TÓM TẮT
Bài viết đề cập đến các hình thức giao tiếp của trẻ với giáo viên trong trường mầm
non, cụ thể là: Giao tiếp cảm xúc trực tiếp, giao tiếp công việc tình huống, giao tiếp nhận
thức ngoài tình huống và giao tiếp nhân cách ngoài tình huống. Từ đó, đưa ra các yêu cầu
đối với giáo viên mầm non khi giao tiếp với trẻ phù hợp với hình thức giao tiếp của trẻ ở
từng độ tuổi.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 268 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình thức giao tiếp của trẻ với giáo viên trong trường mầm non, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 25 - Thaùng 12/2014
18
HÌNH THỨC GIAO TIẾP CỦA TRẺ
VỚI GIÁO VIÊN TRONG TRƯỜNG MẦM NON
TRẦN THỊ PHƯƠNG(*)
TÓM TẮT
Bài viết đề cập đến các hình thức giao tiếp của trẻ với giáo viên trong trường mầm
non, cụ thể là: Giao tiếp cảm xúc trực tiếp, giao tiếp công việc tình huống, giao tiếp nhận
thức ngoài tình huống và giao tiếp nhân cách ngoài tình huống. Từ đó, đưa ra các yêu cầu
đối với giáo viên mầm non khi giao tiếp với trẻ phù hợp với hình thức giao tiếp của trẻ ở
từng độ tuổi.
Từ khóa: cảm xúc trực tiếp, công việc tình huống, nhận thức ngoài tình huống, nhân
cách ngoài tình huống
ABSTRACT
This paper mentions communication forms of children with teachers in kindergarten,
in specified: Direct emotion communication, Cases of work communication, Out of cases
perception communication and Out of cases personality communication. The author then
introduce demands for kindergarten teacher when communicating with children to match
with communication forms of each age.
Keywords: direct emotion, case of work, out of cases perception, out of cases
personality
1. MỞ ĐẦU(*)
Giao tiếp là con đường cơ bản để phát
triển nhân cách của mỗi cá nhân thông qua
quá trình lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội
đã được tích lũy và truyền lại từ các thế hệ
trước. Đối với trẻ 0-6 tuổi, giao tiếp càng
đóng vai trò quan trọng vì đây là giai đoạn
đầu tiên trong quá trình hình thành và phát
triển tâm lý của đứa trẻ, giúp cho chúng có
khả năng thích ứng và nhanh chóng hòa
nhập vào cuộc sống xã hội trong những giai
đoạn tiếp theo. Quá trình phát triển giao tiếp
của trẻ mầm non gắn chặt với quá trình hình
thành và phát triển nhân cách của chúng. Sự
phát triển giao tiếp của trẻ với giáo viên
trong trường mầm non được thay đổi bởi
nhu cầu giao tiếp của trẻ và thể hiện qua các
(*)TS, Trường Đại học Sài Gòn
hình thức giao tiếp của chúng.
2. CÁC HÌNH THỨC GIAO TIẾP CỦA
TRẺ VỚI GIÁO VIÊN TRONG TRƯỜNG
MẦM NON
2.1. Giao tiếp cảm xúc trực tiếp: Trẻ
từ 2 tháng đến 6 tháng
Giao tiếp cảm xúc trực tiếp là sự trao
đổi, tiếp xúc tâm lý giữa trẻ và người lớn,
trước hết là mẹ của trẻ, được thực hiện
bằng cử chỉ âu yếm, lời nói nhẹ nhàng, thể
hiện cảm xúc tích cực có tính trực tiếp giữa
mẹ và con.
Giao tiếp cảm xúc trực tiếp là hình thức
giao tiếp sơ đẳng nhất giữa trẻ với người
lớn. Hình thức giao tiếp này được biểu hiện
dưới hiện tượng: “Phức cảm hớn hở” khi có
người lớn giao tiếp với trẻ khoảng 2 tháng.
