Đô thị trung tâm vùng: Quan niệm và một số nhân tố tác động

Tóm tắt. Các đô thị trung tâm vùng (ĐTTT vùng) tồn tại khách quan, là yêu cầu thực tiễn của phát triển đất nước và vùng hiện nay. Chính vì vậy nó đòi hỏi được xã hội thừa nhận, vun trồng và giám sát trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển ĐTTT vùng ở nước ta hiện nay còn hạn chế, từ đó gây nhiều trở ngại cho việc nhận thức về tầm quan trọng của ĐTTT dẫn tới việc hiểu chưa thống nhất, chưa chính xác về thực thể này trong quá trình phát triển. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất quan niệm về ĐTTT vùng đồng thời chỉ ra bản chất, các nhân tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của nó với mong muốn bổ sung cơ sở lí luận vào các công trình nghiên cứu về ĐTTT vùng vốn ít ỏi trước đó.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 186 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đô thị trung tâm vùng: Quan niệm và một số nhân tố tác động, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 6, pp. 168-174 ĐÔ THỊ TRUNG TÂM VÙNG: QUAN NIỆM VÀMỘT SỐ NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG Phạm Ngọc Trụ Học viện Chính sách và Phát triển E-mail: phamngoctru@apd.edu.vn Tóm tắt. Các đô thị trung tâm vùng (ĐTTT vùng) tồn tại khách quan, là yêu cầu thực tiễn của phát triển đất nước và vùng hiện nay. Chính vì vậy nó đòi hỏi được xã hội thừa nhận, vun trồng và giám sát trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển ĐTTT vùng ở nước ta hiện nay còn hạn chế, từ đó gây nhiều trở ngại cho việc nhận thức về tầm quan trọng của ĐTTT dẫn tới việc hiểu chưa thống nhất, chưa chính xác về thực thể này trong quá trình phát triển. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất quan niệm về ĐTTT vùng đồng thời chỉ ra bản chất, các nhân tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của nó với mong muốn bổ sung cơ sở lí luận vào các công trình nghiên cứu về ĐTTT vùng vốn ít ỏi trước đó. Từ khóa: Đô thị trung tâm vùng, quan niệm, bản chất, nguồn lao động, kinh tế-xã hội, nhân tố. 1. Mở đầu Hiện nay, trong nhiều văn bản mang tính pháp quy hoặc các công trình khoa học ở nước ta có nhắc tới thuật ngữ “đô thị trung tâm vùng” (ĐTTT vùng). Trong các công trình đó, ĐTTT vùng được hiểu là đô thị đóng vai trò đầu tàu trong việc tạo bộ khung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Như vậy, ĐTTT vùng có vai trò hết sức quan trọng đối với một lãnh thổ rộng lớn bao quanh nó. Tuy nhiên các vấn đề lí luận và thực tiễn về ĐTTT vùng ở nước ta còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Chính vì vậy, việc làm rõ quan niệm về ĐTTT vùng cũng như các nhân tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các nhà nghiên cứu đô thị, các nhà hoạch định chính sách phát triển. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Quan niệm về đô thị trung tâm vùng Có rất nhiều quan niệm về ĐTTT vùng. Các lý thuyết về việc hình thành và phát triển ĐTTT của các nhà nghiên cứu như W. Christaller, F. Perroux, Lê Bá Thảo,... là cơ sở lý luận chính cho việc hình thành và phát triển các ĐTTT vùng. Xuất phát từ những lý 168 Đô thị trung tâm vùng: quan niệm và một số nhân tố tác động thuyết đó, trong thực tiễn phát triển ĐTTT vùng ở nước ta, một số tác giả đã đưa ra quan niệm về ĐTTT vùng: Trong đề tài độc lập và trọng điểm cấp Nhà nước: “Tổ chức lãnh thổ Đồng bằng sông Hồng và các tuyến trọng điểm” do GS. Lê Bá Thảo chủ trì, các tác giả đã đưa ra nhận định: “Cực tạo vùng hay thành phố “mẹ” (thủ phủ của vùng) đòi hỏi phải