Đề tài thôn quê trong thơ chữ Hán trung đại Việt Nam

Tóm tắt. Trong tiến trình văn học dân tộc, văn học chữ Hán có một vị trí quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng diện mạo nền văn học thành văn, trong đó có thơ ca. Ngoài những đề tài mang tư tưởng nói chí, chở đạo thì đề tài thôn quê cũng có vị trí quan trọng trong văn chương nhà Nho trung đại. Điều đó cho thấy xu hướng phát triển theo tinh thần dân tộc hóa, dân chủ hóa của thơ ca trung đại Việt Nam.

pdf8 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 340 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài thôn quê trong thơ chữ Hán trung đại Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2014, Vol. 59, No. 3, pp. 25-32 This paper is available online at ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ CHỮ HÁN TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Lê Thị Nương Khoa Khoa học xã hội - Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa Tóm tắt. Trong tiến trình văn học dân tộc, văn học chữ Hán có một vị trí quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng diện mạo nền văn học thành văn, trong đó có thơ ca. Ngoài những đề tài mang tư tưởng nói chí, chở đạo thì đề tài thôn quê cũng có vị trí quan trọng trong văn chương nhà Nho trung đại. Điều đó cho thấy xu hướng phát triển theo tinh thần dân tộc hóa, dân chủ hóa của thơ ca trung đại Việt Nam. Từ khóa: Đề tài thôn quê, thơ chữ Hán trung đại Việt Nam, kết tinh, phát triển. 1. Mở đầu Trong tiến trình văn học dân tộc, văn học chữ Hán có một vị trí quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng diện mạo nền văn học thành văn, trong đó có thơ ca. Bên cạnh các đề tài có sự ảnh hưởng trực tiếp của hệ tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo, với quan niệm: thơ nói chí, thơ chở đạo,. . . thì đề tài thôn quê là một đề tài lớn trong thơ ca trung đại. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu sự chi phối của mảng đề tài này đến sáng tác của nhiều thế hệ trí thức phong kiến. Đề tài thôn quê thực sự tiềm ẩn nhiều giá trị sâu sắc về tư tưởng, văn hóa, mà nền tảng sâu xa là tinh thần tự tôn, tự cường dân tộc. 2. Nội dung nghiên cứu Lực lượng sáng tác thơ trung đại chủ yếu tầng lớp trí thức phong kiến, bao gồm vua quan, tăng lữ, nho sĩ... Phần lớn họ đều xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình”, một mặt quen với lối sáng tác tầm chương trích cú theo phong cách văn học chính thống, văn học hướng thượng, nhưng mặt khác ngòi bút của họ vẫn luôn hướng về mảng hiện thực thôn quê, với những cảnh quê, tình quê thật thiết tha, gắn bó. Chính điều này ta cho thấy hai xu hướng vận động gần như trái chiều của thơ trung đại: vừa hướng tới “đồng tâm” với những chuẩn Ngày nhận bài 11/1/2014. Ngày nhận đăng 25/05/2014. Liên lạc Lê Thị Nương, e-mail: lenuong1010@gmail.com 25 Lê Thị Nương mực, điển phạm của văn chương Nho giáo, vừa hướng tới “li tâm” theo tinh thần dân tộc hóa văn học, khơi mở một dòng chảy cảm xúc trữ tình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của thơ trung đại, trong đó có mảng thơ viết về thôn quê làng Việt. Mặt khác, tầng lớp trí thức phong kiến Việt Nam, dù xuất thân, nhập thế trong môi trường cung đình quý tộc hay xuất thân, xuất thế về môi trường thôn quê thì cái căn cốt trong tâm hồn và tình cảm của họ vẫn không tách rời với cái nôi văn hóa làng mạc ngàn đời của người dân Việt. Những phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng, với phong cảnh, phong vị làng quê thân thuộc đã đi sâu vào trong tiềm thức mỗi thi nhân. Chính vì vậy, viết về