________________________________________
Trong kinh tế học, hiệu ứng tài sản (có tài liệu tiếng Việt gọi là hiệu ứng của cải, hiệu ứng thịnh vượng, ảnh hưởng của sự giàu có, v.v.) chỉ sự điều chỉnh tiêu dùng của cá nhân khi thấy giá trị tài sản (nhất là nhà ở, chứng khoán) của mình thay đổi. Người tiêu dùng có thể tiêu dùng nhiều hơn khi có nhiều tài sản hơn, và có thể tiêu dùng ít đi nếu tài sản bị giảm đi.
Tuy liên quan đến hành vi tiêu dùng của cá nhân, song hiện tượng hiệu ứng tài sản thường được quan tâm hơn trong kinh tế học vĩ mô khi tranh luận về tác động của các chính sách kinh tế và hiện tượng kinh tế tới tổng cầu.
Các nghiên cứu thực nghiệm cho đến nay vẫn đưa ra kết quả không thống nhất về việc hiệu ứng tài sản có ý nghĩa thống kê (statistically significant) hay không.
6 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2124 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiệu ứng tài sản, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hiệu ứng tài sản
Trong kinh tế học, hiệu ứng tài sản (có tài liệu tiếng Việt gọi là hiệu ứng của cải, hiệu ứng thịnh vượng, ảnh hưởng của sự giàu có, v.v...) chỉ sự điều chỉnh tiêu dùng của cá nhân khi thấy giá trị tài sản (nhất là nhà ở, chứng khoán) của mình thay đổi. Người tiêu dùng có thể tiêu dùng nhiều hơn khi có nhiều tài sản hơn, và có thể tiêu dùng ít đi nếu tài sản bị giảm đi.
Tuy liên quan đến hành vi tiêu dùng của cá nhân, song hiện tượng hiệu ứng tài sản thường được quan tâm hơn trong kinh tế học vĩ mô khi tranh luận về tác động của các chính sách kinh tế và hiện tượng kinh tế tới tổng cầu.
Các nghiên cứu thực nghiệm cho đến nay vẫn đưa ra kết quả không thống nhất về việc hiệu ứng tài sản có ý nghĩa thống kê (statistically significant) hay không.
Tiêu dùng phô trương
Tiêu dùng phô trương (một số tài liệu ở Việt Nam còn gọi là sự tiêu dùng nhằm thể hiện, sự tiêu dùng nhằm khoe khoang, sự tiêu thụ trưng phô) là một thuật ngữ kinh tế học để chỉ một loại hành vi tiêu dùng. Người ta tiêu dùng để cho mọi người xung quanh thấy mình ở địa vị xã hội nào đó, dù thực có địa vị xã đó hay không. Thuật ngữ này (tiếng Anh: conspicuous consumption) do Thorstein Veblen (1857-1929) đặt ra vào năm 1899 trong tác phẩm The Theory of the Leisure Class[1]. Trong tác phẩm này, Veblen mô tả hành vi tiêu dùng của tầng lớp mới giàu (Veblen gọi họ là leisure class trong tác phẩm của mình) cuối thế kỷ 19 nhờ công nghiệp hóa ở Hoa Kỳ.
Nhiều nghiên cứu thống kê đã cho thấy tiêu dùng phô trương là có trong thực tế. Chẳng hạn, Charles et al (2007)[2] cho thấy người gốc Phi và người gốc Mỹ Latinh ở Hoa Kỳ có xu hướng dành một tỷ lệ lớn chi tiêu của mình cho những hàng hóa trưng diện được (như ô tô, quần áo, đồ trang sức) hơn so với người da trắng có cùng mức sống. Grossman and Shapiro (1988)[3] tìm hiểu thấy có những người sẵn sàng mua hàng nhái (hàng gắn nhãn hiệu nổi tiếng nhưng không phải do hãng sở hữu nhãn hiệu đó sản xuất thực) hơn là mua hàng có cùng chất lượng nhưng không gắn nhãn hiệu nổi tiếng chứng tỏ họ cần nhãn hiệu để thỏa mãn nhu cầu trưng phô.
