Văn bản pháp luật (VBPL) là phương tiện quan trọng và chủ yếu trong hoạt động quản lý của Nhà nước. Trên thực tế, VBPL thường có mối quan hệ nhất định với các quan hệ xã hội và tác động vào đời sống xã hội ở những phạm vi và giới hạn nhất định. Hiệu quả của sự tác động này được xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau như: thẩm quyền ban hành văn bản, hình thức văn bản, phạm vi điều chỉnh và chất lượng của văn bản.
7 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2420 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài môn xây dựng pháp luật: Các điều kiện đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Văn bản pháp luật (VBPL) là phương tiện quan trọng và chủ yếu trong hoạt động quản lý của Nhà nước. Trên thực tế, VBPL thường có mối quan hệ nhất định với các quan hệ xã hội và tác động vào đời sống xã hội ở những phạm vi và giới hạn nhất định. Hiệu quả của sự tác động này được xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau như: thẩm quyền ban hành văn bản, hình thức văn bản, phạm vi điều chỉnh và chất lượng của văn bản. Trong đó chất lượng văn bản được đánh giá là nội dung quan trọng, mang tính quyết định đối với hiệu lực và hiệu quả tác động của văn bản pháp luậtVBPL. Để đánh giá đúng đắn về chất lượng của VBPL và hoạt động xây dựng VBPL cần dựa vào nhiều tiêu chí mang tính khách quan và toàn diện. Trong đó, yêu cầu về tính khả thi là một trong những yêu cầu cần được chú trọng và quan tâm. Đây chính là lí do em chọn đề tài: “Các điều kiện đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật” làm bài tập học kỳ. Với trình độ hiểu biết cũng như kiến thức còn hạn chế bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong thầy cô quan tâm, chỉ bảo để bài làm của em có thể hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG
Khái niệm văn bản pháp luật, tính khả thi của văn bản pháp luật.
Khái niệm văn bản pháp luật.
Trước khi đi tìm hiểu các điều kiện đảm bảo tính khả thi của VBPL ta phải hiểu thế nào là VBPL và tính khả thi của VBPL là gì?
VBPL là công cụ pháp lý quan trọng để nhà nước quản lý xã hội, là phương tiện chuyển tải yêu cầu của Nhà nước tới các cá nhân, tổ chứ trong xã hội. Nhà nước tác động vào các cá nhân, tổ chức bằng cách ban hành các VBPL quy định cho các cá nhân đó được phép thực hiện, phải thực hiện hay không được thực hiện những hành vi nhất định. Thông qua các VBPL, nhà nước đưa xã hội phát triển đúng hướng mà Nhà nước đặt ra. Như vậy, văn bản pháp luật là văn bản do chủ thể có thẩm quyền ban hành theo hình thức, thủ tục do pháp luật quy định. Nội dung văn bản pháp luật chứa đựng ý chí nhà nước, tác động tới đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu quản lý nhà nước.
Hiểu thế nào là tính khả thi của văn bản pháp luật?
“Khả thi” theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa là khả năng thực hiện. Như vậy một VBPL có tính khả thi là có khả năng thực hiện trên thực tế hay nói cách khác là những quy định của VBPL đó có khả năng đi vào cuộc sống mà không chỉ dừng lại trên giấy.Vậy một VBPL có tính khả thi thì văn bản đó nhất thiết sẽ đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trên thực tế? Có phải bất cứ văn bản nào không được áp dụng trong cuộc sống thì văn bản đó không có tính khả thi và lỗi thuộc về cơ quan ban hành nó? Kết luận như vậy là không chính xác. Khả thi chỉ là điều kiện cần của một VBPL. Để văn bản đó thực sự đi vào cuộc sống thì phải có cả điều kiện đủ đó là khâu tổ chức thực hiện. Nói một cách khác, để Luật thực sự đi vào cuộc sống thì ngoài yêu cầu về chất lượng của nội dung văn bản (là phải đảm bảo tính khả thi, phải phù hợp với thực tiễn khách quan) còn phải tiến hành tốt việc tổ chức thi hành luật, trong đó gồm nhiều công việc như tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, đồng thời tập huấn các quy định của luật trong đội ngũ cán bộ....
