Tóm tắt. Bài báo muốn mở ra một hướng khám phá mới cho tác phẩm,
để học sinh có thể hình thành cái nhìn rộng hơn về những vấn đề văn học
từ lịch sử phát sinh. Từ lý thuyết tiếp cận lịch sử phát sinh, người dạy xác
định được cách thức mới trong dạy học truyện ngắn Thuốc, để từ đó giúp
học sinh phát hiện những yếu tố ngoài văn bản, tác động của những yếu
tố đó đến nhà văn và dấu ấn của nó trong tác phẩm. Hiện nay, với nguồn
tư liệu vô cùng phong phú từ mạng Internet và các loại sách, tài liệu tham
khảo, các tập san nghiên cứu. thì việc thực hiện tiếp cận nhà văn Lỗ Tấn
và truyện ngắn Thuốc của ông theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh là hoàn
toàn khả thi.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 205 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh trung học phổ thông theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Vol. 56, No. 5, pp. 77-81
DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN THUỐC CỦA LỖ TẤN
CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
THEO HƯỚNG TIẾP CẬN LỊCH SỬ PHÁT SINH
Đặng Thị Ngọc Lan
Trường THPT Thụy Hưng - Kiến Thụy - Hải Phòng
E-mail: dangthingoclan@haiphong.edu.vn
Tóm tắt. Bài báo muốn mở ra một hướng khám phá mới cho tác phẩm,
để học sinh có thể hình thành cái nhìn rộng hơn về những vấn đề văn học
từ lịch sử phát sinh. Từ lý thuyết tiếp cận lịch sử phát sinh, người dạy xác
định được cách thức mới trong dạy học truyện ngắn Thuốc, để từ đó giúp
học sinh phát hiện những yếu tố ngoài văn bản, tác động của những yếu
tố đó đến nhà văn và dấu ấn của nó trong tác phẩm. Hiện nay, với nguồn
tư liệu vô cùng phong phú từ mạng Internet và các loại sách, tài liệu tham
khảo, các tập san nghiên cứu... thì việc thực hiện tiếp cận nhà văn Lỗ Tấn
và truyện ngắn Thuốc của ông theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh là hoàn
toàn khả thi.
1. Đặt vấn đề
Mỗi tác phẩm văn học nước ngoài là nơi phản ánh, lưu giữ và kết tinh văn
hoá của dân tộc đó, thời đại đó. Hiện nay, cách thức dạy tác phẩm văn học nước
ngoài nói chung đang diễn ra như cách thức dạy tác phẩm văn học Việt Nam, tức
là chủ yếu dựa trên phần bản dịch và còn mơ hồ về những yếu tố ngoài tác phẩm,
đặc biệt là chưa được xem xét trong mối tương quan của văn hoá thời đại, trào lưu
tư tưởng và sự tồn tại của tác phẩm qua nhiều bản dịch khác nhau. Thực tế cho
thấy, sự khác biệt về văn hoá, về ngôn ngữ là rào cản lớn khiến văn học nước ngoài
ít được chủ động đón nhận ở học sinh phổ thông.
