Đề tài Người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập - Một dấu hiệu mới của cảm hứng nhân văn truyền thống trong thơ Nôm Đường luật

Tóm tắt. Đề tài người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập (HĐQÂTT) đã khai mở một trường mỹ cảm nhân văn truyền thống theo tinh thần của người Việt, tạo bước phát triển mới cho thơ Nôm Đường luật trong tương quan với Đường luật Hán. Mặt khác, khuynh hướng cảm xúc này còn được xem là những “viên gạch lát” của trường thơ Tao đàn Hồng Đức cho những kiệt tác của Hồ Xuân Hương và các nhà thơ Nôm Đường luật sau này khi viết về đề tài người phụ nữ thời phong kiến.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 145 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập - Một dấu hiệu mới của cảm hứng nhân văn truyền thống trong thơ Nôm Đường luật, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 6, pp. 28-34 ĐỀ TÀI NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG HỒNG ĐỨC QUỐC ÂM THI TẬP - MỘT DẤU HIỆU MỚI CỦA CẢM HỨNG NHÂN VĂN TRUYỀN THỐNG TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT Trần Quang Dũng Trường Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa E-mail: tranquangdunghd@yahoo.com.vn Tóm tắt. Đề tài người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập (HĐQÂTT) đã khai mở một trường mỹ cảm nhân văn truyền thống theo tinh thần của người Việt, tạo bước phát triển mới cho thơ Nôm Đường luật trong tương quan với Đường luật Hán. Mặt khác, khuynh hướng cảm xúc này còn được xem là những “viên gạch lát” của trường thơ Tao đàn Hồng Đức cho những kiệt tác của Hồ Xuân Hương và các nhà thơ Nôm Đường luật sau này khi viết về đề tài người phụ nữ thời phong kiến. Từ khóa: Đề tài, thơ Nôm, phụ nữ, Đường luật. . . 1. Mở đầu Trong tiến trình thơ Nôm Đường luật (TNĐL), (HĐQÂTT) là “cột mốc” thứ hai (sau Quốc âm thi tập) khẳng định sự tồn tại và phát triển của dòng thơ tiếng Việt, với những ưu thế vượt trội trong nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống, xã hội và con người ở những khía cạnh vừa đa dạng, phong phú, vừa tinh tế, phức tạp, mang đậm bản sắc dân tộc trong tương quan với Đường luật Hán. Xét trên phương diện nội dung, cảm hứng chung của HĐQÂTT là ngợi ca, khẳng định và tin tưởng cao độ về vương triều, minh quân; về cuộc sống thái bình, thịnh trị thời Hồng Đức nửa sau thế kỷ XV. Tuy nhiên, bên cạnh khúc tụng ca chung của Tao đàn, trong tập thơ cũng đã xuất hiện một giọng điệu trữ tình thay cho ngôn chí về thân phận con người, về những bi kịch của đời sống tình cảm, nhất là ở đề tài người phụ nữ. Đây là một dấu hiệu mới, khơi mở một trường mỹ cảm đậm tính chất nhân văn của truyền thống dân tộc Việt. 2. Nội dung nghiên cứu Theo số liệu khảo sát, thơ về người phụ nữ trong HĐQÂTT chiếm một số khá ấn tượng, với 59 bài (kể cả chùm thơ về Vương Tường) trên tổng số 328 bài của tập thơ, chiếm tỷ lệ 17,9%. Không chỉ phong phú về số lượng, cách thể hiện đề tài này trong tập thơ cũng khá đa dạng: từ hình ảnh người phụ nữ gắn với những trang sử dựng nước, giữ nước của dân tộc (Trương Vương, Triệu Ẩu...) đến hình ảnh người phụ nữ bình dân xấu 28 Đề tài