thôn quê là viết về cội nguồn văn hóa dân tộc, là tìm về với cái “nôi” đã kết tinh biết bao giá trị nhân bản vĩnh hằng, là nguồn thi hứng của các thi nhân trung đại trong suốt mười thế kỉ văn học. 2.1. Đề tài thôn quê từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV: Giai đoạn hình thành Một mảng hiện thực lớn trong thơ ca trữ tình dân gian là viết về thôn quê. Nếu thôn quê trong ca dao là hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn người dân lao động, thì thôn quê trong văn học viết là hiện thực trong tư duy sáng tạo của văn chương nhà nho. Trong đó, tư duy nghệ thuật luôn gắn liền với tư duy chính trị: “Nhìn cuộc sống xã hội như một thực tại chính trị đã trở thành một thứ công thức, khuôn mẫu của văn chương nhà nho” [9;130]. Thơ trữ tình thời Lý- Trần phát triển mạnh mẽ và để lại nhiều kiệt tác có giá trị. Tuy nhiên, thơ trữ tình thời Lý chủ yếu mang tính chức năng, suy lí, triết học. Vậy nên đề tài thôn quê chưa được đề cập đến như một đối tượng phản ánh, các thiền sư mượn hình ảnh thiên nhiên thôn quê như một công cụ để truyền tải những giác ngộ về cõi nhân sinh và vũ trụ. Thơ trữ tình thời Trần đã có bước tiến mới nghiêng về thơ trữ tình thế sự, đặc biệt nửa sau đời Trần, đường biên trữ tình thế tục thoát khỏi khuôn khổ trước đó. Vì vậy hình ảnh thôn quê đã bắt đầu thấp thoáng xuất hiện trong thi ca với những nét phác họa đơn sơ, cổ kính. Lần đầu tiên, những hình ảnh về một thôn quê yên bình, mộc mạc mà thanh tao đã xuất hiện trong thơ các thi sĩ thời Trần. Chúng ta có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như: Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Bùi Tông Hoan, Trần Quang Triều, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trung Ngạn. . . Bức tranh thôn quê trong ánh nhìn đầy nhân hậu của vị vua mang tư tưởng thân dân trong “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông gợi lên một vẻ đẹp cổ điển, tao nhã mà gần gũi, thân thuộc: “Từ cung phủ vua Trần Nhân Tông phóng tầm mắt ngắm cảnh thôn quê, lòng vui với tiếng sáo trẻ trâu, từng đôi cò trắng liệng xuống đồng” [8;59]: Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên Bán vô bán hữu tịch dương biên Mục đồng địch lí quy ngưu tận Bạch lộ song song phi hạ điền. (Trước xóm sau thôn tựa khói lồng/ Bóng chiều dường có lại dường không/ Mục đồng sáo vẳng trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.) 26 Khảo sát thể loại ngũ ngôn bát cú trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát Thôn quê còn hiện lên sinh động và quen thuộc bởi âm thanh tiếng ve kêu “náo tịch dương” trong bài Hạ cảnh - Trần Thánh Tông hay hình ảnh cỏ năn, cỏ lác đẹp giản dị trong bài thơ Đề Liêu Nguyên Long tống họa cảnh phiến của Trần Quang Triều: Nam quốc na kham nhập họa đồ Tân - an trì quán trưởng cô bồ. (Phong cảnh nước Nam khó có thể đưa vào tranh vẽ/ Trong ao bên quán Tân-an cỏ năn, cỏ lác mọc.) Cảnh đẹp thôn quê không đài các, quy phạm nhưng vẫn đủ sức níu hồn thi sĩ bởi vẻ đẹp tự nhiên, thuần phác và âm thanh thân thuộc. Thi sĩ họ Trần “viết nhiều về cảnh thôn dã, cảnh chùa, về thú ở ẩn vui với thiên nhiên” [8;73]: Tây lân thôn hạng cách đông lân Kê khuyển tương văn cận yếu tân Hải yến nhật tà đê lộng ảnh Giang hoa phong tế viễn tùy nhân Đạo phùng mai vũ liên vân thục Tàm đáo tang thiên trước diệp tân Khước tiếu ngâm ông tham thắng thưởng Ngọc kinh qui trạo dĩ kiêm tuần. (Giang thôn tức sự - Trần Quang Triều) (Thôn Tây xóm ngõ cách thôn Đông/ Gà chó râm ran xế bến sông/ Giỡn bóng, chiều hôm đàn én liệng/ Mừng người, gió nhẹ bãi hoa rung/ Dâu non, ăn rỗi