Trẻ có nét mặt hớn hở, tai mắt hướng về
19
tiếng động, chân tay khua rối rít, nhoẻn
miệng cười đó là những phản ứng cảm
xúc tích cực của trẻ thể hiện trong các tình
huống cụ thể như: khát nước được cho
uống, đói được cho bú, được mẹ trò chuyện
với trẻ. Đây là hiện tượng tâm lý đầu tiên
của trẻ có tính xã hội. Trẻ 4-6 tháng tuổi còn
thể hiện cảm xúc tích cực khi người lớn cho
trẻ tiếp xúc với đồ vật, đồ chơi. Nhà tâm lý
học Xô Viết Đ. B. Encônhin đã phát hiện
và diễn tả hiện tượng: “Phức cảm hớn hở”:
“Rất sớm, ngay từ tháng thứ 2 của cuộc
sống, ở trẻ đã xuất hiện nhu cầu giao tiếp
với người lớn” [2].
Giao tiếp cảm xúc trực tiếp đóng vai
trò rất quan trọng đối với sự phát triển tâm
lý của trẻ trong 6 tháng đầu cuộc đời trẻ.
Nhờ loại giao tiếp này, đứa trẻ có cảm giác
an toàn, thái độ tích cực với thế giới xung
quanh và qua đó, trẻ bắt đầu quan tâm đến
thế giới đồ vật, xuất hiện mong muốn cùng
chia sẻ những cảm xúc của mình với người
lớn và đồng cảm với họ. Các nhà tâm lý
học đánh giá cao vai trò của giao tiếp cảm
xúc trực tiếp với người lớn. M. I. Lixina
viết: “Cha mẹ, những người chăm nom trẻ
đặc biệt ghi nhận cái ngày có nhiều ý
nghĩa, khi đứa trẻ lần đầu tiên trong đời
dừng mắt lại và chăm chú nhìn họ mỉm
cười. Từ thời điểm này bắt đầu một thời kỳ
mới – Đứa trẻ chuyển từ một sinh vật
không biết gì về sự tồn tại của người khác,
thành một đứa trẻ cảm nhận được môt cách
nhạy bén sự âu yếm của người lớn và biểu
thị sự “cảm ơn” về điều đó”. [1]
Khi giao tiếp với trẻ 2 tháng đến 6
tháng với hình thức giao tiếp cảm xúc trực
tiếp, người lớn trước hết là mẹ của trẻ phải
thật nhẹ nhàng, kiên trì, âu yếm trẻ. Trẻ
nghe người lớn nói chuyện, chưa hiểu nội
dung nói gì nhưng người lớn vẫn phải
thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng lời nói,
cử chỉ, nét mặt, nụ cười để tạo cơ hội cho
trẻ làm quen với âm thanh tiếng nói của
con người. Khi trẻ 4 đến 6 tháng tuổi,
người lớn lựa chọn đồ vật, đồ chơi phù hợp
để trẻ tập cầm nắm vì đồ vật đồ chơi cũng
là phương tiện tạo cảm xúc tích cực khi
giao tiếp với người lớn. Ở giai đoạn này,
người lớn đóng vai trò “trung gian” hướng
trẻ chú ý tới đồ vật, đồ chơi, giúp trẻ nhận
ra chúng và hình thành kỹ năng cầm, nắm.
Khi cho trẻ tiếp xúc với đồ vật, đồ chơi,
người lớn vẫn phải giao tiếp với trẻ bằng
các phương tiện như lời nói và cử chỉ, điệu
bộ. Người lớn phải thật nhạy cảm trong
việc phán đoán các tâm trạng và nhu cầu
sinh lý, tâm lý của trẻ để thỏa mãn các nhu
cầu đó và tạo cảm giác an toàn, phát triển
các xúc cảm tích cực cho trẻ.
Trẻ 2 tháng đến 6 tháng chưa vào học
tại trường mầm non, chưa trực tiếp giao
tiếp với giáo viên mầm non, nhưng hình
thức giao tiếp cảm xúc trực tiếp ở giai đoạn
này rất quan trọng, nó tạo cơ sở thuận lợi
cho sự phát triển các hình thức giao tiếp ở
các độ tuổi lớn hơn của trẻ với giáo viên
mầm non sau này.
2.2. Giao tiếp công việc tình huống:
Trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi
Giao tiếp công việc tình huống thể hiện
khi trẻ bắt đầu tiếp xúc với thế giới đồ vật
xung quanh bằng hành động của chính
mình, song khi gặp khó khăn, trẻ hướng về
phía người lớn thể hiện nhu cầu giúp đỡ
trong tình huống, hoàn cảnh cụ thể.
