Giáo dục trong thời đại kinh tế tri thức

TÓM TẮT Chuyển từ nền kinh tế cũ sang nền kinh tế tri thức là một bước ngoặt lớn. Chuyển từ kiểu giáo dục truyền thống sang kiểu dạy nghĩ, dạy tư duy sáng tạo đòi hỏi những nhà giáo dục phải có những nổ lực lớn. Vấn đề chính không phải ở chỗ nêu lên tầm quan trọng của vấn đề mà là ở chỗ làm thế nào, bằng cách nào phát triển cho được khả năng tư duy sáng tạo của học sinh. Điều này đòi hỏi những nghiên cứu cụ thể, có khả năng ứng dụng trong nhà trường. Đây cũng là thách thức đối với giáo dục trong thế kỷ mới.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 253 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo dục trong thời đại kinh tế tri thức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 24 - Thaùng 11/2014 5 GIÁO DỤC TRONG THỜI ĐẠI KINH TẾ TRI THỨC LÊ NGỌC TRÀ(*) TÓM TẮT Chuyển từ nền kinh tế cũ sang nền kinh tế tri thức là một bước ngoặt lớn. Chuyển từ kiểu giáo dục truyền thống sang kiểu dạy nghĩ, dạy tư duy sáng tạo đòi hỏi những nhà giáo dục phải có những nổ lực lớn. Vấn đề chính không phải ở chỗ nêu lên tầm quan trọng của vấn đề mà là ở chỗ làm thế nào, bằng cách nào phát triển cho được khả năng tư duy sáng tạo của học sinh. Điều này đòi hỏi những nghiên cứu cụ thể, có khả năng ứng dụng trong nhà trường. Đây cũng là thách thức đối với giáo dục trong thế kỷ mới. Từ khóa: kinh tế tri thức, giáo dục truyền thống, dạy nghĩ, dạy tư duy sáng tạo, giáo dục trong thế kỷ mới. ABSTRACT It is a turning point to transform an old style economy into the knowledge economy. To transform a traditional education into the education that trains people for creative thinking, requires a great effort made by the educators. The importance of the issue is no doubt; however, how we should do and what measures we should take to boost the capability of students’ creative thinking become urgent matters. This needs many researches possible to be applied in the schools. It is also a challenge for the education in the new century. Keywords: knowledge ecomomy, traditional education, train people for creative thinking, education in the new century. (*)Chúng ta đang sống trong một thời đại có những thay đổi quan trọng và nhiều khi mang tính đột biến. Một trong những dấu hiệu đang gây chú ý toàn cầu đó là sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức. Xã hội ấy đang hình thành, toàn bộ hình ảnh về nó chưa hiện ra đầy đủ nhưng tính chất chung nhất của nó hình như đã được nhận biết: cùng với vốn, tài nguyên và lao động, tri thức đang trở thành một nguồn lực lớn, phát triển mạnh mẽ, có xu hướng lấn át và thay thế các nguồn lực cũ, chi phối cơ cấu của nền kinh tế, thu hút đầu tư và mang lại nguồn lợi khổng lồ. Chất xám đẻ ra chất xám giống như nhà máy đẻ (*) GS.TSKH ra sản phẩm. Sản phẩm chất xám trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh vượt trội, mang lại sự giàu có mau lẹ. Kinh tế tri thức là nền kinh tế biến đổi nhanh chóng, nhiều khi bất ngờ giống như trong công nghệ thông tin, ở đó tiêu chuẩn cơ bản là sự thay đổi chứ không phải là sự cố định và "Con đường phía trước: đó là xem xét lại một cách cơ bản và luôn luôn cập nhật hóa" (Bill Gates). Đặc