, súng xạ, gươm máy"... [1]. Về Cuộc
tang thương của Đặng Trần Phất, Bùi Xuân Học có nhận xét: "Quyển sách này thực
là tả đủ các hạng người trong xã hội, câu chuyện rất ly kỳ mà khi đọc đến có thể
tưởng như mình trông thấy vậy" [7;42]. Đào Nam Du - tác giả của tiểu thuyết Biển
trầm luân cũng viết: “Trong chuyện nầy, chúng tôi không giám bày đặt điều chi quá
đáng, không đúng sự thiệt, chúng tôi chỉ sơ tả những điều thích hiệp với trình độ
xã hội ta ngày nay mà thôi” [3;1]... Trong các quan niệm vừa liệt kê, những cách
định danh như “quyển sách này”, “chuyện nầy”... cho thấy một nhận thức còn rất
mơ hồ về thể loại của người viết. Thậm chí, ngay tên gọi “tiểu thuyết”, trong giai
đoạn này cũng còn chưa thật nhất quán [2]. Đạm Phương cũng không ngoại lệ. Tuy
30
Đạm Phương Nữ Sử và cốt cách của một tiểu thuyết gia giai đoạn giao thời
gọi Nhàn-tình ngẫu-lục là “tiểu thuyết” nhưng bà lại kể trong đó bao gồm cả phần
“biên dịch” và truyện ngắn (“tuy dài vắn khác nhau”). Tuy nhiên, có một điểm gần
gũi dễ nhận thấy là, những người viết đang rất nỗ lực để tìm kiếm một tên gọi, một
cách hiểu cho một thể loại văn học mới, đang hình thành. Một thể loại mà theo họ,
cần phải viết từ những gì xảy ra trong đời sống xã hội mà nhà văn được chứng kiến,
có liên hệ trực tiếp đến cuộc sống của con người hiện tại. Quan niệm này đã góp
phần đẩy lùi thứ văn chương dị đoan, huyền hoặc mà đương thời nhiều người cực
lực lên án. Trong lời “Tựa” của Trương Duy Toản mở đầu cuốn Phan Yên ngoại sử,
có đoạn: “Theo trí mọn của tôi nay phải bỏ những Lê Huê pháp thuật, Kim Đính
thần thông; Khương Thương phong thần, Thế Hùng trừ quỷ, Chung Ly lập trận,
Bồ Tát cứu binh, Đại Thánh loạn thiên cung, Anh Đăng về tiên cảnh... mà sắp bày
những truyện chí mới miễn là lánh khỏi cái não dị đoan mà báo ứng phân minh là
đủ rồi” [7;25]. Cảm quan hiện thực ấy chính là cơ sở đem lại cốt cách tiểu thuyết
hiện đại cho tiểu thuyết giai đoạn này.
Như vậy, Đạm Phương không chỉ đồng hành với các nhà tiểu thuyết trên con
đường tìm kiếm một quan niệm về thể loại, mà còn gần gũi với nhiều nhà văn khác
ngay trong cách quan niệm. Điều này cho thấy ở Đạm Phương sự thông minh, nhạy
cảm, sớm thức tỉnh về thiên chức của người cầm bút, nhất là người viết tiểu thuyết
vào lúc xã hội chuyển mình. Trong buổi giao thời xã hội, bộ phận công chúng thị
dân đang hình thành ngày một đông đảo, nhu cầu giải trí đang dần trở thành không
thể thiếu trong đời sống của họ. Những bài giảng đạo lý đối với họ đã trở nên quá
lỗi thời. Những câu chuyện ma mị kỳ quái cũng không còn hấp dẫn nữa. Vào lúc đó,
tiểu thuyết đang được mong đợi. Đúng như tác giả công trình Văn học Việt Nam
giai đoạn giao thời đã phân tích: ...“không thể thỏa mãn với những lời giáo huấn
về đạo lý cương thường. Người ta cần hiểu rõ, hiểu kỹ cuộc sống với tất cả những
tình tiết đầy đủ, những chi tiết cụ thể, gây được cảm giác, thỏa mãn được sự tò
mò. Người ta cần sống những cảnh ngộ của kịch, những số phận của tiểu thuyết -
những cảnh ngộ, số phận của những con người cụ thể trong cuộc sống bình thường
thế tục” [4;32].
