Việt Nam, một trong những quốc gia có nghề gốm xuất
hiện khá sớm, theo các tài liệu cổ từ khoảng một vạn năm
trước đây. Nghề gốm ở Việt Nam đã có từ thời tiền sử,
thời kỳ đồ đồng. nhưng phát triển rực rỡ nhất ở thời Lý
Trần. Là một trong những nơi có kỹ nghệ gốm phát triển
sớm ở Châu Á, với các sản phẩm gốm được tìm thấy
trong nhiều di chỉ văn hoá như: Hoà Bình, Bắc Sơn, Hạ
Long cho đến hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, Đồng
Đậu, Gò Mun.
19 trang |
Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 2395 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giá trị nghệ thuật của gốm Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Giá trị nghệ thuật của
gốm việt nam
Việt Nam, một trong những quốc gia có nghề gốm xuất
hiện khá sớm, theo các tài liệu cổ từ khoảng một vạn năm
trước đây. Nghề gốm ở Việt Nam đã có từ thời tiền sử,
thời kỳ đồ đồng... nhưng phát triển rực rỡ nhất ở thời Lý
Trần. Là một trong những nơi có kỹ nghệ gốm phát triển
sớm ở Châu Á, với các sản phẩm gốm được tìm thấy
trong nhiều di chỉ văn hoá như: Hoà Bình, Bắc Sơn, Hạ
Long cho đến hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, Đồng
Đậu, Gò Mun...
Trải qua những giai đoạn phát triển của lịch sử, các sản phẩm
gốm ngày càng đạt đến trình độ và kỹ thuật thẩm mỹ cao,
được thể hiện ở ba loại: gốm men trắng ngà chạm đắp nổi,
gốm hoa nâu, gốm men ngọc. Với những thành tựu như vậy,
người Việt Nam có thể tự hào rằng gốm Việt Nam không
thua gì gốm Trung Quốc về giá trị niên đại và giá trị nghệ
thuật. Gốm men ngọc Việt Nam được so sánh với gốm Long
Tuyền thời Tống ở Trung Quốc.
Đặc điểm của một số loại gốm chính
Sơ khai của nghệ thuật gốm đất nung
Nhiều cuộc khai quật trong vòng hai mươi năm trở lại đây
cho thấy bộ mặt gốm đất nung cách đây 5.000 năm đến đầu
công nguyên thật phong phú. Với một số loại điển hình gồm:
Gốm Phùng Nguyên (và gốm nhiều di chỉ cùng loại), cách
đây 5.000 đến 4.000 năm, tổ tiên chúng ta đã biết sử dụng
bàn xoay thành thục, đã biết trang trí lên gốm bằng những nét
khắc tinh xảo, chủ yếu là hoa văn răng lược, khắc vạch, làn
sóng, một số thiên về lối hình học (như gốm Gò Bông). Đã
biết dùng màu đất trắng và màu đá son tô thắm lên bề mặt
hình khắc của gốm trước khi nung; đã biết nung độ lửa già
nhất của đất nung (như gốm Việt Tiến).
Gốm Đồng Đậu (và gốm nhiều di chỉ cùng loại), cách đây
khoảng 3.500 năm, hoa văn càng đa dạng: xoắn ốc, răng cưa,
đường chấm song song, hình trám in, v.v... Đặc biệt, còn tìm
thấy tượng bò tót, tượng chim, đầu gà...
Gốm Gò Mun (và gốm nhiều di chỉ cùng loại), cách đây trên
3.000 năm, hoa văn hình học chiếm ưu thế. Nhiều hoa văn rõ
ràng bắt chước hoa văn trên đồ đồng (kể cả một số hoa văn
thuộc gốm Đồng Đậu).
Gốm Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun không chỉ sớm
phong phú về hoa văn, mà cũng phong phú về hình dáng.
