Trong triết học ngoài mácxít ở phương Tây, kể cả triết học ở phương Tây hiện đại, thuật ngữ “siêu hình học” đôi khi được dùng như một từ đồng nghĩa với “triết học”, nhưng thông thường nó được dùng để chỉ một bộ phận của triết học.
Siêu hình học (tiếng Latin là metaphysika) có nguồn gốc từ Hy lạp cổ đại metataphysika (sau vật lý )(1). Thuật ngữ này đáng lẽ phải dịch là “siêu vật lý” thì đúng hơn là “siêu hình học”. Nó được dùng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ I trước công nguyên để đặt tên cho một bộ sưu tập (14 tập) gồm những bài giảng và bài viết của Arixtôt về cái mà ông gọi là “triết học thứ nhất” (2). Sự thực không phải Arixtôt là người đầu tiên dùng thuật ngữ “siêu hình học” để đặt tên cho tác phẩm của mình như có tác giả đã từng nhầm lẫn như vậy (3). Arixtôt (388-322 TrsCN) chưa dùng thuật ngữ “siêu hình học”; ông gọi “triết học thứ nhất” là khoa học về tồn tại tự nó, về những cơ sở và nguyên nhân của mọi tồn tại; còn vật lý học thì ông gọi là “triết học thứ hai”.
Từ đó đến nay, thuật ngữ “siêu hình học” được dùng phổ biến ở phương Tây để chỉ một bộ phận của triết học - phần bàn về tồn tại. Sở dĩ người ta gọi bộ phận đó là “siêu hình học” (hay đúng hơn là “siêu vật lý học” là vì, khác với vật lý học là khoa học nghiên cứu về giới tự nhiên, tức là tồn tại cụ thể cảm tính, siêu hình học nghiên cứu tồn tại tự nó, về những bản nguyên siêu cảm tính của tồn tại, trong đó có học thuyết về thượng đế - theologia (thần học).
Trong chương trình lớp 12 phổ thông trung học ở miền Nam trước ngày giải phóng có dạy môn triết học gồm 3 bộ phận: siêu hình học, đạo đức học, luận lý học (tức lôgic học). Trong một cuốn sách giáo khoa triết học dùng trong trường đại học và cao đẳng hiện nay ở Mỹ, tác giả là Giáo sư tiến sĩ T.Z. Lavine phân chia triết học thành 6 ngành chính: Siêu hình học, lý luận nhận thức, đạo đức học, lôgic học, triết học chính trị và triết học lịch sử. “Siêu hình học (Metaphysics) tác giả viết - là ngành triết học đặt ra những câu hỏi về thực tại (reality). Cái gì là thực tại và cái gì chỉ là hiện tượng bên ngoài? Vũ trụ là loại thực tại gì - là ý thức hay vật chất, hay là một tồn tại siêu nhiên? Con người của bạn là loại thực tại gì? Đó là những câu hỏi do siêu hình học đặt ra” (4).
Triết học phương tây, khi phê phán triết học Mác, đã gọi chủ nghĩa duy vật biện chứng là siêu hình học, vì chủ nghiã duy vật biện chứng xem xét vật chất với tính cách là thực tại khách quan, tồn tại bên ngoài và độc lập với con người. Trái lại, triết học Mác dùng thuật ngữ siêu hình học với một nghĩa mới khác với nghĩa cổ truyền của nó để chỉ một trong hai phương pháp triết học đối lập nhau. Quan điểm siêu hình hay phương pháp siêu hình (đối lập với quan điểm biện chứng hay phương pháp biện chứng) xem xét thế giới trong trạng thái cô lập và tỉnh tại tuyệt đối, không thấy mối liên hệ phổ biến, không thấy sự vận động phát triển của sự vật, hiện tượng .
Để chỉ bộ phận triết học về tồn tại, những người nghiên cứu triết học theo lập trường mácxít nhiều khi dùng thuật ngữ “bản thể luận”, thí dụ “bản thể luận của Phật giáo”, “bản thể luận của Nho giáo”, v.v. Bản thể luận (hay bản thể học: Ontology, Ontologie trong tiếng Anh, tiếng Pháp) là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Ontos (tồn tại) và logos (học thuyết). Theo Từ Điển Bách Khoa toàn thư Triết học, (Liên Xô cũ) thì bản thể luận là “học thuyết về tôn tại tự nó ”, là “một chuyên ngành triết học nghiên cứu những nguyên tắc căn bản của tồn tại, bản chất và những phạm trù chung nhất của tồn tại “. “Đôi khi khái niệm bản thể luận được đồng nhất với siêu hình học, nhưng thông thường thì nó được xem là một bộ phận cơ bản của siêu hình học - siêu hình học về tồn tại” (5).