2.2. Dùng tiểu thuyết làm phương tiện cảnh tỉnh xã hội
Không chỉ trình bày một quan niệm cụ thể và khá sâu sắc về tiểu thuyết,
Đạm Phương còn nhanh chóng nhận ra khả năng tác động của tiểu thuyết đến đời
sống xã hội đương thời. Cảm quan hiện thực mãnh liệt được thể hiện ngay từ quan
niệm về thể loại, đã được cụ thể hoá thành hình tượng trong tác phẩm. Cả hai tiểu
thuyết của Đạm Phương đều nhất quán một tư tưởng: Thức tỉnh người đọc về vai
trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Tuy nhiên, cách thể hiện của nhà văn ở
mỗi tác phẩm thì có khác.
Trong Kim Tú Cầu, Đạm Phương đã tái hiện một bối cảnh xã hội thời phong
kiến đầy bất trắc. Thân phận của người phụ nữ trong xã hội ấy phải chịu quá nhiều
buộc ràng. Kim Tú Cầu - một cô gái xinh đẹp, dịu hiền đã phải nghe theo lời cha
31
Lê Tú Anh
lấy một người chồng là vị quan đương triều, bỏ lại tình yêu đẹp đẽ, trong sáng với
chàng thư sinh nghèo Ngọc Lan. Chồng chuyển ra Thanh Hóa làm nhiệm vụ triều
đình giao phó, Tú Cầu phải khăn gói theo chồng. Chẳng yên ấm được bao lâu thì
chồng chết, Tú Cầu phải làm nhà bên mộ chồng ở để thể hiện sự trung trinh của
người phụ nữ tiết hạnh. Nhưng Tú Cầu còn trẻ, lại có nhan sắc, nên đã bị bọn lưu
manh quấy nhiễu, săn đuổi, rồi bị bán cho một tên chủ đồn điền người Hoa. Để được
yên thân, nàng đã phải chấp nhận kiếp vợ lẽ nàng hầu. Cuối cùng, không chịu nổi
cảnh vợ cả đánh ghen, Tú Cầu đã tìm đến cái chết.
Cốt truyện của tác phẩm tuy nhiều tình tiết nhưng không thật ly kỳ. Điều
đáng nói là vào thời điểm tác phẩm được khởi đăng (1922), thành tựu văn xuôi quốc
ngữ của nước ta còn rất ít ỏi. Các nhà văn vẫn phải hoặc kế thừa văn học truyền
thống, hoặc phải học tiểu thuyết phương Tây để xây dựng cốt truyện, nhân vật.
Kết cấu của truyện, về cơ bản vẫn là kết cấu khép kín, có hậu. Với Kim Tú Cầu,
Đạm Phương đã táo bạo xây dựng một kết cấu mở, một kết thúc không viên mãn
kiểu gặp gỡ - tai biến - tái hợp. Điều này thể hiện một cái nhìn hiện thực nghiêm
ngặt, tỉnh táo. Có lẽ theo Đạm Phương, đó cũng chính là một cách để cảnh tỉnh xã
hội. Cuộc đời và số phận của Tú Cầu hiện ra như một lời kêu cứu khẩn thiết: chừng
nào chưa giải thoát cho người phụ nữ khỏi những luật lệ phong kiến khắc nghiệt,
chừng ấy họ còn phải chịu đựng nhiều truân chuyên, bất hạnh, đắng cay. Thay lời
kết luận, trong “Lời bàn của tác-giả” ở cuối sách, bà đã viết: “Chuyện tầm thường
như vậy, tưởng không nên ghi chép làm chi, song có một cái bi-quan về phong tục
về thời-đại, có ảnh hưởng và quan hệ cho phụ-nữ nước ta rất nhiều” [8;46]. Truy
tìm nguyên nhân bi kịch của đời nàng Tú Cầu, Đạm Phương không chỉ dừng lại ở
những vấn đề xã hội nhức nhối bấy giờ như: hủ tục nặng nề, thói đời đen bạc, con
người trọng lợi danh, luật pháp không nghiêm minh, tội ác hoành hành... Tỉnh táo
và sắc bén hơn, Đạm Phương có lẽ cũng là người đầu tiên đặt vấn đề vai trò của
gia đình đối với sự hình thành nhân cách, thân phận con người: “Phong tục suy đồi,
nhơn tình điên đảo chính do các gia-đình trong xả-hội tạo nhân ra cả” [8;47]. Đó
là phép duy vật biện chứng trong cách nhìn nhận về số phận con người mà phải là
người có tầm hiểu biết sâu rộng và đi trước thời cuộc mới có thể thấu triệt được.