điểm trên đây của xã hội tri thức và nền kinh tế tri thức kéo theo và đòi hỏi sự thay đổi cách tư duy của con người. Đó sẽ là kiểu tư duy "đa thanh", phi tuyến tính, linh hoạt, không câu nệ vào những khuôn mẫu đã định, biết dung nạp hơn là loại bỏ, biết chấp nhận cái khác mình, cái không 6 lường được, chấp nhận khả năng có thể sai, biết tự điều chỉnh, tự thích nghi và không ngừng tìm kiếm, sáng tạo. Đó là kiểu tư duy đặt cơ sở trên sự tư duy lại, trên việc coi trọng cách làm, cách tiếp cận hơn là đạt tới một kết quả cụ thể nhất thời. Tư duy ấy có phần gần với tư duy tiểu thuyết kiểu Dostoevsky mà nhà vật lý thiên tài Einstein đã nhận thấy khi ông nói rằng tác phẩm của văn hào Nga vĩ đại đã mang lại cho ông với tư cách là nhà vật lý nhiều điều bổ ích hơn là những công trình khoa học của chính người đồng hương của ông là nhà toán học nổi tiếng người Đức Gauss. Thế giới thay đổi, nhận thức thay đổi, giáo dục cũng phải thay đổi theo. Trường học là nơi mang lại cho người ta tri thức. Nền kinh tế tri thức trước hết là cần những người có tri thức, bởi vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào vai trò của giáo dục đào tạo trong thời đại mới cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, giáo dục trong xã hội tri thức vẫn có những tính chất khác. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi không chỉ sự tăng trưởng của số lượng tri thức, số lượng người có học mà nó yêu cầu phải có sự thay đổi căn bản cách chiếm lĩnh và sử dụng tri thức của người đào tạo. Người có học phải là người có khả năng học tập suốt đời, không ngừng nâng cao trình độ của mình để cập nhật hóa, để theo kịp và thích nghi với những biến đổi đầy ngẫu hứng của nền kinh tế thị trường, để không bị lệ thuộc vào những giáo điều, những công thức cũ, mạnh dạn sáng tạo theo phương pháp "thử và sai", để đi đến một lời giải tối ưu nhưng đồng thời cũng không bao giờ cho rằng đó là duy nhất đúng, luôn luôn đúng. Nói tóm lại, đó là những người chủ động, sáng tạo, chấp nhận sự thay đổi và có khả năng tự thay đổi. Muốn có những con người như vậy, nhà trường phải thay đổi cách dạy và cách học. Trước hết có lẽ cần thay đổi quan niệm về nội dung giảng dạy trong nhà trường, đặc biệt là mối quan hệ giữa dạy tri thức và dạy tư duy. Không ai phủ nhận rằng trường phổ thông phải mang lại cho học sinh một vốn tri thức nhất định làm nền tảng cho việc tiếp thu những tri thức khác khi các em bước vào đời hoặc tiếp tục học cao hơn. Tuy nhiên nếu cho rằng mục đích cao nhất của trường phổ thông, bên cạnh việc giáo dục nhân cách, là cung cấp cho học sinh những kiến thức cụ thể về các môn học, thì có lẽ chưa hoàn toàn chính xác. Mới đây trong một báo cáo quan trọng trình bày tại hội thảo quốc tế về đổi mới dạy học do cơ quan giáo dục của Liên hợp quốc tổ chức tại Bắc Kinh, hai giáo sư người Anh là A.Pilot và J.Osborne đã nêu lên 8 "huyền thoại" mà các trường học vẫn đeo đuổi một cách vô vọng trong đó rõ rệt nhất là xu hướng muốn bắt học sinh nhớ càng nhiều sự kiện, kiến thức càng tốt. Theo các tác giả, việc ghi nhớ máy móc các kiến thức và sự kiện là không cần thiết vì chúng sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Điều