Nhiều hình dáng cho đến sau này vẫn còn được bảo tồn trong
các lò gốm dân gian, như loại vò có miệng loe đứng, cổ cao,
bụng nở (Đồng Đậu); loại vò cũng như nồi cỏ miệng loe
rộng, cổ ngắn, bụng nở (Đồng Đậu); loại vò, nồi, có miệng
loe xiên, cổ thắt (Đồng Xấu); bát, bình, cốc, ống nhổ chân
thấp, chân cao (Phùng Nguyên), v.v... Ở miền Nam, gốm
vùng châu thổ sông Cửu Long, quãng những thế kỷ đầu công
nguyên, gốm Sa Huỳnh quãng thế kỷ thứ 5, cũng có nhiều
hoa văn làn sóng, hình học, nhiều hình dáng rất gần gũi với
gốm cổ vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Có hình dáng
điển hình của gốm miền Nam như cái lu, cái chĩnh vẫn bảo
tồn cho đến nay ở nhiều cơ sở sản xuất gốm trong Nam.
Riêng hình cái chĩnh khá giống hình một số gốm Đông Sơn
được phát hiện khá nhiều.
Lúc đó, trong thời đại đồng thau phát triển rực rỡ, gốm đất
nung trang trí ngày một công phu và có xu hướng bắt chước
đồ đống, nhất là về mặt hoa văn. Điều đó khẳng định rằng
nghệ thuật dân gian đã tồn tại và phát triển từ trong cuộc
sống của quần chúng, thường được thể hiện rộng rãi từ những
chất liệu thông thường nhất, từ những đồ dùng thông thường
nhất (như đồ mây tre tiếp đến là đồ đất nung). Vì thế, nghệ
thuật đất nung bắt chước nghệ thuật đồ đồng, không hề làm
giảm mà ngược lại còn làm sáng tỏ thêm phong cách nghệ
thuật đồ đồng cùng thời.
Mối tương quan khá rõ nét giữa các nền nghệ thuật cổ xưa
trên cùng một dải đất Việt Nam nói riêng, trên khu vực Đông
Nam Á nói chung được phản ánh qua phong cách nghệ thuật
đồ đồng cũng như phong cách nghệ thuật đồ đất nung cùng
thời.
Gốm hoa nâu trang trí hình chim,thời nhà Trần
Gốm hoa nâu và tiền thân của nó
Từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 10, các nhà nghiên cứu
trước đây mới chỉ nhắc đến gốm "Hán bản địa", tức là những
loại gốm đất nung hoặc sành xốp có men hoặc không men,
tìm thấy trong các ngôi mộ người Hán chôn cất trên đất Việt
Nam, phần lớn làm theo dạng gốm minh khí của Trung Quốc
đương thời. Nhưng bên cạnh loại gốm này, còn vô số loại đất
nung, sành nâu, sành trắng vẫn được tự sản tự tiêu trong các
cộng đồng làng xã. Những loại gốm này vẫn tiếp tục những
truyền thống của gốm cổ xưa, nhất là về mặt hình dáng. Di
chỉ Cụ Trì (Thanh Miện - Hải Hưng) là một khu vừa mộ táng,
vừa cư dân thuộc thời kỳ đó, đã tìm thấy chiếc vò, hũ men da
lươn mỏng dính, dáng giống dáng gốm Đồng Đậu, và cũng
còn rất quen thuộc cho đến ngày nay. Men da lươn căn bản
làm bằng chất tro pha với đá son, đá thối và một số ít đất, vôi
khác mà cha ông ta đã biết tận dụng nguyên liệu địa phương
hầu như có sẵn khắp nơi.
Gốm hoa nâu, thường thuộc loại sành xốp, men ngà bóng,
hoa văn màu nâu. Hoa được khắc vạch trên xương đất ướt
trước khi tô màu. Cũng có loại nền nâu, hoa văn trắng. Dần
về sau, gốm hoa nâu được thể hiện theo nhiều kỹ thuật khác
nhau, nhưng căn bản vẫn bấy nhiêu chất liệu: men tro, đá
son, đá thối hoặc rỉ sắt, hoàn toàn giống nguyên liệu của gốm
men da lươn.