Tóm lại, tính khả thi của VBPL được hiểu là khả năng thực hiện trên thực tế của văn bản pháp luật và trong xây dựng văn bản pháp luật thì tính khả thi mang lại chất lượng cao cho văn bản pháp luật.
Các điều kiện đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật.
Với cách hiểu tính khả thi của VBPL như đã nêu ở trên thì để đảm bảo tính khả thi thì VBPL phải đáp ứng những điều kiện gì?
Theo cá nhân em, điều kiện để đảm bảo tính khả thi của một văn bản pháp luật ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng. Trước hết thể hiện ở sự phù hợp của VBPL với các yêu cầu của nhà nước ( đảm bảo tính hợp lý), sau đó là sự phù hợp của VBPL với yêu cầu của xã hội( đảm bảo tính hợp lý). Tính hợp pháp của VBPL chủ yếu quy định giá trị pháp lý của VBPL, tính hợp lý quy định tính khả thi, mang lại sức sống thực tế cho văn bản pháp luật. Một VBPL muốn có khả năng thực hiện trên thực tế thì phải đảm hai yêu cầu: thứ nhất, VBPL đó phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng hình thức, thủ tục luật định và được ban hành trong thời gian mà pháp luật quy định ; thứ hai, VBPL đó cần được ban hành kịp thời, nội dung phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, lựa chọn hình thức trình bày và ngôn ngữ soạn thảo phù hợp.
Một VBPL chỉ đảm bảo yêu cầu thứ hai nhưng không đáp ứng yêu cầu thứ nhất thì VBPL đó không có giá trị pháp lý và không được thực hiện, đương nhiên văn bản đó không có khả năng thực hiện trên thực tế càng không nói đến việc mang lại chất lượng cao cho VBPL trong xây dựng VBPL. Ngược lại, một VBPL đáp ứng yêu cầu thứ nhất mà không đáp ứng yêu cầu thứ hai tức là đi ngược lại lợi ích của đối tượng tác động, không được xã hội chấp nhận thì chỉ có thể được thực hiện bằng bạo lực, như vậy khả năng thực hiện trên thực tế là rất ít, do đó cũng không thể mang lại chất lượng cao cho VBPL. Một VBPL đáp ứng cả hai yêu cầu trên sẽ mang lại chất lượng cao cho VBPL trong quá trình xây dựng VBPL, được số đông mọi người trong xã hội chấp nhận và tự giác thực hiện, đương nhiên khả năng thực hiện trên thực tế của văn bản đó sẽ cao hơn. Với cách hiểu trên của cá nhân, trong bài làm của mình, em xin đưa ra một số điều kiện để đảm bảo tính khả thi của VBPL như sau:
VBPL phải được ban hành phải đúng thẩm quyền, đúng hình thức, thủ tục luật định và phải đảm bảo kỹ thuật pháp lý.
VBPL phải được ban hành đúng thẩm quyền.
Đây là điều kiện đầu tiên để đảm bảo cho một VBPL có khả năng thực hiện trong thực tế, bởi lẽ một văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền sẽ không có hiệu lực pháp lý đồng nghĩa với việc không có khả năng thực hiện trên thực tế. Theo đó, VBPL phải được ban hành đúng thẩm quyền. Hiện nay pháp luật quy định rất nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật như: cơ quan nhà nước, cá nhân, trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Chính phủ, UBTV Quốc hội để ban hành văn bản. Chủ thể ban hành VBPL phải dựa vào các quy định của pháp luật để lựa chọn hình thức văn bản phù hợp để ban hành nhằm quy định hoặc giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền.
Hình thức văn bản pháp luật phải rõ ràng, cụ thể, đúng các quy định của pháp luật.
Hình thức của văn bản pháp luật bao gồm tên gọi và thể thức của văn bản. Mỗi văn bản pháp luật có một tên gọi khác nhau và nó do pháp luật quy định. Chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản sử dụng đúng tên gọi. Nghĩa là, các cơ quan nhà nước trong những phạm vi nhất định có quyền quyết định về vấn đề gì, giải quyết công việc gì, ở mức độ nào thì có quyền ban hành VBPL với tên gọi cụ thể theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Để tuyển dụng cán bộ, công chức, cá nhân đứng đầu cơ quan ban hành quyết định tuyển dụng cán bộ, công chức.