Theo M.I.Lixina [1], giao tiếp công
việc tình huống của trẻ với người lớn diễn
ra ở 3 mức độ như sau:
Mức độ thứ nhất: Trẻ từ 1 tuổi đến 1
tuổi rưỡi, khi ngôn ngữ chưa phát triển, trẻ
cần có sự giúp đỡ trực tiếp của người lớn
trong hành động với các đồ vật.
Mức độ thứ hai: Trẻ từ 1 tuổi rưỡi đến
20
2 tuổi, khi ngôn ngữ bắt đầu trở thành
phương tiện giao tiếp chính thức, trẻ chủ
động yêu cầu sự giúp đỡ của người lớn khi
chúng hành động với đồ vật để giúp trẻ
khám phá đặc điểm, chức năng và phương
thức sử dụng đồ vật.
Mức độ thứ ba: Trẻ từ 2 tuổi đến 3 tuổi,
khi trẻ chủ động hành động theo mẫu của
người lớn. Người lớn đóng vai trò: Làm
mẫu cho trẻ làm theo và đánh giá hành động
của trẻ. Qua thái độ và sự nhận xét đánh giá
của người lớn, trẻ sẽ mạnh dạn, tự tin và
chủ động trong hành động của mình. Trẻ
nắm được hành động khảo sát đồ vật, từ đó
tìm hiểu đặc điểm, chức năng, phương thức
và qui tắc sử dụng đồ vật.
Giao tiếp công việc tình huống là hình
thức giao tiếp của trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi,
tức là trong giai đoạn hoạt động chủ đạo của
trẻ là hoạt động với đồ vật. Đây là giai đoạn
trẻ tập trung tìm hiểu thế giới xung quanh,
nên hình thức giao tiếp công việc tình
huống đóng vai trò rất quan trọng đối với sự
phát triển trí tuệ như: Tri giác, trí nhớ, tư
duy, tưởng tượng và ngôn ngữ; Phát triển
các loại tình cảm cấp cao như: Tình cảm
đạo đức, tình cảm trí tuệ và tình cảm thẩm
mỹ của trẻ. Khi trẻ tiếp xúc với thế giới đồ
vật xung quanh bằng hành động khám phá
hoặc thông qua câu hỏi: Cái gì đấy?; Làm gì
đấy? là thực ra trẻ đang khảo sát đồ vật, tìm
hiểu xem đồ vật này: Màu gì?; To hay nhỏ?;
Có dạng hình gì?; Dùng để làm gì?; Cách sử
dụng như thế nào? Nếu gặp khó khăn khi
đang tìm hiểu đồ vật thì trẻ thể hiện nhu cầu
được người lớn giúp đỡ. Ở giai đoạn 1 của
hình thức giao tiếp công việc tình huống, trẻ
dùng phương tiện phi ngôn ngữ (ngôn ngữ
cơ thể) là chủ yếu, ở giai đoạn 2 và giai
đoạn 3 thì trẻ đã biết dùng phương tiện ngôn
ngữ để giao tiếp với giáo viên mầm non.
Chính việc dùng phương tiện giao tiếp là
ngôn ngữ ở giai đoạn này là tiền đề rất quan
trọng để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ ở các
giai đoạn sau.
Để hình thức giao tiếp công việc tình
huống của trẻ 6 tháng đến 3 tuổi phát triển
tốt, giáo viên mầm non phải nắm được
phương tiện giao tiếp chủ yếu của trẻ ở
từng độ tuổi để có cách ứng xử cho phù
hợp. Giáo viên phải có sự nhạy cảm nắm
bắt được nhu cầu của trẻ để kịp thời giúp
đỡ trẻ. Giai đoạn từ 6 tháng đến 18 tháng,
trẻ đã tự vận động như: bò, đi đến chỗ có
đồ vật, đồ chơi và tự cầm nắm chúng,
người lớn nói chung và giáo viên mầm non
nói riêng lúc này đóng vai trò là người
hướng dẫn trẻ sử dụng đồ vật, đồ chơi theo
đúng chức năng của chúng. Trẻ là người
chủ động thực hiện các hành động như
cầm, nắm, lắc, đập, người lớn giúp trẻ
bước đầu khám phá các đồ vật, đồ chơi đó.