5 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2554 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Góp phần tìm hiểu nguồn gốc một số thuật ngữ trong bản thể luận triết học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GÓP PHẦN TÌM HIỂU NGUỒN GỐC
MỘT SỐ THUẬT NGỮ TRONG BẢN THỂ LUẬN TRIẾT HỌC
(Đăng trong Tạp chí Thông tin khoa học xã hôi số10 tháng 10-95, tr. 18-21)
I. Siêu hình học hay bản thể luận
Trong triết học ngoài mácxít ở phương Tây, kể cả triết học ở phương Tây hiện đại, thuật ngữ “siêu hình học” đôi khi được dùng như một từ đồng nghĩa với “triết học”, nhưng thông thường nó được dùng để chỉ một bộ phận của triết học.
Siêu hình học (tiếng Latin là metaphysika) có nguồn gốc từ Hy lạp cổ đại metataphysika (sau vật lý )(1). Thuật ngữ này đáng lẽ phải dịch là “siêu vật lý” thì đúng hơn là “siêu hình học”. Nó được dùng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ I trước công nguyên để đặt tên cho một bộ sưu tập (14 tập) gồm những bài giảng và bài viết của Arixtôt về cái mà ông gọi là “triết học thứ nhất” (2). Sự thực không phải Arixtôt là người đầu tiên dùng thuật ngữ “siêu hình học” để đặt tên cho tác phẩm của mình như có tác giả đã từng nhầm lẫn như vậy (3). Arixtôt (388-322 TrsCN) chưa dùng thuật ngữ “siêu hình học”; ông gọi “triết học thứ nhất” là khoa học về tồn tại tự nó, về những cơ sở và nguyên nhân của mọi tồn tại; còn vật lý học thì ông gọi là “triết học thứ hai”.
Từ đó đến nay, thuật ngữ “siêu hình học” được dùng phổ biến ở phương Tây để chỉ một bộ phận của triết học - phần bàn về tồn tại. Sở dĩ người ta gọi bộ phận đó là “siêu hình học” (hay đúng hơn là “siêu vật lý học” là vì, khác với vật lý học là khoa học nghiên cứu về giới tự nhiên, tức là tồn tại cụ thể cảm tính, siêu hình học nghiên cứu tồn tại tự nó, về những bản nguyên siêu cảm tính của tồn tại, trong đó có học thuyết về thượng đế - theologia (thần học).
Trong chương trình lớp 12 phổ thông trung học ở miền Nam trước ngày giải phóng có dạy môn triết học gồm 3 bộ phận: siêu hình học, đạo đức học, luận lý học (tức lôgic học). Trong một cuốn sách giáo khoa triết học dùng trong trường đại học và cao đẳng hiện nay ở Mỹ, tác giả là Giáo sư tiến sĩ T.Z. Lavine phân chia triết học thành 6 ngành chính: Siêu hình học, lý luận nhận thức, đạo đức học, lôgic học, triết học chính trị và triết học lịch sử. “Siêu hình học (Metaphysics) tác giả viết - là ngành triết học đặt ra những câu hỏi về thực tại (reality). Cái gì là thực tại và cái gì chỉ là hiện tượng bên ngoài? Vũ trụ là loại thực tại gì - là ý thức hay vật chất, hay là một tồn tại siêu nhiên? Con người của bạn là loại thực tại gì? Đó là những câu hỏi do siêu hình học đặt ra” (4).
Triết học phương tây, khi phê phán triết học Mác, đã gọi chủ nghĩa duy vật biện chứng là siêu hình học, vì chủ nghiã duy vật biện chứng xem xét vật chất với tính cách là thực tại khách quan, tồn tại bên ngoài và độc lập với con người. Trái lại, triết học Mác dùng thuật ngữ siêu hình học với một nghĩa mới khác với nghĩa cổ truyền của nó để chỉ một trong hai phương pháp triết học đối lập nhau. Quan điểm siêu hình hay phương pháp siêu hình (đối lập với quan điểm biện chứng hay phương pháp biện chứng) xem xét thế giới trong trạng thái cô lập và tỉnh tại tuyệt đối, không thấy mối liên hệ phổ biến, không thấy sự vận động phát triển của sự vật, hiện tượng .
Để chỉ bộ phận triết học về tồn tại, những người nghiên cứu triết học theo lập trường mácxít nhiều khi dùng thuật ngữ “bản thể luận”, thí dụ “bản thể luận của Phật giáo”, “bản thể luận của Nho giáo”, v.v.. Bản thể luận (hay bản thể học: Ontology, Ontologie trong tiếng Anh, tiếng Pháp) là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Ontos (tồn tại) và logos (học thuyết). Theo Từ Điển Bách Khoa toàn thư Triết học, (Liên Xô cũ) thì bản thể luận là “học thuyết về tôn tại tự nó ”, là “một chuyên ngành triết học nghiên cứu những nguyên tắc căn bản của tồn tại, bản chất và những phạm trù chung nhất của tồn tại “... “Đôi khi khái niệm bản thể luận được đồng nhất với siêu hình học, nhưng thông thường thì nó được xem là một bộ phận cơ bản của siêu hình học - siêu hình học về tồn tại” (5).