có nhiều điều kiện: đấy là một thành phố tập trung những chức năng thuộc khu vực thứ ba làm cho nó trở thành một trung tâm điều khiển, nhờ đó nó có sức thu hút và một sự lan tỏa ảnh hưởng ra khắp vùng bao quanh”[4]. Mặc dù không trực tiếp sử dụng cụm từ “ĐTTT vùng” nhưng chúng ta có thể hiểu “cực tạo vùng” hay “thành phố “mẹ”, “thủ phủ vùng” ở đây chính là chỉ ĐTTT vùng. Tuy nhiên, ở trên mới chỉ là quan điểm về điều kiện để hình thành ĐTTT vùng chứ chưa phải là một quan niệm hoàn chỉnh về nó. Trong số các tài liệu mà chúng tôi thu thập được khi tiến hành nghiên cứu, bản báo cáo tổng hợp của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về quy hoạch tổng thể phát triển TP Nam Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng có đưa ra khái niệm ĐTTT vùng: ĐTTT vùng là trung tâm của một mạng lưới các điểm dân cư đô thị, nông thôn bao quanh, nó có chức năng hạt nhân, khả năng tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của các đô thị, điểm dân cư nông thôn bao quanh và bản thân nó cũng có nhu cầu nhận sự hỗ trợ của các đô thị, điểm dân cư nông thôn này [2]. Khái niệm trên đã chỉ ra được một số đặc điểm của ĐTTT vùng. Tuy vậy, theo chúng tôi, khái niệm vẫn chưa làm nổi bật được ý nghĩa “trung tâm” của đô thị. Chính vì vậy, trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi đề xuất quan niệm về ĐTTT vùng như sau: ĐTTT vùng là đô thị có các ưu thế vượt trội về quy mô dân số, sức mạnh kinh tế, khoa học – công nghệ, có khả năng chi phối sự phát triển của các đô thị nhỏ hơn ở xung quanh với vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Trong mỗi vùng có thể có từ 1, 2 hoặc 3 ĐTTT, tùy vào đặc điểm riêng của vùng và phạm vi tác động của chúng thường bao trùm gần như toàn bộ lãnh thổ của vùng đó. Bản chất của ĐTTT vùng thể hiện qua vai trò (chức năng) của nó đối với phát triển vùng lớn bao quanh nó. Chức năng của ĐTTT vùng được quy định bởi nhiều nhân tố như quy mô của đô thị, mối quan hệ với các đô thị xung quanh, chiến lược phát triển của Nhà nước,. . . Các ĐTTT vùng thường mang tính đa chức năng, trong đó có thể có một số chức năng nổi trội hơn. Chức năng trọng yếu của ĐTTT là hạt nhân tạo vùng. Chức năng này được thể hiện qua vai trò chi phối sự phát triển của một khu vực lãnh thổ rộng lớn. Điều này có thể được hiểu là nếu như ĐTTT của vùng phát triển nhanh thì kinh tế - xã hội của vùng sẽ phát triển nhanh và ngược lại. Chức năng của ĐTTT vùng được thể hiện cụ thể qua chiều lan tỏa và chiều thu hút của nó. - Chiều lan tỏa của ĐTTT ra vùng xung quanh bao gồm: + Lan tỏa chức năng khoa học - công nghệ, đào tạo, y tế, văn hóa. . . 169 Phạm Ngọc Trụ + Hình thành các chi nhánh sản xuất - kinh doanh phụ trợ cho hoạt động của ĐTTT vùng. + Chi phối nền văn minh công nghiệp, thương mại. + ĐTTT vùng là nơi phát luồng buôn bán, vận tải. . . - Chiều thu hút của ĐTTT đối với vùng xung quanh bao gồm: + Thu hút nguồn lao động (bao gồm cả lao động giản đơn và lao động có trình độ), các nguyên vật liệu cho sản xuất. + Thu hút các nguồn thực phẩm. + Thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước. Vậy ĐTTT vùng là một thực thể như thế nào để có thể đảm nhận chức năng trên? Dưới đây chúng tôi xin nêu quan điểm về bản chất của ĐTTT vùng: - ĐTTT vùng là lãnh thổ có sức mạnh nổi trội về kinh tế. Đây là đặc điểm nổi bật và cũng là dấu hiệu cơ bản để nhận biết và xác định một đô thị có phải là ĐTTT hay không. - ĐTTT vùng có sức mạnh nổi trội, đóng vai trò đi đầu về khoa học – công nghệ, đào tạo, y tế, thông tin truyền