Nếu Kim Tú Cầu là tiểu thuyết thuộc loại “cựu thời”, thì Hồng phấn tương tri
là một tiểu thuyết “kim thời”. Tác giả gọi đó là một cuốn “Xã-hội tiểu-thuyết”. Từ
một góc nhìn khác về người phụ nữ, Đạm Phương tiếp tục cảnh tỉnh xã hội. Trước
hết, Hồng phấn tương tri cảnh tỉnh về thói xa xỉ cho những thú vui tầm thường của
bọn người giàu có trong xã hội, nhất là các mệnh phụ phu nhân: “Mỗi một dinh
thự là một vài sòng bài bạc, bà lớn đánh với các bà lớn, cô nhỏ đánh với các cô
nhỏ, nhan nhản như nhau, họ không lấy thế làm chướng mắt, ngại tai chút nào”
[9;5]. Đương thời, thói chơi bời vô độ cũng là một tệ nạn nhức nhối của xã hội khiến
nhiều nhà văn phải lên tiếng cảnh báo. Các tác phẩm Phồn hoa mộng tỉnh (Dương
Tự Giáp), Mồ cô Phượng (Ai Thời Khách), Cô Ba Tràh (Nguyễn Ý Bửu)... rất tiêu
biểu cho chủ đề này. Điểm khác là, nếu các tác phẩm kể trên chỉ cho thấy sự ăn
32
Đạm Phương Nữ Sử và cốt cách của một tiểu thuyết gia giai đoạn giao thời
chơi vô độ sẽ làm hủy diệt chính những con người ấy, thì Đạm Phương xót xa khi
thấy nó phương hại đến cả nhân quần, đến đồng bào đồng chủng. Cảm quan hiện
thực sắc sảo cùng lòng trắc ẩn, tinh thần tự nhiệm, khiến bà nhận thấy điều này
còn tiềm ẩn thảm họa diệt vong hơn cả nạn ngoại xâm. Trong tác phẩm, nhân vật
Nam Châu chứng kiến sự đối lập giữa cuộc sống giàu sang no đủ của người thành
thị, với cuộc sống lam lũ cơ hàn của người nông dân đã tức giận thốt lên: “Hởi hởi!
anh em! chị em! ai diệt ta cũng không chết, cho bằng tự ta diệt ta mới mau chết mà
thôi!” [9;32].
Tuy nhiên, nội dung quan trọng của tiểu thuyết này lại không chỉ dừng lại ở
việc phản ánh một hiện tượng xã hội có tính chất tiêu cực đó. Đạm Phương hướng
sự quan tâm của mình đến việc xây dựng một hình tượng phụ nữ tiến bộ, có đủ nhận
thức và bản lĩnh vượt lên những cám dỗ tầm thường, thực hiện lý tưởng. Nội dung
này được gửi gắm qua hình tượng Quế Anh - nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Quế Anh là một phụ nữ tiến bộ, được học hành trong nền giáo dục mới. Trong lúc
“tân học mới nhóm lên, những thanh niên nam nữ tân khoa là của quí của xã hội”,
Quế Anh được “hâm mộ” cũng là lẽ thường. Nhưng cô đã không vì thế mà tự huyễn
hoặc mình. Ngược lại, Quế Anh luôn “áy náy không yên lòng” vì nghĩ mình chưa
làm nên “công cáng danh dự”. Sự hiểu biết cùng với bản lĩnh của người phụ nữ sớm
tự nhiệm đã giúp Quế Anh dễ dàng thoát khỏi những cạm bẫy mà một phụ nữ tầm
thường dễ mắc phải. Dẫu vậy, trong cõi “người ta thường tình”, những người tài sắc
và đức hạnh dễ đa truân. Quế Anh trên con đường thực hiện hoài bão của mình,
đã gặp phải không ít sự ghen ghét, đố kỵ. Điều đáng nói là, nếu Kim Tú Cầu bị xã
hội vùi dập bạo tàn phải tìm đến cái chết, thì Quế Anh đã vượt lên hoàn cảnh, trở
thành chỗ dựa của gia đình khi cha mẹ già yếu, các em đang ở tuổi ăn học. Cuối
cùng, Quế Anh đã đạt được ước nguyện của mình. Hai người em được nàng thay
cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ đều “khoa-giáp đằng-danh cả”. Quế Anh và Nam Châu
sau nhiều thử thách, đã trở thành một cặp trai tài gái sắc hạnh phúc, thành đạt.
