Tóm tắt. Xecgây Exênhin (1895 -1925) là nhà thơ Nga nổi tiếng đầu thế kỉ XX, ông được
biết đến như thi sĩ cuối cùng của làng quê Nga. Trong khi đó, ở Việt Nam, Đoàn Văn Cừ
(1913 -2004) là một thi sĩ thuộc phái thơ điền viên trong phong trào thơ Mới. Hai nhà thơ
có sự gặp gỡ đầy thú vị trong hồn thơ đồng quê, đậm đà tính dân tộc. Trong bài báo này,
bằng phương pháp so sánh song hành, chúng tôi mong muốn làm nổi bật sự tương đồng và
khác biệt trong sự sáng tạo hình tượng làng quê của hai nhà thơ Đoàn Văn Cừ và Exênhin
và lí giải sự tương đồng và độc đáo đầy bất ngờ của hai thi sĩ thuộc hai dân tộc Nga – Việt.
9 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 203 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình tượng làng quê trong thơ Đoàn Văn Cừ và thơ Xecgây Exênhin, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2014, Vol. 59, No. 10, pp. 76-84
This paper is available online at
HÌNH TƯỢNG LÀNG QUÊ
TRONG THƠ ĐOÀN VĂN CỪ VÀ THƠ XECGÂY EXÊNHIN
Đào Thị Anh Lê
Khoa Xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định
Tóm tắt. Xecgây Exênhin (1895 -1925) là nhà thơ Nga nổi tiếng đầu thế kỉ XX, ông được
biết đến như thi sĩ cuối cùng của làng quê Nga. Trong khi đó, ở Việt Nam, Đoàn Văn Cừ
(1913 -2004) là một thi sĩ thuộc phái thơ điền viên trong phong trào thơ Mới. Hai nhà thơ
có sự gặp gỡ đầy thú vị trong hồn thơ đồng quê, đậm đà tính dân tộc. Trong bài báo này,
bằng phương pháp so sánh song hành, chúng tôi mong muốn làm nổi bật sự tương đồng và
khác biệt trong sự sáng tạo hình tượng làng quê của hai nhà thơ Đoàn Văn Cừ và Exênhin
và lí giải sự tương đồng và độc đáo đầy bất ngờ của hai thi sĩ thuộc hai dân tộc Nga – Việt.
Từ khóa: Exênhin, Đoàn Văn Cừ, hình tượng làng quê, tương đồng, độc đáo.
1. Mở đầu
Đầu thế kỉ XX, trên thi đàn Nga, Xecgây Exênhin (1895 -1925) xuất hiện như một tài năng
“độc đáo, kiệt xuất, thấm nhuần hương vị Nga thuần khiết” (M.Gorki). Trong thơ trữ tình Exênhin
bộc lộ tuyệt đẹp cái tôi đồng quê mang đậm chất dân gian. “Phái viên của làng thôn Nga” là danh
hiệu cao quí mà giới văn học Pêtecbua trao tặng thi sĩ tài hoa. Sau này, B.Paxtecnăc gọi Exênhin
là “người thể hiện tuyệt vời hương thơm của mảnh đất Nga”. Đoàn Văn Cừ (1913 -2004) là một
nhà thơ thuộc phái thơ điền viên của phong trào thơ Mới, được vinh danh là người vun gốc hồn
dân tộc, người neo giữ hồn quê. Cùng với Anh Thơ, Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân; Đoàn Văn Cừ trở
thành một trong tứ trụ của dòng thơ đồng quê trong phong trào thơ Mới. Hai nhà thơ Exênhin và
Đoàn Văn Cừ là con của hai dân tộc khác nhau nhưng có sự gặp gỡ hết sức thú vị trong hồn thơ
đồng quê đậm đà bản sắc dân tộc. Trong khi sáng tạo hình tượng làng quê, hai nhà thơ có sự tương
đồng và cả sự khác biệt. Chúng tôi dùng phương pháp so sánh song hành để mô tả cả hai thái cực
và bước đầu lí giải hiện tượng văn học này. Khi triển khai vấn đề, thơ Exênhin rất phong phú về
nội dung, chúng tôi chỉ dừng trên mảng thơ đồng quê của ông để nghiên cứu. Trái lại, thơ Đoàn
Văn Cừ khá thuần nhất về đề tài làng quê nhưng đề tài này của ông có nhiều biến đổi kéo dài trong
suốt con đường thơ của ông. Do đường thơ và đường đời của Exênhin ngắn ngủi, chúng tôi chọn
tập Thôn ca I bao gồm những sáng tác về nông thôn trước Cách mạng tháng Tám của Đoàn Văn
Cừ để làm cứ liệu so sánh với Exênhin và triển khai bài viết này.