thông. . . . - ĐTTT vùng là đô thị có sự vượt trội nhất định về trình độ phát triển, được xã hội thừa nhận. 2.2. Các nhân tố tác động tới sự hình thành và phát triển đô thị trung tâm vùng Sự hình thành và phát triển ĐTTT vùng chịu tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, bao gồm vị trí địa lí, nhóm các nhân tố tự nhiên và nhóm các nhân tố kinh tế - xã hội. Quy luật hình thành và phát triển các ĐTTT vùng đã chỉ ra rằng, trong các nhân tố trên, nhóm nhân tố kinh tế - xã hội đóng vai trò quyết định. 2.2.1. Nhóm nhân tố kinh tế - xã hội Các nhân tố kinh tế - xã hội đóng vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển ĐTTT vùng. Nhóm các nhân tố kinh tế - xã hội bao gồm: a. Lịch sử phát triển Lịch sử phát triển của đô thị là một tiền đề quan trọng để một đô thị trở thành ĐTTT vùng. Các đô thị có lịch sử phát triển lâu đời có điều kiện để thu hút đông dân cư, phát triển kinh tế cũng như tạo sức lan tỏa ảnh hưởng ra xung quanh. Thực tiễn ở Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, các ĐTTT vùng thường là những đô thị có lịch sử phát triển (nhất là về kinh tế) từ khá sớm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các đô thị lịch sử phát triển sớm chưa chắc hiện đã trở thành các ĐTTT vùng bởi nhiều lí do. Ví dụ, ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã có nhiều đô thị chỉ có “đô” mà không có “thị” (như đô thị cổ Tống Bình) và ngược lại, chỉ có “thị” mà thiếu “đô” (như đô thị cổ Phố Hiến). Các đô thị này thường phát triển mất cân bằng và thiếu bền vững. b. Đặc điểm dân cư và nguồn lao động Đặc điểm dân cư và nguồn lao động có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát 170 Đô thị trung tâm vùng: quan niệm và một số nhân tố tác động triển của các ĐTTT vùng. Số lượng và mật độ dân cư là những tiêu chí đánh giá đầu tiên khi xác định ĐTTT vùng. Dân cư đông đúc tạo sức sản xuất lớn và thị trường tiêu thụ tại chỗ dồi dào. Các ĐTTT vùng là nơi tập trung số lượng lớn lao động thuộc đủ các ngành, nghề khác nhau, trong đó tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, kĩ thuật chiếm tỷ lệ cao so với các đô thị vệ tinh. Vai trò dẫn đầu về kinh tế, khoa học – công nghệ của các ĐTTT vùng chịu chi phối rất lớn của nguồn lao động, nhất là lao động trình độ cao. Bên cạnh dân số và nguồn lao động nội tại, với vai trò là ĐTTT vùng, các đô thị này còn là nơi có sức hút mạnh mẽ đối với các luồng di dân và lao động từ khu vực xung quanh. Lượng dân cư và lao động bổ sung này có xu hướng ngày càng mở rộng cùng với sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của ĐTTT vùng. c. Sức mạnh kinh tế Sức mạnh kinh tế của ĐTTT vùng chịu tác động tổng hợp của nhiều yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội khác và đến lượt mình, nó chính là nhân tố đóng vai trò chủ chốt nhất trong việc hình thành và phát triển các ĐTTT vùng. Sức mạnh kinh tế của ĐTTT vùng tác động tới sự hình thành và phát triển của bản thân nó theo nhiều mặt. Thứ nhất, sức mạnh kinh tế là điều kiện tiên quyết để ĐTTT vùng có thể đảm nhận vai trò đi đầu, dẫn dắt sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ. . . của cả vùng. Một đô thị không thể và không được thừa nhận là ĐTTT vùng nếu như sức mạnh kinh tế của nó không thể hiện được sự nổi trội so với các đô thị xung quanh. Thứ hai, sức mạnh kinh tế là nhân tố quyết định tác động tới ranh giới vùng ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của ĐTTT vùng với vùng đó. Cả lí luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, các ĐTTT vùng có sức mạnh kinh