Nguyên nhân dẫn tới hành vi tiêu dùng phô trương được Veblen chỉ ra là: 1) sự ghen tỵ (envy) - người kém thành đạt muốn phô trương để che giấu sự kém thành đạt; và 2) sự kiêu hãnh (pride) - người ta muốn có danh tiếng thông qua phô trương để cho công việc của mình suôn sẻ hơn. Các nhà kinh tế học ngày nay dùng lý thuyết trò chơi để giải thích hành vi tiêu dùng này, chẳng hạn Friedman and Ostrov (2008)[4]. Các nhà kinh tế học và tâm lý học chỉ ra rằng hành vi tiêu dùng phô trương phụ thuộc vào kinh nghiệm, nhận thức và cả ý thức canh tranh của người tiêu dùng.[5]
Liên quan đến hành vi tiêu dùng phô trương, Veblen còn giới thiệu một khái niệm khác, gọi là hàng hóa Veblen. Đây là loại hàng hóa mà giá cả của chúng càng cao thì càng hấp dẫn người mua, bởi vì giá cả chính là thước đo của sự kiêu hãnh.
Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên
Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên - một khái niệm kinh tế của chủ nghĩa tiền tệ - là tỷ lệ thất nghiệp khi nền kinh tế ở trạng thái cân bằng dài hạn. Khái niệm này được đề xuất bởi Milton Friedman và Edmund Phelps vào năm 1968. Các giả thiết của kinh tế học cổ điển được áp dụng trong lý luận về tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, đó là nền kinh tế ở trạng thái cạnh tranh hoàn hảo, thị trường hàng hóa và thị trường lao động có khả năng điều chỉnh tức thời trước các biến động của giá cả.
Trong thập niên 1960, trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp đưa ra đường cong Phillips (sau này kinh tế học gọi tên rõ hơn là đường cong Phillips ngắn hạn) để chỉ tương quan âm giữa thay đổi tỷ lệ thất nghiệp và và thay đổi tỷ lệ lạm phát. Trên cơ sở này, họ cho rằng có thể làm giảm tỷ lệ thất nghiệp nếu áp dụng các chính sách thúc đẩy tổng cầu và chấp nhận lạm phát gia tăng. Friedman và Phelps phản đối ý tưởng nói trên. Hai người lập luận rằng chính sách đánh đổi lạm phát lấy giảm thất nghiệp chỉ có giá trị trong ngắn hạn. Còn trong dài hạn, nếu lạm phát tăng tốc thì tiền công thực tế tăng lên (tiền công danh nghĩa cố định theo hợp đồng đã thành lập). Điều này có nghĩa là giá lao động tăng, nên doanh nghiệp sẽ giảm thuê mướn lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ nhất thời giảm đi, rồi sẽ quay trở lại.
Nguyên nhân dẫn tới sự tồn tại của tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên được cho là các quy định về mức lương tối thiểu, sự không phù hợp giữa kỹ năng và công việc, v.v...
Từ GDP đến GPI
GDP (Gross Domestic Product - Tổng sản phẩm trong nước) đã dần dần trở thành quen thuộc không chỉ với các nhà kinh tế, các nhà quản lý và điều hành từ Trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp mà cả với người dân nước ta được bắt đầu từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 183/TTg ngày 25/12/1992 về việc Việt Nam chính thức áp dụng Hệ thống Tài khoản quốc gia (SNA) trên phạm vi cả nước.
GDP là một trong những chỉ tiêu quan trọng của SNA, là một trong những chỉ tiêu được Quốc hội trong kỳ họp cuối năm thông qua cho kế hoạch phát triển KT-XH năm sau, và cũng là chỉ tiêu được coi như là quan trọng nhất cùng với các chỉ tiêu khác để xem xét đánh giá tình hình phát triển KT-XH của đất nước sau một năm xây dựng và phát triển.
GDP là giá trị hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định thường là một năm.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng chỉ tiêu này ở mỗi quốc gia và cả thế giới trong nhiều năm đã qua và các năm sau được nhìn nhận dưới giác độ phát triển bền vững thì GDP có nhiều nhược điểm bởi không quan tâm đến môi trường, sinh thái nên tài nguyên đã bị khai thác trong các hoạt động sản xuất để tạo ra sản phẩm và dịch vụ dẫn đến nhiều nơi, nhiều lúc chỉ vì nhằm tăng trưởng (tăng GDP) nói chung, vì lợi nhuận nói riêng, mà đã khai thác vô tội vạ tài nguyên, không tính đến tác động đến môi trường, sinh thái, không tính đến việc đầu tư để tái tạo lại những tài nguyên đã bị khai thác, hoặc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; Theo SNA, phần khấu hao tài sản cố định (máy móc, thiết bị,...) vào tài khoản khấu hao, nhưng phần tài nguyên bị mất do khai thác và sử dụng trong quá trình hoạt động sản xuất lại tính vào tài khoản thu nhập. Chính vì vậy, nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế (trong đó có tổ chức thống kê Liên hợp quốc) đã nghiên cứu để tính một chỉ tiêu tổng hợp khác nhằm phản ảnh được sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững do đã tính đầy đủ các chi phí về vốn sản xuất, vốn con người và vốn môi trường. Đó là chỉ tiêu GDP xanh (Green GDP).