Ở chương trình Ngữ văn 12, học sinh được gặp lại nhà văn Lỗ Tấn của Trung
Quốc với truyện ngắn Thuốc (ở cấp trung học cơ sở, các em đã được học truyện
ngắn Cố hương của ông). Lỗ Tấn là “Danh nhân văn hoá nhân loại”, là linh hồn dân
tộc Trung Hoa, và ở Việt Nam, ông được yêu mến như “Gooc-ki của Trung Quốc”,
vì ông là một nhà văn cách mạng vĩ đại, tài năng và tâm huyết. Việc đưa nhà văn
Lỗ Tấn và truyện ngắn của ông vào giảng dạy ở phổ thông là rất đúng đắn và cần
thiết, vì những tác phẩm của ông không chỉ có giá trị cao về mặt nội dung và nghệ
thuật, mà còn vì chính Lỗ Tấn là một tấm gương sáng, tiêu biểu cho con người của
một thời đại có nhiều biến động lịch sử lớn. Cảm thụ và giảng dạy tốt những tác
77
Đặng Thị Ngọc Lan
phẩm của Lỗ Tấn không đơn giản chút nào, bởi những truyện ngắn của ông được
sáng tác dưới góc nhìn của một nhà báo, nhà tư tưởng, nhà văn hoá, nhà giáo, nhà
văn... trong một bối cảnh đầy biến động của đất nước Trung Quốc. Cho nên có
những vấn đề đến ngày nay chúng ta vẫn chưa giải mã hết được.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Mục đích, ý nghĩa nghiên cứu
Khuynh hướng nghiên cứu lịch sử phát sinh chủ trương nghiên cứu văn học
cũng như các trường phái nhà văn, tác phẩm từ nguồn gốc trong đời sống xã hội,
chủ trương giải thích sự phát triển của văn học, sự đấu tranh giữa các trào lưu, sự
kế thừa có đổi mới của từng giai đoạn văn học từ những nguồn cội nguồn lịch sử xã
hội. Văn học cũng như mỗi tác phẩm văn chương luôn luôn được ra đời trong những
bối cảnh lịch sử xã hội văn hoá cụ thể; những yếu tố đó thẩm thấu, chắt lọc thông
qua lăng kính của nhà văn để đi vào tác phẩm. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà
muốn nghiên cứu một tác phẩm văn chương cụ thể chúng ta không thể không tìm
đến bối cảnh và nhà văn.
Thuốc là một truyện ngắn độc đáo, hay nhưng khó trong chương trình văn
học nước ngoài ở cấp trung học phổ thông. Hay là vì nó chứa đựng được cả những
vấn đề có tính xã hội nổi cộm nhất của đất nước Trung Quốc trong một thời kỳ đen
tối. Khó là vì phải khai thác các tầng nghĩa tiềm ẩn của truyện mà không phải ai
cũng dễ dàng hiểu được ngay. Khi dạy Thuốc, giáo viên phải nắm được chiều sâu tư
tưởng của nhà văn, nhưng lại phải ý thức đầy đủ đến trình độ kiến thức cũng như
đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng học sinh trung học phổ thông. Chúng ta không
thể cắt nghĩa tác phẩm Thuốc một cách sâu sắc nếu không chú ý tới những yếu tố
ảnh hưởng trực tiếp đến tác giả, tác phẩm, đặc biệt là bối cảnh lịch sử và xã hội
của đất nước Trung Quốc đương thời, những vấn đề lớn trong cuộc đời nhà văn Lỗ
Tấn...
“Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh trung học phổ thông
theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh” muốn mở ra một hướng khám phá mới cho
tác phẩm, để học sinh có thể hình thành cái nhìn rộng hơn về những vấn đề văn
học từ lịch sử phát sinh. Với tất cả những dung lượng kiến thức về tác giả và tác
phẩm, người giáo viên phải có sự chọn lựa, cô đúc, mã hoá các thông tin để chuyển
tải vào bài dạy, nhằm mục tiêu cao nhất là tái hiện được bức tranh lịch sử thời đại
mà nhà văn Lỗ Tấn đã làm ẩn sâu trong truyện ngắn Thuốc đến tâm hồn học sinh
Việt Nam ngày nay. Nhà văn Nguyễn Tuân đã nói: “Trong truyện ngắn Thuốc của
Lỗ Tấn, chứa chất không biết bao nhiêu là sự sống, bao nhiêu là cuộc đời nhân dân
lao động Trung Hoa úa héo đi như đám cỏ bốn nghìn năm bị đè dưới đá tảng lịch
sử. Lỗ Tấn viết Thuốc, đứng vào chỗ đám cỏ úa ấy mà viết, và muốn đem sinh khí
sự sống chân chất đến cho cỏ kia xanh tươi lại, thổi lùa cái chất sống tiềm tàng vào
cho đám cỏ, hất hòn đá kia đi mà vồng ngọn lên”.