tế càng lớn thì càng tạo ra các luồng lan tỏa và thu hút có quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng càng rộng. Sức mạnh kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục những giới hạn tự nhiên (địa hình, sông ngòi. . . ) đối với việc mở rộng vùng ảnh hưởng của ĐTTT vùng. Thứ ba, đối với những đô thị lớn, giữ vai trò khá quan trọng đối với vùng nhưng hiện chưa được thừa nhận là ĐTTT vùng thì yếu tố về sức mạnh và tiềm lực kinh tế là một trong những yếu tố quyết định tác động tới việc quy hoạch, định hướng phát triển để đô thị đó trở thành ĐTTT vùng. d. Điều kiện về cơ sở vật chất - kĩ thuật, cơ sở hạ tầng Cơ sở vật chất - kĩ thuật và cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp tới tất cả các hoạt động và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển ĐTTT vùng. Giao thông vận tải và thông tin liên lạc có ảnh hưởng lớn tới quy mô và cường độ của các luồng hàng hóa, dịch vụ ra - vào ĐTTT vùng. Các ĐTTT vùng thường gắn liền với chức năng là đầu mối giao thông vận tải và thông tin liên lạc. Có thể dẫn chứng ra đây vai trò của giao thông vận tải trong trường hợp đối với đô thị Phố Hiến (Hưng Yên). Vào các thế kỷ XVII - XVIII, nơi đây là một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam. Lúc ấy, phố Hiến là một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Ngoài kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ là thủ đô phồn vinh nhất cả nước, Phố Hiến đã là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí thứ hai (“Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”). Sở dĩ Phố Hiến có sự phát triển sầm uất như vậy bởi loại hình giao thông đường thủy chiếm ưu thế trong giao thương thời đó mà Phố Hiến lại nằm ở vị trí trung chuyển và là điểm tụ hội của những đoạn đường sông từ biển 171 Phạm Ngọc Trụ Đông vào tới kinh đô Thăng Long. Bến cảng Phố Hiến là nơi các tàu thuyền ngoại quốc lưu đỗ để làm thủ tục kiểm soát và xin giấy phép đi tiếp tới Kinh đô. Tuy nhiên, khi giao thông đường bộ phát triển mạnh mẽ và trở thành loại hình giao thông chính trong giao thương thì Phố Hiến đã mất đi vị thế hàng đầu của mình. Thay vào đó, trung tâm phát triển của tỉnh Hưng Yên ngày nay đã dịch chuyển ra Phố Nối (huyện Mỹ Hào), nơi gặp gỡ của quốc lộ 5 và quốc lộ 39, hai tuyến quốc lộ quan trọng nhất của tỉnh. Hệ thống các trường học, cơ sở khám chữa bệnh ở ĐTTT vùng cũng tạo một lực hút quan trọng đối với các khu vực xung quanh. Các trường học, viện nghiên cứu tập trung ở các ĐTTT vùng là điều kiện để các đô thị này nắm giữ vị trí quan trọng hàng đầu về đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ. Các cơ sở sản xuất công nghiệp (nhà máy, xí nghiệp. . . ) cùng các trung tâm dịch vụ (tài chính, ngân hàng, thương mại. . . ) tập trung ở ĐTTT vùng là những nguồn đóng góp chủ yếu vào GDP của nó. Các cơ sở, trung tâm này cũng là nơi phát ra sức lan tỏa, thu hút chủ yếu của ĐTTT vùng. e. Chiến lược phát triển đô thị của quốc gia Chiến lược phát triển đô thị của quốc gia có ảnh hưởng quan trọng tới việc hình thành và phát triển của ĐTTT vùng. Đây là nhân tố thể hiện vai trò ý kiến chủ quan của con người đối với việc hình thành và phát triển của ĐTTT vùng. Trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền có nội dung mang tính định hướng phát triển của các đô thị thường bao gồm cả nội dung xác định vai trò và tầm ảnh hưởng của các đô thị. Đây được coi là cơ sở pháp lí để hình thành và tạo điều kiện để ĐTTT vùng đó phát triển. Bên cạnh việc quy định cơ sở pháp lí cho đô thị, vai trò