Nếu trẻ có nhu cầu giúp đỡ, giáo viên mầm
non không nên làm dùm trẻ mà tạo cơ hội
giúp đỡ trẻ tự hoạt động theo khả năng của
mình với các đồ vật, đồ chơi đó. Đối với
trẻ từ 18 tháng đến 36 tháng, trẻ thường
gặp khó khăn trong việc tìm hiểu chức
năng và phương thức sử dụng chúng. Giáo
viên mầm non không nên áp đặt trẻ phải sử
dụng đồ vật, đồ chơi theo chức năng chính
mà gợi ý cho trẻ khám phá cách sử dụng
theo chức năng phụ một cách sáng tạo. Đặc
biệt giáo viên mầm non yêu cầu trẻ nói
bằng lời: tên gọi, tên đặc điểm , chức năng,
cách sử dụng đồ vật, đồ chơi. Đây là cơ hội
rất tốt để phát triển ngôn ngữ cho trẻ phù
hợp với giai đoạn “phát cảm ngôn ngữ”
của trẻ. Giáo viên mầm non phải biết chọn
đồ vật, đồ chơi phù hợp với đặc điểm tâm
sinh lý của trẻ, tổ chức tốt hoạt động với đồ
vật để trẻ có cơ hội thực hiện hành động
công cụ và hành động thiết lập mối tương
quan nhằm tìm được các đặc điểm bên
21
ngoài, chức năng của đồ vật, phương thức
sử dụng và quy tắc hành vi xã hội khi sử
dụng đồ vật đó. Yêu cầu giáo viên mầm
non phải có thái độ tích cực khi trẻ có nhu
cầu giúp đỡ trong hoạt động với đồ vật.
2.3. Giao tiếp nhận thức ngoài
tình huống: Trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi
Giao tiếp nhận thức ngoài tình huống
là hình thức giao tiếp của trẻ trong việc
nhận thức thế giới xung quanh và lồng vào
các hoạt động nhận thức cùng người lớn.
Tính chất ngoài tình huống thể hiện ở chỗ
nhận thức của trẻ không bó hẹp với tình
huống cụ thể mà nó diễn ra liên tục với các
loại tình huống khác nhau.
Giao tiếp nhận thức ngoài tình huống
thể hiện tính hiểu biết, thích khám phá các
sự vật, hiện tượng ở thế giới xung quanh
của trẻ ở các độ tuổi khác nhau, cụ thể: Trẻ
3-4 tuổi khám phá thế giới xung quanh
thông qua hành động khảo sát đồ vật, đồ
chơi và các câu hỏi “Cái gì đây?”; “Làm gì
vậy?”. Nội dung câu hỏi của trẻ tập trung
vào tìm hiểu đặc điểm bên ngoài, công
dụng và phương thức sử dụng các đồ vật.
Trẻ 4-5 tuổi có nội dung các câu hỏi ngày
một phức tạp hơn không chỉ về đặc điểm
bên ngoài của sự vật, hiện tượng mà còn đi
sâu hỏi về nguồn gốc, cấu tạo của sự vật –
hiện tượng ở thế giới xung quanh cũng
như mối quan hệ giữa các sự vật hiện
tượng trong tự nhiên và xã hội, đó là câu
hỏi “Tại sao?”, “Như thế nào?”. Trẻ có thể
đưa ra một câu hỏi nhiều lần nhằm hiểu rõ
ràng hơn, cụ thể hơn, chính xác hơn về vấn
đề mà chúng quan tâm. Trong loại hình
giao tiếp này trẻ rất nhạy cảm với thái độ
của người lớn đối với những câu hỏi mà trẻ
đặt ra và những hành động khám phá thế
giới xung quanh do trẻ thực hiện. Giao tiếp
nhận thức này chỉ thực sự có ý nghĩa khi
người lớn tôn trọng tính chất nhận thức
trong các câu hỏi của trẻ và tôn trọng bản
thân trẻ.