tằm theo lá/ Mưa xuống, liền mây lúa rợp đồng/ Cười ngất nhà thơ tham ngắm cảnh/ Về kinh thuyền trẩy chục hôm ròng.) Những âm thanh quen thuộc của cuộc sống, những hình ảnh nong tằm chín, cánh đồng lúa còn là nỗi nhớ của kẻ xa xứ trong bài Quy hứng - Nguyễn Trung Ngạn: “Đấy là tiếng nói thấm thía của nhà thơ đối với cố hương. Chốn quê nghèo luôn là niềm day dứt và cảm xúc chân thực của tác giả” [8;58]. Bên cạnh những vần thơ ca ngợi chính sự, ca ngợi triều đại qua bức tranh thôn quê thanh bình, ấm no còn có những “sáng tác viết về cuộc sống cơ cực, đói khổ của nhân dân” [9;130]. Các thi sĩ thời Trần đã sớm thoát khỏi khuynh hướng ước lệ, tượng trưng để đưa cảm hứng thế tục vào trong thơ. Vì vậy, thôn quê đất Việt vừa thanh bình nhưng cũng đầy lo âu trăn trở trong lòng thi nhân: Niên lai hạ hạn hựu thu lâm Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm. (Nhâm Dần niên lục nguyệt tác - Trần Nguyên Đán) (Mấy năm nay hết mùa hè hạn lại mùa thu mưa dầm/ Lúa khô, mạ thối, tai hại càng nhiều.) Nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng đã có những phát hiện và kiến giải về sự xuất hiện của hình ảnh thôn quê trong cuốn Văn học Lý Trần - nhìn từ thể loại: “Thi sĩ Thịnh 27 Lê Thị Nương Trần phần lớn là vua chúa, quan lại, nho sĩ trí thức, nhưng thơ ca của họ giành tình cảm lớn lao đối với cuộc sống nơi thôn dã, thảnh thơi, bình dị” [2;80]. Phát hiện này cho thấy tinh thần dân tộc, dân chủ và tư tưởng thân dân của các vua Trần. Hình ảnh cuộc sống xã hội thôn quê đã đi vào thơ ca với những tình cảm khoáng đạt và thanh bình. Những hình ảnh đó bước đầu cho thấy sự mở rộng về phạm vi đề tài trong thơ trung đại. Bên cạnh những cảm hứng “hướng thượng” ước lệ, điển nhã, thi sĩ vẫn dành một góc tâm hồn hướng về thôn quê giản dị, bình yên. Mặc dù số lượng bài thơ viết về hình ảnh thôn quê vẫn còn mờ nhạt và chiếm số lượng không nhiều trong thơ Lý-Trần, nhưng chúng ta có thể thấy rằng: “Đằng sau chốn lụa là gấm vóc, lầu son bệ ngọc, cung điện đền đài trong thơ đời Trần đã thấp thoáng bóng nhà dân, cảnh đồng lúa, tiếng sáo trẻ trâu, những nong tằm chín, bát canh cua béo và mùa lúa sớm. . .một thiên nhiên bình dị đã được thể hiện gần gũi, chân thật, sinh động và hấp dẫn” [8;60]. 2.2. Đề tài thôn quê từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII: Giai đoạn phát triển Trong giai đoạn từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII, thơ chữ Hán tiếp tục phát triển mạnh mẽ và kết tinh thành những tập thơ lớn có giá trị. Chúng ta phải kể đến thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm với các tác phẩm tiêu biểu như Ức Trai thi tập và Bạch Vân am thi tập. Đề tài thôn quê chưa phải là đề tài chủ đạo nhưng cũng thể hiện sự quan tâm của các thi sĩ đến đời sống con người và cảnh vật thôn quê. Khảo sát Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi, có đến 17/99 bài (17%) viết về cảnh vật, cuộc sống và con người thôn quê. Mặc dù số lượng bài thơ viết về thôn quê chiếm số lượng không lớn nhưng cũng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của một nhà nho luôn ưu thời mẫn thế. Trong bài viết Chất Đại Việt trong “Ức Trai thi tập” của nhà nghiên cứu Lê Trí Viễn đã khai thác tập thơ chữ Hán những nét mộc mạc, gần gũi trong con người Ức Trai. Tác giả đã sớm nhận thấy: “Ngay từ thời còn tìm đường, một cuộc sống gần thiên nhiên với suối rừng, mai trúc, trong cảnh sinh hoạt nông thôn cấy muống ươm sen, áo bô quen cật, dưa muối nài chi đã như một ước hẹn thề bồi từ thưở nào” [4;517]. Rõ ràng, Ức Trai là một người luôn canh cánh nỗi tiên ưu, luôn