Ngày nhận bài 11/1/2014. Ngày nhận đăng 25/05/2014.
Liên lạc Đào Thị Anh Lê, e-mail: anhle7277@gmail.com
76
Hình tượng làng quê trong thơ Đoàn Văn Cừ và thơ Xecgây Exênhin
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Sự gặp gỡ của hai hồn quê Nga – Việt
2.1.1. Bức họa làng quê
Làng quê, nơi thân thương yêu dấu của biết bao người, nơi tình sâu nghĩa nặng đã trở thành
cảm hứng của bao thi nhân trên thế giới. Với Exênhin và Đoàn Văn Cừ, làng quê là cảm hứng chủ
đạo trong thi ca. Thật lạ là tuy không có sự liên hệ nhưng hai nhà thơ cùng khắc tạc được những
bức họa đồng quê tuyệt đẹp theo cùng một hình thức giống nhau.
Trong thơ Exênhin, ta bắt gặp các hình ảnh đồng quê quen thuộc như những cánh đồng lúa
mạch chín vàng, những thảo nguyên xanh tít tắp chân trời, những cánh đồng xơ xác gốc rạ sau mùa
gặt hái, những khu rừng mùa thu trải vàng lá rụng, những ngôi nhà gỗ izơba bình yên, mùa xuân
vườn cây đâm chồi nảy lộc. Chất đồng quê còn được khắc họa bằng những thanh âm và hương vị
đồng quê. Trong thơ Exênhin là bản hòa ca của tiếng nước chảy, tiếng lá rơi, tiếng chim hót, tiếng
dế kêu trong bụi cây, tiếng cú vọng trên thảo nguyên, tiếng sói tru thảm thiết ngoài cánh đồng tuyết
trắng, tiếng kẽo kẹt của cỗ xe tam mã lăn bánh qua thảo nguyên, tiếng chuông nhà thờ ngân vang...
Thơ Exênhin không có thứ “mùi nhà hầm” phả ra nồng nặc trong tiểu thuyết của Đôtxtôiexki mà
tỏa ngát thứ hương thơm đồng nội vô cùng quyến rũ: mùi mật ong, mùi táo chín, mùi nhựa thông
thơm lừng, mùi ngải cứu thơm nồng, mùi rơm mới, mùi đất khô ngai ngái, mùi tuyết chín, hương
trầm, hương hoa hồng. Tất cả hòa quyện thành hương đồng nội “Những mùi hương say đắm tựa
hơi men” (Nguyễn Viết Thắng dịch). Chưa hết, còn hương hoa dại, mùi tuyết chín, mùi cỏ khô
nồng nàn đến mức tác giả phải thốt lên:
Tôi nghe trên môi mình một mùi không chịu nổi
Mùi cỏ dại nồng nàn da thiếu phụ hồi xuân.
(Đoàn Minh Tuấn dịch)
Trong ngôi nhà gỗ nông dân cũng tỏa ra hương bánh mì nướng thơm phức, mùi nước kvat
thơm lừng. Thậm chí cỗ xe ngựa lăn bánh qua thảo nguyên cũng thơm ngát mùi gỗ mới tỏa ra từ
bánh xe mới đóng. Thật tuyệt vời! Một nước Nga mênh mông, mơ màng, nên thơ mà bình dị đã
được khắc tạc từ diện mạo đến linh hồn. Trong thơ Exênhin cứ lan tỏa một không khí đồng quê
mênh mông vời vợi.