Chỉ tiêu GDP xanh là phần còn lại của GDP thuần1 sau khi đã khấu trừ chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. Như vậy, chỉ tiêu GDP xanh sẽ phản ánh được thực chất phát triển kinh tế của một quốc gia trên cả ba mặt: KT, XH, môi trường. Chỉ tiêu GDP xanh đã chính thức được giới thiệu vào năm 1993 trong Dự thảo hướng dẫn “Gắn kết hạch toán môi trường và hạch toán kinh tế”2 do Liên hợp quốc xây dựng nhằm đưa ra một hệ thống gắn kết kinh tế và môi trường, gọi tắt là SEEA (System of intetrated Enviromental and Economic Accounting).
GDP xanh cũng được tính theo ba phương pháp:
Phương pháp sản xuất:
GDP xanh = Tổng giá trị tăng thuần có tính đến yếu tố môi trường của các ngành kinh tế - Chi phí xử lý ô nhiễm môi trường do tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình gây ra.
Phương pháp thu nhập:
GDP xanh = Tổng sản phẩm trong nước thuần - Chi phí bảo vệ môi trường và giá trị tổn thất, xuống cấp tài nguyên môi trường.
Phương pháp tiêu dùng:
GDP xanh = Tiêu dùng cuối cùng + Tích luỹ tài sản - Khấu hao tài sản - Chi phí bảo vệ môi trường và giá trị tổn thất, xuống cấp tài nguyên môi trường + Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.
Nhiều nước đã tính thử nghiệm GDP xanh, cơ bản theo cách tính chỉ tiêu GDP xanh của Liên hợp quốc đưa ra, tuy nhiên cũng tuỳ thuộc rất nhiều vào thực trạng của thống kê từng nước, đặc biệt là với các chỉ tiêu liên quan đến môi trường, mà ở đây đòi hỏi có các thiết bị và đội ngũ cán bộ khoa học thường xuyên theo dõi việc khai thác sử dụng tài nguyên môi trường trong các hoạt động sản xuất cũng như các chất thải gây ô nhiễm môi trường. Thí dụ, ở Nhật Bản, tỷ lệ GDP xanh so với Tổng sản phẩm trong nước thuần (theo giá hiện hành), như sau: 1970: 91,5%; 1980: 97,9%; 1990: 98,8%; 1995: 98,8%. Còn ở Trung Quốc đã tính thử nghiệm cho năm 1992 (theo giá hiện hành), tỷ lệ là: 82,31%.
Nước ta cũng bắt đầu nghiên cứu việc tính chỉ tiêu GDP xanh, nhưng mới ở mức độ như các đề tài nghiên cứư khoa học ở các cấp độ khác nhau, như: Đề tài ở Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội quốc gia là đề tài Cấp Bộ, cũng liên quan đề tài này ở Viện Khoa học Thống kê (Tổng cục Thống kê) là đề tài cấp Cơ sở... Chính vì vậy, kết quả các đề tài mới dừng lại nêu vấn đề cần thiết, những vấn đề lý thuyết... còn chưa có một kết quả có tính định lượng chỉ tiêu GDP xanh một năm nào đó.
Chỉ tiêu tiến bộ đích thực (GPI - Genuine Progress Indicator)
Nếu như GDP xanh đã khắc phục một phần nào hạn chế về phạm vi tính của chỉ tiêu GDP dưới giác độ phát triển bền vững, nhưng GDP xanh vẫn bao gồm những hoạt động (đúng ra xã hội không mong muốn) và lại không bao gồm một số hoạt động luôn cần cho xã hội và chắc chắn sẽ còn rất cần cho xã hội trong tương lai nếu được xem xét dưới giác độ tiến bộ của xã hội, sự thịnh vượng trong phạm vi quốc gia và cả thế giới, nghĩa là những phạm vi mà chỉ tiêu GDP đang tính và chưa tính.