đau đáu tư tưởng “trí quân trạch dân”, nhưng ông cũng là người: “biết sống lành mạnh vui tươi, giữa cuộc sống của nông thôn lao động, với mọi cảnh vật thiên nhiên". Thiên nhiên thôn quê là chốn dừng nghỉ của Ức Trai và luôn đem đến sự dịu nhẹ và yên bình trong tâm hồn thi nhân. Trong bàiMộ xuân tức sự, thi nhân đã đưa vào trong thơ với những hình ảnh giản dị mà vẫn nên thơ: Trọn ngày thong thả khép phòng văn Khách tục bên ngoài chẳng bén chân Khắc khoải cuốc kêu xuân đã muộn Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân. (Thơ dịch) 28 Khảo sát thể loại ngũ ngôn bát cú trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát Một bức tranh xuân thanh tịnh với lớp hoa xoan mượt mà gần gũi, đó là khoảnh khắc mà thi nhân nâng niu trân trọng. Đỗ Văn Hỷ trong bài Tính hàm súc trong thơ Ức Trai cũng có nhận định mang tính khái quát về vai trò của không gian thôn dã xuất hiện trong thơ thi nhân: “Thi học của phương Đông, cụ thể là thi học của Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ và Nhật Bản đã cho thấy: thơ ca của mỗi nước đều bị quy định bởi không gian và thời gian mà nó xuất hiện” [4;531]. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi xuất hiện cả không gian hùng vĩ hoành tráng, diễm lệ của non sông gấm vóc nhưng cũng có cả không gian bình dị mộc mạc nơi thôn dã. Thi nhân đã đưa cả những hình ảnh giản dị vào thơ chữ Hán tạo nên vẻ đẹp vừa tao nhã vừa gần gũi của bức tranh thôn quê. Tác giả Lã Nhâm Thìn đã có một nhận xét khái quát và tinh tế khi phân tích bình giải các bài thơ chữ Hán tiêu biểu của Nguyễn Trãi: “Người đọc ngày nay có thể tìm thấy một bộ sưu tập phong cảnh Việt Nam rất phong phú và đa dạng qua tập thơ chữ Hán - Ức Trai thi tập” [7;29]. Trong “bộ sưu tập” đó, những hình ảnh về cảnh vật và con người thôn quê có một vị trí trang trọng, hiện lên thật bình dị, trìu mến. “Trại đầu xuân độ” thể hiện một vẻ đẹp nên thơ: Cỏ xuân đầu bến biếc như mây Thêm lại mưa xuân trời nước đầy Đường nội vắng teo hành khách ít Thuyền côi gác bãi ngủ thâu ngày. (Thơ dịch) Trong Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, có đến 27/89 bài (30,3%) viết về đề tài thôn quê. Tiếp nối thành tựu thơ văn từ thế kỉ XV, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gần gũi hơn với thế tục: “Ông đã đem vào trong thơ chữ Hán vô số đề tài về những vật tầm thường, bắt gặp thường ngày trong cuộc sống quanh mình: những cây khế, cây cau, cây chanh, cây nứa, cây song, cây xương bồ, cây râm bụt, củ gừng, khoai lang. . . những con bò, con trâu, đom đóm, ve sầu, con ếch. . . những cái chày, cái cối, cái chổi, con dao,. . . [5;427]. Như vậy, bên cạnh một Trạng Trình triết lí, luôn trăn trở về thời thế, người viết cũng thấy được một hình ảnh lão nông chi điền. Thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở rộng đề tài tả cảnh, tả vật, vịnh vật. Những hình ảnh gần gũi, thân thuộc của thôn quê Việt Nam cũng đã có một vị trí danh dự trong sáng tác của Tuyết Giang phu tử. Một không gian thi vị giữa xóm chợ, vườn ao tạo nên nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân. Bài Ngụ hứng số 1 thể hiện niềm vui trong phút thanh nhàn của Trạng Trình giữa thế sự: Bán y thôn thị, bán nhân hương Trung hữu trì viên nhất mẫu cường Am quán trường nhàn xuân bất lão Giang sơn nhập họa bút sinh hương. (Một bên quê chợ một bên làng/ Hơn mẫu vườn ao cũng rảnh rang/ Am quán thư nhàn xuân mãi thắm/ Giang sơn như họa bút sinh hương - Hữu Thế dịch) Đó cũng là tâm trạng trong Trung Tân ngụ hứng: 29 Lê Thị Nương Nhân thôn quán tây nam Giang thủy quán tây bắc Trung hữu bán