Trong thế giới thơ của Đoàn Văn Cừ, làng quê đậm chất Việt hiện lên thân thuộc với những
cánh đồng “bát ngát lúa vàng tươi”, dòng sông trắng “lượn quanh đê”, nhịp cầu bắc ngang dòng
sông nhỏ, đàn cò trắng “dăng hàng bay phấp phới”, bầu trời xanh biếc “trăng sao gội xuống trần”
và chiếc diều “lơ lửng dưới sông Ngân”, bầu trời hoàng hôn đẹp không thể tả: Chiều mạ vàng dãy
núi dưới chân mây/ Trăng sao bạc thêu màn trời gấm đỏ, những mái nhà gianh, những bãi cỏ non
xanh, những mái nhà tranh, hàng cau trước hè, hoa cải nở vàng hoe. Quê hương đẹp bình yên lạ
lùng. Trong bức tranh quê của Đoàn Văn Cừ cũng dồi dào âm thanh và hương vị. Hương vị đặc
trưng trong thơ Đoàn Văn Cừ là hương lúa chín thơm lừng trở đi trở lại trong các tác phẩm của
nhà thơ; bên cạnh đó còn phảng phất hương sen trong làn nước, hương xôi nếp quyện hương trầm
thơm ngát ngày tết. Tiếng diều sáo vi vu, tiếng chim gáy cúc cu, tiếng chim gù, tiếng gió lay cót
két ngọn tre già, tiếng gà gáy sáng. Những thanh âm của thiên nhiên đan xen với những âm thanh
của cuộc sống con người. Này đây tiếng kẽo kẹt của khung cửi, tiếng hát của lũ trẻ vang mặt sông,
tiếng chày giã gạo, những âm thanh huyên náo của một phiên chợ tết tấp nập, tiếng chiêng trống
đánh vang rền của lễ hội xuân và tiếng giảng bài của ông đồ chen trong tiếng chích chòe. Đó là
77
Đào Thị Anh Lê
những âm thanh vang vọng từ bức tranh quê của hai nhà thơ.
Màu sắc tràn đầy trong bức tranh quê của Đoàn Văn Cừ:
Ngày vừa rạng: vàng son lồng mặt nước
Trời thêu mây, núi tím, nắng phun hường
Cây xanh rờn sương đọng ngọc kim cương
Dòng nước lượn trong như dòng ngọc chảy
Đàn chim sẻ nấp nhìn qua kẽ sậy
Tia nắng hồng đốt cháy hạt sương trong
Con trâu đen chúi mũi đứng bên đồng
Cứ liếm mãi nắng vàng trên cỏ biếc
(Nắng xuân)
Và trong thơ Exênhin cũng vậy:
Ôi nước Nga, cánh đồng màu thắm đỏ
Và màu xanh ngã xuống dòng sông
(Thúy Toàn dịch)
Nhà thơ tỉ mẩn tô màu cho từng vật thể nhỏ bé như chiếc lá, giọt sương, tia nắng, ngôi sao,
mặt hồ xanh biếc, ngôi nhà gỗ óng ánh vàng, khu vườn trắng xóa, đụn rơm vàng ươm. . . Loài
vật xuất hiện trong thơ cũng khoác áo màu: bầy chó nhỏ mới sinh màu hung đỏ, bầy cừu “như
sương lam”, con bò hung đỏ, con gà đen. . . Cây cối cũng luôn sinh động với màu sắc của nó cây
liễu xanh, cây bạch dương tuyết phủ trắng ngời, thanh lương trà chín đỏ, cây anh đào trắng muốt.
Những không gian trong thơ Exênhin luôn được xác định bằng màu sắc cho dù chúng mênh mông
vô tận. Người ta có cảm giác là Exênhin đã hòa màu sắc rồi thả xuống dòng sông, hắt lên bầu trời,
đổ tràn ra cánh đồng và thảo nguyên, tung vào khu rừng, tưới lên thảm cỏ một cách vô cùng hào
phóng; tưởng như nhà thơ dựng khuôn hình rỗng rồi đổ màu sắc vào đó và đúc ra vạn vật vậy.
Như vậy, khắc họa bức tranh quê, hai nhà thơ đã khắc họa những bức tranh làng quê tràn
đầy sự sống với hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hương vị mang chất dân tộc đậm đà. Vẫn là hình
ảnh, hương sắc, thanh âm, mùi vị của thiên nhiên nhưng ở mỗi nhà thơ nó lại mang một vẻ đẹp
riêng của làng quê Nga và làng quê Việt. Ở đó, hình tượng làng quê được miêu tả với cái nhìn tươi
mới đầy ngỡ ngàng. Những hình ảnh làng quê từ lâu đã quen thuộc với biết bao người nhưng cả
hai nhà thơ đều phát hiện những nét đẹp tuyệt vời của nó, bất tử nó trong thi ca.