Học sinh trung học phổ thông Việt Nam học Thuốc, hiểu Lỗ Tấn, sẽ hình
78
Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh...
thành ý thức đối với dân tộc mình trước những biến động của lịch sử, có thái độ
tích cực để xóa căn bệnh vô cảm, phép “thắng lợi tinh thần” mà không chỉ người
Trung Quốc mắc phải. Truyện ngắn Thuốc được viết cách đây rất lâu, học sinh Việt
Nam không được chứng kiến hoàn cảnh xã hội Trung Quốc lúc đó và các em hiểu
về nó quá ít, nó quá khác xa so với xã hội các em đang sống. Do đó, có nhiều điều
khác so với tâm lý, cảm xúc, suy nghĩ của các em trong thời đại hiện nay. Nếu giáo
viên không cắt nghĩa, lý giải cho các em, đặc biệt lại không chú ý nội dung lịch sử
thời đại trong tác phẩm, học sinh sẽ không thể có được cách tiếp cận tác phẩm một
cách khoa học, chính xác và hợp lí.
Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh
như một trong những cách tiếp cận tác phẩm sẽ đưa học sinh đến với những khám
phá mới về Lỗ Tấn, về Thuốc mà nguồn tư liệu sách giáo khoa, sách hướng dẫn rất
cần được bổ sung. Từ đó học sinh hiểu rõ hơn về thời đại của Lỗ Tấn, về đất nước
Trung Hoa trong một thời kỳ lịch sử đen tối, sự biến đổi tư tưởng của ông khi cho
ra đời truyện ngắn Thuốc.
2.2. Những biện pháp thích hợp khi dạy học truyện ngắn Thuốc
của Lỗ Tấn theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh
Để dạy tốt truyện ngắn Thuốc trong nhà trường trung học phổ thông theo
hướng tiếp cận lịch sử phát sinh, trước tiên người giáo viên cần phối hợp nhịp nhàng
các biện pháp: đọc sáng tạo văn bản, gợi tìm (sử dụng câu hỏi nêu vấn đề), trao đổi
thảo luận, phân tích các biểu tượng trong tác phẩm, phân tích nhan đề tác phẩm,
đặc biệt là khôi phục lại hiện thực xã hội trong tình huống dạy học và làm rõ các
yếu tố của lịch sử tác động vào tác phẩm.
Mục đích - yêu cầu đầu tiên của truyện ngắn Thuốc là học sinh phải hiểu được
vấn đề: Thuốc là hồi chuông cảnh báo về sự mê muội, đớn hèn của người Trung Quốc
vào cuối thế kỉ XIX và sự cấp thiết phải có một phương thuốc chữa bệnh cho quốc
dân, làm cho người dân giác ngộ cách mạng và cách mạng phải gắn bó với nhân
dân. Nhà văn bày tỏ niềm tin vào tương lai: nhân dân sẽ được thức tỉnh. Lỗ Tấn
không vừa lòng với cách mạng Tân Hợi, vì nó không chữa được bệnh trạng dân tộc,
nhưng phải có một cuộc cách mạng như thế nào thì chưa rõ. Ông chỉ biết nó phải
khác cách mạng Tân Hợi. Mãi đến năm 1930, trước bài học thực tế phũ phàng, ông
mới khẳng định dứt khoát: đó phải là cách mạng vô sản.
Khi xét nội dung xã hội của tác phẩm này, giáo viên cần tìm hiểu một cách
tương đối kĩ càng về những yếu tố văn hoá lịch sử, phát hiện được những mối tương
đồng, tạo điều kiện cho học sinh chiếm lĩnh tác phẩm. Trung Quốc là quốc gia láng
giềng thân cận nhất của Việt Nam về mặt lãnh thổ, có sự giao lưu diễn ra hàng
nghìn năm nay về mặt văn hoá. Học văn học Trung Quốc là cách giúp học sinh
Việt Nam có sự so sánh tốt nhất về hai nền văn hoá có nhiểu điểm tương đồng này.