quan trọng không phải là dạy cho học sinh biết cái gì mà là giúp trẻ hiểu tại sao và bằng cách nào để biết được điều đó. Dạy tri thức phải đạt được cả hai yêu cầu: cung cấp kiến thức và cách tư duy. Ở đây tri thức vừa là mục đích vừa là chất liệu, phương tiện. Không thông qua những tri thức cụ thể không lấy gì để dạy cách nghĩ, cách tư duy. Nhưng nếu chỉ cung cấp những kiến thức cụ thể không thôi thì nhà trường rõ ràng không hoàn thành được nhiệm vụ của mình, nhất là trong thời đại hiện nay, khi loài người đã tích lũy được một khối lượng kiến thức khổng lồ; khối lượng kiến thức ấy ngày một tăng theo cấp số nhân và được truyền bá bằng nhiều con đường khác nhau ngoài nhà trường. Trong 7 hoàn cảnh ấy, nhà trường buộc phải lựa chọn một trong hai con đường: hoặc là làm theo cách cũ, chạy theo hướng mở rộng kiến thức bằng cách tiếp tục nhồi nhét thông tin, dạy thêm, học thêm hoặc là đi theo lối khác, mạnh dạn cắt giảm phần kiến thức, xem kiến thức như chất liệu để dạy cách nghĩ, cách cảm, cách tư duy. Ở đây học sinh học cách đặt câu hỏi nhiều hơn là cách trả lời các câu hỏi. Con đường thứ hai chú trọng đến “cách giải bài toán”, đến cách để có được tri thức hơn là bản thân tri thức. Một quan niệm như vậy về nội dung giảng dạy ở trường sẽ tạo điều kiện giúp chúng ta khắc phục được tình trạng “quá tải” hiện nay, đồng thời giúp các nhà quản lý giáo dục cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi “giảm tải”, bởi vì cho dù cắt 15% hay 30% chương trình mà quan niệm chung không thay đổi thì thực chất sự thay đổi ở đây cũng chỉ là về số lượng! Tình trạng quá tải đang là một vấn nạn lớn của giáo dục Việt Nam hiện nay. Trung bình mỗi học sinh lớp 12 ở Việt Nam mỗi tuần phải học từ 30 đến 40 tiết trên lớp. Sau đó mỗi em phải đi học thêm vào buổi chiều và buổi tối ở các trung tâm luyện thi hay dạy kèm từ 24 đến 30 tiết nữa, kể cả vào chủ nhật. Như vậy nếu tính trong tuần có 6 ngày, mỗi ngày các em có 12 giờ để học và nghỉ và mỗi tuần có 72 giờ tất cả thì những học sinh này phải học ở trên lớp từ 60 đến 70 giờ! Kết quả là học sinh không có giờ tự học ở nhà. Riêng các em học ở các trường chuyên, ở các lớp song ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) thì số giờ học với thầy ở trên lớp còn nhiều hơn nữa. Tình trạng này đã dẫn đến hiện tượng “bệnh tâm thần” trong học sinh, nhất là học sinh các trường chuyên, mà gần đây báo chí có nêu lên. Hiểu nội dung giảng dạy ở trường như là dạy nghĩ, dạy tư duy cũng sẽ giúp học sinh phát triển năng lực tự học và khả năng học tập suốt đời là những điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng là những vấn đề được xem là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình hoạt động của các tổ chức giáo dục thuộc Liên hợp quốc và ở các nước hiện nay. Tự học không phải là ngồi ở nhà học thuộc bài ghi trên lớp mà tự học là tự tìm tòi, tự đặt câu hỏi, tự tìm hiểu để nắm được vấn đề, hiểu sâu hơn, thậm chí hiểu khác đi bằng cách sáng tạo, đi đến một đáp số khác, kết luận khác. Muốn có một năng lực tự học như vậy, cách dạy và nội dung giảng dạy của thầy ở trên lớp cũng phải khác. Đáng tiếc là hiện nay ở Việt Nam, tình trạng dạy và học theo lối