mẫu viên Viên hữu Vân am trắc. (Sông ngòi vòng tây bắc/ Làng xóm bọc tây nam/ Giữa có nửa mẫu vườn/ Vườn ở bên Vân am. - Ngô Lập Chi dịch) Trung Tân ngụ hứng của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Bài thơ đã thể hiện một cách tập trung một số chủ đề lớn của thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tình yêu thiên nhiên; cuộc sống nơi thôn dã, cuộc sống thanh cao đạm bạc của nhà thơ”. . . [5;454]. Không những thế, Bạch Vân am thi tập còn tả cảnh, vịnh vật thôn quê. Như vậy, từ thơ chữ Hán Nguyễn Trãi đến thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có sự kế thừa và mở rộng phạm vi đề tài phản ánh. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi mới đưa vào hình ảnh một cây xoan, đến Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có bước tiến đáng kể, đây là những nguồn thi liệu “thuần Việt” trong khối lượng Hán - Việt đồ sộ của tác giả. 2.3. Đề tài thôn quê từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX: Giai đoạn kết tinh Trên tiến trình phát triển của thơ trung đại Việt Nam nói chung, thơ chữ Hán nói riêng, đến cuối thế kỉ XIX, thơ chữ Hán vẫn song song phát triển bên cạnh thơ chữ Nôm và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đây cũng là giai đoạn mà văn học chuyển hướng quan tâm đến đời sống thực tiễn. Xu hướng dân tộc hóa, dân chủ hóa của Nho học là một trong những yếu tố tác động quan trọng làm nảy sinh cảm hứng hiện thực trong thơ văn. Những biến động dữ dội của lịch sử trên chặng đường cuối của chế độ phong kiến Việt Nam có sức tác động mạnh mẽ đối với lực lượng sáng tác văn chương giai đoạn này. Bức tranh nông thôn vì thế cũng hiện lên chân thực hơn, sinh động hơn. Nông thôn Việt Nam trong thơ đã không còn là những xóm làng với những con người vô danh mà trở thành chủ đề trung tâm với những vần thơ đạt đến độ điển hình về thôn quê đất Việt. Có vùng quê nghèo hiện lên với những thiên tai, địch họa, mất mùa và có những vùng quê vẫn tiềm ẩn chiều sâu văn hóa, phong tục tập quán trải qua hàng ngàn đời. Những thi phẩm chữ Hán của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Đặng Huy Trứ, Miên Thẩm, Mạc Thiên Tích. . . đều mang vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt của mỗi vùng quê đất Việt. Chúng ta thường nhắc tới Nguyễn Khuyến gắn liền với các bài thơ Nôm, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những đóng góp của ông về mảng thơ chữ Hán chiếm vị trí trọng yếu trong sự nghiệp văn chương của cụ Tam nguyên. Tác giả Trần Thị Băng Thanh trong bài: “Nhân vật trữ tình trong thơ chữ Hán” đã có một cái nhìn sâu sắc về giá trị nội dung cũng như nghệ thuật thơ Nguyễn Khuyến: “những bức tranh thiên nhiên đặc sắc, tươi đẹp, một bút pháp bình dị tự nhiên” [6;354]. Có khi là tiếng thở dài lo lắng vì mất mùa: 30 Khảo sát thể loại ngũ ngôn bát cú trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát Tứ nguyệt hồn nghi thập nguyệt sương Thử ly hà xứ khách tâm thương Gia bần thân bệnh niên tương lão Thế loạn nhân cùng tuế hựu hoang. (Tháng tư mà ngỡ sương tháng mười/ Lúa tốt chốn kia khách chạnh thương/ Nhà nghèo thân bệnh tuổi toan già/ Đời loạn người cùng mùa lại mất. - Hung niên I) Tâm hồn thi nhân cũng dễ nhạy cảm với những thất thường của vũ trụ, và đó cũng là những trăn trở của muôn dân: Hạn thậm đông tiền cốc bất thu Thê phong kim hạ lãnh như thu. (Mùa đông trước nắng luôn lúa bị mất/ Mùa hạ nay, gió lạnh như trời thu. - Hung niên II) Phải đến Nguyễn Khuyến thì đời sống thôn quê mới được khắc họa chân thực, sinh động trong thơ. Đó là không gian mà thi nhân gắn bó gần