2.1.2. Bức tranh sinh hoạt nông thôn
Không chỉ khắc tạc hình hài, diện mạo làng quê, các nhà thơ còn cùng tái hiện rất thành
công cuộc sống làng quê với không gian sinh hoạt và sinh hoạt nông thôn đặc trưng của người
nông dân. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã tái hiện trong thơ cảnh tát nước đêm trăng, cày đồng xếp ải,
lũ trẻ vơ lá đốt chơi, đàn bà dệt cửi canh khuya khó nhọc để đến hội xuân nhởn nhơ khuyên vàng
yếm thắm, cảnh đập lúa dưới trăng, cảnh êm đềm của nhà nông Cảnh nhà dẫu túng vẫn êm đềm/
Ngày khó nhọc nhưng tối ngủ yên/ Mái rạ trăng vàng lơ lửng bóng/ Vòi cau, mưa chảy nước bên
hiên (Bữa cơm quê) và hình ảnh người nông dân hiền lành chất phác:
Xong mùa, mỏ hái treo từng chuỗi
Phản tối người chen, tiếng ngáy khò
(Lúa về)
Không gian sinh hoạt được khắc họa hết sức sinh động với những vật dụng quen thuộc:
78
Hình tượng làng quê trong thơ Đoàn Văn Cừ và thơ Xecgây Exênhin
Mấy chiếc cuốc treo cằm trên gác bếp
Vài chiếc xẻng dựa mình bên cửa liếp
Cối gạo nằm cắm mỏ dưới nhà ngang
Thang gác chân trên ngọn đống rơm vàng
(Xóm nhỏ)
Hình ảnh vật nuôi tạo nên sự gần gũi, ấm áp cho bức tranh quê với bầy gà, bầy vịt, đầu thềm
con chó ngủ lơ mơ, con mèo quyện dưới chân người, con bò vàng liếm nắng trên cỏ biếc, con gà
trống mào hồng, đôi gà trắng mượt như tơ, đôi ngỗng vươn cổ lơ ngơ, chim bồ câu sà xuống, vịt
tranh ăn, con cún Vàng vội vã tranh ăn.
Người đọc bất ngờ gặp trong thơ Exênhin một nước Nga dân dã với những sinh hoạt nông
thôn đặc trưng rất giống thơ của Đàn Văn Cừ. Người nông dân cày ruộng, đánh cá, dệt vải, chăn
gia súc, cắt cỏ, đập lúa, gieo trồng, gặt hái... Họ cần cù làm lụng trên mảnh đất quê hương, trong
ngôi nhà, mảnh vườn của mình. Không gian sinh hoạt của người nông dân Nga cũng được khắc
họa rất sinh động bằng hình ảnh của những đồ vật, những vật nuôi trong nhà. Trong thơ Exênhin,
ta thấy xuất hiện nhiều hình ảnh đồ vật thân thuộc với người Nga như cỗ xe tam mã, xe trượt tuyết,
bếp lò, bình nước cơ vát, chiếc cày gỗ, bình sữa tươi, túp lều, đống rơm, đụn rạ, những chiếc sào...
những đồ vật này luôn mang hơi thở bình dị của đời sống Nga và phác họa cuộc sống của họ trong
nét sinh hoạt độc đáo: những ngôi nhà ghép từ những phiến gỗ nhẵn bóng, vững chãi tạo cảm giác
đang sống ở thiên nhiên; những bình nước kvat thơm lừng ủ từ lúa mạch, những chiếc bếp lò to lớn
kiểu Nga mồ hóng đen ám cửa lò, những hàng rào thấp chỉ vừa đủ đánh dấu không gian vườn nhà.
Hình ảnh những vật nuôi cũng làm ấm lòng người. Này đây hình ảnh chú mèo len lén lại gần bình
sữa tươi mới vắt, bầy cừu xám khuất sau cổng vườn êm ả, con ngựa già uống nước trước sân, bầy
gà xao xác “poc...poc...poc” dưới cái vai cày, con chó già nua bên thềm ngôi nhà cũ... Không gian
sinh hoạt của con người được khắc họa sinh động, đằm sâu làm ta xúc động bởi sự mộc mạc, giản
dị của nó.