Thể thức của VBPL là cách trình bày văn bản theo một kết cấu, khuôn mẫu nhất định, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa hình thức với nội dung, bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước. Thể thức VBPL được quy định khá cụ thể trong thông tư liên tịch số 55/2005//TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ nội vụ và văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Các chủ thể khi xây dựng VBPL phải trình bày theo đúng thể thức, kết cấu của văn bản, bố cục logic, chặt chẽ nếu không điều kiện về mặt hình thức sẽ không được đảm bảo, tính khả thi của văn bản sẽ hạn chế và có thể bị hủy.
Văn bản pháp luật phải được ban hành theo thủ tục do pháp luật quy định.
Khi soạn thảo VBPL, chủ thể soạn thảo không chỉ chú ý tới thẩm quyền ban hành văn bản mà còn phải chú ý tới việc soạn thảo VBPL theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.Về thực chất, trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật là cách thức tiến hành các hoạt động cần thiết của các chủ thể trong quá trình ban hành văn bản. Trên thực tế, những thủ tục này được pháp luật quy định trong các văn bản khác nhau như: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004, Luật khiếu nại, tố cáo; ...Mỗi loại văn bản pháp luật khác nhau pháp luật cũng có các quy định khác nhau về thủ tục ban hành. Trong mỗi thủ tục đó có những nét riêng biệt nhưng nhìn chung đều bao gồm các hoat động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ như: đánh số, vào sổ cơ quan ban hành… Những hoạt động đó có vai trò trợ giúp cho người soạn thảo và tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát văn bản pháp luật, hạn chế những khiểm khuyết trong hoat động của nhà nước.
Nội dung văn bản pháp luật phải chặt chẽ.
Một VBPL được ban hành phải có nội dung chặt chẽ, phù hợp với quan hệ xã hội điều chỉnh. Với bất cứ loại văn bản nào, dù là văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật hay văn bản hành chính đều phải chứa đựng nội dung mà chủ thể ban hành muốn điều chỉnh. Nội dung của VBPL chủ yếu thể hiện đường lối, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực. Các VBPL đều đưa ra các quy định, cách tổ chức, thực hiện phù hợp với đường lối phát triển đất nước của Đảng và thể chế hóa đường lối, chủ trương thành những quy định thống nhất trên phạm vi nhất định.
Bên cạnh đó, sự chặt chẽ của nội dung còn phản ánh qua việc nội dung của văn bản đáp ứng được nguyện vọng, ý chí của nhân dân lao động. Đây là nội dung vô cùng quan trọng vì trong nhiều trường hợp, hiệu quả tác động của văn bản pháp luật thường phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của các bên liên quan, vào việc Nhà nước có đáp ứng được những lợi ích của các tầng lớp trong xã hội hay không. Do đó, xây dựng một VBPL, chủ thể có thẩm quyền phải cân nhắc, lựa chọn cách thức điều chỉnh để đảm bảo sự hài hòa giữa các nhóm đối tượng liên quan, lợi ích của Nhà nước- xã hội- chủ thể liên quan, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của người dân trong toàn xã hội.
VBPL có nội dung hợp pháp là một trong các điều kiện tiếp theo để đảm bảo tính chặt chẽ về nội dung. Và tính hợp pháp của VBPL thể hiện thông qua mối quan hệ của các văn bản pháp luật khi ban hành. Đối với văn bản quy phạm pháp luật, nội dung hợp pháp thể hiện ở việc văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật phải phù hợp và thống nhất với nội dung của cấp trên ban hành. Ví dụ: Nghị định của Chính phủ phải phù hợp, thống nhất với hiến pháp, luật. Đối với văn bản áp dụng pháp luật, sự hợp pháp về nội dung thể hiện ở việc các mệnh lệnh đưa ra phải phù hợp với quy phạm pháp luật hiện hành về nội dung và mục đích điều chỉnh. Ví dụ: Quyết định xử phạt hành chính của chiến sĩ công an giao thông phải phù hợp với các quy định với pháp lệnh xử phạt hành chính 2002 (sửa đổi, bổ sung 2008). Với văn bản hành chính có nội dung là những quy định mang tính quy phạm thì nội dung đó phải phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, văn bản hành chính có nội dung là những mệnh lệnh cá biệt thì nội dung phải phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với nội dung của văn bản áp dụng pháp luật có liên quan trực tiếp.