Đặc điểm phong cách của gốm hoa nâu là hình dáng đầy đặn,
chắc khỏe, phù hợp với lối khắc, lối tô mảng to mảng nhỏ sâu
nông tùy tiện, và trên nền rất thoáng. Đề tài trang trí rất gắn
bó với thiên nhiên và cuộc sống của Việt Nam: tôm, cá, voi,
hổ, chim khách, hoa sen, hoa súng, lá khoai nước, lá râm bụt,
võ sĩ đấu giáo, cưỡi voi, v.v... Một số gốm hoa nâu về sau bắt
chước phong cách thể hiện của gốm hoa lam. Từ đó, mất dần
vẻ đẹp độc đáo của gốm hoa nâu.
Chậu hoa nâu trang trí văn cành lá, thời Trần
Thạp gốm hoa nâu lớn trang trí văn hoa sen, thời Trần
Nghiên cứu quá trình phát triển gốm hoa nâu, có thể khẳng
định: Gốm hoa nâu vốn có từ trước thế kỷ 11, ra đời cùng với
gốm men da lươn. Việc sử dụng đá son tô lên gốm vốn có từ
thời nguyên thủy (gốm Phùng Nguyên). Cho đến ngày nay, ở
nhiều lò dân gian vẫn có những nghệ nhân dùng chất liệu và
kỹ thuật này để làm những tác phẩm riêng biệt.
Giai đoạn tiêu biểu nhất của gốm hoa nâu, về mặt nghệ thuật
cũng như kỹ thuật, là từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Nó mang rõ
nét của loại gốm hoa nâu rất Việt Nam, không một loại gốm
nước ngoài nào lẫn lộn được. Chỉ một màu nâu mà tạo ra
nhiều sắc thái, không đơn điệu.
Gốm men ngọc
Gốm men ngọc cũng đã phát triển từ trước thế kỷ 11. Một số
lọ men ngọc tảo kỳ, có thể vào thế kỷ thứ 8, thứ 9, dáng rất
chắc khỏe, men phủ khá dầy. Khá nhiều hiện vật cùng kiểu
men còn sống, chứng tỏ kỹ thuật men ngọc ban đầu chưa
thành thục. Xương đất và men chứa nhiều hàm lượng sắt,
không những tạo điều kiện làm ra men da lươn, mà còn tạo
điều kiện làm ra men ngọc. Trong nghề gốm, từ những kết
quả ngẫu nhiên dẫn đến những kết quả dụng ý là sự việc
thường làm. Quy luật tìm ra men ngọc ở Trung Quốc, ở Việt
Nam, ở Triều Tiên,... từ thời xưa chắc cũng như vậy với điều
kiện nguyên liệu và phương pháp nung tạo kiểu châu Á gần
như nhau.
Đĩa đài men xanh ngọc thời Trần
Đĩa men ngọc trang trí văn in hoa cúc dây, thời Lý
Gốm men ngọc Việt Nam, với hoa văn khắc chìm hoặc in nổi
chủ yếu trong lòng bát, lòng đĩa dưới mầu men ngọc trong
suốt, cho ta một vẻ đẹp dịu dàng sâu đậm. Cũng có cái do
việc nung lửa không đều, mà từ mầu ngọc xanh ngả sang
mầu vàng úa, vàng nâu. Đề tài trang trí thường là hoa lá,
chim phượng, một số ít có hình người lẫn trong hoa lá. Hoa
văn men ngọc có ảnh hưởng nhiều của hoa văn chạm khắc
lên đá đương thời.
Gốm men ngọc cũng rất thịnh hành ở những thế kỷ 11 đến
thế kỷ 13, nửa đầu thế kỷ 14. Khi có gốm hoa lam và gốm
nhiều mầu, thì gốm men ngọc, cũng như gốm hoa nâu, phải
nhường bước cho loại gốm mới. Đó là điều tất yếu.