người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập - một dấu hiệu mới... số trong hạnh phúc đời thường (Hoàng Giang điếu Vũ Nương, Phu xuất...), từ hình ảnh người phụ nữ trở thành vật “hi sinh” cho quyền lợi vua tôi nhà Hán (Chiêu Quân cống Hồ) cho đến những thân phận nhỏ bé, lam lũ trong cuộc sống thường nhật (Vịnh nắng mùa hè), v.v... Tuy nhiên, trong khuổn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ tìm hiểu đề tài người phụ nữ trong HĐQÂTT trên hai phương diện: Người phụ nữ với bi kịch trong tình yêu lứa đôi và người phụ nữ với bi kịch trong hôn nhân hạnh phúc. 2.1. Người phụ nữ với bi kịch trong tình yêu lứa đôi Thơ Nôm Đường luật trước HĐQÂTT (Quốc ngữ thi tập của Chu An (đã mất) và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi) chưa xuất hiện đề tài tình yêu lứa đôi. Vì thế, sự xuất hiện đề tài này trong HĐQÂTT được xem là một bước tiến mới của Đường luật Nôm trong xu hướng chiếm lĩnh hiện thực, là bước “đột phá” trong sự kiềm toả của tư tưởng chính thống và cảm xúc tụng ca chung của tập thơ, là những tình cảm “lãng mạn” vượt ra ngoài khuôn khổ của cung đình, “là tiếng nói mới mẻ trong văn học” [1;280]. Thơ về đề tài người phụ nữ với tình yêu lứa đôi trong HĐQÂTT có Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai (12 bài), Ngưu Lang - Chức Nữ (3 bài), Chiêu Quân cống Hồ (3 bài)... Thơ Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai diễn lại mối tình giữa tiên và tục, giữa Lưu, Nguyễn và các tiên nữ ở động Thiên Thai. Theo Thiệu Hưng phủ chí chép thì năm Vĩnh Bình (58 – 74 CN) đời Hán Minh Đế, nhân ngày tết Đoan dương, Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc đường không biết lối ra, bèn trèo lên một ngọn núi khác, gặp hai tiên nữ. Tiên nữ gọi tên hai người và hỏi: Sao các ngươi đến chậm thế. Rồi mời về nhà tiếp đãi tử tế. Ở trong núi được nửa năm, Lưu và Nguyễn nhớ nhà xin trở về. Khi về đến nhà đã cách bảy đời rồi. Sau hai người lại tìm đường vào núi Thiên Thai nhưng không gặp hai tiên nữ đâu cả” [2;93]. Thật ra, người xưa nói chuyện tiên, không phải chỉ nói chuyện tiên, mà chính là để nói chuyện tục, chuyện trần gian. Cụ thể hơn, do sự chế định của văn chương cung đình và tư tưởng Nho giáo nên các tác gia Hồng Đức đã lựa chọn và thể hiện đề tài này thông qua các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết... để khai thông một đề tài được xem là cấm kỵ của văn chương nhà nho lúc bấy giờ. Tuy nhiên, dấu hiệu trữ tình theo tinh thần của chủ nghĩa nhân văn truyền thống vẫn được thể hiện khá đậm nét qua lối xưng hô và ngôn ngữ đối thoại, độc thoại của thơ ca dân gian. Chẳng hạn: Cay đắng nỗi lòng đây luống chịu, Hiểm nghèo đường thế đấy tua ngừa. Kíp chầy lại thấy cùng nhau họp, Kẻo phụ duyên xưa lỗi hẹn xưa. (HĐQÂTT - Lại bài Tiên tử tống Lưu Nguyễn. Bài 27) Và xuất hiện cả âm thanh vang vọng của cuộc sống đời thường dân dã, phá vỡ đi cái vẻ ước lệ của khung cảnh cứng đọng trong sách vở: Cách hoa dầu chẳng người tiên rước, Chó sủa âu là hẳn ấy làng. (HĐQÂTT – Lưu Nguyện động trung ngộ Tiên Tử. Bài 24) 29 Trần Quang Dũng Các câu chuyện về tình yêu đôi lứa trong HĐQÂTT thường ẩn chứa những dấu hiệu bi kịch, với những ngang trái, éo