Ngoài các điều kiện trên để đảm bảo tính chặt chẽ của nội dung văn bản pháp luật, thì sự tương thích của văn bản pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế luôn luôn là điều kiện đảm bảo nội dung của văn bản pháp luật chặt chẽ. Sự tương thích thể hiện trong việc đòi hỏi về sự phù hợp, tương ứng của văn bản pháp luật Việt Nam với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Sự phù hợp của các văn bản này với các điều ước quốc tế sẽ có tác dụng to lớn trong việc phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta. Đáp ứng các yêu cầu trên về nội dung sẽ mang lại chất lượng cao cho VBPL trong xây dựng VBPL và là cơ sở để VBPL được thực hiện hiệu quả trong thực tế.
Ngôn ngữ văn bản pháp luật phải nghiêm túc, dễ hiểu.
Ngôn ngữ của văn bản pháp luật được sử dụng là ngôn ngữ viết, phải được viết bằng tiếng Việt, không sử dụng từ địa phương, phải tuân theo các quy tắc chung của tiếng Việt, đảm bảo tính phổ thông của ngôn ngữ. Trong văn bản pháp luật ngôn ngữ phải đảm bảo tính nghiêm túc, chính xác, một nghĩa, không sử dụng khẩu ngữ, tiếng lóng, tránh sử dụng các yếu tố ngôn ngữ mang sắc thái biểu cảm, văn tả cảnh, văn vần, lối viết văn hoa, sáo rỗng...Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản pháp luật phải chính xác về chính tả, chính xác về nghĩa của từ, chính xác trong cách viết câu và sử dụng dấu câu... Tính chính xác của văn bản pháp luật phải cao, lập các câu có kết cấu ngữ pháp chặt chẽ, hoàn chỉnh, qua đó các chủ thể ban hành thể hiện được rõ ràng ý chí của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thi hành văn bản nắm bắt được đúng đắn, đầy đủ nội dung của văn bản pháp luật, từ đó góp phần nâng cao khả năng thực hiện trên thực tế của VBPL.
Văn bản pháp luật phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong VBPL, tính khả thi thường được đánh giá ở sự phù hợp giữa nội dung văn bản với các điều kiện kinh tế- xã hội hiện tại của đất nước. Sự phù hợp này thể hiện rất rõ qua mối tương quan giữa trình độ pháp luật với trình độ phát triển kinh tế- xã hội.
Nếu VBPL phản ánh chính xác, kịp thời những vần đề đặt ra từ thực tiễn, chứa đựng những nội dung phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và yêu cầu của quản lý nhà nước sẽ tạo ra những “ đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế- xã hội góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Bộ luật dân sự 2005, luật thương mại 2005, luật cán bộ công chức 2002 (sửa đổi, bổ sung 2007, 2008)... là các ví dụ điển hình cho thấy các quy định mới của pháp luật phù hợp với thực tiễn, mà cụ thể hơn là phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Bộ luật Dân sự đã có những thay đổi tích cực, điều chỉnh các quan hệ dân sự được cụ thể hơn, các chủ thể tham gia quan hệ dân sự được định hướng rõ ràng hơn và quản lý nhà nước về việc thực hiện pháp luật dân sự được rút gọn, dẽ dàng hơn. Luật Thương mại 2005 và luật doanh nghiệp 2005 được thay thế luật thương mại và luật doanh nghiệp năm 1999 cũng đáp ứng được với sự hội nhập của Việt Nam với thế giới, và sự thay đổi của nhiều quy định luật mới đã đáp ứng sự phát triển của đất nước, giúp xã hội phát triển toàn diện, kinh tế phát triển theo hướng tích cực hơn.