Gốm hoa lam
Gốm hoa lam có từ cuối thế kỷ 14. Hình dáng và bút pháp
ban đầu rất đơn giản. Mầu lam dưới men lộ rõ sắc, men bám
chặt vào xương đất có độ rắn cao. Đó là loại "sành sứ" được
phát triển cho đến ngày nay, tuy phong cách mỗi thời đều có
thay đổi. Gốm hoa lam thường trang trí dưới men, nhưng
không khắc vạch, và chỉ vẽ lối nhẹ nhàng như thủy mạc. Vẽ
đẹp tiêu biểu của gốm hoa lam Việt Nam là lối vẽ phóng bút
trên các lọ hoa, chân đèn, bát đĩa to hoặc nhỏ nhất là từ cuối
thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 17. Đề tài trang trí thường là rồng,
phượng, mây, hoa sen, hoa cúc dây, v.v... Với mầu lam ngả
về xám trên nền trắng hơi ngà. Hình dáng của loại này cũng
có nhiều cái đẹp độc đáo: bát, chén, đĩa chân rất to và rất cao;
chân đèn, lọ hoa dáng khỏe mà thanh nhã. Đặc biệt từ giữa
thế kỷ 15, một số chân đèn, lư hương, lọ hoa, con giống
không những khắc niên đại mà có khi còn khắc cả tên người
làm. Đó là điều rất hiếm trong nghệ thuật cổ đại Việt Nam.
Cũng cần nói thêm: bát men ngọc thời Lý thì chân nhỏ xíu và
bát hoa lam thời này chân rất to và cao, trước tiên là do yêu
cầu kỹ thuật thay đổi có lợi về mặt kinh tế (từ việc sử dụng
con kể chuyển sang cạo men ở lòng bát để chồng lên nhau
khi vào lò, thì với một loại xương đất nào đó, buộc phải
chuyển việc làm bát từ chân nhỏ thành chân to và cao để khỏi
dính nhau). Sự phối hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật ở đây đã
khá tài tình; làm cho gốm chân nhỏ hay chân to đều tạo nên
được vẻ đẹp đáng giá.
Đĩa hoa lam thời Lê Sơ
Bát gốm hoa lam
Gốm hoa lam từ thế kỷ 19 trở về sau kém đẹp có lẽ do thị
trường xuất khẩu hạn chế. Nước men kém trong, do chất liệu
về đất pha vào men có thay đổi. Như nhiều loại bình, chóe có
niên hiệu Gia Long không những men kém chảy, kém trong
mà hình dáng nặng nề, trang trí mảnh dẻ không ăn với nhau,
báo hiệu giai đoạn đi xuống của gốm hoa lam. Về sau, kỹ
thuật gốm hoa lam có tiến bộ hơn; nhưng lối vẽ tay thành
thục của những thế kỷ xưa nhường bước cho lối in hoa,
không cho phép trở lại cái đẹp như trước được nữa.
Gốm hoa lam Việt Nam đối chiếu với gốm hoa lam dân gian
Trung Quốc xuất hiện từ đời Minh trở về sau có mối ảnh
hưởng qua lại. Nhưng bút pháp mỗi bên đều vẫn nhận ra sự
khác biệt căn bản.
Gốm vẽ mầu trên men và gốm nhiều men mầu.
Gốm vẽ mầu trên men dường như chỉ để xuất khẩu. Hiện
nay, mới phát triển các loại bát đĩa với hình dáng và xương
đất giống các loại gốm hoa lam ở những thế kỷ 15, 16. Mầu
trên men chủ yếu là mầu đỏ đậm, mầu xanh đồng, mầu lam
nhạt. Theo tư liệu trong nước và nước ngoài, đối chiếu với
một số gốm cổ Việt Nam phát hiện tại Nhật Bản, Nam
Dương, Phi Luật Tân, càng xác minh loại gốm này xuất bán
tại các nước vùng Đông Nam Á khá nhiều ở thời điểm trên.
Hiện vật gốm mầu trên men còn sót lại ở Việt Nam rất hiếm.
Gốm nhiều men mầu, thịnh nhất và đẹp nhất là ở thế kỷ 10,
17. Giai đoạn này, nghệ thuật điêu khắc gỗ ở các đình chùa
đạt đến đỉnh cao. Gốm dùng vào việc thờ cúng cũng bắt
chước điêu khắc gỗ; rất nhiều lư hương, chân đèn, gốm chạm
trổ công phu theo kiểu nghi môn, cửa võng, với đề tài rồng,
phượng, hạc, tôm, cá, người v.v... y hệt kiểu chạm gỗ đương
thời. Hiện vật được phủ các mầu men vàng đậm, xanh đồng,
lam, trắng ngà chảy bóng và trong suốt quyện vào nhau; lại
có mảng để mộc không men. Tất cả tạo nên một hòa sắc quý
và đẹp đặc biệt Việt Nam.