Thật vậy, với phạm vi tính GDP hiện nay, thì có quá nhiều “nghịch lý” không thể chấp nhận dưới giác độ tiến bộ của xã hội. Chẳng hạn, những hoạt động cho việc theo dõi, hạn chế tội phạm, các khoản chi về ly hôn, về lập gia đình mới (sau ly hôn) đều được tính vào giá trị sản xuất (GO), được tính vào GDP; Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vũ khí, xuất khẩu vũ khí, tăng cường lực lượng vũ trang... cũng làm tăng GDP; Các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm và sau đó là các hoạt động khắc phục ô nhiễm đều được tính vào GDP (thí dụ, sự kiện nhà máy Vedan (Đồng Nai) sản xuất bột ngọt xả nước thải ra sông Thị Vải đã vi phạm Luật Môi trường nhiều năm qua, gây nhiều thiệt hại cho môi trường, sinh thái và nhiều hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân như mọi người đã biết); Nhiều hoạt động kinh tế phải sử dụng tài nguyên (khai thác than, khoáng sản, dầu, khí, gỗ, nước,...) có những tài nguyên không tái tạo được (than, quặng, dầu,...) có nghĩa là làm suy kiệt tài nguyên được tính làm tăng VA, nhưng lại không coi đó là các hoạt động làm giảm sút tài sản,...; GDP không tính đến sự phân bổ thu nhập, vì có thể GDP tăng, nhưng người dân lại phải sống trong môi trường bị ô nhiễm (khí thải, bụi, tiếng ồn, nước không sạch,...), an ninh xã hội giảm, có nghĩa là sự “tiến bộ” trong cuộc sống không tăng mà lại còn giảm đi; GDP lại bỏ qua các khoản vay nợ nước ngoài để tiêu dùng (nhập siêu), các khoản tiêu dùng (tiêu dùng chính phủ và tiêu dùng cá nhân) cũng được tính vào GDP và nó trở thành gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia nhiều năm sau.
Trong khi đó, nhiều hoạt động rất cần thiết cho mỗi gia đình, cho xã hội lại không được quan tâm đến, như: các công việc nội trợ, các hoạt động cộng đồng hoàn toàn tự nguyện... không được tính vào GDP. Điều này có nhiều nguyên nhân thuộc phương pháp tính, phạm vi tính GDP, mà quan trọng hơn các hoạt động đó không được tiền tệ hoá (làm sao tính đúng và đủ giá trị công sức các bà vợ ở nhà làm nội trợ và dạy dỗ con cái... bằng đơn vị tiền tệ).
Do phạm vi tính GDP, cho nên nếu sử dụng chỉ tiêu đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia trên thực tế là không đầy đủ, và có những bất cập vì nó không phản ảnh sự tiến bộ của xã hội, sự lành mạnh của xã hội, sự lành mạnh của môi trường, sự đáp ứng các nhu cầu về thể chất và tinh thần của người dân để cuộc sống của họ có chất lượng hơn... Bằng việc so sánh ở một số quốc gia, người ta thấy có xu hướng sự tăng lên theo GDP bình quân đầu người thường cao hơn sự tăng lên về thịnh vượng kinh tế, về sự tiến bộ của xã hội.
Chính vì vậy, cách đây gần hai chục năm, Liên hợp quốc đã có chương trình hoàn thiện các chỉ tiêu đo lường sự tiến bộ của mỗi quốc gia. Tìm kiếm một chỉ tiêu có kết hợp với việc bảo vệ môi trường, với việc nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, có chất lượng cao hơn. Do đó, cách đây hơn chục năm, một trong những thay thế đầu tiên cho GDP trong đánh giá tiến bộ của xã hội là Chỉ tiêu tiến bộ đích thực (Genuine Progress Indicator - GPI) được các tổ chức phi chính phủ, một số quốc gia nghiên cứu áp dụng và coi như là một chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển bền vững của quốc gia.
GDI đã xem xét, bổ sung thêm hoặc loại bỏ (không tính) nếu so với phạm vi tính GDP gồm 20 phạm vi khác nhau, có thể gồm vào một số nhóm sau:
Các công việc nội trợ, lao động tự nguyện và giáo dục cao sẽ được tính vào GPI (GDP không tính phạm vi hoạt động này);
- Các chi phí kinh tế cho các hoạt động liên quan đến tội phạm, như: phí tổn về pháp luật, tổn hại về sức khoẻ về tài sản... GDP tính cả các tổn phí này, trong khi GPI không tính các chi phí phát sinh do tội phạm;
- Các hoạt động sử dụng tài nguyên thiên nhiên có giá trị mai sau, nó không tạo ra và càng không làm tăng thêm sự thịnh vượng hôm nay, mà thực chất là sự “vay mượn” thế hệ mai sau. GDP tính cả sự vay mượn này vào thu nhập hôm nay, còn GPI thì ngược lại không tính. Những suy giảm hoặc làm thoái hoá rừng, đất đai, và mất đi của các tài nguyên không thể khôi phục được (khoáng sản, nhiên liệu trong lòng đất,...) thì được coi là phí tổn hiện tại khi tính GPI.