suốt cuộc đời mình, là làng quê quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ: “Thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến vẫn tiếp tục dòng thơ chữ Hán truyền thống, cũng là ngâm vịnh, thù tạc, tặng tiễn, cũng là những cảnh sắc thôn quê - nơi ông gắn bó ẩn nhàn” [1;16]. Nếu thôn quê trong thơ cụ Tam nguyên Yên Đổ tiêu biểu cho thôn quê đồng bằng Bắc Bộ thì thơ của Đặng Huy Trứ lại mang vẻ đẹp đặc sắc về cuộc sống, con người của miền Trung Việt Nam. Khảo sát 65 bài thơ về đề tài thôn quê trong Đặng Hoàng Trung thi sao, chúng ta bắt gặp một bức tranh thôn quê rộng lớn và phong phú của cảnh vật và con người xứ Huế. Đó là bức tranh thu mang âm hưởng bản nhạc đồng quê: Lạo đậu đàm hoa lăng ảnh động Vũ dư lam sắc họa đồ tận Nhai đàm hạng thuyết tri phong tục Mục xướng tiều ca tẩy thổ trần (Dã hứng) (Sau cơn lụt, bóng hoa ấu trong đầm lay động/ Mưa ta, sắc núi sau mưa sắc xanh như bức tranh mới vẽ/ Lời bàn trên đường, trong xóm ngõ cho biết phong tục của dân/ Tiếng hát chú mục đồng và bác tiều phu rửa sạch bụi trần) Đặng Huy Trứ đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh của một điển hình nông thôn miền Trung Việt nam: “Đặng Hoàng Trung thi sao là một tác phẩm phong tục bằng thơ về làng xã Việt Nam đầu thời Tự Đức” [3;348]. Bằng những trải nghiệm và tinh thần thân dân sâu sắc, thi nhân đã tạo nên một kho tàng quý giá về thiên nhiên, sản vật, nghề nghiệp và đời sống văn hóa tinh thần thôn quê. Đây là một bước vận động trong tư duy sáng tạo, một đóng góp mới mẻ của thi nhân đối với dòng thơ chữ Hán. 31 Lê Thị Nương 3. Kết luận Đề tài thôn quê đất Việt trong thơ chữ Hán trung đại từ sáng tác của nhà Trần đến Nguyễn Khuyến đã có bước tiến đáng kể về đề tài và phạm vi phản ánh. Bức tranh thôn quê trong giai đoạn đầu thiên về vịnh cảnh mang tính ước lệ, tượng trưng. Đến cuối thế kỉ XIX, hình ảnh thôn quê đã hiện lên thật phong phú và đa dạng, thiên về những hình ảnh cụ thể, đời thường. Đó cũng chính là bước tiến theo tinh thần dân tộc hóa, dân chủ hóa của văn học trung đại Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lại Văn Hùng (Tuyển chọn và giới thiệu), 2009. Nguyễn Khuyến - tác phẩm văn học. Nxb Giáo dục. [2] Nguyễn Phạm Hùng, 1996. Văn học Lý Trần - nhìn từ thể loại. Nxb Giáo dục. [3] Đặng Việt Ngoạn (sưu tầm tuyển chọn), 2001. Đặng Huy Trứ - tư tưởng và nhân cách. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội [4] Nguyễn Hữu Sơn (tuyển chọn và giới thiệu), 2007. Nguyễn Trãi về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục. [5] Trần Thị Băng Thanh, Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu), 2001.Nguyễn Bỉnh Khiêm về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục. [6] Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu), 2007. Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục. [7] Lã Nhâm Thìn, 2009. Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại. Nxb Giáo dục. [8] Lã Nhâm Thìn (chủ biên), 2011. Giáo trình văn học trung đại Việt Nam. Nxb Giáo dục. [9] Trần Nho Thìn, 2009. Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa. Nxb Giáo dục. ABSTRACT The subject of countryside in medieval kanji poetry in Vietnam In Vietnam’s national literature, kanji plays an important role in the formation of the appearance of textured literature, including poetry. In addition to the topics of thought and ethics, the subject of countryside also held a prominent position in medieval Confucian literature. This shows the growing trend of nationalization and democratization in medieval poetry in Vietnam. 32