Trung Quốc với hàng nghìn năm “Tam cương ngũ thường” của Nho gia đã tạo ra
chế độ gia trưởng nặng nề. Lỗ Tấn yêu cầu các thế hệ đi trước phải biết tôn trọng
thế hệ sau, giải phóng tư tưởng cho thế hệ sau. Giáo viên có thể đặt ra những câu
79
Đặng Thị Ngọc Lan
hỏi nêu vấn đề theo hướng như sau: Dấu ấn của dân tộc và thời đại trong các nội
dung sáng tác của Lỗ Tấn như thế nào? Em hình dung như thế nào về nhân vật Hạ
Du trong ý đồ xây dựng nhân vật của tác giả? Truyện Thuốc mang đậm dấu ấn của
lịch sử thời đại như thế nào?...
Những năm 20 đầu thế kỉ XX, có nhà nghiên cứu Trung Quốc coi chủ đề tư
tưởng Thuốc là chống mê tín dị đoan, có nhà nghiên cứu lại cho chủ đề tư tưởng
tác phẩm là phê phán sự thoát li quần chúng của cách mạng... Đó là những cách
hiểu còn hời hợt, có tiếp cận tư tưởng tác phẩm nhưng chưa toàn diện. Thuốc có
kích thước của một truyện dài, dồn nén sự quan sát, nghiền ngẫm của nhà văn Lỗ
Tấn về xã hội Trung Quốc, con người Trung Quốc, về con đường giải phóng dân
tộc. Thuốc còn là một truyện chung đúc được quan niệm văn chương, khuynh hướng
ngòi bút Lỗ Tấn: văn chương phải chú trọng chỉ ra các bệnh của quốc dân để lưu ý
mọi người tìm phương chạy chữa. Nhà văn Mỹ Edgar Snow nói: Thuốc cũng giống
như hàng loạt tác phẩm khác của Lỗ Tấn, đã miêu tả một nỗi bi ai mang màu sắc
triết lí, đó là người Trung Quốc vì dốt nát, ngu muội mà thất bại và lâm vào tình
thế thất vọng”.
Trong tiết dạy truyện ngắn Thuốc theo cách tiếp cận lịch sử phát sinh, người
giáo viên cần có những biện pháp cụ thể: định hướng cho học sinh tiếp cận tác phẩm
từ cội nguồn sâu xa của nó, xác định góc nhìn thời đại, góc nhìn dân tộc và tổng
thể các tác động ngoài đối với sáng tác của tác giả Lỗ Tấn. Từ lý thuyết tiếp cận
lịch sử phát sinh, người dạy xác định được cách thức mới trong dạy học truyện ngắn
Thuốc, để từ đó giúp học sinh phát hiện những yếu tố ngoài văn bản, tác động của
những yếu tố đó đến nhà văn và dấu ấn của nó trong tác phẩm.
Dạy học truyện ngắn Thuốc từ cách tiếp cận lịch sử phát sinh để tạo được sự
hứng thú cho học sinh: một bầu không khí văn chương mang đậm tính lịch sử được
duy trì trong suốt tiết học, sau tiết học là sự suy ngẫm về thời đại và cuộc đời. Như
vậy, sự tiếp nhận tác phẩm đã đạt từ tự phát đến tự giác, kiến thức từ bên ngoài
được chuyển vào trong đời sống tâm hồn, ý thức công dân của mỗi học sinh trước
vận mệnh của dân tộc mình.
“Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh trung học phổ thông
theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh” còn là một phần nhỏ của vấn đề lớn hơn: vấn
đề dạy học bộ môn Ngữ văn theo hướng tiếp cận lịch sử phát sinh của tác phẩm.