Trường hợp VBPL không phù hợp, không phản ánh đầy đủ các hướng vận động của đời sống xã hội, với các quy định quá cao hoặc quá lỗi thời, sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế- xã hội, là nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả của quản lý nhà nước. Pháp luật là biện pháp để nhà nước quản lý các mặt của xã hội VBPL không đáp ứng được với sự phát triển của xã hội thì biện pháp quản lý hữu hiệu nhất của nhà nước sẽ không thể sử dụng và kinh tế- xã hội không phát triển được theo đúng quy luật là điều tất yếu. VBPL với quy định quá cao mà trong khi điều kiện kinh tế- xã hội chưa thể đáp ứng được, thì các quy định đó không thể thực hiện. Văn VBPL với các quy định quá lỗi thời trong khi các quan hệ xã hội đã phát triển ở mức độ cao thì các quy định đó không thể điều chỉnh được và dẫn tới hiện trạng “ có pháp luật như không”. Hiện nay, một số VBPL của nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của đất nước, do đó các chủ thể có thẩm quyền ban hành VBPL cần xem xét, giải quyết, xây dựng các hệ thống văn bản phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế- xã hội, làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam được hoàn thiện hơn.
VBPL có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý các mặt xã hội của nhà nước. Do vậy, VBPL vừa phải phản ánh được những quy luật chung, vừa phản ánh được các quy luật mang tính đặc thù trong từng giai đoạn, lĩnh vực, đáp ứng các yêu cầu của xã hội là sự cần thiết khách quan đảm bảo được tính khả thi của nó trong quá trình áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Văn bản pháp luật phải phù hợp với truyền thống, đạo đức, phong tục, tập quán của dân tộc.
Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội. Pháp luật cũng có nguồn gốc từ quy phạm đạo đức và phong tục, tập quán, do đó các VBPL do Nhà nước ban hành phải phù hợp với truyền thống, đạo đức, phong tục, tập quán của dân tộc. VBPL tương thích với đạo đức giúp cho quá trình thực hiện pháp luật trong nhân dân được tích cực hơn, ý thức của người dân tham gia chấp hành pháp luật được nâng cao hơn. Nếu nội dung VBPL không phù hợp với các quy tắc đạo đức sẽ không đảm bảo tính khả thi của văn bản, dẫn tới việc đặt quy phạm đạo đức lên trên quy phạm pháp luật và sẽ xảy ra tình trạng“coi thường” pháp luật. Do đó, khi xây dựng VBPL các chủ thể có thẩm quyền cần xem xét tính phù hợp của quy phạm pháp luật, cách thức tổ chức thực hiện phải phù hợp với các đạo đức xã hội.
Phong tục, tập quán là một trong các hình thức của pháp luật. Nhiều phong tục, tập quán có ý nghĩa nhân văn, nâng cao ý thức của con người đã trở thành nguồn, thành các quy phạm trong VBPL. Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “ Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với nguyên tắc quy định trong bộ luật nay” hoặc theo Điều 6 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “ trong quan hệ hôn nhân và gia đình , những phong tục tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định của Luật này thì được tôn trọng và phát huy”. Ngoài ra các phong tục tốt đẹp của nước ta đã được quy định trong pháp luật, năm 2007 nhà nước ta đã công nhận ngày 10/3 âm lịch hằng năm là ngày “Quốc Giỗ” và khuyến khích xây dựng để Đền Hùng trở thành “Di sản văn hóa Thế Giới”. Những quy định trên đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn một nét đẹp truyền thống văn hóa cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” và niềm tự hào về nòi giống “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc Việt Nam. Do đó, việc đảm bảo văn bản pháp luật phù hợp với phong tục, tập quán là một điều kiện khách quan cần thiết trong quá trình xây dựng pháp luật.
KẾT LUẬN
VBPL là kết quả của Nhà nước với quá trình quản lý xã hội. Để đảm bảo tính khả thi của VBPL, các chủ thể có thẩm quyền khi xây dựng cần đáp ứng đủ các điều kiện. Kinh tế- xã hội đất nước ta ngày càng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi tính khả thi của văn bản pháp luật ngày càng cao. Các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, khi xây dựng cần đẩy mạnh hơn nữa các yêu cầu, điều kiện về tính khả thi của văn bản, nhằm phát huy tính hiệu quả của văn bản, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đưa kinh tế- xã hội nước ta phát triển bền vững, tạo bước đệm cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.