cũ, nặng về rèn luyện trí nhớ chứ không phải trí thông minh, sáng tạo, nặng về học thuộc lòng những kiến thức được cung cấp sẵn chứ không phải là rèn luyện tư duy phê phán, khả năng “giải bài toán” đang khá phổ biến. Ở trường phổ thông học sinh gọi các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, thậm chí cả Sinh học bằng một cái tên chung là môn thuộc lòng. Còn môn Văn chương thì vì không thể thuộc lòng được nên các em dựa vào các bài "văn mẫu". Các bài "văn mẫu" này do thầy cô giáo soạn và học sinh được yêu cầu phải làm đúng theo nội dung và cách thức do thầy giáo đề ra. Nếu em nào làm không đúng "mẫu" sẽ bị điểm kém. Vì vậy, để đạt điểm cao học sinh không cần phải phát huy cảm xúc, trí tưởng tượng, sáng tạo mà chỉ cần làm theo những bài văn mẫu mà thầy cô đưa ra. Tình trạng này đã được công khai phê phán trên báo chí. Cũng theo khuynh hướng đề cao việc học thuộc lòng như vậy, trước đây Bộ GD&ĐT đã cho xuất bản những bộ đề thi với những lời giải sẵn dùng cho các thí 8 sinh thi vào đại học. Thí sinh chỉ cần học thuộc lòng mấy trăm bộ đề thi với cách giải sẵn như vậy là sẽ làm được bài, vì theo qui định của Bộ GD&ĐT, đề thi tuyển sinh không được vượt ra ngoài chương trình, tức là vượt ra khỏi các vấn đề được thâu tóm trong các bộ đề. Điều này đã dẫn đến một tình trạng hết sức đáng buồn là trong tất cả các kỳ thi cử, kể cả ở trường phổ thông và đại học, học sinh tìm cách mang vào phòng thi tất cả những gì đã được chuẩn bị sẵn ở nhà. Rất nhiều học sinh dùng máy photocopy in lại các bộ đề thi, các bài "văn mẫu" sách giáo khoa, thu nhỏ lại, dấu trong mình và mang vào phòng thi để sử dụng. Có em mang trong mình hàng ngàn trang sách thu nhỏ, chữ li ti. Thậm chí gần đây trong nhiều trường lượng thí sinh còn dấu mang theo máy diện thoại di động để liên lạc với bên ngoài. Người nhà sẽ căn cứ vào các bộ đề thi để mách bảo cách làm bài cho thí sinh thông qua thiết bị nhắn tin của điện thoại di động. Đó là hậu quả tất yếu của một lối dạy cũ lối "học vẹt", nặng về cung cấp kiến thức, học thuộc lòng hơn là phát huy óc sáng tạo của học sinh. Để có được những con người thích ứng với bản chất thay đổi liên tục và mau lẹ của nền kinh tế tri thức, trong quá trình kết hợp kiến thức và dạy tư duy, cần hình thành cho học sinh một nếp tư duy sáng tạo, một cách ứng xử thông minh, có bản lĩnh đối với các tri thức được trình bày. Không có một thái độ như vậy, nội dung kiến thức dễ bị tuyệt đối hóa, được xem là chân lý duy nhất, sách giáo khoa được coi là “pháp lệnh”, thầy giáo có nghĩa vụ truyền thụ, học sinh chỉ việc ghi chép tiếp thu. Nhiều trường hợp mọi người thấy nên làm thế này, thế kia mới là hay, nhưng không ai dám đổi. Học sinh sợ thầy, thầy sợ Sở, Sở sợ sách giáo khoa, sợ quy định của chương trình, sợ kết quả thi cử. Rốt cuộc là làm y như quy định. Tình trạng đó khiến cho giờ học bớt hứng thú, học sinh không được rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo nhiều chiều, khả năng nhận biết cuộc sống trong sự đa dạng và có vấn đề của nó, khả năng đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi theo cách của mình. Dạy nghĩ, dạy tư duy không nhất thiết đòi hỏi phải cung cấp thật nhiều kiến