Tóm tắt. Trong lịch sử và hiện tại, sự nhớ ơn người trước, lá rụng về cội, thờ cúng
tổ tiên, uống nước nhớ nguồn những giá trị đạo đức tốt đẹp vẫn luôn được gìn giữ
và phát huy. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận con cái có hành vi bất hiếu trong
đó có một bộ phận không nhỏ thanh niên. Vì thế, các cấp lãnh đạo Đảng, chính
quyền, đoàn thể cần có những phương hướng, giải pháp thiết thực nhằm giáo dục
đạo lí Uống nước nhớ nguồn. Giáo dục đạo lí ấy là góp một phần nhỏ vào việc xây
dựng nền đạo đức mới cho thanh niên trong bối cảnh đất nước đổi mới, hội nhập và
phát triển hiện nay.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 183 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo dục đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2012, Vol. 57, No. 5, pp. 78-84
GIÁO DỤC ĐẠO LÍ “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”
CHO THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY
Trần Đăng Sinh
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: trandangsinh@yahoo.com
Tóm tắt. Trong lịch sử và hiện tại, sự nhớ ơn người trước, lá rụng về cội, thờ cúng
tổ tiên, uống nước nhớ nguồn những giá trị đạo đức tốt đẹp vẫn luôn được gìn giữ
và phát huy. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận con cái có hành vi bất hiếu trong
đó có một bộ phận không nhỏ thanh niên. Vì thế, các cấp lãnh đạo Đảng, chính
quyền, đoàn thể cần có những phương hướng, giải pháp thiết thực nhằm giáo dục
đạo lí Uống nước nhớ nguồn. Giáo dục đạo lí ấy là góp một phần nhỏ vào việc xây
dựng nền đạo đức mới cho thanh niên trong bối cảnh đất nước đổi mới, hội nhập và
phát triển hiện nay.
Từ khóa: Đạo lí, uống nước nhớ nguồn, đạo hiếu.
1. Đặt vấn đề
Đối với dân tộc Việt nam, “Hiếu” là một phẩm chất đạo đức nền tảng, là “nết đầu
trong trăm nết”, thể hiện tập trung nhất trong đạo lí Uống nước nhớ nguồn. Nhờ có ngày
hôm qua, nhờ biết ơn người trước đã hi sinh mới có cuộc sống của ta hôm nay. Thế hệ
hôm nay phải có trách nhiệm với đời sau, vì con cái mình, quê hương đất nước mình.
Trong xã hội hiện nay có một bộ phận thanh niên sống buông thả, thực dụng, thiếu
lí tưởng, hoài bão, ước mơ, không trọng “Hiếu”, không có tình cảm biết ơn cha mẹ, quê
hương đất nước, công ơn của Đảng, của cách mạng. Vì vậy, việc giáo dục đạo lí Uống
nước nhớ nguồn cho thanh niên Việt Nam hiện nay là một việc làm có ý nghĩa cấp bách,
góp phần đưa nghị quyết trung ương XI của Đảng vào cuộc sống.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Đạo Hiếu là sự thể hiện tập trung nhất đạo lí Uống nước nhớ nguồn
Dân tộc ta có nhiều giá trị đạo đức truyền thống quý báu, trong đó có truyền thống
Uống nước nhớ nguồn. Uống nước nhớ nguồn thể hiện đạo lí sống chí nghĩa chí tình, là lẽ
sống của con người Việt Nam.
78
Giáo dục đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Câu thành ngữ thuần Việt Uống nước nhớ nguồn lấy một hình ảnh thường nhật đúc
kết thành một phẩm chất đạo đức mang tính phổ quát của người Việt Nam. Uống nước
nhớ nguồn là triết lí biết ơn được thể hiện tập trung nhất trong tư tưởng về Đạo Hiếu.