Thuật ngữ “bản thể luận”được dùng lần đầu tiên vào năm 1613 trong từ điển triết học của nhà triết học Đức Rudolph Goclenius (Rudolph Göckel) và được Christian Wolff (1679-1754) đưa vào trong hệ thống triết học của mình (6).
II. Tồn tại, thực tại, thực thể
Tồn tại (tiếng Pháp: être, tiếng Anh: being) là phạm trù triết học dùng để chỉ hiện thực khách quan không phụ thuộc ý thức con người (7) . Tuy nhiên tồn tại của thế giới là cái gì, như thế nào - thì lại có sự khác nhau rất sâu sắc trong quan điểm của các nhà triết học trong lịch sử. Trong triết học Pacmênít, tồn tại là vũ trụ vật chất bất động; trong khi đó Hêraclít thì lại cho rằng nó luôn luôn biến đổi không ngừng. Các nhà triết học cổ Hy Lạp còn phân biệt “tồn tại chân thực “và “tồn tại theo quan niệm”. Chẳng hạn, Platon chia tồn tại làm hai cấp độ: tồn tại của “ý niệm” bất biến, vĩnh cửu, có trước giới tự nhiên và sinh ra tồn tại của những vật cảm tính, do đó nó là “tồn tại chân thực”. Còn tồn tại cảm tính luôn luôn biến đổi, không vĩnh cửu, là “tồn tại không chân thực”. Trái lại trong triết học duy tâm chủ quan của George Berkeley, David Hume thì chỉ có những gì tri giác được bằng các giác quan thì mới tồn tại; điều đó đươc thể hiện trong công thức nổi tiếng của Berkeley “tồn tại là đựơc tri giác”. Trong triết học hiện sinh chủ nghĩa của J.P. Sartre, tồn tại được chia thành “tồn tại - trong - nó” (être - en - soi) và “tồn tại - cho - nó” (être - pour - soi). Tồn tại - trong – nó, tức tồn tại tự nó, tồn tại ngoài ý thức của chủ thể nhận thức là vô nghĩa, phi lý, buồn nôn. Chỉ có tồn tại - cho – nó, tức tồn tại do ý thức, xúc cảm của chủ thể đem lại cho đối tượng mới là tồn tại đích thực (8) .
Trong triết học Mác Lênin, khái niệm tồn tại chỉ hiện thực khách quan ở bên ngoài, không phụ thuộc tư duy, ý thức con người. Mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại - vấn đề cơ bản của triết học - là mối quan hệ giữa tư duy, ý thức con người với thế giới khách quan bên ngoài ý thức con người. Triết học Mác chia tồn tại thành nhiều cấp độ: tồn tại tự nhiên, tồn tại xã hội và tồn tại của cá nhân con người (9) .
Trong bản thể luận triết học, đôi khi người ta dùng thuật ngữ “thực tại” (reality) để chỉ tồn tại thực sự, ở bên ngoài và không phụ thuộc ý thức con người. Thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Latin realis có nghĩa là thực, thực sự. Tùy theo lập trường triết học duy tâm hay duy vật mà “thực tại” có thể là ý thức hay vật chất. Để phân biệt vật chất với các loại thực tại của chủ nghĩa duy tâm khách quan, Lênin đã định nghĩa vật chất là “thực tại khách quan” (objektivnaia realnost) được đem lại cho con người trong cảm giác...”.
Xuất phát từ khái niệm thực tại có khái nệm: “thuyết thực tại” (realism). Thuyết thực tại (chủ nghĩa thực tại, thực tại luận) là khuynh hướng triết học cho rằng thực tại của thế giới là tinh thần, tồn tại ngoài ý thức con người (như “ý niệm” của Platon). Thời trung cổ, thuyết thực tại (đôi khi dịch là chủ nghĩa duy thực) cho rằng cái chung dưới hình thức các khái niệm phổ biến là thực tại khách quan, có trước sự vật và ý thức con người. Trong khi đó, thuyết duy danh (nominalism) - xuất phát từ tiếng La-tinh nomen (tên, tên gọi) - thì phủ nhận sự thực tại của cái chung của các khái niệm phổ biến và cho rằng chúng chỉ là những tên gọi không hơn không kém. Ngoài ra còn có trào lưu khác là khái niệm luận (conceptualism) - xuất phát từ tiếng La-tinh conceptus (khái niệm) - cũng chống lại thuyết thực tại, mặc dù họ thừa nhận cái chung có tồn tại, trong các sự vật đơn nhất và được phản ánh trong các khái niệm của con người, nhưng không thừa nhận thực tại khách quan của các khái niệm đó.