Từ những phân tích ở trên, ta nhận thấy khi sáng tạo hình tượng làng quê, hai nhà thơ Đoàn
Văn Cừ và Exênhin đã có sự tương đồng thú vị khi tái hiện bức tranh làng quê tràn đầy âm thanh,
sắc màu hương vị và hình ảnh; khi tái hiện chiều sâu văn hóa dân gian kết tụ trong tập tục, văn
hóa, tín ngưỡng, kinh nghiệm dân gian; khi khắc họa sinh động cuộc sống đặc trưng của những
người nông dân.
2.2. Nét độc đáo riêng của các nhà thơ
2.2.1. Tâm điểm bức tranh làng quê
Trong sáng tác của Đoàn Văn Cừ lấy thiên nhiên làm điểm tựa để mô tả con người và cuộc
sống. Thiên nhiên dù đẹp tươi và sinh động nhưng đó vẫn chỉ là nền của bức tranh còn con người
và cuộc sống của họ đó mới là tâm điểm. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng Thơ Đoàn Văn Cừ có
thể góp vào việc nghiên cứu nông thôn với tư cách là những tư liệu tin cậy. Còn nhà phê bình Hoài
Thanh ca ngợi “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn
Cừ” [8,202]. Quả thật, đời sống người nông dân hiện lên thật đầy đủ, trọn vẹn. Những bộ trang
phục trong thơ của Đoàn Văn Cừ xứng đáng là những bộ sưu tập về trang phục của người nông
dân miền Bắc trước Cách mạng tháng Tám. Khi xuân về tết đến, tháng giêng thong thả ngày rộng
tháng dài, người nông dân thong thả chơi xuân: Đàn ông, khăn nhiễu đội đầu/ Đôi giày da láng,
khăn trầu đỏ loe/ Đàn bà yếm đậu vàng hoe/ Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng (Chơi xuân).
79
Đào Thị Anh Lê
Ở phiên chợ làng, gái trai đi chợ xuân nhưng nhìn là thấy ngay sự khác nhau:
Trai tỉnh ô đen, quần lụa đũi
Gái quê khuyên bạc, yếm tơ sồi.
(Chợ làng vào xuân)
Trong một đám cưới, trang phục của người nào ra người đó. Bọn trai tơ mặt mày hớn hở
trong quần lụa chùng, nón dứa, áo sa huê. Những bà thanh lịch đầu nón nghệ, tay cầm khăn mặt
đỏ. Những thiếu nữ nông thôn áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh (Đám cưới mùa xuân).
Cảnh sống trong ngôi nhà nông thôn êm đềm, rõ nét như nghệ thuật sắp đặt:
Từ ngôi nhà
Nhà tre, mái rạ, vách bùn rơm
Cửa chắn con song mở gió vườn
Chum nước mưa vần bên cạnh chái Dưới giàn thiên lí tỏa hương thơm.
(Nhà tranh)
Đến mâm cơm bên hè:
Cơm ngày hai bữa dọn bên hè
Mâm gỗ, muôi dừa, đũa mộc tre
Gạo đỏ, cà thâm, vừng giã mặn
Chè tươi nấu đặc nước vàng hoe
(Bữa cơm quê)
Trong thơ Exênhin, thơ về phong cảnh làng quê, cuộc sống làng quê, thanh âm và hương vị
làng quê nhưng thiên nhiên là tâm điểm, hình ảnh con người mang tính chấm phá trong bức tranh
thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ ông đẹp tuyệt và viên mãn với đủ hình hài, màu sắc, hương vị,
thanh âm còn con người thường chỉ xuất hiện qua tiếng cười (Tiếng cười vang của các cô thôn nữ/
Đón gặp tôi như những tiếng khuyên vàng), tiếng mõ (Lão gác rừng ngái ngủ/ Khua vang hồi mõ
khô), tiếng hát, điệu nhảy. . . và nhiều bài thơ không có hình ảnh con người mà chỉ là những bức
tranh thiên nhiên làng quê thấm đẫm tâm trạng mà điểm nhấn là một mặt hồ, một khu vườn, một
cánh đồng, một thảo nguyên trong các tác phẩm “Nơi bình minh nghiêng đổ nước hồng”, “Anh
đào hãy rụng rơi như tuyết”, “Cây bạch dương màu trắng”, “Miền quê ta hoang vắng”... Trong thơ
đồng quê của Exênhin; thanh âm, hương vị, sắc màu, hình ảnh vẫn tỏa lan, phát sáng, ngân rung
từ thiên nhiên nhiều hơn từ con người.