Đạo Hiếu được bắt đầu từ giáo dục gia đình. Gia đình là môi trường cơ bản, đầu
tiên và có vai trò quyết định nhất trong việc giáo dục đạo Hiếu. Bởi “dạy con từ thưở còn
thơ”.
Hiếu là tình cảm, bổn phận xuất phát trong tình cảm, tư tưởng, suy nghĩ, biểu hiện
qua hành động đối với ông bà, cha mẹ của con cháu. Hiếu là một đức tính cần có của con
người, là lẽ phải đương nhiên ở đời nên mặc nhiên gọi là Đạo Hiếu. Đạo Hiếu có thể được
hiểu:
- Hiếu thảo là sự biết ơn, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi sống, thờ
phụng khi đã mất.
- Hiếu kính là lòng kính trọng, nghe lời ông bà cha mẹ.
- Hiếu đễ là kính trên nhường dưới, anh chị em trong nhà bảo ban nhau, không mất
đoàn kết, tranh cãi nhau.
- Hiếu thuận là anh chị em trong nhà hòa thuận yêu thương nhau, giúp đỡ nhau.
- Hiếu trung là hiếu với ông bà cha mẹ, trung với vua (người đại diện cho quốc gia
dân tộc thời phong kiến) nay Hiếu được hiểu rộng hơn là hiếu với dân, trung với nước.
Nho giáo cho rằng, Hiếu có 3 tầng bậc:
- Tiểu Hiếu (kính dưỡng), là sự kính trọng, nuôi dưỡng ông bà cha mẹ khi sống, thờ
phụng khi mất.
- Trung Hiếu (Bất mục chi Hiếu), là con cái không làm già để cha mẹ buồn phiền.
- Đại Hiếu, là con cái ngoan ngoãn, thành đạt, kế thừa sự nghiệp của cha mẹ, phát
huy truyền thống tốt đẹp của họ tộc, làm vinh danh ông bà, cha mẹ.
2.2. Đạo Hiếu trong văn hóa dân gian
Trong kho tàng văn hóa dân gian, Đạo Hiếu được đề cao như một giá trị vĩnh hằng.
Có nhiều câu ca nói về Đạo Hiếu và lí giải vì sao con cháu phải thực hiện Đạo Hiếu:
“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Công ơn cha mẹ cao rộng như thế, đạo làm con trước hết là phải biết vâng lời cha
mẹ:
“Mẹ cha là biển, là trời
Làm sao con dám cưỡng lời mẹ cha.”
79
Trần Đăng Sinh
Lớn lên khi ý thức được công ơn sinh thành, dưỡng dục khó nhọc của cha mẹ thì
phải ghi lòng tạc dạ, ơn sâu nghĩa nặng:
“Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.”
Phận làm con, đã được nuôi dưỡng lớn lên không phải chỉ bằng cơm áo, mà đã được
lớn khôn trong tình thương bao la của cha, mẹ. Mẹ dành cho con tất cả bằng lời ru, đêm
ngày mong cho trai thì công thành danh toại, gái thì khăn áo vu quy, đảm đang, giúp chồng
tạo nên công danh, phú quý. Khi con cái trưởng thành, làm cha mẹ, nuôi dưỡng con cái
thì mới ý thức đầy đủ công ơn của mẹ cha:
“Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”
Cho dẫu trong hoàn cảnh nào của thân phận, nỗi lòng của mẹ vẫn vô biên trong tình
thương thắm thiết của con:
“Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.”
Lời khuyên răn trong đạo lí của dân tộc là:
“Liệu mà thờ mẹ kính cha
Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười.”
Phụng dưỡng cha mẹ thì phải biết lòng chăm lo cho tròn chữ Hiếu:
“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.”
Anh em trong gia đình cần phải hòa thuận:
“Anh em đâu phải người ngoài
Gà cùng chớ một mẹ hoài đá nhau.”
Mang trong lòng nỗi nhớ thương và phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống ra sao, thì
khi mẹ cha khuất núi vẫn một lòng nhớ thương, yêu kính và thờ phụng:
“Quyết lòng lập miếu chạm rồng
Đền ơn phụ mẫu ẵm bồng ngày xưa.”