le, cách trở... Thế giới tâm trạng của nhận vật trữ tình trong thơ, vì thế đầy những giằng xé, đớn đau, nhớ nhung, sầu muộn, nhất là với giới nữ: Thơ bày chữ gấm ngàn hàng thảm, Cửi mắc thoi vàng mấy đoạn sầu. (HĐQÂTT - Lại bài Chức Nữ ức Ngưu Lang. Bài 36) Là khát vọng tái hợp của đôi lứa: Gẫm thấy một thu là một họp, Còn hơn kẻ chực Quảng Hàn cung. (HĐQÂTT - Chức Nữ ức Ngưu Lang. Bài 35) Trong tình yêu, thông thường phận nữ vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi và cay đắng nhất. Vì thế, họ thường mạnh về trực giác và rất nhạy cảm.Với họ, tình yêu thường gắn liền với sự thuỷ chung, duy nhất. Với Chức Nữ và các Tiên nữ trong núi Thiên Thai cũng vậy: Nước non thiếp chẳng quên niềm cũ, Ân ái chàng tua nhớ nghĩa xưa. (HĐQÂTT - Lại bài Tiên tử tống Lưu Nguyễn. Bài 29) Không chỉ xuất hiện ở thơ đề vịnh, ngay trong lối thơ xướng họa, đề tài người phụ nữ gắn với bi kịch trong tình yêu lứa đôi cũng được đề cập một cách khá ấn tượng, được xem như những “nốt nhạc sai luật” trong bản giao hưởng tụng ca chung của Tao đàn. Chẳng hạn, xét cặp bài Nhất thủy. Bài xướng (lược dẫn): Láo nháo ngoài lưng vuỗn chẳng ngờ, Túi còn, vàng đã đổi bao giờ... Khỉ đói chi cho còn quả gặm, Mèo thèm nào giỗi miếng nem thừa. Ngọc đà có vết ai màng nữa, Nồi chõ khôn hàn biết thẹn chưa? Bài họa (lược dẫn): Đã tin xin bớt tiếng hiềm ngờ, Mưa tưới bao giờ mát bấy giờ... Tranh tàn tuy cũ nhưng còn điếm, Hương mảng dành thơm há chẳng thừa Nhận vết là chi khe khắt, Bấy người như nước thấu hay chưa? Dễ thấy ở cặp bài này, từ cảm xúc thơ, hình tượng thơ cho đến ngôn ngữ thơ thể hiện khá rõ xu hướng dân tộc hóa thể loại. Cách nói, cách cảm cũng như giọng điệu thơ không cách điệu, hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng không vì thế mà ý thơ lộ, vẫn kín đáo, tinh tế. Ngay tựa đề Nhất thủy cũng chưa rõ nhà thơ dụng ý nói gì. Nhưng cứ theo ý tứ của cặp bài thơ, ta có thể hiểu: hai bên nam nữ trước trao duyên với nhau. Sau bên nam có ý nghi ngờ bên nữ, ví như ngọc có vết, nên làm thơ để cự tuyệt. Bên nữ làm thơ đáp lại, trách bên 30 Đề tài người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập - một dấu hiệu mới... nam “bới lông tìm vết” một cách khắt khe. Ý của bài xướng (bên nam) có lẽ chuyển tải thông điệp này: cái vỏ bề ngoài thì còn, vẫn thế, nhưng những phẩm chất bên trong không còn nguyên vẹn như trước nữa: “Túi còn, vàng đã đổi bao giờ”. . . Đó là lý do để người con trai cự tuyệt tình cảm với người con gái: “Ngọc đà có vết ai màng nữa - Nồi chõ khôn hàn biết thẹn chưa?”, v.v. . . Lời của bài hoạ (bên nữ) vừa trách cứ bên nam cố “bới lông tìm vết”: đúng là có gì đó không còn vẹn tròn. . . điều đó vốn có từ trước, anh biết, tôi biết và hơn một lần anh “đã tin”. Sao giờ anh còn vạch vòi, moi móc nó lên. Lời lẽ ôn hòa nhưng thái độ, tình cảm cũng khá cương quyết để bảo vệ cho phẩm hạnh của mình: “Tranh tàn tuy cũ nhưng còn điếm – Hương mảng dành thơm há chẳng thừa”, và trách cứ trở lại: “Bấy người như nước thấu hay chưa?”