Giao tiếp nhận thức ngoài tình huống
đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát
triển nhận thức, ngôn ngữ của trẻ, đặc biệt
là hình thành và phát triển sự tò mò, ham
hiểu biết về thế giới xung quanh, tức là
phát triển tình cảm trí tuệ cho trẻ. Vì vậy,
sự hình thành và phát triển hình thức giao
tiếp nhận thức ngoài tình huống giữa trẻ và
người lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng
đối với sự phát triển tâm lý của trẻ. Lần
đầu tiên trẻ tham gia vào sự hợp tác với
người lớn mang tính trí tuệ cao, nhờ đó mà
cuộc sống tinh thần của trẻ trở nên phong
phú, sâu sắc hơn, suy nghĩ của trẻ tách dần
ra khỏi các tình huống cụ thể, mang tính xã
hội hóa cao hơn.
Khi giao tiếp với trẻ ở hình thức giao
tiếp nhận thức ngoài tình huống, giáo viên
chọn lọc một số câu hỏi trả lời ngay, còn
các câu khác có thể hỏi trẻ và các trẻ trong
lớp để trẻ suy nghĩ tìm ra câu trả lời. Muốn
giúp trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh một
cách tích cực và hiệu quả, giáo viên mầm
non có thể giải đáp các thắc mắc của trẻ
bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời,
bằng các thí nghiệm khoa học, bằng cách
lồng ghép vào các tiết dạy và tạo ra các
tình huống có vấn đề. Như vậy yêu cầu
giáo viên mầm non phải có kiến thức
phong phú, đa dạng về sự vật, hiện tượng,
con người. Giáo viên mầm non tuyệt đối
không được chê bai trẻ, không được “làm
ngơ” khi trẻ đặt các câu hỏi về thế giới
xung quanh mà luôn động viên, khuyến
khích khen ngợi tính hiếu kỳ, ham nhận
thức ở trẻ.
2.4. Giao tiếp nhân cách ngoài
tình huống: Trẻ từ 5 đến 6 tuổi
Giao tiếp nhân cách ngoài tình huống
là hình thức giao tiếp giữa trẻ và người lớn
22
với nội dung giao tiếp xoay quanh những
chủ đề xã hội, con người. Thực chất khi
giao tiếp, trẻ tìm hiểu chuẩn mực đạo đức,
quy tắc hành vi xã hội, ý thức được trách
nhiệm về quyền hạn của mình đối với
những người xung quanh, tìm hiểu mối
quan hệ giữa người với người trong xã hội.
Trong hình thức giao tiếp nhân cách,
trẻ học, bắt chước người lớn, coi người lớn
là sự thể hiện mẫu mực về hành vi, đạo đức
đối với trẻ. Trẻ thể hiện mong muốn hiểu
biết và cảm thông trong quan hệ với người
lớn, trẻ thường cố gắng tìm hiểu lý do tại
sao người lớn lại hành động như vậy, chính
lúc đó trẻ có cơ hội nhớ lâu những điều
người lớn nói và những hành động mà
người lớn thực hiện. Trong hình thức giao
tiếp nhân cách ngoài tình huống, trẻ tìm
hiểu mối quan hệ giữa con người với con
người thông qua sự đánh giá của người lớn
hoặc sự tự đánh giá về hành vi của trẻ. Từ
đó sẽ hình thành ở trẻ tình cảm tự hào và
xấu hổ, trẻ sẽ hạn chế hành vi xấu và phát
huy hành vi tốt, đúng chuẩn mực đạo đức
và quy tắc hành vi xã hội.
Giao tiếp nhân cách ngoài tình huống
có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc
chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi tiếp
nhận các nhiệm vụ học tập ở trường phổ
thông sau này, nó là điều kiện thuận lợi
giúp cho hoạt động nhận thức, nâng cao
năng lực hoạt động trí óc và là cơ sở rất
quan trọng hình thành và phát triển nhân
cách của trẻ.