Bên cạnh những người con Hiếu thảo biết thờ cha, kính mẹ còn có những kẻ không
làm tròn đạo Hiếu. Để dăn dạy những người này, ông cha ta đã có những câu ca mang tính
mỉa mai, dăn dạy:
“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi mẹ con kể từng ngày.”
Như vậy, có thể nói giáo dục đạo Hiếu trong gia đình Việt Nam truyền thống luôn
được chú ý. Thông qua việc giáo dục Đạo Hiếu, đạo lí Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp
nghĩa ngấm vào ý thức con người Việt từ lúc trẻ thơ và theo họ đi suốt cuộc đời.
80
Giáo dục đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Đạo Hiếu không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn được mở rộng ra chòm
xóm, làng xã. Vì thế mà cổ nhân đã dạy: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, bà con
xóm giềng “tắt lửa tối đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách”. Ở các làng xã đều có đình, đền
miếu thờ phụng Thành hoàng làng - những người có công mở đất, giữ làng, dạy nghề, dạy
chữ cho dân.
Trong cộng đồng quốc gia dân tộc thì:
“Bầu ơi thương với bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là sự thể hiện đạo lí Uống nước nhớ nguồn. Phan Kế
Bính cho rằng: “Xét cái tục phung sự tổ tiên của ta rất thành kính, ấy cũng là một lòng bất
vong bản, cũng là một nghĩa cử của người [2,20-21]. Theo Toan Ánh: “Thờ cúng tổ tiên
do lòng biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kị đã khuất mà thôi” [1,4].
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên,
sự kết tinh của đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Còn nhớ ở đền Hùng, Bác căn
dặn các chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong khi tiến về giải phóng thủ đô: “Các vua Hùng
đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là thể hiện Hiếu cao nhất
của thế hệ chúng ta đối với Tổ nước Hùng Vương. Hàng năm vào ngày quốc giỗ 10 tháng
3 hàng triệu người con đất Việt ở trong và ngoài nước đều hướng về đất Tổ, tưởng nhớ tri
ân công người có công mở nước. Vừa qua nhiều tỉnh thành trong cả nước lập đền thờ Vua
Hùng đã phần nào đáp thỏa được nhu cầu đền ơn đáp nghĩa của đông đảo nhân dân.
2.3. Một số giải pháp giáo dục đạo lí Uống nước nhớ nguồn cho thanh
niên hiện nay
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa trong đó có toàn cầu hóa về văn hóa đang vừa tạo ra
cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia, dân tộc. Việt Nam trên con đường hội nhập và
phát triển, đồng thời vừa phải biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa kế
thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống trong đó có đạo lí Uống nước nhớ
nguồn.
Hiện nay, trong xã hội một phận thanh niên đang có biểu hiện về sự suy thoái đạo
đức như sống thực dụng, thiếu lí tưởng, hoài bão, ước mơ lập thân lập nghiệp, không chịu
tìm hiểu lịch sử, thái độ vô cảm, thờ ơ, thậm chí phủ nhận quá khứ. Không nghe lời, ngược
đãi cha mẹ, anh em bất hoà, tranh giành nhau. Để góp phần khắc phục tình trạng đó cần
không ngừng giáo dục đạo đức truyền thống, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục đạo lí
Uống nước nhớ nguồn cho thanh niên hiện nay.
Để giáo dục đạo líUống nước nhớ nguồn cho thanh niên hiện nay chúng ta cần phải
tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội trong việc giáo dục đạo
81
Trần Đăng Sinh
lí Uống nước nhớ nguồn cho thế hệ thanh niên.