. . . Những cuộc đối đáp, xướng hoạ như thế này không thể ra đời trong không gian vương xướng thần tùy, đồng thanh tương ý, mà sự đối thoại, giãi bày của cá nhân với cá nhân. Nếu không có một sự quan sát hiện thực theo tinh thần nhân văn truyền thống và khả năng khám phá, sáng tạo để vượt lên những chuẩn mực đạo đức của Nho giáo cũng như sự chế định ước lệ của văn chương cung đình, các tác gia Hồng Đức khó có thể có được cách nhìn, cách cảm như vậy trong xu hướng chiếm lĩnh cuộc sống và con người. Tiếng nói văn học trong tập thơ, vì thế ít hay nhiều thoát khỏi khuynh hướng tụng cổ mà đề cao những tình cảm chân chính của con người. 2.2. Người phụ nữ với bi kịch trong hôn nhân hạnh phúc Thơ viết về đề tài hôn nhân hạnh phúc trong HĐQÂTT cũng được xem là một “giọng điệu lạ” ngược hướng với cảm hứng âu ca chung của tập thơ, của văn chương nhà nho. Khác với đề tài tình yêu đôi lứa thường được ngụ qua nhân vật lịch sử hay cảnh trí thiên nhiên, đề tài người phụ nữ trong hôn nhân được các nhà thơ Hồng Đức đề cập đến một cách trực tiếp, có cảnh ngộ, có duyên phận, có bi kịch... Có thể kể đến các thi phẩm tiêu biểu cho đề tài này: Hoàng Giang điếu Vũ Nương, Vịnh Mỵ Ê và cặp bài Phu xuất... Thơ về Vũ Nương có 2 bài (Hoàng Giang điếu Vũ Nương, Lại bài viếng Vũ Thị). Ở cả hai bài này, người đọc bắt gặp một cái nhìn, một sự cảm thông, chia sẻ của các tác gia Hồng Đức trước thân phận người phụ nữ bình dân, xấu số: Cách trở bấy lâu hằng giữ phận, Hiềm nghi một phút bỗng vô tình. . . Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy, Thương nàng hóa lại trách Trương Sinh. (HĐQÂTT - Hoàng Giang điếu Vũ Nương. Bài 16) Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ, Cung nước chi cho lụy tới nàng. Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt, Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng. (HĐQÂTT - Lại bài viếng Vũ Thị. Bài 17) Đồng cảm với bi kịch của Vũ Nương và “trách Trương Sinh”, với các tác gia Hồng Đức cũng có nghĩa trở về với đạo lý truyền thống dân tộc được kết tinh trong văn học dân 31 Trần Quang Dũng gian để có được những vần thơ nhạy cảm với nỗi đau con người, cảm thông với thân phận người phụ nữ bình dân, bé nhỏ. Và chính nội dung hiện thực “đời thường” ấy đã tạo ra một nét mới trong bút pháp trữ tình của các tác gia Hồng Đức (tả sự, gợi chuyện) chứ không chỉ đơn thuần là tán thán, biểu dương để ngụ ý răn giới cho lòng trung quân tiết nghĩa theo phạm trù mỹ đức Nho gia.Vì thế, có thể đồng tình với đánh giá: “... trong toà vàng điện ngọc của từ chương bác học cao quý, quan phương vẫn có chỗ đứng cho người bình dân xấu số. Đây là bài thơ Nôm đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc viết về bi kịch của người thiếu phụ, nạn nhân của đạo tòng phu nghiệt ngã. Thơ không chỉ trách cứ chàng Trương, mà chủ yếu ca ngợi vẻ đẹp của lòng vị tha, của đức hy sinh, thể hiện mơ ước muôn thuở của con người: cái thiện phải thắng cái ác” [3;101]. Tương tự thế, ngay cả Mỵ Ê - vợ chúa Chiêm Thành, các tác gia Hồng Đức không chỉ nhìn thấy ở đó tấm gương về lòng kiên trinh, tiết liệt của người phụ nữ đất Chiêm mà còn có cả sự ngưỡng mộ và đồng cảm cho phận má hồng: Thờ chúa, thờ chồng hết tấc thương, Một mình lọn đạo việc cương thường. . . Dòng bạc thề cùng thu có nguyệt, Sử xanh chép để bút còn hương. (HĐQÂTT - Vịnh Mỵ Ê. Bài 15) Gián tiếp bảo vệ hạnh phúc cho người phụ nữ thông qua lời “oán trách” của nàng Chiêu Quân với nỗi niềm vò võ của người đi “cống Hồ” đối với vua nhà Hán: Một thiếp lạnh lùng ngoài cửa ải, Chín trùng đầm ấm thuở đền xuân. Dừng chân ngựa truyền tin hỏi: Vàng chuộc tôi hầu nặng mấy cân? (HĐQÂTT – Chiêu Quân tự tình. Bài 21) v.v. . . Khuynh hướng khơi mở dòng cảm hứng trữ tình theo nguồn mạch nhân văn truyền thống khi viết về người phụ nữ gắn với bi kịch trong đời sống tình cảm trong HĐQÂTT còn được thể hiện khá ấn tượng qua cặp bài Phu xuất (Chồng bỏ) - một đề tài chưa có trong văn chương nhà nho trước đó. Bài xướng: Nguyệt lão xưa kia khéo vụng cân, Làm cho lẽo đẽo nhọc tinh thần. Tam tòng trước nàng đã lỗi, Thất xuất giờ anh mới phân. Quản Sở mặc ai thưởng nguyệt, Cung Tần chằng cấm chơi xuân. Từ nay năm bắc chia đôi ngả, Một bức ly thư phóng ngoại nhân. Bài họa: 32 Đề tài người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập - một dấu hiệu mới... Chàng hỡi, hai ta nghĩa đã cân, Thốt thề chẳng hổ với linh thần. Trước cùng làm bạn ngờ lâu họp, Rày bỗng nghe ai nỡ kíp phân. Mây nước dạ chàng dầu bạc nghĩa, Cỏ hoa lòng thiếp hãy còn xuân. Biết đâu đã dễ hơn đâu nữa, Mà trọng tân nhân phụ cựu nhân. Dễ thấy, tuy đảm bảo nguyên tắc họa vận nhưng nội dung, cảm xúc của hai bài thơ là đối lập nhau. Ở bài xướng, người viết (trong vai người chồng) đã đưa ra những lý do để viết bức “ly thư”. Những “tam tòng”, “thất xuất”, những “Quán Sở”, “Cung Tần”... là quan niệm của Nho giáo về phẩm hạnh người phụ nữ, giờ đã thành cơ sở tạo ki bịch cho hạnh phúc lứa đôi. Âu cũng là cái duyên, cái phận, là sự “vụng cân” của “Lão nguyệt”? Để rồi, từ đây “nam bắc chia hai ngả” và những kẻ “chung tình” bỗng chốc thành “ngoại nhân”. Ngược lại với ý của bài xướng, bài họa là lời thanh minh, níu kéo. Biết bao xót xa, nức nở ở người thiếp khi lòng chàng đã quyết, khi tình chàng đã tắt. Sự ly tan này với thiếp là điều quá bất ngờ, bởi “lòng thiếp hãy còn xuân”, vẫn chung tình với lời “thề thốt”, vẫn nặng tình như “nghĩa đã cân”. Vì “nghe ai” mà “dạ chàng bạc nghĩa”. . . Những tưởng sẽ cùng nhau “lâu họp”, nhưng thoắt cái đã “nỡ kíp phân”, thật “hổ với linh thần”. Tuy nhiên, có đau nhưng không lụy, người phụ nữ vẫn bảo vệ cho phẩm hạnh của mình, thậm chí còn lên tiếng cảnh báo: “Biết đâu đã dễ đâu hơn nữa - Mà trọng tân nhân phụ cựu nhân”, v.v. . . Đã từng có ý kiến cho rằng: “Đề tài, chủ đề người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập về căn bản không có gì khác so với trước. Người phụ nữ vẫn được nhìn nhận từ quan điểm phong kiến: họ khổ đấy, đáng thương đấy nhưng họ là những tấm gương sáng về lòng trung quân, tiết liệt; họ là bài học cho giới mình nói riêng và cho tất cả mọi người” [4;113]. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, tuy bảo vệ cho đạo đức phong kiến, nhưng không thể không thấy đã xuất hiện ở các bài thơ về đề tài người phụ nữ trong thơ Nôm thời Hồng Đức một tình cảm sẻ chia, một thái độ trân trọng và tiếng nói bênh vực cho phận quần hồng ở người cầm bút theo một quan niệm nhân sinh mới mẻ. Có thể xem đó là một trong những biểu hiện của tư tưỏng “thân dân” trong sáng tác của Lê Thánh Tông và các tác gia Hồng Đức. Đúng như nhận xét: “Lê Thánh Tông hầu làm bật rễ quan niệm thẩm mỹ của văn chương nhà Nho, để cấy vào đó quan niệm thẩm mỹ dân tộc” [5;328]. Đối chiếu khuynh hướng này với một số khuynh hướng diễn tả người đẹp, ca ngợi tình yêu hay hướng vào những bi kịch trong đời sống tình cảm của người phụ nữ trong các truyện khác của Lê Thánh Tông di thảo, và với những chi tiết trong Bộ luật Hồng Đức thì vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ trong tư tưởng, trong quan niệm của Lê Thánh Tông khá nhất quán. Trong Bộ luật Hồng Đức đã có một bước tiến khá căn bản trong việc cải thiện địa vị của người phụ nữ so với quy định pháp luật của các triều vua trước. Người phụ nữ có được một số quyền chính đáng (trong hôn nhân, trong việc phân chia tài sản. . . ) và ít nhiều được nhà nước và pháp luật bảo vệ (xem các điều 308, và các điều từ 374 đến 33 Trần Quang Dũng 376). Đây là một trong những quy định hết sức Việt Nam. Vì thế, “dưới triều đại Lê Thánh Tông, mặc dù thời phong kiến tập quyền được xác lập, Nho giáo được sùng thượng, quan điểm đối với người phụ nữ vẫn có phần rộng rãi, vị tha, nói rõ hơn là có ý nghĩa nhân đạo! Ở lĩnh vực này lĩnh vực khác thì đó chỉ mới là những nhận thức lẻ tẻ, nhưng với tác phẩm Hồng Đức quốc âm thi tập thì tinh thần ấy được biểu hiện tập trung và khá sáng rõ” [6;498]. 3. Kết luận Đề tài người phụ nữ trong HĐQÂTT đã chứng minh một khả năng to lớn của TNĐL trong việc tiếp cận hiện thực cuộc sống và con người theo xu hướng dân tộc hóa thể loại, mở ra một trường mỹ cảm nhân văn truyền thống theo tinh thần của người Việt trong tương quan với Đường luật Hán. Khuynh hướng nhân văn này cũng được xem là những “viên gạch lát” của trường thơ Tao đàn Hồng Đức cho những kiệt tác của Hồ Xuân Hương và các nhà TNĐL sau này khi viết về đề tài người phụ nữ. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nhiều tác giả, 1997. Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [2] Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên, 1982. Hồng Đức quốc âm thi tập. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Bùi Duy Tân, 1983. “Hồng Đức quốc âm thi tập”, một tập thơ lớn của văn học tiếng Việt thế kỷ XV. Tạp chí Văn học, số 4. [4] Lã Nhâm Thìn, 1998. Thơ Nôm Đường luật. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [5] Nhiều tác giả, 1997. Lê Thánh Tông: con người và sự nghiệp. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [6] Nhiều tác giả, 1998. Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. ABSTRACT Subject woman in Hong Đuc quoc am thi tap a inspiration’s new omen is traditional humane The subject of women in “Hong Duc quoc am Thi tap” opened a beauty school humanities tradition in the spirit of the Vietnamese, to create a new development in law poem Nom trend line "centrifugal" with poetry of Duong luat Han. Emotional tendencies are thought to be the groundwork of Tao Dan Hong Duc school poems which are master- pieces of Ho Xuan Huong, and also the later poets of Nom Duong luat when writing on the subject of woman time feudalism. 34
Tài liệu liên quan