2.2.2. Nghệ thuật sử dụng màu sắc
Thế giới trong mắt các nhà thơ Đoàn Văn Cừ và Exênhin là thế giới của màu sắc.Có một sự
gặp gỡ kì lạ giữa Exênin và Đoàn Văn Cừ trong tư duy nghệ thuật thể hiện ở việc sử dụng màu sắc
để chiếm lĩnh thế giới.Với Exênin thế giới được cảm nhận qua màu sắc và bằng màu sắc của ông
đã chiếm lĩnh vẻ đẹp của thế giới một cách thần tình. Vạn vật đều được nhà thơ thụ cảm qua màu
sắc từ vật thể, loài vật, cây cối, không gian, thời gian, cho đến thanh âm và những khái niệm trừu
tượng đều được mô tả qua màu sắc. Còn Đoàn Văn Cừ cũng coi màu sắc là phương tiện hữu hiệu
để chiếm lĩnh thế giới. Thiên nhiên hiện ra là mang màu sắc
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Hình ảnh con người được tái hiện qua màu sắc:
80
Hình tượng làng quê trong thơ Đoàn Văn Cừ và thơ Xecgây Exênhin
Trên cồn cỏ biếc, nắng hồng tuôn
Dây thắt lưng xanh, nón nghệ tròn
Cô chủ khuyên vàng đeo lấp lánh
Miệng cười đen nhánh, áo nâu non
(Ngày mùa)
Ngoài ra, sự vật hiện tượng, các loài vật đều được tô màu như một ý thức nghệ thuật của
nhà thơ.
Cũng giống Exênhin, tần số màu sắc trong thơ Đoàn Văn Cừ rất lớn. Nhưng Đoàn Văn Cừ
thiên về những màu sắc sặc sỡ, tươi đẹp. Hoài Thanh và Hoài Chân nhận định: “Những bức tranh
trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức
tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới
linh hoạt. Người xem tranh hoa mắt vì những nét những màu hình như rối rít cả lại; nhưng nhìn kĩ
thì màu nào nét nào cũng ngộ nghĩnh vui vui” [8,202]. Trong khi đó, bảng màu của Exênhin bên
cạnh những màu sắc tươi thắm là gam màu trung tính, trang nhã và nhiều màu tối lạnh. Trong thơ
Exênhin, những bức tranh hài hòa, trang nhã hơn là rực rỡ vui tươi.
Mặt khác, Đoàn Văn Cừ dùng màu sắc để tái hiện thế giới nhưng đó là thế giới gắn liền với
đời sống sinh hoạt của con người. Còn Exênhin yêu thích những màu sắc để vẽ phong cảnh thiên
nhiên, hình ảnh con người và những sinh hoạt của con người chỉ là những nét chấm phá.
Một điều nữa, Đoàn Văn Cừ không dùng màu sắc để biểu thị tính chất triết lí, còn ở Exênhin
điều đó thể hiện rất rõ. Màu sắc trong thơ Exênhin không dừng lại ở sự tái hiện tài tình thế giới,
màu sắc còn gắn chặt với tư tưởng. Màu sắc bộc lộ triết lí về cuộc đời, thể hiện quan niệm của
Exênhin về đất nước, con người bản thân mình. Sự phai màu, đổi màu mang tính triết lí về sự tàn
phai; chẳng hạn hình ảnh cây táo trắng đã ngả sang vàng đồng nghĩa với sự biến đổi của dòng đời.