Hiện nay, cách thức dạy tác phẩm văn học nước ngoài nói chung đang diễn ra như
cách thức dạy tác phẩm văn học Việt Nam, tức là chủ yếu dựa trên phần bản dịch,
dẫn đến sự mơ hồ về những yếu tố ngoài tác phẩm. Tác phẩm văn học nước ngoài
chưa được xem xét trong mối tương quan của văn hoá thời đại, trào lưu tư tưởng và
sự tồn tại của tác phẩm qua nhiều bản dịch khác nhau. Sự bất cập đó đang cần có
hướng giải quyết, tuy nhiên không phải là “một sớm một chiều”. Chúng ta nhận ra
rất rõ những vấn đề cần thiết phải bổ sung kịp thời, đó là tăng cường kiến thức lịch
sử cho giáo viên và bổ sung tư liệu mới có liên quan đến tác phẩm. Cho đến nay,
rất ít thầy cô được đọc trọn vẹn các tác phẩm văn học nước ngoài có đoạn trích mà
mình dạy.
80
Dạy học truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn cho học sinh...
Tuy nhiên, do thực tế giảng dạy rất đa dạng, muôn hình muôn vẻ, các phương
pháp dạy học rất phong phú, người giáo viên khi vận dụng không nên máy móc
và hiệu quả còn tuỳ thuộc vào năng lực chuyên môn, sự linh hoạt của người giáo
viên. Trong quá trình dạy học truyện ngắn Thuốc cũng như tất cả các tác phẩm văn
chương khác, bao giờ người giáo viên cũng phải là người định hướng cho học sinh
tìm hiểu và khai thác tác phẩm. Vì vậy, người giáo viên nên kết hợp toàn diện các
biện pháp: vấn đáp, thảo luận, sử dụng tài liệu trực quan, mối quan hệ liên môn,
liên hệ thực tế...
3. Kết luận
Lỗ Tấn là một cây đại thụ của văn học thế giới, việc dạy và học truyện ngắn
Thuốc của ông sao cho xứng với tầm vóc đó còn nhiều điều cần phải làm sáng tỏ. Sự
gặp gỡ giữa Lỗ Tấn và Việt Nam xuất phát từ sự tương thông giữa bối cảnh chính
trị, sự gần gũi của tư tưởng, sự giao lưu văn hoá đang rộng mở, các thế hệ nhà văn
Trung Quốc và các thế hệ nhà văn Việt Nam ngày càng có điều kiện hợp tác để
cùng nghiên cứu sâu hơn về Lỗ Tấn. Hiện nay, với nguồn tư liệu vô cùng phong phú
từ mạng Internet và các loại sách, tài liệu tham khảo, các tập san nghiên cứu... thì
việc thực hiện tiếp cận nhà văn Lỗ Tấn và truyện ngắn Thuốc của ông theo hướng
tiếp cận lịch sử phát sinh là hoàn toàn khả thi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trương Chính (dịch), 1968. Lỗ Tấn, thân thế, tư tưởng, sáng tác. Nxb Đại học
và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội.
[2] Nguyễn Viết Chữ, 2005. Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương (theo loại
thể). Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[3] Hà Minh Đức, 1995. Lý luận văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Phương Lựu, 1988. Lỗ Tấn - Nhà lí luận văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5] Đặng Thai Mai, 1959. Lỗ Tấn - thân thế, tư tưởng, văn nghệ. Nxb Thời đại, Hà
Nội.
[6] Lương Duy Thứ, 2004. Lỗ Tấn, phân tích tác phẩm. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
ABSTRACT
Teaching the short story called The medicine by Lo Tan
to the senior secondary students as per the approach of Arisen history
This article wishes to open up new discoveries for this work, so that the stu-
dents can form their wider view to the literature issues from Arisen history. Utilising
the theory of arisen history approach, the teacher should specify the new method
during the teaching of The Medicine accordingly the students can find out new fac-
tors from the text, such factors’ give impact to the author as well as its footprint in
the work. Presently, with many various sources of information from internet, books,
reference books, research reviews etc., the approaching to Lo Tan and his book The
Medicine as per the arisen history training direction is completely feasible.
81