Giá trị con người qua triết thuyết Đông phương
Ðông phương quan niệm rõ rệt về con người với giá trị tự tại trong một tương quan thiên địa nhân nhất thể. Thi hào Tagore Ấn Ðộ tôn vinh con người lên bậc thần thánh, đưa địa vị con người vào vũ trụ sáng tạo của Thần (Rabindranath Tagore, 1861-1941, thi hào Ấn Ðộ được giải thưởng văn chương Nobel, viết bằng tiếng Bngali, hầu hết dịch qua Anh ngữ, tác phẩm danh tiếng Gintagali, Tuyển Tập Tagore, thơ và kịch in năm 1936). Tagore tôn vinh Ðấng Brahma là đấng thiêng liêng tuyệt đối, chủ tể sáng tạo con người lại chính là khả năng tuyệt diệu để vươn lên cảnh giới thanh cao, đặt nhân cách hòa vào Brahma. Thi hào Tagore ca tụng con người như một đại tác phẩm vô song, vĩ đại của Ðấng Tạo Hóa, người và thiên nhiên là một. Nho gia nhìn con người sâu xa hơn, đi từ bản thệ Tuân Tử phân biệt rõ con người với muôn loàị Theo triết gia này: nước, lửa có khí mà không có sinh (không phải là sinh vật), cây cỏ có sinh mà không có tri giác. Cầm thú có tri giác mà không có nghĩa. Con người ta thì có đủ 4 cái đó: Khí, sinh, tri giác, nghĩa cho nên quý hơn vạn vật nhiều (Tuân Tử: "Thủy hỏa hữu khí nhi vô sinh, thảo mộc hữu sinh nhi vô trí, cầm thú hữu trí nhi vô nghĩa, nhân hữu khí, hữu sinh, hữu tri, diệc thả hữu nghĩa, cố tối vi thiên hạ quý dã". Tuân Tử tức Tuân Huống, sinh khoảng 330 đời Hiển Vương, mất khoảng 227 trước công nguyên, người đương thời tôn là Tuân Khanh, một đại nho đời Hán. Bộ Tuân Tử gồm 32 thiên, chỉ có thiên Thiên Luận, Giải Tế, Chính Danh, Tính Ác là chắc chắn của ông, những thiên khác có nhiều chỗ của người đời sau phụ vào. Xem Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Ðại Cương Triết Học Trung Quốc, Sài Gòn 1968, quyển hạ, tr 727). Từ quan niệm này, mặc dầu Nho gia vẫn bị phê phán là khắt khe, nhiều khi khắc nghiệt nhưng con người vẫn là hệ trọng nhất cho nên luật pháp xưa, giết người phải đền mạng. Xét xử người phải công bằng không thì bị chế tài nghiêm khắc. Pháp quan cố ý xử tử một người vô tội thì pháp quan có thể bị kết án xử tử để đền bù sai lầm của mình (Quốc Triều Hình Luật, sđ tr 686).