của Nhà nước còn được thể hiện cụ thể qua việc điều chỉnh ranh giới hành chính của các đô thị, một cách mở rộng đô thị phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, cơ sở của việc xác định các ĐTTT vùng trong chiến lược phát triển không đơn giản chỉ dựa trên ý muốn chủ quan của con người mà phần lớn dựa vào đặc điểm khách quan của đô thị đó, nhất là về tiềm lực kinh tế. Chiến lược phát triển đô thị của quốc gia chỉ có thể được coi là nhân tố có ảnh hưởng ở mức độ nhất định tới việc hình thành và có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các ĐTTT vùng. 2.2.2. Vị trí địa lí Vị trí địa lí được coi là tiền đề cơ bản để hình thành và phát triển của một đô thị nói chung và ĐTTT vùng nói riêng. Trước đây, các đô thị thường hình thành và phát triển ở ven các dòng sông lớn, nơi có điều kiện thuận lợi cho cư trú và sản xuất. Ảnh hưởng đó có thể thấy rất rõ ở nhiều đô thị lớn, có lịch sử phát triển lâu đời ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Ngoài vị trí gần sông, vùng ven biển cũng là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành các đô thị. Ngày nay, do tác động cộng hưởng của các nhân tố kinh tế - xã hội, các tuyến trục giao thông quan trọng cũng chính là vị trí lí tưởng để hình thành các đô thị mới. Để một đô thị có thể vươn lên phát triển thành ĐTTT vùng thì mức độ thuận lợi về vị trí địa lí của nó phải vượt trội hơn so với các đô thị khác, ví dụ: ở vị trí gần trung tâm vùng hoặc cửa ngõ ra vào của vùng, gần các sông lớn, có điều kiện hình thành cảng 172 Đô thị trung tâm vùng: quan niệm và một số nhân tố tác động lớn, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của vùng, quốc gia. . . Các điều kiện về vị trí địa lí như trên tạo điều kiện để các ĐTTT vùng lan tỏa rộng rãi sức ảnh hưởng của mình ra các vùng xung quanh, điều mà các đô thị vệ tinh không có được. 2.2.3. Nhóm nhân tố tự nhiên Nhóm các nhân tố về tự nhiên bao gồm có địa chất, địa hình, khí hậu, nguồn nước, khoáng sản và sinh vật. Trong số các nhân tố trên, địa hình, nguồn nước và khoáng sản được đánh giá là những nhân tố có sức ảnh hưởng lớn nhất tới sự hình thành và phát triển các ĐTTT vùng. Địa hình có tác động tới các ĐTTT vùng ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, địa hình có thể được coi là một nhân tố tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây ra khó khăn đối với việc hình thành các ĐTTT vùng. Các vùng đồng bằng, địa hình bằng phẳng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tụ cư và phát triển sản xuất để hình thành các ĐTTT vùng. Vùng đồi núi có độ dốc, độ cắt xẻ lớn gây khó khăn cho việc hình thành các đô thị nói chung và ĐTTT vùng nói riêng. Thứ hai, địa hình còn là yếu tố tác động đáng kể tới sức lan tỏa ảnh hưởng của ĐTTT vùng. Bề mặt đồng nhất của địa hình được W. Christaller coi là một giả thiết quan trọng đảm bảo tính chính xác của thuyết vị trí trung tâm. Thật vậy, mặc dù sự phát triển của giao thông vận tải, thông tin truyền thông tạo điều kiện cho việc giao thương trở nên dễ dàng hơn so với trước đây, tuy nhiên điều kiện địa hình bằng phẳng được coi là lí tưởng để các ĐTTT vùng mở rộng phạm vi lan tỏa của mình. Nguồn nước cũng là một nhân tố có ảnh hưởng quan trọng tới việc hình thành ĐTTT vùng. Trước hết, nó có ảnh hưởng tới việc hình thành các ĐTTT vùng ở thời kì đầu bởi các đô thị trước đây thường hình thành ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Thứ hai, với số lượng dân cư tập trung đông đúc, các hoạt động kinh tế sôi động thì nhu cầu sử dụng nước là rất