- Hiện tượng ô nhiễm do các hoạt động sản xuất và chi phí khắc phục ô nhiễm này được tính như là lợi ích kép khi tính GDP. Còn GPI lại trừ các chi phí do ô nhiễm (không khí, nước,...) bằng những thiệt hại thực tế về sức khoẻ của con người và môi trường.
- Thiệt hại môi trường lâu dài (sự nóng lên của trái đất, các hệ quả sau đó như nước biển dâng lên, diện tích đất bị thu hẹp, bão lụt, nắng hạn tăng lên,...). Các chi phí cho việc sử dụng năng lượng, hoá chất gây nên các hiện tượng môi trường trên được coi là các chi phí khi tính GPI và phải loại trừ khi tính chỉ tiêu này;
- Một nghịch lý ở các nước phát triển, các nước giàu, thời gian nhàn rỗi để chăm lo công việc gia đình hoặc giải trí, nghỉ ngơi giảm thiểu so với thời gian làm việc. Đây là một thiệt hại, nhưng GDP đã bỏ qua thực tế thiệt hại này, nhưng khi tính GPI lại quan tâm vấn đề này. Do vậy GPI sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng thời gian nhàn rỗi (chú ý, không phải là tăng thời gian thất nghiệp).
GDP gộp cả các khoản tiền mà nhân dân phải chi cho việc ngăn ngừa các bất trắc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, như: tiền bồi thường cho các rủi ro: khám sức khoẻ, sửa chữa phương tiện do tại nạn, mua sắm các thiết bị kiểm tra ô nhiễm... Khi tính GPI các khoản chi bảo đảm an toàn cho cuộc sống này được coi là phí tổn hơn là các phúc lợi, do đó không nằm trong GPI.
- Thời gian sử dụng các mặt hàng tiêu dùng lâu bền và cơ sở hạ tầng công cộng: GDP tính lẫn lộn giá trị mua sắm cơ bản của người tiêu dùng với tổng số tiền chi trả để mua chúng, GPI coi số tiền chi tiêu để mua sắm các khoản chính yếu là phí tổn (nên không nằm trong GDP), còn giá trị chi trả dịch vụ hàng năm khi sử dụng nó (phí cầu, đường,...) lại được tính vào phúc lợi (nên lại nằm trong GDP);
- Còn sự phụ thuộc vào tài sản nước ngoài do vay nợ, hoặc nợ trong cán cân thanh toán quốc tế), nếu tiền vay nợ nước ngoài được sử dụng cho đầu tư nhằm làm tăng sự thịnh vượng quốc gia thì được tính vào GPI, nhưng nếu để chi cho tiêu dùng thì không nằm trong GPI (tức là làm giảm GPI);
Tóm lại, người ta hy vọng chỉ tiêu GPI sẽ bổ sung cho chỉ tiêu GDP nhằm đánh giá sự tiến bộ của xã hội ở mỗi quốc gia; GPI là một nhiệt độ kế để cung cấp các thông tin về sức khoẻ của nền kinh tế và trạng thái KT-XH của quốc gia thay đổi qua các năm, người dân của quốc gia được hưởng một cuộc sống tiến bộ như thế nào không chỉ về vật chất và tinh thần, trong một môi trường ít ô nhiễm và xã hội bình an. Và thật ra, phạm vi, phương pháp tính GPI cũng còn cần được hoàn thiện hơn nữa, để có thể được nhiều nước chấp nhận và tính toán như một chỉ tiêu thống kê quốc gia. Chính vì thế OECD cũng như tổ chức thống kê Liên hợp quốc vẫn tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh cách tính chỉ tiêu này.
Ở nước ta, chỉ tiêu GPI và chỉ tiêu GDP xanh (trước mắt là chỉ tiêu GDP xanh) cũng cần sớm được nghiên cứu, cần được đầu tư thích đáng về con người, về tiền, về tổ chức và cơ chế... để có thể tính thử nghiệm hai chỉ tiêu này, tiến tới 5 năm một lần chúng ta có thể công bố chỉ tiêu GDP xanh và tiếp đó là chỉ tiêu GPI và trong tương lai hai chỉ tiêu này sẽ lần lượt có thể được ghi nhận trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cùng với ngày càng hoàn thiện hơn việc tính GDP hàng quý, hàng năm./.
(Theo tapchikinhtedubao)