“Trong thơ Exênhin, màu sắc mang ý nghĩa tượng trưng rất đậm nét” [4,54]. Màu hồng là màu
của ước mơ, hi vọng được hóa thân vào hình ảnh “ngựa hồng”, “ngày hồng”, và trở đi trở lại trong
sự tiếc nuối, dằn vặt của Exênhin về tuổi trẻ đã trôi qua, trong quá khứ. Các hình ảnh “nước Nga
vàng”, “nước Nga xanh”, có ý nghĩa biểu trưng rõ rệt. “Nước Nga vàng” là hình ảnh của nước Nga
cơ đốc giáo, nước Nga bằng gỗ cổ xưa vì nó gợi nhớ hình ảnh của những ngôi nhà gỗ óng vàng,
những đụn rạ, đống rơm, những buổi chiều vàng mênh mông. “Nước Nga xanh” là hình tượng đã
manh nha trong tư tưởng của L.Tônxtôi, Tuốcghênhep và được được Exênhin tạo dựng thành công,
ông khao khát gìn giữ một nước Nga thuần túy của tự nhiên, của đồng ruộng, một nước Nga thôn
dã từ ngàn đời nay không có sự băng hoại của sắt thép công nghiệp, không có chiến tranh, không
có hiện đại hóa, cơ khí hóa. Nguyễn Đình Chiến cho rằng, đây là tư tưởng triết học tinh thần của
Exênhin. Rõ ràng, sự gặp gỡ của hai nhà thơ đồng quê trong việc sử dụng màu sắc để chiếm lĩnh
vẻ đẹp của thế giới và con người vẫn có sự khác biệt.
2.2.3. Cảm hứng chủ đạo
Trong mảng thơ đồng quê của Đoàn Văn Cừ không phải không có những bức tranh hiện
thực về đám ma, cháy nhà, cướp đêm. . . nhưng chỉ có vài ba bài về chủ đề đó; Đoàn Văn Cừ vẫn
là nhà thơ của hội, của tết, của đám cưới, của mùa xuân; nhà thơ của vui vẻ, náo nhiệt. Niềm vui
được tái hiện từ phiên chợ Tết lôi cuốn bao người ra đường từ trẻ già, trai gái với đủ thứ trên trời
dưới đất của phiên chợ đông vui, quan trọng nhất trong năm. Đó là ngày hội xuân với đủ mọi trò
chơi từ hát hội, đánh đu, đấu vật, tế lễ. Đó là đám cưới mùa xuân với ước hẹn sum vầy.
Thơ đồng quê Exênhin là những vần thơ tuyệt hay khắc tạc tuyệt vời hình tượng nước
81
Đào Thị Anh Lê
Nga, nhưng trong các bài thơ lại in đậm nỗi buồn. M.Gorki gọi ông là“ca sĩ của nỗi sầu đồng
ruộng”[1,235]. Thơ trữ tình của Exênhin tràn đầy những hình ảnh buồn. Nỗi buồn còn được gửi
trong hình ảnh đoàn người ngước mắt lên cao đăm đắm nguyện cầu mưa xuống để tránh hạn hán,
hình ảnh kẻ hành khất đứng trên bậc thềm nhà thờ với đôi mắt như cây ngưu bàng phai lá, cô dâu
hát trong đêm vui tiễn biệt như con chim nhỏ đơn côi, hình ảnh người mẹ luôn dạo bộ ra đường
ngóng đợi đứa con yêu dấu đều ấp ủ một nỗi buồn. Trong thơ Exênhin còn chứa đựng những nỗi
buồn được gọi thành tên: nỗi buồn đàn sếu, nỗi buồn chiều hôm, nỗi buồn Côlômen, nỗi buồn liễu
rủ, nỗi buồn trăng thu, nỗi sầu hồ nước. . . gợi lên một nỗi buồn lớn hơn, diệu vợi mênh mông: nỗi
buồn mùa thu, nỗi buồn làng quê, nỗi sầu đồng ruộng.
Từ cảm hứng chủ đạo đó xuất hiện sự khác nhau về bút pháp. Đoàn Văn Cừ thiên về bút
pháp hiện thực với thủ pháp tả chân. “Đoàn Văn Cừ lại chủ trương một lối thơ hiện thực, chuyên về
đề tài nông thôn. Trong thơ ông, nông thôn là nông thôn của đời thực với chuyện gặt hái, ma chay,
cưới xin, chợ búa, những ông lái, ông đội và cả đàn trâu, đàn vịt” (Vũ Quần Phương) “Giọng điệu
và ngôn từ cùng phong vị của nó là thơ đích thực; cấu trúc của mỗi tác phẩm lại đậm đà chất kí
sự, truyện ngắn và phảng phất yếu tố hoạt cảnh kịch. Sự hòa lẫn tự nhiên hai y