lớn. Chính vì thế, ở những nơi có nguồn nước dồi dào, việc cung cấp nước thuận tiện cũng là một điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ĐTTT vùng. Tài nguyên khoáng sản là đối tượng sản xuất trực tiếp của công nghiệp khai thác và là nguồn nguyên liệu không thể thiếu của nhiều ngành công nghiệp khác. Chính vì thế, ở những nơi có nguồn khoáng sản phong phú sẽ tạo điều kiện để phát triển công nghiệp, cùng với đó là các hoạt động dịch vụ đi kèm. Việc phát triển công nghiệp, dịch vụ chính là cơ sở để đô thị hình thành và phát triển. Vì thế có thể coi những vùng công nghiệp gắn với khoáng sản (thường là công nghiệp nặng) cũng là những khu vực có mạng lưới đô thị phát triển khá sớm. Trong mạng lưới đô thị ở vùng công nghiệp đó, những đô thị hình thành sớm và nằm ở vị trí trung tâm sẽ có điều kiện rất thuận lợi để phát triển thành ĐTTT vùng. 3. Kết luận ĐTTT vùng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế vùng nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung. Tuy nhiều đô thị đã được xác định là ĐTTT vùng trong các văn bản pháp quy nhưng thực tiễn cho thấy tầm ảnh hưởng của các đô thị được coi là ĐTTT vùng ở nước ta vẫn còn hạn chế. Một trong 173 Phạm Ngọc Trụ những nguyên nhân quan trọng đó là do căn cứ đề xuất, xác định các ĐTTT vùng này còn nhiều điểm chưa thật hợp lý. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, bổ sung cơ sở lí luận và thực tiễn về ĐTTT vùng là hết sức quan trọng. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất quan niệm về ĐTTT vùng đồng thời chỉ ra bản chất, các nhân tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của nó. Quan niệm và bản chất của ĐTTT vùng nói riêng và vấn đề lí luận về ĐTTT vùng nói chung là những nội dung còn tương đối mới mẻ. Vì vậy, chúng tôi mong rằng ĐTTT vùng cần được các nhà khoa học và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ càng hơn nữa để chúng ta có thể phát huy tốt hơn vai trò, ý nghĩa của chúng trong phát triển vùng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Xây dựng, 1999. Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020. Nxb Xây dựng, Hà Nội. [2] Nguyễn Viết Thịnh cùng nnk tuyển chọn, 2007. Lê Bá Thảo – Những công trình khoa học Địa lí tiêu biểu. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, 2005. Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Nam Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng”. Nam Định. [4] Ngô Doãn Vịnh, 2009. Tổ chức lãnh thổ kinh tế - xã hội, một số vấn đề lý thuyết và ứng dụng. Tài liệu phục vụ nghiên cứu cho các ứng viên dự thi nghiên cứu sinh và thực hiện luận án tiến sĩ chuyên ngành Địa lý học, Hà Nội. [5] Carter Harold, 1985. The sutdy of Urban Geograpgy. Edward Arnold. ABSTRACT Regional centre city: concept and impact factors The regional centre cities exits ojectively, the practical requirements of developing countries and regionas today. Therefore, it requires the society to recognize, cultivate and supervise the development process. However, the basis of logical systems and practivces in developing regional centre cities in Vietnam today is limited, thereby causing many obstacles to the awareness of the importance of understanding regional centre cities lead to inconsistent, can not exactly do this in the development process. In this study, we pro- pose the concept of regional centre cities pointing out the nature, the factor affecting the formation and developt of its desire to add logical basisin the study regional centre cities poorly on the previous one. 174