thức. Nhiều khi chỉ cần giảng dạy kỹ một câu thơ, một khổ thơ còn giúp học sinh hiểu về tác giả, hiểu văn chương, yêu cái đẹp, yêu cuộc đời hơn là dạy tràn lan cả bài thơ, cả nhiều tác phẩm. Ở đây việc phát triển trí tưởng tượng của học sinh là điều rất quan trọng. Thiếu trí tưởng tượng phong phú con người có thể bị què quặt cả về phương diện nhận thức và tâm hồn. Không có trí tưởng tượng sẽ không có sáng tạo mà chỉ có sự lắp ghép các trí thức rời rạc. Không có trí tưởng tượng, con người cũng không được rèn luyện để có thể làm điều thiện, bởi vì nói như nhà thơ Anh P.B. Shelly "Công cụ vĩ đại của lòng tốt là trí tưởng tượng". Ông lập luận rằng "Một người muốn trở thành thật tốt thì phải có khả năng tưởng tượng mạnh mẽ và hợp lý, anh ta phải biết đặt mình vào vị trí của người khác cũng như nhiều người khác; có như thế nỗi đau và niềm vui của đồng loại mới trở thành nỗi đau và niềm vui của chính anh ta"(1). Việc phát triển óc tưởng tượng cho học sinh đặc biệt cần thiết trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, thời đại phổ cập của máy tính, vì con người càng sử dụng rộng rãi các phương tiện kỹ thuật số bao nhiêu thì càng bị lệ thuộc vào chúng bấy nhiêu, càng tuân theo những chuẩn mực tự động hóa bao nhiêu, càng dễ mất đi óc sáng kiến và bản sắc cá nhân bấy nhiêu. Tiếp theo việc đổi mới quan niệm 9 giảng dạy, cần thiết kế lại chương trình. Cần có một cái nhìn chung xuyên suốt chương trình từ tiểu học đến THPT, nhất là giữa THCS và THPT. Chương trình mỗi cấp sẽ đảm nhận một phần trong quá trình trang bị và phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh suốt những năm ở trường phổ thông. Không có một chương trình được quan niệm thống nhất và được tính toán cụ thể từng bước như vậy, mọi nỗ lực của từng thầy giáo và từng trường đều khó mang lại kết quả như mong muốn. Và cuối cùng là sách giáo khoa. Phải có những bộ sách giáo khoa viết theo nhận thức mới, chương trình mới. Nhận thức, chương trình thì thống nhất nhưng khi thể hiện, mỗi bộ sách giáo khoa có thể có một cách làm riêng. Bởi vậy không nên chỉ có một bộ sách giáo khoa dùng cho cả nước. Sự đa dạng của sách giáo khoa cũng là một hình thức tạo điều kiện cho thầy giáo dạy sáng tạo, học sinh nghĩ sáng tạo. Chuyển từ nền kinh tế cũ sang nền kinh tế tri thức là một bước ngoặt lớn. Chuyển từ kiểu giáo dục truyền thống sang kiểu dạy nghĩ, dạy tư duy sáng tạo đòi hỏi những nhà giáo dục phải có những nổ lực lớn. Vấn đề chính không phải ở chỗ nêu lên tầm quan trọng của vấn đề mà là ở chỗ làm thế nào, bằng cách nào phát triển cho được khả năng tư duy sáng tạo của học sinh. Điều này đòi hỏi những nghiên cứu cụ thể, có khả năng ứng dụng trong nhà trường. Đây cũng là thách thức đối với giáo dục trong thế kỷ mới. Chú thích: (1) Shelly P.B TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Education Innovation and Information, No 103, June 2000, International Bureau of Education (IBE), UNESCO, Geneva. 2. Gates Bill (1996), The Road ahead - completely revised and up-to-date, Penguin Book, USA. 3. What New Economy, Technology Renew, January/ February 2001, USA. * Ngày nhận bài: 20/10/2014. Biên tập xong: 05/11/2014. Duyệt đăng: 07/11/2014