Trong trường mầm non, để giúp trẻ
phát triển hình thức giao tiếp nhân cách
ngoài tình huống, giúp trẻ lĩnh hội chuẩn
mực đạo đức và các quy tắc hành vi xã hội,
trước hết giáo viên phải là tấm gương về
hành vi, lời nói, tác phong, cách ứng xử với
trẻ, với những người xung quanh để trẻ noi
theo. Đồng thời giáo viên phải yêu cầu trẻ
thực hiện tốt chế độ sinh hoạt, nội quy sử
dụng đồ vật, đồ chơi và quy tắc giao tiếp
với người lớn, bạn bè, em nhỏ. Trong giao
tiếp với trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi, giáo viên
mầm non luôn chú ý đánh giá việc lĩnh hội
các chuẩn mực đạo đức và các quy tắc
hành vi xã hội của trẻ và kịp thời khen
ngợi, nhắc nhở trẻ. Nếu trẻ biết lễ phép với
người lớn, với cô giáo, biết nhường nhịn và
giúp đỡ bạn, thực hiện đúng các nội quy
của trường lớp, giáo viên mầm non khen
ngợi trẻ để từ đó hình thành ở trẻ tình cảm
tự hào. Trẻ sẽ cố gắng phát huy các hành vi
tốt. Đây là cơ sở quan trọng hình thành
nhân cách cho trẻ sau này. Đồng thời giáo
viên mầm non có thể nhắc nhở khi trẻ thực
hiện chưa tốt nội quy của trường lớp, trẻ có
tình cảm xấu hổ, sẽ hạn chế thực hiện các
hành vi đó. Trong giao tiếp với giáo viên
mầm non, trẻ cũng thường thắc mắc, tìm
hiểu các mối quan hệ xã hội của những
người xung quanh, khám phá về tình cảm,
trách nhiệm của con người đối với con
người, về chuẩn mực đạo đức và quy tắc
hành vi xã hội. Giáo viên mầm non phải có
thái độ tích cực, biết lắng nghe, có trách
nhiệm trả lời các thắc mắc trên của trẻ.
Giáo viên có thể trả lời các câu hỏi của trẻ
một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể
thông qua các gương tốt, việc tốt của
những người xung quanh, của bạn bè trẻ,
của các nhân vật trong truyện. để giúp
trẻ thỏa mãn nhu cầu khám phá về con
người, về xã hội.
3. KẾT LUẬN
Quá trình hình thành và phát triển các
hình thức giao tiếp của trẻ mầm non với
người lớn nói chung và giáo viên mầm non
nói riêng: Từ giao tiếp cảm xúc trực tiếp
đến giao tiếp công việc tình huống, giao
tiếp nhận thức ngoài tình huống và giao
tiếp nhân cách ngoài tình huống, gắn liền
23
với sự thay đổi nội dung, nhu cầu giao tiếp
giữa trẻ với người lớn. Sự xuất hiện các
hình thức giao tiếp mới không loại bỏ
những hình thức giao tiếp trước mà bổ
sung, hoàn thiện thành một khối liên kết
mới phức tạp hơn, sâu sắc hơn quy định sự
phát triển tâm lý cao hơn ở trẻ.
Giao tiếp với người lớn là con đường
cơ bản để trẻ lĩnh hội những kinh nghiệm
lịch sử xã hội loài người, nhờ đó mà nhân
cách của trẻ được hình thành và phát triển
góp phần tích cực cho việc chuẩn bị vào
học ở trường phổ thông.
Giáo viên mầm non cần nắm vững bản
chất và yêu cầu từng hình thức giao tiếp
của trẻ để tìm cách ứng xử phù hợp, góp
phần thực hiện công tác chăm sóc trẻ một
cách hiệu quả nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Thị Thanh (2002), Thực trạng giao tiếp giữa trẻ 5-6 tuổi với giáo viên trong
trường mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh, đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ.
2. Encônhin A.B., Vấn đề phân kỳ sự phát triển tâm lý trẻ em, Bản dịch của Viện Khoa
học Giáo dục.
3. Лисина М. И. (1985), Общение и регь. Развитие реги у детей в общении со
возросльыми, Москва, Предагогика.
4. Mukhina V.X. (1980), Tâm lý học mẫu giáo tập I, II, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5. Горшова Е. (1998), Учите детей общаться, Дошкоьное востание Н. 12 стр. 91-97.
* Ngày nhận bài: 14/7/2014. Biên tập xong: 1/12/2014. Duyệt đăng: 6/12/2014