Chủ nghĩa duy tâm chủ quan đôi khi gọi chủ nghĩa duy vật là thuyết thực tại vì chủ nghĩa duy vật thừa nhận thực tại khách quan của vật chất. Lênin đã phản đối điều đó và nói rằng việc dùng thuật ngữ “chủ nghĩa duy vật” như Ăngghen là duy nhất đúng “vì thuật ngữ “thuyết thực tại” đã bị những người theo chủ nghĩa thực chứng và những kẻ hồ đồ khác dao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm lạm dụng khá nhiều rồi” (10) .
Thực thể (trong tiếng La-tinh là substantia: bản chất, cơ sở) là phạm trù triết học được dùng phổ biến từ thời cổ đại để chỉ cái tồn tại tự nó, độc lập, bất biến, vĩnh cửu, là bản chất của thế giới, là cơ sở, là trung tâm của tất cả mọi cái không có sự tồn tại độc lập, không bất biến, không vĩnh cửu. Theo quan điểm duy tâm, “thực thể “đó là tinh thần, vì tồn tại cảm tính chỉ là “cái bóng” của ý niệm (Platon), giới tự nhiên chỉ là “sự tha hóa” của ý niệm tuyệt đối (Hegel), vật chỉ là “phối hợp những cảm giác” (Berkeley).
Còn theo quan điểm duy vật của các nhà duy vật, thế kỷ XVII-XVIII (Spinoza, La Mettrie, Điderot) thì thực thể của thế giới là giới tự nhiên, là vật chất. Thí dụ: theo La Mettrie “chỉ tồn tại một thực thể duy nhất, bởi vì chỉ có thể gọi là thực thể cái gì tồn tại vĩnh viễn, không phụ thuộc vào nguyên nhân tối cao, cái gì tồn tại tự bản thân mình và tất yếu” (11) .
Trong lịch sử triết học có khuynh hướng chỉ thừa nhận một thực thể (thuyết nhất nguyên), có khuynh hướng thừa nhận hai thực thể (thuyết nhị nguyên) hoặc nhiều thực thể (thuyết đa nguyên).
III. Thuyết nhất nguyên, thuyết nhị nguyên, thuyết đa nguyên.
Các thuật ngữ “thuyết nhất nguyên”, “thuyết nhị nguyên và “thuyết đa nguyên” được nhà triết học Đức Christian Wolff (1679 - 1754) dùng đầu tiên trong hệ thống triết học của mình (12) .
“Thuyết nhất nguyên” (monism) - xuất phát từ monos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là một, duy nhất - là khuynh hướng triết học chỉ thừa nhận một thực thể, một bản nguyên duy nhất của thế giới, đó là vật chất (thuyết nhất nguyên duy vật) hoặc tinh thần (thuyết nhất nguyên duy tâm).
“Thuyết nhị nguyên” (dualism) - xuất phát từ tiếng La-tinh dualis (hai, có hai mặt) - là khuynh hướng triết học thừa nhận có hai thực thể độc lập, không phụ thuộc nhau, là vật chất và tinh thần. Đại biểu xuất sắc của thuyết này là nhà triết học Pháp René Descartes.
“Thuyết đa nguyên” (pluralism) - xuất phát từ tiếng La-tinh pluralis (nhiều) - là lập trường triết học cho rằng có nhiều bản nguyên hoặc dạng tồn tại độc lập không phụ thuộc nhau. Ngoài lĩnh vực bản thể luận, thuật ngữ này còn được dùng trong nhận thức luận để chỉ quan niệm cho rằng có nhiều chân lý. Thuyết đa nguyên còn có trong lĩnh vực chính trị. Đó là khuynnh hướng triết học chính trị chủ trương sự cùng tồn tại không phụ thuộc nhau của nhiều lập trường, tư tưởng chính trị, nhiều lực lượng, đảng phái chính trị thậm chí đối lập nhau trong cùng một nhà nước.
Tài liệu tham khảo
1. Từ điển Bách khoa Triết học (tiếng Nga), M.1983,tr. 362
2. Như trên, tr. 363
3. Xem Lịch sử triết học, gồm 3 tập, Nxb Tư tưởng - Văn hóa, Hà Nội 1992, tập II, tr 59.
4. T.Z. Lavine, From Socrates to Sartre: The Philosophic Quest, Bantom Books, New York 1989, p.1.
5,6. Xem Từ điển Bách khoa Triết học, Sđd, tr. 5.
7,8. Như trên, tr. 69,70.
9. Xem: From Socrates to Sartre ..., Sđd, tr. 353
10. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M.1980, t. 18, tr. 62.
11. Xem Lịch sử Triết học, Sđd, tập II, tr. 131, 136.
12. Xem Từ điển Bách khoa Triết học, Sđd, tr. 178, 503.