Sau này, gốm nhiều men mầu không được đẹp như trước,
như gốm trang trí chùa Hưng Ký (Hà Nội) hay gốm men mầu
ở Biên Hòa, Lái Thiêu (Thành phố Hồ Chí Minh). Loại men
này đã chuyển sang một công thức khác, tuy dễ làm, nhưng
nước men bị đục như nước sơn tây, hạn chế diễn tả được
chiều sâu của gốm.
Gốm trong đời sống con người
Gốm rất gần gũi với con người, từ xa xưa người ta đã coi đó
là thứ đồ dùng hàng ngày lại đồng thời là thứ đồ có giá trị
hay dùng để trang trí... Chúng ta có thể bắt gặp gốm ở bất kỳ
đâu từ chốn cung đình lộng lẫy đến mỗi ngôi nhà dân dã. Có
lẽ rất ít thứ vật dụng nào lại chiếm được vị trí quan trọng như
gốm, người ta dùng gốm làm vật dụng trong gia đình. Những
chum, vại, chậu, bình... đối với người dân thường thì họ dùng
để chứa nước, trồng cây, muối dưa cà. Còn đối với vua chúa
hay hàng quan lại trong triều thì gốm làm công phu hơn rất
nhiều và ngoài những tác dụng vốn có, gốm ở đây dưới bàn
tay tài hoa của người thợ biến thành những thứ đồ trang trí
quý giá. Với bàn tay khối óc, con mắt nghệ thuật tinh tế cộng
với sự nỗ lực, người thợ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật
bằng gốm thể hiện được những tinh hoa văn hoá dân tộc từ
bao đời truyền lại và hơn thể thổi vào gốm cái hồn riêng sống
động.
54 dân tộc anh em quần tụ với nhau tạo thành một dân tộc
Việt Nam vững chắc, đó là nơi tập trung của nhiều vùng
miền văn hoá khác nhau vô cùng sống động. Gốm Việt Nam
nói chung cũng vậy, tuy nhiên với mỗi trung tâm làm gốm thì
những sản phẩm gốm lại mang những giá trị khác nhau đặc
trưng cho văn hoá của mỗi vùng đất sản sinh ra gốm. Một
đặc điểm rõ nét của nghề gốm là đều phát triển dọc triền
sông, bởi lẽ ngoài việc tiện đường chuyên chở, đất sét dọc
các triền sông là loại nguyên liệu quý để sản xuất gốm.
Nghề gốm ở Việt Nam trải khắp trên mọi miền đất nước,
miền Bắc thì có gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Đông Triều
(Quảng Ninh), gốm Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), gốm
Hương Canh (Vĩnh Phú); Lò Chum (Thanh Hóa)... Ở miền
Trung thì nổi tiếng gốm của người Chăm ở làng Bầu Trúc
(Ninh Thuận), miền Nam có gốm Sài Gòn, gốm Bình Dương,
gốm Biên Hòa (Đồng Nai) ...Sản phẩm gốm của Việt Nam
rất phong phú, từ những vật nhỏ như lọ đựng tăm, bát, đĩa...
những sản phẩm cỡ trung bình như lọ hoa, tượng phật, thiếu
nữ, bộ ấm trà, chậu cảnh đến những sản phẩm cỡ lớn như lọ
độc bình, đôn voi, chum, choé...
Đưa nghệ thuật gốm hiện đại đến một mức cao hơn trong
việc phục vụ nhiều mặt của cuộc sống xã hội ngày nay. Đó là
xu hướng chung mà nhiều nước trên thế giới hiện đang đề
cập tới. Đó cũng là yêu cầu, mục đích của nghệ thuật gốm
Việt Nam hiện còn nhiều khả năng tiềm tàng, đang chờ đón
những ngày nở rộ