Về phía các đoàn thể xã hội, cần mở rộng các hoạt động xã hội, như thông qua
phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống của dân
tộc, ca ngợi biểu dương những tấm gương hiếu thảo từ xưa đến nay. Nhà nước và các đoàn
thể cần mở rộng phong trào thi đua, xây dựng gia đình văn hóa “ông bà cha mẹ mẫu mực,
con cháu thảo hiền”... để giúp cho thế hệ trẻ thấy được việc thực hiện đạo lí Uống nước
nhớ nguồn trong gia đình không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi thành
viên, xây dựng mối quan hệ gắn bó yêu thương trong gia đình.
Đảng và Nhà nước cần có những quan điểm chỉ đạo cụ thể đến sự phát triển của gia
đình cả về vật chất lẫn tinh thần. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của
Đảng khẳng định sự cần thiết phải “đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt
Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” [3;124 ].
Cần tạo ra môi trường xã hội lành mạnh cho các thành viên trong gia đình có thể
chăm sóc và giáo dục con cái. Phấn đấu xây dựng nhiều gia đình văn hóa, nêu và biểu
dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương hiếu thảo trong xã hội.
Các chính sách kinh tế - xã hội sát với thực tế cuộc sống, gia đình chính sách, gia
đình có công với nước phải được quan tâm chu đáo. Cần thể chế hóa thành pháp luật
những chuẩn mực cụ thể về hiện tượng bất Hiếu, thực hiện nghĩa vụ của người con trong
gia đình trong điều 35 chương 4 Luật hôn nhân và gia đình, 2000: “Con có bổn phận yêu
quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn
của cha mẹ, giữ gìn danh dự truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền
chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm
cha mẹ”.
Hai là, phát huy vai trò tích cực của cá nhân trong việc báo hiếu cha mẹ.
Cùng với sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, mỗi cá nhân cần nhận thấy
công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và luôn nhắc nhở mình thực hiện tốt đạo Hiếu
trong gia đình
Tình cảm giữa cha mẹ và con cái trong gia đình là tình cảm thiêng liêng cao quý
mà cũng là tình cảm tự nhiên. Việc cha mẹ nuôi dưỡng, yêu thương, chăm sóc con cái
cũng hoàn toàn tự nhiên như tình cảm tôn kính, yêu thương, biết ơn của con cái với cha
mẹ. Hiện nay, do ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều người đã bị cuốn
theo vòng xoáy danh lợi mà quên đi hoặc đã làm trái đạo Hiếu trong gia đình, Vì vậy, mỗi
người cần luôn tự ý thức về công ơn của cha mẹ và nghĩa vụ báo đáp công ơn trời biển ấy.
Ba là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc
giáo dục đạo lí Uống nước nhớ nguồn cho thanh niên.
Trước hết, những người làm cha mẹ phải nhận thấy được trách nhiệm giáo dục đạo
82
Giáo dục đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên Việt Nam hiện nay
lí Uống nước nhớ nguồn cho con cái. Gia đình là “trường học đầu tiên”. Cha mẹ là người
đầu tiên giảng giải cho trẻ nghe về lòng biết ơn ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ, truyền thống
gia đình, quê hương đất nước.
Để giáo dục con cái biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì trước tiên những người
làm cha mẹ phải là người con hiếu thảo. Giáo dục con cái về lòng hiếu thảo, cha mẹ có
thể lấy những tấm gương hiếu thảo trong thực tế hay trong sách vở. Bên cạnh đó, những
hành vi bất hiếu trong xã hội cũng cần được phê phán.
- Nhà trường cần tăng cường hơn nữa những hoạt động giáo dục đạo đức cho học
sinh, sinh viên, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường để có biện
pháp giáo dục phù hợp. Nên phát động rộng rãi phong trào “làm nhiều việc tốt”, có những
quỹ học bổng dành cho con em gia đình khó khăn nhưng học tốt, sống hiếu thảo với cha
mẹ.