Qua việc xây dựng hai nhân vật Nam Châu và Quế Anh - những mẫu hình thanh
niên thời đại, đang sánh bước mưu cầu sự tiến hóa cho đồng bào, Đạm Phương đã
thể hiện niềm mong mỏi cần phải phát huy khả năng tiềm tàng của người phụ nữ
để cải thiện vị thế của họ trong xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy sự tiến bộ
của loài người. Ý tưởng này cũng đã được tác giả bộc lộ trong “Lời phụ bản” cuối
sách: “... tiểu-thuyết tuy có phần thuộc ái tình, nhưng mô tả nhiều phần lịch duyệt
thế thái nhân tình, và có ý ngụ sự “bao biếm” ở trong, để cảnh tỉnh lòng người một
cách kín đáo, so với các tiểu thuyết ái tình khác, thì có lẽ “biệt-khai-sinh-diện” vậy”
[9;49].
Quan niệm tiến bộ đó về người phụ nữ của Đạm Phương, đương thời đã bắt
gặp những tiếng nói “đồng tình, đồng ý” của một số nhà văn khác. Tiêu biểu là các
tác phẩm Giọt lệ sông Hương (Vũ Đình Chí), Nữ anh tài (Hoàng Thị Tuyết Hoa)...
Trong Giọt lệ sông Hương, nhân vật Minh Châu từ cảnh ngộ của mình đã nhận ra
thân phận của người phụ nữ Á Đông trong những suy nghĩ thật chua chát: "... các
33
Lê Tú Anh
nước biết trọng nhân quyền, người đàn ông chỉ lấy được một vợ, mà ở nước mình
thì người đàn bà dù làm "hầu" hay làm "lẽ" cũng đành; những chỗ phẩm ngọc giá
cao thì khi về nhà người còn có lễ cưới xin, đến như bọn thường dân, dù có trong
giá trắng ngần cũng chỉ là việc đôi bên mua bán" [6;697]. Đi xa hơn những suy nghĩ
của Minh Châu, nhân vật Tú Anh (Nữ anh tài) đã có những hành động thật cụ thể,
thiết thực nhằm nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Cô cùng với một
người bạn là Ngọc Liên đệ đơn xin chánh phủ cho phép lập "Phụ nữ liên hiệp hội"
rồi kêu gọi cổ phần, lập nên hội buôn là "Nữ lưu thương cuộc" để "đào tạo nhân
tài cho bọn nữ lưu" và để giúp chị em biết thế nào là đoàn thể, đào luyện chị em
về tinh thần, trau dồi thêm nữ công, nâng cao mối lợi quyền cho chị em trên đường
kinh tế... Rõ ràng, đó là những cách nhìn “đi trước thời đại” về người phụ nữ. Tinh
thần ấy, đương thời và ngay cả hôm nay, không phải ai cũng có thể có được.