- Các đoàn thể xã hội cần thông qua phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền
các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, ca ngợi, biểu dương những tấm gương hiếu
thảo từ xưa đến nay. Mở rộng phong trào thi đua, xây dựng gia đình văn hóa “ông bà cha
mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
- Đảng và Nhà nước cần có những quan điểm chỉ đạo, chính sách cụ thể đến sự phát
triển của gia đình. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cho các bậc cha mẹ có thể chăm sóc
và giáo dục con cái tốt nhất. Phấn đấu xây dựng nhiều gia đình văn hóa, thôn ấp, phường
xã văn hóa.
Trong thời gian qua Đảng, nhà nước và nhiều tổ chức xã hội đã có các hoạt động
thiết thực nhằm giáo dục ý thức về nguồn cội, thực hiện đạo lí Uống nước nhớ nguồn
cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung và thanh niên nói riêng. Lễ hội cấp quốc gia trở về
nguồn ở Thái Nguyên, lễ cầu siêu cho vong linh các liệt sĩ ở Quảng Trị, các cuộc hành
trình trở về chiến trường xưa, hoạt động tìm mộ các anh hùng liệt sĩ của các tổ chức và cá
nhân, nhận chăm nuôi các mẹ liệt sĩ của các cơ quan, đơn vị, xây nhà tình nghĩa cho các
gia đình có công với cách mạng... là bài học sống động thể hiện đạo lí biết ơn của dân tộc
Việt Nam. Ngày 27 tháng 07 hàng năm đều được cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, các
ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân coi là ngày có ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc, là sự
thể hiện tập trung nhất đạo lí Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.
Để thực hiện tốt nội dung giáo dục đạo lí Uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ cần
có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chỉ khi có sự phối hợp như
vậy, việc giáo dục mới mang lại kết quả cao nhất.
Bốn là, mở rộng đạo lí Uống nước nhớ nguồn từ ra đình ra làng xóm. Triển khai tốt
phong trào xây dựng khu phố, làng xã văn hóa, đưa phong trào này ngày một nâng cao về
chất để vừa theo kịp nhịp sống hiện đại, vừa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
83
Trần Đăng Sinh
3. Kết luận
Uống nước nhớ nguồn là giá trị đạo đức thể hiện sự nhớ ơn người trước, lá rụng về
cội, thờ cúng tổ tiên. Hiện nay, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, sự suy thoái đạo
đức trong đó biểu hiện của sự bất hiếu của bộ phận không nhỏ thanh niên là khá phổ biến.
Điều đó đòi hỏi các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể có những phương hướng,
giải pháp thiết thực nhằm giáo dục đạo lí Uống nước nhớ nguồn. Giáo dục đạo lí ấy là góp
một phần nhỏ vào việc xây dựng nền đạo đức đạo đức xã hội cho thế hệ trẻ trong bối cảnh
đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.
Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, tương lai thuộc về tuổi trẻ. Thanh niên Việt Nam
dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, trên con đường lập
thân lập nghiệp, trong hành trang của mình không những chỉ có kiến thức, khoa học kĩ
thuật mà cần có cả truyền thống văn hóa cực kỳ quý báu của dân tộc được hun đúc từ hàng
ngàn năm lịch sử trong đó có đạo lí Uống nước nhớ nguồn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Toan Ánh, 1996. Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam. Nxb Văn hóa dân tộc,
Hà Nội, pp. 4.
[2] Phan Kế Bính, 1995. Việt Nam phong tục. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, pp. 20 -21.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ
XI. Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, pp.124.
ABSTRACT
Educating filial piety for Vietnamese youth in the model society
In classic Vietnamese culture, filial piety is a fundamental moral virtue. However, in so-
ciety, there is some percent of the young generation that does not feel a sense of duty
towards their parents. It is thought by some that today’s Party leaders, government offi-
cials and union leaders could inspired our youth to hold filial piety in high esteem. Moral
education is a small but quite important aspect in the absorption of a common sense of
morality among the general public and particularly the younger generation.
84