Dùng tiểu thuyết để cảnh tỉnh xã hội cũng là chủ đích của nhiều nhà tiểu
thuyết buổi giao thời. Chủ đích này, trước tiên xuất phát từ bối cảnh xã hội trên
con đường tư sản hóa đang bày ra nhiều thói hư tật xấu, trái hẳn với đạo lý luân
thường của cha ông. Mặt khác, nó được nảy sinh từ một quan niệm hoàn toàn mới,
khác hẳn quan niệm tiểu thuyết chỉ là thứ “nhai đàm hạng ngữ” trong thời trung
đại: “Muốn làm mới dân một nước; cần phải hẵng làm mới tiểu thuyết nước ấy”
[5;43]. Tư tưởng đó của nhà cải cách vĩ đại Trung Quốc - Lương Khải Siêu hẳn là
có ảnh hưởng đến các nhà văn, nhà cách mạng nước ta lúc này. Là người học rộng,
biết nhiều và luôn tìm tòi, mưu cầu sự tiến bộ, Đạm Phương chắc đã thấm nhuần
tinh thần ấy. Tuy nhiên, đây là công việc không dễ. Vốn tri thức bản địa giàu có
nhờ được dưỡng dục nghiêm túc, toàn diện trong môi trường văn hóa, giáo dục tốt
đẹp của hoàng tộc; sự thông thạo nhiều ngoại ngữ (cả Hán văn và Pháp văn) giúp
bà có điều kiện tiếp cận những tư tưởng tiến bộ của nhân loại... Tất cả chung đúc
lại thành vốn tri thức - văn hóa sâu rộng, chính là điều kiện thuận lợi để bà viết
tiểu thuyết. Bởi vì, “Tiểu thuyết thuộc loại âm nhạc giao hưởng” (Sanh-phô-ni). So
với các thể loại văn xuôi tự sự khác, tiểu thuyết đòi hỏi người viết ra nó phải có một
vốn sống, vốn hiểu biết rộng rãi và sâu sắc hơn nhiều. Nhưng điều quan trọng hơn
ở Đạm Phương, đó là cảm quan hiện thực tinh nhạy, sắc bén và thái độ trân trọng
của bà dành cho con người, nhất là người phụ nữ.
3. Kết luận
Nhìn chung, quan niệm về tiểu thuyết cũng như khả năng hành chức của thể
loại được trình bày theo cách của Đạm Phương không chỉ để lại những dấu ấn riêng,
mà còn góp phần hình thành quan niệm về một thể văn mới và vai trò của nó trong
đời sống xã hội đương thời. Đó cũng là hai trong số những vấn đề căn bản của tiểu
thuyết Việt Nam trong giai đoạn khởi đầu, đặt nền móng cho tiểu thuyết hiện đại.
Điều này cho thấy tài năng nhiều mặt và sự mẫn cảm thời cuộc của người nữ trí
thức giàu tâm huyết với đất nước, dân tộc.
Mùa hè năm nay, hội thảo kỷ niệm 130 năm ngày sinh Công Nữ Đồng Canh
34
Đạm Phương Nữ Sử và cốt cách của một tiểu thuyết gia giai đoạn giao thời
được tổ chức tại thành phố Huế - quê hương bà. Đó là một việc làm rất cần thiết
và đầy ý nghĩa. Bởi việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, từ nhiều góc độ về những
giá trị trước tác của Đạm Phương, sẽ giúp cho thế hệ hậu sinh rút ra nhiều bài học
bổ ích về gia đình, giáo dục, phụ nữ, trẻ em, quyền con người... Những vấn đề mà
cho đến nay, đối với nhiều người, vẫn còn là mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Quốc Anh, 1978. Nông cổ mín đàm và cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trong lịch
sử văn học Quốc ngữ. Tạp chí Văn học, số 3, tr. 141-144 và 147.
[2] Lê Tú Anh, 2007. Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học giai đoạn 1900-1930.
Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 9, tr. 85-99.
[3] Đào Nam Du, 1928. Biển trầm luân. Thạch Thị Mậu xuất bản, Sài Gòn.
[4] Trần Đình Hượu - Lê Chí Dũng, 1988. Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời
1900-1930. Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.
[5] Mọc Khuê, 1942. Ba mươi năm văn học. Nxb Tân Việt.
[6] Tam Lang Vũ Đình Chí, 1930. Giọt lệ sông Hương, in trong Văn học Việt Nam
thế kỷ XX (Văn xuôi đầu thế kỷ), Quyển I - Tập IV. Nxb Văn học, Hà Nội, 2002.
[7] Vương Trí Nhàn (biên soạn), 1996. Khảo về tiểu thuyết. Nxb Hội Nhà văn, Hà
Nội.
[8] Đạm Phương Nữ Sử, 1928. Kim Tú Cầu. Nữ Lưu-Thơ-Quán, Gò Công.
[9] Đạm Phương Nữ Sử, 1929. Hồng phấn tương tri. Nữ Lưu-Thơ-Quán, Gò Công.
[10] Tuyển tập Đạm Phương, 2010. Nxb Văn học, Hà Nội.
ABSTRACT
Dam Phuong Nu Su and character of the novelist in transition period
Dam Phuong Nu Su was a rare phenomenon in society life in Vietnam dur-
ing the early twentieth century. Besides the important contribution in the field of
education and broadening the intellectl of women, she contributed to the Vietnam
literary transition period, with the arrival of tw